You are on page 1of 31

Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay”

Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay như thế
nào? Có những biểu hiện tích cực và tiêu cực gì? Đâu là
nguyên nhân và giải pháp để nâng cao đạo đức nghề nghiệp
của nhà báo Việt Nam? Để góp phần giải quyết những vấn đề nói trên. Sau
đây AJC xin giới thiệu đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành báo chí học “Đạo
đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Thị Trường
Giang
1.Tính cấp thiết của đề tài
Trong những năm qua, báo chí đã xác lập được một vai trò rất to lớn trong đời
sống tinh thần.
Báo chí đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng và loại hình. Đời sống
báo chí ngày càng trở nên sống động, phong phú. Điều đó góp phần làm cho mọi
hoạt động của xã hội, của đất nước ngày càng cởi mở hơn. Tuy nhiên, sự tha hóa
của một bộ phận nhà báo - những người có nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng
dư luận xã hội - có ảnh hưởng xấu và tác hại đến toàn xã hội. Đã có một số ít nhà
báo “đức không trong, tâm không sáng” lợi dụng nghề nghiệp của mình để
“đánh” người này, “cứu” người kia, đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của nghề
báo và phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của lao động báo chí là tôn trọng sự
thật, nói rõ sự thật và bảo vệ sự thật. Những câu hỏi đặt ra là: Đạo đức nghề
nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay như thế nào? Có những biểu hiện tích
cực và tiêu cực gì? Đâu là nguyên nhân và giải pháp để nâng cao đạo đức nghề
nghiệp của nhà báo Việt Nam? Đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành báo chí học
“Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay” hướng vào giải quyết
những vấn đề nói trên.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu:
Hệ thống lại những nội dung, yêu cầu lý thuyết về vấn đề đạo đức nghề nghiệp
của nhà báo, dựng lên một bức tranh đầy đủ, khái quát và toàn diện về thực trạng
đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả chỉ ra
nguyên nhân và đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao đạo đức nghề
nghiệp của nhà báo Việt Nam.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
Để đạt được mục đích trên, tác giả luận án phải thực hiện những nhiệm vụ
sau: (1) Làm rõ những vấn đề liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn của đề
tài. (2) Phân tích thực trạng đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện
nay thông qua phân tích các tác phẩm báo chí; (3) Chỉ ra nguyên nhân và đề
xuất những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà
báo Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu của đề tài:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt
Nam. Điều này được thể hiện thông qua các tác phẩm báo chí và hành vi, ứng xử
của họ trong khi hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động nghề nghiệp của
nhà báo chủ yếu thể hiện trong hoạt động sáng tạo tác phẩm, vì vậy, luận án đi sâu
nghiên cứu đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Đạo đức
nghề nghiệp của người làm báo có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mặc dù, tiêu
cực chỉ là thiểu số, song những năm gần đây vấn đề này đang ngày càng trở nên
nổi cộm. Vì vậy, luận án tuy đề cập cả hai mặt tích cực và tiêu cực, song đặc biệt
nhấn mạnh đến mặt tiêu cực, những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp của
nhà báo.
3.2. Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi nghiên cứu của đề tài được giới hạn từ 1998 đến 2008 ở Việt
Nam. Lý do chúng tôi chọn thời điểm 1998 để bắt đầu là vì từ đây, vấn đề
đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trở thành vấn đề nổi cộm, những biểu hiện
tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trở nên nghiêm trọng hơn.
Trên cơ sở đối tượng và phạm vi nghiên cứu, tác giả đã xác định đối tượng và
phạm vi khảo sát như sau: Đối tượng khảo sát của luận án là công chúng báo chí,
các nhà báo, các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí, các nhà nghiên cứu lý luận báo
chí và các tác phẩm báo chí. (1). Về công chúng, chúng tôi dựa trên những điều
kiện về nhân khẩu học (tuổi, giới tính, nghề nghiệp, chỗ ở...) để phát bảng hỏi
cho 600 người, chia đều cho sáu tỉnh, thành sau: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc,
Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp. Bên cạnh đó, chúng tôi tiến
hành lựa chọn để phỏng vấn sâu 5 người; (2). Về nhà báo, luận án tập trung chủ
yếu vào đối tượng nhà báo đang làm việc tại cơ quan báo chí trung ương và cơ
quan báo chí địa phương để phát 500 phiếu điều tra xã hội học.
Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn sâu đối với 20 nhà báo chia thành
6 nhóm đối tượng: (1). Các nhà báo lão thành; (2). Các nhà quản lý báo chí; (3).
Cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí; (4). Cán bộ Hội nhà báo Việt Nam; (5). Các nhà
nghiên cứu báo chí; (6). Biên tập viên, phóng viên.
Bên cạnh đấy, để làm rõ thực trạng đạo đức nghề báo, chúng tôi đã tiến hành
khảo sát Công tác báo chí của Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên Giáo Trung ương và
những báo cáo tổng kết hàng năm về báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông từ
năm 1998 đến 2008. Trong khuôn khổ luận án, tác giả chỉ tập trung khảo sát những
tác phẩm báo chí trên loại hình báo in được chọn lọc từ nhiều tờ báo khác nhau trong
suốt thời gian từ 1998 đến 2008 và không đi khảo sát sâu một tờ báo cụ thể nào mà
khảo sát theo thời điểm, vụ việc có tính chất nổi cộm được báo chí và dư luận xã hội
quan tâm. Tuy nhiên, trong luận án, tác giả cũng có khảo sát một số ví dụ trên các loại
hình báo chí khác để so sánh, làm rõ thêm các nhận định.
4. Giả thuyết nghiên cứu của luận án
- Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là một vấn đề quan trọng, có tác động trực
tiếp, sâu sắc và quyết định tới chất lượng của tác phẩm báo chí.
- Sự xuống cấp về mặt đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo Việt
Nam hiện nay đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh
dự của đội ngũ nhà báo và nghề báo.
- Mặc dù những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của nhà báo chỉ
là thiểu số so với mặt tích cực, song nó lại đang ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng
đến đời sống của nhân dân và để lại những hậu quả khôn lường cho sự phát triển
lâu dài của xã hội.
- Những biểu hiện tích cực và tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của nhà báo
Việt Nam hiện nay xuất phát từ một hệ thống những nguyên nhân khách quan và
chủ quan, cần phải được làm rõ để từ đó có thể đề xuất những giải pháp khả thi
nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam trong bối cảnh hiện
nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận:
Đề tài được thực hiện trên nền tảng khoa học lý luận của chủ nghĩa Mác–Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà
nước Việt Nam về công tác tư tưởng và báo chí. Cụ thể đó là những lý thuyết về
nhiệm vụ, vai trò, chức năng và các nguyên tắc hoạt động của báo chí; lý thuyết về
đạo đức nghề nghiệp báo chí và sự tác động qua lại giữa đạo đức và các hình thái
ý thức xã hội khác.
5.2. Phương pháp nghiên cứu:
+ Phương pháp phân tích tài liệu: Dùng để xem xét, phân tích các thông tin
có sẵn trong các tài liệu, từ đó rút ra những thông tin cần thiết phục vụ cho mục
đích nghiên cứu của đề tài.
+ Phương pháp phân tích nội dung: Dùng để phân tích nội dung các tác phẩm
báo chí, các đoạn băng ghi âm, ghi hình, những buổi phát thanh, truyền hình,
những câu trả lời thu được qua trưng cầu ý kiến hay phỏng vấn sâu. Để trợ giúp
cho phương pháp này, tác giả cũng kết hợp sử dụng phần mềm xử lý thông tin
định tính Nvivo.
+ Phương pháp phỏng vấn sâu: Được sử dụng dùng để phỏng vấn một số
phóng viên, biên tập viên, nhà quản lý báo chí, nghiên cứu báo chí, công chúng
nhằm thu thập ý kiến đánh giá của cá nhân về thực trạng đạo đức nghề nghiệp
của nhà báo cũng như nhận thức của họ về vấn đề này. Tác giả cũng sử dụng
phần mềm xử lý thông tin định tính Nvivo nhằm rút ra những dữ liệu nghiên
cứu đa dạng.
+ Phương pháp trưng cầu trực tiếp(an-két): Được dùng để lấy ý kiến của 600
công chúng, 500 nhà báo. Mục đích sử dụng phương pháp này là để thu nhận các ý
kiến, nhận xét, đánh giá của công chúng và nhà báo về vấn đề đạo đức nghề nghiệp
của nhà báo. Trong phương pháp này, tác giả đã sử dụng phần mềm xử lý thông tin
định lượng SPSS nên kết quả thu được hết sức khách quan, phong phú và đa dạng.
+ Phương pháp thống kê: Dùng để thống kê tài liệu, con số, sự kiện, dữ
liệu... có được trong quá trình khảo sát.
+ Phương pháp phân tích, tổng hợp: Được dùng để phân tích, đánh giá và tổng hợp
những kết quả nghiên cứu nhằm đưa ra những luận cứ, luận điểm khái quát…
Nguyễn Trường Giang - Trình bày “Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam
hiện nay”
6. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Thứ nhất, hệ thống và phát triển tương đối cơ bản, toàn diện và sâu rộng lý luận
về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam: (1) Xây dựng khái niệm đạo đức
nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo và một số khái niệm khác có liên
quan; so sánh Quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam với các quy
ước về đạo đức nghề báo của các quốc gia và tổ chức báo chí quốc tế để thấy
những điểm tương đồng và một số nét đặc thù; khẳng định tầm quan trọng của đạo
đức nghề báo. (2) Khái quát các điểm chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan
điểm của Đảng, Nhà nước và của các nhà báo hiện nay về đạo đức nghề báo Việt
Nam. (3) Chỉ ra những mối quan hệ đạo đức nghề nghiệp của nhà báo và các
chuẩn mực đạo đức ứng xử trong từng mối quan hệ. Qua kết quả khảo sát, luận án
đánh giá thực trạng các mối quan hệ đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam
hiện nay.
Thứ hai, khẳng định tính tích cực là khuynh hướng chủ đạo trong đạo đức nghề
báo Việt Nam, đồng thời chỉ ra những biến đổi tiêu cực mang tính tha hoá của một
bộ phận nhà báo hiện nay. Luận án khái quát và phân tích toàn diện các biểu hiện
tích cực và tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay,
chú trọng vạch rõ những hạn chế, yếu kém, biểu hiện suy thoái đạo đức nghề
nghiệp và nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện đó, từ đó đưa ra một hệ thống
các giải pháp nhằm góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp nhà báo Việt Nam
trong bối cảnh hiện nay.
Thứ ba, trên cơ sở nghiên cứu, tác giả luận án đã xây dựng một Bộ quy ước đạo
đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam gồm 16 điều; đề xuất 7 bước để xây dựng bộ
quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong từng cơ quan báo chí.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
7.1. Ý nghĩa lý luận:
Luận án là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu có hệ thống, quy mô,
toàn diện về thực trạng đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện
nay.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn:
Những kết quả nghiên cứu của luận án có thể vừa là tài liệu tham khảo cho
những người đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực báo chí vừa là cơ sở
khoa học phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành
báo chí và những ai quan tâm đến đề tài.
8. Bố cục của luận án
Ngoài Mở đầu,Tổng quan nghiên cứu của đề tài, Kết luận, Danh mục
các công trình của tác giả, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục,
những nội dung chính của luận án được bố trí thành 3 chương, 7 tiết, 162
trang.
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
Trên thế giới, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo đã được nhiều tác giả đề
cập đến. Trong quá trình đi tìm tư liệu cho luận án, tác giả đã tìm được trên mạng
Internet hàng trăm mẩu tin giới thiệu về các cuốn sách, bài báo của các học giả, nhà
báo nước ngoài viết về vấn đề đạo đức nghề báo. Nhưng những mẩu tin đó chỉ ghi
tóm tắt sơ lược hoặc không ghi gì cả. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho tác
giả. Tuy nhiên, thông qua tên và phần giới thiệu tóm tắt có thể thấy các tác giả đã đề
cập đến những vấn đề lý luận cơ bản của đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.
Ở nước ta, những nghiên cứu hiện nay mới chỉ đề cập và tiếp cận vấn đề đạo đức
nghề nghiệp của nhà báo chủ yếu từ những góc độ riêng lẻ, cụ thể mà chưa có công
trình nào nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và sâu sắc vấn đề thực trạng đạo
đức nghề nghiệp của nhà báo ở Việt Nam hiện nay. Đến nay vẫn chưa có công trình
nào chỉ ra toàn cảnh thực trạng đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện
nay, trong đó chỉ ra những điểm tích cực và tiêu cực cũng như chỉ ra nguyên nhân
và giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp nhà báo Việt Nam. Đấy chính là
khoảng trống trong nghiên cứu về vấn đề này mà tác giả luận án hy vọng sẽ lấp đầy.

Chương 1:
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA
VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO

1.1. ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP NHƯ MỘT CƠ CHẾ TỰ ĐIỀU


TIẾT TRONG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ
1.1.1. Nhận thức chung về đạo đức nghề báo
1.1.1.1. Quan niệm chung về đạo đức
Cùng với nhiều phương thức điều chỉnh hành vi con người, đạo đức đánh giá
hành vi con người theo các chuẩn mực và các giá trị như thiện và ác, chính nghĩa và
phi nghĩa, đúng và sai, cái phải làm và cái không được làm, cái nên làm và cái
không nên làm… Về mặt xã hội, đạo đức được biểu hiện bằng thái độ cụ thể của dư
luận xã hội. Về mặt cá nhân, đạo đức được coi là “toà án lương tâm” có khả năng
tự phê phán, đánh giá và suy xét từng hành vi, thái độ và ý nghĩ trong bản thân mỗi
cá nhân. Xét về bản chất, sự điều chỉnh của đạo đức mang tính tự giác, là sự tự lựa
chọn của mỗi người. Vì vậy, ngoài biểu hiện trong các quan hệ xã hội, đạo đức còn
thể hiện trong thái độ, hành vi và sự tự ứng xử của bản thân mỗi con người.
1.1.1.2. Các khái niệm có liên quan
+ Đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận của đạo đức xã hội, là đạo đức trong
một lĩnh vực cụ thể trong đạo đức chung của xã hội. Đạo đức nghề nghiệp
bao gồm những yêu cầu đạo đức đặc biệt, các quy tắc và chuẩn mực trong
lĩnh vực nghề nghiệp nhất định, nhằm điều chỉnh hành vi của các thành viên
trong nghề nghiệp đó sao cho phù hợp với lợi ích và sự tiến bộ của xã hội.
+ Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo
Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ
và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Hiện nay, đạo
đức nghề nghiệp của nhà báo còn được gọi là đạo đức nghề báo, đạo đức báo chí, đạo
đức nghề nghiệp của người làm báo, đạo đức nhà báo. Trong luận án này, chúng tôi
sử dụng ba cách gọi: Đạo đức nghề báo, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo và đạo
đức nghề nghiệp của người làm báo.
Cũng giống như đạo đức, bên cạnh những chuẩn mực đạo đức nghề báo
chung cho tất cả nhà báo ở tất cả các quốc gia thì còn có những chuẩn mực
đạo đức nghề báo riêng của từng quốc gia, từng cơ quan báo chí phụ thuộc
vào từng thời kỳ phát triển lịch sử của từng quốc gia, cơ quan báo chí đó. So
với các quy ước về đạo đức nghề báo của các quốc gia và tổ chức báo chí
quốc tế, thì Quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam có những
điểm tương đồng và một số nét mang tính đặc thù.
+ Các khái niệm khác: Nhà báo, nhân dân, công chúng, nguồn tin, nhân vật
trong tác phẩm, ban biên tập, cộng tác viên, thông tin viên.
1.1.1.3. Tầm quan trọng của đạo đức nghề báo
Ngày nay, vị trí và vai trò của báo chí trong đời sống xã hội ngày càng được
nâng lên, nó trở thành một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong đời sống
tinh thần của con người, ở một khía cạnh nào đó nó còn tham gia vào tiến trình
lịch sử của thời đại, cùng lúc có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp,
nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Chính vì vậy, những người làm nghề này trong
mỗi tác phẩm và sản phẩm của mình phải nhận thức sâu sắc từng việc làm, cân
nhắc kỹ lưỡng và xem xét cẩn trọng những hậu quả có thể xảy ra đối với xã
hội. Chỉ cần một chút thiếu thận trọng của nhà báo, xã hội phải bỏ ra gấp trăm
ngàn lần công sức để khắc phục hậu quả.

1.1.2. NHỮNG YÊU CẦU VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO VIỆT NAM HIỆN
NAY
1.1.2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề báo
Những tư tưởng của Người về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo
được tập trung ở những điểm chính sau:
+ Trung thành với lý tưởng của đất nước, nhân dân và Đảng Cộng sản
+ Phản ánh chân thật, khách quan
+ Gần dân, yêu dân
+ Có tinh thần phê bình và tự phê bình
+ Rèn luyện, học tập suốt đời
1.1.2.2. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về đạo đức nghề báo
Trong các Văn kiện và nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng rất coi trọng
bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà báo như Văn
kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII, Nghị quyết số 197 của Bộ Chính trị (khoá
III) năm 1972, Chỉ thị 15, ngày 21-9-1987 của Ban Bí thư, Chỉ thị 22-
CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII)… Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà
nước trong các thời kỳ khác nhau cũng đều quan tâm nhắc nhở cán bộ báo
chí phải rèn luyện đạo đức nghề nghiệp.
1.1.2.3 Một số quan điểm của các nhà báo hiện nay về yêu cầu đạo
đức nghề báo Việt Nam trong tình hình mới
Từ những quan điểm trên của các nhà báo, các nhà quản lý, nghiên cứu
báo chí, chúng tôi nhận thấy rằng nhìn chung đều là những chuẩn mực, tiêu
chí có trong 9 điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt
Nam”. Tuy nhiên, đối với mỗi nhà báo, trật tự ưu tiên giữa các tiêu chí có sự
thay đổi và nhiều tiêu chí được đưa ra cụ thể hơn. Các nguyên tắc trên được
nhà báo thể hiện thông qua các tác phẩm báo chí và hành vi, ứng xử của họ
trong từng mối quan hệ cụ thể khi hoạt động nghề nghiệp.
1.2. ĐẠO ĐỨC NGHỀ NHIỆP TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ CỦA NHÀ BÁO
1.2.1. Các mối quan hệ nền tảng
1.2.1.1. Nhà báo với Tổ quốc, đất nước
Với tư cách là thành viên của một đất nước, được nuôi dưỡng bằng văn hoá vật
chất và tinh thần của đất nước, nhà báo phải có thái độ trân trọng, yêu quý quê
hương, đất nước, cội nguồn đã sinh ra mình. Đó còn là thái độ và trách nhiệm của
nhà báo trước đất nước và vì lợi ích của đất nước.
1.2.1.2. Nhà báo với nhân dân
Nhà báo phải phục vụ vô điều kiện quyền thông tin của nhân dân, là diễn
đàn tin cậy của nhân dân. Mỗi nhà báo đều phải tham gia vào quá trình thông
tin cho nhân dân về tất cả các vấn đề, sự kiện của đời sống xã hội trong và
ngoài nước, làm cho nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách và pháp luật của Nhà nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Qua đó, nhà báo tham gia vào việc hình thành dư luận xã hội đúng đắn, xây
dựng thế giới quan khoa học, thái độ sống tích cực và nâng cao ý thức trách
nhiệm của mỗi công dân, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội.
1.2.1.3. Nhà báo với Đảng
Từ khi ra đời đến nay, những người làm báo cách mạng luôn luôn gắn bó và
là người hướng dẫn tin cậy của đồng bào cả nước, cổ vũ nhân dân đi theo con
đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã chọn. Đa số nhà báo Việt Nam không
chỉ phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, tích cực trong việc truyền bá mà họ còn góp
phần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn giữ vị trí chủ
đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.
1.2.2. Các mối quan hệ trong môi trường xã hội
1.2.2.1. Nhà báo với công chúng
Mối quan hệ giữa nhà báo và công chúng là mối quan hệ mang tính liên kết
trong các hành vi đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Trong khi làm nhiệm vụ
cung cấp thông tin, nhằm thoả mãn đầy đủ các nguyện vọng, nhu cầu và lợi ích
của công chúng, nhà báo phải đối mặt với một loạt các câu hỏi mang tính đạo
đức. Không chỉ có thế, việc cân nhắc, tính đến mức độ hiệu quả thông tin cũng là
trách nhiệm đạo đức của nhà báo đối với công chúng. Khi viết bài, nhà báo còn
phải trả lời một loạt các câu hỏi nhằm xem xét, phân tích đầy đủ các khía cạnh,
suy xét nghiêm túc trọn vẹn mọi mặt để cung cấp thông tin tốt nhất cho công
chúng.
1.2.2.2. Nhà báo với nguồn tin
Có ba kiểu nguồn tin, thứ nhất là tài liệu, thứ hai là môi trường (hoặc hiện
trường) và thứ ba là con người. Khi nói đến mối quan hệ đạo đức nghề nghiệp
giữa nhà báo và nguồn tin là nói đến mối quan hệ đạo đức giữa nhà báo và
kiểu nguồn tin thứ ba – con người. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp quy định
những chuẩn mực khi nhà báo tiếp xúc, thu thập, sử dụng thông tin và tài liệu
do nguồn tin cung cấp.
1.2.2.3. Nhà báo với nhân vật trong tác phẩm của mình
Nhân vật trong tác phẩm báo chí là nhân vật có thật, vì vậy nhà báo cần
phải cân nhắc kỹ lưỡng xem nên đưa thông tin gì và không nên đưa thông tin
gì để không gây hại cho nhân vật. Nhà báo phải tự đặt ra các câu hỏi như:
Viết như thế này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống, lợi ích, nhân phẩm của
nhân vật không? Đưa bứa ảnh này, chi tiết này, tính cách này có gây hại gì
cho nhân vật không? Nếu công bố mối quan hệ này có làm phức tạp cuộc
sống hàng ngày của nhân vật không? Công chúng liệu có hiểu đúng về nhân
vật của mình không?...
1.2.3. Các mối quan hệ nghề nghiệp
1.2.3.1. Nhà báo với Ban biên tập
Mối quan hệ này đòi hỏi nhà báo phải tuân theo những quy định, chấp hành
những đường lối, chủ trương của Ban biên tập, đi đúng tôn chỉ, mục đích của tờ
báo. Đấy chính là quan hệ đạo đức giữa cá nhân nhà báo với Ban biên tập của mình.
Nền tảng của mối quan hệ này là sự thống nhất quan điểm tư tưởng. Nhà báo phải
trung thành với toà soạn của mình, phải có bổn phận giữ bí mật của toà soạn. Tuy
nhiên, sự chấp hành này không đồng nghĩa với sự mù quáng mà là sự nhất trí trên
nguyên tắc của sự sáng tạo.
1.2.3.2. Nhà báo với các đồng nghiệp trong và ngoài toà soạn
Trong mối quan hệ với các đồng nghiệp đòi hỏi nhà báo phải có nghĩa vụ thực
hiện tình đồng chí, đồng nghiệp, nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau, có ý thức dung nạp và
độ lượng với những chính kiến, bất đồng của đồng nghiệp. Mối quan hệ này
không chỉ bó hẹp trong từng cơ quan báo chí mà ý thức cố kết, tình đoàn kết, sự
tương trợ giúp đỡ lẫn nhau còn phải được thể hiện trong toàn thể cộng đồng nhà
báo.

Nguyễn Thị Trường Giang và các nhà khoa học đều đánh giá “Đạo đức nghề
nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay” là vấn đề có vai trò rất quan trọng góp
phần phát triển của xã hội nói chung và của ngành truyền thông đại chúng nói
riêng.
1.2.3.3. Nhà báo với cộng tác viên, thông tin viên
Trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là phải có thái độ trân trọng
và không được cố tình im lặng, tảng lờ trước những tư liệu, bài vở của các tác
giả gửi về toà soạn. Nhà báo phải có thái độ tôn trọng suy nghĩ, lập luận, bố
cục, văn phong của tác giả. Nhà báo phải có sự bàn bạc, trao đổi, thảo luận
với tác giả khi có sự thay đổi (dù là nhỏ) trong bài viết. Đương nhiên, nhà
báo cũng có chính kiến, không thể đồng ý với tất cả những gì mà tác giả đề
xuất.
Tiểu kết chương 1: Những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn của
luận án đã được giải quyết trong chương này. (1) Đạo đức là một hình thái ý
thức xã hội, nó giữ một vai trò quan trọng nhằm cân bằng trật tự xã hội, tạo
ra sức mạnh cộng đồng. (2) Người làm báo mà không có đạo đức sẽ làm hại
nhiều người (nguồn tin, tờ báo, lợi ích xã hội và chính mình). (3) Những nội
dung và yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam được
xác lập trên cơ sở thống nhất với báo chí thế giới và dựa trên cơ sở thực tiễn
hoạt động báo chí Việt Nam, vì vậy có những điểm tương đồng và một số nét
mang tính đặc thù. (4) Có thể khẳng định rằng trong các mối quan hệ đạo
đức nghề nghiệp đa số nhà báo Việt Nam luôn ứng xử đúng mực, luôn bám
sát các quy định đạo đức nghề nghiệp. Song kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra
một thực trạng đáng buồn. Có tới gần 1/4 số nhà báo được hỏi đã vi phạm
các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong các mối quan hệ đạo đức. Tuy
những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng
hậu quả của những hành vi đó lại có tác hại rất lớn đến đời sống của nhân
dân, sự bình yên của xã hội, đến uy tín, danh dự của người cầm bút.
Chương 2:
THỰC TRẠNG ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
CỦA NHÀ BÁO VIỆT NAM HIỆN NAY

2.1. NHÀ BÁO VIỆT NAM SAU 10 NĂM THỰC HIỆN QUY ƯỚC,
QUY ĐỊNH ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
2.1.1. Tính tích cực là khuynh hướng chủ đạo trong đạo đức nghề nghiệp của
nhà báo Việt Nam
Phải khẳng định một điều rằng đại bộ phận nhà báo Việt Nam đã thực hiện tốt
những nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất của các tiêu chuẩn về đạo đức nghề
nghiệp của báo chí Việt Nam. Trong những năm qua, những người làm báo việt
Nam đã thực sự trở thành những con chim báo bão, góp phần dự báo, đón đầu
các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét qua
chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ đăng tải trên các loại
hình báo chí; báo chí phản ánh, bám sát toàn diện mọi mặt của cuộc sống và đáp
ứng rất tốt, rất kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của xã hội.
2.1.2. Những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề báo Việt Nam
Có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề báo Việt Nam
đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha hoá, lưu
manh hoá trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Đó là: Hiện tượng nhà báo
thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách
quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật; hiện tượng thương mại hoá tờ báo
bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, kích dục, thiếu văn
hoá, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục; tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa
quyền ngày càng gia tăng; biểu hiện thiếu tính nhân văn trên báo chí; hiện tượng
nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí, lợi dụng vị trí
và công việc của mình để vụ lợi cá nhân, kiếm chác cho riêng mình và làm trái pháp
luật.
2.2. NHỮNG BIỂU HIỆN TÍCH CỰC TRONG ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO
2.2.1. Trung thành với các lợi ích của đất nước, nhân dân
Thể hiện trên tác phẩm báo chí, phần đông người làm báo dù trong hoàn
cảnh nào cũng đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, một lòng theo
Đảng, trung thành với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Họ tích cực tham gia
vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xuất phát từ lợi ích giai
cấp, dân tộc và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa để chọn lựa và đăng tải
thông tin đúng mức độ, khách quan, đúng bản chất sự thật.
2.2.2. Dũng cảm phát hiện, biểu dương cái tốt và đấu tranh chống lại cái xấu
Trong những năm qua, đội ngũ nhà báo đã đi đầu trong việc thông tin và ủng
hộ, tôn vinh các cá nhân, tập thể anh hùng, gương người tốt, việc tốt, gương điển
hình tiên tiến, những tấm lòng nhân ái, những sáng kiến hay, những kinh nghiệm
tốt, những phương pháp làm việc hiệu quả… góp phần nhân lên trong xã hội ngày
càng nhiều điều tốt. Bên cạnh đó, họ còn dũng cảm, tích cực đi đầu trong cuộc đấu
tranh, phê phán, có hiệu quả, đúng pháp luật chống lại những tiêu cực và các tệ
nạn xã hội, góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá đời sống xã hội.
2.2.3. Luôn có ý thức giữ gìn bản sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Hàng nghìn bài viết của các nhà báo đã giúp cho việc mở mang dân trí, nâng
cao trình độ văn hóa, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của người
dân, bảo vệ, phục hồi và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc nước nhà. Với ý thức
giữ gìn bản sắc văn hoá và lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các
nhà báo Việt Nam tuyên truyền giáo dục, cung cấp cho nhân dân năng lực thẩm
mỹ đủ trình độ đấu tranh loại trừ và miễn dịch với những xâm lăng văn hóa độc
hại từ bên ngoài, trái với bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc, bồi đắp tinh thần
yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu quý những giá trị văn hóa truyền thống tốt
đẹp của dân tộc.
2.2.4. Yêu nghề, lăn lộn trong thực tiễn
Đa số nhà báo luôn tự rèn luyện mình, hướng ngòi bút vào trách nhiệm xã
hội lớn lao, luôn đẫm mình trong cuộc sống và trưởng thành từ môi trường của
nhân dân. Nhiều nhà báo đến tận những nơi khó khăn, gian khổ như: biên giới,
hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công trình trọng điểm, vùng thiên tai,
lũ lụt, tai nạn nặng nề… lựa chọn được các chủ đề, đề tài trúng với đòi hỏi của
tình hình chính trị từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và chủ trương của
Đảng và Nhà nước, trình bày đầy đủ và rõ nguyện vọng chính đáng của quần
chúng nhân dân.
2.2.5. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện
Trong những năm qua báo chí rất tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động
xã hội, từ thiện góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng khó khăn của đất nước. Nhiều cơ
quan báo chí, nhà báo đã tổ chức, duy trì các hoạt động từ thiện có hiệu quả,
động viên được nhiều nhà hảo tâm đóng góp với số tiền lên đến hàng trăm tỷ
đồng. Các hoạt động từ thiện của báo chí đạt hiệu quả cao, có tác dụng và ý
nghĩa thiết thực nhằm tiếp thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống. Đây là
biểu hiện nổi bật, có ý nghĩa về đạo đức sâu sắc giúp nâng cao uy tín của báo
chí.
2.3. NHỮNG BIỂU HIỆN VI PHẠM ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO
2.3.1. Chạy theo những thông tin tiêu cực
2.3.1.1 Đăng tải quá nhiều về các vụ án mạng và mặt trái của xã hội
Có thể nói, trên mặt báo hiện nay la liệt các vụ án khiến cho người đọc xem
đâu cũng thấy bi kịch, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực làm họ có ấn tượng nặng nề,
bi quan về xã hội. Thậm chí, họ còn rút tít, miêu tả một cách chi tiết, rõ ràng
khiến người đọc ớn lạnh, sởn gai gà và tạo cho dư luận một thái độ không đúng
về tình hình an ninh trật tự của đất nước.
2.3.1.2 Lợi dụng đưa tin, bài về đề tài giới tính, tình yêu, hôn nhân, tình
dục nhằm câu khách, khêu gợi trí tò mò, kích dục
Một số tờ báo, tạp chí lạm dụng chủ đề này, thông tin dung tục, không phù hợp
với thuần phong mỹ tục Việt Nam, phần nào làm ảnh hưởng tới lối sống của xã hội,
đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong biểu hiện này nổi lên là việc đi sâu khai thác vào đời tư,
tình cảm của những người nổi tiếng, của giới nghệ sỹ, những chuyện hậu trường,
đời tư của các chính khách nước ngoài.
2.3.1.3 Khai thác các thông tin, đề tài mê tín dị đoan, trong đó “đời sống
tâm linh” của con người được bàn luận, đề cập nhiều nhất
Thời gian qua nhiều tờ báo, nhà báo cố tình đi sâu vào vấn đề này, khai thác
với dung lượng quá nhiều làm cho người đọc hư hư thực thực, mô hồ trong nhận
thức nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến lòng tin và tinh thần lạc quan của xã hội.
Không những thế, những thông tin đó còn góp phần, tiếp tay cho các thế lực
phản động tuyên truyền mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu.
2.3.1.4 “Chạy” quảng cáo, quảng cáo thiếu trung thực
Có một thực trạng đang diễn ra trên nhiều báo đó là tình trạng quảng cáo
vượt số trang cho phép, quảng cáo trên trang nhất, quảng cáo trái với truyền
thống, lịch sử văn hoá, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, quảng cáo mặt hàng
không được phép quảng cáo, quảng cáo không cần quan tâm đến độ xác thực,
chính xác của thông tin trong nội dung quảng cáo...
2.3.2. Xa rời nguyên tắc khách quan, chân thật của báo chí
2.3.2.1. Viết sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng
+ Thông tin sai gây tổn hại đến đời sống, sản xuất của nhân dân
Nhiều thông tin sai của báo chí đã ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến
đời sống, lợi ích của nhân dân, gây tâm lý hoang mang trong dư luận như
những thông tin liên quan đến giá lúa, đến kháng sinh, hoá chất trong thuỷ
sản, thực phẩm, lương thực; thông tin về rau nhiễm độc, về bưởi, sầu riêng
gây ung thư; về tăng giá xăng dầu...
+ Làm tổn hại đến uy tín, lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp
Nhiều thời điểm, tình trạng thông tin ở một số báo thiếu căn cứ, suy diễn,
thổi phồng, khoét sâu vào những thiếu sót, khuyết điểm của một số tổ chức,
doanh nghiệp; đặt tiêu đề không đúng với nội dung tin, bài hoặc tô đậm mặt
trái, những hiện tượng tiêu cực...
+ Gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân
Trong những thông tin sai sự thật bị cơ quan quản lý báo chí xử lý, nổi lên
là những thông tin xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm
của công dân. Thậm chí, một số tờ báo, nhà báo bới móc đời tư của người
khác theo kiểu “đánh tiêu diệt” mà thái độ vẫn bình thản, dửng dưng.
2.3.2.2. Viết sai không cải chính
Có một thực tế là hiện nay nhiều tờ báo, khi biết mình làm sai, gây tổn hại
đến uy tín, danh dự, lợi ích, sinh mạng của người khác nhưng lại cố tình lờ
đi, cửa quyền, không chịu thừa nhận còn tìm cách cãi “cùn”; hoặc viện lý do
để trì hoàn việc cải chính, xin lỗi. Cũng có báo cải chính, xin lỗi nhưng
không đúng quy định, tìm chỗ khuất nhất, nhỏ nhất trong tờ báo để đăng cải
chính vào. Đáng lưu ý, có nhiều trường hợp những thông tin sai do báo in
đăng rồi các báo mạng điện tử và trang tin điện tử đăng lại, nhưng khi báo in
đăng cải chính thì hầu như các báo mạng điện tử và trang tin điện tử lại
không hề cải chính, thậm chí có những bài vẫn lưu trên mạng Internet.
2.3.2.3. Quay lưng với sự thật
Đây là hiện tượng nhà báo đóng bút trước những bức xúc của cuộc sống, bất
chấp lợi ích chung của cộng đồng nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân. Họ thờ ơ,
lãnh đạm trước các vấn đề nóng hổi của cuộc sống, quay lưng không dám viết,
không dám trung thực, dũng cảm đấu tranh, đưa thông tin đó ra công luận. Trong
khi xã hội đang rất cần báo chí phải xung kích, phải tiên phong thì những nhà
báo này lại không dám nói những điều cần nói, không dám bảo vệ những điều
cần bảo vệ.
2.3.2.4. Sử dụng tin, bài, ảnh của người khác mà không xin phép
Trước hết là tình trạng dịch tin, bài tràn lan từ các báo nước ngoài mà
không ghi rõ tên tác giả và nguồn gốc của tác phẩm. Tiếp đến là tình trạng
sử dụng lại tin, bài, ảnh của các báo trong nước mà không xin phép, không
ghi rõ nguồn gốc, không trả nhuận bút. Tệ hơn là có những nhà báo ngang
nhiên sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác rồi biến
thành bài của mình và lĩnh nhuận bút.
2.3.3. Thiếu tính nhân văn, vô cảm
Có không ít những bài báo phản ánh thiên lệch xã hội, nhìn xã hội toàn một
màu đen gây ra tâm lý bi quan, hoài nghi; mô tả chi tiết, tỉ mỉ những hành vi tội
ác, dâm ô, “bạo lực”, làm ô nhiễm tâm hồn lớp trẻ, làm tội phạm có thể bắt
chuớc; nhìn xã hội một cách hằn học, thiếu tính xây dựng; cổ vũ cho thị hiếu
không lành mạnh, khuyến khích bệnh “sùng ngoại”, nô lệ “mốt”, khuyến khích
tiêu dùng quá mức, xa xỉ khi đất nước còn nghèo nàn, nhân dân còn khổ… Một
số nhà báo có tư tưởng “phang cho một đòn chết tươi” khi viết về các cá nhân
trong các vụ việc tiêu cực. Các bệnh như: “ăn theo nói leo”, “đục nước béo cò”,
“dậu đổ bìm leo”, “té nước theo mưa”... xuất hiện ngày một nhiều trong làng
báo.
2.3.4. Thiếu trách nhiệm xã hội
2.3.4.1. Khi thông tin về những vấn đề hệ trọng của đất nước và về
tham nhũng, tiêu cực
Thời gian qua, khi đưa tin về một số vấn đề hệ trọng, liên quan đến chính trị của
đất nước, về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều báo phản ánh
không trung thực nội dung thông tin, thiếu thái độ xây dựng, thậm chí mang nặng
tính định kiến, rút tít theo kiểu giật gân, câu khách, đôi khi có thái độ quá khích,
“tát nước theo mưa”, lời lẽ cay nghiệt, chì chiết, mang tính suy diễn chủ quan,
xâm hại đến danh dự của cá nhân, tổ chức, thậm chí làm lộ bí mật của Nhà nước.
2.3.4.2. Khi thông tin về các vụ tranh chấp, khiếu kiện
Thời gian qua, có không ít bài báo đã góp phần làm tăng thêm sự phức tạp của
các vấn đề vốn đã nhiều phức tạp. Khi đưa tin, nhà báo đã thiếu cân nhắc đến sự
đồng thuận, ổn định trong xã hội, thiếu cân nhắc thiệt hơn, lợi hại vì lợi ích
chung của cả cộng đồng nên đã phản tác dụng.
2.3.4.3. Khi thông tin về kinh tế
Trong việc thông tin về giá cả, lưu thông hàng hoá, dự trữ quốc gia, bê bối,
tham nhũng doanh nghiệp, tranh chấp kinh tế... thời gian qua có nhiều lúc báo
chí đưa tin thiếu chính xác, hoặc thiếu trách nhiệm xã hội khi chưa cân nhắc
đến thời điểm đưa tin.
2.3.4.4. Khi thông tin về các vấn đề quốc tế
Thời gian qua, không ít nhà báo đã thiếu trách nhiệm xã hội khi sử dụng, khai
thác lại nhiều thông tin từ nguồn của nước ngoài dẫn đến thông tin một chiều,
thông tin bị áp đặt theo tư tưởng, quan điểm chính trị của nước ngoài trái với quan
điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ
ngoại giao của đất nước. Một số nhà báo còn tỏ ra thiếu thận trọng khi đề cập,
bình luận những vấn đề liên quan đến nội bộ của nước khác, đến các điểm nóng,
các điểm xung đột… gây nên những hiểu nhầm, thù hằn, kích động, bất lợi cho
quan hệ giữa hai nước.
2.3.5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của nhà báo, cơ quan báo chí để trục lợi
2.3.5.1. Tống tiền
Sau khi thực hiện các bài điều tra chống tiêu cực, tham nhũng một số nhà
báo đã thu thập được những chứng cứ, tài liệu quan trọng. Đáng ra họ phải
công bố các thông tin này song vì “nhiều lý do”, trong đó có trường hợp nhà
báo đến “thăm”, đến gợi ý các cơ sở, doanh nghiệp sai phạm, tống tiền và
nhận hối lộ để không đăng những thông tin trên. Họ tự mình ra giá, đòi
tiền… bằng việc liên kết lại để gây áp lực đe doạ hoặc “đánh hội đồng” cơ
sở.
2.3.5.2. Nhận hối lộ, bảo kê cho thế lực xấu
Tiếp theo hành vi tống tiền các doanh nghiệp là hoạt động “cao tay hơn”, đó
là bảo kê, uốn bút trở thành “đệ tử” cho những đại gia, thế lực đen, viết bài
bênh vực, bao che tội ác, tung hoả mù vào dư luận làm công chúng không biết
đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai. Những bài viết không trung thực
của họ đã làm tấm bình phong che chắn bằng công luận hết sức hữu hiệu cho
hàng loạt những hành vi sai trái, tội lỗi, làm cho người đọc nhầm lẫn.
2.3.5.3. Lợi dụng danh nghĩa nhà báo phục vụ các mục đích cá nhân
Vì đồng tiền, lợi ích cá nhân mà một số nhà báo đã lợi dụng danh nghĩa nhà
báo, cơ quan báo chí để để chạy quảng cáo, ép doanh nghiệp phải quảng cáo,
chi tiền cho quảng cáo, buôn lậu, tham nhũng, mang thư bạn đọc đi đe doạ
người bị tố cáo... Thậm chí, họ còn biến ngòi bút của mình trở thành công cụ
cho phe, nhóm trong những cuộc tranh giành, đấu đá với mục đích trục lợi.
Tiểu kết chương 2: Trên cơ sở đánh giá khái quát 10 năm thực hiện Quy
ước, Quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam, có thể khẳng
định rằng tuy tính tích cực là khuynh hướng chủ đạo trong đạo đức nghề báo
Việt Nam hiện nay nhưng mặt tiêu cực cũng không kém phần trầm trọng.
Với một khối lượng rất lớn các thông tin, tư liệu thu được qua khảo sát các
tác phẩm báo chí từ 1998 đến 2008, tác giả đã khái quát thành năm biểu hiện
tích cực và năm biểu hiện tiêu cực trong đạo đức nghề báo Việt Nam hiện
nay.
Chương 3:
NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO
ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA NHÀ BÁO VIỆT NAM

3.1. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG BIỂU HIỆN TÍCH CỰC VÀ


TIÊU CỰC TRONG ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO VIỆT NAM
3.1.1. Nguyên nhân của những biểu hiện tích cực
3.1.1.1. Xã hội Việt Nam luôn tôn vinh báo chí và người làm báo: Điều
này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo hiểu và ý thức được sứ mệnh, trách
nhiệm xã hội, trách nhiệm đạo đức của mình để ngày càng tích cực đóng góp
vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

3.1.1.2. Đảng và Nhà nước luôn có đường lối lãnh đạo, quản lý nhất quán
về báo chí: Đó là điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà báo trau dồi kỹ năng nghề
nghiệp và phẩm chất đạo đức, hoạt động đúng hướng, có hiệu quả và không
ngừng phát triển.
3.1.1.3. Dân tộc Việt Nam có một truyền thống đạo đức lâu đời: Có
thể nói rằng truyền thống đạo đức lâu đời của dân tộc Việt Nam đã hun
đúc lên những con người - nhà báo Việt Nam có đạo đức. Trong quá
trình hoạt động nghề nghiệp, với những phẩm chất mà dân tộc đã nuôi
dưỡng và hun đúc, nhà báo Việt Nam đã phát huy được nó một cách triệt
để nhất.
3.1.1.4. Nền báo chí cách mạng Việt Nam có truyền thống tốt đẹp, nhân
văn: Truyền thống đó là niềm tự hào lớn lao, là tài sản vô giá để lớp lớp thế hệ
nhà báo tâm niệm noi theo học tập và phát huy không ngừng làm cho truyền
thống đó ngày càng thêm tốt đẹp.
3.1.1.5. Những tác động tích cực của nền kinh tế thị trường: Những tác
động tích cực của nền kinh tế thị trường đòi hỏi báo chí và nhà báo ngày càng
phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng của thông tin và các sản phẩm báo chí.
Nhà báo thực sự phải thay đổi về phương pháp tư duy, phương pháp làm việc
để có nhiều hơn những thông tin sinh động, nhiều chiều, mang tính định hướng
cao.
3.1.1.6. Ý thức tu dưỡng, rèn luyện của nhà báo Việt Nam: Bản thân mỗi
nhà báo Việt Nam đều ý thức được trách nhiệm xã hội, sứ mệnh cao cả của
mình nên luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp,
luôn có ý thức vươn lên trong đấu tranh chống tiêu cực, phản ánh trung thực và
tạo dựng dư luận xã hội lành mạnh, đáp ứng được yêu cầu của và trọng trách
mà Đảng, nhân dân giao phó.
3.1.2. Nguyên nhân của tình trạng vi phạm đạo đức nghề báo
Trong luận án này, chúng tôi quan tâm đến những nguyên nhân trực tiếp
ảnh hưởng đến vi phạm đạo đức nghề báo.
3.1.2.1. Nguyên nhân chủ quan
Nguyên nhân thứ nhất: Thiếu bản lĩnh chính trị là nguyên nhân chính dẫn
đến số lượng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp tăng lên trong thời gian
qua.
Nguyên nhân thứ hai: Nếu thiếu bản lĩnh chính trị được coi là nguyên nhân
chủ quan quan trọng nhất dẫn đến nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì
thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thường xuyên sẽ là nguyên nhân chủ quan
thúc đẩy nhà báo lún sâu hơn vào còn đường sai lầm.
Nguyên nhân thứ ba: Thiếu kiến thức cơ bản về báo chí là nguyên nhân chủ
quan nhưng không xuất phát từ động cơ, mục đích của nhà báo.
3.1.2.2. Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân thứ nhất: 84.6% số nhà báo được hỏi đã đồng ý rằng sự tác
động tiêu cực của cơ chế thị trường là một nguyên nhân chính dẫn đến sự
suy giảm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo. Đồng tình với quan
điểm trên nhưng mạnh mẽ hơn khi nhóm đối tượng là công chúng xếp đây là
nguyên nhân quan trọng số một (chiếm tới 86.7% số người được hỏi).
Nguyên nhân thứ hai: Có tới 83.1% số nhà báo được hỏi cho rằng thu
nhập thấp cũng là một nguyên nhân khiến nhà báo vi phạm đạo đức nghề
nghiệp. Thấp hơn nhưng vẫn chiếm hơn 2/3 số công chúng được hỏi (70.9%)
đồng tình với quan điểm trên.
Nguyên nhân thứ ba: Sự quản lý, giám sát chưa chặt của cơ quan báo chí cũng
là nguyên nhân được nhiều người đề cập (chiếm 80.9% nhà báo và 81.3% số công
chúng được hỏi). Đối với mỗi nhà báo, cơ quan báo chí như là ngôi nhà thứ hai
của họ. Vì vậy, nó có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nguyên nhân thứ tư: Nhiều ý kiến (77.8% số công chúng và 77% số nhà
báo được hỏi) cho rằng hành lang pháp lý còn nhiều kẽ hở là một trong
những nguyên nhân quan trọng nhất tạo điều kiện cho sự gia tăng của các vi
phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.
Nguyên nhân thứ năm: Sức ép về sự nhanh nhạy của thông tin cũng là
một nguyên nhân khiến nhiều nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp (chiếm
76.1% số nhà báo và 69.6% số công chúng được hỏi). Hậu quả phổ biến nhất
của của loại nguyên nhân này là nhà báo vi phạm tính khách quan, trung
thực trong báo chí.

3.2. NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ
NGHIỆP CỦA NHÀ BÁO VIỆT NAM
3.2.1. Phát huy tính tự giác, tự rèn luyện đạo đức của mỗi nhà báo và
nâng cao hiệu qủa công tác giáo dục đạo đức
3.2.1.1. Phát huy tính tự giác, tự rèn luyện đạo đức là phát huy tinh thần nội
lực của mỗi nhà báo
Sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong
mỗi nhà báo không diễn ra một cách tự phát. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất
giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là sự tự rèn luyện, tu dưỡng
của mỗi nhà báo.
3.2.1.2. Nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức là tăng cường hệ
miễn dịch cho nhà báo
Thứ nhất, đẩy mạnh việc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nói
chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề báo nói riêng. Thứ hai, tăng
cường giáo dục các giá trị truyền thống đạo đức của dân tộc, quy ước đạo
đức nghề nghiệp của nhà báo. Thứ ba, gắn giáo dục đạo đức nghề nghiệp với
nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ. Thứ tư, tăng cường giáo dục lý
luận chính trị, giáo dục pháp luật cho đội ngũ nhà báo nói chung, sinh viên
báo chí nói riêng.
3.2.2. Tạo môi trường thuận lợi cho đạo đức nghề nghiệp của nhà
báo phát triển
3.2.2.1. Nâng cao đời sống vật chất cho đội ngũ những người làm báo
Không thể phủ nhận được một thực tế là nếu đội ngũ nhà báo có được một
mức sống ổn định, phải chăng, có thể sống bằng lao động nghề nghiệp chân
chính của mình thì đó sẽ là điều kiện tốt để họ phát triển tài năng, đồng thời
cũng là một điều cần thiết để ngăn ngừa sự vi phạm đạo đức, hạn chế những
tiêu cực ngoài ý muốn.
3.2.2.2. Nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí
Một nền báo chí càng chuyên nghiệp thì những sai sót, vi phạm pháp luật, vi
phạm đạo đức càng được hạn chế. Nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí
trước hết là nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà báo. Tiếp đến là nâng cao tính
chuyên nghiệp trong giảng dạy, đào tạo báo chí, nâng cao tính chuyên nghiệp
trong khâu chỉ đạo và điều hành bộ máy ở các cơ quan báo chí, nâng cao công tác
quản lý và chỉ đạo báo chí.
3.2.3. Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí và tăng tính hiệu lực của Quy định
đạo đức
3.2.3.1. Tăng cường sức mạnh của luật và các văn bản pháp luật
Trên thực tế, do luật thiếu hoặc không rõ ràng nên trong nhiều trường hợp
khó xác định được ranh giới giữa đạo đức và luật pháp. Đã có trường hợp vi
phạm không có sự nhất trí trong cách xử lý vi phạm giữa các cơ quan chức
năng với nhau. Vì vậy, hệ thống văn bản luật cần rà soát, điều chỉnh cho phù
hợp, đồng bộ và nghiêm minh hơn.
3.2.3.2. Tăng tính hiệu lực của Quy định đạo đức nghề nghiệp của người
làm báo Việt Nam
Một là, tăng sự ràng buộc và cơ chế giám sát của Quy định đạo đức. Hai
là, công tác phổ biến, giáo dục các Quy định đạo đức cần được quan tâm chú ý
hơn nữa. Luận án đề xuất 7 bước để xây dựng một bộ quy tắc đạo đức nghề
nghiệp trong một cơ quan báo chí.
3.2.3.3. Bộ quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam
Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả luận án đề xuất một Bộ quy ước đạo đức
nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam trong tình hình mới gồm 16 điều.
3.2.4. Tăng cường sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp, các
ngành, các đoàn thể và toàn xã hội đối với đội ngũ nhà báo
3.2.4.1. Tăng cường vai trò quản lý của cơ quan chủ quản
Thực tế cho thấy có nhiều vi phạm đạo đức trong thời gian qua của một số
nhà báo là do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản. Vì vậy, rất cần sự
theo dõi thường xuyên, chỉ đạo kịp thời của cơ quan chủ quản đối với đội ngũ
lãnh đạo cơ quan báo chí.
3.2.4.2. Cơ quan báo chí phải là ngôi nhà chung tạo điều kiện cho nhà báo
phát triển toàn diện
Không có nơi nào giáo dục, động viên, nhắc nhở, răn đe, xử lý kịp thời và
hiệu quả những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo bằng cơ quan
báo chí. Vì vậy, cơ quan báo chí phải là cái nôi dinh dưỡng có trách nhiệm theo
dõi, giúp đỡ, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, là môi trường rèn luyện tốt nhất cho
đội ngũ nhà báo. Sự phối hợp hoạt động giữa chi bộ Đảng, chi hội nhà báo, tổ
chức công đoàn... là rất cần thiết để kịp thời giáo dục, phát hiện, xử lý những
biểu hiện bất thường của đội ngũ phóng viên trong toà soạn. Trong đó đặc biệt là
vai trò của Tổng biên tập.
3.2.4.3. Tăng cường vai trò của Hội nhà báo
Nếu Hội nhà báo thực sự hoạt động tốt, trở thành mái nhà chung không
thể thiếu của hội viên, bảo vệ, giúp đỡ hội viên về mọi mặt thì việc giữ gìn
và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là điều hoàn toàn có thể làm
được.
3.2.4.4. Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, công chúng đối với
đội ngũ nhà báo
Sự giám sát của nhân dân đối với đội ngũ nhà báo được ví như vị thần có
nghìn tai, nghìn mắt. Đó cũng là sự đảm bảo cho một nền báo chí của dân và
vì dân.
Tiểu kết chương 3: Thông qua kết quả khảo sát, phân tích của chương 2,
trong chương 3, tác giả luận án đã rút ra những nguyên nhân của những biểu
hiện tích cực và tiêu cực trong đạo đức nghề báo và những nhóm giải pháp nhằm
nâng cao đạo đức nghề báo Việt Nam hiện nay.

KẾT LUẬN
1. Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu đề tài: “Đạo đức nghề nghiệp của nhà
báo Việt Nam hiện nay”, tác giả khẳng định, về cơ bản đa phần đội ngũ nhà
báo Việt Nam có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp trong sáng, hành nghề luôn
tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng
chỉ ra rằng bên cạnh những biểu hiện tích cực trong đạo đức nghề báo thì còn
nhiều biểu hiện tiêu cực từ nhiều năm nay vẫn chậm khắc phục. Đạo đức nghề
nghiệp của nhà báo là một vấn đề quan trọng, có vai trò tác động trực tiếp, sâu
sắc và quyết định tới chất lượng của tác phẩm báo chí. Vì vậy, mặc dù những
tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của nhà báo chỉ là thiểu số, song sự xuống
cấp về mặt đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo Việt Nam hiện nay lại
đang ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và để lại
những hậu quả khôn lường cho sự phát triển lâu dài của xã hội, gây ra những
ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của đội ngũ nhà báo và nghề báo.
2. Trong luận án, tác giả đã giải quyết những vấn đề cơ bản đặt ra của đề
tài “Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam hiện nay”.
Chương 1, tác giả đã xây dựng được khung lý thuyết và làm rõ những vấn đề
liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài; đi sâu phân tích từng mối
quan hệ đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Chương 2, tác giả khái quát kết quả
sau 10 năm nhà báo Việt Nam thực hiện Quy ước, Quy định đạo đức nghề
nghiệp; thông qua kết quả khảo sát tác phẩm báo chí từ năm 1998 đến 2008, tác
giả đã đưa ra 5 nhóm biểu hiện tích cực và 5 nhóm biểu hiện tiêu cực trong đạo
đức nghề báo của Việt Nam hiện nay. Chương 3, tác giả chỉ ra nguyên nhân của
những tích cực, tiêu cực trong đạo đức nghề báo Việt Nam hiện nay và đưa ra
các nhóm giải pháp nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp nhà báo Việt Nam hiện
nay.
3. Theo nhận định của tác giả thì sự biến đổi đạo đức nghề nghiệp của nhà báo
trong tương lai là khá phức tạp, xen lẫn cả biến đổi tích cực và biến đổi tiêu cực. Dù
xu hướng tích cực vẫn là chủ đạo, nền tảng nhưng cũng có nhiều vấn đề cấp bách đặt
ra đối với đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong thời gian tới.
4. Trên cơ sở nghiên cứu đề tài “Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt
Nam hiện nay”, tác giả luận án nhận thấy trong tương lai đề tài này còn có
thể phát triển theo các hướng sau đây: (1). Nghiên cứu đạo đức nghề nghiệp
của nhà báo chuyên sâu theo từng loại hình báo chí. (2). Nghiên cứu những
biểu hiện tích cực và tiêu cực trong đạo đức nghề báo trong từng loại hình
báo chí. (3). Nghiên cứu đạo đức nghề nghiệp của nhà báo gắn với bản sắc,
truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
sâu, rộng để tìm ra những nét đặc trưng, đặc thù của đạo đức nghề báo Việt
Nam. (4). Nghiên cứu đạo đức nghề báo trong mối quan hệ với các hình thái
ý thức xã hội khác như luật pháp, kinh tế, chính trị...
5. Với khả năng có hạn, vấn đề nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu lại rộng, tác
giả đã cố gắng đề cập một cách tương đối đầy đủ những vấn đề mà đề tài đặt ra.
Tuy nhiên, chắc chắn luận án không tránh khỏi những khiếm khuyết, những nhận
định mang tính chủ quan, cảm tính. Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp của
các nhà khoa học, thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè và những ai quan tâm đến đề tài.
Tác giả xin chân thành cảm ơn!

PV M.N

You might also like