You are on page 1of 14

Đánh giá hiện trạng công nghệ

xử lý chất thải nguy hại tại Việt Nam

Nguyễn Thành Yên, Nguyễn Thượng Hiền,


Đỗ Tiến Đoàn, Phan Thanh Giang, Lê Ngọc Lâm

Cục Quản lý chất thải và Cải thiện Môi trường, Tổng cục Môi trường

Tóm tắt: Quản lý chất thải nguy hại (CTNH) là một vấn đề mới mẻ, tuy đã được quan tâm chú
trọng nhiều nhưng vẫn còn rất nhiều các vấn đề còn đang bức xúc, trong đó có khía cạnh công
nghệ xử lý. Nghiên cứu này đưa ra đánh giá tổng quan về hiện trạng công nghệ xử lý CTNH ở
Việt Nam, tập trung vào các công nghệ đã được Tổng cục Môi trường cấp phép cũng như giới
thiệu xu hướng áp dụng công nghệ xử lý CTNH trong thời gian tới.

Từ khoá: ắc quy chì thải, bóng đèn thải, chất thải điện tử, chất thải nguy hại, chôn lấp, công
nghệ xử lý, CTNH, dầu thải, đồng xử lý, lò đốt, lò xi măng, tái chế, xử lý chất thải nguy hại.

ASSESSING CURRENT SITUATION OF HAZARDOUS WASTE TREATMENT


TECHNOLOGIES IN VIETNAM

Nguyen Thanh Yen, Nguyen Thuong Hien,


Do Tien Doan, Phan Thanh Giang, Le Ngoc Lam

Waste Management and Environment Promotion Agency, Vietnam Environment Administration

Summary: Hazardous waste (HW) management is a very urgent issue with the non-stop
increasing generation, including the aspect of treatment technology. This research is to give the
overall assessment on current situation of HW treatment technologies in Vietnam, focusing on
which have been permitted by Vietnam Environment Administration, as well as the introduction of
the trend for technology application in the coming time.

Keywords: cement kiln, co-processing, e-waste, hazardous waste, hazardous waste treatment,
HW, incinerator, landfill, recycling, treatment technology, waste oil, waste lamp, waste lead
battery.

1. Đặt vấn đề

Quản lý chất thải nguy hại (CTNH) là một vấn đề tương đối mới mẻ và đang khá bức xúc trong
công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay. Cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại
hoá mạnh mẽ của nước ta, lượng chất thải cũng liên tục gia tăng, tạo sức ép rất lớn đối với công
tác bảo vệ môi trường. Theo kết quả nghiên cứu năm 2004 [1], tổng lượng CTNH phát thải của
Việt Nam trong năm 2003 vào khoảng 160 ngàn tấn và dự báo tăng lên khoảng 500 ngàn tấn vào
năm 2010. Tuy nhiên, theo báo cáo của 35/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2009,
số lượng CTNH phát sinh từ các địa phương này đã vào khoảng gần 700 ngàn tấn [2]. Riêng số
lượng CTNH được thu gom, vận chuyển, xử lý bởi các đơn vị hành nghề quản lý CTNH liên tỉnh
do Tổng cục Môi trường cấp phép trong năm 2009 là hơn 100 tấn, chỉ đáp ứng được một phần
nhỏ tổng lượng phát sinh [3]. Lượng phát thải CTNH lớn như vậy, nếu không được quản lý chặt
chẽ và xử lý an toàn như những năm trước đây, là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm
trọng. Hơn nữa, sự phát sinh CTNH ở Việt Nam rất đa dạng về nguồn cũng như chủng loại trong
khi công tác phân loại tại nguồn còn kém càng dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý và xử lý
[3, 7].

Trước sự gia tăng nhanh chóng của CTNH, công tác quản lý, xử lý hiện nay chưa đáp ứng được
yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, việc quản lý và xử lý chất thải không an toàn,
đặc biệt là các loại CTNH, đã để lại những hậu quả nặng nề về môi trường, gây ảnh hưởng tiêu
cực đến sức khỏe cộng đồng như các điểm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, các bãi rác
không hợp vệ sinh, các bãi đổ chất thải của các nhà máy sản xuất...Vì vậy, quản lý và xử lý an
toàn chất thải, đặc biệt là CTNH nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và hạn chế các
tác động xấu tới sức khỏe con người là một trong những vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ
môi trường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, sau một giai đoạn phát triển kinh tế nhanh và tiêu thụ rất nhiều tài nguyên, tái chế
chất thải và thu hồi tài nguyên từ chất thải đã trở thành một xu thế tất yếu. Để thực hiện tái chế
CTNH, cần phải có các công nghệ hợp lý.

Để góp phần vào công tác quản lý, xử lý CTNH, cần có cái nhìn tổng quát về hiện trạng công
nghệ xử lý CTNH (kể cả tái chế) đang được sử dụng ở Việt Nam, tập trung vào các cơ sở xử lý
CTNH liên tỉnh do Tổng cục Môi trường cấp phép và xu hướng phát triển công nghệ trong thời
gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp khảo sát hiện trường: khảo sát thực tế tại các cơ sở xử lý chất thải nguy hại do
Tổng cục Môi trường cấp phép tại giai đoạn xem xét cấp phép hành nghề quản lý CTNH hoặc
thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm.

2.2. Phương pháp nghiên cứu tài liệu: nghiên cứu các hồ sơ đăng ký hành nghề của các cơ sở
xử lý CTNH do Tổng cục Môi trường cấp phép và các tài liệu có liên quan.
2.3. Phương pháp chuyên gia: trao đổi, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong quá trình xem
xét cấp phép hành nghề quản lý CTNH và trong các vấn đề cụ thể.

2.4. Phương pháp thống kê: áp dụng trong việc thống kê các số liệu khảo sát và thu thập được.

2.5. Phương pháp phân tích: phân tích và đánh giá công nghệ dựa trên các số liệu khảo sát thực
tế.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Hiện trạng một số công nghệ xử lý CTNH điển hình ở Việt Nam [3, 4]

Tính tới tháng 10/2010, Tổng cục Môi trường đã cấp phép hành nghề xử lý, tiêu huỷ CTNH liên
tỉnh cho 36 cơ sở. Chưa kể, còn có các cơ sở do các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh,
thành phố cấp phép. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu này không đề cập đến các cơ sở do
địa phương cấp phép này do tính không phổ biến và đại diện. Các công nghệ điển hình và phổ
biến hiện nay được tóm tắt trong bảng 1 dưới đây.

Bảng 1. Một số công nghệ xử lý CTNH phổ biến ở Việt Nam

Số mô
Số cơ sở Công suất phổ
TT Tên công nghệ đun hệ
áp dụng biến
thống
1 Lò đốt tĩnh hai cấp 21 24 50 - 1000 kg/h
2 Đồng xử lý trong lò nung xi 2 2
30 tấn /h
măng
3 Chôn lấp 2 3 15.000 m3
4 Hóa rắn (bê tông hóa) 17 17 1 – 5 m3/h
5 Xử lý, tái chế dầu thải 13 14 3-20 tấn/ngày
6 Xử lý bóng đèn thải 8 8 0,2 tấn/ngày
7 Xử lý chất thải điện tử 4 4 0,3 – 5 tấn/ngày
8 Phá dỡ, tái chế ắc quy chì 6 6 0,5 – 200
thải tấn/ngày

3.1.1. Lò đốt tĩnh hai cấp

Đây là loại công nghệ phổ biến được sử dụng nhiều ở Việt Nam với tổng số 24 lò đốt, chiếm
21/36 số cơ sở xử lý CTNH do Tổng cục Môi trường cấp phép. Công suất của các lò đốt dao
động từ 50-1000 kg/h, giá thành từ vài trăm triệu đến khoảng chục tỷ đồng tuỳ theo công suất và
cấu trúc công nghệ.

Các lò đốt này đều sử dụng quy trình công nghệ dạng buồng đốt tĩnh theo mẻ và thiêu đốt hai
cấp. Lò thường cấu tạo 2 buồng đốt gồm: buồng đốt sơ cấp để đốt cháy các chất thải cần tiêu
hủy hoặc hóa hơi chất độc ở nhiệt độ 400-800oC; buồng đốt thứ cấp để tiếp tục đốt cháy hơi khí
độc phát sinh từ buồng đốt sơ cấp ở nhiệt độ trên 1100oC. Một số lò có bổ sung thêm buồng đốt
bổ sung sau buồng đốt thứ cấp để tăng cường hiệu quả đốt các khí độc. Đa số các lò không có
biện pháp lấy tro trong quá trình đốt. Các lò đốt đều trang bị hệ thống xử lý khí thải bao gồm trao
đổi nhiệt (hạ nhiệt bằng không khí hoặc nước); hấp thụ (phun sương hoặc sục dung dịch kiềm)
và có thể có hấp phụ (than hoạt tính).

Ưu điểm của công nghệ lò đốt tĩnh hai cấp là công nghệ đơn giản, sẵn có (nhập khẩu hoặc chế
tạo trong nước), chi phí đầu tư hợp lý, dễ vận hành phù hợp điều kiện Việt Nam. Lò đốt cũng là
công nghệ chủ lực trong các cơ sở xử lý CTNH do có dải CTNH xử lý rộng (bao gồm cả chất thải
y tế). Kể cả các lò đốt nhập từ nước ngoài về cũng phải cải tiến để đáp ứng việc đốt đa dạng
CTNH do các lò nước ngoài thường được thiết kế để chuyên đốt một số loại CTNH nhất định.

Tuy nhiên, việc đốt theo mẻ dẫn đến công suất không cao do mất thời gian khi khởi động và
dừng lò, hoặc khi tro đã đầy phải lấy ra đối với các lò không lấy tro giữa quá trình đốt. Quy trình
kiểm soát, vận hành còn thủ công hoặc chưa tự động hoá cao nên khó có thể đốt các CTNH đặc
biệt độc hại như các chất có chứa halogen (ví dụ PCB, thuốc bảo vệ thực vật cơ clo). Bên cạnh
đó, lò đốt tĩnh thường không đốt được hoặc đốt không hiệu quả đối với các loại chất thải khó
cháy và có độ kết dính cao như bùn thải. Nhiều lò đốt, đặc biệt các lò giá rẻ thường hay bị trục
trặc hệ thống béc đốt hoặc hệ thống xử lý khí thải (như bị thủng ống khói do hơi axit).

Để khắc phục, các lò đốt cần được nghiên cứu nâng cấp một số đặc điểm như bổ sung biện
pháp lấy tro trong quá trình đốt để kéo dài thời gian vận hành, lắp hệ thống quan trắc tự động liên
tục, tăng cường tự động hoá hệ thống nạp CTNH và điều khiển.
Hình 1. Hệ thống xử lý khí thải lò đốt CTNH

3.1.2. Đồng xử lý trong lò nung xi măng

Công nghệ này mới được sử dụng bởi hai cơ sở sản xuất xi măng tại Kiên Giang và Hải Dương.

Do đặc thù của công nghệ sản xuất xi măng lò quay, có thể sử dụng CTNH làm nguyên liệu,
nhiên liệu bổ sung cho quá trình sản xuất xi măng, chất thải được tiêu huỷ đồng thời trong lò
nung xi măng ở nhiệt độ cao (trên 1300oC). Lò nung clinke có hình trụ quay quanh trục để đảo
trộn các vật liệu khi nung. Do quá trình nung xi măng thường phát sinh nhiều khí độc và bụi nên
các nhà máy sản xuất xi măng thường đầu tư hệ thống xử lý khí thải hiện đại. Hệ thống xử lý khí
thải nhà máy xi măng bao gồm các công đoạn như: lọc bụi thô bằng xyclon, sau đó lọc bụi tinh
bằng tĩnh điện hoặc túi vải, sau đó sử dụng phương pháp hấp thụ các khí độc bằng dung dịch
kiềm dưới dạng phun sương.

Đồng xử lý CTNH trong lò nung xi măng có nhiều ưu điểm lớn như môi trường hoạt động ở nhiệt
độ cao nên hiệu suất tiêu huỷ cao, xử lý được nhiều loại CTNH với khối lượng lớn, kể cả các
chất thải có chứa halogen. Đặc biệt là hiệu quả kinh tế rất lớn do tiết kiệm nguyên, nhiên liệu vì
các loại CTNH dễ cháy góp phần cung cấp nhiệt lượng và một số loại CTNH có thành phần phù
hợp với nguyên liệu sản xuất xi măng. Bên cạnh đó, đồng xử lý tận dụng hệ thống sản xuất xi
măng sẵn có nên tiết kiệm được chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, đồng xử lý CTNH trong lò nung xi măng đòi hỏi công nghệ sản xuất xi măng hiện đại
là lò quay khô, có tiền nung, cần nghiên cứu kỹ quá trình nạp chất thải vào lò để không ảnh
hưởng đến quá trình sản xuất xi măng cũng như đảm bảo hiệu quả xử lý CTNH. Ngoài ra, một lý
do mà các nhà máy xi măng ở Việt Nam chưa mặn mà với việc đồng xử lý là vì nỗi lo ảnh hưởng
đến vấn đề thị trường như định kiến của khách hàng về chất lượng sản phẩm xi măng hoặc việc
nghiên cứu triển khai đồng xử lý gây xao lãng trong cuộc đua giành thị phần xi măng. Bên cạnh
đó, việc đồng xử lý còn vướng thủ tục pháp lý do việc triển khai đồng xử lý chưa rõ có phải làm
báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án xử lý CTNH hay không.

Hình 2. Hệ thống lò nung xi măng và bộ phận nạp CTNH dạng lỏng

3.1.3. Chôn lấp CTNH

Công nghệ này hiện nay mới áp dụng ở Hà Nội và Bình Dương với dung tích của mỗi hầm chôn
lấp từ 10.000 – 15.000 m3.

Bãi chôn lấp CTNH, hay thực chất là các hầm chôn lấp, được thiết kế theo quy định tại Tiêu
chuẩn xây dựng TCXDVN 320:2004 về Bãi chôn lấp chất thải nguy hại – Tiêu chuẩn thiết kế.
Việc vận hành bãi chôn lấp CTNH thực hiện trên cơ sở Hướng dẫn kỹ thuật chôn lấp chất thải
nguy hại ban hành kèm theo Quyết định số 60/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 07 tháng 8 năm 2002
của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Ưu điểm của các hầm chôn lấp CTNH có khả năng cô lập các CTNH chưa có khả năng xử lý
bằng công nghệ khác, công suất lớn và giá thành xử lý khá rẻ so với nhiều phương pháp tiêu
huỷ khác như đốt. Hơn nữa, CTNH tương lai có thể đào lên để xử lý nếu có công nghệ phù hợp.
Các hầm chôn lấp đều có mái che kín trong quá trình vận hành nên biện pháp này có tính chất là
đóng kén hơn là chôn lấp, không có khả năng phát sinh nước rò rỉ nhưng vẫn có hệ thống thu
gom nước rò rỉ.

Tuy nhiên phương pháp này khá tốn diện tích. CTNH không được xử lý triệt để, mối nguy cơ rò rỉ
vẫn còn nên cần giám sát lâu dài sau khi đóng hầm. Một lý do chôn lấp CTNH chưa được triển
khai rộng do phải đảm bảo các điều kiện ngặt nghèo, hay có thể nói là bất khả thi về khoảng
cách với các khu dân cư theo TCXDVN 320:2004. Một điều cần quan tâm là theo TCXDVN
320:2004 thì yêu cầu CTNH phải được hoá rắn, ổn định hoá (có thể hiểu nôm na là cần chuyển
thành dạng rắn và ổn định) thì hiện nay bị hiểu thành phải được bê tông hoá trước khi cho vào
chôn lấp. Nếu đã bê tông hoá như trình bày ở mục 3.1.4 đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
ngưỡng CTNH thì không cần thiết phải đưa vào hầm chôn lấp CTNH.

Do vậy, cần tiến hành rà soát và chỉnh sửa các tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên để phù hợp với điệu
kiện thực tế hơn, đặc biệt là vấn đề khoảng cách ly.

Hình 3. Hầm chôn lấp CTNH

3.1.4. Hóa rắn (bê tông hóa)

Công nghệ này được sử dụng rất phổ biến, có mặt tại 17/36 cơ sở hành nghề xử lý CTNH do
Tổng cục Môi trường cấp phép với công suất trung bình từ 1 – 5 m3/h.
Đặc điểm của công nghệ là sử dụng CTNH kết hợp với xi măng, cát, sỏi, nước để đóng rắn các
CTNH trơ, vô cơ như tro xỉ, tránh phát tán các thành phần nguy hại ra môi trường. Hiện nay đang
phổ biến hai công nghệ là hoá rắn có nén ép cưỡng bức (sử dụng máy ép thuỷ lực để ép chặt
cốt liệu bê tông như sản xuất gạch block) và hoá rắn thông thường (đổ bê tông tự nhiên). Cấu
tạo của hệ thống hoá rắn thường rất đơn giản, gồm có máy trộn bê tông và máy ép khuôn hoặc
các khuôn đúc.

Công nghệ hóa rắn có ưu điểm là thiết bị, công nghệ đơn giản, sẵn có (có thể tự lắp đặt, chế
tạo), dễ vận hành, có hiệu quả kinh tế vì có thể tận dụng sản xuất vật liệu xây dựng (gạch block,
tấm đan…). Tuy nhiên công nghệ hóa rắn chỉ xử lý an toàn đối với CTNH trơ, có thành phần vô
cơ. Khả năng ổn định CTNH trong khối rắn thay đổi theo từng loại CTNH nên cần phải nghiên
cứu kỹ cấp phối bê tông. Cần giám sát sản phẩm đầu ra để đảm bảo không vượt ngưỡng CTNH
theo quy định tại QCVN 07: 2009/BTNMT.

Hình 4. Máy trộn bê tông và máy ép gạch block để hoá rắn CTNH

3.1.5. Tái chế dầu thải

Hiện tại, có 13/36 các cơ sở hành nghề xử lý do Tổng cục môi trường cấp phép đầu tư công
nghệ tái chế dầu và một số cơ sở đang làm thủ tục cấp phép, chủ yếu rơi vào các loại như sau:
chưng cất cracking dầu (chưng phân đoạn hay còn gọi chưng nhiều bậc và chưng đơn giản hay
chưng một bậc); phân ly dầu nước bằng phương pháp cơ học (ly tâm) và bằng nhiệt.

Trong thực tế, phần lớn các cơ sở sử dụng công nghệ chưng đơn giản để thu hồi các cấu tử dầu
(nguyên lý là sử dụng nhiệt để làm bay hơi và cắt mạch, sau đó ngưng tụ để thu hồi các cấu tử
dầu, cặn rắn được tách ra và lấy ra ở đáy nồi chưng). Hiện nay có một số cơ sở đang đầu tư
công nghệ chưng phân đoạn (chưng nhiều bậc) để tái chế dầu, đây là công nghệ hiện đại sử
dụng để sản xuất các sản phẩm xăng dầu từ dầu thải. Về cơ bản chưng nhiều bậc giống với
chưng đơn giản, khác ở chỗ dựa vào nhiệt độ sôi khác nhau của các hydro cacbon có trong dầu
thải, kết hợp tuần hoàn (hồi lưu) dòng sản phẩm lỏng khi đó sẽ tách triệt để các cấu tử hydro
cacbon có nhiệt độ sôi khác nhau và thu được các phân đoạn sản phẩm dầu có chất lượng cao
như: xăng, dầu diezen...

Về cấu tạo của công nghệ chưng đơn giản gồm có lò gia nhiệt (đốt cấp nhiệt trực tiếp cho nồi
chưng), nồi chưng (nồi chứa dầu thải), hệ thống ngưng tụ hơi dầu và hệ thống xử lý khí thải. Còn
cấu tạo của công nghệ chưng nhiều bậc gồm hệ thống cấp nhiệt (lò hơi, sử dụng hơi nước quá
nhiệt để cấp nhiệt cho tháp chưng cất), tháp chưng cất dạng đĩa lỗ có ỗng chảy truyền hoặc tháp
đĩa chóp, hệ thống hồi lưu dòng sản phẩm lỏng và hệ thống xử lý khí thải lò hơi.

Nhìn chung, đối với công nghệ chưng đơn giản có ưu điểm trang thiết bị đơn giản (có thể tự chế
tạo, lắp đặt), dễ vận hành, đầu tư thấp, nhưng việc vận hành và kiểm soát khá thủ công, đòi hỏi
kinh nghiệm và kỹ năng của người vận hành. Công nghệ chưng đơn giản phù hợp với các cơ sở
nhỏ có lượng dầu thải đầu vào thấp, biến động.

Công nghệ chưng phân đoạn có hệ thống kiểm soát hiện đại, chất lượng sản phẩm đầu ra ổn
định nhưng chi phí đầu tư lớn, vận hành phức tạp, đòi hỏi nguyên liệu đầu vào lớn và ổn định
trong khi nguồn dầu thải ở Việt Nam thường nhỏ lẻ, biến động. Do vậy, cần cần nhắc khi đầu tư
công nghệ này.

Hình 5. Hệ thống chưng dầu thải phân đoạn (trái) và chưng đơn giản (phải)

3.1.6. Xử lý bóng đèn thải

Hiện nay có 8/36 cơ sở hành nghề xử lý CTNH do Tổng cục Môi trường cấp phép có hệ thống
xử lý bóng đèn thải.

Trong bóng đèn có chứa nhiều loại chất thải khác nhau như bột huỳnh quang, hơi thủy ngân,
thủy tinh, kim loại. Cấu tạo của hệ thống xử lý bóng đèn thải gồm có bộ phận nghiền bóng đèn
trong môi trường kín, kèm theo thiết bị hấp thụ hơi thuỷ ngân (bằng than hoạt tính hoặc lưu
huỳnh), có thể kèm theo biện pháp tách thu hồi thuỷ tinh và bột huỳnh quang.

Công nghệ này có ưu điểm là chi phí đầu tư trang thiết bị hợp lý, dễ vận hành, sau khi phân tách
riêng bột huỳnh quang, thủy tinh có thể dùng làm nguyên liệu trong sản xuất xi măng hoặc tái sử
dụng thủy tinh sạch. Tuy nhiên, sau khi xử lý bóng đèn thải, quá trình hấp thụ hơi thuỷ ngân có
trong bóng đèn thải sẽ tạo ra chất thải mới cần xử lý là muối thuỷ ngân.

Các thiết bị này được đầu tư chủ yếu để đáp ứng yêu cầu có đủ khả năng để xử lý nhiều loại mã
CTNH của các chủ nguồn thải chứ chưa có hiệu quả kinh tế do thực tế loại CTNH này có số
lượng không nhiều. Do vậy, giải pháp hoá rắn toàn bộ sản phẩm của quá trình nghiền là một giải
pháp hiệu quả.

Hình 6. Thiết bị xử lý bóng đèn thải

3.1.7. Xử lý chất thải điện tử

Hiện nay chỉ có 4/36 cơ sở hành nghề xử lý CTNH do Tổng cục Môi trường cấp phép đầu tư
công nghệ chuyên xử lý chất thải điện tử này, công suất trung bình tư 0,5 – 5 tấn/ngày.

Các hệ thống này chủ yếu là thực hiện biện pháp phá dỡ, thủ công (như bàn phá dỡ đơn giản)
hoặc cơ giới (máy nghiền), để phân tách từng thành phần cho các công đoạn xử lý tiếp theo như
thu hồi phế liệu (kim loại, nhựa), đốt, hoá rắn.

Đối với các cơ sở có đầu vào nhỏ, thì việc phá dỡ thủ công là phù hợp, chủ yếu để đáp ứng đủ
mã CTNH trong dịch vụ. Tuy nhiên, công đoạn phá dỡ thủ công có thể ảnh hưởng sức khỏe của
công nhân do phải tiếp xúc trực tiếp với chất thải.

Công nghệ cơ giới hóa phù hợp với đầu vào lớn, đặc biệt là trong tương lai khi lượng chất thải
điện tử phát sinh tăng đột biến. Hơn nữa, công nghệ hiện đại có thể tận thu được nhiều sản
phẩm, đặc biệt là các kim loại quý.
Hình 7. Dây chuyền nghiền bản mạch điện tử (trái) và bàn phá dỡ đơn giản (phải)

3.1.8. Phá dỡ, tái chế ắc quy chì thải

Hiện nay, có 6/36 cơ sở hành nghề xử lý CTNH do Tổng cục Môi trường cấp phép đầu tư công
nghệ xử lý này, công suất trung bình 0,5 – 200 tấn/ngày.

Tái chế ắc quy chì thải là một trong những biện pháp tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường,
cùng với sự phát triển của nền kinh tế lượng ắc quy chì thải ngày một tăng và việc xử lý không
an toàn đối với chất thải này đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người và
môi trường. Chính vì vậy, hiện nay trên thực tế đang sử dụng các công nghệ tái chế từ đơn giản
(thô sơ) đến hiện đại.

Nguyên lý của công nghệ tái chế ắc quy chì thải là đầu tiên trung hòa dung dịch chất điện phân
(dung dịch axit), sau đó phá dỡ phân loại riêng bản cực chì và vỏ (nhựa PP). Việc phá dỡ có thể
là thủ công hoặc cơ giới hoá. Chì và nhựa được nấu tái chế tại chỗ hoặc chuyển cho các đơn vị
tái chế.

Hiện nay có một số đơn vị đã đầu tư và đưa vào sử dụng công nghệ hiện đại để tái chế ắc quy,
toàn bộ quy trình xử lý được cơ giới, tự động hóa với nguyên lý hoạt động như sau: bình ắc quy
(có cả dung dịch axit) được đưa vào máy nghiền đồng thời có bổ sung dung dịch kiềm (sô đa) để
trung hòa, sau đó hỗn hợp sau nghiền được đưa tới hệ thống phân tách bằng nước, nhựa có tỷ
trọng bé nổi lên trên, còn chì có tỷ trọng lớn chìm xuống dưới và được vớt ra bởi gàu chuyên
dụng. Hệ thống cơ giới hoá có công suất rất lớn do vậy nếu không có đủ nguyên liệu đầu vào thì
sẽ không có hiệu quả kinh tế vì đầu tư rất tốn kém.

Nhiều cơ sở áp dụng hệ thống thủ công hoặc bán thủ công dựa trên bàn phá dỡ bằng sức lao
động, công suất tuy thấp nhưng giảm chi phí đầu tư và đáp ứng được lượng đầu vào thấp. Tuy
nhiên phải lưu ý vấn đề bảo hộ lao động để tránh rủi ro phơi nhiễm axit và các hơi độc.
Hình 8. Dây chuyền phá dỡ ắc quy chì thải cơ giới hoá

3.2. Các công nghệ khác

Ngoài các công nghệ trên, hiện nay các cơ sở xử lý CTNH tại Việt Nam còn sử dụng các loại
công nghệ khác đối với từng loại CTNH đặc thù khác như công nghệ súc rửa và tái chế thùng
phuy, công nghệ tái chế dung môi thải, công nghệ rửa sạch phế liệu dính dầu, công nghệ kết tủa
thu hồi kim loại...

3.3. Hiệu quả xử lý và môi trường của các công nghệ đã được cấp phép

Theo báo cáo quản lý CTNH định kỳ, báo cáo giám sát môi trường của các cơ sở xử lý CTNH do
Tổng cục Môi trường cấp phép cũng như kết quả thanh tra, kiểm tra những năm vừa qua, hầu
hết các công nghệ xử lý CTNH đã được cấp phép đều đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành,
đảm bảo hiệu quả xử lý cam kết khi đăng ký hành nghề, phát thải đạt các quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về môi trường [2, 3].

Tuy nhiên đây là kết quả do các cơ sở tự giám sát hoặc kết quả giám sát khi có các đoàn thanh
tra kiểm tra nên cũng chưa phản ánh đầy đủ được mức độ tuân thủ. Điều này phụ thuộc vào ý
thức tự giác chấp hành của các cơ sở. Nhưng ít nhất, điều này cũng khẳng định là các công
nghệ đã được cấp phép hiện tại là đảm bảo được hiệu quả xử lý cũng như môi trường nếu được
vận hành đúng theo thiết kế và có sự giám sát chặt chẽ.

3.4. Xu thế áp dụng một số công nghệ mới

3.4.1. Lò đốt quay: công nghệ này tương tư như lò đốt tĩnh, chỉ khác là buồng đốt sơ cấp có
dạng trụ quay (như lò xi măng). Công nghệ này có ưu điểm có thể đốt các loại chất thải khó cháy
như bùn thải do chất thải được khuấy trộn tốt trong lò quay. Nhưng nhược điểm của công nghệ
này là chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi tiêu chuẩn cơ khí cao. Ngoài ra, lò quay phát sinh nhiều bụi nên
cần phải đầu tư thêm hệ thống lọc bụi túi vải hoặc lọc bụi tĩnh điện. Hiện nay Việt Nam đang có
một số cơ sở nghiên cứu lắp đặt lò đốt quay nhưng đều chưa đến giai đoạn được cấp phép.

3.4.2. Lò plasma: Công nghệ lò đốt plasma là công nghệ rất hiện đại, sử dụng nhiệt độ rất cao để
phá huỷ hoàn toàn các chất hữu cơ, chuyển hoá thành các khí tổng hợp và tạo ra xỉ là thuỷ tinh
với khối lượng xỉ tạo ra là ít nhất so với các công nghệ đốt khác [5]. Hiện nay, tại Việt Nam có
một số cơ sở đang tiến hành lập dự án lắp đặt lò đốt plasma. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ về
hiệu quả kinh tế vì đầu tư rất lớn.

3.4.3. Lò đốt tầng sôi: Đây là công nghệ đốt có hiệu suất tiết kiệm năng lượng cao hoặc tái sử
dụng năng lượng do chất thải tạo thành. Tuy nhiên, lò đốt tầng sôi có tốc độ mài mòn bề mặt đốt
và truyền nhiệt rất cao, do đó tính kinh tế của nó kém hơn so với lò đốt thông thưòng.

3.4.4. Bể đóng kén

Bể được thiết kế vách và đáy bằng bê tông chống thấm, kết cấu cốt thép bền vững đặt trên nền
đất được gia cố để đảm bảo tránh sụt lún gây nứt gãy, rò rỉ, thẩm thấu theo đúng quy chuẩn kỹ
thuật, tiêu chuẩn về xây dựng. Sử dụng bể đóng kén có thể xử lý được nhiều loại chất thải khác
nhau, dễ sử dụng, chi phí đầu tư thấp và khắc phục được yêu cầu về khoảng cách ly như đối với
bãi chôn lấp.

4. Kết luận

Nền công nghệ xử lý CTNH của Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt sau khi có sự ra
đời của Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản dưới Luật như Thông tư số 12/2006/TT-
BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn điều kiện
hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại
và Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi
trường về việc ban hành Danh mục chất thải nguy hại đã có những bước phát triển đáng kể.

Các công nghệ hiện có của Việt Nam còn chưa thực sự hiện đại, sử dụng các công nghệ đa
dụng cho nhiều loại CTNH và thường ở quy mô nhỏ, nhưng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu
xử lý CTNH của Việt Nam. Tuy nhiên để thực sự đảm bảo công tác quản lý CTNH đạt yêu cầu,
cần phát triển công nghệ xử lý CTNH tại Việt Nam cả về chất lượng và số lượng. Ngoài ra, cần
nghiên cứu chuyên biệt hoá các công nghệ để xử lý các loại CTNH đặc thù. Bên cạnh đó cần
phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các công nghệ đã được cấp
phép hoạt động tuân thủ đúng quy định, đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý CTNH vẫn là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý và
nhà khoa học về môi trường. Đối với các loại CTNH đặc thù nên xây dựng quy trình xử lý chuyên
biệt để đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh. Nhưng để lựa chọn công nghệ xử lý chất
thải phù hợp điều kiện của Việt Nam không phải dễ, do đó cần thiết phải xây dựng và ban hành
các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật... làm cơ sở khoa học cho công
nghệ xử lý chất thải.

Ngoài ra, để công tác bảo vệ môi trường thực hiện hiệu quả, Nhà nước không chỉ quan tâm đến
vấn đề quản lý, thanh tra, xử phạt mà cần thiết phải chú trọng đến vấn đề quản lý thị trường và
quy hoạch công nghệ xử lý CTNH. Có như vậy mới có thể tránh cho doanh nghiệp những rủi ro
không đáng có, đồng thời nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường của các đơn vị sản xuất.

5. Tài liệu tham khảo

[1] Cục Bảo vệ môi trường, Báo cáo hiện trạng môi trường, 2004.

[2] Các báo cáo về công tác quản lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế của Sở Tài nguyên và
Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 2009.

[3] Các báo cáo quản lý chất thải nguy hại, báo cáo giám sát môi trường định kỳ của các chủ xử
lý, tiêu huỷ chất thải nguy hại, 2009.

[4] Các bộ hồ sơ đăng ký hành nghề xử lý, tiêu hủy CTNH lưu tại Tổng cục Môi trường.

[5] Công ty thương mại dịch vụ xây dựng Ngân Thành, Báo cáo dự án đầu tư, 2009.

[6] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Danh mục chất thải nguy hại, ban hành kèm theo Quyết định số
23/2006/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 26 tháng 12 năm 2006.

[7] Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Ngưỡng chất thải nguy
hại, QCVN 07:2009/BTNMT.

You might also like