You are on page 1of 4

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà

văn
Nam Cao từ khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời
Trong nền văn học Việt Nam 1930-1945, Nam Cao được biết đến như một nhà văn hiện thực
xuất sắc. Các tác phẩm của ông thường tập trung vào hai đề tài chính: cuộc sống người tri
thức tiểu tư sản nghèo và cuộc sống người nông dân. Văn Nam Cao vừa chân thực vừa
mang đậm tính triết lí và trữ tình. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm quý báu, trong đó
phải kể đến kiệt tác “Chí Phèo”. Qua tác phẩm, Nam Cao đã thể hiện cái nhìn hiện thực sắc
sảo và sự cảm thông sâu sắc đối với khát vọng lương thiện của những con người lầm lỗi
trong xã hội cũ.

Truyện ngắn “Chí Phèo” đã phản ánh một cách chân thực về đời sống nông thôn Việt Nam
đương thời, cụ thể hơn là làng Vũ Đại. Nổi bật trong câu chuyện là nhân vật Chí Phèo, một
con người bất hạnh, một số phận tăm tối. Nam Cao đặc biệt đi sâu vào khai thác diễn biến
tâm lý và hành động của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở đến lúc tự tay cầm dao kết liễu cuộc
đời. Quãng đời đầy xung đột nội tâm này được Nam Cao miêu tả thật tài tình, hấp dẫn bằng
ngòi bút nhân đạo sâu sắc.

Trước khi gặp Thị Nở, Chí Phèo sống một cách gần như vô thức. Hắn chìm trong những cơn
say triền miên đến nỗi “hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy hãy còn say, đập
đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rối say nữa, say
vô tận”. Rượu khiến Chí Phèo đánh mất sự tỉnh táo và làm hắn quên mất sự tồn tại của mình
ở đời. Chí Phèo trở thành người không tuổi từ lúc nào không hay. Hắn cũng chả cần biết
ngày hay đêm vì ngày tháng cũng chả có ý nghĩa gì với Chí Phèo. Đến ngay cả bản thân mình
hắn còn chả thèm quan tâm nói gì đến cuộc sống của những người xung quanh. Ngược lại cả
làng Vũ Đại cũng chả ai quan tâm đến hắn. Trong lúc say, Chí Phèo chửi trời, chửi đời rồi
chuyển sang chửi tất cả làng Vũ Đại. Cuối cùng hắn chửi “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn,
đẻ ra cái thằng Chí Phèo!”. Không ai chửi lại bởi đơn giản không ai coi hắn là người. Đối với
họ Chí Phèo là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, tác oai tác quái cho bao nhiêu dân làng. “Hắn
biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu
hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. Tất cả dân làng vì
thế đều sợ và tránh mặt hắn.

Cuộc sống của Chí Phèo cứ tiếp diễn một cách tiêu cực như thế đến một đêm, cái đêm định
mệnh của cuộc đời hắn. Đêm ấy Chí Phèo uống rượu ở nhà Tự Lãng, một lão vừa làm nghề
thầy cúng, vừa làm nghề hoạn lợn. Ở đó chưa bao giờ Chí Phèo được uống thỏa thê đến thế.
Khi trở về vườn hắn không đi vào lều mà ra thẳng bờ sông cho mát. Những biến chuyển
hoàn toàn ngẫu nhiên ấy cuối cùng đã đưa đến một cuộc giáp mặt có tính chất bước ngoặt
trong câu chuyện: Chí gặp Thị Nở đang ngủ hớ hênh dưới trăn. “Họ ăn nằm với nhau và cùng
ngủ say dưới trăng”. Cuộc tình chớp nhoáng ấy khiến Thị “không ngủ được, cứ nghĩ về việc
lạ lùng tối qua”. Sáng hôm sau khi Chí Phèo tỉnh rượu thi mặt trời đã lên cao từ lâu. Đây có
lẽ là lần đầu tiên hắn ta tỉnh hẳn rượu kể từ lúc ra tù về. Những lần trước, mỗi khi tỉnh rượu,
hắn lại uống vì thế say kế tiếp say. Còn lần này Chí Phèo tỉnh rượu với trạng thái khác hẳn:
“Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc…Hắn sợ rượu cũng như những người ốm sợ
cơm”. Sáng hôm nay Chí Phèo đủ tỉnh táo để cảm nhận tiếng chim hót, tiếng cười nói của
những người đi chợ và tựu chung lại là cuộc sống thường ngày ở quê hương hắn. Khi Chí
Phèo làm được những điều ấy cũng chính là lúc hắn dần ý thức về cuộc sống. Tất cả làm hắn
buồn…, một nỗi buồn nao nao khi hắn hồi tưởng về quá khứ… “Hình như có một thời hắn đã
ao ước có một gia đình nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con
lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Hắn nhớ về dĩ vãng xa xôi
để rồi cảm thấy xót xa cho cuộc sống của hắn bây giờ. Hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc.
Đến đây, Nam Cao đi sâu vào phân tích tiếng nói nội tâm nhân vật. Những suy nghĩ sâu lắng
của Chí Phèo được Nam Cao miêu tả một cách nhẹ nhàng và tinh tế. “Buồn thay cho đời!...
Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Hắn đã tới cái dốc bên kia cuộc đời”. Chí Phèo thoảng thốt khi
hình dung về tương lai đầy bất trắc… Chí Phèo nhìn thấy sự vây quanh của tuổi già, của đói
rét, của ốm đau và đáng sợ hơn cả là sự cô độc. Càng nghĩ Chí Phèo càng lo… Đến lúc này
không ai nghĩ Chí Phèo là con quỷ dữ của làng Vũ Đại nữa. Chí Phèo trong cái buổi sáng hôm
ấy là một con người không những giàu cảm xúc mà còn ý thức rất sâu sắc về cuộc đời, về
bản thân mình. Chí có lẽ đã khóc nếu không có sự xuật hiện kịp thời của Thị Nở. “Nếu Thị Nở
không vào, cứ để hắn vẩn vơ nghĩ mãi, thì đến khóc được mất”. Đây là một sự sắp đặt đầy
nghệ thuật của Nam Cao. Thị bắt đầu có một ý nghĩa quan trọng đến những thay đổi vể suy
nghĩ trong tâm hồn Chí Phèo.

Ngay cả Chí Phèo cũng bất ngờ trước sự quan tâm săn sóc của Thị Nở. Chí Phèo ốm và Thị
Nở là người duy nhất chăm sóc. Nam Cao tập trung phân tích hình ảnh bát cháo hành để
miêu tả cụ thể những cử chỉ và suy nghĩ của Chí Phèo. “Một nồi cháo hành còn nóng
nguyên” cũng giống như tình cảm Thị Nở dành cho Chí Phèo đang ở trong thời kì mãnh liệt,
cháy bỏng nhất. Thị biết ơn Chí là bởi chính hắn đã đánh thức những cảm xúc mà xưa nay
Thị chưa bao giờ được trải nghiệm. Tình cảm của Thị khiến Chí đi từ ngạc nhiên đến cảm
động. Hắn bâng khuâng nhìn bát cháo bốc hơi. Chí Phèo lại chìm trong một biển cảm xúc với
những cung bậc khác nhau. Hắn ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn
bà cho. Hắn thấy lạ bởi “xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì”. “Hắn vẫn phải dọa
nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ”. Nghĩ đến đây Chí Phèo thấy buồn. Hắn
bắt đàu cảm thấy ăn năn. Bát cháo hành hay rộng hơn là những tình cảm chân thành của Thị
Nở có một sức mạnh ghê gớm. Chúng có khả năng cảm hóa Chí Phèo, một “con ngựa bất
kham” của làng Vũ Đại. Hắn không còn là một Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm
chém người nữa. Đó không phải là bản chất thật của hắn. Chí Phèo là một con người bị xã
hội phong kiến tha hóa, bị các giai cấp thống trị lợi dụng một cách không thương tiếc. Bên
cạnh Thị “hắn thấy lòng thành trẻ con”. “Hắn muốn làm nũng với Thị như với mẹ”. Chí Phèo
ngẫm về bản thân mình mà thấy lo. “Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu
không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao?...Bấy giờ mới nguy!”. Đó là nỗi niềm của
một người bị dồn vào thế chân tường. Chí Phèo không còn sung sức nữa. Chí Phèo cũng chả
dám liều nữa bởi hắn đã trở nên hiền lành mất rồi. Sau khi gặp Thị Nở, khát vọng được trở
lại làm người lương thiện bùng nổ một cách mạnh mẽ trong con người Chí. Đây là thời điểm
cảm xúc của Chí lên đến tột đỉnh. Sự thức tỉnh trong con người hắn cũng lên đến cao trào.
“Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Tình cảm của Thị Nở
khiến Chí Phèo nhận ra rằng hắn cũng có thể làm cho tất cả mọi người yêu mến, gần gũi với
hắn. “Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã
hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. Chí Phèo đem cái khát vọng ấy
để thăm dò sự chia sẻ nơi Thị Nở. Hắn thèm được sống trong tình yêu thương, một thứ mà
hắn chưa bao giờ có. Khi Thị cười tin cẩn, hắn thấy tự nhiên nhẹ người và có vẻ háo hức
trước viễn cảnh tươi sáng được quay trở lại thế giới người lương thiện. Những ngày sau đó
Chí Phèo dường như quyết tâm tu luyện bản thân để trở thành một con người lương thiện
đúng nghĩa. “Hắn không còn kinh rượu nhưng cố uống cho thật ít. Để khỏi tốn tiền, nhưng
nhất là để tỉnh táo mà yêu nhau. Đàn bà không có men như rượu nhưng cũng làm người
say. Và hắn say thị lắm”. Chắc chắn Chí Phèo dành cho Thị Nở một thứ tình cảm chân thật
chứ không hề có chút lợi dụng . Thị Nở là “một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng trong
xóm”. Những vẻ bề ngoài ấy đâu có làm Chí Phèo bận tâm. Chí say Thị bởi hắn cảm nhận
được tình yêu của Thị dành cho hắn và quan trọng hơn cả là ở bên Thị, hắn là chính mình,
chứ không phải là một tên đâm thuê chém mướn ở làng Vũ Đại. Hai con người ấy còn có vô
số những nét tương đồng. Vì những lí do khác nhau, cả hai đều bị xã hội ghét bỏ và xa lánh.
Bằng một tình cảm nhân đạo sâu săc, Nam Cao đã phát hiện phần sâu kín trong tâm hồn kẻ
bị tha hóa là Chí Phèo, của kẻ u mê là Thị Nở. Họ luôn tha thiết mong được yêu thương,
được cảm thông và được sống hòa nhập với mọi người. “Chúng sẽ làm thành một cặp rất
xứng đôi” là một lời dự đoán và cũng là một niềm hy vọng mà tác giả gửi gắm vào cuộc
phiêu lưu của Chí Phèo và Thị Nở.

Tuy vậy, niềm vui của Chí Phèo “ngắn chẳng tày gang”. Cánh cửa trở lại làm người lương
thiện vừa được mở ra trước mắt Chí Phèo đã bị bà cô Thị Nở đóng sập một cách không
thương tiếc. Bà ta dứt khoát không cho cháu gái mình đâm đầu đi lấy một thằng không cha
chuyên đi rạch mặt ăn vạ. Bà ta coi đó là nỗi nhục của gia đình. Đau đớn cho Chí Phèo khi
hắn ta hiền và muốn làm hòa với mọi người thì chính họ vẫn sợ và vẫn nghĩ Chí Phèo là một
con quỷ dữ. Sự phản đối của bà cô Thị Nở đưa đến cho Chí Phèo một tấn bi kịch tinh thần. Bi
kịch là bởi đúng lúc hắn hi vọng nhiều nhất thì cái làng Vũ Đại ấy lại nói không với hắn trên
con đường quay trở lại làm người lương thiện. Chí Phèo ngơ ngác, “nghĩ ngợi một tí rồi hình
như hiểu, hắn bỗng nhiên ngẩn người”. Thật lạ là “thoáng một cái, hắn lại như hít thấy hơi
cháo hành”. Chi tiết này chứng tỏ Chí Phèo không sao quên được những ngày ngắn ngủi
từng được chăm sóc, vui sống bên Thị Nở. Thị trở thành một phần không thể thiếu trong
cuộc sống của Chí Phèo từ lúc nào không hay. Sau một hồi lặng người, hắn đã nhận ra sự
thật ấy. Hắn hiểu rẳng hắn không thể sống thiếu Thị Nở. Hắn càng không muốn quay trở về
làm con quỷ dữ làng Vũ Đại. Tất cả những suy nghĩ ấy khiến Chí Phèo sửng sốt, thôi thúc hắn
đuổi theo Thị Nở. Chí Phèo nắm lấy tay Thị Nở. Chí cố gắng níu giữ những kỷ niệm với Thị Nở
và dường như cầu xin một sự thương cảm từ Thị. Tất cả đã quá muộn… “Thị ngoay ngoáy cái
mông đít ra về”. Thị Nở ra đi cũng đồng nghĩa với việc Chí Phèo mất đi tất cả những gì ý
nghĩa nhất với hắn. Bi kịch ập đến thật bất ngờ khiến tâm trạng Chí Phèo chao đảo dữ dội,
dẫn đến những hành động ngông cuồng. Chí quyết phải đi trả thù. “Hắn tự phải đến cái nhà
con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó. Nếu không
đâm được, lúc ấy hãy đập đầu ra kêu làng”. Hắn đã uống, uống trong điên loạn. Uống để say
và say thì mới đập đầu được. Nhưng thật lạ là lần này Chí Phèo càng uống lại càng tỉnh. Như
vậy đây cũng là lần đầu tiên trong đời Chí Phèo uống rượu mà người lại tỉnh, khác hẳn với
những cơn say dài mênh mông trước đó. Hắn buồn rồi hắn khóc, khóc rưng rức, khóc một
cách tội nghiệp… Chí Phèo khóc trong tuyệt vọng bởi ngộ ra rằng xung quanh hắn bây giờ
chả còn ai và cũng không một ai coi hắn là người lương thiện. Với một con dao ở thắt lưng,
miêng lảm nhảm: “Tao phải đam chết nó!”, Chí Phèo cứ thẳng đường mà đi đến nhà bá
Kiến. Tại sao hắn lại không tới “nhà con đĩ Nở” như hắn đã nói?. Chí Phèo không hề quên
đường. Đơn giản là bởi Chí Phèo vào thời điểm này là một con người hết sức tỉnh táo và
sáng suốt. Hắn say nhưng hắn vẫn nhận thức được ai mới chính là kẻ đã đẩy hắn xuống đia
ngục. Bị Nở cự tuyệt, Chí Phèo nhận ra hai điều: Bản thân hắn đã hỏng hẳn và chính bá Kiến
mới là nguyên nhân thật sự. Chí Phèo tỉnh táo ở từng lời nói và hành động trong cuộc chạm
trán với bá Kiến. Bi kịch được đẩy lên đến cao trào. Chí Phèo ném tất cả những sự phẫn uất
của mình vào mặt bá Kiến. Những câu đối thọa sắc lạnh như những thanh gươm chém nhau
tóe lửa. “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt
này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách… biết không!...
Chỉ còn một cách là…cái này! Biết không!...” Chí Phèo trong nỗi niễm phẫn uất tột đỉnh đã
đâm những nhát dao chí mạng để kết liễu cuộc đời bá Kiến. Và nhát dao cuối cùng hắn tự
tay dành tặng cho xác thể mình. Ánh dao rung lên túi bụi trong tiếng kêu làng thật to. Máu
tươi lênh láng khép lại một cuộc đời, một số phận vô cùng bi thảm của nhân vật. Cái chết là
cách duy nhất để Chí giải quyết bi kịch bị cự tuyệt làm người lương thiện. Vì thế Chí Phèo
chết mà uất ức, vẫn còn muốn nói to với mọi người khát vọng của mình… “Mắt hắn trợn
ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng”…

Bi kịch của Chí Phèo là bi kịch bị tước đoạt quyền làm người. Tác phẩm “Chí Phèo” còn là
tiếng kêu cứu tha thiết của những con người bất hạnh. Hơn thế nữa, tác phẩm còn được coi
la một kiệt tác thật sự bởi Chí Phèo là một trong số ít những nhân vật văn học có khả năng
bước thẳng từ trong trang sách ra giữa cuộc đời và sống sâu sắc, bền lâu trong lòng người
đọc.

You might also like