You are on page 1of 15

Thuật Xử Thế Của Người Xưa

Ngô Nguyên Phi

Thế Nào Là Ăn Trộm

Nước Tề có họ Quốc là địch phú.

Nước Tống có họ Hướng là bần cùng. Họ Hướng đến


học cách làm giàu của họ Quốc. Họ Quốc nói:

- Tôi giỏi về nghề trộm. Trộm năm đầu thì đủ ăn, đến
năm hai thì giàu có, năm thứ ba thì đại phú. Nhờ của cải
dư thừa tôi mới giúp được người nghèo khổ.

Họ Hướng nghe vậy mừng lắm, bèn về làm nghề trộm


cắp. Ngày nào họ Hướng cũng rình mò chực đục tường
khoét vách, chẳng may bị người ta bắt được, bỏ tù và gia sản bị tịch biên. Họ Hướng rất
đau khổ. Ra tù, ông đến nhà họ Quốc trách hận. Họ Quốc hỏi:

- Ông ăn trộm thế nào nói tôi nghe?

Họ Hướng thuật lại việc làm của mình. Họ Quốc nghe xong giảng cho ông nghe: Trời có
bốn mùa, đất có vật sản. Nhờ đó mà ruộng vườn màu mỡ tốt tươi, tôi thu hoạch nó,
chất thành kho đụn. Lại nữa, ở trên bộ tôi ăn trộm cầm thú, ở dưới nước tôi ăn trộm cá
tôm đều là sản vật của Trời Đất, chứ đâu phải của riêng ai? Ăn trộm của Trời Đất không
bị tai vạ. Còn ông ăn trộm tài sản của tư nhân tất nhiên phải mắc tội, còn trách ai được?

Họ Hướng nghe rồi lòng vẫn nghi hoặc, bèm tìm tới một vị tiên sinh để thỉnh giáo. Tiên
sinh giảng giải như lời họ Quốc.

Lời Bàn:

Đoạn văn trên của nhà tư tưởng Liệt Ngự Khấu, dùng lời ẩn dụ để nói rằng cuộc sống
thường nhật của mỗi người là phải chăm lao động. Mọi sản vật do con người tạo ra, gốc
gác của nó vẫn có sẵn trong thiên nhiên, có điều người ta có chịu làm việc hay không
mà thôi. Ta để ý, cây cối đứng một chỗ mà vẫn sống được là vì trong đất có chất bổ
dưỡng cho cây cối, nhưng rể cây phải 'chịu' làm việc hút chất bổ vào. Hoa lá có đủ màu
xanh, hồng, tím, bạch là do trong không khí có chất bổ dưỡng, hoa lá có tiếp nhận
những chất đó hay không. Trong nước sông, nước biển, nước ao hồ ... Có vô vàn loài
thủy tộc thì nước có chất bổ dưỡng. Mọi loài cùng tranh sống đều phải làm việc. Họ
Quốc nói việc 'ăn trộm' là nói theo nghĩa bóng, Hướng hiểu theo nghĩa đen.

Đọc lịch sử thời Xuân Thu ta thấy, họ Quốc là quan thượng khanh của Tề, giàu có khác
gì một tiểu vương lại chăm lo làm việc và có lòng từ thiện. Ở Tống có họ Hướng (điển
hình như Hướng Thú) cũng là một đại phu chuyên về mặt quốc chính, suốt đời ông
chuyên nghiên cứu về thuật an dân. Hướng Thú không để ý đến gia cảnh của mình,
suốt đời hết Tấn lại sang Sở, gia cảnh cơ cực.

Ở đây tác giả nói về ngụ ngôn. Rất tiếc họ Hướng không hỏi rõ cách ăn trộm thế nào
trước khi hành động.

Ngày nay, phương tiện, đất đai ... Còn dồi dào mà vẫn có người không chịu làm việc, chỉ
mong 'một đêm ăn trộm bằng ba năm làm', có đáng buồn không.

Mạo Biện Cứu Tri Kỷ

Mạo Biện nước Tề là thực khách của Tĩnh Quách Quân Điền Anh, Biện có nhiều tật xấu
nhưng lại được Tĩnh Quách Quân yêu vì. Thực khách trong nhà ai nấy không vui liền
xúm lại can, kể cả Mạnh Thường Quân Điền Văn (con của Điền Anh). Tĩnh Quách Quân
nổi giận nói:

- Các ngươi chết đi đừng phá nhà ta! Dẫu sau này ta có vì Mạo Biện làm hư hại ta vẫn
cứ làm!

Rồi cho Mạo Biện ở phòng nhất, bắt con trưởng mình phải hầu hạ, cơm nước mỗi ngày
ba lần. Vài năm sau, Tề Uy Vương mất, Tề Tuyên Vương thay. Tuyên Vương rất ghét
Tĩnh Quách Quân. Không bao lâu Tĩnh Quách Quân bị bãi chức Tể tướng, trở về ấp Tiết
ở với Mạo Biện. Sau đó Mạo Biện xin gặp Tề Tuyên Vương. Tĩnh Quách Quân nói:

- Tuyên Vương ghét Điền Anh mỗ. Tiên sinh đến đó ắt chết!

Mạo Biện cười buồn:

- Mạo Biện này vốn không muốn sống. Cứ để tôi đi.

Mạo Biện tới gặp vua Tề, Tề Tuyên Vương giận, có ý muốn giết ông ta, hỏi:

- Ta nghe, ngươi được Tĩnh Quách Quân yêu quý, nói gì cũng nghe phải không?

Mạo Biện đáp:

- Yêu quý thì có, còn nghe thì không.

Vua gằn:

- Có gì làm bằng chứng?

Mạo Biện nói:

- Có đó! Hồi Đại vương còn là Thái tử, Biện tôi có bảo với Tĩnh Quách Quân: 'Thái tử có
tướng bất nhân, má phị mắt híp giống như đầu heo luộc, hãy phế đi, để lập công tử
Giao Sư (con bà Vệ Cơ)'. Tĩnh Quách Quân khóc, nói: 'Tôi không nhẫn tâm làm việc đó
được!'. Đại vương nghĩ xem, nếu Tĩnh Quách Quân nghe lời tôi thì đâu có ngày hôm
nay? Còn một chuyện nữa, Tể tướng Chiêu Dương của Sở muốn đem ấp phong của
mình rộng gấp mấy lần ấp Tiết để đổi lấy ấp Tiết, tôi xúi nên đổi, Tĩnh Quách Quân
than: 'Ấp Tiết là của tiên vương phong cho. Bây giờ tuy bị chúa công ghét bỏ, nhưng
nếu đem đổi đi, thì khi xuống suối vàng, biết trả lời sao với tiên vương đây? '. Đó là
bằng chứng.

Tề Tuyên Vương nghe vậy cảm động nói:

- Tĩnh Quách Quân đối với quả nhân tốt như vậy ư? Quả nhân còn trẻ không hiểu được
việc đời. Tiên sinh có thể vì quả nhân mà vời Tĩnh Quách Quân về triều được không?

Mạo Biện đáp:

- Xin tuân mệnh!

Tĩnh Quách Quân mặc áo, đội mão mang kiếm báu, tất cả đều của tiên vương ban cho,
về triều gặp Tuyên Vương. Tuyên Vương xin lỗi rồi mời ông làm Tướng Quốc. Ông từ
chối mãi không được bèn nhận lời.

Người ta khen Mạo Biện địa vị tuy thấp hèn nhưng vẫn vui vẻ, sẵn sàng cứu được ân
nhân tri kỷ trong lúc hoạn nạn.

Lời Bàn:

Mạo Biện có nhiều tật xấu nhưng không rõ là tật gì. Có điều, người dị tật nhiều khi hay
có dị tài. Bọn thực khách dèm pha Mạo Biện với Điền Anh có lẽ vì nhãn quan của họ
không thấy được cái hay của Mạo Biện. Bao nhiêu khách đều ghét Mạo Biện, chỉ riêng
Điền Anh nhận Mạo Biện làm tri kỷ, thì Điền Anh vẫn có chỗ hơn người. Chỉ có anh hùng
mới biết được anh hùng.

Điền Anh bị thất sủng. Bao nhiêu thực khách không ai hiến kế gì để giúp Điền Anh. Chỉ
có MaÏo Biện cả gan gặp Tuyên Vương. Chúng ta ngạc nhiên khi vua hỏi: 'Ta nghe,
ngươi được Tĩnh Quách Quân yêu quý nói gì cũng nghe phải không? '. Câu hỏi là 'trúng
ý' Mạo Biện rồi. Mạo Biện liền dẫn những điều Điền Anh không nghe mình. Một câu mà
Mạo Biện nói gần như chửi Tuyên Vương: 'Thái Tử có tướng bất nhân, má phị mắt híp
giống như đầu heo luộc'. Trong trường hợp này, Mạo Biện càng quá lời càng tốt cho
Điền Anh.

Giả như Tuyên Vương không hỏi câu đó, mà hỏi một câu nào khác bất kỳ, ví dụ câu:
'Tên Mạo Biện kia, ngươi đến đây xin xỏ cho Điền Anh à? 'hoặc: 'Cút ngay! Ta sẽ cắt
lưỡi quân thuyết khách' ... thì Mạo Biện có thuyết phục được không? Việc ấy không xảy
ra, nhưng ta dám quả quyết rằng 'được'! Là vì, những người ăn nói giỏi thì bất kỳ câu
nào họ cũng có tài để trả lời.

Vả lại, theo sử, Tề Tuyên Vương là một ông vua có nhiều đức tính lạ. Rất thích vui thú,
lại cũng thích bàn luận về văn học, triết học. Tề Mạo Biện là tay gan dạ, mưu trí đã
không phụ lòng Điền Anh. Điều này cho ta một bài học kinh nghiệm, không nên đánh
giá ai một cách vội vàng, đã kết bạn với ai thì phải đem hết lòng thành ra mà đối xử với
họ. Trong đời chỉ cần một việc làm cao cả và đúng chỗ cũng đủ bù vào trăm ngàn lần
mình đã nhờ đỡ họ ...

Tín Lăng Quân Kết Bạn

Tín Lăng Quân là công tử Ngụy Vô Kỵ (người hoàng tộc), vốn là người có tâm hồn cao
khiết, nhân hậu, tính thiùch chiêu hiền đãi sĩ, không phân biệt giàu nghèo, thường lấy lễ
để giao tiếp với kẻ sĩ.

Nước Ngụy có kẻ ẩn sĩ tên là Hầu Doanh, tuổi đã 70, nhà nghèo, làm nghề giữ cửa
thành Di Môn ở Đại Lương. Ngụy công tử nghe tiếng, tìm đến kính cẩn kết giao. Lòng
công tử chí thành khiến Hầu Doanh không thể từ chối.

Hầu Doanh giới thiệu với công tử một người mổ heo ở chợ tên là Chu Hợi. Ngụy công tử
vẫn thành tâm lui tới thăm viếng Chu Hợi, Hợi chưa từng đáp lễ, công tử không hề có ý
phiền.

Ngày kia, nhà công tử có đặt tiệc mời các tân khách. Công tử tự mình đánh xe mời Hầu
Doanh, rồi vào chợ đón Chu Hợi. Giữa tiệc đông đảo mọi người cao quý, hoàng thân
quốc thích, Tể tướng, đại phu, tướng quân, phu nhân, kiều nữ vọng tộc ... Công tử vẫn
xem Hầu Doanh và Chu Hợi là thượng khách. Nhiều người thấy vậy chửi thầm Hầu
Doanh và Chu Hợi.

Bấy giờ nước Tần sai Đại tướng Vương Hạt đem quân vây kín Hàm Đan của Triệu đánh
phá suốt ngày đêm. Tướng quốc của Triệu là Bình Nguyên Quân Triệu Thắng cứ lăm le
đầu hàng. Trước nay Triệu Thắng vốn kết thân với Tín Lăng Quân (Ngụy Vô Kỵ), lại
quen biết với vua Ngụy là An Ly Vương. Triệu Thắng sai sứ giả sang Ngụy vương mượn
quân. Vua Ngụy sai tướng Tấn Bỉ đem 10 vạn quân sang cứu Triệu. Vua Tần biết vậy
hăm:

- Nước nào cứu Triệu ta diệt nước đó.

Ngụy Vương nghe vậy cả sợ, liền ra lệnh cho Tấn Bỉ án binh bất động ở Nghiệp Hạ. Còn
Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ vốn có mối giao tình thâm đậm với Bình Nguyên Quân, nên
ông cố vào triều cố thuyết phục vua Ngụy tiến quân. Vua Ngụy quyết khước từ.

Tín Lăng Quân đau đớn không biết làm cách nào để giúp bạn mình, liền nói với đám
thực khách:

- Các vị có vì ta mà hy sinh cứu Triệu không?

Cả ngàn tân khách đều hưởng ứng lời hiệu triệu đó.

Tín Lăng Quân dẫn đám thực khách đi ngang qua Di Môn, ghé lại thăm Hầu Doanh, Hầu
Doanh nói:

- Chúc công tử cố gắng. Doanh này già rồi không theo công tử được.
Thấy Hầu Doanh không nói gì thêm, Tín Lăng Quân từ giã ra đi lòng buồn vẩn vơ. Đi
được mấy dặm, Tín Lăng Quân chợt nghĩ điều gì đó, bèn quay lại, thấy Hầu Doanh đứng
trước cửa đón mình. Hầu Doanh mỉm cười nói:

- Tôi đoán công tử thế nào cũng trở lại.

Vô Kỵ (Tín Lăng Quân) hỏi:

- Sao biết?

Hầu Doanh nói:

- Công tử đãi Doanh này rất hậu. Giờ này công tử vào nơi nguy hiểm mà Doanh này
không có một ý kiến gì, tất công tử sẽ giận, nên trở lại hỏi cho ra lẽ? !

Vô Kỵ nói:

- Tôi ngờ rằng đãi tiên sinh có điều gì sơ sót nên tiên sinh mới giận mà ghét bỏ, vì thế
tôi quay lại hỏi cho biết.

Hầu Doanh nói:

- Công tử nuôi ba ngàn thực khách đã vài chục năm rồi thế mà không có vị nào nghĩ ra
diệu kế. Công tử và đám thực khách liều mạng xông vào trại Tần có khác nào ném thịt
cho hổ đói? Có phải trước đây công tử có ơn với Vương Phi Như Cơ không?

Tín Lăng Quân chợt nhớ ra ... Liền quay về thành Ngụy gặp Vương Phi Như Cơ, nhờ
Vương Phi lấy cắp binh phù đưa cho mình rồi tức tốc trở lại gặp Hầu Sinh (tức Hầu
Doanh), Hầu Sinh nói:

- Tướng ngoài mặt trận có thể không tuân theo mệnh vua. Công tử phải mời Chu Hợi
mới được.

Tín Lăng Quân cùng Hầu Doanh đến gặp Chu Hợi. Hợi nói:

- Tôi là đứa mổ heo ở chợ, thân phận hèn hạ, bấy lâu đội ơn công tử hạ cố. Sở dĩ Hợi
tôi không nói lời ơn nghĩa vụn vặt là đợi đến lúc này đây.

Hầu Doanh nói:

- Binh hung chiến nguy! Doanh này đã già không đi cùng công tử được. Khi công tử tới
trận, ở đây Doanh này xin lấy cái chết để tạ ơn công tử.

Ba người bái biệt nhau. Tín Lăng Quân đến Nghiệp Hạ cùng với Chu Hợi vào yết kiến lão
tướng Tấn Bỉ. Tín Lăng Quân nói:

- Đại vương thấy tướng quân mấy mươi năm dầm sương dãi gió cực khổ về binh nghiệp,
nay sai Vô Kỵ đến cầm quân thay cho lão tướng.

Nói rồi đưa binh phù ra, hai bên so, ăn khớp nhau. Nhưng Tấn Bỉ nói:

- Làm tướng ngoài mặt trận có lúc vì tình thế mà không tuân theo mệnh vua, tuy rằng
công tử có binh phù này nhưng hãy chờ ít hôm, tôi làm sổ sách và cho người về hỏi lại
nhà vua lần nữa.

Tín Lăng Quân nói:

- Cứu binh như cứu lửa. Thành Hàm Đan đang khắc khoải tứng giây phút lẽ nào phải
chờ tin đi tin lại?

Chu Hợi hét:

- Nguyên soái không tuân theo mệnh vua, ý muốn làm phản chăng?

Nói rồi lấy dùi sắt đập đầu Tấn Bỉ chết ngay.

Tín Lăng Quân cùng Chu Hợi đoạt lấy binh quyền, đánh vào trại Tần. Tướng Tần là
Vương Hạt đại bại, kéo tàn quân chạy về Hàm Cốc quan đóng kín cửa ải. Công tử Ngụy
Vô Kỵ cứu được nước Triệu, danh tiếng lẫy lừng.

Lời Bàn:

Vào cuối thời chiến quốc nhiều ông hoàng thân hay những quan lại cao cấp nhưng trẻ
trung, thường hay mở cửa để đón tân khách như: ở Tề có Mạnh Thường Quân Điền
Văn, ở Triệu có Bình Nguyên Quân Triệu Thắng, ở Sở có Xuân Thân Quân Hoàng Yết.
Đó là chưa kể những tên vô lại, con buôn như Lao Ái, Lã Bất Vi ở Tần. Thực khách của
họ có đến ba ngàn! Đám thực khách ấy bu bám vào các ông hoàng thân ăn ở đến mười
mấy năm.

Công tử Ngụy Vô Kỵ (Tín Lăng Quân) là trang công tử tuyệt vời.

Thực khách của ông ta hầu hết là những người có dũng khí. Cứ xem việc ngàn khách đó
xung phong cùng Tín Lăng Quân đi đánh bạo Tần, đủ hiểu. Sở dĩ được như vậy là nhờ
Tín Lăng Quân đối xử với họ hết lòng. Điển hình như Hầu Doanh, Chu Hợi. Hầu Doanh
là ông già giữ cổng thành Di Môn, Chu Hợi là anh chàng mổ heo ở chợ. Họ sống như
những kẻ vô danh. Địa vị của họ thấp hèn, nhưng khí tiết và phẩm chất của họ chưa
hẳn đã thấp.

Vua Ngụy hứa giúp quân cho Triệu, nhưng vì sợ Tần mà không dám tấn binh. Ngụy Vô
Kỵ thuyết phục thế nào cũng không xong. Đám môn khách của công tử không ai có
mưu kế gì. Cuối cùng, công tử và đám môn khách đành phải đi liều mạng với Tần. Thử
hỏi ba ngàn khách so với 15 vạn quân Tần khác nào ném thịt vào miệng thú dữ? Bấy
giờ Hầu Doanh mới bày diệu kế. Nguyên nàng Như Cơ (vợ vua Ngụy) trước đây có một
mối thù với kẻ giết cha mình. Mối thù ấy cho đến vua Ngụy cũng trả không được. Thế
mà Ngụy Vô Kỵ giúp nàng trả thù được. Việc ấy ít người biết. Dẫu biết chưa chắc ai nghĩ
ra được diệu pháp sau đó. Hầu Doanh đã bày cho Vô Kỵ vào thành nhờ Như Cơ trộm
binh phù để sai khiến tướng Tấn Bỉ. Ông còn cho biết thêm, có thể Tấn Bỉ không giao
binh quyền. Vậy thì làm cách nào? Chu Hợi là người mổ heo ở chợ, có sức khỏe tốt lại
gan dạ. Sử nói: 'Tín Lăng Quân hạ mình kết thân với Chu Hợi, từng giúp đỡ cho Chu
Hợi, nhưng Hợi chưa bao giờ nói được một tiếng cám ơn, Tín Lăng Quân không để tâm
đến việc đó'. Giờ này Chu Hợi vì nghĩa mà đi làm việc lớn. Chu Hợi giết Tấn Bỉ để đoạt
binh quyền. Tín Lăng Quân kéo 10 vạn binh Ngụy đi đánh giặc Tần. giải vây cho Hàm
Đan!

Tại sao Hầu Doanh nói: 'Khi công tử tới trận, ở đây Doanh này lấy cái chết để tạ ơn
công tử'? Câu nói đó có hai nghĩa. Theo ngày xưa, người ta kết thân với nhau, có việc gì
trọng đại mà họ không giúp được, thì người không giúp được phải tự sát để linh hồn
yểm trợ người kia. Còn một nghĩa nữa: Hầu Doanh đã bày cho Ngụy Vô Kỵ một việc
phạm pháp có tội với triều đình. Tội ấy xử tử cả họ cũng không đủ. Nên Hầu Doanh phải
tự sát. Cái chết đó còn chết thay cho Vô Kỵ nữa. Tín Lăng Quân quả thật tuyệt vời mới
có những người bạn như vậy.

Đẹp Và Xấu

Một hôm thầy Dương Chu đi qua nước Tống trú tạm ở một khách điếm. Ông chủ điếm
có hai bà vợ. Một bà rất đẹp và một bà rất xấu. Thế nhưng bà xấu được chồng yêu quý
hơn. Dương Chu hỏi duyên cớ, ông chủ đáp:

- Người đẹp tự cho mình đẹp, tôi chẳng thấy đẹp chỗ nào. Còn người xấu tự cho mình là
xấu, tôi chẳng thấy xấu chút nào.

Dương Chu quay lại nói với đệ tử:

- Các con thấy đó, mình làm được việc tốt, chớ nên khoe mình là tốt, thì đến nơi nào lại
không được người ta yêu quý?

Lời Bàn:

Thường tâm lý người thích khoe những gì mình đắc ý hơn người: Khoe giàu, khoe giỏi,
khoe đẹp ... đó là nguyên cớ để gây bất mãn cho những người xung quanh. Những cái
đắc thế, đắc vị đó cũng giống như nhụy hoa, đến lúc khai hương mới toát, nhụy mới lộ
ra, và người ta mới chú ý đến. Hoa không thể cưỡng khai được. Cũng như cái tài, cái
đẹp cái giàu tự mình phơi bày ra tất phải có tác dụng ngược. Tục ngữ có câu: 'Cái nết
đánh chết cái đẹp'. Đơn giản như thế nhưng không phải ai cũng áp dụng được nó.

Cái Ghen Của Nàng Trịnh Tụ

Sở Hoài Vương là ông vua đa tình nhưng rất ngu dốt về việc trị nước. Vua có một ái phi
là Trịnh Tụ, đẹp nhưng hiểm độc và tham lam.

Sở Hoài Vương tiến cung một nữ nhân nhan sắc chim sa cá lặn. Nữ nhân ấy nết na đằm
thắm ai cũng yêu mến. Trịnh Tụ thường lui tới viếng thăm nàng, biếu tặng nàng ngọc
ngà châu báu, may cho nàng vô số xiêm y lộng lẫy.
Một hôm Trịnh Tụ nói với mỹ nhân:

- Đại vương rất ghét người thở hơi vào mình.

Mỹ nhân điếng lòng hỏi:

- Thế thì phải làm sao? Xin chị giúp em với!

Trịnh Tụ nói:

- Muốn vậy thì khi gần vua em hãy khéo léo che mũi lại.

Mỹ nhân nghe theo kế ấy.

Một thời gian sau vua ghé cung thăm Trịnh Tụ. Trịnh Tụ liệu chừng nhà vua tin mình,
liền nói:

- Ngọc thể bệ hạ có mùi hương cao quý như thế này mà 'tân nhân' của bệ hạ nói rằng
bệ hạ hôi như chuột xạ, thế có đáng hận không?

Sở Hoài Vương nhớ ra, nàng mỹ nhân nói chuyện với mình, thường lấy tay che mũi. Sở
Hoài Vương tức giận hét vang như sư tử!

Nhà vua liền truyền lệnh cho nội thị lôi mỹ nhân ra xẻo mũi, lóc thịt hành hình cho đến
chết.

Lời Bàn:

Nói về ghen thì thiên hình vạn trạng cách ghen. Có người ghen bằng cách cho người
phục kích để đánh đập, đâm chém, cho người tạt nước độc, nước bẩn vào mặt. Cái
ghen của Trịnh Tụ mới thật có 'nội công thâm hậu'. Trước nhất Trịnh Tụ lấy lòng mỹ
nhân, cố làm cho mỹ nhân tin mình, rồi bày kế độc để 'hóa giải'.

Độc kế của Trịnh Tụ trơn tru, có lý như thế, ai mà không lầm! Chỉ đáng trách Sở Hoài
Vương, ông vua nổi tiếng là hôn ám của thời chiến quốc. Sao vua không kêu mỹ nhân ra
tra hỏi? Sao không tự mình nghe có mùi hương hay mùi hôi? Sao không chịu hiểu Trịnh
Tụ là thứ phi trong cung vua Sở lại đi tư thông với sứ Tần, triều đình lại không ai biết?

Ngày xưa, nhiều mỹ nhân rất sợ bị tiến cung. Gửi thân vào nơi đó có khác nào cánh hoa
trôi giạt trên dòng nước.

Cốt Cách Của Một Nhân Tài

Triệu Xa người nước Triệu là nhân viên đi thu thuế. Một hôm Triệu Xa vào thu thuế nhà
Bình Nguyên Quân Triệu Thắng, tên quản lý của Bình Nguyên Quân ỷ mình là kẻ có thân
thế nhất định không chịu nộp thuế. Triệu Xa bèn giết tên quản lý đó. Bình Nguyên Quân
toan giết Triệu Xa. Triệu Xa nói:
- Ngài là quý công tử của Triệu, không lý ỷ mình là người thân không coi phép nước vào
đâu? Quốc pháp mà mất hiệu lực thì thế nước suy yếu. Nước khác thấy vậy đem quân
đến đánh phỏng nước Triệu có giữ được không? Nước Triệu mà mất thì đất Bình
Nguyên Quân cũng không còn. Ngài là hoàng thân càng giữ được phép công, càng làm
gương cho thiên hạ, có như thế trên dưới mới công bình, đất nước mới phú cường.

Bình Nguyên Quân nghe Triệu Xa nói chợt tỉnh ngộ và cho Triệu Xa là bậc hiền tài, bèn
giới thiệu với nhà vua. Vua phong Triệu Xa làm quan nắm trọn quyền thu thuế cả nước.
Nhờ đức tính liêm khiết và công bình của Triệu Xa, kho đụn của nước đầy đủ, nhà nhà
no ấm.

Lời Bàn:

Cái thói cậy thế ỷ thân dường như thời nào và nơi nào cũng có. Nước nào cũng có tham
vọng trừ diệt nó đi, nhưng điều đó thật kho. Phong khí của nước nhà sáng sủa, luật
pháp nghiêm minh, dân trí mở mang thì nạn hối mại, cửa quyền tự nhiên giảm đi, vì lúc
ấy mỗi cá nhân đều ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình.

Qua truyện này ta biết, có lẽ từ lúc Bình Nguyên Quân Triệu Thắng cho mình là quan
cao cấp (Tướng Quốc) trong triều dung túng cho đám bộ hạ làm điều ngược với phép
nước, bởi vậy tên quản lý mới không chịu nộp thuế. Triệu Xa vì phép nước mới giết tên
quản lý của Tướng Quốc, việc ấy tuy quá quyền nhưng không sai nguyên tắc. Trước đó
có người nói: 'Loạn tặc của nước nào cũng là loạn tặc của thiên hạ, ai cũng có quyền
giết nó'.

Triệu Xa đòi lại quyền công bình cho dân cho nước.

Diện Mạo Của Một Tướng Tài

Bấy giờ Tần là một cường quốc, sai đại tướng Hồ Thương đem quân vây thành Ứ Dự
của nước Hàn giáp biên giới Triệu. Nước Hàn cho người cầu cứu Triệu. Các danh tướng
của Triệu ai nấy đều cho rằng địa thế ở Ứ Dự rất hiểm hóc mà binh lực của Tần thì quá
mạnh, không thể cứu Hàn được. Vua hỏi Triệu Xa, Triệu Xa nói:

- Ứ Dự hiểm và hẹp, nếu cứu Hàn thì ta và Tần phải chọi nhau, không khác gì hai con
chuột chọi nhau trong hang. Bên nào gan và mạnh thì thắng.

Vua phong Triệu Xa làm tướng đem 5 vạn quân đi cứu Hàn. Triệu Xa kéo quân ra cửa
Đông, khỏi kinh thành Hàm Đan 30 dặm hạ trại. Triệu Xa hạ lệnh:

- Kẻ nào nói đến việc binh ta chém đầu!

Trong khi đó quân Tần rầm rộ tiếp tục kéo quân đến Ứ Dự làm nhà nhà rung chuyển.
Một tên quân biết việc đó, nói:

- Quân Tần đông lắm, thành Ứ Dự lâm nguy trong sớm tối!
Triệu Xa cho chém đầu tên quân đó ngay lập tức. Rồi cho đào công sự, đắp lũy đóng
quân dài hạn ở đó.

Tướng Tần là Hồ Thương cho quân đi thám thính, Triệu Xa bắt được một tên, đãi nó
cơm rượu no nê rồi thả ra. Triệu Xa liệu chừng tên thám thính kia về tới Ứ Dự, liền cấp
tốc tấn binh. Hồ Thương nghe được liền chia một nửa quân tìm quân Triệu Xa mà đánh.

Bấy giờ trong quân Triệu có một tên lính tên là Hứa Lịch, viết vào tấm bảng ghi là 'Xin
Can', đến quỳ trước cửa dinh dâng lên.

Triệu Xa thấy lạ truyền cho vào, hỏi:

- Muốn nói gì?

Hứa Lịch nói:

- Quân Tần không ngờ quân Triệu ta đến đây. Khi biết được ắt nó đem đại quân đến với
khí thế ngất trời. Vậy, Nguyên Soái cần phải tập trung quân lực lại, đội ngũ chỉnh tề để
đợi nó. Nếu không làm vậy ắt sẽ thua!

Triệu Xa nói:

- Vâng lệnh!

Hứa Lịch nói:

- Tôi đã phạm quân lệnh, xin chịu chém!

Triệu Xa nói:

- Hãy đợi lệnh sau.

Khi xuất trận, Hứa Lịch lại nói:

- Theo binh pháp ai chiếm được địa lợi thì thắng. Hình thế ở Ứ Dự chỉ có Bắc Sơn là đỉnh
cao mà tướng Tần không biết chiếm. Nguyên Soái hãy chiếm ngay đi.

Triệu Xa nghe lời, sai Hứa Lịch đem một vạn quân lên chiếm đỉnh Bắc Sơn. Nhờ vậy
quân Tần có động tĩnh gì Hứa Lịch đều thấy và dùng cờ hiệu báo cho Triệu Xa biết.

Hồ Thương nổi giận đem đại quân (10 vạn) tấn công vào trại Triệu. Triệu Xa đem quân
thiện chiến ra cự, và Hứa Lịch cho quân trên núi tràn xuống với khí thế như xô non dốc
biển. Quân Tần đại bại chạy tuốt về Hàm Dương.

Qua trận này Hứa Lịch được phong làm Quốc úy.

Lời Bàn:
Triệu Xa là một danh tướng thời đó. Đời binh nghiệp của ông chưa bao giờ biết bại.
Triệu Xa dụng binh rất nghiêm, nhiều mưu trí. Cái việc ông hạ lệnh: 'Ai bàn đến việc
binh thì chém', mới nghe như phản binh pháp. Thật ra, đó là hư chiêu. Binh sự bàn phải
có nơi có chốn, không phải đụng nơi nào cũng nói. Triệu Xa cấm ngặt như vậy là để
quân Tần không có đường mò. Triệu Xa đình binh vờ như không dám gây sự với Tần.
Tướng Tần cứ nghĩ Triệu Xa sợ, nên không đề phòng.

Hứa Lịch chỉ là anh lính quèn, ai ngờ đó là một nhân tài (cũng giống như Triệu Xa trước
đây chỉ là một nhân viên thu thuế). Hứa Lịch biết việc binh, can gián Triệu Xa mà không
sợ chết. Trong thiên hạ 'Địa hình' Tôn Tử nói: 'Tấn bất cầu danh, thoái bất trị tội, duy
nhân thị bảo, nhi lợi hiệp vu chủ, quốc chi bảo dã' (tiến lên không cầu danh, lui về
không tránh tội, vì người mà bảo vệ, mà làm lợi cho nước). Hứa lịch là con người đó.
Hứa Lịch làm đúng binh pháp khiến một tướng uy nghiêm lạnh lùng như Triệu Xa phải
nghe theo.

Triệu Xa có tác phong của một Nguyên Soái đã đành, Hứa Lịch lại càng có phong cách
của một tướng lĩnh. Triệu Xa và Hứa Lịch mỗi người đều có một diện mạo khác thường.

Không Ai Hiểu Con Bằng Cha

Triệu Xa có người con trai tên là Triệu Quát, ngay từ bé đã đọc và bàn luận rất nhiều.
Triệu quát vẽ trời vạch đất giảng giải lung tung, coi thiên hạ không ra gì, dẫu bố là Triệu
Xa cũng không bắt bẻ được, nhưng Triệu Xa vẫn không cho là phải. Triệu mẫu thấy con
được như vậy rất mừng, bà nói:

- Quả là ... tướng môn xuất tướng!

Triệu Xa không vui, nói:

- Quát không thể làm tướng được. Nước Triệu không dùng nó là đại phúc cho xã tắc.

Triệu mẫu nói:

- Quát đọc hết binh thư, bàn rất thấu đáo về binh sự. Thiên hạ không ai bằng nó, sao
bảo là làm tướng không được?

Triệu Xa nói:

- Chính vì Quát tự cho thiên hạ không ai bằng mình, tôi mới nói rằng nó làm tướng
không được. Việc binh cầm bằng cái chết trong tay, lo lắng, sợ hãi, cẩn thận từng bước,
học hỏi từng người mà vẫn còn nhiều sai sót. Thế mà Quát lại cho là dễ dàng. Nếu nó
được giữ binh quyền thì nó sẽ tự ý mà làm, do đó những kế hay không lọt vào tay nó,
chắc chắn chuốc lấy sự thảm bại.

Triệu mẫu đem lời nói với Quát. Quát nói:

- Cha nay đã già nên nhát.


Hai năm sau Triệu Xa bệnh nặng, trước lúc lâm chung kêu Quát đến dặn.

- Binh hung chiến nguy, người xưa lấy đó làm răn.Cha mày mấy năm làm tướng giờ mới
kịp mừng tránh được cái nhục thua trận. Mày không có tài làm tướng chớ nên dây vào
cái nghiệp đó mà làm hại nước, hư nhà, thiệt dân.

Triệu Xa lại dặn vợ:

- Sau này nếu vua phong cho nó làm tướng, bà nên kể lại những lời của tôi và từ chối.
Mất quân nhục nước là cái tội rất lớn.

Vua Triệu, sau khi Triệu Xa mất, vẫn Triệu Quát làm Mã Phục Quân, nối chức cha!

Lời Bàn:

Thường một xã hội tiến bộ thì thế hệ sau phải hơn thế hệ trước. Tuy nhiên trên cương
vị nghề nghiệp chưa chắc con đã hơn cha hay em đã hơn anh.

Trong đạo làm tướng, ngoài tài năng thiên phú, người ấy còn phải mài luyện trên chiến
trường để lấy kinh nghiệm xương máu, để biết địa hình địa thế, không thể ngồi trong
tháp ngà mà nói chuyện chiến tranh.

Qua cung cách của Triệu Quát, ta biết Quát không thể làm tướng được. Tác phong làm
tướng phải trầm hùng, lạnh lùng, ít nói mà hiểu việc sâu sắc. Còn nói nhiều chứng tỏ
Quát không có chiều sâu, chỉ có thiển cận, nông nổi. Một lẽ dễ hiểu, nói nhiều là để lộ
cái sơ hở của mình cho địch biết. Làm tướng mà đa ngôn, lạm ngôn là điều tối kỵ trong
binh gia.

Ta biết, trước đây Tôn Thúc Ngao làm lệnh doãn nước Sở, trước khi lâm chung gọi con
là Tôn An lại dặn: 'Con ơi! Tài con thô thiển, con không thể chen vào đám quan trường
được. Nếu đại vương có phong ấp cho con thì con nên từ chối. Nếu từ chối không được,
con xin đất Tam Khâu. Đất ở đó cằn cỗi không ai tranh giành'. Tôn Thúc Ngao mất, vua
Sở phong chức cho Tôn An, An từ chối, vâng lời cha lui về làm dân.

Xem thế đủ biết Triệu Quát không bằng Tôn An.

Khi Triệu Quát Được Phong Tướng

Bấy giờ Triệu Huệ Vương đã qua đời, Hiếu Thành Vương lên kế vị. Tần sai Đại Tướng
Vương Hạt đem quân tiến đánh 17 quận ở Thượng Đãng (của nước Hàn), tướng Phùng
Đình liệu sức không giữ được bèn dâng đất ấy cho Triệu. Người đến tiếp nhận đất
Thượng Đãng Bình Nguyên Quân Triệu Thắng. Phùng Đình nói với Triệu Thắng:

- Công tử về Triệu cử danh tướng và đem đại quân đến đây mới giữ được đất này.

Thế nhưng khi tiếp quản xong, Bình Nguyên Quân về Triệu ngày đêm tiệc tùng để vui
mừng 'chiến lợi lớn', 17 quận ở Thượng Đãng không đánh mà được. Trong lúc đó tướng
Tần vây đánh đến hai tháng, Phùng Đình không giữ nổi đành phải bỏ thành mà chạy,
vua Triệu liền cử tướng Liêm Pha đến thì Tần đã lấy xong Thượng Đãng và đang tiến
quân đến Trường Bình.

Liêm Pha phân quân chống cự với Tần hơn nửa năm bất phân thắng bại. Vua Triệu còn
nhỏ không hiểu biết việc binh nhung lợi hại thế nào cứ xúi Liêm Pha xuất quân mà
không được phép thủ. Lúc đó Tần dùng kế phản gián nhờ các gian thần của Triệu phao
tin: 'Tần chỉ sợ Mã Phục Quân Triệu Quát. Nếu Mã Phục Quân cầm binh thì Tần sẽ rút
binh về'.

Vua Triệu hỏi Triệu Quát:

- Khanh có thể đánh Tần được không?

Triệu Quát nói:

- Nếu Tần dùng Võ An Quân Bạch Khởi thì thần có thể tốn ít công phu trù mưu quyết
kế, chứ Tần dùng Vương Hạt thì thần coi chúng không ra gì.

Vua Triệu nghe Triệu Quát nói cứng như thế rất đẹp lòng, bèn phong Triệu Quát làm
tướng chuẩn bị ra trận thay cho Liêm Pha.

Lạn Tương Như đang nằm bệnh nghe vậy liền vào triều can:

- Đại vương dùng Triệu Quát làm tướng chỉ vì nghe tiếng suông của ông ấy mà thôi,
giống như gảy đàn không dây. Triệu Quát chỉ đọc sách chứ không có tài ứng biến.

Nhà vua không nghe.

Triệu Quát thẳng ra giáo trường duyệt 20 vạn quân sĩ. Duyệt binh xong, Triệu Quát liền
chở mấy xe vàng lụa đem về nhà chào mẹ. Triệu mẫu nói:

- Lúc lâm chung, phụ thân con dạy những gì, nay con quên rồi sao?

Triệu Quát nói:

- Con cũng muốn từ chối, ngặt nỗi không có ai giỏi bằng Quát này!

Triệu mẫu dâng thư cho vua, đại ý: 'Xin đức vua chớ dùng Triệu Quát. Quát chỉ biết đọc
sách chứ không biết lẽ biến thông, không thể làm tướng được'.

Nhà vua đòi Triệu mẫu vào triều. Bà nói:

- Già này từng thờ cha nó, được biết mỗi khi đức vua ban thưởng vật gì đều phân phát
hết cho tướng sĩ, cùng chịu khó khổ với quân sĩ. Đến khi thụ phong làm tướng thì ông
không để ý gì đến việc nhà nữa. Còn Quát làm tướng thì ngồi ngoảnh mặt về phía đông
tiếp khách, không chịu nghe ý kiến ai. Vàng lụa của vua ban đều đem về nhà cất. Hằng
ngày xem cái gì có lợi thì mua bán. Trước lúc lâm chung bố nó có dặn: 'Nếu Quát làm
tướng thì hại cho nước Triệu'. Xin đức vua hãy chọn tướng khác.
Nhà vua vẫn không nghe.

Triệu Quát dẫn binh đến Trường Bình thay cho Liêm Pha. Bên kia Tần cũng cho Bạch
Khởi thay cho Vương Hạt. Trận đầu Bạch Khởi xuất ba ngàn quân, Triệu Quát xuất quân
một vạn quân nên thắng được trận đó. Quát tự đắc khoa tay múa chân vạch trời, vẽ đất
thuyết giảng om sòm, báo tiệp về triều! ...

Qua trận thứ nhì, Quát đem quân đuổi theo quân Tần, bị Bạch Khởi tung quân ra vây
chặt quân triệu trong 46 ngày. Kết quả Triệu Quát bị giết tại trận. Quân Triệu đầu hàng.
Đêm đó Bạch Khởi chôn sống 45 vạn quân Triệu. Dòng sông xanh Cốc Dương từ đó biến
thành màu đỏ thẩm!

Lời Bàn:

Ta miễn bàn Tướng Quốc Triệu Thắng bỏ mất Thượng Đãng, Triệu Thắng chỉ là ông
hoàng để làm kiểng mà thôi.

Triệu Quát không nghe lời cha dặn, mẹ dạy, với tính cách tự cao tự đại, Quát đã chôn
45 vạn quân Triệu trong một đêm. Vua Triệu tin dùng Triệu Quát mà không chịu tin
Liêm Pha và Lạn Tương Như, Triệu mẫu cũng vì xã tắc mà vào triều can, thế mà Bình
Nguyên Quân Triệu Thắng đang làm Tướng Quốc không có một lời can gián. Nước Triệu
bại trận này khiến cho binh lực của sáu nước phương Đông (Sở, Hàn, Ngụy, Triệu, Yên,
Tề) phải xuống dốc, nước Tần có cơ hội thôn tính sáu nước. Đây là một bài học lớn cho
các bậc trị quốc ngàn đời. Kẻ có tài năng (nhất là tài năng về quân sự) thì họ có thái độ
điềm tĩnh, nói rất ít, nghe rất nhiều. Mỗi lời nói của họ vững như núi. Chỉ có bọn đồ điếu
mồm mép bất tài vô dụng mới khoa dại mà thôi. Từ đó ta có thể suy ra những việc khác
...

Quỷ Cốc Thử Tài Học Trò

Quỷ Cốc Tôn sư có hai học trò xuất sắc là Tôn Tẩn và Bàng Quyên. Một hôm Quỷ Cốc
muốn thử tài học trò bèn kêu họ lại, bảo:

- Ta ngồi trong động, trò nào có thể mời ta ra ngoài được?

Bàng Quyên vội vàng giành mời trước, nói:

- Bạch Tô sư, ngoài cửa động có rồng chầu phượng múa rất đẹp!

Quỷ Cốc nói:

- Hôm nay hung nhật, làm gì có việc đó?

Bàng Quyên lại nói:

- Có Bạch Hạc Đồng Tử mời thầy đi đánh cờ.


Quỷ Cốc lắc đầu, nói:

- Hôm qua ta đã chơi cờ với họ rồi.

Bàng Quyên trâng tráo:

- Nếu thầy không ra thì con nổi lửa đốt động!

Quỷ Cốc mỉm cười.

Đến lượt Tôn Tẫn mời. Tôn Tẩn thành kính thưa:

- Đệ tử không thể mời thầy từ trong ra ngoài được. Nhưng nếu thầy ở ngoài động đệ tử
có cách mời thầy vào trong được.

Quỷ Cốc lấy làm lạ bèn truyền đem ghế ra ngoài ngồi, cốt xem Tôn Tẫn sẽ mời bằng
cách nào.

Khi Tôn Sư an tọa, Tôn Tử vội quỳ xuống:

- Vậy đệ tử mời thầy ra ngoài được rồi!

Quỷ Cốc phục cái trí của Tôn Tẫn.

Lời Bàn:

Hai lần Bàng Quyên mời Quỷ Cốc là hai lần lừa gạt một cách lộ liễu thấp kém. Giả sử có
rồng chầu phượng múa, hoặc có Bạch Hạc Đồng Tử ở ngoài động, Quỷ Cốc vẫn không
ra thì sao? Đến lần thứ ba, Bàng Quyên không cần mời nữa, bèn dùng cái kế 'đốt động',
Quyên bộc lộ hết cái ác tâm của mình. Quả thật, ngày sau do ghét Tôn Tẫn, Quyên đã
đục lấy bánh xương chè của Tôn Tẫn. Quyên đã lừa thầy hại bạn.

Tôn Tẫn không nghĩ đến đến chuyện xa vời, chỉ lấy sự thật làm kế (vì không kế nào hay
bằng sự thật, không có bí mật nào kín bằng công khai). Bậc Tôn sư như Quỷ Cốc cũng
phải mắc mẹo này.

Tôn Tẫn ngày sau làm quân sư cho Tề hai lần đánh bại quân Ngụy do Bàng Quyên chỉ
huy. Cuối cùng Bàng Quyên tự sát ở Mã Lăng. Qua cuộc thử trí trên đây, ta có thể đoán
được tâm hồn của mỗi người.

You might also like