You are on page 1of 32

MỞ ĐẦU

Lịch sử loài người trải qua năm hình thái kinh tế - xã hội: xã hội nguyên
thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Học
thuyết hình thái kinh tế - xã hội là cống hiến to lớn của Marx đối với khoa học xã
hội. Nó là phương pháp thực sự khoa học để nhận thức sự phát triển của xã hội. Đó
là một phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử, dùng để chỉ xã hội ở từng giai đoạn
lịch sử nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó, phù hợp
với trình độ nhất định của lực lượng sản xuất, và với một thượng tầng kiến trúc
tương xứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy. Sự phát triển của các
hình thái đó là sự phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, ngay từ giữa thế kỉ XIX, Marx đã
đề cập đến một thuật ngữ “phương thức sản xuất châu Á” trong tác phẩm “Góp
phần phê phán khoa kinh tế - chính trị” (1859): “Về đại thể có thể ở các phương
thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến
triển dần dần của hình thái kinh tế - xã hội”. Đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối
cùng Marx sử dụng thuật ngữ này. “Phương thức sản xuất châu Á” (PSA)
khôngđược trình bày cụ thể, chi tiết trong so đồ đại lộ sự phát triển của xã hội loài
người. Chính điều này đã gây ra cuộc tranh luận lớn trong giới sử học về PSA,
không chỉ các sử gia macxit hay các sử gia châu Á.
Vấn đề đặt ra là có hay không phương thức sản xuất châu Á? Nếu PSA có
tồn tại thì đặt nó vào vị trí nào của tiến trình lịch sử? Những đặc trưng của nó là gì?
Xung quanh những vấn đề này các sử gia trên thế giới vẫn chưa có sự thống nhất về
quan điểm, thậm chí vẫn còn tồn tại những quan điểm trái ngược nhau hoàn toàn.
Việc nghiên cứu tìm hiểu về PSA là vấn đề cần thiết cả trong hoạt động
nghiên cứu và giảng dạy. Bởi vì dù muốn hay không thì khái niệm này đã xuất hiện
trong tác phẩm kinh điển của Marx và ông cũng không thay đổi nó trong suốt hai
mươi năm (từ 1859 đến 1883). Hơn nữa, dù có hay không muốn dùng thuật ngữ
này thì không thể phủ nhận những đặc điểm của hình thái Á châu như: công xã
nông thôn, sở hữu công về ruộng đất và tài sản, chế độ quân chủ chuyên chế,…Nó
cũng liên quan đến một phần lớn trong phần lịch sử thế giới là các quốc gia phương
Đông và liên quan chặt chẽ đến việc tìm hiểu tiến trình lịch sử và đặc điểm xã hội
Việt Nam.
Trong nội dung bài viết này, dựa trên quan điểm thừa nhận sự tồn tại của
PSA và những đặc điểm của châu Á để xác định những đặc trưng của PSA. Đồng
thời xem xét xã hội cổ đại phương Đông có thuộc phạm trù PSA hay không.
Bố cục bài viết:
I – Khái quát các quan điểm về phương thức sản xuất châu Á
1. Quan điểm của Marx – Engels
2. Quan điểm của các sử gia
II – Đặc trưng phương thức sản xuất châu Á
2.1. Chế độ sở hữu công về ruộng đất
2.2 Thể chế nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền
2.3 Công xã nông thôn tồn tại lâu dài, bền vững
2.4 Tính trì trệ, bảo thủ và tồn tại dai dẳng của xã hội châu Á
III – Xã hội cổ đại phương Đông và phương thức sản xuất châu Á
3.1 Điều kiện hình thành và nền tảng kinh tế của phương Đông cổ đại
3.2 Sự hình thành nhà nước và thể chế chính trị
3.3 Công xã nông thôn
3.4 Cơ cấu và quan hệ xã hội phương Đông cổ đại
NỘI DUNG
I – Khái quát các quan điểm về phương thức sản xuất châu Á
1.1 Quan điểm của Marx – Engels
Trước khi đề cập đến khái niệm “phương thức sản xuất châu Á” thì phải hiểu
rõ “phương thức sản xuất” là gì.
Phương thức sản xuất là cách thức con người thực hiện quá trình sản xuất vật
chất ở những giai đoạn lịch sử nhất định. Như thế,mỗi xã hội được đặc trưng bởi một
phương thức sản xuất nhất định. Và sự thay thế có tính kế tiếp nhay của các phương
thức sản xuất trong lịch sử quyết định sự phát triển của xã hội loài người từ thấp đến
cao. Nó là sự thống nhất giữa hai yếu tố: lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Lực lượng sản xuất là năng lực thực tiễn cải biến thế giới tự nhiên của con
người nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống; Quan hệ sản xuất là mối quan hệ giữa
con người và con người trong quá trình sản xuất, gồm ba mặt: quan hệ sở hữu tư
liệu sản xuất, quan hệ tổ chức và quản lí sản phẩm, quan hệ phân phối sản phẩm.
Lịch sử loài người trải qua các phương thức sản xuất: cổ đại, phong kiến, tư
bản và cộng sản. Vậy, phương thức sản xuất châu Á là phương thức nào?
Năm 1859, Marx đề cập đến thuật ngữ “phương thức sản xuất châu Á” trong
tác phẩm “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”: “Về đại thể có thể ở các
phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời
đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế - xã hội”. Marx chưa bao giờ giải thích
nội hàm khái niệm này song cũng không sửa chữa, thay đổi nó trong suốt hai mươi
năm. Còn Engels chưa từng sử dụng khái niệm này.
Mặc dù không giải thích khái niệm này nhưng cả Marx và Engels lại nói rất
nhiều đến các đặc điểm của châu Á thông qua các tác phẩm đề cập đến các vấn đề
về xã hội cổ đại, xã hội phong kiến phương Đông và phương Tây, đưa ra những
vấn đề lí luận về tiến trình lịch sử như: quy luật phát triển của lịch sử, động lực của
sự phát triển,…Marx đã phát hiện ra những điểm khác biệt giữa phương Đông và
phương Tây; và đặc biệt là thông qua việc tìm hiểu về xã hội Ấn Độ đã thấy những
nét riêng biệt về công xã nông thôn, thể chế quân chủ chuyên chế, chế độ đẳng
cấp, thành thị - nông thôn. Qua việc tìm hiểu sâu sắc như vậy có thể thấy rằng việc
sử dụng thuật ngữ “PSA” là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài của Marx.
Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” (1845 - 1846), Marx đã phát hiện ra rằng
“Sự phân công lao động cũng đồng thời là những hình thức khác nhau của sở
hữu”.Từ đây Mác đã tìm thấy 3 hình thức sở hữu đầu tiên : (1)Sở hữu bộ lạc; (2) Sở
hữu công xã và sở hữu Nhà nước; (3) Sở hữu phong kiến (hay sở hữu đẳng cấp).
Trong tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học”, Marx đã phát hiện ra mối
quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong một phương thức sản
xuất. Marx chỉ rõ: những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng
sản xuất. Do có những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi những phương
thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của
mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Từ cơ sở lý luận
trên, Marx đã đi đến khẳng định sự ra đời và kế tiếp lẫn nhau giữa các hình thái
kinh tế xã hội từ công xã nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ
nghĩa. Mặc dù đã đưa ra được mô hình của các hình thái kinh tế lần lượt ra đời và
tồn tại trong lịch sử loài người nhưng cả Marx và sau đó là Enghen khi nghiên cứu
về phương Đông thì không sắp xếp được mô hình kinh tế - xã hội ở đây vào loại
hình thái kinh tế nào. Bởi vì xã hội phương Đông có những nét đặc thù riêng.
Đến công trình về “Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ” (1853), Marx đã phát
hiện ra những nét đặc thù của xã hội phương Đông là “Nhà nước chuyên chế
phương Đông – chuyên chế châu Á” và “chế độ công xã nông thôn”.
Tiếp đến, trong thư gửi cho Engels, tháng 6-1853, Marx khẳng định: “Nhà vua là
kẻ sở hữu duy nhất tất cả mọi đất đai trong quốc gia” và “Tình hình không có chế độ tư
hữu về ruộng đất. Đó là chiếc chìa khoá thực sự ngay cả cho thiên giới phương Đông”.
Quan điểm trên tiếp tục được ông nhắc đến ở các công trình sau đó như trong tác phẩm:
“Những kết quả tương lai của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ”(7-1853); “Những hình thức
có trước sản xuất tư bản chủ nghĩa” (1857 – 1858)…
Trong tác phẩm “Những hình thức có trước sản xuất tư bản chủ nghĩa (xuất
bản 1976)”, Marx có viết: Lịch sử châu Á – đó là một thể thống nhất không phân
biệt giữa thành thị và nông thôn.
Engels không sử dụng thuật ngữ “PSA” song trong tác phẩm của mình ông
đã đề cập đến những đặc trưng của châu Á. Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia
đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, ông đã minh họa rõ nét hơn về hình thức
sở hữu bộ lạc; làm sáng tỏ sự phát triển của lịch sử loài người từ thấp đến cao và
nguyên nhân là do sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Trong
tác phẩm “Chống Đuyrinh”, ông đã nhấn mạnh đến tính chất bình quân công xã,
bình đẳng giữa các thành viên công xã, các công xã nguyên thủy – cơ sở của Nhà
nước thô sơ nhất – Nhà nước chuyên chế phương Đông, chế độ sở hữu công cộng
về ruộng đất, chế độ nô lệ gia trưởng…
Như vậy, cho đến trước năm 1859, tức là trước khi viết tác phẩm “góp phần
phê phán khoa kinh tế chính trị”, Marx đã nghiên cứu sâu về xã hội Ấn Độ, phương
Đông. Trong đó nổi bật lên một số đặc điểm của hình thức Á châu:
Thứ nhất là chế độ sở hữu ruộng đất: (1)Sở hữu bộ lạc; (2) Sở hữu công xã
và sở hữu Nhà nước; (3) Sở hữu phong kiến (hay sở hữu đẳng cấp). Chế độ sở hữu
này mang tính nhị nguyên, vừa có sở hữu tư nhân vừa có sở hữu nhà nước– nhà
Vua đứng đầu đất nước, nắm quyền tối cao sở hữu ruộng đất; giao cho làng xã quản
lí và người sử dụng là nông dân công xã.
Thứ hai là nhà nước ở phương Đông: nhà nước chuyên chế, có ba chức năng
(1) - Bộ Tài chính, cướp bóc của nhân dân trong nước;
(2) – Bộ Chiến tranh,cướp bóc của nhân dân các nước khác;
(3) – Bộ Xây dựng và quản lí các công trình công cộng (đền đài, lăng tẩm,
công trình thủy lợi).
Thứ ba là sự tồn tại lâu dài của công xã nông thôn. Marx phát hiện ra
rằng:công xã nông thôn là cơ sở bền vững của của chế độ chuyên chế ở phương
Đông… nó trói buộc con người bằng những xiềng xích nô lệ, các quy tắc cổ
truyền… hạn chế lí trí của con người trong những chật hẹp nhất, làm cho con người
như công cụ ngoan ngoãn của sự mê tín. Chế độ công xã nông thôn tồn tại độc lập
và biệt lập như một đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền và kinh tế.
Thứ tư là tính độc chuyên của phường hội và sự hình thành chế độ đẳng cấp
trong xã hội. Chế độ đẳng cấp tồn tại cả ở phương Đông và phương Tây, song ở
phương Đông rõ ràng hơn, có vị trí quan trọng hơn và tồn tại lâu bền hơn. Nhắc tới
chế độ đẳng cấp là nhắc tới Ấn Độ với hệ thống đẳng cấp Varna và Kaxta tồn tại xơ
cứng, khắc nghiệt và bền vững do được thần thánh hóa.
Thứ năm là sự bóc lột theo kiểu cống nạp.
Thứ sáu là thủ công nghiệp và nông nghiệp không tách rời; thành thị ra đời
muộn và chậm phát triển.
Thứ bảy là sự duy trì bền vững của những tôn giáo cổ đại, cũng như sự thần
thánh hóa các hiện tượng tự nhiên.
Thứ tám là sự bảo thủ, trì trệ và tồn tại lâu dài của hình thái châu Á.
Đây là tám đặc điểm, song chưa được khái quát thành đặc trưng cơ bản.
Như vậy, mặc dù không đề cập đến nội hàm cụ thể của PSA song Marx và
Engels lại trình bày rõ nét những đặc điểm của “hình thức Á châu”. Vậy, liệu giữa
PSA và những đặc thù của châu Á có mối quan hệ với nhau? Nếu gắn PSA vào tiến
trình lịch sử châu Á thì nó sẽ thuộc giai đoạn lịch sử nào? Để đi tìm câu trả lời thì
cần xác định những đặc điểm của PSA và xem xét từng thời kì lịch sử ở châu Á, so
sánh với những đặc điểm đó.
Khi nghiên cứu các phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản,
Marx đều nói tới tính chất hoặc thời đại của nó, riêng phương thức sản xuất châu Á thì
Marx lại nói theo khu vực và chỉ rõ đó là phương thức sản xuất của một khu vực nhất
định là châu Á. Qua đây có thể khẳng định rằng: nội hàm của phương thức sản xuất
châu Á và những đặc điểm của nó là hai vấn đề có mối quan hệ mật thiết với nhau.
1.2 Quan điểm của các sử gia về phương thức sản xuất châu Á
1.2.1 Quan điểm của các sử gia trên thế giới
Bởi Marx đề cập đến thuật ngữ PSA nhưng lại không chỉ rõ nội hàm của nó
nên đã gây ra cuộc tranh luận lớn, xung quanh các vấn đề sau:
- Phương thức sản xuất có tồn tại hay không? Nếu tồn tại cần xếp nó vào vị
trí nào trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người?
- Đặc trưng của PSA là gì?
- Vai trò của PSA trong sự phát triển lịch sử của các nước phương Đông.
Người đầu tiên bàn đến PSA là sử gia Pờ - lê - kha - nôp. Ông khẳng định có
PSA; đó là thuật ngữ chỉ loại hình kinh tế xuất hiện đồng thời với xã hội cổ đại,
song song với xã hội cổ đại. Đó là sự tiếp tục của cơ cấu xã hội thị tộc, hình thành
dựa trên sự tan rã của xã hội thị tộc.
Sau đó là cuộc tranh luận về PSA diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Tiêu
biểu như quan điểm của Xaphanop, Madjar, Quách Mạt Nhược, Ôn - cơ, Kavalov,
… Có thể phân loại thành 4 nhóm ý kiến như sau:
- Nhóm ý kiến cho rằng phương thức sản xuất châu Á là một hình thái đặc
biệt, chỉ có ở châu Á mà thôi. Nếu thừa nhận quan điểm này đồng nghĩa với việc
bác bỏ lí luận của chủ nghĩa Marx về các hình thái kinh tế - xã hội: quá trình phát
triển của xã hội loài người gồm năm giai đoạn, năm hình thái xã hội. Đồng thời
cũng không phù hợp với thực tiễn lịch sử: lịch sử châu Á trước khi tư bản phương
Tây xâm nhập là xã hội phong kiến chứ không phải là một xã hội đặc biệt: phi nô
lệ, phi phong kiến hay vừa nô lệ vừa phong kiến. Vì vậy, các cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc ở châu Á mới có mục đích là phản phong và phản đế.
- Nhóm ý kiến cho rằng PSA là hình thái xã hội nguyên thủy (quan điểm của
Quách Mạt Nhược trong “Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu”) “một giai đoạn
trước chế độ nô lệ” hoặc là thời kì quá độ từ xã hội nguyên thủy sang xã hội chiếm
hữu nô lệ. Rõ ràng, một trong những đặc điểm của hình thức Á châu có đặc điểm là
sự tồn tại của công xã nông thôn, nhưng đó chỉ là một trong số những đặc điểm mà
thôi. Bên cạnh đó còn có đặc điểm khác như: nhà nước quân chủ chuyên chế trên
cơ sở công xã. Mà có nhà nước tức là xã hội đó đã có sự phân hóa giai cấp, có sự
tồn tại của các giai cấp, có sự mâu thuẫn giai cấp. Điều đó khác hẳn với thời kì xã
hội nguyên thủy.
Về mặt lí luận, một hình thái kinh tế - xã hội không thể có nhiều phương
thức sản xuất khác nhau và cũng không có một phương thức sản xuất cho thời kì
quá độ từ hình thái xã hội này sang xã hội khác.
Vì vậy, PSA không thể là thời kì nguyên thủy hay thời kì quá độ từ thời
nguyên thủy sang chế độ chiếm hữu nô lệ.
- Nhóm ý kiến cho rằng PSA là xã hội phong kiến phương Đông (quan điểm
của Đồng Thư Nghiệp, học giả Liên Xô). Quan điểm này một mặt coi thời kì phong
kiến là hình thái mở đầu cho xã hội có giai cấp ở phương Đông, tồn tại đến trước
khi CNTB xâm nhập; mặt khác, bác bỏ tính phổ biến của chế độ chiếm hữu nô lệ
trên thế giới(chỉ tồn tại ở phương Tây).
Quan điểm này đi ngược lại với quan điểm của chủ nghĩa Marx - Lenil về
tính phổ biến của chế độ nô lệ: Trong tác phẩm “chống Duyring”, Engels đã khẳng
định “Chế độ nô lệ chẳng bao lâu đã trở thành hình thái sản xuất thống trị trong tất
cả các dân tộc…” , không có chế độ nô lệ cổ đại thì không có chủ nghĩa xã hội hiện
đại; Lenil cũng khẳng định rằng tất cả các dân tộc đều trải qua giai đoạn xã hội nhất
định dựa trên chế độ nô lệ, một xã hội chiếm hữu nô lệ.
Không thể vì một khái niệm mà bác bỏ một nội dung của chủ nghĩa Marx -
vì không hiểu PSA mà loại bỏ lí luận tính phổ biến của chế độ nô lệ. Nếu muốn loại
bỏ thì cần có căn cứ chính xác, logic.
Hơn nữa, nếu phương thức sản xuất châu Á là hình thái xã hội phong kiến thì
Marx đã đảo lộn một cách vô ý thức trình tự của các phương thức sản xuất, hình
thái kinh tế xã hội trong khi viết.
- Nhóm ý kiến thứ tư cho rằng: PSA là hình thái xã hội chiếm hữu nô lệ ở
châu Á. Nếu thừa nhận quan điểm này thì sẽ không thể giải thích được tại sao
những đặc điểm của PSA được coi là đặc trưng của chế độ chiếm hữu nô lệ ở châu
Á vẫn tồn tại đầy đủ trong thời kì phong kiến (như: sự tồn tại của công xã nông
thôn, nhà nước quân chủ chuyên chế,…)
Từ khi xuất hiện lần đầu tiên năm 1859, lí luận về phương thức sản xuất châu
Á đã trở thành vấn đề được bàn luận rộng rãi với hàng trăm công trình nghiên cứu
của các học giả. Mặc dù vậy, những ý kiến trên vẫn chưa đủ sức thuyết phục cả về
lí luận và thực tiễn lịch sử.
1.2.2 Quan điểm của sử gia Việt Nam
Ở Việt Nam, hàng chục công trình nghiên cứu về phương thức sản xuất châu
Á cũng đã được công bố và in trên các tạp chí khoa học, đặc biệt là trên các số
thông tin khoa học lịch sử về phương thức sản xuất châu Á và Tạp chí nghiên cứu
lịch sử và nhiều công trình nghiên cứu của nhiều học giả hàng đầu như : Nguyễn
Hồng Phong, Nguyễn Lương Bích, Lê Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Văn Tạo,
Phan Huy Lê… Vấn đề đặt ra là trong lịch sử Việt Nam có tồn tại phương thức sản
xuất châu Á hay không?. Nếu có thì nó bắt đầu từ khi nào? Và mốc kết thúc của nó
là lúc nào?. Đặc trưng cụ thể của phương thức sản xuất châu Á ở Việt Nam là gì?
Đó là những vấn đề quan trọng khi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là về giai
đoạn Văn Lang - Âu Lạc và “Ở Việt Nam có chế độ chiếm nô hay không?”.
Một số quan điểm chính như:
Nguyễn Lương Bích cho rằng PSA có tồn tại và khẳng định: PSA và những
đặc điểm của châu Á mà Marx, Engels đề cập đến có quan hệ mật thiết với nhay,
thậm chí là một; PSA có thể có những nội dung sau: Tồn tại chế độ sở hữu ruộng
đất của nhà nước “Không có chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân thì thạt là một vấn đề
then chốt ở phương Đông”; Nhà nước có ba chức năng; xã hội trì trệ; Tồn tại công
xã nông thôn. Và kết luận: Marx nói năm hình thái kinh tế - xã hội và theo thời đại,
còn nói tới PSA là nói tới tính khu vực - khu vực châu Á.
Nguyễn Hồng Phong đã đưa ra tám đặc điểm của PSA: (1) - Công xã nông
thôn là đặc điểm cơ bản nhất; (2) - Các công trình công cộng có quy mô lớn; (3) -
tồn tại chế độ sở hữu ruộng đất công; (4) - Có sự tổng hợp giữa thủ công nghiệp và
nông nghiệp; (5) - Có sự tồn tại của nền kinh tế tự nhiên; (6) - thể chế quân chủ
chuyên chế; (7) - Nhà nước có chức năng đặc biệt; (8) - Kinh tế trì trệ và sự thống
trị của tập quán truyền thống.
Nhà sử học Phan Huy Lê cũng cho rằng có PSA và Việt Nam có PSA: Ở
Việt Nam không trải qua chế độ chiếm nô, xã hội nguyên thủy tan rã thì Việt Nam
bước vào chế độ có giai cấp sơ kì và chuyển sang giai đoạn phong kiến với những
đặc điểm Á châu.
Nhà sử học Trần Quốc Vượng : xã hội Việt Nam từ thế kỉ XIX trở về trước
là một xã hội tiểu nông truyền thống nằm trong khung cảnh của phương thức sản
xuất châu Á1.
1
Tạp chí Cộng sản, số 2, năm 1981.
Quan điểm của Lê Kim Ngân là: kết cấu xã hội Việt Nam từ thế kỉ X - XI là
kết cấu kinh tế Á châu tiền phong kiến; nếu có PSA thì đó là thời kì phong kiến.
Có thể nhận thấy rằng, hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận có sự tồn
tại của PSA, song chưa có sự thống nhất về thời kì tồn tại của nó. Không thể xác
định được PSA là hình thái kinh tế - xã hội nào vì những đặc điểm của nó xuyên
suốt từ thời nguyên thủy đến phong kiến; cũng không thể giải thích PSA là một
hình thái xã hội riêng biệt, vì như thế trái với nguyên lí hình thái kinh tế - xã hội.
Như vậy, không thể tìm thấy một hình thái kinh tế - xã hội độc lập, riêng biệt
nào để giải thích thỏa đáng cho PSA, mà phải tìm nó ngay trong bản thân những
đặc điểm của hình thái châu Á, trong những cái tồn tại bền vững nhất của xã hội
châu Á tiền tư bản chủ nghĩa. Đó chính là đặc trưng của PSA.
II - Đặc trưng của phương thức sản xuất châu Á
2.1. Chế độ sở hữu công về ruộng đất
- Chế độ sở hữu ruộng đất
Chế độ sở hữu ở phương Đông có ba hình thức: sở hữu bộ lạc; sở hữu nhà
nước và công xã; sở hữu phong kiến (sở hữu đẳng cấp). Marx đặc biệt nhấn mạnh:
“nhà vua là người sở hữu duy nhất toàn bộ ruộng đất trong nước”. Đây là nhận định
khi Marx nghiên cứu về xã hội Ấn Độ. Trên thực tế, đây cũng là hình thức sở hữu
phổ biến ở các nước phương Đông. Engels cũng nói về đặc điểm này: Không có
chế độ sở hữu ruộng đất, thật là vấn đề then chốt của toàn phương Đông…
Nhà Vua phương Đông là người nắm quyền sở hữu tối cao ruộng đất toàn
lãnh thổ. Vua phân phong ruộng đất cho quan lại, còn quan lại chỉ có quyền thu tô
thuế trên mảnh đất đó; nông dân vẫn do nhà nước cai quản. Nhà vua - nhà nước là
chủ sở hữu ruộng đất tối cao; ngoài ra, còn có công xã, nhà chùa và một bộ phận
ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân. Bốn hình thức này đan xen nhau, không có sự phân
biệt giữa “sở hữu” và “chiếm hữu”.
Công xã là cơ quan quản lí trực tiếp và phân chia ruộng đất cho nông dân.
Các thành viên công xã được phân chia đất đai và phải thực hiện nghĩa vụ
cống nạp cho lực lượng sở hữu ruộng đất (nhà nước, công xã, nhà chùa, tư nhân).
Trải qua các triều đại khác nhau, giai cấp thống trị đều cố gắng biến ruộng đất
thành quyền sở hữu tối cao của mình. Sở hữu tư nhân cũng từng bước được phát
triển ở Phương Đông, nhưng vẫn lệ thuộc vào nhà nước do đặc điểm của chế độ
quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Ở Ai Cập: bên cạnh ruộng đất thuộc
quyền sở hữu tối cao của nhà nước thì đã xuất hiện sở hữu tư nhân nhưng ít và chịu
sự chi phối, ảnh hưởng của nhà nước. Đó là ruộng đất của một số quan lại và tăng
lữ do nhà nước ban tặng.Ở Việt Nam, các triều đại từ Tiền Lê đến Lê Sơ đều cố
gắng phát triên sở hữu nhà nước, nắm mọi quyền hành quản lí ruộng đất. Bằng các
chính sách, đặc biệt là chính sách quân điền thời Lê Thánh Tông vào những năm 60
của thế kỉ XV, nhà nước đã hạn chế quyền của làng xã và ràng buộc làng xã vào
nhà nước…
Trong khi đó, ở các nước phương Tây: sở hữu, quản lí và sử dụng đều là
quyền của giai cấp chủ nô (chiếm hữu nô lệ), lãnh chúa (phong kiến).
Cùng với sự phát triển của xã hội, sở hữu công bị thay thế bởi sở hữu tư. Hai
hình thức sở hữu này tồn tại song song, nhưng chưa bao giờ sở hữu tư thắng thế,
lấn át được sở hữu công. Quá trình thay thế trên diễn ra chậm chạp, không rõ ràng
ở các nước phương Đông, nhưng nó phản ánh sự chuyển biến từ xã hội cổ đại sang
thời kì phong kiến. Trong khi đó, ở phương Tây, quá trình này diễn ra rõ ràng từ sở
hữu của chủ nô sang sở hữu lớn của lãnh chúa khi người Giec - man tràn vào lãnh
thổ Roma thế kỉ V (sở hữu vĩnh viễn - Phexium).
- Hình thức bóc lột tô thuế của chủ ruộng đối với nông dân:
Trong xã hội phương Đông, nhà nước là kẻ thu địa tô của các công xã, điều
này chứng tỏ nhà nước là kẻ sở hữu ruộng đất. Vì thế, chế độ sở hữu nhà nước
được thiết lập trên công xã nông thôn, nên công xã phải nộp tô dưới hình thức thuế
cho nhà nước. Phương thức bóc lột địa tô và thuế khóa là một. Thời cổ đại, quan hệ
xã hội cơ bản là chủ ruộng - nông dân công xã; Giai cấp thống trị thu cống nạp, giai
cấp bị trị nộp cống phẩm.
Thời phong kiến, hình thức bóc lột vẫn là tô thuế nhưng quan hệ xã hội cơ
bản là địa chủ - nông dân tá điền. Ví dụ như ở Trung Quốc thời Đường: nông dân
nhận ruộng đất của nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế “Tô - dung - điệu”
nhằm đảm bảo thuế khóa và lao dịch.
Trong khi đó ở Địa Trung Hải cổ đại, quan hệ cơ bản là giữa chủ nô và nô lệ
bằng phương thức bóc lột siêu kinh tế. Thời phong kiến sơ kì, nông nô phải nộp tô
và thuế (thuế xay bột, thuế nướng bánh, thuế qua cầu,…).
2.2 Thể chế nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền
Ở phương Tây, xuất phát từ điều kiện tự nhiên và sự phát triển mạnh mẽ của
nền kinh tế công thương nghiệp, đặc biệt là mậu dịch hàng hải nên từ thời cổ đại đã
hình thành hàng chục các Polis, với phần chủ yếu là đô thị, vào khoảng thiên niên
kỉ I TCN khi công cụ bằng sắt đã ra đời. Quá trình hình thành nhà nước Thành
bang ở Địa Trung Hải là quá trình xóa bỏ hoàn toàn các tàn tích của xã hội nguyên
thủy (quan hệ thân tộc, vai trò của quý tộc thị tộc), hình thành đẳng cấp xã hội dựa
trên sự phân chia địa vị kinh tế và phân chia hành chính theo địa vực; mở rộng
quyền dân chủ. Vì vậy, thể chế nhà nước Địa Trung Hải là nền dân chủ cộng hòa
(dân chủ chủ nô, cộng hòa quý tộc, đế chế).
So sánh với sự hình thành nhà nước và thể chế của phương Tây thì phương
Đông hoàn toàn khác biệt.
Nhà nước phương Đông được hình thành từ rất sớm( Ai Cập - 3200 TCN,
Lưỡng Hà - 3000 TCN, Ấn Độ - 2500 TCN, Trung Quốc - 2100 TCN), dựa trình
độ sản xuất thấp khi công cụ đồng thau còn khan hiếm. Quá trình hình thành nhà
nước là quá trình liên kết các thị tộc thành bào tộc, hình thành liên minh bộ lạc; tôn
vinh một quý tộc thị tộc đứng đầu liên minh bộ lạc đó. Chính quá trình đó đã bảo
lưu toàn bộ những tàn tích của xã hội nguyên thủy (quan hệ thân tộc, quyền lợi của
quý tộc thị tộc). Mô hình chung là thể chế quân chủ chuyên chế trung ương tập
quyền, tức là nhà Vua là người đứng đầu đất nước, nắm mọi quyền hành tối cao,
dựa trên quyền sở hữu tối cao về ruộng đất. Nhà vua đồng thời là tổng chỉ huy quân
đội, là tăng lữ tối cao.
Mô hình này tồn tại xuyên suốt từ thời cổ đại đến phong kiến ở các nước
phương Đông, sự thay đổi nằm trong mức độ của sự chuyên chế. Ví dụ như ở
Trung Quốc thời phong kiến từ Tần đến nhà Minh, tính chất chuyên chế ngày càng
được tăng cường. Thời Minh đã bãi bỏ các chức Thừa tướng, Thái sư để tập trung
quyền lực vào tay vua; lập ra Lục bộ giúp việc cho Vua.
Chức năng của nhà nước chuyên chế phương Đông là: bóc lột nhân dân trong
nước bằng tô - thuế; bóc lột nhân dân các nước khác; xây dựng và quản lí các công
trình công cộng, đặc biệt là công trình thủy lợi. Xuất phát từ điều kiện địa lí nên cơ
sở của nền kinh tế nông nghiệp phương Đông là hệ thống thủy lợi và trị thủy; mà ở
phương Đông, đất đai rộng, trình độ sản xuất thấp nên đặt ra yêu cầu cần có sự
quản lí tập trung của nhà nước. Điều đó đã làm nảy sinh chức năng, quyền lực và
tác dụng của nhà nước đối với sản xuất nói riêng và sự hưng vong của xã hội
phương Đông nói chung. Bất kì một thời đại nào khi mới thành lập đều rất quan
tâm đến hoạt động thủy lợi và ngay khi có thái độ lơ là với vấn đề này thì chính phủ
đó lập tức bị lật đổ. Có một nhận xét rằng: ở các nước châu Á, nhà nước suy sụp
dưới sự cai trị của chính phủ này nhưng lại được khôi phục lại dưới sự cai trị của
một chính phủ khác. Ở đây thu hoạch tốt hay xấu cũng tùy ở chính phủ tốt hay xấu
giống như ở châu Âu, mức thu hoạch tùy thuộc vào thời tiết tốt hay xấu.
2.3 Sự tồn tại lâu dài và bền vững của công xã nông thôn
Công xã nông thôn tồn tại phổ biến ở cả phương Đông và phương Tây. Nó
tồn tại trong thời kì quá độ, chuyển từ xã hội nguyên thủy sang xã hội có giai cấp
và nhà nước.
Ở phương Tây, khi nhà nước Thành bang được thành lập thì công xã nông
thôn tan rã. Đó là quy luật của sự phát triển. Song ở phương Đông có điểm khác
biệt là sự tồn tại lâu dài, dai dẳng của công xã nông thôn.
Công xã nông thôn ở phương Đông tồn tại lâu dài, trở thành một trong những
đặc trưng cơ bản của PSA. Nó tồn tại qua nhiều hình thái kinh tế - xã hội ở phương
Đông. Sự tồn tại bền vững này xuất phát từ sự tồn tại của ruộng đất công hữu; nền
kinh tế nông nghiệp dựa trên việc xây dựng các công trình thủy lợi đòi hỏi sức
mạnh tập thể; và xuất phát từ nhu cầu chống ngoại xâm, thống nhất đất nước.
Bản thân mỗi công xã là một đơn vị riêng biệt về chính quyền, hành chính,
kinh tế. Mỗi công xã có hình thái tính chất khác nhau ở từng vùng; sự kết hợp chặt
chẽ giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp là cơ sở của nền kinh tế tự cấp, tự túc,
khép kín, khiến cho nền kinh tế hàng hóa chậm phát triển và thành thị ra đời muộn.
Mỗi công xã đều có quyền tự trị cao và chặt chẽ. Nhà nước khi ra đời quản lí cá
nhân thông qua công xã, khác với các nước phương Tây (nhà nước trực tiếp quản lí
từng cá nhân). Công xã nông thôn là yếu tố quyết định diện mạo của xã hội châu Á.
Công xã nông thôn điển hình nhất là ở Ấn Độ.

2.4 Tính trì trệ, bảo thủ và tồn tại dai dẳng của xã hội châu Á
Sự tồn tại dai dẳng của nền kinh tế tự nhiên,chế độ công cộng về ruộng đất
và tính nhị nguyên của công xã là nguyên nhân của tình trạng bảo thủ, trì trệ của xã
hội phương Đông: “Cái cơ cấu sản xuất đơn giản của các cộng đồng tự cung tự cấp
ấy - những cộng đồng không ngừng được tái sản xuất ra dưới cùng một hình thức
ấy và nếu ngẫu nhiên bị phá hủy thì cũng lại xuất hiện trên địa điểm cũ với một tên
cũ, các cơ cấu ấu, cho chúng ta cái chìa khóa để hiểu được sự bí ẩn của tính chất
bất di bất dịch của những xã hội châu Á”2. Sự trì trệ này không thể ở giai đoạn đầu
của PSA vì chính xã hội này đã đóng góp vào việc sáng lập những nền văn minh
sớm và rực rỡ. Sự bảo thủ và trì trệ của nó ở giai đoạn sau, khi công xã tồn tại bền
vững. Nó làm chậm quá trình phát triển kinh tế hàng hóa, chỉ duy trì nền kinh tế tự
cung, tự cấp, khép kín.
Chế độ đẳng cấp tồn tại ở nhiều nơi, trong các thời kì lịch sử song trong xã
hội phương Đông rõ ràng và có vị trí quan trọng hơn so với phương Tây. Theo lí
thuyết, chế độ đẳng cấp sẽ tan rã vào thời điểm nhất định. Ở phương Đông, đặc biệt
là ở Ấn Độ, chế độ này tồn tại lâu dài và ảnh hưởng lớn trong xã hội. Nó tồn tại
song song với sự phân chia giai cấp và quan hệ giữa các giai cấp.
Ví dụ như chế độ đẳng cấp ở Trung Quốc: xã hội có sự phân chia thành tầng
lớp sĩ, nông, công, thương.
Ở Ấn Độ: hệ thống đẳng cấp Varna; sau đó là Kaxta (nghề nghiệp). Chế độ
đẳng cấp Ấn Độ mang tính “cốt hóa” xơ cứng, khắc nghiệt đến mức tàn bạo và
được thần thánh hóa như ý thức tôn giáo. Vì vậy, nó tồn tại bền vững hơn so với
các nước khác.
Sự bảo thủ, trì trệ của xã hội Á châu còn được thể hiện ở một số điểm sau:
duy trì quan hệ thân tộc; sự thống trị của các tập tục, tập quán; sự chậm phát triển
của nền kinh tế hàng hóa và thành thị… Hi Lạp, Roma ra đời muộn hơn các nước
phương Đông cổ đại nhưng nhờ có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là sự phát triển
kinh tế hàng hóa, giao thương hàng hải nên đã xây dựng được nền chính trị dân
chủ, dù là dân chủ chủ nô; sự ra đời của thành thị trung đại thế kỉ XI đã làm thay

2
K. Marx (1984), Tư bản, Q.I, NXB Sự thật, tr.107.
đổi toàn bộ diện mạo của phương Tây vốn trong đêm trường trung cổ, từ kinh tế
đến xã hội, từ chính trị đến văn hóa.
Tiểu kết
Có nhiều quan điểm khác nhau về các đặc trưng của PSA và hiện vẫn chưa
có sự thống nhất chung giữa các nhà nghiên cứu. Vì vậy, sự đúng đắn, hợp lí của
các đặc trưng nêu trên chỉ mang tính tương đối, thông qua quá trình tìm hiểu về
phương thức sản xuất châu Á.
Đặc trưng đầu tiên là sự tồn tại của chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất.
Đặc trưng thứ hai là sự tồn tại dai dẳng, bền vững của công xã nông thôn.
Đặc trưng thứ ba là thể chế quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.
Đặc trưng thứ tư là quan hệ và phương thức bóc lột địa tô của chủ sở hữu
ruộng đất với nông dân.
Đặc trưng thứ năm là sự trì trệ, bảo thủ của xã hội châu Á.
Bản thân giữa các đặc trưng có mối quan hệ mật thiết với nhau và liên quan
chặt chẽ với điều kiện hình thành các quốc gia phương Đông. Đây là đặc điểm
riêng của châu Á, là nội hàm của PSA. Thông qua các đặc điểm trên có thể thấy
rằng: các đặc điểm không chỉ có trong một hình thái kinh tế - xã hội cổ đại hay
phong kiến mà nó là những yếu tố bền vững, cơ bản nhất trong xã hội châu Á, tồn
tại từ hình thái kinh tế xã hội này sang hình thái kinh tế xã hội khác.
Vậy, xã hội cổ đại phương Đông có thuộc phạm trù phương thức sản xuất
châu Á hay không?

III - Xã hội cổ đại phương Đông và phương thức sản xuất châu Á
Thời kì cổ đại sử tiếp sau xã hội nguyên thủy, trước xã hội phong kiến. Ở
phương Đông, thời kì cổ đại được đánh dấu bởi sự ra đời của các nhà nước đầu
tiên: ra đời vào thiên niên kỉ III - IV TCN, khi cư dân ở đây mới bắt đầu biết đến
công cụ đồng thau. Sự xuất hiện sớm của nhà nước phương Đông không theo đúng
quy luật lịch sử nhưng đó là sản phẩm tất yếu của điều kiện tự nhiên và nền tảng
kinh tế ở đây. Ở phương Tây, nhà nước thành bang xuất hiện vào thiên niên kỉ thứ I
TCN, khi con người đã sử dụng đồ sắt. Điều kiện hình thành và đặc điểm kinh tế,
xã hội, chính trị của phương Đông và phương Tây cổ đại có sự khác biệt rõ rệt.
Trước đây có quan điểm đồng nhất thời kì cổ đại với xã hội chiếm nô, coi
phương Đông và phương Tây cổ đại đều là xã hội chiếm hữu nô lệ. Trong đó,
phương Đông là một “biến chủng” của chế độ chiếm nô điển hình của Hi Lạp,
Roma. Nếu thừa nhận quan điểm trên thì chế độ nô lệ là hình thức sản xuất thống
trị trong tất cả các dân tộc. Nếu không thừa nhận thì xã hội cổ đại phương Tây
thuộc phương thức sản xuất nào trong khi xác định phương Tây là xã hội chiếm nô?
Giữa xã hội cổ đại phương Đông và phương Tây có sự khác biệt lớn nên không thể
đồng nhất được.
Trong khi đó, như trên đã phân tích: Marx sử dụng thuật ngữ “phương thức
sản xuất châu Á” để chỉ phương thức sản xuất của một khu vực - khu vực châu Á.
Các đặc trưng của PSA không chỉ tồn tại trong một hình thái kinh tế - xã hội nào
mà nó tồn tại bền vững trong các hình thái trong lịch sử phương Đông, cả thời cổ
đại và phong kiến.
Thời cổ đại là thời kì lịch sử tiếp sau xã hội nguyên thủy, trước xã hội phong
kiến, bao gồm hai hình thái: ở phương Tây là xã hội chiếm nô; ở phương Đông là
hình thái xã hội có giai cấp đầu tiên. Hi Lạp, Roma cổ đại và các nước phương
Đông cổ đại có sự khác biệt, hình thành đặc điểm của xã hội cổ đại phương Đông.
3.1 Điều kiện hình thành và nền tảng kinh tế của phương Đông cổ đại
- Điều kiện hình thành các quốc gia cổ đại phương Đông:
Các quốc gia cổ đại phương Đông gồm khu vực Lưỡng Hà, Ai Cập, Ấn Độ
và Trung Quốc. Từ thiên niên kỉ IV - III TCN, cư dân ở khu vực này đã vượt qua
thời kì nguyên thủy và bước vào thời kì có giai cấp, xây dựng nhà nước khi công cụ
chủ yếu vẫn là đồ đá. Theo đúng quy luật phát triển thì chỉ khi công cụ kim khí ra
đời, làm tăng năng suất lao động, dẫn tới sự tư hữu thì xã hội có giai cấp mới được
hình thành. Song, ở phương Đông, những điều kiện tự nhiên thuận lợi và yêu cầu
của nền kinh tế là nguyên nhân thúc đẩy sự ra đời của nhà nước, xã hội có giai cấp.
Đó là những điều kiện gì?
Các quốc gia phương Đông cổ đại hình thành ở lưu vực các con sông lớn:
nhà nước ở khu vực Lưỡng Hà hình thành ở ven lưu vực hai con sông lớn là
Eurephrat và Tigoro; Ai Cập - lưu vực sông Nile; Trung Quốc - lưu vực sông
Hoàng và Trường Giang; Ấn Độ - lưu vực sông Ấn và sông Hằng. Các con sông
với lưu lượng nước lớn đã bồi đắp nên những vùng đồng bằng rộng lớn, đất đai
màu mỡ, mềm, xốp. Đây là địa bàn sinh tụ đầu tiên của con người, như đồng bằng
trung và hạ lưu Lưỡng Hà, đồng bằng sông Nile, đồng bằng miền Bắc Ấn, đồng
bằng Hoa Bắc, Hoa Nam, Hoa Trung. Thổ nhưỡng như vậy tạo điều kiện cho con
người sớm biết trồng lúa và các loại cây trồng khác trong khi công cụ còn thô sơ.
Kinh tế nông nghiệp phát triển trở thành cơ sở cho sự ra đời của các quốc gia
phương Đông.
Các con sông không chỉ bồi đắp phù sa mà còn cung cấp nước cho sinh hoạt
và sản xuất, giao thông giữa các vùng, có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống của cư
dân phương Đông.
Các con sông mang đến nhiều ưu đãi cho khu vực nhưng đồng thời cũng gây
ra nhiều thiên tai, lũ lụt. Vì vậy, vấn đề làm thủy lợi, trị thủy được đặt ra từ rất sớm
để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt và sản xuất. Thủy lợi là yếu tố sống còn đối với sự
tồn tại của các quốc gia cổ đại phương Đông. Nó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh
tế, chính trị, xã hội của phương Đông, bởi nó không chỉ là điều kiện kết nối nông
dân công xã thành một cộng đồng gắn bó chặt chẽ để sớm hình thành nhà nước
thống nhất, mà còn là yếu tố quyết định đến sự thịnh suy của nhà nước đó.
Cư dân Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc đều biết làm thủy lợi từ sớm và tích lũy
được nhiều kinh nghiệm trong việc đào kênh mương dẫn nước, đắp đê,…Từ thời
đồng thau, người Ai Cập đã biết đào hồ lớn để chứa nước - hồ Moris. Hồ này nối
liền với sông Nil,dài 19 km. Nó có khả năng cung cấp nước cho một vùng rộng lớn.
- Cơ sở kinh tế:
Đặc điểm tự nhiên như trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh
tế nông nghiệp tưới nước. Nông nghiệp là ngành quan trọng, chủ yếu, là cơ sở kinh
tế của các quốc gia cổ đại phương Đông. Chỉ bằng lưỡi cày đồng, cư dân ở đây đã
có thể thu hoạch mỗi năm hai vụ lúa. Sự phát triển của kinh tế nông nghiệp dựa
trên công tác thủy lợi là nền tảng dẫn đến đặc điểm riêng trong quá trình hình
thành, chức năng của nhà nước và đặc điểm văn hóa, xã hội của các quốc gia này.
Bên cạnh sự phát triển của nông nghiệp thì thủ công nghiệp cũng khá phát
đạt. Ở đây có nhiều ngành nghề thủ công và trình độ kĩ thuật cao: nghề làm gốm,
dệt, làm đồ trang sức, luyện kim,…
Sự phát triển của nông nghiệp và thương nghiệp đã thúc đẩy hoạt động
thương nghiệp. Cư dân Ai Cập đã phát minh ra tiền dưới hình thức những mảnh
kim loại để trao đổi buôn bán, thiết lập hệ thống tín dụng của thương nhân.
Mặc dù vậy, cơ sở kinh tế của xã hội cổ đại phương Đông là nông nghiệp
tưới nước. Trong khi đó, cơ sở kinh tế của xã hội cổ đại phương Tây là sự phát
triển công thương nghiệp, với sự phát đạt của các ngành nghề thủ công và buôn bán
mậu dịch hàng hải. Đây là đặc trưng của xã hội cổ đại phương Đông.
- Chế độ sở hữu ruộng đất: Vì kinh tế nông nghiệp tưới nước là nền tảng
kinh tế của xã hội nên ruộng đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Ruộng đất của
các nước phương Đông cổ đại hầu hết là ruộng đất công. Dù ở Ai Cập, Lưỡng Hà,
Trung Quốc hay Ấn Độ thì người đứng đầu đất nước là chủ sở hữu tối cao của
ruộng đất. Ở Trung Quốc, thời Tây Chu (XI - 771 TCN) đã xác lập quyền sở hữu
ruộng đất của nhà Chu; các vua Chu có quyền phong tước, cấp đất đai cho anh em,
con cháu, lập nên hệ thống các nước chư hầu, làm phên giậu; ruộng đất canh tác,
ban cấp cho quan lại làm thái ấp và có quyền thu thuế trên đất đó. Làng xã chia
ruộng đất công cho nông dân công xã để cày cấy (mỗi hộ 100 mẫu) và có nghĩa vụ
nộp thuế 1/10 cho công xã. Đó là chế độ tỉnh điền - chế độ phân phối ruộng đất
công thời cổ đại ở Trung Quốc. Đến thời Chiến Quốc, ở nước Tần đã cho thực hiện
cải cách của Thương Ưởng, trong đó có nội dung: bỏ chế độ tỉnh điền, ruộng đất
được tự do mua bán…Mục đích của những chính sách này là phá vỡ cơ sở kinh tế
và đặc quyền chính trị của tầng lớp quý tộc cũ, tạo điều kiện cho tầng lớp địa chủ
mới chiếm ưu thế về kinh tế. Mặc dù vậy, sở hữu tư chưa bao giờ lấn át được sở
hữu công về ruộng đất.
Ở Ai Cập là ruộng “Nôm”, ở Ấn Độ là ruộng “halixo” hay “lạc điền” ở Việt
Nam thời Hùng Vương.
Bước sang thời phong kiến, nhà nước vẫn cố gắng duy trì ruộng đất công,
bên cạnh sự phình to của sở hữu tư. Tuy nhiên, chưa bao giờ chế độ sở hữu tư lấn
át sở hữu công và chưa bao giờ giai cấp địa chủ bắt được công xã lệ thuộc vào nó
và trở thành giai cấp thống trị3
Như vậy, nền kinh tế nông nghiệp tưới nước đã tạo nên một xã hội tương
ứng với nó. Đó là sự tồn tại của chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất, sự bảo lưu
các đặc điểm của nguyên thủy khi xã hội bước vào thời kì có giai cấp và nhà nước.
3.2 Sự hình thành nhà nước và thể chế chính trị quân chủ chuyên chế
trung ương tập quyền

3
Nguyễn Hồng Phong, Về phương thức sản xuất châu Á lí luận và thực tiễn, Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 1/1982.
Nhà nước ra đời khi sự phát triển sản xuất dẫn tới sự phân hóa xã hội. Quá trình
hình thành và thời điểm hình thành của mỗi nhà nước ở mỗi nơi có sự khác biệt.
- Về thời gian hình thành: Ở Hi Lạp và Roma, nhà nước cổ đại được hình
thành vào khoảng thế kỉ VIII - VI TCN trên cơ sở sự tan rã của xã hội thị tộc, bộ
lạc, sử dụng công cụ sắt. Do điều kiện tự nhiên của khu vực này bị chia cắt, nền
tảng kinh tế công thương nghiệp nên không thể và cũng không cần thiết hình thành
nhà nước theo thể chế quân chủ chuyên chế. Lúc đầu các quốc gia đều là nhà nước
thành bang. Trong mỗi quốc gia là một đô thị có đền đài lộng lẫy, phố xá, chợ búa
và bến cảng. Dân cư chủ yếu sống ở đô thị.
Trong khi đó, ở các nước phương Đông, nhà nước ra đời từ khoảng thiên
niên kỉ III - IV TCN, dựa trên trình độ sản xuất thấp, công cụ chủ yếu vẫn là đồ đá,
bắt đầu xuất hiện đồ đồng. Mặc dù vậy, do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên họ vẫn
tạo ra sản phẩm dư thừa và còn có nhiều đóng góp to lớn cho văn minh nhân loại.
- Về quá trình hình thành nhà nước: Ở phương Tây, quá trình hình thành nhà
nước là quá trình xóa bỏ hoàn toàn quan hệ thân tộc, dòng máu và vai trò của quý
tộc thị tộc và dân chủ hóa dần dần tạo điều kiện cho người có của tham gia kiểm
soát chính quyền mà không cần biết nguồn gốc xuất thân. Quá trình này đã loại bỏ
hoàn toàn những tàn dư của xã hội nguyên thủy, mở rộng quyền tự do dân chủ. Nhà
nước ở Hi Lạp, Roma là nhà nước mang tính cộng hòa dân chủ, hạn chế sự tập
trung quyền lực vào tay một cá nhân hay một cơ quan nào đó.
Trong khi đó, ở phương Đông, quá trình hình thành nhà nước đồng thời là
quá trình liên kết các thị tộc, bộc lạc, hình thành liên minh bộ lạc. Tất cả những yếu
tố của xã hội nguyên thủy như quan hệ thân tộc, quyền lợi của quý tộc thị tộc được
bảo tồn. Người đứng đầu đất nước là thủ lĩnh quân sự hay tăng lữ, được suy tôn
lên, với sự tăng cường quyền lực ngày càng cao hơn. Đó là quá trình tịnh tiến dần
dần. Nguyên nhân cơ bản là do nền tảng kinh tế nông nghiệp lúa nước của khu vực
này. Nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, làm thủy lợi buộc cư dân phương Đông
phải gắn kết với nhau trong các công xã thị tộc. Sự liên kết trong công xã thị tộc
không chỉ nhờ quan hệ sản xuất mà còn nhờ quan hệ huyết thống thân tộc. Khi xã
hội nguyên thủy tan rã, công xã nông thôn ra đời, đảm bảo những mối gắn kết đó.
Sự liên minh giữa các công xã hình thành nên một nước. Người đứng đầu nước đó
là Vua, được tôn vinh từ một quý tộc thị tộc. Vua là người nắm quyền lực tối cao
và tuyệt đối, cả về mặt lập pháp, hiến pháp, tư pháp, tôn giáo. Nhà vua cai trị đất
nước bằng sắc chỉ, chiếu chỉ của mình; luật pháp ra đời muộn và không có hệ
thống. Nhà Vua được đồng nhất với Thần. Đó là chế độ chuyên chế cổ đại - chế độ
quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.
Ở Trung Quốc, Vua là Thiên tử. Đất đai và thần dân đều thuộc quyền sở hữu và
thống trị của Vua: “Dưới bầu trời rộng lớn không nơi nào không phải là đất của nhà
vua; trong phạm vi lãnh thổ, không người nào không phải thần dân của nhà vua”.
Ở Ai Cập, đứng đầu nhà nước là Pharaon - “ngài ngự trong cung điện”.
Pharaon có quyền sở hữu tối cao với toàn bộ đất đai trong cả nước và dùng ruộng
đất đó cùng với của cải, nô lệ để ban tặng cho bà con thân thích, quan lại và tăng lữ
cao cấp. Pharaon được coi như vị thần sống. Mỗi mệnh lệnh của Vua đều trở thành
pháp luật. Vua có quyền bãi nhiệm, bổ nhiệm hay trừng phạt bất cứ ai. Pharaon
cũng nắm trong tay chức năng thẩm phán tối cao, thống lĩnh quân đội và tăng lữ tối
cao. Pharaon còn được coi là con của thần Ra - thần Mặt trời4. Dưới vua là hệ thống
quan lại từ trung ương đến địa phương, do một Vidia điều hành. Vidia lắm hầu hết
các chức năng quan trọng như tư pháp, thu thuế, xây dựng các công trình công
cộng. Vidia có vai trò tương tự như Tể Tướng của Trung Quốc. Dưới Vidia là hệ
thống quan lại.

4
Lương Ninh (Cb) (2003), Lịch sử thế giới cổ đại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
Ở Lưỡng Hà, từ thời Sumer đã xây dựng theo mô hình nhà nước quân chủ
chuyên chế trung ương tập quyền. Đứng đầu quốc gia là Patesi do hội đồng dân
biểu bầu ra, đại diện cho của tầng lớp quý tộc thị tộc, dần dần Patesi trở thành chức
vị có tính chất cha quyền con nối. Patesi là đại diện tối cao của tầng lớp tăng lữ, đại
diện của thần dân trước các thần thánh, là chỉ huy quân đội và sở hữu tối cao về
ruộng đất. Giúp việc cho Patesi là hệ thống quan lại Nubanda trông coi các mặt đời
sống kinh tế, kho tàng và thủy lợi. Đến thời Babylon, Hammorabi tự coi mình là
hiện thân của thần thánh. Vua tự đồng nhất mình với việc kế vị các vị thần cho nên
vương quyền và thần quyền hòa quyện với nhau, tạo thành một chế độ độc đoán
chuyên chế và thần bí.
* Chức năng của nhà nước phương Đông:
Nhà nước có ba chức năng chính là: bóc lột của nhân dân trong nước thông
qua việc thu thuế; bóc lột nhân dân nước khác; xây dựng và quản lí các công trình
công cộng, đặc biệt là công trình thủy lợi.
Ở Việt Nam, nhà nước Văn Lang ra đời sớm hơn điều kiện chín muồi của sự
phân hóa xã hội, nhưng bên cạnh chức năng thống trị và bóc lột, nó cũng đã hoàn
thành chức năng: xây dựng các công trình thủy lợi và thực hiện công cuộc chống
ngoại xâm.
Ở Trung Quốc, thuyết nhà nước mạnh là nội dung cơ bản trong tư tưởng của
phái Pháp gia: chủ trương làm giàu cho quốc khố, nhà nước phải tích lũy của cải
trong tay; tránh tập trung của cải trong tay tư nhân, và thừa nhận quyền can thiệp
rộng rãi của nhà nước vào đời sống kinh tế.
Mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế như trên tồn tại từ thời cổ đại đến
phong kiến. Sự khác nhau là ở mức độ tập trung quyền lực ở mỗi thời kì. Trong
thời kì phong kiến, quyền lực của Vua càng được tập trung cao độ hơn.
Như thế, ở phương Đông cổ đại tồn tại một mô hình nhà nước hoàn toàn
khác với mô hình cộng hòa dân chủ ở Hi Lạp, Roma. Mô hình nhà nước đó được
xây dựng dựa trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp tưới nước, chế độ sở hữu công về
ruộng đất và sự bảo trợ của tôn giáo.
3.3 Công xã nông thôn
Có sở hữu nhà nước về ruộng đất thì nhất thiết phải có công xã nông thôn,
bởi chế độ sở hữu ruộng đất nhà nước được thiết lập trên cơ sở công xã nông thôn.
Nhà nước và công xã tồn tại gắn bó với nhau, như bóng với hình. Các công xã
nông thôn tồn tại rất lâu dài và bền vững trong xã hội. Bản thân làng xã cũng nắm
giữ một phần ruộng đất công và có toàn quyền phân phối ruộng đất cho thành viên
công xã.
Ví dụ như thời kì Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam: Thời kỳ Hùng
Vương với nhà nước Văn Lang chính là một thời kỳ mà hình thái kinh tế nguyên
thủy đã chuyển hóa mạnh mẽ sang một hình thái kinh tế khác với những đặc điểm
nổi bật như xã hội đã phân hóa giai cấp, có Nhà nước. Thời đại Hùng Vương là một
giai đoạn lịch sử kéo dài từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt. Có thể
nói, đó là thời kỳ mà lịch sử xã hội thời Hùng Vương vận động phức tạp, chứa
đựng nhiều sự chuyển biến sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để dẫn đến
việc hình thành Nhà nước phôi thai đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Vào đầu thời kỳ Hùng Vương, tương ứng với giai đoạn Phùng Nguyên, trong
đời sống của xã hội cư dân có xuất hiện nhiều thay đổi quan trọng về kinh tế. Đó là
sự phát triển mạnh mẽ của nghề trồng lúa nước, nghề chăn nuôi, đặc biệt là sự phát
triển của nghề làm gốm, nghề chế tác đá và nghề luyện kim loại đồng thau. Dù giai
đoạn này, công cụ sản xuất bằng đá vẫn chiếm ưu thế, nhưng nó chính là nền móng
cho xã hội Hùng Vương phát triển rực rỡ ở các giai đoạn sau. Nền kinh tế thời kỳ
Hùng vương đã trải qua những bước phát triển lớn lao: Từ nền sản xuất còn mang
tính chất nguyên thủy với những công cụ bằng đá còn phổ biến giai đoạn đầu đã
phát triển thành nền sản xuất với những công cụ bằng đồng, bằng sắt; lấy nông
nghiệp lúa nước làm cơ sở phát triển. Nghề nông trồng lúa nước cũng có nhiều
chuyển biến mạnh mẽ: từ việc dùng cuốc tới việc dùng cày (với lưỡi cày bằng kim
loại) và sức kéo của gia súc.
Sự chuyển biến mạnh mẽ của kinh tế dẫn đến những hệ quả về mặt xã hội,
đó là dân cư từ các vùng đồi núi, trung du và vùng cao đã tràn xuống khai phá,
chiếm lĩnh vùng đồng bằng rộng lớn ở khu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả...
làm thay đổi cả cảnh quan địa lý vùng châu thổ. Việc thay đổi môi trường cư trú
này gây nên những chuyển biến sâu sắc về hôn nhân, gia đình, cũng như toàn bộ
kết cấu xã hội. Chế độ phụ hệ dần dần được xác lập, rồi đến cuối thời Hùng Vương
những gia đình nhỏ đã ra đời và trở thành tế bào, trở thành đơn vị kinh tế của xã
hội. Cùng với quá trình ra đời và phát triển của gia đình nhỏ, công xã thị tộc dần
dần tan rã và nhường chỗ cho công xã nông thôn - một hình thái xã hội xuất hiện
phổ biến vào giai đoạn tan rã của chế độ công xã nguyên thủy để chuyển sang xã
hội có giai cấp. Mỗi công xã nông thôn gồm một số gia đình sống quây quần trong
một khu vực địa lý nhất định. Công xã nông thôn ở Việt Nam, ngoài quan hệ láng
giềng, địa lý, quan hệ huyết thống được bảo tồn, trong làng còn có họ và có rất
nhiều làng mang tên họ như hoàng Xá, Cao xá, Đặng Xá, Lê Xá... Công xã nông
thôn có kết cấu vừa làng vừa họ - đó là sự kết hợp lâu dài với công xã gia đình
(công xã thị tộc) trên cơ sở quan hệ địa lý và quan hệ huyết thống. Đặc điểm này
làm cho sự gắn bó bên trong công xã càng trở nên bền chặt hơn.
Toàn bộ ruộng đất cày cấy cùng với rừng núi, sông ngòi, ao hồ trong phạm vi
công xã đều thuộc quyền sở hữu của công xã. Vùng đồng bằng, chế độ công điền,
công thổ của làng vẫn tồn tại phổ biến mãi đến thế kỷ XV. Ruộng đất của công xã
được phân chia cho các gia đình thành viên sử dụng, trong đó, đơn vị sản xuất chủ
yếu là gia đình nhỏ. Ngoài ruộng đất phân chia cho các thành viên cày cấy, công xã
còn có thể giữ một bộ phận ruộng đất để cày cấy chung nhằm sử dụng cho những
chi phí công cộng. Công việc khai hoang, làm thủy lợi và những lao động công ích
khác đều được tiến hành bằng lao động hợp tác của toàn thể công xã. Rừng núi, ao
hồ, sông ngòi... của công xã đều thuộc quyền sử dụng chung của thành viên công
xã. Cách phân chia ruộng đất công lúc bấy giờ được thực hiện bằng các tục lệ còn
mang tính chất bình đẳng, dân chủ của cộng đồng công xã.
Tóm lại, công xã nông thôn ra đời và tồn tại phổ biến trong thời Hùng Vương.
Về công xã nông thôn Ấn Độ, Marx viết: “Một mặt, nhân dân Ấn Độ giống
như nhân dân tất cả các nước phương Đông, giao cho chính phủ trung ương trông
nom những công trình công cộng lớn, những công trình này là điều kiện cơ bản của
nền nông nghiệp và thương nghiệp của họ. Mặt khác, nhân dân Ấn Độ, rải rác trên
khắp lãnh thổ của đất nước, sống tập trung trong những trung tâm nhỏ bé, nhờ vào
mối liên hệ có tính chất gia trưởng giữa lao động nông nghiệp và lao động thủ công
nghiệp - cả hai tình hình đó từ những thời kì xa xưa nhất, đã đẻ ra một chế độ xã
hội đặc biệt gọi là chế độ công xã nông thôn. Chế độ này đã đem lại cho mỗi đơn vị
nhỏ bé đó cái tổ chức độc lập của nó”5.
Khi quyền lực của vua và nhà nước được tăng cường đã cố gắng hạn chế tính
chất độc lập, tự trị của làng xã thông qua các cuộc cải cách. Chính sự tồn tại bền
vững của công xã nông thôn như một thực thể độc lập đã làm trở ngại cho sự phát
triển mạnh mẽ của quan hệ chiếm hữu nô lệ.
3.4 . Cơ cấu và quan hệ xã hội phương Đông cổ đại
Xã hội cổ đại phương Đông cổ đại gồm ba tầng lớp: quý tộc, nông dân công
xã và nô lệ.

5
K. Marx(1980), Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ, NXB Sự Thật, Hà Nội, tr.556 - 557.
Quý tộc gồm quan lại, người chỉ huy quân đội, quý tộc tăng lữ, xuất thân từ
quý tộc thị tộc. Họ thu thuế trực tiếp của nông dân dưới quyền hoặc nhận bổng lộc
của nhà nước cũng qua thu tô thuế.
Nông dân công xã là bộ phận đông đảo, chủ yếu trong xã hội. Họ sống theo
các gia đình phụ hệ, có tài sản riêng và canh tác trên ruộng đất được làng xã chia.
Họ gắn bó với nhau trong các công xã do nhu cầu làm thủy lợi. Họ có nghĩa vụ
đóng góp sản phẩm cho xông xã, sau này là cho quý tộc, quan lại thông qua người
đứng đầu công xã. Như vậy, quan hệ bóc lột ở đây là quan hệ giữa quý tộc và nông
dân công xã qua phương thức bóc lột tô thuế.
Ngoài ra còn có nô lệ, nô tỳ chủ yếu là những tù binh chiến tranh, những
thành viên công xã bị mắc nợ hoặc phạm tội, mua bán,…Họ chiếm số lượng khá
đông, song so với nông dân công xã thì tỉ lệ này rất nhỏ. Họ làm nhiều việc trong
các cung điện, đền đài, gia đình. Nô lệ không có vai trò quyết định đối với sự phát
triển xã hội, cũng không có cuộc đấu tranh của nô lệ. Hơn nữa, nô lệ trong xã hội
cổ đại phương Đông có gia đình riêng, có tài sản và được đảm bảo về tính mạng;
việc giải phóng nô lệ cũng dễ dàng.
Điều này khác hẳn với tình hình xã hội ở Hi Lạp, Roma. Hai giai cấp cơ bản
trong xã hội là: chủ nô và nô lệ. Chủ nô có thế lực kinh tế, chính trị và chỉ làm việc
trong lĩnh vực nghệ thuật, khoa học và chính trị. Lực lượng sản xuất chính trong xã
hội là nô lệ . Họ có nguồn gốc chiến tù, mua bán hoặc là con nô lệ. Họ chiếm số
đông trong xã hội, gấp nhiều lần dân tự do. Nô lệ bị coi là công cụ biết nói, là tài
sản riêng của chủ nô. Họ cũng không có gia đình và tài sản riêng. Thân phận của nô
lệ như vậy đã khiến cho mâu thuẫn xã hội giữa chủ nô và nô lệ gay gắt. Cuộc đấu
tranh của nô lệ đã làm cho xã hội chiếm nô khủng hoảng và sụp đổ hoàn toàn vào
năm 476. Khác với phương Đông, ở phương Tây, quan hệ xã hội chính là quan hệ
bóc lột siêu kinh tế giữa chủ nô với nô lệ. Đó là xã hội dựa trên sự bóc lột lao động
của nô lệ - xã hội chiếm hữu nô lệ thuần thục, điển hình.
Tiểu kết
Như thế, phương Đông và phương Tây cổ đại có đặc điểm khác biệt, từ điều
kiện hình thành, cơ sở kinh tế đến đặc điểm chính trị, xã hội. Xã hội cổ đại phương
Tây là xã hội chiếm hữu nô lệ. Vậy, những nét riêng biệt trong xã hội cổ đại
phương Đông đã tập hợp thành những đặc điểm riêng:
- Sự tồn tại phổ biến và lâu dài hình thức sở hữu công cộng về ruộng đất:
Thời cổ đại, chủ ruộng là nhà nước, công xã, tăng lữ, tư nhân. Bốn hình thức này
đan xen nhau, không phân biệt được “sở hữu” và “chiếm hữu”.
- Sự tồn tại dai dẳng của công xã nông thôn, duy trì nền kinh tế tự nhiên và
nhiều tàn dư của xã hội nguyên thủy. Công xã nông thôn là đơn vị hành chính, kinh
tế, chính quyền với tính tự trị cao.
- Thể chế chính trị nhà nước là chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.
- Cơ cấu xã hội chủ yếu là quý tộc và nông dân công xã; quan hệ bóc lột chủ
yếu là quan hệ bóc lột của quý tộc và nông dân công xã bằng tô thuế. Tô và thuế là
một. Khi bước sang xã hội phong kiến, hình thức bóc lột trên vẫn giữ nguyên
nhưng quan hệ bóc lột thay đổi, chuyển từ quý tộc - nông dân công xã sang địa chủ
- tá điền.
Từ những đặc điểm trên có thể thấy rằng: xã hội cổ đại phương Đông không
phải là chế độ chiếm hữu nô lệ. Nó là hình thức tồn tại song song với chế độ chiếm
hữu nô lệ ở phương Tây cổ đại.
Đặt những đặc điểm trên của xã hội phương Đông cổ đại trong mối quan hệ
với đặc trưng của phương thức sản xuất châu Á có thể kết luận rằng: xã hội cổ đại
phương Đông thuộc phạm trù phương thức sản xuất châu Á.
KẾT LUẬN
Phương thức sản xuất châu Á là một khái niệm, một thuật ngữ để chỉ những
đặc điểm của hình thái Á châu. Nó cho thấy sự bền vững của một số nhân tố cơ bản
trong xã hội phương Đông từ sau khi xã hội nguyên thủy tan rã đến trước thời kì tư
bản chủ nghĩa như: công xã nông thôn, thể chế quân chủ chuyên chế, hình thức bóc
lột tô - thuế, sự phát triển chậm chạp của sản xuất hàng hóa và thành thị, xã hội trì
trệ,… Đây không phải là một hình thái kinh tế - xã hội riêng biệt nào, cũng không
phải là sự hỗn hợp của các hình thái kinh tế - xã hội mà là những đặc trưng được
bảo lưu trong lịch sử phát triển của châu Á. Những đặc điểm này tồn tại trong bất
kì quốc gia, dân tộc nào trước khi xã hội có giai cấp và nhà nước xuất hiện, song ở
châu Á nó trở thành đặc trưng bởi sự tồn tại lâu dài và ảnh hưởng sâu sắc trong xã
hội. Càng ngày, các yếu tố này càng cản trở sự phát triển, kìm hãm xã hội châu Á
trong những không gian chật hẹp, tầm nhìn hạn chế. Vì vậy, cũng với sự phát triển
của xã hội thì những yếu tố bảo thủ cần phải loại bỏ.
Marx đã không giải thích nội hàm của phương thức sản xuất châu Á, song đã
rút ra những đặc điểm cơ bản của xã hội đó. Điều đó chứng tỏ rằng, phương thức
sản xuất châu Á và đặc điểm của hình thái châu Á có mối liên hệ mật thiết. Thông
qua quá trình tìm hiểu về PSA, có thể khẳng định rằng chúng đồng nhất với nhau.
Xã hội cổ đại là giai đoạn tồn tại từ sau khi xã hội nguyên thủy tan rã đến
trước khi xã hội phong kiến xuất hiện. Trong thời kì này, mô hình xã hội ở phương
Đông và phương Tây có sự khác biệt, tồn tại song song: mô hình chiếm hữu nô lệ ở
phương Tây và mô hình xã hội có giai cấp ở phương Đông. Xã hội cổ đại phương
Đông mang đầy đủ đặc trưng của PSA. Trong thời kì phong kiến, các đặc trưng của
PSA không phải ở tất cả các nước phương Đông: Ở Trung Quốc, các đặc trưng mờ
nhạt dần; Ở Ấn Độ thì các đặc trưng biểu hiện rất rõ nét. Đồng thời, ở phương
Đông trong sự chuyển biến từ xã hội cổ đại sang xã hội phong kiến rất chậm chạp
và không rõ ràng. Đó chỉ là sự tịnh tiến, chuyển hóa từ sở hữu công sang sở hữu tư
của địa chủ và thay đổi quan hệ bóc lột. Trong khi đó, sự chuyển biến ở phương
Tây là sự đoạn tuyệt hoàn toàn với những tàn dư của xã hội cũ, thay đổi cơ cấu và
các mối quan hệ xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Các Mác (1971), Góp phần phê phán chính trị kinh tế học, NXB Sự Thật,
Hà Nội.
2. C. Mác - F. Enghen - V. Lênin (1975), Bàn về các xã hội tiền tư bản, NXB
KHXH, Hà Nội.
3. C. Mác (1976), Những hình thức có trước sản xuất tư bản chủ nghĩa, NXB
Sự thật, Hà Nội.
4. Nhiều tác giả (1974) Hùng Vương dựng nước, tập I, II, III, IV NXB Khoa
học Xã hội, Hà Nội.
5. Nguyễn Lương Bích (1963), “Phương thức sản xuất châu Á là gì?”, Tạp
chí Nghiên cứu lịch sử, Số 53.
6. Nguyễn Lương Bích(1968), “Phương thức sản xuất châu Á tại miền núi
Việt Nam trong các thời đại trước”, Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 117.
7. Lương Ninh (Cb) (2003), Lịch sử thế giới cổ đại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
8. Lê Kim Ngân, “Giới học giả Mácxit thế giới và vấn đề “phương thức sản
xuất châu Á”, Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 1/1982.
9. Nguyễn Danh Phiệt (1982), “Quá trình nghiên cứu về phương thức sản
xuất châu Á ở Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu Lịch sử, Số 1.
10. Nguyễn Hồng Phong (1959), Xã thôn Việt Nam, NXB Văn - Sử - Địa, Hà Nội.
11. Nguyễn Hồng Phong (1982), “Về phương thức sản xuất châu Á lý thuyết
và thực tiễn”, Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 1/1982.
12. Nguyễn Hồng Phong (2000), Một số hình thái kinh tế - xã hội văn hoá và
phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
13. Văn Tạo(1996), Phương thức sản xuất châu Á - Lý luận Mác – Lênin và
thực tiễn Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội.

You might also like