You are on page 1of 11

Phần I.

MỞ ĐẦU
Vai trò của đạm đối với thực vật
Đối với thực vật nói chung và cây trồng nói riêng, N có vai trò sinh lý đặc biệt
quan trọng đối với sinh trưởng, phát triển và hình thành năng suất. N có mặt trong
rất nhiều hợp chất hữu cơ quan trọng có vai trò quyết định trong quá trình trao đổi
chất và năng lượng, đến hoạt động sinh lý của cây.
- N là nguyên tố đặc thù của protein mà protein lại có vai trò cực kỳ quan
trọng đối với cây.
+ Protein là thành phần chủ yếu tham gia cấu trúc nên hệ thống chất
nguyên sinh trong tế bào, cấu tạo nên hệ thống màng sinh học, các bào quan trong
tế bào.
+ Protein là thành phần bắt buộc của các enzyme.

Chu trình cố định N trong tự nhiên


- N có trong thành phần của acid nucleic (AND và ARN). Ngoài chức
năng duy trì và truyền thông tin di truyền, acid nucleic đóng vai trò rất quan trọng
trong quá trình sinh tổng hợp protein, sự phân chia và sự sinh trưởng của tế bào...
- N là thành phần quan trọng của chlorophyll, là một trong những yếu
tố quyết định hoạt động quang hợp của cây, cung cấp chất hữu cơ cho sự sống của
các sinh vật trên trái đất.
- N là thành phần của một số phytohormone như auxin và cytokinin.
Đây là những chất quan trọng trong quá trình phân chia và sinh trưởng của tế
bào và của cây.
- N tham gia vào thành phần của ADP, ATP, có vai trò quan trọng trong trao
đổi năng lượng của cây.
- N tham gia vào thành phần của phytochrome có nhiệm vụ điều chỉnh
quá trình sinh trưởng, phát triển của cây có liên quan đến ánh sáng như phản ứng
quang chu kỳ, sự nảy mầm, tính hướng quang.
Vì vậy cây rất nhạy cảm với N. N có tác dụng hai mặt đến năng suất cây trồng,
nếu cây trồng thừa hay thiếu N đều có hại.
- Thừa N: khác với các nguyên tố khác, việc thừa N có ảnh hưởng rất nghiêm
trọng đến sinh trưởng, phát triển và hình thành năng suất ở cây trồng. Cây sinh
trưởng quá mạnh, thân lá tăng nhanh mà mô cơ giới kém hình thành nên cây rất
yếu, dễ lốp đổ, giảm năng suất nghiêm trọng và có trường hợp không có thu hoạch.
- Thiếu N: thiếu N cây sinh trưởng kém, chlorophyll không được tổng
hợp đầy đủ, lá vàng, đẻ nhánh và phân cành kém, sút giảm hoạt động quang hợp
và tích lũy, giảm năng suất. Tùy theo mức độ thiếu đạm mà năng suất giảm
nhiều hay ít. Trong trường hợp có triệu chứng thiếu đạm thì chỉ cần bổ sung phân
đạm là cây sinh trưởng và phát triển bình thường.
Đạm giữ vai trò quan trọng đối với việc hình thành bộ rễ, thúc đẩy nhanh quá
trình đẻ nhánh, nảy chồi và cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển thân lá. Thiếu
đạm cây sinh trưởng còi cọc, trên lá già xuất hiện màu xanh lợt đến vàng nhạt, bắt
đầu từ chóp lá, tiếp đó bị chết hoặc rụng tùy mức độ thiếu. Nếu thừa đạm cây
thường có màu xanh xẫm, lá nhiều, nhưng số rễ hạn chế, phát triển kém; thường
dẫn đến bị lốp đổ.

Phần II.
NỘI DUNG

1. Chu trình chuyển hoá đạm trong đất


Bao gồm các quá trình sau:
+ Hợp chất hữu cơ ----> NH4+ nhờ vi khuẩn amôn hóa , 1phần NH4+ được cây
hấp thụ luôn , một phần được vi khuẩn nitrat hóa chuyển thành NO3- rồi mới đi vào
rễ cây;
+ Quá trình đồng hòa nitơ phân tử: N2---->NH3 nhờ vi sinh vật cố định nitơ
trong đất, vi sinh vật đó có chứa enzim nitrogenaza bẻ gãy đươc 3 liên kết cộng hoá
trị bền vững của phân tử N2 để N liên kết với H tạo thành NH3.
+ Quá trình phản nitrat hóa: NO3---> N2 bởi các vi sinh vật kị khí (vi sinh vật
phản nitrat hóa).
Để hạn chế quá trình này chúng ta có thể áp dụng biện pháp làm cho đất tơi
xốp ,thoáng khí vì nó sẽ ngăn cản hoạt động của vi sinh vật kị khí trên.
2. Chu trình Nitơ
Nitơ là một nguyên tố có nguồn dự trữ khá giàu trong khí quyển, chiếm gần
80% thể tích, gấp gần 4 lần thể tích khí oxy. Nitơ là thành phần quan trọng cấu
thành nguyên sinh chất tế bào, là cấu trúc của protein... Nitơ phân tử (Nitơ
tự do - N2) có nhiều trong khí quyển, nhưng chúng không có hoạt tính sinh
học đối với phần lớn các loài sinh vật, chỉ một số rất ít các loài sinh vật có khả năng
đồng hoá được nitơ ở dạng này. Các loài thực vật có thể sử dụng được nitơ ở dạng
muối như nitrat - đạm dễ tiêu (NO3-) hoặc ở dạng ion amon (NH4+), NO2,...
Chu trình nitơ về cơ bản cũng tương tự như các chu trình khí khác, được sinh
vật sản xuất hấp thụ và đồng hoá rồi được chu chuyển qua các nhóm sinh vật tiêu
thụ, cuối cùng bị sinh vật phân huỷ trả lại nitơ phân tử cho môi trường. Tuy nhiên
quá trình này diễn ra phức tạp hơn nhiều, tuy vậy chu trình nitơ là chu trình xảy ra
nhanh và liên tục. Do tính chất phức tạp của chu trình bao gồm nhiều công đoạn
theo từng bước: sự cố định đạm, sự amôn hoá, nitit hoá, nitrat hoá và phản nitrat.
+ Sự cố định đạm (Nitrogen fixation)
Cố định đạm trước hết đòi hỏi sự hoạt hoá phân tử nitơ để tách nó thành 2
nguyên tử (N2 => 2N), trong cố định nitơ sinh học thì đó là bước đòi hỏi năng
lượng là 160 Cal/mol. Khi kết hợp nitơ với hydro tạo thành amoniac (N
+H => NH3). Tất cả các sinh vật cố định nitơ đều cần năng lượng từ bên ngoài, mà
các hợp chất cacbon đóng vai trò đó để thực hiện những phản ứng nội nhiệt
(Endothermic). Trong quá trình cố định đạm, vai trò điều hoà chính là 2 loại
enzym: nitrogenase và hydrogenase; chúng đòi hỏi nguồn năng lượng rất thấp.
Trong tự nhiên, cố định đạm xảy ra bằng con đường hoá - lý và sinh học, trong
đó con đường sinh học có ý nghĩa nhất và cung cấp 1 khối lượng lớn đạm dễ tiêu
cho môi trường đất. Sự cố định đạm bằng điện hoá và quang hoá trung bình hàng
năm tạo ra 7,6 triệu tấn (4-10kg/ha/năm), còn bằng con đường sinh học khoảng 54
triệu tấn .
Những sinh vật có khả năng cố định đạm là vi khuẩn và tảo. Chúng gồm 2
nhóm chính: Nhóm sống cộng sinh (phần lớn là vi khuẩn, một số ít tảo và nấm) và
nhóm sống tự do (chủ yếu là vi khuẩn và tảo). Vi khuẩn cố định đạm sống cộng
sinh gặp nhiều trong đất, ngược lại các loài cố định đạm sống tự do lại gặp nhiều
trong nước và trong đất. Song nhóm cộng sinh về mặt số lượng có vai trò quan
trọng hơn, gấp trăm lần nhóm sống tự do.
Ngoài những vi khuẩn cố định đạm cần năng lượng lấy từ nguồn cacbon bên
ngoài, còn có loài vi khuẩn tía (Rhodopseudomonas capsulata) có thể sinh sống
bằng nitơ phân tử trong điều kiện kỵ khí mà ánh sáng được sử dụng như một
nguồn năng lượng (Madigan và nnk, 1979).
Những vi khuẩn có khả năng cố định nitơ gồm các loài của chi
Rhizobium sống cộng sinh với các cây họ Đậu để tạo nên các nốt sần ở rễ, cố định
được một lượng lớn nitơ. Ví dụ, cỏ 3 lá (Trifolium sp.) và đậu chàm
(Medicago sp.) cố định được 150 - 400kg/ha/năm. Ngoài ra gần đây, người ta còn
phát hiện ra một số các loài xạ khuẩn (Actinomycetes) (nhất là các nấm nguyên
thuỷ) cộng sinh trong rễ của chi Alnus và một số loài cây khác cũng có khả năng
cố định đạm, tuy hiệu suất thấp hơn so với Rhizobium. Đến nay, người ta đã
biết được xạ khuẩn sống cộng sinh trong rễ của 160 loài cây thuộc 8 chi của 8 họ
thực vật khác nhau. Ngoài các loài của chi Alnus, các loài khác đều thuộc các
chi Ceanothus, Comptonia, Eleagnus, Myrica, Casuarina, Coriaria, Araucaria
và Ginkgo (Torrey, 1978) và chúng sống tập trung ở vùng ôn đới.
Trong môi trường nước, vi sinh vật cố định nitơ khá phong phú. Ở đây
thường gặp những loài vi khuẩn kỵ khí thuộc các chi Clostridium, Methano,
Bacterium, Methanococcus, Desulfovibrio và một số vi sinh vật quang hợp khác.
Ở những nơi thoáng khí thường gặp các đại diện của Azotobacteriaceae (như
Azotobacter) và các loài tảo (vi khuẩn lam) thuộc các chi Anabaena,
Aphanozinemon, Nostoc, Microcystis, Nodularia, Gloeocapsa ... Để hoạt hoá
nitơ, những sinh vật tự dưỡng sử dụng năng lượng của quá trình quang hoá hoặc
hoá tổng hợp, còn các vi sinh vật dị dưỡng sử dụng năng lượng chứa trong các hợp
chất hữu cơ có sẵn trong môi trường.
+ Quá trình amon hoá (Ammoniafication) hay khoáng hoá (Mineralization).
Sau khi gắn kết hợp chất nitơ vô cơ (NO3-) thành dạng hữu cơ
(thường là nhóm amin - NH2) thông qua sự tổng hợp protein và acid nucleic
thì phần lớn chúng lại quay trở về chu trình như các chất thải của quá trình trao
đổi chất (urê, acid uric...) hoặc chất sống (protoplasma) trong cơ thể chết.
Rất nhiều vi khuẩn dị dưỡng, Actinomycetes và nấm trong đất, trong nước lại
sử dụng các hợp chất hữu cơ giàu đạm, cuối cùng chúng thải ra môi trường các
dạng nitơ vô cơ (NO2-, NO3- và NH3). Quá trình đó được gọi là amôn hoá hay
khoáng hoá. Quá trình này là các phản ứng giải phóng năng lượng hay phản
ứng ngoại nhiệt. Chẳng hạn nếu protein là glyxin baz thì quá trình amôn hoá sẽ
giải phóng ra 176 Cal/mol. Năng lượng này được vi khuẩn sử dụng để duy trì các
hoạt động sống của mình. Tại những nơi yếm khí, nhiều vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn
đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phân giải protein để giải phóng NH3 và
H2S... trong đó, một số vi sinh vật amôn hoá khá “hẹp thực”, chỉ sử dụng pepton
mà không phân huỷ các acid amin, sử dụng urê mà không phân huỷ uric; ngược lại
nhiều loài sử dụng rất rộng rãi nguồn chất hữu cơ chứa nitơ, từ dạng đơn giản nhất
đến cả dạng phức tạp nhất.
+ Quá trình nitrat hoá (Nitrification)
Quá trình biến đổi của NH3, NH4+ thành NO2-, NO3- được gọi là quá trình
nitrit hoá và nitrat hoá hay gọi chung là quá trình nitrat hoá. Quá trình này phụ
thuộc vào pH của môi trường và xảy ra chậm chạp, Trong điều kiện pH thấp, tuy
không phải tất cả, quá trình nitrat trải qua hai bước:
- Bước đầu: Biến đổi amôn hay amoniac thành nitrit
2NH4+ + 3O2 ----- Oxi hoá -----> 2NO2 + 4H+ + Năng lượng.
- Tiếp theo: Biến đổi nitrit thành nitrat
2NO2 +O2 ---- Oxi hoá------> 2NO3 + Năng lượng.
Những đại diện của chủng vi sinh vật Nitrosomonas có thể biến đổi amoniac
thành nitrit, một chất độc thậm chí với hàm lượng rất nhỏ. Những vi sinh vật khác
như Nitrobacter lại dinh dưỡng bằng nitrit, tiếp tục biến đổi nó thành nitrat. Những
vi sinh vật nitrit hoá đều là những sinh vật tự dưỡng hoá tổng hợp, lấy năng
lượng từ quá trình oxy hoá. Chẳng hạn, Nitrosomonas khi chuyển hóa
amoniac thành NO2- sinh ra năng lượng 65 Cal/mol, còn Nitrobacter tạo ra năng
lượng 17 Cal/mol. Chúng sử dụng một phần năng lượng này để kiếm nguồn
cacbon từ việc khử CO2 hay HCO3- Như vậy, khi thực hiện điều này để tự tăng
trưởng, chúng đã sản sinh ra một lượng đáng kể nitrit hoặc nitrat cho môi trường.
Nitrat (cũng như nitrit) dễ dàng lọc khỏi đất, đặc biệt trong đất chua.
Nếu không được thực vật đồng hoá, chúng có thể thoát ra khỏi hệ sinh thái này để
đến hệ sinh thái khác qua sự chu chuyển của nước ngầm.
+ Quá trình phản nitrat hoá (Denitrification)
Con đường chuyển hoá của nitrat qua các quá trình đồng hoá - dị hoá để trở về
các dạng như N2, NO, N2O được gọi là quá trình phản nitrat. Những đại diện của vi
khuẩn đóng vai trò quan trọng trong quá trình này là Pseudomonas, Escherichia
và nấm. Chúng sử dụng nitrat như nguồn oxy với sự có mặt của glucose và
photphat. Phần lớn những vi khuẩn phản nitrat chỉ khử nitrat đến nitrit, các loài
khác lại khử nitrit đến amoniac. Trong điều kiện kỵ khí, sự phản nitrat đến
dạng N2O khi có mặt của glucose là 1 phản ứng ngoại nhiệt, giải phóng 1 lượng
nhiệt 545 Cal/mol. Còn phản nitrat đến nitơ phân tử cho 570 Cal/mol. Ngược lại,
các phản ứng oxy hoá glucose trong điều kiện hiếu khí cho 686 Cal/mol. Trừ khi bị
bắt trở lại trong quá trình cố định nitơ. Nitơ phân tử được giải phóng trong quá
trình phản nitrat hoá có thể trở lại nguồn dự trữ trong khí quyển, song dù là 1 dạng
oxyt hay nitơ phân tử có được tạo thành hay không đều tuỳ thuộc vào pH của môi
trường. Sự gia tăng oxyt nitơ (NO) xuất hiện ở pH < 7. Nếu pH > 7,3 thì dinitơ
oxyt (N2O) có xu hướng bị tái hấp thụ và tiếp theo bị khử trong quá trình phản
nitrat trở thành nitơ phân tử.
Do quá trình phản nitrat đến nitơ phân tử chỉ xảy ra trong điều kiện kỵ khí hay
kỵ khí một phần, nên quá trình này thường gặp trong đất yếm khí và trong đáy sâu
của các hồ, các biển...không có oxy hoặc giàu các chất hữu cơ đang bị phân huỷ.
3. Chu trình chuyển hoá đạm trong đất lúa ngập nước
3.1. Đặc điểm nhóm đất phù sa trồng lúa nước (Fluvisols)
Đất phù sa gồm 7 loại đất là: Đất phù sa được bồi hàng năm, đất phù sa không
được bồi hàng năm, đất phù sa glây, đất phù sa có tầng loang lổ đá vàng, đất phù sa
úng nước, đất phù sa phủ trên nền cát biển và đất phù sa ngòi suối.
Đất phù sa được bồi hàng năm (Dystric Fluvisols):
Đất có phản ứng chua vừa, hàm lượng mùn ở tầng mặt trung bình (1-1,5%),
đạm tổng số và lân tổng số trung bình, lân dễ tiêu nghèo, độ no bazơ trung bình
(50-60%).
Như vậy, loại đất này có độ phì tự nhiên khá, lại có những ưu điểm như: thành
phần cơ giới nhẹ, đất tơi xốp, tầng đất dày, thoát nước tốt, nên thích hợp với nhiều
loại cây trồng như: ngô, đậu, lạc, rau màu..., tuy vậy, do địa hình thấp nên lưu ý khi
bố trí cây trồng phải lựa chọn thời vụ để tránh mùa ngập lụt.
Đất phù sa không được bồi hàng năm (Dystric Fluvisols):
Đất cũng có nguồn gốc hình thành như đất phù sa được bồi hàng năm nhưng
do phân bố ở xa sông hoặc ở địa hình cao, nên rất ít được bồi đắp phù sa. Hình thái
phẫu diện đã có sự phân hóa, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét. Đất có phản
ứng chua; hàm lượng mùn từ trung bình - hơi nghèo (0,9 - 1,5%), đạm tổng số
trung bình (0,08 - 0,1%), lân tổng số khá (0,1 - 0,12%), lân dễ tiêu trung bình, độ
no bazơ thấp - trung bình (40 - 55%). Như vậy, đất có độ phì tự nhiên khá, có thể
bố trí nhiều công thức luân canh cây trồng khác nhau và có thể cho năng suất khá.
Đất phù sa glây (Gleyic Fluvisols):
Đất có thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét vật lý cao, chặt, bí, trong đất các quá
trình khử xảy ra mãnh liệt, hình thái phẫu diện thường có màu xanh ánh thép nguội,
dính dẻo, glây trong toàn phẫu diện, màu xám xanh có xen lẫn những vệt vàng. Đất
có phản ứng chua vừa (pHKCl dao động từ 4,4 - 4,8), mùn ở tầng mặt khá cao (2 -
3%), đạm, lân tổng số và cation trao đổi đều thuộc loại khá. Đây là vùng đất trọng
điểm lúa của tỉnh, có khả năng cho năng suất cao, tuy vậy cần bón vôi khử chua
cho đất và tìm cách giảm quá trình khử để hạn chế quá trình glây làm xấu tính chất
của đất.
Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng (Dystric Plinthosols):
Đất cũng có nguồn gốc hình thành như các loại đất cùng nhóm, nhưng phân bố
ở địa hình vàm cao hoặc cao, có chế độ nước không đều trong năm, mùa mưa cũng
bị ngập nhưng mùa khô đất bị thiếu nước nghiêm trọng. Vì vậy trong đất xảy ra 2
quá trình: quá trình khử và quá trình oxy hóa; mùa mưa ngập nước thì quá trình
khử xảy ra mạnh, mùa khô thì quá trình oxy hóa xảy ra, Fe 2+ bị oxy hóa thành Fe3+
tạo ra những vệt loang lổ đỏ vàng trong phẫu diện đất. Đất có khả năng thoát nước
tốt, quá trình rửa trôi trọng lực trong phẫu diện đất xảy ra mạnh, thành phần cơ giới
trung bình, có phản ứng chua vừa đến ít chua (pHKCl = 4,6 - 5,5), hàm lượng mùn
trung bình (1,5 - 2%), đạm tổng số khá, lân tổng số trung bình, lân dễ tiêu nghèo.
Loại đất này hiện đang sử dụng với nhiều phương thức khác nhau nhưng phần
lớn là trồng lúa, một số khá lớn diện tích chỉ sản xuất được 1 vụ lúa do thiếu nước.
Nếu giải quyết được vấn đề tưới thì có thể mở rộng diện tích bằng con đường tăng
vụ từ 1 vụ thành 2 - 3 vụ trong năm.
Đất phù sa phủ trên nền cát biển (Areni Dystric Fluvisols):
Đất hình thành do quá trình bồi lắng của phù sa trên nền cát biển. Độ dày của
lớp phù sa phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bồi đắp của hệ thống sông và địa hình
của vùng cát trước khi bồi đắp. Thành phần cơ giới đất tầng mặt từ thịt nhẹ đến thịt
trung bình, dưới lớp phù sa là cát trắng xám hoặc cát vàng nhạt; đất có phản ứng
chua vừa đến ít chua; tầng mặt có hàm lượng mùn trung bình (1 - 1,5%), nghèo
đạm, nghèo lân tổng số cũng như dễ tiêu. Đây là loại đất có ý nghĩa cho các vùng
cát biển trong việc trồng lúa để cung cấp lương thực tại chỗ. Cần chú ý không nên
phá vỡ tầng đế cày của đất.
Đất phù sa úng nước (Stagni Dystric Fluvisols):
Là một loại đất trong nhóm đất phù sa, nhưng phân bố ở địa hình trũng dạng
lòng chảo khó thoát nước, được coi là địa hình tích đọng, đất ngập nước quanh năm
nên hạn chế quá trình khoáng hóa, quá trình tích lũy mùn mạnh, nên giàu mùn, đất
bị glây mạnh, rất chua, đạm tổng số giàu, nhưng nghèo lân và kali tổng số cũng như
dễ tiêu. Đây là loại đất có nhiều yếu tố hạn chế, không chỉ do ngập úng mà trong
đất chứa nhiều chất độc cho cây như: Al3+ di động, H2S, CH4,... vì thế đất thường
cho năng suất lúa thấp, không ổn định.
Đất phù sa ngòi suối (Dystric Fluvisols):
Đất hình thành do sự lắng đọng của phù sa suối, nên thành phần cơ giới
thường thô, nhẹ, lẫn nhiều khoáng vật nguyên sinh bền. Độ phì nhiêu tự nhiên tùy
từng nơi mà rất khác nhau, nhưng nói chung đất có phản ứng chua đến rất chua,
hàm lượng mùn trung bình, đạm tổng số khá, lân và kali nghèo. Tuy là diện tích
không nhiều, nhưng loại đất này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết lương thực
trên địa bàn miền núi, nhưng do thường thiếu nước nên năng suất lúa thấp và bấp
bênh, có nơi chỉ trồng được 1 vụ lúa, 1 vụ màu.
3.2. Đạm trong đất lúa ngập nước
Đạm là cơ sở cấu tạo nên protein, cấu tạo nên tế bào và mô cây, thúc đẩy quá
trình quang hợp tích lũy chất hữu cơ. Đạm giữ vai trò quan trọng đối với việc hình
thành bộ rễ, thúc đẩy nhanh quá trình đẻ nhánh và cần thiết cho sự sinh trưởng và
phát triển của thân lá. Bón đủ đạm, thân lá phát triển tốt, lúa đẻ nhánh mạnh, đòng
to, bông lớn, năng suất cao.
Đạm là yếu tố dinh dưỡng quan trọng nhất với cây lúa. Ở nước ta, trên tất cả
các loại đất, với các giống lúa và mùa vụ đều phải bón đạm mới đảm bảo cho năng
suất cao, hiệu quả kinh tế cao.
Trong đất lúa ngập nước phát triển hệ vi sinh vật kị khí, do đó đạm được giữ
lại và chuyển hoá trong loại đất này nhờ vào hệ sinh vật này.
Thiếu hụt và dư thừa đạm
Triệu chứng thiếu đạm thay đổi tùy theo thời kỳ sinh trưởng phát triển của
cây. Vào giai đoạn lúa sinh trưởng mạnh, thiếu đạm lá chuyển vàng (lá già vàng
trước, sau lan dần tới lá non) hay xanh lợt, lá nhỏ, chiều cao cây giảm, khả năng đẻ
nhánh kém. Nếu thiếu đạm ở giai đoạn có đòng thì đòng nhỏ, khả năng trỗ kém, số
hạt trên bông ít, hạt lép nhiều, năng suất thấp.
Sau khi cấy (hoặc giặm với lúa sạ) cây lúa thường bị vàng, đó là hiện tượng
“Sốc–cấy”. Bón lót là biện pháp ngăn ngừa hiện tượng sốc–cấy do thiếu đạm. Đạm
có ảnh hưởng rất mạnh tới quá trình đẻ nhánh và việc ngăn ngừa thiếu hụt đạm
trong giai đoạn đẻ nhánh là quan trọng nhất. Nếu giai đoạn đẻ nhánh mà thiếu đạm
thì năng suất giảm nghiêm trọng. Thiếu đạm sẽ không xảy ra trên tất cả các loại đất
nếu trong sản xuất bón đủ đạm cho lúa.
Thừa đạm làm cho thân lá phát triển quá mạnh, cây cao, lá nhiều, màu xanh
đen, thân nhỏ yếu, dễ bị sâu bệnh, đổ ngã và nhiều hạt lép. Thời kỳ cây lúa mẫn
cảm với đạm là trước trỗ 35 – 40 ngày và giai đoạn tượng đòng. Nếu thừa đạm
trong các thời điểm này làm cho thân lá phát triển hơn bộ rễ, ức chế quá trình tượng
đòng, dễ đổ ngã, sâu bệnh, tỷ lệ hạt lép cao, năng suất thấp.
Hệ số sử dụng phân đạm
Phân đạm là phân bón thông dụng và được dùng nhiều nhất ở tất cả các vùng
trồng lúa, tuy nhiên hệ số sử dụng phân đạm (phần cây lúa sử dụng được so với
lượng bón) tùy thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu, đất đai, giống và trình độ thâm
canh. Hiệu suất sử dụng phân đạm của lúa thường dưới 50% (trung bình 25 - 35%).
Sự mất đạm ở ruộng lúa nước là do phân đạm bị phân huỷ bay hơi ở dạng amôniăc,
phản đạm hóa thành nitơ phân tử bay hơi, nước chảy tràn, chảy ngang, thấm sâu.
Chính sự thất thoát làm cho lượng đạm bón bị mất đi, hiệu suất sử dụng phân đạm
thấp.
Trong công nghệ sản xuất cũng như trong sử dụng phân bón cần phải áp dụng
công nghệ và phụ gia phù hợp và có qui trình bón hợp lý để hạn chế sự thất thoát
đạm.
Nguồn đạm thiên nhiên
Nguồn đạm thiên nhiên trong ruộng lúa nước có được từ nguồn vi sinh vật
(chủ yếu từ tảo lam), nước mưa, phù sa của sông ngòi và phân giải từ các hợp chất
hữu cơ. Các nguồn đạm trên có thể cung cấp tới 40 - 80 kg N/ha, tuy nhiên lượng
này không đủ để đáp ứng nhu cầu của cây lúa nhất là lúa thâm canh. Mức độ cung
cấp đạm thiên nhiên tùy thuộc vào lượng phù sa, nước mưa và hoạt động của vi
sinh vật trong đất.
Ảnh hưởng của đạm tới yếu tố cấu thành năng suất
Năng suất của lúa phụ thuộc vào số bông/đơn vị diện tích, số hạt chắc/bông và
trọng lượng 1000 hạt. Trong 3 yếu tố cấu thành năng suất này thì đạm ảnh hưởng
nhiều nhất tới số bông/đơn vị diện tích. Tuy nhiên đạm cũng làm tăng số gié/bông
do đó cũng tăng số hạt/bông. Tăng tổng số hạt/bông nhưng đạm cũng có thể làm
giảm số hạt chắc/bông. Trọng lượng 1000 hạt thường ít bị ảnh hưởng bởi lượng
đạm bón, tuy nhiên trong trường hợp quá thiếu hoặc thừa có thể làm giảm trọng
lượng 1000 hạt.
Ảnh hưởng của đạm tới chất lượng lúa
Ở nhiều vùng trồng lúa, gạo là nguồn cung cấp protein chính cho con người.
Việc tăng hàm lượng protein trong gạo có ý nghĩa lớn với dinh dưỡng của con
người. Đạm làm tăng protein trong gạo từ đó tăng chất lượng.
4. Chu trình chuyển hoá đạm trong đất đồi núi
Đặc điểm nhóm đất đồi núi
Đất đồi núi bao gồm các loại đất sau: Đất nâu vàng trên gabro và đá diorit, đất
đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, đất vàng đỏ trên đá macma axit, đất vàng nhạt
trên đá cát, đất nâu vàng trên phù sa cổ và đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (trồng
lúa ruộng bậc thang).
Đất nâu vàng trên gabro và đá diorit (Xanthic Ferralsols):
Đất có thành phần cơ giới nặng, tầng đất dày trên 2 - 3 m, đất có phản ứng
chua (pHKCl 4 - 4,5), mùn khá (2 - 2,5%), đạm và lân tổng số khá, kali tổng số
nghèo, lân dễ tiêu và kali dễ tiêu đều nghèo; dung tích hấp thu trung bình (14 - 16
meq/100g đất); độ ẩm cây héo cao (20 - 25%). Đây là loại đất tốt nhất vùng đồi núi
Thừa Thiên Huế, thích hợp với nhiều loại cây lâu năm như: cà phê, cao su, tiêu,
chè,... nhưng cần chú ý chống xói mòn và chống hạn cho cây vào mùa khô.
Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất (Ferralic Acrisols):
Tầng đất dày trên 1,5 m, thành phần cơ giới trung bình và nặng, thường có kết
cấu cục, hạt, lớp đất mặt khá tơi xốp. Hàm lượng mùn khá, đạm tổng số trung bình,
nhưng các chất dinh dưỡng khác như lân và kali tổng số cũng như dễ tiêu đều
nghèo. Phản ứng của đất từ chua đến rất chua, độ no bazơ thường dưới 50%. Đây là
loại đất có diện tích lớn nhất và là loại đất có tính chất tốt trong các loại đất đồi núi,
hiện đang được sử dụng có hiệu quả trong sản xuất nông lâm nghiệp. Trên loại đất
này có thể trồng được các cây công nghiệp dài ngày như: cao su, trẩu, sở, quế, cà
phê, chè,...; các cây ăn quả như dứa, cam, quýt,... đều phát triển tốt.
Đất đỏ vàng trên đá macma axit (Ferralic Acrisols):
Đá mẹ hình thành đất chủ yếu là granit, riolit, pecmatit,... là những loại đá
giàu SiO2 nên đã hình thành nên loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, thường có kết
cấu kém, tầng đất mỏng (thường nhỏ hơn 1,2 m). Đất chua, độ no bazơ nhỏ hơn
50%, nghèo mùn, đạm, lân; hàm lượng kali khá hơn so với loại đất đỏ vàng trên đá
sét và đá biến chất, đất có hàm lượng cấp hạt sét thấp (nhỏ hơn 20%, nếu tính cả
cấp hạt sét vật lý thì cũng chỉ đạt xấp xỉ 30%), vì thế dung tích hấp thu thấp, khả
năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng kém.
Về tính chất, đất này kém hơn nhiều so với loại đất đỏ vàng trên đá sét và đá
biến chất. Phần lớn chúng được phân bố ở những nơi có địa hình dốc trên 150, nên
bị xói mòn mạnh. Một số nơi đã được khai thác lâu ngày hoặc bị đốt phá nhiều lần
thì có thể đã bị trơ sỏi đá mất sức sản xuất.
Hướng sử dụng loại đất này thì tùy theo độ dốc, nơi có địa hình bằng phẳng,
tầng đất khá dày thì có thể trồng được các cây công nghiệp như: chè, sở, hồi, quế,
cà phê, các cây ăn quả như dứa, cam, quýt,... hoặc trồng các cây lương thực như
ngô, khoai, sắn, lúa nương,..., nơi nào bị xói mòn mạnh tầng đất còn mỏng thì nên
dùng để trồng cây lâm nghiệp.
Đất này dễ bị xói mòn mạnh, vì vậy khi khai thác sử dụng phải chú ý áp dụng
các biện pháp chống xói mòn, trồng cây theo đường đồng mức, phủ đất bằng cây
phân xanh đặc biệt là vào mùa mưa và cần áp dụng mô hình nông lâm kết hợp.
Đất vàng nhạt trên đá cát (Ferralic Acrisols):
Đất được hình thành từ các loại đá mẹ như quăczit, phiến silic, các loại cát kết,
dăm cuội kết,... Tính chất chung là thành phần cơ giới nhẹ, tỷ lệ cấp hạt cát rất cao,
đất không có kết cấu hoặc kết cấu rất kém. Tầng đất mỏng (30 - 60 cm). Phẫu diện
tầng trên mỏng (10 - 15 cm) có màu xám sáng, thành phần cơ giới cát - cát pha, kết
cấu rời rạc, độ xốp 40 - 45%; tầng đất dưới 50 cm có màu vàng sáng, cát pha, rời
rạc.
Về tính chất: Do loại đất này phần lớn phân bố ở những nơi địa hình dốc hoặc
thoải, quá trình xói mòn, rửa trôi xảy ra mạnh, thậm chí sắt cũng bị rửa trôi, nên
màu của nó rất nhạt. Đất rất chua, hàm lượng mùn thấp (nhỏ hơn l%), lân tổng số
và dễ tiêu đều nghèo - rất nghèo, kali ở mức nghèo - trung bình; dung tích hấp thu
rất thấp nên khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng kém. Nói chung đây là loại đất
có tính chất xấu, độ phì tự nhiên thấp, rất dễ biến thành đất trơ sỏi đá nếu không có
phương thức bảo vệ khi khai thác sử dụng.
Về hướng sử dụng: Những nơi có độ dốc nhỏ thì có thể dùng vào sản xuất
nông nghiệp, có thể trồng cây họ đậu hoặc luân canh cây họ đậu với các loại cây
trồng khác; trồng xen cây phân xanh với các loại cây màu: ngô, khoai, sắn...; hoặc
trồng các loại cây có bộ rễ ăn nông như: dứa, dứa sợi,.... Những nơi có địa hình cao
và dốc nên ưu tiên để trồng cây lâm nghiệp. Khuyến khích áp dụng biện pháp nông
lâm kết hợp sẽ có hiệu quả thiết thực hơn.
Đất nâu vàng trên phù sa cổ (Ferralic Acrisols):
Loại đất này thường có ở các bậc thềm tiếp giáp giữa đồng bằng và đồi núi, có
đại địa hình dốc thoải về phía đồng bằng. Tuy nó hình thành trên nền phù sa cổ,
nhưng tính chất phù sa đã thay đổi hẳn do địa hình khá cao, quá trình feralit diễn ra
làm cho đất đã mang tính chất của đất feralit, tuy mức độ feralit yếu.
Ở những vùng khác nhau, cấu tạo phẫu diện có những nét khác nhau khá rõ.
Nhìn chung nó vẫn mang tính chất của đất phù sa, tầng đất khá dày (0,8 - 1m). Đất
đã được trồng trọt lâu đời, tầng đất mặt bị rửa trôi nhiều các chất dinh dưỡng. Đất
có thành phần cơ giới nhẹ, hàm lượng cấp hạt sét ở tầng dưới cao hơn tầng mặt. Đất
có phản ứng chua, độ no bazơ thường nhỏ hơn 50%. Hàm lượng mùn ở mức trung
bình - khá, lân tổng số, lân dễ tiêu và kali trao đổi đều nghèo.
Mức độ kết von và đá ong hóa xảy ra khá mạnh. Những nơi có mạch nước
ngầm dâng cao thì tỷ lệ kết von và đá ong rất lớn, thậm chí có nơi đá ong xuất hiện
ở cả tầng mặt, làm cho đất mất sức sản xuất.
Trên đất này có thể trồng được nhiều loại cây trồng khác nhau, như: chè, cà
phê, dứa, cam, quýt, ngô, khoai, đậu đỗ,... Ưu điểm của nó là địa hình khá bằng
phẳng, tầng đất dày, tơi xốp, gần nguồn nước. Nhưng chú ý chống xói mòn, áp
dụng các biện pháp hạn chế kết von và đá ong hóa xảy ra, đồng thời đầu tư phân
hữu cơ và các loại phân vô cơ khác, vì đất nghèo dinh dưỡng.
Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Plinthic Acrisols) (trồng trên ruộng bậc
thang):
Chúng nằm rải rác ở các nơi trong vùng đồi núi, hình thành trên nhiều loại đá
mẹ khác nhau, với diện tích không lớn, có vị trí ở gần các nguồn nước khe suối,
nhân dân đã san phẳng thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước.
Quá trình hình thành đất chủ đạo là quá trình feralit, nhưng tính chất đất đã bị
biến đổi đó chịu ảnh hưởng của quá trình ngập nước, làm cho nó khác hẳn với đất
feralit; sự rửa trôi mùn và cấp hạt sét xảy ra mạnh ở tầng đất mặt, kết cấu đất bị
phân tán, có quá trình glây xuất hiện ở tầng dưới. Nếu đất đã được trồng lúa lâu
ngày thì tầng đất mặt đã trở nên bạc màu, đặc biệt đối với những nơi trồng cả 2 vụ
lúa trong năm.
Đây là loại đất cung cấp lúa gạo chủ yếu cho vùng đồi núi, nhưng cần chú ý
bảo vệ mới sử dụng được lâu dài, vì đất này để bị thoái hóa, bạc màu do địa hình
dốc và canh tác trong điều kiện ngập nước.
Đạm trong đất đồi núi
Đất đồi núi là đất khá nghèo chất dinh dưỡng so với đất đồng bằng về hầu hết
các chất trong đó có cả đạm.
Đồi núi được trồng chủ yếu là cây lâu năm và cây lâm nghiệp. Việc bổ sung
chất dinh dưỡng rất ít nên những vùng đất này đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Việc chuyển hoá các chất này nói chung và đạm nói riêng diễn ra trong hệ
thống đất này khá đơn điệu. Đạm được cây hút vào để sử dụng, sau đó lá cây rụng
hoặc cây chết lại được trả một phần cho đất. Ngoài ra, trong nước mưa và các
nguồn nước khác, trong hệ sinh thái, vi sinh vật,... có bổ sung cho loại đất này một
phần đạm. Do đó, đạm được chuyển hoá, luân chuyển trong hệ sinh thái này.

Phần III.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
- Đạm là yếu tố, thành phần quan trọng đối với thực vật nói chung và cây
trồng riêng. Giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; mang lại năng suất chất
lượng cao cho cây trồng;
- Chu trình chuyển hoá đạm trong đất lúa ngập nước và đất đồi núi có những
điểm tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt do tính chất đất và cây
trồng trên đất đó quyết định;
2. Kiến nghị
- Cần bổ sung phân bón cho cây trồng theo đúng nhu cầu dinh dưỡng của cây
ở từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển;
- Bón phân cân đối, đúng cách cho đúng đối tượng cây trồng trên từng chân
đất cụ thể cho phù hợp với hàm lượng chất dinh dưỡng nói chung và hàm lượng
đạm nói riêng giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt nhưng không dư thừa trong đất.

You might also like