You are on page 1of 17

ĐẠI CƯƠNG VỀ

NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH

BS, ThS Trương Trọng Hoàng


02/2010

2
ĐẠI CƯƠNG VỀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đại cương
Phân tích từ nguyên thì từ “nghiên cứu” có nghĩa là tìm hiểu (nghiên) cho đến kỳ cùng (cứu). Từ
“nghiên cứu” (động từ) trong tiếng Anh là “research” và tiếng Pháp là “rechercher” đều có cùng một nghĩa
đó là tìm kiếm (search, chercher) trở lại (re-). Nói cách khác có thể hiểu một cách tổng quát rằng nghiên
cứu là một hoạt động truy tìm (kể cả tìm đi, tìm lại) để biết một cách thấu đáo một điều gì đó. Như vậy
nghiên cứu là một hoạt động hết sức quan trọng trong đời sống con người vì rõ ràng muốn làm một điều gì
đó cho tốt thì cần phải tìm hiểu kỹ càng những yếu tố liên quan kể cả phải lật đi lật lại vấn đề, lặp đi lặp lại
các thăm dò, khảo sát. Nghiên cứu cũng không chỉ dừng ở những cuộc nghiên cứu (research studies) mà
còn được thực hiện hàng ngày trong công việc (work), thậm chí cả trong các thú giải trí (hobbies).
Phương pháp nghiên cứu về thực tế rất đa dạng, tuy nhiên về các phương pháp nghiên cứu thăm dò
người ta có thể phân chia thành 2 phương pháp:
• Nghiên cứu định lượng (NCĐL): là những nghiên cứu thu được các kết quả bằng những công cụ
tính toán.
• Nghiên cứu định tính (NCĐT): là những nghiên cứu thu được các kết quả không sử dụng những
công cụ tính toán. Nói một cách cụ thể hơn NCĐT là những nghiên cứu tìm biết những đặc điểm, tính chất
của đối tượng nghiên cứu trong một bối cảnh nhất định.
Ví dụ: Để tìm hiểu một cái bánh bông lan:
• Nhà NCÐL sẽ phân tích xem bánh gồm bao nhiêu % là chất bột-đường, bao nhiêu % là chất đạm,
chất béo, có chất độc, vi sinh vật gì không... từ đó đưa ra một kết luận là bánh này có đủ chất dinh dưỡng
và đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Tuy nhiên khi đó ta không thể biết cái bánh có
ngon hay không.
• Nhà NCÐT sẽ thử một lát cắt: quan sát, ngửi, nếm trực tiếp bằng giác quan và đưa ra một kết luận
rằng bánh có ngon hay không.
Từ bản chất của 2 loại nghiên cứu này ta có thể thấy ưu khuyết điểm của chúng là:
Ưu điểm Khuyết điểm
NC định lượng - Đưa ra một kết luận có tính chất - Không thu được một bức tranh
khách quan và tổng quát về đối toàn diện đặc biệt là về các đặc tính
tượng nghiên cứu dựa trên một tập định tính
hợp các tiêu chí định sẳn
NC định tính - Thu được một bức tranh toàn diện - Kết quả đưa ra mang tính chủ quan
đặc biệt là về các đặc tính định tính, của nhà nghiên cứu
được tìm hiểu và xác định trong quá - Kết quả không thể suy rộng ra toàn
trình nghiên cứu thể khi không chọn mẫu theo xác
suất
Về mục đích nghiên cứu, người ta cũng phân làm 2 loại:
• Nghiên cứu lý thuyết: là những nghiên cứu nhằm mục đích xây dựng hoặc bác bỏ một lý thuyết nào
đó dựa trên các kết quả thu được.
• Nghiên cứu ứng dụng: là những nghiên cứu nhằm để góp phần giải quyết một vấn đề - một điều
chưa hoàn hảo (problem) nào đó.
2. Một số yếu tố quan trọng khi bắt đầu nghiên cứu
2.1. Vấn đề nghiên cứu
Đây là nội dung quan trọng nhất trong một cuộc nghiên cứu đặc biệt là một nghiên cứu ứng dụng. Rõ
ràng là ta phải xác định đâu là điều chưa hoàn hảo, chưa được biết đầy đủ mà ta phải tìm hiểu. Trong
nghiên cứu ứng dụng ta còn cần phải chọn lựa những vấn đề nào mà sự tìm hiểu về nó mang lại lợi ích thực
tiễn càng lớn càng tốt.
2.2. Đối tượng nghiên cứu
Là những đối tượng mà ta sẽ thực hiện các biện pháp thăm dò, thu thập thông tin. Trong một nghiên

3
cứu có thể có nhiều đối tượng, có đối tượng là con người, cũng có đối tượng là các sinh vật khác hoặc kể cả
vật thể. Trong nghiên cứu về sức khỏe, đối tượng thường là con người hoặc sinh vật.
2.3. Phạm vi nghiên cứu
Đây là điều cũng hết sức quan trọng cần xác định rõ trong nghiên cứu vì thường với nguồn lực có hạn
ta không thể nghiên cứu hết tất cả mọi phạm vi. Phạm vi có thể là về thời gian, không gian, đối tượng, bối
cảnh, nội dung nghiên cứu.
2.4. Hình thức nghiên cứu
Đôi khi ta cũng cần xác định ngay từ đầu hình thức nghiên cứu như là một cách thức, một góc nhìn
khi tìm hiểu. Ví dụ: Khảo sát cắt ngang, Khảo sát theo chiều dọc, Điều tra KABP...
Khi đã xác định được 4 yếu tố trên thì ta có thể xác định được đề tài nghiên cứu hay cụ thể hơn đó là
đặt tên cho đề tài mà dựa trên đó toàn bộ nghiên cứu của chúng ta sẽ được thực hiện.
3. Những điểm khác nhau giữa nghiên cứu trong y sinh học, nghiên cứu dịch tễ học và nghiên cứu
trong khoa học hành vi
3.1. Nghiên cứu trong y sinh học
• Đối tượng là các vi sinh vật, những loại thuốc, những căn bệnh, cách điều trị có thể theo dõi, đo
lường hoặc đánh giá được tương đối dễ dàng.
Ví dụ: Nghiên cứu về cách điều trị mất nước bằng cách bù nước qua đường uống, về hóa trị liệu lao
ngắn ngày có kiểm soát...
3.2. Nghiên cứu dịch tễ học
• Đối tượng là cộng đồng với các yếu tố ảnh hưởng gây ra vấn đề sức khỏe mà ta có thể cố gắng tìm
hiểu được.
Ví dụ: Nghiên cứu những yếu tố gây ra dịch tiêu chảy, gây ra dịch lao...
3.3. Nghiên cứu trong khoa học hành vi
• Đối tượng có thể là các cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng và khách thể là những hành vi của con
người cùng những yếu tố tâm lý, kinh tế, xã hội tác động đến những hành vi đó như kiến thức, thái độ,
niềm tin, giá trị, các mối quan hệ xã hội, các nguồn lực v.v... Những yếu tố này có cái khách quan nhận biết
được nhưng cũng có cái là những yếu tố chủ quan mà việc tìm hiểu phụ thuộc rất lớn vào những kỹ năng
tâm lý xã hội.
Ví dụ: Nghiên cứu tình hình hút thuốc lá ngày càng gia tăng, nghiên cứu tại sao người ta không chịu
uống nước đun sôi để nguội, tại sao bệnh nhân lao bỏ trị...
Lưu ý: một nghiên cứu trong khoa học hành vi nên có tính thực tiễn tức không phải chỉ đơn thuần
chứng minh một giả thuyết có tính lý thuyết nào đó mà là mang lại những kết quả ứng dụng để can thiệp
cải thiện một vấn đề nào đó. Ví dụ nên thực hiện “Nghiên cứu những yếu tố tác động đến hành vi” hơn là
“Nghiên cứu chứng minh kiến thức không có liên quan đến việc thay đổi hành vi”.

4
TIẾP CẬN NGHIÊN CỨU THEO
PHƯƠNG PHÁP NHÂN CHỦNG HỌC
1. Đại cương
Con người là một thực thể bao gồm 3 mặt gắn bó với nhau rất mật thiết: thể chất, tâm lý và xã hội.
Đặc biệt con người không phải là những cá thể sống độc lập mà có mối liên hệ với nhau rất mật thiết.
Nhiều mặt của đời sống trong đó có sức khoẻ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi hoàn cảnh và môi trường xã hội
người đó đang sống. Văn hóa, như là phần môi trường do con người tạo ra và bao bọc lấy từng con người,
đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống, sức khoẻ và hành vi của con người.
Từ đó ta thấy có một nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa của các cộng đồng và sự ảnh hưởng
của các yếu tố văn hóa đến sức khỏe, trên cơ sở đó giúp xây dựng những biện pháp can thiệp giúp cải thiện
sức khỏe một cách hiệu quả hơn.
2. Các phương pháp nghiên cứu trong nhân chủng học ứng dụng vào lĩnh vực sức khỏe
Trong việc nghiên cứu các xã hội và văn hóa của những khu vực khác nhau trên thế giới, các nhà
nhân chủng học (NCH) đã dùng hai cách tiếp cận chính: tiếp cận mô tả dân tộc học (ethnographic) và tiếp
cận so sánh (comparative). Các nhà nhân chủng học y học khi nghiên cứu về các yếu tố văn hóa liên quan
đến sức khỏe cũng đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu thuộc hai cách tiếp cận này. Lưu ý trong NCH
người ta không sử dụng phương pháp nghiên cứu thí nghiệm sử dụng nhóm đối chứng vì các lý do đạo đức,
thay vào đó chỉ sử dụng các thực tại sẳn có và so sánh để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng hoặc quy luật tác
động.
2.1. Phương pháp tiếp cận mô tả dân tộc học
Là phương pháp tiếp cận dùng để nghiên cứu, tìm hiểu các xã hội quy mô nhỏ hoặc một nhóm nhỏ
người nhằm để hiểu cách thức họ nhìn nhận thế giới và tổ chức đời sống hàng ngày của họ. Kết quả nghiên
cứu theo phương pháp này là bản mô tả dân tộc học (Ethnography). Mục đích nhằm để khám phá càng
sâu càng tốt góc nhìn của chính đối tượng. Để làm được điều này các nhà NCH thường thực hiện các
hoạt động thực địa (fieldwork) trong đó đặc biệt sử dụng kỹ thuật “quan sát ở vị trí người tham gia”
(participant observation). Đây là kỹ thuật mà người nghiên cứu cố gắng sống cùng với những người họ
nghiên cứu để tìm hiểu quan sát các sự vật hiện tượng bằng chính cặp mắt của người trong cuộc (emic
view) trong khi vẫn cố gắng giữ cái nhìn bên ngoài và khách quan của nhà khoa học xã hội (etic view).
Ngoài phương pháp quan sát ở vị trí người tham gia còn có thể sử dụng các phương pháp thu thập
thông tin khác như:
• Phỏng vấn sâu (in-depth interview) bán cấu trúc (semi-structured) hoặc không cấu trúc (non-
structured)
• Thảo luận nhóm tiêu điểm (focus group discussion): là hình thức bổ sung cho phỏng vấn sâu
• Tìm hiểu nhật ký (diary): Dạng thứ nhất đó là tìm hiểu các nhật ký có sẵn của đối tượng hoặc đề
nghị đối tượng viết theo yêu cầu với các đặt hàng cụ thể. Một dạng khác đó là những người quan sát (ở vị
trí người tham gia) viết lại nhật ký và dựa trên nhật ký này các nhà nghiên cứu sẽ phân tích dữ liệu.
Một số điểm lưu ý
• Thời gian sống và quan sát phải đủ lâu để có thể khám phá chiều sâu những đặc điểm văn hóa của
đối tượng
• Cần nhạy bén nắm bắt và lần ra chiều sâu những đặc điểm văn hóa của đối tượng có tác động đến
vấn đề sức khỏe đang nghiên cứu.
2.2. Phương pháp tiếp cận so sánh
Là phương pháp tiếp cận đi tìm những đặc điểm mấu chốt của một xã hội hay một văn hóa nào đó từ
đó so sánh với các xã hội hay văn hóa khác để từ đó có những nhận định về các tính chất phổ quát của con
người và các nhóm xã hội.
Ví dụ ở Mỹ đã có nhiều nghiên cứu so sánh về các yếu tố tác động đến hành vi chẳng hạn hành vi bỏ
hút thuốc lá và phát hiện thấy ở cộng đồng người Việt kiến thức về tác hại của hút thuốc thụ động đối với
trẻ em có liên quan có ý nghĩa thống kê với hành vi bỏ thuốc trong khi ở cộng đồng người Mỹ thì không.

5
6
NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH
1. Đại cương
Nghiên cứu định tính (NCĐT) là những nghiên cứu thu nhận các kết quả mà không sử dụng những
công cụ đo lường, tính toán. Nói một cách cụ thể hơn, NCĐT là những nghiên cứu tìm biết những đặc
điểm, tính chất của đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến khách thể nghiên
cứu mà cụ thể trong khoa học hành vi chính là hành vi của ĐTNC trong những hoàn cảnh cụ thể.
2. Các bước chủ yếu trong tiến trình nghiên cứu định tính
2.1. Xác định vấn đề, đối tượng, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chuyên biệt
Do đặc điểm riêng của NCĐT, vấn đề nghiên cứu thường là:
• Mô tả: các mẫu hình (patterns) về hành vi, về quan niệm, nhận thức hoặc toàn diện hơn nữa đó là
văn hóa của một nhóm đối tượng nào đó
• Phân tích: Các yếu tố ảnh hưởng đến một vấn đề nào đó trên quan điểm toàn diện (tổng hợp tất cả
yếu tố) và mối liên hệ phổ biến giữa các yếu tố.
2.2. Chọn mẫu
Chọn mẫu trong NCĐT thường là chọn mẫu có mục đích (Purposive sampling) hơn là phương pháp
chọn mẫu theo xác suất (Probability Sampling) nhằm chọn ra được những đối tượng đáp ứng những tiêu
chuẩn về đặc điểm cá nhân cũng như đặc điểm về hoàn cảnh kinh tế-văn hóa-xã hội mà ta muốn tìm hiểu.
Thông thường trước hết ta phải xác định các tiêu chuẩn để chọn ra những đối tượng mà ta muốn khảo sát
có liên quan đến vấn đề ta nghiên cứu kế đến là chọn số lượng tối thiểu cho từng tiêu chuẩn tùy nguồn lực
hiện có. Ngoài ra trong quá trình thực hiện tại thực địa ta có thể điều chỉnh tiêu chuẩn hoặc số lượng tùy
vào tình hình thực tế.
2.3. Xây dựng các đề mục nghiên cứu và bảng gợi ý thu thập thông tin
Tùy mục tiêu nghiên cứu và khung nhận thức mà ta sẽ xây dựng các đề mục và bảng gợi ý thu thập
thông tin tương ứng.
2.4. Thu thập thông tin
Có thể sử dụng nhiều phương pháp thu thập thông tin như:
• Quan sát: quan sát là thành viên (participant observation) hoặc quan sát từ bên ngoài
• Phỏng vấn sâu (in-depth interview) bán cấu trúc (semi-structured) hoặc không cấu trúc (non-
structured)
• Thảo luận nhóm tiêu điểm (focus group discussions): là hình thức bổ sung cho phỏng vấn sâu.
• Phân tích nhật ký: có sẵn hoặc đề nghị đối tượng viết theo yêu cầu.
2.5. Phân tích dữ liệu
Có nhiều phương pháp phân tích dữ liệu định tính, từ phản ánh toàn bộ thông tin với sự diễn giải ít
nhất cho đến cô đọng hóa thông tin với sự diễn giải nhiều nhất theo những phương pháp như sau:
• Chỉ sắp xếp, trình bày lại thông tin thu thập được thành những trường hợp điển hình (giống như
phóng viên viết bài)
• Phân tích dựa theo các đề mục nội dung (thematic analysis)
• Thu gọn và sắp xếp lại: phân tích nội dung (Content analysis), Quy nạp phân tích (Analytic
Induction)
• Khái quát ở mức cao: xây dựng lý thuyết nền tảng để giải thích các dữ liệu thu thập được
(Grounded theory).
2.6. Viết báo cáo
Viết báo cáo trong NCĐT đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt để đảm bảo được kết quả vừa mang tính hệ
thống nhưng cũng vừa thể hiện được mối liên hệ toàn diện của các thông tin liên quan đến ĐT cho dù là đã
dùng phương pháp phân tích dữ liệu nào.

7
PHÁT TRIỂN MỤC TIÊU TRONG NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH
1. Đại cương
Nghiên cứu định tính (NCĐT) là những nghiên cứu thu được các kết quả không sử dụng những công
cụ đo lường, tính toán. Nói một cách cụ thể hơn NCĐT là những nghiên cứu tìm biết những đặc điểm, tính
chất của đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi của
ĐTNC trong những hoàn cảnh cụ thể.
Trong khi nghiên cứu định lượng (NCĐL) đi tìm trả lời cho câu hỏi bao nhiêu, mức nào (how many,
how much) thì NCĐT đi tìm trả lời cho câu hỏi cái gì (what), như thế nào (how), tại sao (why). Ở một góc
độ nào đó chính mục tiêu nghiên cứu là cơ sở để phân biệt nghiên cứu định lượng và định tính. Vì thế việc
phát triển mục tiêu của một cuộc nghiên cứu định tính là một bước hết sức quan trọng.
2. Những cơ sở lý luận (Theoretical approaches) và ảnh hưởng đến việc phát triển mục tiêu
Có một điều hết sức quan trọng trong NCĐT đó là mặc dù trên nguyên tắc khi đặt câu hỏi nghiên cứu
ta hoàn toàn mở đối với câu trả lời (chấp nhận tất cả mọi khả năng về c âu trả lời có thể xảy ra) nhưng thực
tế câu trả lời chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó đặc biệt là nhãn quan (perspective) của nhà nghiên
cứu (NNC) và người thu thập thông tin (NTTTT). Thực tế NNC và NTTTT luôn chịu ảnh hưởng bởi
những lý thuyết vĩ mô (macro-theories) (là những quan niệm về sự vận động của xã hội, về giai cấp, về
giới, về toàn cầu hóa…) và những lý thuyết trung mô (middle-range theories) (là những lý giải về cuộc
sống như tâm lý hành vi sức khỏe, lý luận về giáo dục gia đình…) của riêng họ. Điều này thể hiện rất rõ
qua việc xây dựng khung nhận thức (conceptual framework) và những mục tiêu chuyên biệt. Cùng một câu
hỏi nghiên cứu nhưng nếu được các nhà nghiên cứu khác nhau phát triển ta sẽ có những đề cương với
khung nhận thức và những mục tiêu chuyên biệt có thể rất khác nhau.
Có một nền tảng lý luận sâu, rộng sẽ giúp ích rất nhiều cho NNC trong việc phát triển các mục tiêu.
Ngoài ra việc tổng quan tài liệu không chỉ về các nghiên cứu tương tự mà cả về các tài liệu học thuật về
vấn đề liên quan là hết sức cần thiết để xây dựng khung nhận thức và phát triển mục tiêu. Tất nhiên – gần
như là một nguyên tắc sống còn trong NCĐT – phải dành chỗ cho “sự bất ngờ” tức những nội dung mà ta
không biết trước vượt ra ngoài các tài liệu tổng quan mà điều này thì phụ thuộc vào kinh nghiệm tiếp cận
cộng đồng và sự nhạy cảm đối với cuộc sống của cả NNC và NTTTT. Có thể gọi đây là những “lý thuyết
vi mô” xuất phát từ cuộc sống không thể thiếu ở những người thực hiện NCĐT.
3. Xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu chuyên biệt trong NCĐT
3.1. Xác định mục tiêu tổng quát
Như trên đã đề cập, NCĐT nhằm trả lời cho các câu hỏi Cái gì, Như thế nào, Tại sao, vì thế mục tiêu
tổng quát (Aim, Overall objective) là sự thể hiện cụ thể việc trả lời cho các câu hỏi này ứng với đề tài cụ
thể.
Ví dụ 1: Với đề tài “Nhãn quan/góc nhìn của phụ huynh đối với chủng ngừa MMR [sởi, quai bị,
rubella]” (Parents’ perspectives on the MMR immunisation) của tác giả Evans và cs, 2001 thì mục tiêu
tổng quát là “Khảo sát những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của phụ huynh trong việc chấp nhận hoặc từ
chối chủng ngừa MMR) (To investigate what influences parents’ decisions on whether to accept or refuse
MMR immunisation) tương ứng với câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là “Điều gì ảnh hưởng đến quyết định
của phụ huynh trong việc chấp nhận hoặc từ chối chủng ngừa MMR?”.
Ví dụ 2: Với đề tài “Nhu cầu thông tin và hành vi tìm kiếm sự giúp đỡ của bệnh nhân ung thư”
(Cancer patients’ information needs and help-seeking behaviour) của tác giả Leydon và cs, 2000 thì mục
tiêu tổng quát là “Thăm dò tại sao/lý do bệnh nhân ung thư không muốn hoặc muốn tìm kiếm thông tin về
tình trạng bệnh của họ ngoài những thông tin được cung cấp bởi thầy thuốc” (To explore why cancer
patients do not want or seek information about their condition other than that supplied by physicians) tương
ứng với câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là “Tại sao/lý do gì bệnh nhân ung thư không muốn hoặc muốn tìm
kiếm thông tin về tình trạng bệnh của họ ngoài những thông tin được cung cấp bởi thầy thuốc?”
3.2. Xác định các mục tiêu chuyên biệt
Như trên đã đề cập việc xác định các mục tiêu chuyên biệt (MTCB) của một NCĐT phụ thuộc rất lớn
vào kiến thức của nhà nghiên cứu về lĩnh vực định khảo sát. Tuy nhiên như là một nguyên tắc sống còn các

8
MTCB được xác định trong đề cương nghiên cứu chỉ là xuất phát điểm và thực tế có thể thay đổi, thêm bớt
trong và sau khi thu thập dữ liệu. Ví dụ sau đây giới thiệu khung nhận thức và các MTCB của một nghiên
cứu đã nêu ở trên.
Ví dụ: Trong “Nhãn quan/góc nhìn của phụ huynh đối với chủng ngừa MMR” các mục tiêu chuyên
biệt (thể hiện khung nhận thức) bao gồm:
1. Tìm hiểu Niềm tin về nguy cơ và lợi ích của việc chủng ngừa so với những nguy cơ khi bị sởi, quai
bị, rubella (Beliefs about the risks and benefits of immunisation compared with the risks associated with
contracting measles, mumps or rubella).
2. Tìm hiểu Những đáp ứng đối với thông tin trên các phương tiện truyền thông và các nguồn khác về
sự an toàn của vắc-xin (Responses to information from the media and other sources about vaccine safety)
3. Tìm hiểu Sự tự tin và tin tưởng đối với lời khuyên của các nhân viên y tế và thái độ đối với sự tuân
thủ những khuyến cáo y khoa (Confidence and trust in the advice given by health professionals and
attitudes towards compliance with medical recommendations)
4. Tìm hiểu những quan điểm về sự quan trọng của những chọn lựa cá nhân trong khuôn khổ chính
sách của chính phủ về chủng ngừa (Views on the importance of individual choice within government
policy on immunisation)
Các mục tiêu này thực tế được xây dựng dựa trên những nền tảng lý thuyết chẳng hạn như Mô hình
Niềm tin Sức khỏe (Health Belief model), Lý thuyết học tập xã hội (Social Learning theories), các lý thuyết
về Sự tuân thủ (Compliance), Quyền con người (Human rights) v.v…
4. Tóm lại
NCĐT là nghiên cứu giúp ta đi sâu tìm hiểu một hiện trạng hay một vấn đề sức khỏe nào đó. Việc
phát triển mục tiêu thực chất chính là sự thể hiện những đặc thù của NCĐT một cách cụ thể đối với nội
dung nghiên cứu. Việc trau giồi các lý thuyết vĩ mô, trung mô giúp ta có được một xuất phát điểm có cơ sở
lý luận tốt đồng thời việc tăng cường trải nghiệm trong tiếp cận cộng đồng giúp ta có được một sự nhạy
cảm đối với những “lý thuyết vi mô” từ đó ta có thể xây dựng được mục tiêu tổng quát và đặc biệt là những
mục tiêu chuyên biệt phản ánh tốt nhất hiện thực cuộc sống.

9
ĐẠI CƯƠNG VỀ PHỎNG VẤN SÂU
1. Bản chất của phỏng vấn sâu
Là một cuộc đối thoại giữa nhà nghiên cứu (researcher - NNC) hoặc người thu thập thông tin (data
collector - NTTTT) và người cung cấp thông tin (informant - NCCTT) để tìm hiểu những cảm nhận về bản
thân, cuộc sống và kinh nghiệm của NCCTT được thể hiện bằng chính ngôn ngữ của người ấy.
Phỏng vấn sâu có thể dựa trên một bảng gợi ý phỏng vấn sâu (phỏng vấn bán cấu trúc) hoặc không
(phỏng vấn không cấu trúc).
2. Lợi ích của phỏng vấn sâu
Thu thập những thông tin sâu và chi tiết về một đề tài chuyên biệt, đặc biệt trong mối liên hệ hữu lý
(logic) với một bối cảnh cụ thể của một con người cụ thể.
Ngoài ra việc thảo luận tự do giữa phỏng vấn viên (PVV) và NCCTT còn giúp khai thác được những
thông tin mà người nghiên cứu nhiều khi không nghĩ trước đó
3. Giới hạn của phỏng vấn sâu
- Không phải là một công cụ đo đạc
- Khó so sánh giữa các phỏng vấn với nhau (vì tính linh hoạt của việc phỏng vấn)
- Phân tích dữ kiện khó và tốn thời gian hơn phỏng vấn có cấu trúc.
4. Nhiệm vụ của phỏng vấn viên
- Liên hệ, xác định người phỏng vấn, hẹn địa điểm, thời điểm, có thể thông tin trước hoặc không các
ý chính cần hỏi.
- Phỏng vấn và thu băng hay ghi chép cuộc phỏng vấn
- Ghi lại thành văn bản
- Phỏng vấn thêm nếu thông tin chưa đáp ứng đủ mục tiêu nghiên cứu.
5. Tiến trình của hoạt động phỏng vấn sâu
Giai đoạn 1: Chuẩn bị
Đọc tài liệu:
- Đọc nhiều tài liệu về đề tài tìm hiểu.
- Viết tóm tắt về những điều thu nhận được.
Suy nghĩ cẩn thận:
- Suy nghĩ về những thiên lệch có thể có đối với các đề tài tìm hiểu.
- Thảo luận với các phỏng vấn viên hoặc những người nghiên cứu khác có kinh nghiệm.
Giai đoạn 2: Xây dựng và Nhập tâm bảng câu hỏi gợi ý
Xây dựng bảng gợi ý:
Liệt kê các chủ đề có thể gặp, phân nhóm thành các chủ đề chính, các tiểu chủ đề.
Đặt câu hỏi:
Dùng ngôn ngữ đơn giản, không chuyên môn, tránh định hướng, tránh câu hỏi mớm ý (leading
questions), ví dụ: “Bạn có đồng ý với ý kiến này không?”.
3 loại câu hỏi:
- Mô tả: Cái gì? Bao nhiêu?...
- Cấu trúc: Tại sao? Nên hay không?...
- Tương phản: Chọn cách nào?
3 dạng:
- Câu hỏi mở: không có những tùy chọn trả lời cho trước
- Câu hỏi giả định: Nếu ở trong trường hợp như vậy thì anh/chị nghĩ sao, làm gì?
- Khai thác thông tin (probing): Bạn có thể nói rõ hơn? Còn điều gì khác? v.v…

10
Thử nghiệm trước.
Chọn đối tượng phỏng vấn: Theo yêu cầu của nghiên cứu (không ngẫu nhiên).
- Ca tiêu biểu
- Ca có trách nhiệm
- Ca cực đoan.
Chú ý: nên chọn người để thử nghiệm trước đáp ứng điều kiện:
- Người lạ đối với phỏng vấn viên
- Không quá hiểu biết nhưng cũng phải nắm vấn đề tương đối.
Nhập tâm bảng câu hỏi gợi ý
Phỏng vấn sâu là một hình thức thu thập thông tin đặc biệt đòi hỏi đi sâu vào những vấn đề nhiều khi
là rất tế nhị của NCCTT. Vì thế việc nắm vững những thông tin cần thu thập là rất quan trọng để khi phỏng
vấn ta có thể tự do đi theo luồng đối thoại giữa 2 người (hơn là đi theo thứ tự của các gợi ý) nhưng vẫn đảm
bảo thu thập được những thông tin tối thiểu cần thiết. Muốn vậy PVV cần phải nhớ rõ những thông tin cần
thu thập để khi phỏng vấn tốt nhất là không nhìn vào bảng gợi ý.
Giai đoạn 3: Thu thập dữ liệu
Quá trình phỏng vấn.
- Hỏi sự chấp nhận phỏng vấn dựa trên sự hiểu biết (không ép buộc)
- Ghi âm (nếu được sự đồng ý). Ngoài ra dù có ghi âm hay không cũng cần ghi nhận lại tóm tắt về
những thông tin cần thiết trên giấy.
- Thực hiện việc phỏng vấn một cách hết sức tự nhiên như một buổi trò chuyện. Chú ý dùng ngôn
ngữ không lời khuyến khích sự trả lời (vẻ mặt thân thiện, mỉm cười...)
- Xin địa điểm, thời điểm để liên hệ lại nếu cần
- Cám ơn và tạm biệt.
Cụ thể các thông tin cần ghi lại bao gồm:
- Mô tả hoàn cảnh phỏng vấn
- Những hiểu lầm trong quá trình phỏng vấn, các đề tài đối tượng tránh né
- Cảm tưởng và cảm xúc khi phỏng vấn.
Ghi lại thành văn bản ghi âm
- Ghi lại trung thực từng từ.
- Ghi nhận cả các khoảng dừng, những tiếng cười và các cảm xúc biểu lộ thành âm thanh khác.
- Chừa lề để thêm ghi chú nếu cần
- Ghi chú: 1 giờ ghi âm thường cần 4-5 giờ để ghi lại.
6. Cách thức mã hóa và lưu giữ thông tin của phỏng vấn sâu
Các bản ghi nhận thông tin của phỏng vấn sâu cần phải được mã hóa và giữ riêng biệt với hồ sơ các
thông tin định danh. Mối liên kết giữa bản ghi thông tin của phỏng vấn sâu và thông tin định danh là mã.
Tốt nhất là PVV không nắm được thông tin định danh và ngược lại người nắm thông tin định danh không
biết và không giữ các thông tin của phỏng vấn sâu.
Có thể dùng ký hiệu diễn tả các đặc tính của đối tượng để mã hóa các đối tượng được phỏng vấn. Ví
dụ: X-Y-n trong đó X,Y là những đặc điểm phân nhóm đối tượng, n là số thứ tự của đối tượng trong cùng
một phân nhóm. Cụ thể như: M-HVC-01, F-HVT-02 với quy ước chữ M là Nam, F là nữ, HVC là học vấn
cao, HVT là học vấn thấp.
7. Những điều cần lưu ý để nâng cao chất lượng phỏng vấn sâu
- Phỏng vấn viên phải thường xuyên xử lý và phân tích thông tin để tiếp tục cuộc đối thoại một cách
liền lạc và hiệu quả để thu thập được nhiều chi tiết
- Đối tượng có thể nêu các chủ đề không lường trước và phỏng vấn viên phải suy nghĩ và quyết định
xem có theo đuổi những chủ đề này không
- Nếu không được phép thu băng cuộc nói chuyện, phỏng vấn viên đồng thời phải ghi chép và tiếp
tục dẫn dắt cuộc đối thoại sao cho không làm rối đối tượng. Ngay sau khi kết thúc phỏng vấn phải

11
nhanh chóng ghi nhận lại các câu nói của NCCTT càng chi tiết, sát thực càng tốt.
- Thực hiện các biện pháp để tăng tính giá trị (Validity) và tính tin cậy của thông tin thu thập. Cụ
thể:
o Để tăng tính giá trị: cần chọn đối tượng đại diện cho dân số và có thể nói chuyện một
cách rõ ràng về đề tài quan tâm.
o Để tăng tính tin cậy (Reliability): cần giải thích về sự bảo mật, tính khoa học; không
hỏi một cách đường đột về các vấn đề tế nhị và không đặt câu hỏi mớm ý.

12
PHÂN TÍCH THEO ĐỀ MỤC
Đây là một phương pháp phân tích dữ liệu định tính ở mức trung gian nếu xét ở khía cạnh khái quát
hóa các thông tin thu thập được. Nếu ở một cực đó là phương pháp “Báo cáo trường hợp” trình bày dữ liệu
thu thập thành từng trường hợp của từng đối tượng (ĐT) và dữ liệu được sắp xếp lại chứ không bỏ bớt hoặc
khái quát hóa thành các ý tưởng chủ quan. Ở một cực khác phương pháp phân tích “Lý thuyết nền tảng”
(Ground theory) thì khái quát hóa nhiều trường hợp thành một mô hình chung có cơ chế hoạt động đặc thù.
Trong PPPTDL theo đề mục, dữ liệu được khái quát hóa ở mức vừa phải và được sắp xếp vào trong
một khung các đề mục như ta xếp gà vào chuồng. Công việc quan trọng nhất của PPPT này là xây dựng hệ
thống khung các đề mục, trong đó có những đề mục lớn, từ đó chia thành các đề mục nhỏ và các đề mục
nhỏ hơn.
Việc xây dựng khung các đề mục có thể dựa vào một khung nhận thức (Conceptual framework) có
sẳn, sử dụng nguyên hay điều chỉnh thêm bớt. Khung các đề mục cũng có thể xây dựng dựa vào lý thuyết
về các khái niệm liên quan. Cuối cùng khung các đề mục có thể được xây dựng hoàn toàn mới dựa vào dữ
liệu thu thập được và năng lực khái quát hóa của nhà nghiên cứu. Ngoài ra ta có thể kết hợp tất cả các cách
này. Cũng cần lưu ý rằng khung đề mục không cố định suốt trong quá trình phân tích mà có thể thay đổi
hoặc mở rộng thêm nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên cũng cần lưu ý không mở rộng quá nhiều đề mục, những
đề mục nào có thể gộp lại được thì gộp. Cần tránh những lỗi như chuyện con chó và con mèo của Newton
được khoét 2 lổ ở cửa để ra vào.
Kết quả phân tích cũng như mọi PPPTDL định tính khác và nói chung là kết quả nghiên cứu khoa
học, ta phải bắt đầu từ dữ liệu thu thập. Không có những phát biểu chủ quan của nhà nghiên cứu không
xuất phát từ dữ liệu.
Cũng không chen cảm xúc của nhà nghiên cứu vì báo cáo nghiên cứu khoa học không phải là một
cuốn tiểu thuyết hoặc một sách chính trị. Sử dụng trích dẫn (quoting) khi câu nói hàm chứa những thông tin
sâu không thể diễn tả bằng một câu khái quát. Tuy nhiên cũng không lạm dụng trích dẫn mà quên đi những
phát biểu khái quát nêu bật những ý tưởng chính của kết quả.
Cũng lưu ý có những dữ liệu có thể xếp vào nhiều khung hay có sự tương tác giữa các yếu tố khi đó
ta phải có những khung thích hợp hay những khung động. Thậm chí có những sự vật, hiện tượng là tổng
hòa của nhiều mối quan hệ không thể cắt rời mà không làm mất đi tính toàn vẹn của nó, khi đó ta buộc phải
trình bày nó như một thể thống nhất. Cũng có những sự vật, hiện tượng ta cắt rời ra, xếp vào từng khung
nhưng cũng cần trình bày nó một cách thống nhất. Trong 2 trường hợp này ta có thể sử dụng phương pháp
Báo cáo trường hợp dưới dạng nghiên cứu trường hợp (Case study).
Ví dụ: Xếp 1 bộ bài 52 lá trong một khung đề mục. Có thể xếp vào các khung Đỏ/Đen hoặc Giá trị
lớn/Giá trị nhỏ. Trong trường hợp khung Giá trị lớn/Giá trị nhỏ ta thấy rõ ràng cần phải xét đến loại trò
chơi cụ thể: Xập xám, Tiến lên.
Tóm lại, Phương pháp PTDL theo đề mục quan trọng nhất là sự phân chia các đề mục. Sau khi đã
phân chia được đề mục thì điều quan trọng kế tiếp đó là khi nào cắt nhỏ, khi nào cần tổng hợp lại bằng
những trường hợp nghiên cứu.

13
CÁCH VIẾT ĐỀ CƯƠNG & BÁO CÁO NGHIÊN CỨU
1. Cách viết báo cáo kết quả nghiên cứu
Tùy theo lĩnh vực, nội dung nghiên cứu và văn phong của tác giả mà cách trình bày một báo cáo kết
quả nghiên cứu hoặc thứ tự các phần nội dung có thể thay đổi ít nhiều. Mặc dù vậy có những nội dung
không thể thiếu dù viết trước hay sau. Dàn ý báo cáo nghiên cứu đề cập sau đây là một gợi ý, có thể có
nhiều dàn ý khác, tuy nhiên ý nghĩa và nội dung của từng phần sẽ không khác nhau mấy.
1.1 Tựa
- Tên đề tài: ngắn gọn, nêu bật được các nội dung nghiên cứu
- Tên nhóm nghiên cứu
- Tên cơ quan đơn vị của nhóm nghiên cứu
- Tháng, năm viết báo cáo.
1.2 Tri ân (có thể không có)
1.3 Mục lục
1.4 Tóm tắt nghiên cứu (Abstract)
Đề cập tuần tự một cách vắn tắt các phần của báo cáo (đặt vấn đề, phương pháp nghiên cứu, kết quả,
bàn luận, kết luận, đề xuất).
1.5 Mục lục các bảng biểu, sơ đồ, đồ thị
1.6 Bảng các chữ viết tắt
1.7 Phần mở đầu (Introduction)
1.7.1 Đặt vấn đề (Statement of the Problem)
Trả lời cho câu hỏi tại sao ta nghiên cứu đề tài này cụ thể là trả lời từng bước các nội dung trong tên
đề tài nghiên cứu. Cụ thề là:
- Mức độ quan trọng của vấn đề (sức khỏe, kinh tế, xã hội...) ta nghiên cứu
- Tại sao ta khu trú ở một số mặt của vấn đề
- Tại sao ta chọn nhóm đối tượng đó
- Tại sao ta chọn địa điểm nghiên cứu đó.
1.7.2 Mục đích, mục tiêu chuyên biệt, các câu hỏi của nghiên cứu, các giả thuyết
- Mục đích (aim) còn gọi là mục tiêu tổng quát (overall objective): là điều mà nhà nghiên cứu muốn
tìm hiểu.
- Mục tiêu chuyên biệt (specific objectives): những điều chúng ta muốn tìm biết qua nghiên cứu để
đạt được mục đích/mục tiêu tổng quát.
- Các câu hỏi nghiên cứu (research questions): là phần cụ thể hóa hơn của mục tiêu chuyên biệt về
những điều nghiên cứu mong muốn tìm biết. Có khi không có phần này nếu mục tiêu chuyên biệt
đã tương đối cụ thể. Thường có trong nghiên cứu định lượng khi cần kiểm định những mối liên hệ
cụ thể.
- Các giả thuyết (hypotheses): đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu định lượng, là các trả lời giả
định cho các câu hỏi nghiên cứu.
1.7.3 Định nghĩa các thuật ngữ (Operational definitions)
Định nghĩa các thuật ngữ sử dụng trong nghiên cứu. Mục đích nhằm để cho người đọc hiểu cùng một
ý với người làm nghiên cứu để tránh hiện tượng cùng một thuật ngữ nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau.
1.7.4 Khung nhận thức (Conceptual framework)
Đặc biệt cần thiết trong nghiên cứu định lượng để phân biệt rõ đâu là biến độc lập (independant
variables) đâu là biến phụ thuộc (dependant variables). Khung nhận thức của nghiên cứu có thể dựa vào
các mô hình có sẳn về đề tài liên quan hoặc xây dựng mới dựa vào kết quả các nghiên cứu trước và lý luận
hợp lý. Phần Khung nhận thức có khi được trình bày cuối phần tổng quan tài liệu.

14
1.8 Tổng quan tài liệu (Review Literature)
Điểm lại các thông tin đã có liên quan đến đề tài ta nghiên cứu nhằm đúc kết, rút kinh nghiệm về
những gì mọi người đã biết từ đó làm nền tảng để dẫn dắt đến đề tài nghiên cứu của ta. Phần này đặc biệt
cần thiết và quan trọng khi đề tài ta nghiên cứu còn nhiều bàn cãi. Cụ thể gồm 2 phần:
- Về nội dung nghiên cứu: Ta lần lượt trình bày có hệ thống về những thông tin đã có về đề tài ta
nghiên cứu, phân tích những hạn chế có thể có của các thông tin này và gợi mở về hướng nghiên
cứu của ta có thể khắc phục hoặc bổ sung thêm vào những hạn chế này.
- Về phương pháp nghiên cứu: Ta cũng lần lượt trình bày về những phương pháp nghiên cứu về các
đề tài giống hoặc tương tự đề tài ta nghiên cứu, phân tích những điểm mạnh và những hạn chế có
thể có của các phương pháp này.
1.9 Phương pháp nghiên cứu (Methodology)
Phần này có hai mục đích. Thứ nhất là trình bày cho người đọc những gì dự kiến và đã được thực
hiện để họ có thể hiểu những kết quả tốt hơn. Thứ hai là cung cấp các chi tiết đủ để người khác có thể lặp
lại nghiên cứu của ta nếu muốn. Nói một cách khác những điều chúng ta trình bày trong phần này na ná
giống như cách nấu một món ăn trong quyển sách dạy nấu ăn. Không để một công đoạn nào người đọc phải
tưởng tượng (nếu là phương pháp kinh điển thì không cần mô tả nhưng phải ghi tên phương pháp hoặc tác
giả của phương pháp).
1.10 Kết quả (Results)
1.10.1 Trường hợp nghiên cứu định lượng
Phải bám sát các giả thuyết đã nêu ở phần mở đầu và trình bày có thứ tự các kết quả thu được. Không
nhất thiết phải đưa cả bảng số liệu mà có thể chỉ cần trích một phần kèm với phần nhận xét tóm gọn ý
nghĩa của cả bảng số liệu. Tùy lúc có thể đưa biểu đồ, đồ thị thay cho bảng số liệu giúp người đọc dễ hình
dung hơn. Tránh trình bày những kết quả không liên quan đến các mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết
đã định.
1.10.2 Trường hợp nghiên cứu định tính
Cách viết khá đa dạng tùy vào loại đề tài nghiên cứu, văn phong của tác giả. Nguyên tắc chung đó là
phải cung cấp đủ thông tin về hoàn cảnh (context) cho bất cứ kết quả nào được trình bày để người đọc có
thể có cảm nhận đầy đủ hơn về kết quả. Ví dụ có thể mô tả về địa phương, về cộng đồng, về nhóm người ta
nghiên cứu, có khi phải nói cả lịch sử hình thành. Ngoài ra cần cố gắng đưa vào những chi tiết hoàn cảnh
cần thiết khi trình bày kết quả kể cả trích dẫn các câu nói nguyên văn, chen các nghiên cứu trường hợp
(case study) phù hợp. Tuy nhiên cũng cần giữ tính cấu trúc, hệ thống trong trình bày hết mức có thể.
1.11 Bàn luận (Discussion)
Ta bàn luận rộng thêm về 2 mặt:
- Về kết quả: kết quả có phù hợp với giả thuyết không, với thực tế không, với kết quả của các tác giả
khác không, lý do tại sao có sự khác nhau, ý nghĩa, lợi ích của các kết quả thu được.
- Về phương pháp và vật liệu: tự nhận xét về phương pháp và vật liệu của nghiên cứu. Nên có phần
đề cập về các hạn chế (limitations) của nghiên cứu.
1.12 Kết luận và đề xuất (Conclusion and Recommendations)
- Kết luận: Dựa vào phần đặt vấn đề, kết quả và bàn luận để viết kết luận. Chú ý tránh kết luận
những điều không hoặc rất ít được minh chứng bởi kết quả.
- Đề xuất: dựa vào các kết luận để đề xuất các biện pháp cải thiện về vấn đề nghiên cứu. Nên có đề
cập đến các nghiên cứu trong tương lai.
1.13 Thư mục tham khảo (References):
Chỉ nêu những tài liệu có trích dẫn trong bài. Cần ghi theo thứ tự: họ tên tác giả, đề mục sách báo,
nhà xuất bản, năm xuất bản.
1.14 Phụ lục
Các bảng câu hỏi được đặt ở phần phụ lục, kể cả các thống kê đầy đủ.

15
Cần lưu ý:
• Khi viết báo cáo kết quả nghiên cứu, cần đặt mình vào vị trí người đọc lần đầu tiên đọc qua báo
cáo và chưa hề biêt gì về đề tài nghiên cứu để viết đủ chi tiết, nhất là về phương pháp nghiên cứu.
• Có một quy tắc nữa trong việc viết báo cáo kết quả nghiên cứu là: “Cái gì nghi ngờ không biết có
đưa vào hay không, hãy đưa vào!” (có thể đưa vào phụ lục nếu xét thấy nó làm loãng mạch nội
dung chính.
2. Cách viết đề cương nghiên cứu
Đề cương nghiên cứu là một văn bản đề cập đến những nội dung chủ chốt của nghiên cứu trước khi
bắt tay vào nghiên cứu, thường bao gồm các mục sau:
- Tựa
- Mục lục
- Bảng các chữ viết tắt
- Phần mở đầu
+ Đặt vấn đề
+ Mục đích, mục tiêu chuyên biệt, các câu hỏi của nghiên cứu, các giả thuyết
+ Định nghĩa các thuật ngữ
+ Khung nhận thức
- Tổng quan tài liệu
- Phương pháp nghiên cứu (Methodology)
Ngoài ra có thêm 2 mục:
- Tiến độ thực hiện
- Dự trù kinh phí.
3. Viết bài thông tin kết quả nghiên cứu
Bài thông tin kết quả nghiên cứu chính là một báo cáo tóm tắt của báo cáo nghiên cứu thông thường
từ 4-5 trang A4. Bài thông tin kết quả nghiên cứu rất quan trọng vì thường nó sẽ được đăng trên các tạp chí
y học, các kỷ yếu hội nghị v.v... nhờ đó giới thiệu được kết quả cho nhiều người biết. Một tác giả đã viết
“Không in phổ biến được kết quả nghiên cứu thì kiến thức thu thập được chỉ khu trú ở một số người và như
thế sự phát triển của khoa học đã chậm lại một phần” và mạnh mẽ hơn: “Không phổ biến đươc kết quả thì
đã không làm tròn nhiệm vụ của một người khoa học”. Thật vậy, chúng ta, những nhà khoa học đã thụ
hưởng kiến thức của nhân loại thì phải có nghĩa vụ đáp lại, thông tin những điều thu thập của chính mình.
Có thể nó tốt, mang lại lợi ích lớn nhưng cũng có thể nó chưa hoàn chỉnh, thậm chí là những thất bại,
nhưng dựa vào đó những người khác có thể tránh bước vào vết xe đổ của ta và đó âu cũng là một đóng góp.
Ðể mọi người có thể hiểu nhau một cách dễ dàn hơn, ta cũng nên quan âm một chút đến cách trình
bày. Tùy theo lĩnh vực, nội dung nghiên cứu và văn phong của tác giả mà cách trình bày có thể thay đổi ít
nhiều. Thường thì một bài thông tin kết quả nghiên cứu bao gồm các phần: Tên đề tài, tên tác giả, nơi thực
hiện công trình, đặt vấn đề, phương pháp và vật liệu nghiên cứu, kết quả, bàn luận, kết luận, thư mục tham
khảo. Ngoài ta có thể có phần tóm gọn ở đầu hoặc tóm tắt ở cuối.

Tài liệu tham khảo


Helman, Cecil G. Culture, Health and Illness: An Introduction for Health Professionals.
Butterworth-Heinemann, 1990.
Judith Green and Nicki Thorogood. Qualitative Methods for Health Research. SAGE Publications,
2004
Many authors. Applied Health Research Manual: Anthropology of Health and Health Care.
1995.
Nanda, Serena. Cultural Anthropology. Wadsworth, 1987.

16
Priscilla R. Ulin, Elizabeth T. Robinson, Elizabeth E. Tolley. Qualitative Methods in Public
Health: A Field Guide for Applied Research. Jossey Bass, 1st edition, 2004.

17

You might also like