You are on page 1of 41

Nghị định 117/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày ngày 24

tháng 12 năm 2010


Chính phủ

Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng thuộc lãnh thổ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG RỪNG ĐẶC DỤNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;


Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng thuộc lãnh thổ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình,
cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài
có hoạt động liên quan đến việc tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Rừng đặc dụng là loại rừng được xác lập theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển
rừng, có giá trị đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia,
nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam
thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.
2. Ban quản lý khu rừng đặc dụng là tổ chức của Nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ của
chủ rừng và được Nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện trách nhiệm quản lý bảo
vệ, phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu
chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh
quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

3. Khu dự trữ thiên nhiên là khu vực có hệ sinh thái rừng hoặc có cả hệ sinh thái đất ngập
nước, hệ sinh thái biển, ngoài các chức năng chung của rừng đặc dụng, được xác lập chủ
yếu để bảo tồn bền vững các hệ sinh thái tự nhiên.

4. Khu bảo tồn loài, sinh cảnh là khu vực có hệ sinh thái rừng hoặc có cả hệ sinh thái đất
ngập nước, hệ sinh thái biển, ngoài các chức năng chung của rừng đặc dụng, được xác lập
chủ yếu để bảo tồn bền vững các loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của
pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

5. Khu bảo vệ cảnh quan là khu rừng hoặc có một phần diện tích đất ngập nước, biển,
ngoài các chức năng chung của rừng đặc dụng, được xác lập để bảo tồn các giá trị cao về
lịch sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên.

6. Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học là khu rừng hoặc có một phần diện tích
đất ngập nước, biển được xác lập để nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, phát triển công
nghệ và đào tạo.

7. Vườn quốc gia là loại rừng đặc dụng có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc
gia. Vườn quốc gia có chức năng chung của rừng đặc dụng đồng thời có thể có một trong
các chức năng chủ yếu là: bảo tồn và dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài - sinh cảnh; bảo
vệ cảnh quan.

Điều 4. Phân loại rừng đặc dụng

Hệ thống rừng đặc dụng bao gồm các loại sau:

1. Vườn quốc gia;

2. Khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh;

3. Khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh;

4. Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

Điều 5. Tiêu chí xác lập các loại rừng đặc dụng

Việc xác lập các khu rừng đặc dụng phải đảm bảo các tiêu chí đối với từng loại rừng đặc
dụng dưới đây.

1. Khu dự trữ thiên nhiên


a) Có ít nhất 01 hệ sinh thái rừng tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế chưa hoặc
ít bị biến đổi có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục hoặc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Trong trường hợp đặc biệt nếu là rừng trồng thì khu rừng đó phải đảm bảo diễn thế phát
triển ổn định tiếp cận và từng bước tái tạo hệ sinh thái tự nhiên;

b) Là sinh cảnh tự nhiên của ít nhất 05 loài sinh vật là các loài động, thực vật nguy cấp,
quý, hiếm ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Diện tích liền vùng tối thiểu trên 5.000 ha, trong đó ít nhất 90% diện tích là các hệ sinh
thái tự nhiên (hoặc nếu là rừng trồng thì khu rừng đó phải đảm bảo diễn thế phát triển ổn
định tiếp cận và từng bước tái tạo hệ sinh thái tự nhiên).

2. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh

a) Có ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu hoặc loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của
pháp luật;

b) Phải đảm bảo các điều kiện sinh sống, thức ăn, sinh sản … để bảo tồn bền vững các
loài sinh vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm;

c) Có diện tích liền vùng đáp ứng yêu cầu bảo tồn bền vững của các loài sinh vật đặc hữu,
nguy cấp, quý, hiếm.

3. Khu rừng bảo vệ cảnh quan.

a) Khu rừng có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, trong đó có di tích lịch sử, văn hóa được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

b) Khu rừng có giá trị cao về cảnh quan môi trường, trong đó có danh lam thắng cảnh cần
được bảo vệ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

c) Khu rừng do cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ theo phong tục tập quán, hoặc theo
truyền thống và tín ngưỡng có giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục, du lịch sinh thái
đặc sắc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

4. Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học

a) Có các hệ sinh thái đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thực nghiệm khoa học của các tổ chức
khoa học, đào tạo có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, thực nghiệm khoa học lâm nghiệm
theo quy định của pháp luật;

b) Có quy mô diện tích phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu, thực nghiệm khoa học,
phát triển công nghệ, đào tạo lâm nghiệp lâu dài.

5. Vườn quốc gia đáp ứng ít nhất một trong ba tiêu chí sau đây:
a) Có ít nhất 01 mẫu chuẩn hệ sinh thái đặc trưng của một vùng sinh thái hoặc của quốc
gia, quốc tế; có diện tích liền vùng tối thiểu trên 10.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích
là các hệ sinh thái tự nhiên; diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư phải nhỏ hơn 5%.

b) Có ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu của Việt Nam hoặc có thể bảo tồn sinh cảnh trên 05
loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật; có diện tích liền vùng tối
thiểu trên 7.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên; diện tích
đất nông nghiệp và đất thổ cư phải nhỏ hơn 5%.

c) Có giá trị đặc biệt quan trọng về bảo vệ cảnh quan, nghiên cứu thực nghiệm khoa học
của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương 2.

QUẢN LÝ HỆ THỐNG RỪNG ĐẶC DỤNG

MỤC 1. QUY HOẠCH RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 6. Phạm vi quy hoạch

Quy hoạch rừng đặc dụng bao gồm: quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước; quy
hoạch rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết
chung là cấp tỉnh); quy hoạch khu rừng đặc dụng.

Điều 7. Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước

1. Căn cứ quy hoạch

a) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

b) Quy hoạch sử dụng đất cả nước được Quốc hội thông qua;

c) Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

2. Nội dung quy hoạch

a) Đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ sinh
thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan …;

b) Luận chứng quan điểm, xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể về tổ chức,
quản lý, bảo tồn, sử dụng bền vững hệ thống rừng đặc dụng;

c) Xác lập danh mục các khu rừng đặc dụng; phân định các loại rừng đặc dụng; quy mô
(diện tích, ranh giới, vị trí …) từng khu rừng đặc dụng;

d) Phân cấp quản lý các khu rừng đặc dụng;


đ) Xác định các chương trình, dự án, giải pháp để đạt được mục tiêu tổ chức, quản lý, bảo
tồn, sử dụng bền vững hệ thống rừng đặc dụng.

3. Lập, thẩm định quy hoạch

a) Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức lập quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định quy hoạch hệ thống rừng
đặc dụng cả nước; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt.

c) Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch bao gồm:

Tờ trình đề nghị thẩm định quy hoạch của Tổng cục Lâm nghiệp;

Báo cáo quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước;

Văn bản tham gia ý kiến của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
các Bộ, ngành có liên quan;

Các tài liệu khác có liên quan.

d) Hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch bao gồm:

Tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước;

Văn bản thẩm định quy hoạch;

Các tài liệu khác quy định tại Điểm c, khoản này.

4. Công bố quy hoạch

a) Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt phải công bố công khai theo quy định của pháp luật.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả
nước trên trang thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Điều chỉnh quy hoạch

a) Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước được điều chỉnh trong trường hợp Quy
hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đã được điều chỉnh.

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả
nước theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 8. Quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh

1. Căn cứ quy hoạch

a) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh địa phương;

b) Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh;

c) Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước.

2. Nội dung quy hoạch

a) Đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ sinh
thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan …

b) Luận chứng quan điểm, xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể và tổ chức,
quản lý, bảo tồn, sử dụng bền vững các khu rừng đặc dụng.

c) Xác lập danh mục các khu rừng đặc dụng; phân định các loại rừng đặc dụng; quy mô
(diện tích, ranh giới, vị trí …) từng khu rừng đặc dụng.

d) Tổ chức quản lý các khu rừng đặc dụng.

đ) Xác định các chương trình, dự án, giải pháp để đạt được mục tiêu tổ chức, quản lý, bảo
tồn, sử dụng bền vững các khu rừng đặc dụng.

3. Lập, thẩm định quy hoạch

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập quy hoạch các khu rừng đặc dụng
trên địa bàn cấp tỉnh.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định quy hoạch các khu rừng đặc dụng trên địa
bàn cấp tỉnh; quyết định phê duyệt sau khi có văn bản đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.

c) Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch bao gồm:

Tờ trình đề nghị thẩm định quy hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Báo cáo quy hoạch các khu rừng đặc dụng trên địa bàn cấp tỉnh;

Các tài liệu khác có liên quan.

d) Hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch bao gồm:


Tờ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
phê duyệt quy hoạch;

Văn bản thẩm định quy hoạch;

Các tài liệu khác quy định tại Điểm c, khoản này.

4. Công bố quy hoạch

a) Quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh sau khi được phê duyệt phải công bố công khai theo
quy định của pháp luật.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh trên trang thông
tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Điều chỉnh quy hoạch

a) Quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh được điều chỉnh trên cơ sở các căn cứ quy định tại
khoản 1 điều này đã được điều chỉnh.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch rừng đặc dụng
trên địa bàn sau khi có văn bản đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 9. Quy hoạch khu rừng đặc dụng

1. Căn cứ quy hoạch: quy hoạch khu rừng đặc dụng phải phù hợp với quy hoạch hệ thống
rừng đặc dụng cả nước và quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh.

2. Nội dung quy hoạch

Quy hoạch khu rừng đặc dụng phải đảm bảo các nội dung chủ yếu sau:

a) Đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ sinh
thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan …;

b) Luận chứng quan điểm, xác định mục tiêu tổ chức, quản lý, bảo tồn, sử dụng bền vững
khu rừng đặc dụng;

c) Quy hoạch không gian các phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân
khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ - hành chính;

d) Quy hoạch các biện pháp bảo vệ rừng, bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng
sinh học; bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường;

đ) Quy hoạch các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học;


e) Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; hệ
thống đường giao thông, đường tuần tra …;

g) Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái;

h) Quy hoạch đầu tư, phát triển vùng đệm.

3. Xây dựng, phê duyệt, thực hiện quy hoạch

a) Ban quản lý khu rừng đặc dụng xây dựng quy hoạch khu rừng đặc dụng của mình,
trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phê duyệt quy hoạch khu rừng đặc
dụng do Trung ương quản lý.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch khu rừng đặc dụng do
địa phương quản lý sau khi có văn bản đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.

c) Ban quản lý khu rừng đặc dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch khu
rừng đặc dụng sau khi được duyệt.

4. Công bố quy hoạch

Ban quản lý khu rừng đặc dụng có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch khu rừng
đặc dụng tại trụ sở làm việc của Ban quản lý và tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi
trong cộng đồng dân cư địa phương.

5. Điều chỉnh quy hoạch

a) Quy hoạch khu rừng đặc dụng được điều chỉnh trên cơ sở các căn cứ quy định tại
khoản 1 điều này đã được điều chỉnh.

b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khu rừng đặc dụng là cơ quan
có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch khu rừng đặc dụng đó.

MỤC 2. XÁC LẬP KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 10. Nguyên tắc xác lập các khu rừng đặc dụng

1. Có đề án xác lập khu rừng đặc dụng phù hợp với quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đáp ứng các tiêu chí đối với mỗi loại rừng đặc dụng quy định tại Điều 5 của Nghị định
này.
Điều 11. Nội dung đề án xác lập khu rừng đặc dụng

1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng rừng, các hệ sinh thái tự nhiên; các giá trị về đa
dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, khoa học, thực
nghiệm, giáo dục môi trường, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

2. Đánh giá về hiện trạng quản lý, sử dụng rừng, đất đai, mặt nước vùng dự án.

3. Đánh giá về hiện dân sinh, kinh tế, xã hội.

4. Xác định các mục tiêu thành lập khu rừng đặc dụng đáp ứng các tiêu chí xác lập khu
rừng đặc dụng quy định tại Nghị định này.

5. Xác định phạm vi ranh giới, diện tích khu rừng đặc dụng trên bản đồ.

6. Các chương trình hoạt động, giải pháp thực hiện, tổ chức quản lý.

7. Xác định khái toán vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư xây dựng khu rừng đặc dụng; kinh phí
thường xuyên cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, nâng cao đời sống người dân; hiệu quả
đầu tư.

8. Tổ chức thực hiện dự án

Điều 12. Trình tự xây dựng đề án xác lập hệ thống rừng đặc dụng

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức xây dựng đề án xác lập khu
rừng đặc dụng trong cả nước; lấy ý kiến tham gia dự thảo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức được lấy ý kiến, trong
thời gian không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo đề án, có
trách nhiệm góp ý bằng văn bản gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham
gia của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Hồ sơ trình, thẩm quyền phê duyệt đề án xác lập hệ thống rừng đặc dụng

a) Hồ sơ gồm:

Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc xác lập hệ thống rừng đặc dụng;

Báo cáo chính và báo cáo tóm tắt đề án xác lập hệ thống rừng đặc dụng;

Bản đồ hệ thống rừng đặc dụng cả nước;


Các hồ sơ khác có liên quan.

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định xác lập hệ thống rừng đặc dụng trong cả nước.

MỤC 3. THÀNH LẬP, THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ KHU


RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 13. Quyết định thành lập khu rừng đặc dụng

1. Thẩm quyền quyết định thành lập khu rừng đặc dụng

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu rừng đặc dụng là các vườn quốc gia và
các khu rừng đặc dụng nằm trên địa bàn nhiều tỉnh.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập các khu rừng đặc dụng còn lại.
Đối với khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
quyết định thành lập sau khi có văn bản đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.

2. Nội dung quyết định thành lập khu rừng đặc dụng

a) Tên khu rừng đặc dụng;

b) Vị trí địa lý, ranh giới, diện tích khu rừng đặc dụng, các phân khu chức năng và vùng
đệm (đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh) được thể
hiện trên bản đồ VN 2000;

c) Mục tiêu khu rừng đặc dụng;

d) Các chương trình hoạt động, giải pháp thực hiện, tổ chức quản lý;

đ) Khái toán vốn đầu tư; nguồn vốn đầu tư; danh mục các dự án ưu tiên;

e) Tổ chức thực hiện.

Điều 14. Quản lý nhà nước về rừng đặc dụng

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà
nước đối với hệ thống rừng đặc dụng trong phạm vi cả nước; trực tiếp tổ chức quản lý các
khu rừng đặc dụng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các khu
rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với hệ thống rừng đặc dụng ở địa
phương; trực tiếp quản lý các vườn quốc gia; phân cấp quản lý các khu dự trữ thiên
nhiên; khu bảo tồn loài, sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan.
MỤC 4. CHUYỂN LOẠI, ĐIỀU CHỈNH, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG
ĐẶC DỤNG

Điều 15. Chuyển loại khu rừng đặc dụng

1. Chuyển loại khu rừng đặc dụng phải có dự án đáp ứng các tiêu chí thành lập khu rừng
đặc dụng mới quy định tại Nghị định này.

2. Nội dung dự án; lập, thẩm định dự án sau khi chuyển loại; thẩm quyền quyết định xác
lập khu rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Điều 16. Căn cứ điều chỉnh, chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng

1. Căn cứ quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của cả nước được duyệt.

2. Yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ khác theo quyết định của Thủ
tướng Chính phủ.

Điều 17. Điều chỉnh khu rừng đặc dụng

1. Nội dung điều chỉnh khu rừng đặc dụng bao gồm: thay đổi về ranh giới, diện tích, các
phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng.

2. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh khu rừng đặc dụng bao gồm:

a) Văn bản là căn cứ điều chỉnh khu rừng đặc dụng quy định tại Điều 16 của Nghị định
này;

b) Tờ trình đề nghị của Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

c) Dự án điều chỉnh rừng đặc dụng;

d) Các tài liệu khác có liên quan.

3. Cơ quan thẩm quyền quyết định thành lập khu rừng đặc dụng quy định tại Khoản 1,
Điều 13 của Nghị định này là cơ quan thẩm quyền quyết định điều chỉnh khu rừng đặc
dụng đó.

Điều 18. Chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng

1. Chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất phải phù
hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước
được duyệt.
2. Chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích không phải lâm nghiệp thực
hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, quy
hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước được duyệt.

3. Hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng trong trường hợp khu rừng đặc
dụng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập bao gồm:

a) Văn bản là căn cứ chuyển mục đích sử dụng toàn bộ hoặc một phần khu rừng đặc dụng
quy định tại Điều 16 của Nghị định này;

b) Tờ trình của Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

c) Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp
luật;

d) Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu rừng đặc dụng;

đ) Văn bản đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

e) Các tài liệu khác có liên quan.

4. Hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng trong trường hợp khu rừng đặc
dụng do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập bao gồm:

a) Văn bản pháp lý là căn cứ chuyển mục đích sử dụng toàn bộ hoặc một phần khu rừng
đặc dụng quy định tại Điều 16 của Nghị định này;

b) Tờ trình của Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

c) Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp
luật;

d) Văn bản đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

e) Các tài liệu khác có liên quan.

5. Thẩm định hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử
dụng khu rừng đặc dụng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử
dụng khu rừng đặc dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
6. Thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng đối với khu rừng đặc dụng
do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đối với khu
rừng đặc dụng khác.

MỤC 5. KHÔI PHỤC HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TRONG KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 19. Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên

1. Đối với vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài, sinh cảnh

a) Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo tồn
để duy trì diễn thế tự nhiên.

b) Trong phân khu phục hồi sinh thái ưu tiên áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo tồn diễn
thế tự nhiên, kết hợp tái sinh tự nhiên với trồng các loài cây bản địa và các biện pháp lâm
sinh khác.

c) Trong phân khu hành chính, dịch vụ được thực hiện các biện pháp lâm sinh để nâng
cao chất lượng, giá trị thẩm mỹ của rừng.

2. Đối với khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học được áp
dụng các biện pháp trồng rừng, cải tạo rừng và các biện pháp lâm sinh khác theo đề án,
dự án, thiết kế được duyệt.

Điều 20. Nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập

1. Ban quản lý khu rừng đặc dụng tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ
nghiên cứu khoa học theo chương trình, đề tài, dự án được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt.

2. Tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo, nhà khoa học, học sinh, sinh viên thực
hiện việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập tại khu rừng đặc dụng phải đảm bảo
các quy định sau đây:

a) Có kế hoạch nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập tại khu rừng đặc dụng được Ban
quản lý khu rừng đặc dụng đó chấp thuận;

b) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy chế quản lý và sự hướng dẫn của Ban
quản lý khu rừng đặc dụng;
c) Sau mỗi đợt nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập tại khu rừng đặc dụng, chậm
nhất là hai tuần báo cáo về các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập tại
khu rừng đặc dụng; sau khi công bố kết quả nghiên cứu chậm nhất hai tháng phải báo cáo
kết quả nghiên cứu khoa học cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng;

d) Đối với tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo, nhà khoa học, học sinh, sinh viên
nước ngoài thì chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập tại
khu rừng đặc dụng phải được Tổng cục Lâm nghiệp đồng thuận bằng văn bản và thực
hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với người nước ngoài hoạt động tại Việt
Nam;

đ) Chỉ thu thập mẫu vật, nguồn gen của những loài với số lượng được xác định tại
chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được duyệt; đối với tổ chức nghiên cứu
khoa học, cơ sở đào tạo, nhà khoa học, học sinh, sinh viên nước ngoài thì còn phải được
Tổng cục Lâm nghiệp đồng thuận bằng văn bản. Việc vận chuyển, lưu giữ, công bố mẫu
vật, nguồn gen thực hiện theo quy định của Nhà nước và sự hướng dẫn, giám sát của Ban
quản lý khu rừng đặc dụng;

e) Thanh toán chi phí dịch vụ cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng.

MỤC 6. SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN, HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ TRONG
KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 21. Sử dụng bền vững tài nguyên rừng

Các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong rừng đặc dụng phải đảm
bảo chức năng bảo tồn, duy trì và phát triển sự đa dạng sinh học của rừng, đảm bảo môi
trường sống của các loài thực vật rừng, động vật rừng đặc hữu, quý hiếm; loài thực vật
rừng, động vật rừng có giá trị cao về khoa học, giáo dục; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng
sinh học, các giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử và môi trường. Thủ tục, biện pháp kỹ
thuật khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong rừng đặc dụng phải tuân theo quy
chế quản lý rừng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.

1. Đối với vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài, sinh cảnh

a) Được khai thác, thu dọn, làm vệ sinh những cây gỗ đã chết, cây gẫy đổ, thực vật rừng
trong phân khu dịch vụ hành chính theo quy định của Nhà nước; được tận thu gỗ, củi,
thực vật rừng trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật ngoài gỗ và không thuộc danh mục
các loài nguy cấp, quý, hiếm trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành
chính theo đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị
định này phê duyệt và quy định của pháp luật.
c) Được thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo quy định tại mục đ, Khoản 2, Điều 20
của Nghị định này.

2. Đối với khu rừng bảo vệ cảnh quan

a) Được tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh để
bảo tồn, tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và trong phạm vi giải
phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt.

b) Được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật không thuộc danh mục các loài
nguy cấp, quý, hiếm theo đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều
14 của Nghị định này phê duyệt.

c) Được thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo quy định tại mục đ, Khoản 2, Điều 20
của Nghị định này.

3. Đối với rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học

a) Được phép khai thác lâm sản theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học
được phê duyệt.

b) Được tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong quá trình thực hiện các tác động điều chỉnh
tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác theo chương
trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt và trong phạm vi giải phóng mặt
bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê
duyệt.

c) Được khai thác, sử dụng bền vững các loài thực vật, động vật, vi sinh vật phục vụ
nghiên cứu khoa học theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này phê duyệt.

d) Được thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo quy định tại mục đ, Khoản 2, Điều 20
của Nghị định này.

Điều 22. Dịch vụ môi trường rừng

Ban quản lý khu rừng đặc dụng với tư cách là chủ rừng được tổ chức, thực hiện chính
sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, cung ứng các dịch vụ như: bảo vệ đất, hạn chế
xói mòn, điều tiết và duy trì nguồn nước, hấp thụ và lưu giữ các bon, giảm phát thải phí
gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và đa dạng sinh học, tạo bãi đẻ, nguồn
thức ăn và con giống, sử dụng nguồn nước và rừng cho nuôi trồng thủy sản … theo quy
định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính
sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công
nghệ, giá trị đa dạng sinh học cho các tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy định hiện hành
của Nhà nước.
Điều 23. Hoạt động du lịch sinh thái

1. Việc tổ chức hoạt động du lịch sinh thái phải phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc
dụng và có đề án du lịch sinh thái được cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định
tại Điều 14 của Nghị định này.

2. Thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, du
lịch, di sản văn hóa và quy chế quản lý khu rừng đặc dụng.

3. Phương thức tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái:

a) Ban quản lý khu rừng đặc dụng tự tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái;

b) Ban quản lý khu rừng đặc dụng có thể sử dụng một phần rừng, đất lâm nghiệp cho tổ
chức, cá nhân thuê nhằm mục đích kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ, phát
triển rừng và bảo tồn thiên nhiên theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định hiện
hành của pháp luật;

c) Ban quản lý khu rừng đặc dụng liên doanh, liên kết giữa với tổ chức, cá nhân khác để
tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái.

4. Yêu cầu đối với dự án du lịch sinh thái

a) Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học,
cảnh quan, môi trường và các chức năng khác của khu rừng; phù hợp với quy hoạch của
khu rừng đặc dụng được duyệt.

b) Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được xây dựng các tuyến đường mòn, đường
cáp trên không, đường ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, biển chỉ dẫn phục vụ
du lịch sinh thái.

c) Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được xây dựng các tuyến đường bộ phù hợp
nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan,
biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường ngầm dưới mặt đất, các công trình khác phù
hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng.

d) Trong phân khu hành chính, dịch vụ; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực
nghiệm khoa học được xây dựng các công trình phục vụ cho quản lý, nghiên cứu khoa
học và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể về quy mô, diện tích sử dụng
xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái rừng đặc dụng.

Chương 3.
BAN QUẢN LÝ; HẠT KIỂM LÂM; TRUNG TÂM CỨU HỘ, BẢO TỒN, PHÁT
TRIỂN SINH VẬT TRONG KHU RỪNG ĐẶC DỤNG; VÙNG ĐỆM

MỤC 1. BAN QUẢN LÝ KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 24. Điều kiện thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng

1. Ban quản lý khu rừng đặc dụng được thành lập ở vườn quốc gia; khu dự trữ thiên
nhiên; khu bảo tồn loài, sinh cảnh có diện tích trên 5.000 ha.

2. Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh có nhiều khu rừng đặc dụng không đủ điều kiện quy
định tại Khoản 1 của Điều này mà chưa thành lập Ban quản lý thì thành lập một Ban
quản lý chung.

3. Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh có một khu rừng đặc dụng không đủ điều kiện quy
định tại Khoản 1 của Điều này mà đã có Ban quản lý thì tiếp tục duy trì hoạt động, nếu
chưa thành lập Ban quản lý thì giao cho cơ quan kiểm lâm quản lý.

4. Ban quản lý các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, các tổ chức khoa học, đào tạo
về lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý các khu rừng cảnh quan, khu rừng nghiên
cứu, thực nghiệm khoa học có trách nhiệm tổ chức quản lý khu rừng đó, không thành lập
Ban quản lý khu rừng đặc dụng.

Điều 25. Thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng

1. Ban quản lý rừng đặc dụng được thành lập theo quy định tại Điều 50 của Luật Bảo vệ
và Phát triển rừng; Điều 44 của Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định có liên quan của Nhà nước.

2. Các khu rừng đặc dụng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập
bao gồm cả hợp phần bảo tồn biển, đất ngập nước nội địa thì Ban quản lý khu rừng đặc
dụng đó tiếp tục quản lý hợp phần bảo tồn biển, đất ngập nước nội địa mà không phải
thành lập Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc Ban quản lý khu bảo tồn vùng đất ngập
nước nội địa mới.

3. Thẩm quyền thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Ban quản lý
khu rừng đặc dụng do Bộ trực tiếp tổ chức quản lý.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban quản lý khu rừng đặc
dụng do địa phương quản lý.

Điều 26. Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu rừng đặc dụng

1. Ban quản lý khu rừng đặc dụng có Giám đốc và các Phó giám đốc.
Đối với khu rừng đặc dụng có Hạt Kiểm lâm thì Giám đốc Ban quản lý đồng thời là Hạt
trưởng Hạt Kiểm lâm.

2. Tùy theo điều kiện cụ thể, khu rừng đặc dụng được tổ chức tối đa các đơn vị:

a) Hạt Kiểm lâm;

b) Phòng Tổ chức, Hành chính;

c) Phòng Kế hoạch, Tài chính;

d) Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế;

đ) Phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước đối với khu rừng đặc dụng có hợp phần bảo tồn
biển, đất ngập nước nội địa;

e) Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng;

g) Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.

3. Biên chế công chức của Ban quản lý khu rừng đặc dụng thực hiện theo quy định của
pháp luật.

Ban quản lý khu rừng đặc dụng được chủ động thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo
quy định hiện hành của Nhà nước, trong đó ưu tiên tiếp nhận lao động là người địa
phương. Lương hợp đồng được Nhà nước chi trả theo chế độ hiện hành.

Điều 27. Giải thể Ban quản lý khu rừng đặc dụng

1. Giải thể Ban quản lý trong các trường hợp sau:

a) Khu rừng đặc dụng được chuyển loại quy định tại Điều 15 của Nghị định này thành
khu rừng thực nghiệm, nghiên cứu khoa học.

b) Sau khi điều chỉnh khu rừng đặc dụng quy định tại Điều 17 của Nghị định này mà
phần còn lại của khu rừng đó không còn đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 5 của Nghị
định này.

c) Chuyển toàn bộ hoặc chuyển một phần khu rừng đặc dụng sang mục đích sử dụng khác
theo quy định tại Điều 18 mà phần còn lại của khu rừng đó không còn đáp ứng tiêu chí
quy định tại Điều 5 của Nghị định này.

2. Cơ quan quyết định thành lập khu rừng đặc dụng quy định tại Điều 13 của Nghị định
này là cơ quan thẩm quyền quyết định giải thể Ban quản lý khu rừng đặc dụng và tổ chức
giải quyết các vấn đề sau giải thể theo quy định của pháp luật.
MỤC 2. HẠT KIỂM LÂM KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 28. Thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng

1. Thành lập Hạt Kiểm lâm tại vườn quốc gia; đối với khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn
loài, sinh cảnh có diện tích từ 15.000 héc-ta trở lên.

2. Thẩm quyền thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc
dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng do địa
phương quản lý sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.

3. Biên chế Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc biên chế công chức nhà nước được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền giao cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng theo quy định
hiện hành với định biên tối đa 500 ha rừng đặc dụng có 01 công chức kiểm lâm.

4. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định
thành lập chịu sự quản lý nghiệp vụ, trang, thiết bị chuyên ngành của Cục Kiểm lâm; Hạt
Kiểm lâm rừng đặc dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập chịu sự quản
lý nghiệp vụ, trang, thiết bị chuyên ngành của Chi cục Kiểm lâm.

Điều 29. Giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng

1. Giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng khi đã giải thể Ban quản lý khu rừng đặc dụng
đó.

2. Cơ quan quyết định thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng quy định tại Khoản 2, Điều
28 của Nghị định này là cơ quan thẩm quyền quyết định giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc
dụng và tổ chức giải quyết các vấn đề sau giải thể theo quy định của pháp luật.

MỤC 3. TRUNG TÂM CỨU HỘ, BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN SINH VẬT TRONG
KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 30. Điều kiện thành lập, giải thể

1. Trong các Vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài, sinh cảnh, Trung
tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật chỉ được đặt tại phân khu hành chính, dịch vụ.

2. Thành lập, giải thể các Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thực hiện theo
quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 31. Chức năng, nhiệm vụ


1. Tiếp nhận, cứu hộ các loài bản địa hoặc các loài phù hợp với sinh cảnh tự nhiên của
khu rừng đặc dụng hoặc các loài được phép nghiên cứu khoa học trong đề tài do cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nuôi cứu hộ, nuôi bán hoang dã nhằm mục đích tái thả sinh vật về môi trường tự nhiên
và phục vụ nghiên cứu khoa học.

3. Nghiên cứu, duy trì giống gốc, cung cấp nguồn giống cho phát triển gây nuôi theo quy
định hiện hành của Nhà nước.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, quy định cụ thể về tổ chức, hoạt
động cứu hộ, nghiên cứu phát triển sinh vật; tái thả động vật sau cứu hộ; cung ứng nguồn
giống cho phát triển gây nuôi.

MỤC 4. VÙNG ĐỆM

Điều 32. Xác định vùng đệm

1. Phạm vi vùng đệm gồm khu vực rừng, đất có dân cư sinh sống, đất ngập nước, khu vực
biển tiếp giáp ranh giới ngoài hoặc nằm trong phạm vi ranh giới khu rừng đặc dụng, có
chức năng ngăn chặn, giảm nhẹ sự xâm hại đối với khu rừng đặc dụng bằng các biện
pháp quản lý, bảo tồn gắn với các hoạt động nâng cao sinh kế cho cộng đồng dân cư và
phát triển kinh tế xã hội bền vững.

2. Vùng đệm được xác định đồng thời với việc lập dự án thành lập khu rừng đặc dụng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể về tiêu chí xác định vùng đệm.

3. Phạm vi ranh giới của vùng đệm phải được xác định rõ trên bản đồ và thực địa.

4. Vùng đệm được quy hoạch sử dụng tài nguyên, đất đai phù hợp với mục tiêu ngăn
chặn, giảm nhẹ sự xâm hại đối với khu rừng đặc dụng, đồng thời nâng cao sinh kế cho
cộng đồng dân cư và phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Điều 33. Dự án đầu tư cho vùng đệm

1. Dự án đầu tư vùng đệm được quản lý phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý
dự án đầu tư.

2. Ban quản lý khu rừng đặc dụng và các tổ chức được giao quản lý khu rừng đặc dụng
lập dự án và là chủ đầu tư dự án đầu tư vùng đệm phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 34. Trách nhiệm quản lý vùng đệm

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân
cấp huyện, cấp xã thực hiện trách nhiệm như sau:
a) Tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng đệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn
xâm hại vào khu rừng đặc dụng.

b) Quản lý, sử dụng tài nguyên rừng đúng quy định hiện hành của Nhà nước và quy
hoạch bảo vệ và phát triển rừng được duyệt.

c) Phối hợp với Ban quản lý khu rừng đặc dụng tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư
vùng đệm.

2. Ban quản lý khu rừng đặc dụng có trách nhiệm

a) Tổ chức các biện pháp thu hút cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia quản lý khu rừng
đặc dụng và thực hiện dự án đầu tư vùng đệm.

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư vùng đệm.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hoặc có các hoạt động trong
vùng đệm có trách nhiệm, quyền tham gia thực hiện, phối hợp quản lý dự án đầu tư vùng
đệm.

Chương 4.

QUẢN LÝ KẾ HOẠCH, TÀI CHÍNH, ĐẦU TƯ TRONG KHU RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 35. Quản lý công tác kế hoạch trong khu rừng đặc dụng

1. Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch

a) Ban quản lý khu rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập
xây dựng hoạt động hàng năm, 5 năm trình Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt.

b) Ban quản lý khu rừng đặc dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập xây dựng kế
hoạch hoạt động hàng năm, 5 năm theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công
tác lập kế hoạch, dự toán, tài chính và phê duyệt.

2. Nội dung chủ yếu của kế hoạch gồm: hoạt động tuyên truyền; quản lý rừng; bảo vệ
rừng; xây dựng và phát triển rừng; sử dụng rừng; bảo tồn thiên nhiên; nghiên cứu, thực
nghiệm khoa học; cứu hộ động, thực vật hoang dã; các hoạt động dịch vụ; kế hoạch quản
lý, sử dụng lao động; đầu tư xây dựng; tài chính.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch hoạt
động và các đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch của các khu rừng đặc dụng.

Điều 36. Quản lý tài chính trong khu rừng đặc dụng
1. Ban quản lý khu rừng đặc dụng là đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định hiện hành của
Nhà nước.

2. Kinh phí hoạt động của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng thực hiện theo quy định
hiện hành của pháp luật.

3. Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán hoạt động của Ban quản lý khu rừng đặc dụng

a) Ban quản lý khu rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập
xây dựng dự toán ngân sách trình Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt.

b) Ban quản lý khu rừng đặc dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập xây dựng dự
toán ngân sách báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và tổng hợp,
trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

4. Ban quản lý khu rừng đặc dụng có trách nhiệm quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán tài
chính theo quy định hiện hành của Nhà nước; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài
chính nhà nước có thẩm quyền.

5. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc
xây dựng và thực hiện dự toán hàng năm đối với các khu rừng đặc dụng.

Điều 37. Đầu tư và các đảm bảo cho bảo vệ, bảo tồn rừng đặc dụng

1. Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho hệ thống
rừng đặc dụng.

2. Nguồn vốn đảm bảo

a) Ngân sách trung ương đầu tư và đảm bảo tài chính cho các hoạt động của các khu rừng
đặc dụng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; đầu tư cho các hoạt
động của các vườn quốc gia do địa phương quản lý; hỗ trợ đầu tư cho các khu rừng đặc
dụng do địa phương quản lý theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà
nước.

b) Ngân sách địa phương đầu tư và đảm bảo tài chính cho các hoạt động của các khu
rừng đặc dụng do địa phương quản lý.

c) Nguồn thu từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

d) Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
và các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đầu tư cho hệ
thống rừng đặc dụng phù hợp với quy định tại Nghị định này.
Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành
liên quan

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:

a) Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện Nghị định này;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật,
chính sách đầu tư hệ thống rừng đặc dụng, quy chế, quy trình, quy phạm, các tiêu chuẩn,
định mức kinh tế - kỹ thuật theo thẩm quyền và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện;

c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, phân loại hệ thống rừng đặc dụng; xác
định cụ thể diện tích, phạm vi ranh giới của từng khu rừng đặc dụng trên thực địa;

d) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn
thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững hệ thống các khu rừng đặc dụng;

đ) Tổ chức xây dựng hệ thống thông tin và lưu trữ cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ rừng đặc
dụng.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học
đối với hệ thống các khu rừng đặc dụng.

b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra việc giao,
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với
đất rừng đặc dụng.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư cho hệ thống rừng đặc
dụng, thực hiện các nhiệm vụ liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ;
phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát
việc đầu tư cho các khu rừng đặc dụng.

4. Bộ Tài chính đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các khu rừng đặc
dụng, thực hiện các nhiệm vụ liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức quản lý các hoạt
động du lịch sinh thái, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử.
6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các quy định của Nghị định này.

Điều 39. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

1. Quản lý hệ thống các khu rừng đặc dụng trên địa bàn; tổ chức thực hiện các quy định
tại Nghị định này; đảm bảo kinh phí đầu tư cho các khu rừng đặc dụng theo quy định tại
Điều 37 của Nghị định này.

2. Ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ
chức, quản lý hệ thống rừng đặc dụng ở địa phương theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức rà soát, phân loại hệ thống các khu rừng đặc dụng; xác định cụ thể diện tích,
ranh giới của từng khu rừng đặc dụng để cắm mốc và tổ chức việc giao rừng, cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng đặc dụng ở địa phương.

5. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về
quản lý hệ thống rừng đặc dụng trên địa bàn.

6. Chỉ đạo xây dựng hệ thống thông tin và lưu trữ cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ rừng đặc
dụng ở địa phương.

Điều 40. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2011.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này.

Đọc thêm http://www.luattriminh.vn/pho-bien-phap-luat/van-ban-phap-luat/hanh-


chinh/1473-nghi-dinh-1172010nd-cp-do-chinh-phu-ban-hanh-ngay-ngay-24-thang-12-
nam-2010-.html#ixzz1EAxh6npc
Quản lý rừng đặc dụng: Không thể ’hai trong một’
Cập nhật lúc 11:39 | 24/11/2010 (GMT+7)

Rừng đặc dụng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên và tính đa dạng sinh học của
hệ sinh thái rừng, kết hợp phòng hộ và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quy định về tổ chức quản lý rừng
đặc dụng giữa trung ương và địa phương chưa rõ ràng, hệ thống cơ quan quản lý rừng đặc dụng
chưa thống nhất, thậm chí còn có sự lẫn lộn về chức năng và vị trí pháp lý, khiến nhiều khu rừng
đặc dụng đã và đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Nhiều khu rừng đặc dụng bị xâm hai (Ảnh minh họa)
Theo Điều 3 Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm
thì: “Đối với vườn quốc gia có diện tích từ 7.000 ha trở lên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng
đặc biệt khác có diện tích từ 15.000ha trở lên, khu rừng phòng hộ đầu nguồn có diện tích từ
20.000 ha trở lên có nguy cơ bị xâm hại cao, có thể thành lập Hạt Kiểm lâm (HKL) rừng đặc
dụng, HKL rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật”.

Nghị định này không quy định rõ HKL rừng đặc dụng và HKL rừng phòng hộ (do địa phương
quản lý) trực thuộc Chi cục Kiểm lâm hay trực thuộc Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng và BQL
rừng phòng hộ. Thực tế hiện nay có những nơi HKL rừng đặc dụng trực thuộc Chi cục Kiểm lâm
nhưng cũng có nơi HKL rừng đặc dụng lại trực thuộc Vườn quốc gia (BQL rừng đặc dụng).
Theo Điều 32 Dự thảo Nghị định về Tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì: Đối với
vườn quốc gia có diện tích từ 7.000 hecta trở lên; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài, sinh
cảnh có diện tích từ 15.000 hecta trở lên thì thành lập HKL rừng đặc dụng. Theo Điều 31 của Dự
thảo Nghị định này thì: “Đối với khu rừng đặc dụng có HKL thì Giám đốc BQL đồng thời là Hạt
trưởng HKL”.

Cũng theo Điều 30 của Nghị định này thì BQL rừng đặc dụng có chức năng, nhiệm vụ của chủ
rừng. Mặt khác, theo Điều 50 Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì các khu rừng đặc dụng là vườn
quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên phải có BQL, “BQL khu rừng đặc dụng là tổ chức sự nghiệp do
cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập”.
Như vậy, có thể thấy việc quy định HKL rừng đặc dụng trực thuộc BQL rừng đặc dụng đã bộc lộ
mâu thuẫn và bất hợp lý đó là:
Thứ nhất, về vị trí pháp lý: Hiện tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập lẫn tư thục đều do các cơ
quan quản lý hành chính nhà nước quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, trực thuộc về
mặt tổ chức (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) hoặc chịu sự quản lý nhà nước (đối với đơn vị
sự nghiệp tư thục) của các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực đó.

Trong khi đó, HKL là cơ quan quản lý hành chính nhà nước (có quyền lực nhà nước) trong lĩnh
vực quản lý và bảo vệ rừng, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, việc một cơ
quan hành chính nhà nước lại trực thuộc một đơn vị sự nghiệp sẽ là điều bất ổn trong mối quan
hệ quyền lực nhà nước.
Thứ hai, thực tế cho thấy: Hiện nay ở những tỉnh có vườn quốc gia (do tỉnh quản lý) có HKL rừng
đặc dụng trực thuộc BQL vườn quốc gia đã bộc lộ nhiều hạn chế trong hoạt động. Tuy cùng “sắc
áo” nhưng không phải là “con trong một nhà” nên có những nơi mối quan hệ giữa HKL rừng đặc
dụng với HKL cấp huyện luôn trong tình trạng “như sừng với đuôi”. Trong khi, Chi cục Kiểm lâm
thì thờ ơ, còn HKL rừng đặc dụng lại hửng hờ.
Thứ ba, theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì các chủ rừng (trong đó có BQL rừng đặc dụng)
có trách nhiệm bảo vệ rừng của mình; xây dựng và thực hiện các phương án, biện pháp bảo vệ
hệ sinh thái rừng; phòng, chống chặt phá rừng; phòng, chống săn, bắt, bẫy động vật rừng trái
phép; phòng cháy, chữa cháy rừng…

Chủ rừng không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm mà để mất rừng
được nhà nước giao, cho thuê thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Theo Nghị
định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý
rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì có rất nhiều loại hành vi vi phạm của chủ rừng bị xử
phạt vi phạm hành chính.

Mặt khác, theo nguyên tắc phân định thẩm quyền xử phạt theo lãnh thổ thì các vi phạm trong địa
phận rừng đặc dụng sẽ thuộc thẩm quyền xử phạt của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng.
Như vậy, với quy định như dự thảo của Nghị định trên khi chủ rừng là BQL rừng đặc dụng vi
phạm thì Hạt trưởng HKL có “tự xử” mình hay không (vì theo dự thảo quy định Giám đốc BQL
đồng thời là Hạt trưởng HKL) ?
Từ những lý do trên, thiết nghĩ cần quy định theo hướng HKL rừng phòng hộ trực thuộc Chi cục
Kiểm lâm để bảo đảm sự quản lý thống nhất cả về tổ chức lẫn chuyên môn. Mặt khác, sự độc lập
giữa chủ rừng và cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo ra mối quan hệ chế ước lẫn nhau bảo đảm
nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Phạm Thái Quý

Chính phủ ra nghị định về quản lý rừng đặc dụng

Ngày 24/12, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP về tổ chức
và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
Nghị định này được áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia
đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước
ngoài có hoạt động liên quan đến việc tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
Nghị định quy định rõ về quản lý hệ thống rừng đặc dụng với những nội dung như quy
hoạch rừng đặc dụng; xác lập khu rừng đặc dụng; thành lập, thẩm quyền và trách nhiệm
quản lý khu rừng đặc dụng; chuyển loại, điều chỉnh, chuyển mục đích sử dụng rừng đặc
dụng; khôi phục hệ sinh thái tự nhiên; nghiên cứu khoa học trong khu rừng đặc dụng; sử
dụng bền vững tài nguyên, hoạt động dịch vụ trong khu rừng đặc dụng...

Theo Nghị định được ban hành, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì
chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện Nghị định
này; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đầu
tư hệ thống rừng đặc dụng; tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững hệ thống các khu rừng đặc
dụng; phối hợp với các bộ liên quan thực hiện các quy định của Nghị định này.

Nghị định cũng ghi rõ: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hệ thống các khu
rừng đặc dụng trên địa bàn; tổ chức rà soát, phân loại hệ thống các khu rừng đặc dụng, xác
định cụ thể diện tích, ranh giới của từng khu rừng đặc dụng để căm mốc và tổ chức việc
giao rừng, cấp giấy nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
rừng đặc dụng ở địa phương.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/3/2011./.

(TTXVN/Vietnam+)
NGHỊ ĐỊNH 23/2006/NĐ-CP NGÀY 03/3/2006
CHƯƠNG VI – TỔ CHỨC QUẢN LÝ RỪNG, BVR, PTR

Mục 1

TỔ CHỨC QUẢN LÝ RỪNG

Điều 42. Phân chia, xác định ranh giới quản lý rừng

1. Các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất phải được xác định ranh giới
rõ ràng trên bản đồ, trên thực địa và lập hồ sơ quản lý rừng; trên thực địa phải thể hiện
bằng hệ thống mốc, bảng chỉ dẫn; rừng và đất đã được quy hoạch để gây trồng rừng của
các địa phương phải được phân chia thành các đơn vị quản lý như sau:

a) Tiểu khu: là đơn vị cơ bản trong hệ thống quản lý rừng, tiểu khu rừng có ranh giới cố
định được bao gồm trọn một số khoảnh và thuận lợi cho việc quản lý khu rừng; mỗi tiểu
khu có diện tích trung bình một ngàn (1.000) hecta; số hiệu tiểu khu được đánh số theo
một hệ thống trong phạm vi của cấp tỉnh.

b) Khoảnh: là đơn vị quản lý rừng được phân chia ra từ tiểu khu rừng, khoảnh có ranh
giới ổn định, dễ xác định vị trí, ranh giới trên thực địa, thuận lợi trong quản lý và chỉ đạo
sản xuất; mỗi khoảnh có diện tích trung bình một trăm (100) hecta, số hiệu khoảnh được
đánh số theo từng tiểu khu. Trường hợp khoảnh chưa phân chia ra các lô rừng thì khoảnh
là đơn vị thống kê tài nguyên rừng.

c) Lô rừng: là đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống quản lý rừng, thống kê tài nguyên rừng, lô
rừng được chia ra từ các khoảnh. Căn cứ vào trạng thái rừng để phân chia khoảnh ra các
lô, lô rừng phải có cùng một trạng thái nhằm đảm bảo cho lô rừng được thực hiện thống
nhất một biện pháp kỹ thuật tác động, thuận tiện cho việc quản lý và thi công; tên lô rừng
được ghi theo từng khoảnh, trong cùng một khoảnh tên các lô rừng không được trùng
nhau.

2. Việc phân chia các đơn vị quản lý rừng được thực hiện thống nhất trong địa bàn cấp
tỉnh và trên phạm vi cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể
về việc phân chia đơn vị quản lý rừng, mốc ranh giới, bảng chỉ dẫn và việc lập hồ sơ
quản lý rừng.

3. Chủ rừng và các tổ chức được Nhà nước giao quản lý rừng phải phân chia rừng được
giao, được thuê thành các đơn vị quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều này theo hướng
dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 43. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ


1. Những khu rừng phòng hộ đầu nguồn tập trung có diện tích từ 5.000 ha trở lên hoặc có
diện tích dưới 5.000 ha nhưng có tầm quan trọng về chức năng phòng hộ: chắn gió, chắn
cát bay; khu rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, liền vùng, tập trung, được thành lập Ban
quản lý.

2. Ban quản lý khu rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp.

3. Tổ chức bộ máy quản lý và biên chế của Ban quản lý khu rừng phòng hộ thực hiện
theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Ban quản lý khu rừng phòng hộ được khoán các công việc về bảo vệ rừng, gây trồng
rừng, chăm sóc và làm giàu rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, lực
lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tại chỗ để thực
hiện việc bảo vệ và phát triển rừng.

5. Những khu rừng phòng hộ khác với quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh giao, cho thuê cho các tổ chức khác; Ủy ban nhân dân cấp huyện giao, cho thuê
cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

6. Những diện tích rừng phòng hộ chưa giao, chưa cho thuê, căn cứ quy hoạch đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cho Ủy
ban nhân dân cấp xã theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 38 Luật Bảo vệ và phát triển
rừng.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập phương án bảo vệ; lập phương án và kế hoạch
giao, cho thuê rừng trình Ủy ban nhân dân cấp huyện để từng bước đưa rừng vào sử dụng
theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 44. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng

1. Những khu rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tập trung, là khu
bảo vệ cảnh quan gắn với di tích lịch sử đã được xếp hạng được thành lập Ban quản lý
khu rừng đặc dụng.

Những khu rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được phân ra các
khu chức năng để quản lý, gồm: một hoặc nhiều phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu
phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính.

2. Những khu rừng đặc dụng là rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học được Nhà nước
giao cho tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm
nghiệp, thì những tổ chức đó có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển diện
tích rừng được giao theo quy chế quản lý rừng.
3. Những khu rừng đặc dụng không thuộc diện quy định tại khoản 1 và 2 Điều này;
những khu rừng đặc dụng có diện tích nhỏ, phân tán Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho các tổ
chức kinh tế thuê rừng để quản lý, bảo vệ, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du
lịch sinh thái - môi trường.

4. Ban quản lý khu rừng đặc dụng hoạt động theo cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp.

5. Tổ chức bộ máy quản lý và biên chế của Ban quản lý khu rừng đặc dụng thực hiện theo
quy định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Ban quản lý khu rừng đặc dụng được khoán các công việc về bảo vệ rừng, gây trồng
rừng, chăm sóc và làm giàu rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, lực
lượng vũ trang tại chỗ để thực hiện việc bảo vệ và phát triển rừng. Đối với phân khu bảo
vệ nghiêm ngặt chưa có điều kiện chuyển dân ra khỏi phân khu thì chỉ được khoán ngắn
hạn công việc bảo vệ rừng, phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân trong khu vực đó.

Điều 45. Tổ chức quản lý rừng sản xuất

1. Những khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên tập trung, có trữ lượng giàu, trung bình
nhưng phải đóng cửa, không khai thác, thì thực hiện tổ chức quản lý theo quy định tại
quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Những khu rừng sản xuất tập trung, liền vùng, liền khoảnh thì ưu tiên giao, cho thuê
cho các tổ chức thuộc các thành phần kinh tế để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

3. Những khu rừng sản xuất có diện tích nhỏ dưới một ngàn (1.000) ha, phân tán, Ủy ban
nhân dân cấp có thẩm quyền giao, cho thuê cho các tổ chức, cho hộ gia đình, cá nhân
hoặc giao cho cộng đồng dân cư thôn để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy chế
quản lý rừng.

4. Đối với những diện tích rừng sản xuất chưa giao, chưa cho thuê:

a) Căn cứ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh quyết định giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo quy định tại điểm đ
khoản 3 Điều 38 Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập phương án bảo vệ; lập phương án và kế
hoạch giao, cho thuê rừng trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, để từng bước giao rừng, cho
thuê rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
MỤC 2 – BẢO VỆ RỪNG

Điều 46. Bảo vệ hệ sinh thái rừng, thực vật rừng, động vật rừng

1. Bảo vệ hệ sinh thái rừng:

a) Việc bảo vệ hệ sinh thái rừng thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ và phát
triển rừng.

b) Hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng do tác động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh
hoặc những hoạt động khác bao gồm:

- Cấu trúc của rừng và thành phần các loài thực vật chủ yếu bị thay đổi; số lượng, chất
lượng rừng bị suy giảm.

- Môi trường rừng: đất đai, tiểu khí hậu, nguồn nước bị thay đổi.

- Cảnh quan của rừng bị thay đổi.

2. Bảo vệ thực vật rừng.

a) Những loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nguồn gen thực vật rừng quý, hiếm
phải được quản lý, bảo vệ theo quy định của Chính phủ.

b) Việc khai thác chính thực vật rừng chỉ được thực hiện ở các khu rừng đã có chủ rừng
được Nhà nước giao rừng hoặc cho thuê rừng.

c) Việc khai thác gỗ và lâm sản, khai thác tận dụng, tận thu gỗ trong rừng tự nhiên, trong
rừng trồng hoặc khai thác gỗ vườn rừng phải thực hiện theo quy chế quản lý rừng của
Thủ tướng Chính phủ và quy trình, quy phạm về khai thác gỗ và lâm sản của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Bảo vệ động vật rừng.

a) Những loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nguồn gen động vật rừng quý, hiếm
phải được quản lý, bảo vệ theo quy định của Chính phủ.

b) Những loài động vật rừng thông thường không nằm trong danh mục động vật rừng
quý, hiếm khi săn, bắt, bẫy, nuôi nhốt phải theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và phải thực hiện theo đúng quy định trong giấy phép đã được cấp.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chế khai thác gỗ và lâm sản;
quy phạm, quy trình về khai thác rừng; quy định khu vực, loài động vật rừng được phép
săn, bắt, mùa cấm săn, bắt, phương tiện, dụng cụ cấm hoặc hạn chế sử dụng trong săn, bắt
động vật rừng; hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác gỗ, lâm sản và việc săn, bắt, bẫy,
nuôi nhốt động vật rừng.
Điều 47. Phòng cháy, chữa cháy rừng

Việc phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của Luật phòng cháy, chữa
cháy; theo quy định tại Điều 42 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng và theo các quy định
của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 48. Phòng, trừ sinh vật hại rừng

1. Việc trồng cây rừng, nuôi hoặc chăn, thả động vật vào rừng phải thực hiện theo đúng
pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và pháp lệnh về thú y; không được sử dụng
thuốc phòng, trừ sinh vật hại rừng không đúng theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được
phép sử dụng tại Việt Nam.

2. Chủ rừng phải chấp hành đầy đủ các biện pháp về phòng, trừ sinh vật hại rừng, chủ
động thực hiện các biện pháp phòng, trừ sinh vật hại rừng và phải chịu trách nhiệm khi
không thực hiện các biện pháp phòng, trừ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng có thẩm
quyền.

3. Các biện pháp lâm sinh hoặc sinh học để phòng, trừ sinh vật gây hại rừng được khuyến
khích bao gồm:

a) Gieo trồng các loại cây có khả năng chống chịu sinh vật gây hại.

b) Diệt trừ hoặc ngăn chặn sinh vật hại rừng bằng việc sử dụng các nhân tố sinh vật như:
động vật ký sinh, động vật ăn thịt.

c) Nhân hoặc thả những loài sâu hại đã bị diệt dục hoặc những loài sâu hại đã được tác
động để làm mất khả năng di truyền.

d) Diệt trừ hoặc ngăn chặn sự phát triển của các quần thể sinh vật hại bằng cách phối hợp,
sử dụng một cách hợp lý hai hoặc nhiều biện pháp để duy trì mật độ sinh vật hại bằng
hoặc dưới ngưỡng kinh tế.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm dự báo tình hình dịch bệnh,
hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ sinh vật hại rừng.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các lực lượng để diệt trừ sinh
vật hại rừng trong phạm vi địa phương, không để sinh vật gây hại rừng lây lan sang các
địa phương khác.

Điều 49. Kinh doanh, vận chuyển và chế biến lâm sản
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh lâm sản phải đảm bảo trước cơ quan pháp luật về nguồn
gốc gỗ, lâm sản hợp pháp.

2. Lâm sản do tổ chức, cá nhân mua, bán, vận chuyển, chế biến phải có chứng từ hợp
pháp theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc đóng dấu búa kiểm lâm
lên gỗ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, chế biến lâm sản khi nhập, xuất lâm sản phải ghi chép
vào sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản theo mẫu thống nhất và chịu sự giám sát, kiểm tra của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Việc nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thực vật
rừng, động vật rừng, các sản phẩm của chúng và các mẫu vật có nguồn gốc tự nhiên,
nguồn gốc do gây nuôi sinh sản hoặc trồng cấy nhân tạo và các loài động vật, thực vật
hoang dã quý, hiếm, thông thường thực hiện theo quy định của Chính phủ, công ước quốc
tế về buôn bán các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp (CITES) và các điều ước
quốc tế khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn và quy định việc
kiểm tra vận chuyển, chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản.

Điều 50. Tổ chức bảo vệ rừng

1. Chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng Nhà nước đã giao hoặc cho thuê theo
quy định của Điều 37 Luật Bảo vệ và phát triển rừng và được tổ chức bảo vệ rừng như
sau:

a) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tự tổ chức bảo vệ rừng do mình quản
lý.

b) Chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn có thể có các hình thức tổ chức bảo vệ rừng thích
hợp.

c) Chủ rừng là tổ chức có thể tổ chức lực lượng chuyên trách trực tiếp bảo vệ rừng, quy
định nhiệm vụ, quyền hạn cho lực lượng bảo vệ rừng trong phạm vi, quyền hạn của chủ
rừng theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã (nơi có rừng) tổ chức lực lượng xung kích quần chúng của địa
phương để bảo vệ rừng, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng theo
nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

3. Lực lượng kiểm lâm có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 79 và Điều 80
Luật Bảo vệ và phát triển rừng và có trách nhiệm:
a) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức huy động các lực lượng
để bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn thuộc địa phương quản lý.

b) Bố trí lực lượng thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ rừng, đặc biệt là ở nơi có nguy cơ
xâm hại cao.

c) Hướng dẫn các chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của tổ chức, của cộng
đồng dân cư thôn trong việc bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại
rừng.

Mục 3

PHÁT TRIỂN RỪNG VÀ SỬ DỤNG RỪNG

Điều 51. Phát triển rừng

1. Đầu tư xây dựng các khu rừng phòng hộ.

a) Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, chủ rừng lập dự án đầu tư xây dựng khu rừng, trình cấp có thẩm quyền phê
duyệt để thực hiện.

b) Nhà nước đầu tư cho việc quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển khu rừng phòng hộ
theo dự án, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp kinh phí cho hoạt động
của bộ máy Ban quản lý khu rừng.

c) Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài,
người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng rừng phòng hộ.

2. Đầu tư xây dựng các khu rừng đặc dụng:

a) Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, chủ rừng lập dự án đầu tư xây dựng khu rừng, trình cấp có thẩm quyền phê
duyệt để thực hiện. Ban quản lý khu rừng đặc dụng phối hợp với chính quyền địa phương
xây dựng một hoặc nhiều dự án phát triển vùng đệm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương và của vùng.

b) Nhà nước đầu tư cho việc quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển khu rừng đặc dụng
theo dự án, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp kinh phí cho hoạt động
của bộ máy Ban quản lý khu rừng.

c) Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài,
người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng rừng đặc dụng.

3. Đầu tư xây dựng các khu rừng sản xuất:


a) Quy hoạch phát triển rừng sản xuất phải đảm bảo gắn quy hoạch phát triển vùng
nguyên liệu với quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến.

Chủ rừng là tổ chức phải lập dự án đầu tư phát triển khu rừng, đối với rừng sản xuất là
rừng tự nhiên phải có phương án điều chế rừng trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân phải xây dựng kế hoạch quản lý
và sản xuất đối với khu rừng được giao, được thuê và tổ chức thực hiện.

b) Nhà nước có chính sách hỗ trợ cây giống, vật tư và kỹ thuật cho việc đầu tư trồng rừng
gỗ lớn, quý, hiếm; xây dựng rừng giống; hỗ trợ cải tạo và làm giàu rừng sản xuất là rừng
tự nhiên nghèo, hỗ trợ bảo vệ những khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa đến kỳ khai
thác; triển khai ứng dụng công nghệ mới. Chủ rừng, chủ dự án phải xây dựng dự án đầu
tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thì dự án đó mới được Nhà nước hỗ trợ đầu tư.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư phát triển
rừng sản xuất; đề xuất chương trình, dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu tập trung; chính
sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, quý hiếm; chính sách khôi phục, phát triển và làm
giàu rừng tự nhiên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành; hướng dẫn, kiểm tra
việc xây dựng và thực hiện phương án điều chế rừng của các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương.

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hướng đầu tư, phát triển rừng sản xuất trên địa bàn;
vận dụng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, hộ gia
đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đầu tư, phát triển rừng sản xuất.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hướng dẫn lập và thực hiện
phương án điều chế rừng của các chủ rừng là tổ chức kinh tế tại địa phương, tổng hợp
báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Xây dựng rừng giống, vườn giống cây lâm nghiệp:

a) Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống rừng giống, vườn giống cây lâm
nghiệp đảm bảo cung ứng đủ giống đạt tiêu chuẩn cho trồng rừng.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ: quy hoạch và chỉ đạo việc xây
dựng hệ thống rừng giống; tổ chức việc bình tuyển, công nhận vườn giống cây lâm
nghiệp.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức việc bình tuyển và công nhận cây mẹ,
cây đầu dòng và rừng giống trên địa bàn tỉnh.

d) Nhà nước đầu tư cho việc xây dựng hệ thống rừng giống, vườn giống cây lâm nghiệp;
có chính sách khuyến khích lưu giữ cây mẹ, cây đầu dòng, sử dụng cây bản địa, cây quý
hiếm.
5. Xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển rừng:

a) Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế -xã hội ở nông
thôn miền núi gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng
trong vùng rừng nguyên liệu, bao gồm hệ thống giao thông thuỷ, bộ, bãi bến và điện lưới
quốc gia.

b) Trong quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, trong các dự án trồng rừng nguyên liệu
phải xác định rõ các công trình về cơ sở hạ tầng quy định trong điểm a khoản 5 Điều này.
Cấp phê duyệt quy hoạch, dự án phải đưa việc xây dựng cơ sở hạ tầng vào kế hoạch hàng
năm và tổ chức thực hiện.

Điều 52. Khai thác lâm sản

1. Đối với rừng phòng hộ:

a) Các hoạt động khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ phải đảm bảo nguyên tắc duy trì
và phát triển khả năng phòng hộ của khu rừng; việc khai thác lâm sản trong rừng phòng
hộ chỉ là kết hợp nhằm đảm bảo lợi ích cho người lao động sống tại chỗ gắn bó với rừng,
tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

b) Việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ phải có kế hoạch, phương án được cấp có
thẩm quyền phê duyệt. Việc săn, bắt động vật rừng thông thường phải thực hiện theo quy
định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 46 Nghị định này.

c) Thủ tục, biện pháp kỹ thuật khai thác thực vật rừng; săn, bắt động vật rừng phải tuân
theo quy chế quản lý rừng của Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Đối với rừng đặc dụng:

a) Các hoạt động khai thác trong rừng đặc dụng phải đảm bảo chức năng bảo tồn, duy trì
và phát triển sự đa dạng sinh học của rừng, đảm bảo môi trường sống của các loài thực
vật rừng, động vật rừng đặc hữu, quý hiếm; loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị
cao về khoa học, giáo dục, du lịch và kinh tế; bảo tồn cảnh quan để khai thác các giá trị
thẩm mỹ, văn hoá, khoa học, lịch sử và môi trường.

b) Được khai thác, thu dọn, làm vệ sinh những cây gỗ đã chết, cây gẫy đổ, thực vật rừng
ngoài gỗ tại khu vực dịch vụ hành chính của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên,
trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

c) Được phép khai thác lâm sản để phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, đào tạo
nghề về lâm nghiệp trong các khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học theo kế hoạch
nghiên cứu đào tạo của tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo,
dạy nghề về lâm nghiệp được nhà nước giao rừng.

d) Thủ tục, biện pháp kỹ thuật khai thác phải tuân theo quy chế quản lý rừng của Thủ
tướng Chính phủ, theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.

3. Đối với rừng sản xuất:

a) Việc khai thác lâm sản trong rừng tự nhiên và rừng trồng thực hiện theo quy định tại
Điều 56 và Điều 57 Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

b) Việc khai thác lâm sản trong rừng tự nhiên phải đảm bảo nguyên tắc duy trì sự phát
triển bền vững của khu rừng; lượng khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng về
trữ lượng của rừng.

c) Điều kiện rừng được khai thác; sản phẩm được khai thác; trình tự, thủ tục khai thác;
biện pháp kỹ thuật khai thác phải tuân theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại quy
chế quản lý các loại rừng, theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.

d) Việc khai thác gỗ rừng trồng là các loài cây quý, hiếm thực hiện theo quy định của
Thủ tướng Chính phủ về danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ
quản lý, bảo vệ và theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 53. Sản xuất nông lâm kết hợp

1. Việc sản xuất nông lâm kết hợp chỉ được áp dụng trong rừng phòng hộ và rừng sản
xuất nhưng phải tuân theo quy trình, quy phạm kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.

2. Đối với rừng phòng hộ: được trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu và sản xuất
ngư nghiệp trên đất rừng nhưng không được làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của
rừng.

3. Đối với rừng sản xuất:

a) Rừng sản xuất là rừng tự nhiên được trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu dưới
tán rừng nhưng không làm suy giảm rừng tự nhiên và không ảnh hưởng đến mục đích
kinh doanh lâm sản của khu rừng.

b) Rừng sản xuất là rừng trồng: được sử dụng không quá 30% diện tích đất chưa có rừng
để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp; được trồng xen cây nông nghiệp, cây dược
liệu trên đất rừng nhưng không làm ảnh hưởng đến mục đích kinh doanh lâm sản của khu
rừng.

4. Việc chọn giống cây trồng xen phải tuân theo các quy định của pháp luật về giống cây
trồng, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thuỷ sản và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.

Điều 54. Nghiên cứu khoa học trong rừng

1. Đối với chủ rừng là Ban quản lý khu rừng đặc dụng khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu
khoa học:

a) Hàng năm, Ban quản lý khu rừng đặc dụng phải lập kế hoạch nghiên cứu khoa học
hoặc phối hợp với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước để xây dựng chương trình,
dự án nghiên cứu khoa học ngắn hạn và dài hạn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Kết quả nghiên cứu khoa học phải được báo cáo định kỳ hàng năm lên cơ quan quản lý
cấp trên và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các chương trình nghiên cứu khoa
học khi kết thúc phải được tổng kết và bàn giao thành quả để ứng dụng.

2. Đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có các hoạt động về thực hành,
thực tập, thực hiện các chuyên đề, đề tài nghiên cứu khoa học trong rừng phải thực hiện
các quy định sau:

a) Tổ chức, cá nhân trong nước có nhu cầu về nghiên cứu, giảng dạy hoặc thực tập trong
khu rừng phải được sự đồng ý của chủ rừng bằng văn bản.

b) Tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu
khoa học hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân trong nước nghiên cứu khoa học trong các
khu rừng phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép trên cơ sở dự án
hoặc các thoả thuận hợp tác khoa học đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, phải tuân theo sự hướng dẫn, kiểm
tra của chủ rừng; trường hợp nghiên cứu khoa học trong khu rừng đặc dụng chỉ được thực
hiện theo phương pháp quan sát, ghi chép, quay phim, chụp ảnh, không được gây ảnh
hưởng đến tính nguyên vẹn của hệ sinh thái, không được thu hái mẫu vật trái phép.

d) Sau mỗi đợt nghiên cứu, chậm nhất là hai (2) tuần, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt
động nghiên cứu khoa học phải gửi báo cáo về các hoạt động trong rừng và mức độ ảnh
hưởng đến rừng. Sau khi công bố kết quả nghiên cứu chậm nhất hai (2) tháng phải báo
cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát điều tra cho cơ quan cấp phép và chủ rừng.

đ) Việc sưu tầm mẫu vật hay trao đổi mẫu vật tại các khu rừng đặc dụng với bất kỳ mục
đích gì đều phải được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; được chủ rừng
hướng dẫn, kiểm tra xác nhận, phải nộp thuế tài nguyên và các khoản chi phí khác theo
quy định.

Trường hợp đưa mẫu vật ra nước ngoài phải được Văn phòng CITES Việt Nam cấp phép.

e) Tổ chức, cá nhân khi nghiên cứu khoa học trong rừng phải trả tiền thuê hiện trường,
mẫu vật và phải thanh toán các khoản chi phí dịch vụ theo quy định đồng thời phải tuân
theo sự hướng dẫn và nội quy, quy định về bảo vệ rừng của chủ rừng.

3. Chủ rừng phải cử người hướng dẫn, kiểm tra giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện
các quy định nêu trên khi tiến hành chuyên đề, đề tài nghiên cứu khoa học trong khu
rừng.

Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm một trong các quy định trên, chủ rừng phải lập biên bản,
tạm đình chỉ, không cho phép tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có
thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 55. Kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong rừng

1. Chủ rừng được tự tổ chức hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê, nhận khoán
rừng và môi trường rừng để kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong
rừng và phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

a) Không gây ảnh hưởng xấu đến mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi
trường và tác dụng phòng hộ của khu rừng.

b) Không được xây dựng các công trình phục vụ du lịch ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt,
phân khu phục hồi sinh thái trong rừng đặc dụng.

c) Phải đảm bảo an toàn và tuân theo sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Ban quản lý
khu rừng.

d) Tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân sống trong khu rừng tham gia các hoạt
động dịch vụ du lịch.

2. Tổ chức hoạt động kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong rừng.

Chủ rừng phải lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện
theo đúng dự án đã được phê duyệt; trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của
Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Chủ rừng tự quyết định đầu tư và
tự chịu trách nhiệm đối với các dự án sử dụng nguồn vốn khác.
Điều 56. Quy định mức thu tiền dịch vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan du
lịch trong khu rừng

1. Mức thu phí tham quan du lịch thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

2. Mức thu tiền dịch vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch thực
hiện theo hợp đồng thoả thuận giữa chủ rừng với tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu
khoa học và tham quan du lịch trong rừng.

3. Việc quản lý và sử dụng tiền thu được từ hoạt động dịch vụ nghiên cứu khoa học, tổ
chức tham quan du lịch đối với tổ chức sự nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ
về chế độ tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp.

4. Việc quản lý và sử dụng tiền thu được từ hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức tham
quan du lịch và dịch vụ trong rừng sản xuất của các tổ chức kinh tế được thực hiện theo
pháp luật hiện hành.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 57. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo việc
tổ chức tuyên truyền giáo dục Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở tất cả các cấp, các ngành,
trong cán bộ và nhân dân nhằm làm chuyển biến nhận thức, yêu cầu cấp bách và ý nghĩa
quan trọng về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa
phương có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng cho nhân dân.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch đưa nội dung Luật Bảo vệ và phát triển rừng vào
chương trình giảng dạy của các trường ở mọi cấp học.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân các
cấp có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
bảo vệ và phát triển rừng trong ngành, đoàn thể, tổ chức, địa phương mình.

Điều 58. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi
trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định cụ thể diện
tích, phạm vi ranh giới các loại rừng và đất lâm nghiệp trong cả nước và ở từng địa
phương để có kế hoạch phân cấp trách nhiệm quản lý rừng và tổ chức việc giao rừng, cho
thuê rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, kinh doanh theo quy hoạch, kế
hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng dự án đầu
tư, chi phí quản lý cho các hoạt động về bảo vệ và phát triển rừng.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát các văn
bản quy phạm pháp luật do Bộ, cơ quan mình ban hành, nếu trái với quy định của Luật
Bảo vệ và phát triển rừng, trái với quy định của Nghị định này và các nghị định khác về
thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản đó.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thuộc Chính phủ rà soát
các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan này ban hành, trường hợp có những quy
định trái với Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành Luật thì Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ
quan có thẩm quyền khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản đó.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn
phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm
pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ ban hành.

5. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện Luật Bảo vệ và phát
triển rừng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và tổ chức thực
hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.

Điều 59. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bãi bỏ Nghị định số 17/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng
hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 và các quy định khác trái
với quy định của Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Phan Văn Khải đã ký

You might also like