You are on page 1of 10

Chuyện cổ tích rừng U Minh:

Kỳ 1: Hậu duệ bác Ba Phi


Đó là những câu chuyện có thật với những nhân vật huyền thoại ở vùng rừng U Minh như bác Ba
Phi "nói dóc bà cố", ông thầy "điều rắn, khiển rít", ông thợ săn hổ lừng danh... Có người đã về với
tiên tổ, có người còn lặng lẽ sống, nhưng tiếng vang của họ vẫn lắng sâu trong tâm trí nhiều người
dân Nam bộ.

"Đi tìm con cháu bác Ba Phi hả? Muốn nghe nói chuyện dóc bà cố luôn chứ gì? Ông đi có mình ên bị người
ta đổ rượu chịu sao thấu", tay lái vỏ lãi ở hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) nhìn tôi cười ngang
tàng, rồi ghìm chân vịt xả hết tốc lực vào cánh rừng tràm.

Hình bóng người xưa

Vỏ lãi tấp vô mé sông ngay trước cửa nhà ông già đệ nhất trào phúng đất Nam bộ: bác Ba Phi, tức nghệ
nhân Nguyễn Long Phi (1884-1964). Căn nhà không có cửa, tấm hình lớn của ông treo trên bàn thờ chính.
Tính khí phóng khoáng, vui vẻ của bác Ba Phi như hiện rõ trên vầng trán vuông vức, đôi lông mày rậm và
ánh mắt nhìn thẳng sáng rực.

Tôi vừa cắm xong nén nhang lên bàn thờ bác Ba Phi thì những người cháu của ông đang sống ở nhà kế
bên cũng vừa sang. Cô cháu nội Tư Lệ nhìn tôi lom lom hỏi: "Mưa gió ngập trời, vịt bầu còn rúc đầu trong
cánh ngủ. Cậu mần chi mà xuống miệt rừng rú này cho khổ thân dữ? Thôi chị em mình sơ giao làm lết lết
vài xị với cá lóc nướng cho ấm bụng rồi muốn hỏi chi thì hỏi". Tôi xin ra thăm mộ bác Ba Phi trước. Nước
nổi lênh láng. Mọi người phải xắn quần lội ruộng ra chòm mộ xây sau nhà.

Dưới tán cây xanh um tùm, mộ ông nằm chính giữa. Cùng hướng đầu về phía mặt trời lặn với ông là người
vợ đầu tiên, cô Ba Lữ yên nghỉ ở bên trái, và người vợ thứ tên Chăm, dân tộc Khơme, ở bên phải. Cả ba
mộ đều xây ximăng thô đơn giản. Cô Tư Lệ nói hầu như năm nào những người phương xa cũng tìm về đây
thăm mộ ông, trong đó có cả người ăn dầm nằm dề ở đây để viết luận án cử nhân, tiến sĩ về ông... Lúc
chúng tôi quay vào nhà, con cô Tư Lệ đã nướng xong cá lóc thơm lừng. Mấy cháu chắt của bác Ba Phi vừa
đi ruộng về cũng xắn quần nhào lên phản gỗ nhậu tơi bời. Họ là hậu duệ đời thứ ba, thứ tư của ông già
Nam bộ.

"Người đời biết nhiều về ông nội tui, nhưng đa số đều tam sao thất bổn. Ngay cả những câu chuyện trào
phúng của ông cũng bị cải biên nhiều", cô cháu Tư Lệ năm nay vừa tròn 50 tuổi ngồi tiếp cá nướng, tâm sự
về ông nội mình. Theo cô, bác Ba Phi không phải dân gốc U Minh mà sinh năm 1884 ở Đồng Tháp, rồi
phiêu dạt qua trên con đường đi mần thuê vì nhà quá nghèo. Bận thanh niên, ông làm tá điền cho hương
quản Tế. Thấy chàng lực điền cao lớn, râu ria khỏe mạnh, siêng năng, lại thêm tính tình vui nhộn, hương
quản Tế hứa gả cô con gái cưng Ba Lữ với điều kiện ông phải ở rể trước khi cưới ba năm. Anh tá điền gật
đầu cái rụp.

Ba năm vèo trôi qua theo mấy mùa ong rừng hút hoa tràm cho mật ngọt. Vợ chồng khai phá thêm được
mảnh đất U Minh Hạ, bây giờ là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Khi bác Ba Phi mất,
năng khiếu nói chuyện tiếu lâm và tính cách dường như vẫn truyền lại cho thế hệ sau, không chỉ là con
cháu, mà còn "lây" sang cả những nông dân chân chất vùng Khánh Hải. Từ đó, chuyện bác Ba Phi được cải
biên muôn màu muôn vẻ.

Cười để vui sống

Hầu hết gia cảnh con cháu bác Ba Phi đều vẫn đạm bạc như hơn nửa thế kỷ trước. Mà hình như họ cũng
không mấy băn khoăn chuyện này. Cô Tư Lệ tuổi đã 50 mà trẻ như người chưa tới 40. Người chồng lớn
hơn hai tuổi trông dáng dấp cũng như thanh niên. Chú Tư uống rượu cái ực, chuyển ly qua tôi rồi cười sảng
khoái nói: "Vui vẻ thì quên lo. Ông nội tui xưa cũng vậy. Thiên nhiên khắc nghiệt, rồi chiến tranh, đói kém.
Nếu không biết cười thì làm sao sống nổi miệt rừng rú này".

Con cháu của bác Ba Phi bây giờ không ai dám nhận mình kế thừa số một khiếu tiếu lâm nổi tiếng của ông
già Nam bộ ngày xưa. Nhưng trong bàn nhậu, ai cũng có cả mớ vốn chuyện dông dài để làm "nổ tung" cuộc
hàn huyên. Trong đó chú Năm Danh, cháu lớn bác Ba Phi, được ngưỡng mộ hơn cả. Chú ở cách nhà cô
Tư Lệ lô đất. Chúng tôi mới xoay vòng mấy ly thì thấy chú lò dò đội mưa sang. Cô Tư Lệ chọc liền: "Ủa, anh
Năm đánh hơi nhanh hén?". Chú Năm Danh "nổ" lại: "Tại bay chứ ai. Nhậu mà hổng chịu uống nhanh, để ly
ra đó cho rượu bay hơi qua tận nhà tao. Đang ngủ pho pho, tao phải hắt hơi liền ba cái đành lồm cồm bò
dậy, đi ngó coi đứa nào lén đổ rượu mà không chịu mời ông già này".

1
Khiếu của chú Năm Danh là biết cải biên chuyện bác Ba Phi xưa thành chuyện hài thời sự. Đang mùa dịch
cúm, chú "nổ" liền chuyện: "Bầy gà nhà tui toi hết, chỉ còn mỗi con gà trống độc thân. Nó buồn quá bèn đi
đêm với con cúm núm và đẻ ra một con đực nửa gà nửa chim. Con này có biệt tài hễ thấy bóng mấy ông
kiểm dịch mò đến, là bay tót lên ngọn cây hót líu lo như chim. Mấy ổng vừa khuất bóng, nó lại mò xuống lủi
đi tìm gà mái".

Lứa chắt bác Ba Phi giờ chỉ rành chuyện cười của ông cố qua lời kể và sách vở. Nhưng một số người cũng
còn kế thừa chút khiếu tiếu lâm. Trong đó, Nguyễn Minh Quân, con trai đầu cô Tư Lệ, hồi còn đi học đã
nhiều lần quậy cười "nổ tung" cả lớp. Quân đi lao động Malaysia, bạn bè tình cờ biết là chắt bác Ba Phi,
đêm đêm cứ bắt anh chế chuyện dóc cho đỡ buồn ở xứ người. Cô Tư Lệ thắp nhang lên bàn thờ bác Ba
Phi rồi khấn vái: "Ông nội ơi ông nội! Ông linh thiêng phù hộ cho thằng chắt Quân nói dóc có duyên, để con
gái người sớm ưng mà sinh chít nối nòi dóc bà cố của ông nội nữa!".

Một số câu chuyện của bác Ba Phi

Nếp dẻo

Gần tết năm đó, hai vợ chồng tôi quết bánh phồng thứ nếp dẻo của đất U Minh. Do tôi bổ mạnh tay,
bột nếp văng lên xà nhà. Con chó mực thấy vậy liền nhảy lên táp miếng bột. Tức thì cái miệng của nó
bị dính trong miếng bột ấy, toàn thân nó treo lên xà nhà như cá mắc câu. Nó la hoảng và giãy rất dữ.
Cuối cùng nó rơi xuống đất nghe một cái bịch. Coi kỹ lại cái đầu của nó còn dính lại trên xà nhà.

Cọp xay lúa

Đêm hôm đó lúc tôi đang xay lúa, bỗng nghe hơi cọp, liền biết "ông thầy" đang rình bên ngoài. Nhờ
biết trước, tôi vừa xay lúa vừa thủ thế. Quả nhiên, trong chớp mắt cọp nhào vô chụp tôi. Tôi liền né
sang bên. Cọp lỡ đà vướng hai chân trước vào giằng xay. Thế là nó sa đà theo vòng quay của cái cối
đang xay. Thấy vậy, tôi hối bả xúc lúa đổ vào cối. Đợi cho tới lúc cọp xay hết 20 giạ lúa, tôi liền hét
lên một tiếng thật to: "Cọp"! Nó hoảng quá, đâm đầu chạy tuốt ra rừng. Từ đó về sau cọp bỏ tật bắt
người ăn thịt.

Những người cháu bên bàn thờ bác


Kỳ 2: "Lão dị nhân" đất rừng
“Lão trông rất cổ quái. Tóc bạc trắng cứ dựng đứng lên. Mắt đỏ khè như mắt rắn. Hai chân cụt tới
đầu gối. Bàn tay cũng dị tật, ngón có ngón không. Nhưng tài trị rắn thì số một miệt U Minh”.

Tôi được nghe nhiều người truyền tụng về thầy rắn Chín Lẻo ở U Minh (Cà Mau) như thế. Nhưng khi gặp,
khác hẳn bề ngoài dễ làm con nít khóc thét, ông cứ cười khà khà: “Bộ dạng tui phải quái thì mới trị rắn độc
được chứ”.

Tầm sư học thuốc

Suốt cả đêm mất ngủ để hút nọc và bó thuốc cho nạn nhân vừa bị rắn cắn nên mắt ông Chín Lẻo đã đỏ ngó
càng đỏ dữ hơn. Ông mệt lử, ngồi đừ trên giường, kêu tôi thắp giúp nén nhang lên bàn thờ tổ trước, rồi trò
chuyện sau. Ông rít thuốc, tâm sự: “Đời nay, thiên hạ đua nhau săn lùng rắn quá. Không nấu mồi ăn nhậu
thì cũng ngâm làm rượu thuốc nên rắn càng lúc càng độc hơn để trả thù con người”.

Vợ chồng ông Chín Lẻo lúc nào cũng chuẩn bị sẵn thuốc rắn để cứu người Ông Chín Lẻo nói, ngay từ lúc mới
học nghề thuốc, đã được thầy dạy: “Không được ỷ có tài thuốc mà tàn sát rắn để chúng thù mình thì thế
nào cũng đoản hậu”. “Lão dị nhân” tên thật là Lê Văn Lẻo, đời người đã trải qua 70 mùa rừng U Minh thay
lá, thấy nhiều chuyện thế thái nhân tình buồn quá nên tóc bạc sớm. Riêng tật trên người thì có cái do cha
sinh mẹ đẻ, có cái do bị bom napan hồi chiến tranh. Ông nói tổ tiên ông là người gốc Bắc theo nghĩa quân
nhà Tây Sơn, khi triều đại ngắn ngủi này bị Nguyễn Ánh trả thù, họ phải đổi tên họ, chạy lánh nạn vào tận
miệt rừng thiêng nước độc U Minh.

Ông Chín Lẻo kể được cha mẹ cho theo thầy Út Chuẩn học thuốc trị rắn từ năm 9 tuổi. Thầy Út Chuẩn cũng
là người Cà Mau, được các thầy tu núi Thất Sơn truyền thuốc từ hồi ông còn trai trẻ bôn ba kiếm sống bên
miệt đó. Khi bái sư, các thầy tu núi Thất Sơn bắt đệ tử phải đốt nhang thề: “Cứu người không cầu danh lợi,
không mong được đền ơn đáp nghĩa, không sợ nguy hiểm tính mạng mình”.

Xuống núi cứu người, thầy Út Chuẩn cũng rất kén đệ tử. Ông Chín Lẻo cũng quyết tâm lắm mới được thầy
đồng ý nhận làm đệ tử. Không nói ra, nhưng hình như thầy nhận thấy tính tình thật thà, hiền lành ẩn trong
bề ngoài quái dị của ông. Hôm làm lễ bái sư, thầy dặn: “Rắn là loài vật âm linh. Người trị được rắn đừng
cậy tài mà sa đà bắt rắn ăn nhậu hay mua bán kiếm tiền”.

Ông Chín Lẻo nói ông không chỉ bị thầy thử mà chính các loài rắn độc cũng thử tài. Mai gầm, hổ đất, hổ
mang mấy lần đang đêm bò vô tận giường mổ. Chụp ngang cổ nó, ông bỏ vô lồng đặt trước bàn thờ tổ, rồi
mới tự đắp thuốc chữa trị cho mình. Khi độc tiêu hết, ông thả con rắn ra rồi quát: “Tha mạng cho mày lần
này. Từ giờ về sau mày đừng ỷ có nọc mà hại người nữa”. Con rắn ngóc đầu như lạy ông, rồi lầm lũi bò đi
mất.

Nghiệp cứu người

3
Chiều trước hôm tôi đến, anh Út ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đi nhổ mạ, bị một con hổ đất mổ ngay
bàn tay. Rắn quá độc, người nhà sợ chuyển lên bệnh viện lớn không kịp nên đến nhờ thầy Chín Lẻo. Họ chỉ
biết là rắn hổ nhưng không rõ loài hổ gì. Ông nhìn qua vết cắn và triệu chứng sưng phù trên người anh Út,
đó là loài hổ đất cực độc. Ông bắt anh Út nằm im, rồi dùng răng con “xà dinh” được thầy Út Chuẩn truyền lại
(theo cách gọi của thầy Chín Lẻo là một loài linh vật như mèo rừng trước đây sống ở vùng núi Cấm, An
Giang, bây giờ không rõ còn không) áp vào vết cắn hút nọc gần sáu giờ liền.

Xong ông bắt con nhái bầu, kiến vàng, vỏ cây chanh, củ khoai báng, cây xương khô, mật ong và một số vị
thuốc bí truyền khác giã nát cho nạn nhân uống. Đến tờ mờ sáng nạn nhân đỡ đau nhức, đàm ở họng cũng
tiêu bớt. Ông nói với loài rắn bình thường chỉ cần như vậy là đủ. Nhưng với hổ đất thì nạn nhân còn phải
vừa hút nọc vừa uống thêm thuốc mấy lần nữa mới dứt hẳn.

"Những bận trời động, gió mưa


lạnh lẽo, rắn rết bò vô nhà cuộn
tròn dưới gầm giường ngủ
chung với người như gà. Dân U
Minh phải biết "sống chung" với
rắn, nếu không thì khó trụ được
ở miệt đất này".
Một đời làm thuốc rắn cứu người, danh sách bệnh nhân của ông Chín
Lẻo đến nay có lẽ phải viết ra mấy cuốn vở học sinh mới hết. Ông kể mới hôm rồi ông Hai Thọ, cán bộ Lâm
trường 30-4, phát cành chuối khô bị rắn hổ bướm mổ ngay cổ tay phun máu
thành tia. Tuy nhiên, Hai Thọ vẫn bình tĩnh chặt đứt đôi con rắn, cầm khúc đầu
chạy cầu cứu thầy Chín Lẻo. Ông ngó qua con rắn chỉ bự bằng cẳng cái nhưng
đang có chửa nên rất độc, khen Hai Thọ bình tĩnh như vậy là giỏi.

Người bị rắn cắn nếu đem được xác rắn về hay biết chính xác loại rắn cắn mình
thì dễ chữa trị hơn. Ông Chín Lẻo dùng răng con “xà dinh” hút nọc cho Hai Thọ
gần cả ngày và sắc thuốc bí truyền cho uống. Ngày đầu tiên Hai Thọ còn đau
đớn, nhưng khoảng một tuần sau thì giảm hẳn, tay cũng không bị hoại tử. Một
người đặc biệt cũng đội ơn ông đã cứu mạng nữa là Hai Tòng, nguyên chủ tịch
UBND huyện U Minh và giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội tỉnh Cà
Mau. Ban đêm ông ra ngoài nhà bị rắn hổ đất nằm ngay trước sân mổ trúng,
người nhà đưa đến cầu cứu thầy Chín Lẻo trong tình trạng đã nguy kịch. Ông
phải hút nọc mấy lần vừa chế thuốc cho uống liên tục, Hai Tòng mới thoát chết.

Ông Chín Lẻo kể đời mình đã giải nọc đủ loại rắn độc miệt đất rừng U Minh, kể Thầy rắn Chín Lẻo
cả nhiều lần phải trị nọc rắn mái gầm, đẻn biển cực độc: “Tui chữa trị những
người tự tìm đến và không lấy tiền, nhưng đôi khi cũng buồn lắm. Họ sống thì đội ơn mình. Còn lỡ họ chết
thì cũng bị tiếng oán chửi ngập đầu”. Đã phát tâm thề trước thầy tổ nên ông không bao giờ từ chối trước
sinh mạng con người, chỉ có điều duy nhất ông ngại là phải chữa trị cho những người chuyên làm nghề bắt
rắn, bán rắn. Có thể cứu họ được một lần, hai lần nhưng lần sau chưa chắc đã qua khỏi. Ông tin rắn là loài
vật biết oán thù.

Ông Chín Lẻo có con cháu đầy nhà nhưng chưa người nào quyết tâm theo nghiệp cha. Ông cũng chẳng
buồn vì tin nghề chữa rắn là nghiệp định. Khi nó đến với mình, có muốn từ chối cũng không được.
Người săn hổ cuối cùng
Ở rừng U Minh ngày nay vẫn thường nghe kể chuyện những thợ săn huyền thoại ở miệt "xuống
sông sấu bắt, lên rừng cọp tha" này. Nhiều người trong họ nay đã gối đầu về với tiên tổ. Nhưng vẫn
còn một thợ săn hổ lừng danh ngày nào đang lặng lẽ sống ẩn dật với bao kỷ niệm rừng thiêng nước
độc U Minh khó quên.

Tìm lại huyền thoại

Từ thành phố Cà Mau, tôi tìm về Hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời. Những người trẻ chạy xe ôm ở đây
đều lắc đầu khi nghe tôi hỏi thăm ông Tám thợ săn. Thời họ sinh ra, rừng U Minh đã cạn kiệt lắm rồi. Bất
ngờ một lão nông đang lưới cá ven sông hỏi lại: "Tìm ông Tám Ảnh đánh hổ hả? Nhà ổng ở miệt dưới xã
Khánh Bình Tây. Ở đây, phải hỏi ông đánh hổ người ta mới biết, chứ hỏi thợ săn thì nhiều lắm".

4
Ông Tám Ảnh vẫn luôn nhớ thời U Minh "xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp
tha" Nhà ông Tám Ảnh nằm cặp con kênh
đào. Ông Tám Ảnh đang đi lấy nước, hai tay xách nhẹ nhàng hai xô 20 lít. Nếu ông không tự giới thiệu, có
lẽ hiếm ai tin nổi ông đã 83 tuổi. Nghe tôi hỏi chuyện săn hổ, ông cười khà khà: "Ờ, thì hồi đó rừng U Minh
vẫn còn hổ. Mình ở giữa rừng đụng nó, nếu không hạ nó thì nó cũng vồ mình".

Ông tên thật là Tạ Văn Ảnh, được bà mụ cắt rốn chôn nhau ở huyện Ngọc Hiển. Thời trai tráng, ông đã lang
bạt khắp rừng U Minh Hạ, U Minh Thượng trước khi về định cư ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Ông không chắc cụ cố mình có làm nghề thợ săn không, nhưng từ đời ông nội đến đời ông đều sống nhờ
rừng. Tía ông từng là một thợ săn nổi tiếng ở cả miệt đất rừng U Minh.

Ông Tám Ảnh mới 11 tuổi đã được tía tập tành cho theo săn. Tía bắt ông dầm nước đìa lạnh buổi sáng,
phơi lưng trần buổi trưa để chịu đựng thiên nhiên khắc nghiệt. Tía dạy ông cách sử dụng giáo nhọn và các
đường roi chiến đấu với thú dữ trong rừng.

Những lần đi săn, tía cũng dẫn ông đi theo học cách nhận biết dấu hiệu các loài thú và bí quyết đặt bẫy. 16
tuổi, Tám Ảnh đã trở thành một thợ săn thiện nghệ. Tuổi tác tía ông dần xế bóng, ít đi săn dần. Tám Ảnh bắt
đầu thay cha lo cho gia đình.

Thuở Tám Ảnh còn trai tráng, rừng U Minh Hạ vẫn còn nhiều thú vô kể. Ông một mình một giáo bịt đầu thép
dài 1,5 m với đàn chó sáu con lang thang trong rừng, cả xóm có thịt ăn. Nhiều bạn săn lớn tuổi, già nghề
hơn cũng phải trọng Tám Ảnh. Ông không chỉ có nhiều ngón nghề săn bắt độc, mà còn khét tiếng gan lỳ
dám đánh hạ cả hổ.

Tám Ảnh không cố tình săn hổ. Cũng như nhiều người sống nhờ rừng khác, ông tin rừng thiêng nước độc
luôn có chủ nhân của rừng núi. Và hổ lại là "chúa sơn lâm", thợ săn nên tránh nó nếu không cần thiết. Tuy
nhiên, nghiệp ngày đêm lần mò trong rừng khiến ông không thể giữ được kiêng kỵ này.

"Nhiều đêm tui vẫn nằm mơ…"

Một buổi chiều, ông và tía thu bẫy bắt được con heo rừng. Hai tía con đang lom khom chuẩn bị xuống
xuồng về nhà thì nghe một tiếng gầm ngay sau lưng. "Đụng ông hổ rồi!", tía ông la lên.

Tám Ảnh chưa chạm trán hổ lần nào, nhưng vẫn bình tĩnh xoay người lại, hai tay thủ chắc cây giáo để tía
xuống xuồng trước. Con hổ bự hơn ba giạ lúa ngồi chồm chồm cách chỉ mấy mét. Mắt nó long lên dữ tợn.

Trong đầu Tám Ảnh văng vẳng lời tía từng dạy: "Đụng hổ phải bình tĩnh mới giữ mạng được. Phải ngó đuôi
nó, nếu nó đập đuôi là chuẩn bị vồ. Nó đập đuôi qua trái thì sẽ nhảy sang phải, nếu đập đuôi bên phải thì sẽ
nhảy bên trái. Mình phải nhảy ngược lại, mới tránh được cú vồ của nó”.

Những mạch máu trong người Tám Ảnh căng lên. Lúc này, tía ông cũng đã lấy được mái dầm dưới xuồng

5
lên phụ với cây giáo nhọn của con. Bất ngờ, con hổ rùng người đập đuôi sang trái. Tám Ảnh cũng vừa nhảy
lách sang trái thì bóng con hổ đã lao ụp tới.

Không kịp đâm nữa, Tám Ảnh xoay hông, dùng hết sức đánh đòn giáo phạt ngang như đốn cây mà tía đã
từng truyền dạy. Thân cây giáo bằng gỗ quí, bự hơn nửa cổ tay Tám Ảnh lia trúng ngay cổ con hổ. Bị dính
đòn hiểm, nó đau đớn rơi phịch xuống đất.

Đàn chó săn nãy giờ thấy hổ chỉ đứng cúp đuôi, cũng nhao nhao nhào tới. Con hổ gầm lên, rồi phóng thẳng
vào rừng. Tía vỗ vai Tám Ảnh khen con và dặn dò: "Từ bận này, con đi rừng phải thiệt cẩn thận. Hổ nó biết
oán thù, thế nào cũng sẽ tìm con".

Đúng ba tháng sau, con hổ này quay lại tìm Tám Ảnh thật. Lần này, ông đi rừng một mình. Đang lom khom
đặt bẫy, ông ngửi thấy mùi khét. Biết có chuyện bất thường, ông xoay mặt lại hướng gió thì con hổ đã nhảy
vồ đến.

Bị bất ngờ, nhưng đã có kinh nghiệm từ lần trước, ông nhảy lách sang bên tránh kịp trong nháy mắt. Vuốt
hổ sượt qua, vồ dính cái nón ông đang đội trên đầu. Vuột mồi, con hổ cay cú nhảy vồ tiếp.

Lần này, Tám Ảnh quyết định dùng đòn hiểm để ăn thua đủ với con thú dữ này. Ông không thèm nhảy tránh
nữa, mà tự té ngửa ra, hai tay cầm chặt cán giáo đâm thẳng vào cổ con hổ đang nhào lên người ông.

Tiếng gầm khủng khiếp vang lên, một tia nước nóng gì đó phụt thẳng vào mặt Tám Ảnh. Trong nháy mắt, cổ
con hổ đã bị ngọn giáo đâm xuyên thấu. Nó lồng lên một hồi rồi mới chịu nằm bất động và tắt thở.

Tám Ảnh người đỏ máu hổ, kéo xác hổ xuống xuồng, chở về thẳng xóm. Ông cắt hết râu nó trước khi giao
cho dân làng xẻ thịt, vì các thợ săn đều tin rằng râu hổ có thể chế thành thuốc độc hại người.

Đời săn lang bạt trong các cánh rừng U Minh Hạ, U Minh Thượng của ông Tám Ảnh còn gặp hổ nhiều lần
nữa. Về sau ông Tám Ảnh đi bộ đội, bị ù tai vì thủy lôi, nhưng vẫn không từ bỏ hẳn những chuyến đi săn.

Là người cắt rốn chôn nhau ở rừng, ông tin chuyện linh thiêng ở rừng xanh. Ông đi săn chỉ vì miếng ăn
hằng ngày và chia cho bạn bè, hàng xóm nghèo khó, chứ dứt khoát không bao giờ bán lấy một đồng nào.

Mãi sau năm 1975, ông mới giã từ hẳn giáo, bẫy, ở nhà làm ruộng kiếm
sống. Bây giờ, ngồi ôn lại chuyện xưa, ông Tám Ảnh lưu luyến: "Nhiều
đêm tui vẫn nằm mơ thấy mình đang cùng đàn chó đi săn".

Ông có chín người con và đàn cháu đầy nhà. Nhưng không ai nối
nghiệp tía, vì luật lệ và cũng vì rừng U Minh bây giờ không còn nhiều thú
nữa. Những đêm trăng đẹp, gia đình quây quần trên manh chiếu trải
ngoài sân, ông Tám Ảnh lại kể cho con cháu nghe: "Ngày xưa, rừng U
Minh có một người săn hổ cuối cùng …".

Dây cám rừng ngày trước ông Tám


Ảnh dùng để câu sấu và trói hổ.

Kỳ 4: Thầy đìa miệt rừng


Tay lái cá đứng nhíu mày. Anh ta có kinh nghiệm dò cá để thầu đìa, nhưng chưa thật yên tâm với cái
giá thách của chủ đìa. Một thầy đìa ở xóm được mời đến, nhờ đoán giùm. Chỉ nhìn lướt qua mặt đìa,
thầy đìa thọc tay rờ rờ bờ đìa chìm dưới nước, rồi áp tai xuống đất, nín thở nghe ngóng.

Ngón nghề thầy đìa

Chưa đầy mươi giây, thầy đìa đã đứng lên bảo đảm đìa này đầy cá, thậm chí có nhiều cá bự. Ông nói nếu
đoán trật, lái bị lỗ, cứ qua đìa của ông chụp bù. Còn ông đoán trúng, chiều kiếm cho ông lít rượu đến nhậu
lết lết là được rồi.

6
Nghe tiếng động trên bờ đìa cũng biết cá nhiều ít Tay lái cá vỗ tay cái đét, rồi kêu cánh
lưới thuê: “Tụi bay xuống mần liền đi, chiều trúng cá tao đãi tất cả nhậu quắc cần câu”. Đám trai quê đen
nhẻm mặc quần xà lỏn nhào xuống đìa, dọn mấy nhánh chà khô và đám rong rêu. Một lát sau, cái lưới hai
lớp được kéo xuống. Tay lái cá ngồi nhìn lom lom, chờ kết quả. Còn thầy đìa phì phà thuốc rê… chờ nhậu.
Chưa đầy hai giờ sau, gần 400kg cá được kéo lên. Nhiều con cá lóc bự bằng bắp vế, đen trùi trũi. Tay lái cá
cười khoan khoái vì thầu trúng đìa. Mâm rượu đầy ắp cá lóc nướng trui thơm nức mũi. Thầy đìa được mời
bộ lòng cá ngon nhất, chép chép miệng khoái chí: “Sắp nhỏ phục sát đất ngón nghề ông già này chưa! Bận
sau, tụi bay bịt mắt tao cũng đoán trúng cho mà coi”.

Miệt rừng U Minh bây giờ không nhiều cá mú như xưa, nhưng vẫn còn những người cao tay nghề cá được
người dân gọi là thầy đìa. Những ngày lang thang ở đây, tôi được ông Sáu Sử, giám đốc Lâm trường U
Minh 2, giới thiệu thầy đìa Nguyễn Văn Điệt ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau: “Gã này tài thiệt à
nghen. Hồi xưa gã bắt cá thần sầu, bây giờ được bầu làm trưởng tập đoàn 19-5 nuôi hơn 500ha cá đồng
dưới tán rừng”.

Leo lên vỏ lãi, tôi lần mò đi tìm thầy đìa Năm Điệt. Tưởng còn trẻ, hóa ra ông cũng đã ngoài 60. Ông rót ly
rượu đế uống cái chóc, chép miệng kể ngoài nghe tiếng động, ông còn rành vụ sờ bờ đìa để đoán cá. Người
mù hay điếc cũng có thể sử dụng được ngón này. Nếu tay sờ vách đìa thấy láng thì biết có nhiều cá, vì bị
chật chội, cá bơi cạ mình vô vách đìa. Còn vách đìa có những vết lỗ rỗ đều, chắc chắn có nhiều cá lớn vì
chúng quậy dộng đầu vô bờ. Không ít người chưa rành nghề nhìn mặt nước đìa có cá hớp bóng dày cứ
tưởng nhiều cá, nhưng thật ra lại nhiều cá trắng, ít cá đen lớn, lái bao đìa rất dễ bị lỗ.

Ký ức về U Minh thuở khó khăn của thầy đìa Sáu Điệt là những ngày bắt cá ăn thay cơm. Bây giờ, ngồi bên
bìa rừng, nhớ lại U Minh một thuở cá lội lền sông, thầy đìa Năm Điệt vẫn hào hứng với những ngày sống
hoàn toàn phụ thuộc thiên nhiên. Dân miệt này có hàng trăm ngón nghề bắt cá tôm từ thông dụng cắm câu,
giăng lưới, đặt lờ, đặt trúm, chất chà, đóng đáy, đến những cách bắt cá đòi hỏi nhiều kinh nghiệm hơn như
đâm chĩa, giậm dấu, đào hầm cá nhảy, chặn ụ…

Thuở ấy, người dân U Minh nào vừa rành bí quyết dò cá vừa thạo các ngón bắt cá này, bảo đảm kiếm cá ăn
không hết mà phơi khô cũng không kịp. Thầy đìa Năm Điệt thời trai trẻ chỉ cần nhìn qua mặt nước sông cũng
biết cá nhiều ít. Bạn phương xa đến rủ lai rai, không kịp đào mồi giăng câu, thả lưới; ông chỉ lựa con nước
ròng đoán luồng cá đi để nhảy xuống sông giậm chân vài chục cái, rồi rít xong điếu thuốc nhảy xuống mò lại
ngay chỗ dấu chân đó cũng dư cá nhậu quắc cần câu.

Những thầy đìa cuối cùng

Thầy đìa Năm Điệt sinh ở rừng U Minh. Nhà có tám anh em đều rành rẽ nghề cá như thuộc lòng các ngón
tay. Đặc biệt, người em Sáu Tặng cũng “thần sầu” trong các ngón dò cá. Giống như người anh, ông có thể
không lại gần đìa mà đứng ngó từ xa cũng biết đìa ít hay nhiều cá. Sáu người con của ông Sáu Tặng tiếp nối
nghề cha, lấy tài bắt cá mưu sinh.

7
Thầy đìa Năm Điệt vào vùng cá nuôi ở U Minh Hạ Đất rừng U Minh bây giờ không còn
giàu cá mú, các thầy đìa giỏi nghề dò cá tự nhiên xưa đang chuyển kinh nghiệm sang nuôi cá độc đáo của
riêng mình. Dẫn tôi đi thăm bãi nuôi cá dưới tán rừng, anh em ông Năm Điệt, Sáu Tặng tiết lộ ngón nghề
nuôi cá. Ông Sáu Tặng nói bí quyết đầu tiên là chọn thế đìa phải tránh được nắng mặt trời rọi xuôi suốt ngày,
nếu không cá sẽ chậm lớn. Ngoài ra, địa thế này cũng phải tránh hướng gió bấc thổi dọc đìa. Nhìn tôi trố
mắt, ông Năm Điệt cười khà khà: “Thì cũng giống người mà. Điều gì người dễ chịu thì cá cũng ưng. Giữa
rừng rú mà còn gió lạnh suốt ngày làm sao thấu”.

Ông tiết lộ ngón nghề ít người biết nữa là đào đìa ở miệt này phải chọn gò cao hơn xung quanh. Nhiều
người vùng trên xuống đầu tư nuôi cá, không rành cứ nhè chỗ thấp đào đìa để dễ lấy nước, rồi hứng phèn
đọng. Cá không nổ mắt chết vì phèn nặng thì cũng còi cọc. Miệt này qui mô một cái đìa khoảng ngang 4m,
dài 36m là trung bình, dễ lựa loại cá nuôi và cũng dễ thu hoạch. Ông nói dân đất rừng U Minh mỗi lần động
thổ đào đìa hay thu hoạch cá thường sắm lễ cúng rất trang trọng: “Tụi tui tin đất đai có thổ địa, núi rừng có
sơn thần. Mình thành tâm cúng mấy ổng thì mấy ổng cũng phù hộ mình”.

Buổi chiều, ngồi nhìn con nước rong lé đé bờ sông, gương mặt hằn dấu tuổi tác của anh em thầy đìa Năm
Điệt, Sáu Tặng chợt trở buồn khi thấy những thanh niên đang vác xuyệc điện đi bắt cá. Họ trầm giọng tâm
sự kinh nghiệm dò cá, bắt cá tự nhiên miệt đất rừng U Minh dần mai một vì của trời cho này đang cạn kiệt
rất nhanh. Theo ông Năm Điệt, ngoài khách quan còn có con người. Những cách đánh bắt tham lam như
xuyệc điện hiện nay và nông nghiệp ngày càng phải sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu đã làm
cho cá tự nhiên mất dần môi trường sống.

Bóng tối chập choạng đổ dần xuống vạt rừng U Minh. Không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng chao chát của chim
bay về tổ. Nhìn nét mặt trầm tư của hai ông già U Minh, tôi cảm nhận được nỗi niềm của họ.
Đoàn Phong Ngạn
Về U Minh, tôi lân la hỏi chuyện ông tổ gác kèo ong xứ này nhưng chẳng mấy người rành rẽ. Những
lão nông tri điền 70-80 tuổi tóc bạc phơ cũng chỉ có thể kể khi họ mới biết lẫm chẫm chạy đã thấy tía,
ông cầm bùi nhùi vào rừng "ăn" ong rồi. Nghề gác kèo, "ăn" ong xưa cũ bây giờ vẫn đang phát triển
mạnh ở rừng U Minh, người ta thường đặt tên cho những người làm nghề này là "đoàn Phong
Ngạn".

Một lần "ăn" ong

Những người gác kèo ong rủ tôi lội rừng. Chiếc vỏ lãi chở bốn rẽ nước vượt qua mấy con kênh đào nhỏ dày
đặc rong rêu và lục bình, tiến sâu vào rốn rừng ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau. Đây là chuyến đi
lấy mật ong định kỳ của tía con ông Nguyễn Thanh Rớt (Hai Rớt) nên họ chuẩn bị khá kỹ. Người nào cũng
mặc áo dài tay dày cộp, lại thêm tấm lưới khít mắt chùm hụp trên đầu và bó bùi nhùi cầm tay.

8
Tía con Hai Rớt phà khói, "ăn" ong Tàng ong đầu tiên mà chúng tôi gặp
nằm trên cây tràm kèo nghiêng nghiêng cách mặt nước dưới chân chưa tới 2m. Tía con Hai Rớt chuẩn bị
châm lửa ngọn bùi nhùi. Để bảo vệ rừng, họ có kỹ thuật làm bùi nhùi khá giản đơn nhưng lại độc đáo: lấy
mấy nhánh chà khô nhỏ cột thành bó trong lõi, bên ngoài phủ thêm một lớp nhánh lá tràm tươi rói.

Khi đốt cháy, lửa chỉ âm ỉ ở trong lõi, tỏa khói ra, chính lá tràm non vừa tạo thêm khói vừa có chức năng bảo
vệ bên ngoài không cho tàn lửa bay tứ tán theo gió có thể gây cháy rừng.

Ra dấu tôi lùi lại, Hai Rớt phù miệng thổi phà khói vào tàng ong. Chưa đầy vài giây, ong bay túa ra khỏi tổ,
vạt rừng đang tĩnh lặng chợt náo động bởi tiếng ong vỡ tổ bay o o mù mịt trời. Hai Rớt vẫn bình thản giữa
"vòng vây thù hận" của bầy ong. Hạ kèo tràm xuống, ông lấy dao mang theo người cắt gọn một phần tàng
ong đầy mật. Ông mời tôi nhấm nháp một mẩu tàng ong non ngay giữa rừng mà không phải người thành
phố nào cũng được thưởng thức.

Mật tươi rói, ngọt lịm tứa ra môi. Tía con Hai Rớt vui vẻ nói: "Nó là thuốc chống già của dân miệt rừng này
đó. Uống không hay pha với nước ấm, rượu, trà đều ngon bổ". Sau đó cây kèo tràm và phần tàng ong còn
lại được gác về chỗ cũ để đàn ong vỡ tổ tiếp tục quay về làm tổ.

Ba giờ chiều, chiếc vỏ lãi quay ngược mũi về nhà. Tía con Hai Rớt thu hoạch được hơn 30 lít mật ong. Họ
nói lượng mật này là ít vì mùa mưa năm nay dầm dề quá, ong phải tích đủ mật để nuôi con. Nhưng họ vẫn
vui vẻ đợi nắng lên sẽ khá hơn như bao đời cha ông đã sống chết với rừng.

Đời gác kèo

Ở U Minh hiện nay không ai có thể biết dưới tán rừng đang có bao nhiêu người làm nghề gác kèo ong.
Nhưng có một điều dám chắc rằng dân miệt này rành rẽ các bí quyết gác kèo ong lấy mật không thua kém
bất cứ vùng nào. Hai Rớt năm nay đã ngoài 50 tuổi, trong một gia đình ít nhất đã có bốn đời sinh sống ngay
trên thửa đất ông đang ở giữa rừng U Minh Hạ.

9
Mật ong nguyên chất, “thuốc chống già” của dân gác kèo Bận nhỏ Hai Rớt tóc còn để chỏm đã
biết chèo xuồng theo ông nội tập tành gác kèo. Chưa đầy 16 tuổi ông đã rành nghề rừng này. Đời con lại nối
nghiệp tía. Ba người con Nguyễn Thanh Đề, Nguyễn Thanh Trung, Nguyễn Châu Phi hiện cũng thạo ngón
nghề gác kèo ong rừng. Hai Rớt được chòm xóm tin tưởng bầu làm trưởng Tập đoàn Phong Ngạn 2 ở
huyện U Minh với 29 tập đoàn viên.

Hai Rớt ngồi ngắm chiều vàng loang bóng trên mặt sông và chân chất trải lòng mình: "Điều quan trọng nhất
với người gác kèo ong là phải bảo vệ rừng. Không chỉ biết quấn bùi nhùi ít tàn lửa, biết lựa hướng gió xông
khói mà còn kiềm chế say xỉn trong lúc đi rừng để đừng vô tình gây cháy".

Anh Lê Văn Kháng, bạn xóm cùng Tập đoàn Phong Ngạn với Hai Rớt, nói gác kèo ong lấy mật là ăn của trời
đất, nhưng cũng phải đòi hỏi người nhiều kinh nghiệm mới làm được.

Nhiều người tưởng rừng già, rậm rịt bóng râm là nhiều ong. Trái lại, khí hậu vùng đó lạnh lẽo, ong ít về làm
tổ. "Mới nhìn qua kèo nào cũng giống kèo nào. Nhưng thiệt lạ, người thì thu mật đậm, người chẳng có gì” -
anh Kháng nói.

Anh Kháng trầm giọng tâm sự ngoài kinh nghiệm con người, còn có cái gì đó thuộc rừng thiêng khó lý giải.
Mỗi năm, người gác kèo ong đều có một lễ cúng rừng rất trang nghiêm, thường được bày ở ngay gần kèo
ong lớn nhất rừng được xem như là "chính điện" của ong chúa.

Mỗi người gác kèo đều có những lời thề trong tâm như không bao giờ phá rừng, đốt rừng, không hủy tổ, tàn
sát các loài ong nếu không thật sự cần thiết vì cuộc sống.

Những ngày theo chân đoàn Phong Ngạn lang thang dưới tán rừng, tôi chưa thấy một người nào giàu được
bằng nghề gác kèo ong. Tía con Hai Rớt đang có hơn 300 kèo lấy mật trong tiểu khu 25, Lâm ngư trường U
Minh 2.

Đó là nguồn thu nhập chính trang trải chuyện áo cơm, học hành trong gia đình mấy thế hệ. Cha con anh
Kháng cũng đang gác khoảng 200 kèo. Giá mật bán tại rừng 30.000 đồng/lít, anh Kháng tâm sự tạm đủ sống
nếu hết sức tằn tiện.

Chở tôi ra bìa rừng trên dòng sông rực rỡ hoa tràm để về thành phố, những người gác kèo ong miên man
tâm sự sẽ không giã từ nghề dù khó khăn. Họ chỉ lo mai này rừng U Minh cạn kiệt dần, ong có còn đem mật
ngọt về cho người nữa hay không?

10

You might also like