You are on page 1of 138

LỜI TÁC GIẢ

Nền thương mại Quốc tế phát triển mạnh mẽ trên cơ sở các dịch vụ viễn thông, vận tải, bảo hiểm
... Ðặc biệt, Ngân hàng với dịch vụ thanh toán của mình đã tạo được niềm tin của người mua,
người bán, góp phần thu hẹp khoảng cách mậu dịch các nước.
Trong các phương thức thanh toán quốc tế, phương thức thanh toán Tín dụng Chứng từ là
phương thức thông dụng, phổ biến và an toàn nhất. Mọi giao dịch chứng từ đều được chỉ dẫn bởi
các qui tắc được tập hợp thành Bản Ðiều Lệ và Thực hành thống nhất. Ðây không phải là Bộ luật
Quốc tế mà chỉ là những quy tắc ấn hành bởi Phòng Thương Mại Quốc tế (ICC), một tổ chức phi
chính phủ có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực Thương mại - Tài chính Ngân hàng
thế giới.
Kể từ khi được phát hành vào năm 1933, Bản Ðiều Lệ đã qua 6 lần sửa đổi với mục đích theo kịp
sự phát triển chung của nền mậu dịch, nền công nghiệp vận tải và truyền thông trên thế giới, ấn
phẩm số 500 năm 1993 được coi là bản sửa đổi toàn diện, sâu sắc nhất. Tuy nhiên đó cũng là Bản
Ðiều Lệ khó hiểu và khó vận dụng nhất trong tất cả các Bản Ðiều Lệ đã có, đối với người mở,
người hưởng và các ngân hàng. Cho đến nay, Bản Ðiều Lệ 500 đã có hiệu lực gần 2 năm. Nhiều
bản dịch Tiếng Việt ra đời nhằm tạo sự thuận lợi cho bạn đọc hiểu và vận dụng vào giao dịch.
Thực ra bản dịch không quan trọng vì mỗi một chúng ta, khi đã liên quan thì phải đọc hiểu bằng
chính ngôn ngữ giao dịch hàng ngày của chính nó. Làm thế nào hiểu rõ, nắm chắc và áp dụng
đúng tất cả các điều khoản của Bản Ðiều Lệ vào giao dịch Tín dụng chứng từ? Ðó là điều ta cần
quan tâm.
Cuốn sách này không bao quát toàn bộ quá trình giao dịch của nghiệp vụ Tín dụng Chứng từ
(TDCT), từ khi ký kết hợp đồng thương mại đến khi thu tiền XK theo Tín dụng thư (TDT), mà
chỉ giới hạn theo nội dung của Bản Ðiều Lệ. Tuy nhiên muốn thực hiện tốt các giao dịch đó ta
phải nắm vững, hiểu sâu từng ý, từng phần các Ðiều khoản của Ðiều lệ 500. Sách được viết dựa
trên tài liệu mới nhất của Phòng Thương Mại Quốc tế (ICC), kiến thức và kinh nghiệm của bản
thân tác giả, nhằm giúp cho các cán bộ xuất nhập khẩu, nhân viên ngân hàng mới vào nghề, sinh
viên các trường ÐH kinh tế sắp ra trường ... những hiểu biết theo chiều sâu của vấn đề dựa trên
các tài liệu của ICC, từ đó nắm bắt được bản chất của từng điều khoản, áp dụng vào giao dịch
TDCT một cách chính xác và nhuần nhuyễn.
Với mục đích đó nội dung của cuốn sách này được trình bày có hệ thống từng Ðiều khoản của
Bản Ðiều Lệ 500 gồm 3 phần chính:
1.Nguyên bản tiếng Anh. 2.Bản dịch tiếng Việt gồm lời nói đầu của ông Charles Dil Busto,
Trưởng Ban soạn thảo (Working Group) Bản sửa đổi Ðiều Lệ 500 và tất cả 49 điều khoản. Việc
dịch thuật được thực hiện theo với nguyên tắc không quá gò bó vào từng từ mà nắm chủ yếu bản
chất và ý nghĩa thực tiễn của các điều khoản. 3.Phần cuối cùng bao gồm :
• So sánh sự khác biệt giữa Bản Điều lệ 400 và Bản Ðiều lệ 500 của từng điều khoản (Nếu
có), nêu rõ nguyên nhân của việc sửa đổi đó.
• Giải thích, phân tích từng phần của các điều khoản.
• Bình luận, mở rộng và đi sâu vào những điều cốt lõi của vấn đề để người đọc nắm được
bản chất của Quy tắc trên cơ sở Thông lệ và Tập quán Quốc tế.
• Minh hoạ, dẫn chứng bằng các thí dụ trong thực tế hoặc trong các Tài liệu của Phòng
Thương mại Quốc tế, nhằm củng cố thêm phần lý luận, bảo đảm tính Logic và tính hợp
pháp của vấn đề nêu ra.

1
Ngoài ra mẫu biểu đối với các chứng từ cần thiết: Vận tải đơn, bảo hiểm, Hối phiếu ... được đính
kèm nhằm giúp bạn đọc tra cứu, tham khảo.
Lần xuất bản đầu tiên (12/1995) cuốn sách đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Ðể đáp ứng nhu cầu
của bạn đọc, cuốn sách được tái bản với những sửa đổi, bổ sung dựa vào các yêu cầu mới nhất
của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), nhằm cập nhật hoá những kiến thức và kỹ thuật nghiệp
vụ Tín dụng chứng từ. Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo & nghiện cứu của những ai
liên quan đến hoạt động XNK và giao dịch, thanh toán Quốc tế.
TP. Hồ Chí Minh, 6 – 1996
Nguyễn Trọng Thuỳ
Firstvina Bank
(Ngân hàng liên doanh giữa Vietcombank
và Korea First Bank)
LỜI NÓI ĐẦU
Tháng 11 - 1989, Uỷ ban về Kỹ thuật và Nghiệp vụ Ngân hàng (CBTP) thuộc Phòng Thương
mại Quốc tế (ICC) được phép sửa đổi Bản Ðiều lệ và Thực hành Thống nhất Tín dụng Chứng từ
số xuất bản 400.
Yêu cầu của lần sửa đổi này là nêu bật sự phát triển của nền Công nghiệp vận tải và việc ứng
dụng công nghệ mới. Sửa đổi này cũng nhằm hoàn thiện chức năng của Bản Ðiều Lệ. Một số
nghiên cứu cho thấy khoảng 50% chứng từ xuất trình bị từ chối vì bất hợp lệ. Ðiều này đã vô
hiệu hoá Tín dụng Chứng từ và tạo ra những áp lực về tài chính đối với nhà sản xuất. Vấn đề này
cũng làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận đối với nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và cả ngân hàng. Sự
gia tăng đáng kể về tranh chấp trong giao dịch. TDCT cũng là điều được các nhà soạn thảo Bản
sửa đổi quan tâm.
Ðể nêu bật những vấn đề này, CBTP đã thành lập Tổ soạn thảo. (WG) để sửa đổi Bản Ðiều lệ
400. WG bao gồm các chuyên gia Ngân hàng Quốc tế, các Giáo sư luật, các luật sư về NH bảo
đảm sự đầu tư toàn diện vào các vấn đề nêu ra. Yêu cầu của WG là:
• đơn giản hoá Bản Ðiều lệ 400;
• tổng hợp mọi hoạt động thực tế của các Ngân hàng Quốc tế cũng như tạo thuận lợi và tiêu
chuẩn hoá những thực tiễn đó;
• củng cố sự toàn vẹn và độ tin cậy của cam kết tại TDCT bằng nghĩa vụ không hủy ngang
và rõ ràng không chỉ của Ngân hàng phát hành mà còn cả Ngân hàng xác nhận;
• nêu ra những vấn đề của những điều kiện không cần chứng từ và
• lập danh mục chi tiết về những chứng từ vận tải khả dĩ chấp nhận.
WG không chỉ xem xét về mặt thực tiễn liên quan đến TDCT mà còn nêu lên những triển vọng
phát triển nó. Làm thế nào WG lại có thể nói trước được những quy tắc TDCT nào sẽ đáp ứng
được nhu cầu thương mại quốc tế trong tương lai? Những quy tắc đó dựa trên cơ sở thực tế vận
dụng các điều khoản đang tồn tại? Chúng dựa trên cơ sở sửa đổi những vấn đề đang phát sinh do
hiểu sai và áp dụng không đúng điều lệ? hay trên cơ sở giải thích khác nhau của các bên về
TDCT?
Cuối cùng sự phân tích của WG đi theo hướng sử dụng nhiều thông tin có giá trị đối với công
nghệ Ngân hàng và ngành công nghiệp vận tải, và bằng cách nêu ra những kiến thức cơ bản của
việc đổi mới kỹ thuật đang được áp dụng trong các ngành công nghiệp tham gia vào thương mại
quốc tế. Ðể đạt được những nguyên tắc tổng quát hơn là đặc thù, WG đã soạn thảo Bản sửa đổi
dựa vào thực tế mà các Uỷ ban Quốc Gia (NC) của ICC nêu ra các quyết định có tính chất pháp
2
lý quốc tế, các ý kiến và quan điểm của Uỷ ban về Ngân hàng (BC) và những vụ việc cần xem
xét phát sinh trong 20 năm qua. Do vậy lần sửa đổi này của bản Ðiều lệ thực hiện được mức tối
đa về chiều rộng của sự phân tích, xem xét, tranh luận và nhất trí giữa các thành viên trong WG,
các thành viên của BC, của NC và của ICC.
Những đóng góp nào của những thành viên của các thành viên trong WG giúp trình bày chính
xác các Ðiều khoản của Bản lệ 500? Rõ ràng cả trong cuộc sống riêng tư lẫn trong sự nghiệp của
mình, chúng tôi đã được qua năm tháng, vì chúng tôi đã tích luỹ và tạo dựng kiến thức và kinh
nghiệm.
Ðấy chính là sức mạnh và các thành viên của WG huy động vào quá trình soạn thảo Bản Sửa đổi
Ðiều lệ. Nó cho phép WG phát triển các quy tắc trung hoà và sinh động nhằm tạo thuận lợi cho
mọi nỗ lực của các bên liên quan đến cam kết của TDCT. Ðiều dễ hiểu là không thể trong phạm
vi của số XB này mà đi sâu vào chi tiết của sự phân tích súc tích của WG. Cũng không phải mục
đích là nêu bật những ưu điểm mà WG đã đạt được, những ai quan tâm đến vấn đề này hãy tìm
đến Tài liệu số XB 511 của ICC (TDCT: So sánh giữa bản điều lệ 400 và 500 - phân tích từng
Ðiều khoản) được viết với mục đích trên.
Chân thành cảm ơn Uỷ ban Quốc gia của ICC và các thành viên của Uỷ ban Ngân hàng về
những ý kiến đóng góp chuyên môn và những giải pháp xây dựng góp ý. Xin cảm ơn các nước
chưa có Uỷ ban Quốc Gia (chủ yếu tiếp xúc với ICC qua hội đồng về luật Thương Mại Quốc Tế
của Liên Hiệp Quốc) mà những đóng góp và giúp đỡ của họ có giá trị to lớn và quan trọng, cũng
như các cơ quan của Liên Hiệp Quốc liên quan đến các thủ tục thương mại quốc tế.
Ðể các bạn hiểu rõ những người đã đóng góp vào Bản sửa đổi lần này, tôi xin giới thiệu các
thành viên của WG.
• Boris Kozolchyk, Giáo sư luật, trường đại học Arizona, Tucson, Arizona, Mỹ; Ðại diện
của Hội đồng Mỹ về Tổ chức Ngân hàng Quốc tế New York tại WG.
• Salvatore Maccarone, Giáo sư luật, trường đại học Rome, Cố vấn pháp luật, Hiệp hội
Ngân hàng Italy, Rome; Phó chủ tịch CBTP của ICC.
• Terence J. Mitchell (nay đã nghỉ hưu), Trưởng phòng cấp cao, Phòng TDCT Ngân hàng
Lloyds, London, Ðại diện của Hiệp hội của Ngân hàng Anh quốc tại CBTP.
• Ferdinand Muller, Phó chủ tịch thứ nhất Ngân hàng Deutch Bank, Frankfuft, Ðại diện và
cố cấn kỹ thuật tại CBTP.
• Gunnar J. Siebke, phó chủ tịch Cấp cao tại Trung tâm tài trợ Thương mại, Ngân hàng
Chrestian,oslo, Norway; Ðại diện tại CBTP.
• Dan Taylor, Chủ tịch Hội đồng Mỹ về Tổ chức Ngân Hàng Quốc tế, New York; Ðại diện
tại CBTP.
• Joachim G. Weichbrodt, Cố vấn pháp luật Ngân hàng Dresdner Bank, Frankfurt; Ðại diện
tại CBTP.
• Bernand S.Wheble CBE, chủ tịch danh dự CBTP của ICC
• Stefan Draszczyk, Trưởng bộ phận thuộc ICC, Paris.
Người ký dưới đây hân hạnh được ứng cử đứng đầu WG. Bằng những đóng góp to lớn về kiến
thức và thời gian của các vị mà Bản sửa đổi này được hoàn thiện tốt đẹp. Là Chủ tịch CBTP, tôi
xin gởi tới các thành viên của WG và cơ quan của họ sự cảm kích sâu sắc về những đóng góp quí
giá của các thành viên và những việc làm đầy tình bạn hữu. ICC cảm ơn sự quên mình vì công
việc của các vị đối với tác phẩm này.
CHARLES DIL BUSTO
3
Chủ tịch,
Uỷ ban về Kỹ thuật và Nghiệp vụ Ngân
hàng;
Phòng Thương mại Quốc tế.
Ngày 10 tháng 3 -1993

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG


ĐIỀU LỆ & THỰC HÀNH THỐNG NHẤT
TÍN DỤNG CHỨNG TỪ
(Bản sửa đổi 1993, số Xuất bản 500 Phòng Thương Mại Quốc Tế)
Tái bản, có bổ sung và sửa đổi
• So sánh với bản điều lệ 400
• Giải thích, phân tích
• Bình luận
• Dẫn chứng & dẫn liệu từng điều khoản

NỘI DUNG
A. QUY ĐỊNH CHUNG VÀ ĐỊNH NGHĨA
THE UNIFORM CUSTOMS AND PRACTICE FOR DOCUMENTARY CREDITS
ĐIỀU LỆ VÀ THỰC HÀNH THỐNG NHẤT TÍN DỤNG CHỨNG TỪ
<A> QUY ĐỊNH CHUNG VÀ ĐỊNH NGHĨA:
ĐIỀU 1: PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA BẢN ĐIỀU LỆ
Điều lệ và thực hành thống nhất Tín dụng chứng từ, bản sửa đổi 1993, số Xuất bản 500 của
phòng Thương mại Quốc tế được áp dụng cho tất cả các Tín dụng chứng từ, trong trường hợp có
thể áp dụng được, kể cả Tín dụng dự phòng Nếu trong TDT có dẫn chiếu việc áp dụng các điều
khoản Bản Điều lệ. Trừ khi tín dụng qui định khác, các Điều khoản này ràng buộc tất cả các bên
có liên quan.
1. Bản điều lệ được áp dụng như thế nào ? Điều khoản 1 trả lời câu hỏi này bằng cách quy
định rõ là Điều lệ và Thực hành Thống nhất Tín dụng Chứng từ (sau đây gọi tắt là TDT) chừng
nào mà TDT ghi rõ câu "TDT này áp dụng theo điều lệ và Thực hành Thống nhất về Tín dụng
Chứng từ, bản sửa đổi 1993 Phòng Thương mại Quốc tế, số xuất bản 500". ("This DC is subject
to UCPDC 1993 Revision, ICC Pub 500" hoặc là "UCPDC 1993 Rev.ICC.Pub.500 referred").
Ngay cả Tín dụng thư dự phòng nếu được ghi như vậy trong nội dung thì nghiễm nhiên được áp
dụng theo Bản Điều lệ 500.
2. Tín dụng thư dự phòng

4
TDT dự phòng theo định nghĩa của Phòng Thương mại Quốc tế (sau đây gọi là ICC), Tài liệu số
xuất bản 515" là loại Tín dụng chứng từ hoặc một thoả thuận tương tự, dù được gọi hoặc miêu tả
bằng cách nào, theo đó Ngân hàng phát hành cam kết với người hưởng:
a. trả khoản tiền mà Người yêu cầu mở TDT đã vay hoặc ứng trước, b. thanh toán khoản nợ của
người mở, hoặc c. bồi hoàn về những thiệt hại do người mở không thực hiện được nghĩa vụ của
mình." TDT dự phòng là một phương tiện thanh toán thứ yếu mặc dù người ta vẫn nhìn nhận
nghĩa vụ thanh toán của Ngân hàng phát hành là chủ yếu. TDT thương mại hoặc TDT dự phòng
đều là cam kết của Ngân hàng phát hành về khoản nợ phát sinh đối với từng người hưởng.
Nhưng TDT thương mại được coi là khoản tiền thanh toán cho nhà xuất khẩu, trong lúc đó TDT
dự phòng có tính chất bảo vệ quyền lợi người hưởng Nếu có vi phạm cam kết của đối tác.
Sự ra đời của TDT dự phòng bắt đầu và đang được sử dụng nhiều ở Mỹ và Nhật, nơi mà luật
không cho phép Ngân hàng thương mại phát hành bảo lãnh. Nhưng các nước Châu Âu lại ít dùng
TDT này mà thay bằng các loại Bảo lãnh thư khác.
Ngày nay TDT bắt đầu và đang được phát triển thành 1 công cụ vạn năng được sử dụng trong
phạm vi rộng rãi của hoạt động tài chính và thương mại hơn các loại hình bảo lãnh thông thường.
Thí dụ: TDT dự phòng phát hành để đảm bảo khoản nợ vay hoặc tạm ứng rút quá số dư ... hoặc
bất cứ nghiệp vụ nào mà cần có bảo lãnh của Ngân hàng.
3. Sự khác nhau về TDT dự phòng và Bảo lãnh thư TDT dự phòng và bảo lãnh thư thực chất
là sự bảo lãnh của Ngân hàng. Cả hải đều phát huy tác dụng "bảo đảm" của nó khi người yêu
cầu bảo lãnh (Principal) vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết đã thoả thuận. Trường hợp
ngược lại TDT dự phòng và Bảo đảm thư tự động hết hiệu lực. Vai trò của Ngân hàng có tính
chất "dự phòng" trong tình huống có thể xảy ra. Cách gọi của TDT dự phòng cũng nói lên tính
chất của nó.
Điểm khác biệt của hai loại hình bảo lãnh là phạm vi áp dụng. TDT dự phòng được thực hiện
theo điều lệ và Thực hành thống nhất Tín dụng chứng từ, còn bảo lãnh thư lại áp dụng Qui tắc về
Bảo lãnh - Phòng Thương mại Quốc tế Pari, số xuất bản 458 (Uniform Rules for Demand
Guarantee - URDG, ICC Pub.No. 458). Bảo lãnh thư có nhiều tiêu đề khác nhau: Letter of
Indemnity, Performance Bond, Performance Guarantee, Tender Guarantee ...
Vì bản chất chúng là bảo lãnh nên TDT dự phòng và bảo lãnh thư có thể được dùng thay thế cho
nhau tuỳ từng nước và khu vực trên thế giới.
4. Sự ràng buộc về mặt pháp lý của Bản điều lệ 500 đối với các bên liên quan . Đây là phần
mà Bản điều lệ 400 không đề cập. Đã chấp nhận TDT mở theo Bản Điều lệ 500 thì các bên liên
quan: Người mở, Người hưởng, Ngân hàng phát hành, Ngân hàng thông báo, Ngân hàng xác
nhận (nếu có), Ngân hàng chiết khấu ... đều căn cứ vào bản điều lệ mà thực hiện quyền lợi và
nghĩa vụ của mình. Đây là điểm tích cực của Bản Điều lệ 500 so với các Bản Điều lệ trước đó.
Điều khẳng định này đã bác bỏ những nhận thức mơ hồ trước đây của người mở TDT, người
hưởng ... là Bản Điều lệ chỉ là qui tắc giữa các ngân hàng mà thôi, còn họ thì giải quyết với nhau
trên cơ sở hợp đồng và hàng hoá, dựa vào Incoterm.
Tuy nhiên, Bản Điều lệ 500 cũng mở ra một cách thức riêng mà các bên liên quan (chủ yếu là
người yêu cầu mở TDT và bên thụ hưởng) không muốn quá ràng buộc vào tất cả các điều khoản
của Bản Điều lệ 500, "Trừ khi TDT quy định khác", có nghĩa là TDT có thể nói rõ là không áp
dụng một hoặc vài điều khoản nào đó của Bản điều lệ 500. Do vậy, các nhà xuất nhập khẩu phải
nắm được ý nghĩa quan trọng này để khi ký kết hợp đồng, nhất là khi thương lượng về điều kiện
thanh toán, vận dụng linh hoạt UCP 500 nhằm đảm bảo an toàn cho mình.
ĐIỀU 2: ĐỊNH NGHĨA TÍN DỤNG THƯ

5
Trong phạm vi của Bản điều lệ 500, các thuật ngữ "Tín dụng chứng từ" và "Tín dụng dự phòng"
(sau đây được gọi là "Tín dụng thư - TDT ") nghĩa là bất cứ thoả thuận được gọi hoặc miêu tả
như thế nào, theo đó ngân hàng (ngân hàng phát hành) hành động đúng yêu cầu và theo chỉ thị
của khách hàng (người yêu cầu mở TDT) hoặc nhân danh cho chính bản thân mình.
i. thanh toán cho hoặc theo lệnh của phĩa thứ ba (người hưởng) hoặc chấp nhận và thanh toán
hối phiếu do người hưởng ký phát, hoặc
ii. uỷ quyền cho ngân hàng khác thanh toán, chấp nhận và thanh toán hối phiếu đó, hoặc iii. cho
phép ngân hàng khác chiết khấu chứng từ quy định trong TDT với điều kiện chứng từ phù hợp
với tất cả các điều khoản và điều kiện của TDT. Với mục đích của Bản điều lệ 500, các chi
nhánh của 1 ngân hàng ở các khác nhau được coi là những ngân hàng khác nhau. 1. Cách gọi
hoặc tiêu đề của TDT Tuỳ theo thói quen và thông lệ từng nước mà TDT được gọi với nhiều tên
khác nhau: Letter of Credit, Credit, Documentary Credit. Tương tự, ở Việt Nam ta cũng có thể
gọi là Tín dụng thư, Tín dụng chứng từ, L/C ... Trước đây, TDT gọi là Tín dụng thương mại
(Commercial Letter of Credit) nhưng nay thì từ này không dùng được nữa mà thông dụng nhất là
từ "Tín dụng chứng từ" (Documentary Credit) vì nó thể hiện đúng nhất ý nghĩa Tín dụng kèm
chứng từ.
Dù được gọi như thế nào, diễn tả như thế nào (however named and described) đi nữa, thì bản
chất của TDT là sự cam kết của ngân hàng phát hành thanh toán cho người hưởng khi bộ chứng
từ được xuất trình hợp lệ, đúng theo nghĩa trong Bản điều lệ này.
2. Hiểu như thế nào về Tín dụng thư
• TDT là cam kết của ngân hàng đối với việc thanh toán số tiền cho người thụ hưởng theo
đúng các điều khoản của TDT. Bản chất của TDT là bảo đảm của NH về khoản nợ đó
(liability). Từ "Arrangement" được dùng với nhiều ý nghĩa.
• "Credit " có nghĩa là NH cấp vốn cho khách hàng. Khoản tài trợ này được thương lượng
giàn xếp giữa đôi bên để đi đến kết quả là TDT được phát hành. Rõ ràng sự thoả thuận
của ngân hàng không phải ngẫu nhiên mà trải qua 1 quá trình bàn thảo có sự cân nhắc,
sắp xếp.
• "Credit" có nghĩa là sự tín nhiệm. Trong nhiều trường hợp, NH dùng sự tín nhiệm của
mình cho người mua "vay" để được người bán giao hàng chứ không phải là cấp vốn bằng
tiền. Những trường hợp này, NH chịu nhiều rủi ro Nếu người mua mất khả năng thanh
toán hoặc phá sản. Như vậy, việc bảo lãnh cho người mua cũng phải trải qua 1 quá trình
thương lượng, cân nhắc và dàn xếp.
• Nội dung của TDT cũng thể hiện sự sắp đặt, thoả thuận của ngân hàng để đi đến điều
khoản cam kết thanh toán bộ chứng từ. Để nhận được khoản thanh toán từ ngân hàng,
người hưởng phải hoàn tất những điều khoản của TDT. Đây là quá trình có tính logic của
một vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động và ngân hàng.
Thoả thuận này được trình bày rõ trong TDT. Mặc dù nội dung của TDT được diễn tả theo nhiều
cách khác nhau, đặc biệt là điều khoản thanh toán, nhưng TDT phải thể hiện được cam kết của
ngân hàng mở: thanh toán hoặc chấp nhận và thanh toán, hoặc uỷ quyền cho ngân hàng khác
thực hiện nghĩa vụ này, cho phép NH khác chiết khấu bộ chứng từ xuất trình hợp lệ theo đúng
các điều khoản của TDT.
Do vậy, kiểm tra TDT xuất khẩu, NH thông báo, NH chiết khấu cũng như công ty xuất khẩu phải
quan tâm nhiều đến điều khoản thanh toán. Đó là mục 41D, 42 và 78 mẫu điện 700 (MT700)
Nếu TDT được mở bằng SWIFT. Nếu là TDT được mở bằng telex thì điều kiện thanh toán được
thể hiện ở phần hối phiếu ký phát và chỉ thị cho ngân hàng chiết khấu.
6
Thí dụ Điều khoản thanh toán được diễn giải:
1. "TDT này có giá trị chiết khấu ở bất cứ NH nào bằng hối phiếu trả ngay (hoặc trả chậm 120
ngày kể từ ngày vận tải đơn) do người thụ hưởng phát hành đòi tiền tại chúng tôi kèm theo các
chứng từ sau ..." (... available for negotiation at any bank by beneficiary's sigh draft / nuisance
draft of 120b days from B/L date, drawn on us accompanied by the following documents ...) 2.
"Chỉ thị cho NH chiết khấu" (instructions to negotiating bank): "Ngay khi / sau khi nhận được
chứng từ phù hợp với các điều khoản của TDT, chúng tôi sẽ hoàn trả tiền theo chỉ thị của các
ông" (Upon / after receipt of documents which have been complied with, we shall reimburse to
you as your instructions).
3.TDT được phát hành nhân danh chính ngân hàng đó (on its own behalf) Điều khoản này
của Bản Điều lệ 500 được bổ sung vào một số mục so với bản cũ. NH có thể mở TDT cho chính
bản thân mình. Điều này phù hợp với việc sử dụng ngày càng nhiều loại TDT dự phòng mà trong
đó NH vừa là người yêu cầu mở, vừa là NH phát hành. Tuy nhiên, ICC đã lưu ý các Phòng
Thương mại Quốc gia rằng mặc dù Bản điều lệ 500 cho phép nhưng luật các nước có thể không
coi TDT do ngân hàng phát hành cho chính mình là hợp pháp. "Nhưng điều cần thiết là nên chấp
thuận phương thức phát hànhTDT theo cách này trong Bản điều lệ, đáp ứng yêu cầu thực tế
ngày càng sinh động của thị trường" (Tài liệu ICC số xuất bản 511-trang 5 ).
"Nevertheless, in view of market partices, it is prudent to have the UCP reflect and permit this
special arrangement".
Nghĩa vụ của NH là chấp nhận và thanh toán hối phiếu trả chậm, chứ không thể chỉ chấp nhận
hối phiếu trả chậm (không ghi thêm chữ "và thanh toán") như bản Điều lệ 400. Nếu bộ chứng từ
xuất trình hợp lệ, NH phải chấp nhận hối phiếu. Đây là thủ tục pháp lý đầu tiên dẫn đến hệ quả
đương nhiên là thanh toán vào ngày đáo hạn. Tuy nhiên đã là luật thì phải chính xác, chặt chẽ và
logic, nhằm tránh những tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Do vậy, điều khoản
này của bản điều lệ 500 được ghi rõ "... chấp nhận và thanh toán các hối phiếu đó".
4. Các ngân hàng với các pháp nhân độc lập Phần cuối của điều khoản này quy định " Với
mục đích của bản điều lệ 500, những chi nhánh của 1 NH ở các nước khác thì được coi là các
NH khác".
Mục đích của bản điều lệ này là tạo ra 1 cơ sở pháp lý có tính chất quốc tế để các bên liên quan
thực hiện giao dịch tín dụng chứng từ. Do vậy, những NH liên quan phải là những pháp nhân độc
lập. Nếu là chi nhánh của NH mở TDT hoạt động tại một nước khác thì về mặt giao dịch Tín
dụng chứng từ, đó là một pháp nhân riêng biệt, mặc dù về mặt pháp lý nó là chi nhánh NH mẹ.
Do vậy, ban soạn thảo Bản sửa đổi điều lệ (Working Group) sau đây gọi tắt là WG, quyết định áp
dụng nguyên lý về quan niệm 1 NH của UNCITRAL (The Unined Nations Commision on
International Trade Law: Uỷ ban về luật thương mại quốc tế của LHQ).
Theo WG, Nếu chi nhánh (CN) của NH ở nước khác không phải là 1 NH độc lập thì mọi rủi ro
về chính trị cũng như kinh tế ảnh hưởng CN đó sẽ được giải quyết theo luật nước đó và / hoặc
luật của nước của NH mẹ của CN đó, tùy thuộc vào toà án được lựa chọn và những nguyên tắc
của toà về chọn luật trong những trường hợp trên. Do vậy toà án này có thể thừa nhận Luật quản
lý ngoại hối của một nước khác hoặc ảnh hưởng về đặc quyền ngoại giao của sự trưng dụng,
hoặc tác động của việc xét xử khách hàng mất khả năng thanh toán cho nước ngoài ..., nhưng toà
án khác lại có thể không thừa nhận những vấn đề nêu trên.
Để tránh những phức tạp có thể xảy ra trong những giao dịch Tín dụng chứng từ, WG ghi rõ: Chi
nhánh của 1 NH hoạt động ở các nước khác nhau được coi là những NH độc lập. Như vậy, về

7
luật pháp nó chịu sự quản lý của nước nó hoạt động và không bị lệ thuộc bởi luật pháp của nước
của NH mẹ.
Từ những thực tế trên, khách hàng là người hưởng có thể yêu cầu chi nhánh của 1 NH nước
ngoài đóng tại địa phương mình xác nhận TDT do Hội sở chính của nó hoặc chi nhánh khác ở
nước khác phát hành. Thí dụ: Trong trường hợp cần thiết, khách hàng Việt Nam có thể yêu cầu
Banque Natioale de Paris (BNP) CN. Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận TDT của BNP, CN tại
Braxin phát hành. Trường hợp này nhà xuất khẩu mới bắt đầu làm ăn với khách hàng Braxin,
không thể hiểu rõ luật lệ, tập quán của nước đó. Do vậy, việc xác nhận là nhằm ràng buộc trách
nhiệm của BNP Thành phố Hồ Chí Minh vào nghĩa vụ thanh toán TDT Nếu có sự tranh chấp
của hai bên do 2 hệ thống luật khác nhau của hai nước.
Trên cơ sở quy định này, từ "ngân hàng" được sử dụng trong tất cả các Điều khoản của Bản điều
lệ nhằm nói về các ngân hàng nói chung, bất kể là ngân hàng nội địa, ngân hàng trung ương,
ngân hàng chi nhánh ... phát hành, thông báo, xác nhận, chiết khấu chứng từ TDT

ĐIỀU 3: TÍN DỤNG THƯ VÀ HỢP ĐỒNG


a. Về bản chất TDT là những giao dịch riêng biệt với Hợp đồng thương mại và các loại Hợp
đồng (HĐ) khác mà các HĐ này có thể là cơ sở cho TDT, nhưng các NH bất luận trong
trườnghợp nào cũng không liên quan đến, hoặc không hề ràng buộc bởi những hợp đồng đó,
ngay cả khi TDT có dẫn chiếu đến HĐ đó. Vì thế cam kết của NH về thanh toán, chấp nhận và
thanh toán hối phiếu, hoặc chiết khấu và / hoặc thực thi bất cứ nghĩa vụ nào của TDT không phụ
thuộc vào khiếu nại hoặc biện hộ của người mở phát sinh từ mối quan hệ của người mở với NH
phát hành hoặc với người hưởng. b. Trong bất cứ trường hợp nào người hưởng cũng không
được lợi dụng quan hệ HĐ giữa các NH, hoặc giữa người mở với ngân hàng phát hành TDT.
Điều khoản này được soạn thảo xuất phát từ một tập quán có tính chất truyền thống: Các NHTM
giao dịch bằng chứng từ. Hiện nay giao dịch này được đa dạng hoá: điện thoại, telex, swift, fax
nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển trên cơ sở vốn có: - chứng từ .
1. Tính độc lập của TDT TDT hoàn toàn độc lập với HĐ giữa người mở và người hưởng mặc
dù TDT cụ thể hoá nghĩa vụ và quyền lợi của hai bên: người mua yêu cầu NH bảo đảm thanh
toán, người bán phải giao hàng đúng quy định như HĐ (Có thể chi tiết hàng hoá được đưa vào
TDT hoặc không), đúng thời hạn, thiết lập chứng từ hoàn chỉnh và hợp lệ, thông báo cho người
mua... và các điều kiện khác đã thoả thuận. Việc đưa những chi tiết nào của HĐ vào TDT là do
người mở quyết định, NH không can thiệp. Nếu TDT có ghi những dẫn chiếu đến HĐ nào đó thì
chứng từ hàng hoá cũng phải ghi đến hợp đồng đó, mặc dù có rất nhiều chi tiết hàng hoá được
mô tả thêm trong hoá đơn.
Thí dụ: Phần hàng hoá của TDT ghi "Các chi tiết theo đúng hợp đồng số 0015 ngày 15-2-1995"
("details as per contract No.0015 dated 15 Feb 95"). Hoá đơn xuất trình cho NH có thể mô tả
rất nhiều chi tiết về hàng hoá nhưng phải có câu "các chi tiết theo đúng HĐ số 0015 ngày 15-2-
1995". Nếu không có câu này NH sẽ từ chối (mặc dù hàng hoá mô tả đúng như HĐ đó), mà
không cần kiểm tra, đối chiếu với HĐ số 0015.
Tuy nhiên có trường hợp NH phải ràng buộc với HĐ đó. Thí dụ, TDT ghi "mọi chi tiết hàng hoá
theo đúng HĐ số 0015 ngày 15-2-1995 mà nó là một phần không thể tách rời của TDT"("details
of goods as per Contract No.0015 dated 15 Feb 95, which form an integrated part of this L/C") .
Trường hợp này HĐ đó phải được gửi bằng thư đến cho NH thông báo. Người hưởng phải xuất
trình hoá đơn mô tả hàng hoá đúng như HĐ. NH kiểm tra hàng hoá ở HĐ với hoá đơn xuất trình.
Tuy nhiên trách nhiệm của NH chỉ kiểm tra số và ngày của HĐ và phần mô tả hàng hoá mà thôi.

8
Hoá đơn tất nhiên phải được ghi thêm câu đã được ghi trong TDT. Nói chung nếu gặp những
TDT trong điều kiện này thì người hưởng nên yêu cầu sửa đổi hoặc là ghi đầy đủ chi tiết hàng
hoá vào TDT, hoặc chỉ tham chiếu số HĐ mà thôi nhằm tránh những tranh chấp phát sinh. Hơn
nữa, TDT kiểu này sẽ làm rối rắm thêm cho các NH khi áp dụng Điều 3 của Bản Điều lệ 500.
2. Vai trò trung gian của Ngân Hàng Cho dù dẫn chiếu Hợp đồng Thương mại vào TDT theo
cách này hay cách khác thì trách nhiệm thanh toán của NH không ảnh hưởng, hoặc ràng buộc bởi
những tranh chấp, khiếu nại phát sinh từ việc thực hiện HĐ.
Do tính chất độc lập của TDT đối với HĐ nên trách nhiệm của NH phát hành hoàn toàn không
ảnh hưởng gì bởi khiếu nại của người mở xuất phát từ mối quan hệ làm ăn với người hưởng.
Ngay khi quan hệ giữa người mở với NH có những đặc ân nào đó mà sau này phát sinh rủi ro
trong việc thanh toán TDT thì NH cũng không được quyền từ chối nghĩa vụ của mình đối với
TDT. Hoặc do quan hệ gắn bó giữa mình với NH phát hành, người mở TDT không thể yêu cầu
(hoặc bằng cách thuyết phục...) NH này không hoặc hoãn thanh toán chứng từ vì người hưởng vi
phạm HĐ.
Đây là phần được bổ sung thêm vào Bản Điều lệ 500 do những phát sinh từ thực tiễn mà ICC
nhận được từ các phòng thương mại Quốc gia. Phần này khẳng định lại hệ quả bản chất của TDT
là: ngăn cản những lợi dụng của người mở. Điểm b của điều khoản này là phần ứng đối của bổ
sung trên nhằm cân bằng nghĩa vụ của người hưởng đối với người mở. Việc cấm lợi dụng như
trên cũng được áp dụng đối với người hưởng. Người hưởng không thể khẳng định rằng TDT phải
được mở bởi thoả thuận giữa NH phát hành và người mở đã được ký hoặc họ không thể đòi hỏi
NH loại 1 nào đó ở nước khác mở TDT (vì lý do khả năng thanh toán) mà lại từ chối TDT từ
chính NH đó xác nhận chứ không phải phát hành. Người hưởng cũng sẽ bị khi họ hỏi NH phát
hành TDT về khả năng thanh toán của người mở (đã ký quỹ đầy đủ hay NH cho vay khi thanh
toán?...) vì đây là mối quan hệ giữa NH phát hành và người mở mà người hưởng không được
quyền biết.
ĐIỀU 4: CHỨNG TỪ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ /DỊCH VỤ/CÔNG VIỆC KHÁC
Trong giao dịch Tín dụng chứng từ, tất cả các bên liên quan chỉ thực hiện căn cứ trên chứng từ
chứ không căn cứ vào hàng hoá, các dịch vụ và / hoặc các công việc khác mà các chứng từ đó
có thể liên quan.
Điều khoản này, so với các lần sửa đổi trước đây hầu như không thay đổi ngoại trừ giới từ "với"
(with) được thay cho "trong" (in). Điều này muốn nhấn mạnh rằng: NH chỉ liên quan đến chứng
từ, chỉ giao dịch với chứng từ chứ không liên quan đến hàng hoá.
Điều khoản này nhất quán, xuyên suốt lịch sử của Điều lệ và Thực hành Thống nhất Tín dụng
Chứng từ. Giao dịch của NH theo truyền thống và thông lệ cũng như tập quán kể từ khi nó ra đời
đến nay và mãi mãi vẫn là: bằng chứng từ và trên cơ sở chứng từ. Hiện nay giao dịch này được
phát triển theo tiến độ phát triển của khoa học kỹ thuật đa dạng và phong phú: bằng telex , bằng
fax, bằng điện thoại, máy điện toán...Tất nhiên giữa chứng từ và hàng hoá, dịch vụ TDT có mối
quan hệ khăng khít nhưng không có nghĩa là NH vì thế mà ràng buộc giao dịch của mình với
hàng hoá hoặc các dịch vụ ngoài NH.
Một số doanh nghiệp mới làm xuất nhập khẩu trực tiếp thường ngộ nhận: TDT thường được mở
theo HĐ, nhưng hàng kém phẩm chất, không đúng quy cách... thì sao lại trả tiền cho người bán?
- Nghe ra rất hợp lí và lô-gích, nhưng chính nhà nhập khẩu đã hiểu chưa đúng vấn đề. NH mở
TDT chỉ ngưng hoặc không thanh toán toàn bộ chứng từ hợp lệ khi có phán quyết của toà án của
nước sở tại. Trong trường hợp này người nhập khẩu phải hiểu tình thế là mình chỉ có quyền kiện
người xuất khẩu trên cơ sở HĐ thương mại chứ không thể từ chối thanh toán. TDT được mở theo

9
Bản Điều lệ 500 thì "ràng buộc tất cả các bên liên quan" trong đó có người mở TDT. Tuy nhiên
trong trường hợp có dấu hiệu hoặc bằng chứng lừa đảo của người bán, căn cứ vào đơn của người
bị hại toà án có thể quyết định ngưng thanh toán hoặc không thanh toán trong thời gian vô thời
hạn trong phạm vi pháp luật hiện hành, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua.
Nhưng nếu NH đã thanh toán theo đúng điều khoản của TDT và hợp với bản điều lệ trước khi có
phán quyết của toà thì NH miễn trách. Thiệt hại do lừa đảo phía người mở TDT gánh chịu. Tuy
thế, mọi việc giải quyết tranh chấp giữa người mở với NH phát hành còn tuỳ thuộc vào luật lệ
nước sở tại.
ĐIỀU 5: CHỈ THỊ VỀ VIỆC PHÁT HÀNH/ SỬA ĐỔI TÍN DỤNG THƯ
A. Những chỉ thị về việc phát hành Tín dụng thư, và bản thân TDT đó, những chỉ thị sửa đổi
TDT, và bản thân sửa đổi đó phải đầy đủ và chính xác. Để để phòng mọi sự lẫn lộn và hiểu lầm,
các NH nên ngăn cản mọi khuynh hướng: i. đưa quá nhiều chi tiết vào TDT hoặc sửa đổi của nó
ii. đưa ra chỉ thị phát hành, thông báo hoặc xác nhận TDT bằng cách dẫn chiếu một TDT đã
phát hành trước đó (TDT tương tự) mà TDT trước bao gồm các sửa đổi đã được chấp nhận, và/
hoặc sửa đổi không được chấp nhận B. Tất cả các chỉ thị đối với việc phát hành một TDT và bản
thân TDT đó, khi có thể áp dụng được, tất cả các chỉ thị cho một bản sửa đổi và bản thân sửa
đổi đó phải nêu chính xác các chứng từ xuất trình mà theo đó việc trả tiền, chấp nhận hoặc chiết
khấu được thực hiện. 1. Tín dụng thư với quá nhiều chi tiết Về ý kiến không đưa quá nhiều chi
tiết vào Tín dụng thư và sửa đổi của nó, các Phòng Thương mại quốc gia (thành viên của ICC)
yêu cầu dùng những từ thật mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa những trường hợp này. Tuy nhiên WG, đã
quyết định vẫn dùng những từ của Bản Điều lệ 400 với lý do không để Bản Điều lệ có những
điều trái ngược với luật của các Quốc gia. Nếu WG đưa vào điều khoản này câu "NH không
được phát hành TDT ...."(Bank sould not issue credits) hoặc "NH phải từ chối những chỉ thị như
vậy ..."(Bank sould reject such instructions...) thì e rằng mâu thuẫn với quy định của một số nước
mà theo đó TDT phải được đưa vào đầy đủ chi tiết. Trong trường hợp đó, Luật Quốc gia sẽ làm
ảnh hưởng đến việc áp dụng Bản Điều lệ, gây phức tạp cho giao dịch. Do vậy, WG quyết định
giữ nguyên cụm từ "NH nên tránh đưa quá nhiều chi tiết ..." (Bank sould...) nhằm vào lời khuyên
nhiều hơn là sự bắt buộc, cấm đoán.
Đưa quá nhiều chi tiết vào TDT sẽ bất lợi cho cả 2 phía. TDT càng dài, càng chi tiết thì càng dễ
bị lỗi, bị nhiễu điện, gây rối rắm, nhầm lẫn cho người hưởng cũng như người mở và cả NH. Có
người ngộ nhận là càng có nhiều chi tiết hàng hoá, điều khoản trong TDT càng bảo đảm an toàn
cho người mở. Đừng so sánh các điều khoản của HĐ với TDT vì mỗi loại có mỗi đặc thù riêng.
Chi tiết hàng hoá ở TDT chỉ được thể hiện đầy đủ, mà chứng từ này lại do người hưởng lập thì
không có nghĩa gì về giác độ an toàn của hàng hoá.
Tài liệu ICC số XB 516 đề cập tới TDT với quá nhiều chi tiết như sau:
"Việc yêu cầu đưa quá chi tiết vào TDT thường do người mở tin tưởng một cách sai lầm là họ có
thể bảo vệ được chính mình bằng cách làm đó. Thực ra, hiếm khi được như vậy (NH chỉ có thể
thanh toán, chấp nhận hoặc chiết khấu đối với các chứng từ phù hợp với các điều khoản và điều
kiện của TDT- kẻ lừa đảo sẽ hài lòng khi tạo ra thật nhiều chi tiết của chứng từ, nhằm bảo đảm
sự phù hợp với các điều khoản và điều kiện của TDT)"
"The demand for inclusion of excessive detail is often made in the mistaken belief that the
Applicant is thus protecting himself. This is rarely so. (Bank can only pay, accept, or negotiate
against compliant documents- and a "rogue" will quite happily produce the"excesssive detail" to
ensure compliance with the terms and conditions of the Credit."

10
Người mở cũng không nên yêu cầu các điều khoản không cần thiết. Thí dụ TDT quy định: hoá
đơn phải do người hưởng lập, không chấp nhận B/L theo HĐ thuê tầu.. theo Bản Điều lệ 500,
Nếu Tín dụng không đề cập có nghĩa là những chứng từ lập như vậy sẽ bị từ chối, do đó không
cần quy định trong TDT.
2. TDT phát hành với các chi tiết theo TDT trước đó: Những năm 70 về trước, các NH đôi
khi còn phát hành TDT theo kiểu này, nghĩa là dẫn chiếu các điều khoản của TDT trước. Thí dụ:
Các chứng từ xuất trình theo đúng các chứng từ của TDT số ...... ngày ......
Nguyên nhân của kiểu phát hành này là do kỹ thuật thông tin và điện toán chưa phát triển, các
nhân viên NH phải thực hiện quá nhiều thao tác để soạn thảo văn bản. Hơn nữa, chi phí truyền
thông còn cao, cho nên phương pháp này lúc bấy giờ được chấp nhận. Tuy nhiên bản sửa đổi
1983 đã có nêu lên vấn đề loại trừ mở TDT theo loại này. Cho đến nay (1993) kỹ thuật truyền
thông phát triển nhảy vọt, đặc biệt là hệ thống SWIFT ra đời buộc các chuyên gia NH tính đến
chuyện loại bỏ các TDT mở theo kiểu cũ. Điểm (ii) của điều khoản này sửa đổi lại Điều 13 với
mục đích là việc mở TDT trên cơ sở dẫn chiếu một TDT cũ không nên dùng và các ngân hàng
cần từ chối các TDT mở, sửa đổi, thông báo theo kiểu này

B. HÌNH THỨC VÀ THÔNG BÁO TÍN DỤNG THƯ


<B> HÌNH THỨC VÀ THÔNG BÁO TDT:
ĐIỀU 6: TDT HUỶ NGANG VÀ KHÔNG HUỶ NGANG
a. Các Tín dụng có thể:
• huỷ ngang, hoặc
• Không hủy ngang.
b. Do vậy TDT cần nêu rõ huỷ ngang hay không huỷ ngang. c. Nếu không ghi như vậy thì TDT
được coi là không huỷ ngang
Điều khoản này so với Điều 7 của Bản Điều lệ 400 chỉ thay đổi một từ, nhưng lại là một vấn đề
lớn. Tất cả các phòng thương mại Quốc gia đều ủng hộ việc thay thế từ "huỷ ngang" bằng từ
"không huỷ ngang" ở phần C.
Trên thực tế, TDT huỷ ngang gần như không còn tồn tại bởi nó sẽ gây ra hậu quả khó lường cho
người hưởng. Do vậy, việc sửa đổi này nhằm tạo ra cho các bên liên quan (NH, người hưởng,
người mở) một quan niệm thường trực rằng đã là TDT thì nó luôn là "không huỷ ngang", trừ khi
nó có ghi chữ "huỷ ngang". Tuy vậy, Bản Điều lệ vẫn cứ yêu cầu là nên ghi rõ là "huỷ ngang"
hay "không huỷ ngang" nhằm nêu rõ ý định của người mở trong giao dịch này.
Thế nào là "huỷ ngang" và "không huỷ ngang" ?
Theo định nghĩa gốc của tiếng Anh,"Revocable" là có thể huỷ bỏ,và "Irrevocable" thì ngược lại.
Nhưng trong Bản Điều lệ, nghĩa của chúng phải được hiểu trên cơ sở giao dịch Tín dụng chứng
từ.
"Có thể huỷ ngang" (revocable) là khả năng có thể huỷ bỏ TDT đang còn hiệu lực của một phía
mà không được sự đồng ý của một/các bên khác. Thí dụ Người mở huỷ bỏ TDT hoặc NH phát
hành đơn phương tuyên bố TDT không còn giá trị nữa trong lúc người hưởng và/ hoặc NH thông
báo / xác nhận không hề biết trước hoặc không đồng ý.
"Không thể huỷ ngang" (Irrevocable) được hiểu theo nghĩa của Bản Điều lệ là "Không được huỷ
ngang" có nghĩa là việc huỷ bỏ TDT đơn phương của một phía (như thí dụ trên) là hoàn toàn
không có giá trị pháp lý.
Nhưng TDT không thể huỷ ngang không có nghĩa là không thể huỷ bỏ. Trong trường hợp các
bên đồng ý huỷ bỏ TDT thì nó sẽ được công nhận không còn giá trị thực hiện. Tuy nhiên, sau khi
11
thoả thuận với Người hưởng về huỷ bỏ TDT, Người mở phải thương lượng với NH phát hành.
Ngân hàng này liên lạc với NH thông báo (và NH xác nhận Nếu TDT được xác nhận ) để có liên
quan bằng văn bản / điện tín. Do vậy trong giao dịch Tín dụng chứng từ, từ "huỷ ngang / không
huỷ ngang " được dùng đúng nghĩa và chính xác hơn từ "huỷ bỏ / không huỷ bỏ " hoặc "khả huỷ/
bất khả huỷ". Khách hàng thường lầm tưởng là chỉ cần Bên mua và Bên bán đồng ý huỷ TDT là
được, coi nhẹ vai trò của NH. Rất có thể NH phát hành / NH xác nhận không đồng ý huỷ bỏ TDT
vì họ đã cấp Tín dụng cho Người mở, hoặc tài trợ xuất khẩu cho Người hưởng, việc huỷ bỏ TDT
dẫn đến thiệt hại cho những NH liên quan.
Thông thường, yêu cầu huỷ bỏ TDT phát sinh từ Người mở vì họ cần giải toả tiền ký quỹ tại NH
phát hành trước thời hạn hiệu lực. Đối với người hưởng, việc không giao hàng của họ đồng nghĩa
với huỷ bỏ TDT. Đó là lý do Người mua yêu cầu Người bán phát hành "Bảo lãnh thực hiện Hợp
đồng" (Performance Bond) nhằm tránh những thiệt hại do người bán "huỷ ngang" TDT - nghĩa là
không bao giao hoặc không có hàng giao như đã thoả thuận (sẽ được phân tích tại Điều 8)
ĐIỀU 7: TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG THÔNG BÁO
A. TDT có thể được thông báo cho người hưởng thông qua 1 NH khác ("Ngân hàng thông báo")
mà không có cam kết gì về phía NH này, nhưng NH thông báo, Nếu quyết định thông báo TDT,
phải kiểm tra cẩn thận về tính xác thực bề ngoài của TDT mà nó thông báo. Nếu NH đó quyết
định không thông báo TDT thì phải báo ngay cho NH phát hành không được chậm trễ. B. Nếu
NH thông báo không thể kiểm tra được sự xác thực bề ngoài như vậy, NH thông báo phải báo lại
không được chậm trễ cho NH mà từ đó nó nhận được chỉ thị, rằng nó không thể kiểm tra được
tính xác thực của TDT và tuy nhiên Nếu NH quyết định thông báo TDT đó thì phải báo cho
người hưởng biết rằng NH không thể kiểm tra được sự xác thực của TDT.
So với Điều 8 của Bản Điều lệ 400, Điều 7 của Bản Điều lệ này được bổ sung nghĩa vụ, trách
nhiệm của NH thông báo. Nhiệm vụ của NH thông báo là phải xác nhận khoá điện (hoặc chữ ký)
của TDT mà không cam kết gì hơn. Tuy nhiên nó cũng có quyền không thông báo TDT vì một lý
do nào đó, nhưng phải báo ngay quyết định của mình cho NH phát hành. Như vậy, NH được
chọn thông báo không bắt buộc thông báo TDT mà nó không muốn. Đây là điểm khác biệt với
Điều 7 của Bản Điều lệ cũ. Tuy nhiên trong thực tế, đã là đại lý của nhau thì các NH không từ
chối /bất cứ dịch vụ nào. Tại điểm B của điều khoản này, WG muốn giải quyết một số vướng
mắc phát sinh trong thực tế liên quan đến khoá điện hoặc chữ ký trên TDT hoặc các sửa đổi.
Trong trường hợp khoá điện/ mẫu chữ ký sai thì trách nhiệm của NH thông báo là thông báo cho
NH phát hành tình trạng khoá điện/ mẫu chữ ký của TDT đó/ hoặc các sửa đổi. Trường hợp này,
NH không thông báo cho đến khi đã xác định được tính xác thực của TDT (hoặc các sửa đổi).
Nhưng Nếu NH, vì một lý do nào đó mà thông báo TDT (hoặc các sửa đổi) đó cho người hưởng
thì phải ghi rõ là họ không chịu trách nhiệm về tính xác thực của TDT / sửa đổi vì không thể
kiểm tra được tính xác thực.
Như vậy trách nhiệm của NH thông báo đã được quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên từ "không
chậm trễ" không được quy định cụ thể và việc vận dụng lại tùy thuộc vào tập quán của từng địa
phương và quy chế của từng nước.
ĐIỀU 8: HUỶ BỎ TDT
A. Tín dụng thư huỷ ngang có thể được sửa đổi hoặc huỷ bỏ bởi ngân hàng phát hành vào bất kỳ
lúc nào và không cần báo trước cho người hưởng. B. Tuy nhiên NH phát hành phải: i. Hoàn trả
cho NH mà tại đó Tín dụng thư huỷ ngang đã được thực hiện bằng cách trả tiền ngay, chấp nhận
hoặc chiết khấu - đối với bất kỳ khoản thanh toán, chấp nhận hoặc chiết khấu nào đã được thực
hiện bởi NH đó - trước khi chấp nhận được thông báo sửa đổi hoặc huỷ bỏ, trên cơ sở các chứng

12
từ mà thể hiện trên bề mặt phù hợp với các điều kiện và điều khoản của TDT. ii. Hoàn trả cho
NH khác mà tại đó TDT huỷ ngang đã được thực hiện bằng cách trả tiền sau, Nếu NH đó trước
khi nhận được thông báo sửa đổi hoặc huỷ bỏ, đã tiếp nhận các chứng từ mà thể hiện trên bề
mặt mà phù hợp với các điều kiện và điều khoản của TDT. Điểm sửa đổi nhỏ được thực hiện:
"Chi nhánh" được thay bằng từ "NH khác" nhằm nhất quán với nội dung của Điều khoản 2.
1. Trách nhiệm của Ngân hàng phát hành đối với TDT huỷ ngang Như đã trình bày trên đây,
TDT huỷ ngang hầu như không tồn tại trong thương mại quốc tế, song về lý thuyết nó vẫn được
phép sử dụng và như vậy cần phải duy trì điều khoản nói về sự huỷ bỏ của TDT được phép huỷ
ngang. Tuy nhiên trong phạm vi Bản Điều lệ 500, việc huỷ ngang chỉ có giá trị trước khi chứng
từ hàng hoá được xuất trình. Ngược lại, NH phát hành phải thực thi nghĩa vụ của mình về việc
thanh toán, chấp nhận và thanh toán hối phiếu phát hành như đối với TDT không huỷ ngang.
TDT được phát hành nhằm bảo đảm quyền được trả tiền của người hưởng. Việc huỷ bỏ TDT
cũng tất nhiên ảnh hưởng đến quyền lợi này. Do vậy, người ta luôn nêu ra những điều khoản để
bảo vệ cho người hưởng và các bên phục vụ cho người hưởng.
2. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng và quyền lợi của người mở TDT Trong trường hợp TDT
được phát hành, nhưng người bán (người hưởng) lại không có hàng giao hoặc không được giao
hàng, không thể thực hiện TDT đó. Điều này cũng như là sự huỷ ngang TDT của phía người
hưởng (người bán). Có biện pháp phát hành nào ngăn cản hoặc buộc người hưởng đền bù những
gì mà họ gây ra cho người mở vì không giao được hàng? Khi yêu cầu phát hành TDT người mở
phải vay /ký quỹ tại NH phát hành, trả chi phí, nhưng người hưởng lại không thực hiện nghĩa vụ
của mình? Người mở có quyền đòi người hưởng đèn bù một số tiền nhất định.
Vậy cần xác lập sự đối ứng của tránh nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của hai bên liên quan Sau khi
hợp đồng thương mại được kí kết, người mua yêu cầu NH mình mở TDT nhằm đảm bảo việc trả
tiền cho người bán, đồng thời người bán cũng yêu cầu NH mình mở "Bảo lãnh thực hiện hợp
đồng "(Sau đây gọi là Bảo lãnh thư) nhằm đảm bảo việc trả tiền cho người mua nhận được hàng
hoá hoặc dịch vụ theo đúng hợp đồng.
Đây là loại bảo lãnh vô điều kiện và không huỷ ngang trong đó NH phát hành cam kết sẽ trả số
tiền cụ thể ghi trong Bảo lãnh thư (thông thường là 5-10% trị giá của hợp đồng hoặc TDT) ngay
khi nhận được khiếu nại của người được bảo lãnh là người bán hàng (người hưởng TDT) vi
phạm cam kết, kèm hoặc không kèm theo các chứng từ liên quan mà hai bên đã thoả thuận.(xem
mẫu Bảo lãnh thư Hợp đồng tại phần phân tích ở Điều khoản 1).
Như vậy cả người mua (người mở TDT) lẫn người bán (người hưởng TDT) đều có trách nhiệm
và nghĩa vụ cũng như quyền lợi như nhau trong một dịch vụ mua bán này, thể hiện 2 giao dịch:
TDT và Bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Một điều hết sức quan trọng là hiệu lực của 2 giao dịch trên. Có thể bảo lãnh thư được mở trước
TDT hoặc ngược lại của TDT & bảo lãnh thư phải cũng đồng thời. Thông thường, bảo lãnh được
phát hành trước vì số tiền của bảo lãnh chỉ bằng 5-10% giá trị TDT nên người yêu cầu Bảo lãnh
dễ dàng thương lượng với NH trong trường hợp này Bảo lãnh thư chỉ có giá trị khi người hưởng
nhận được TDT có giá trị pháp lý đầy đủ các điều khoản hai bên đã thoả thuận mà không cần sửa
đổi. Trong thực tế đã có những trường hợp nhà xuất khẩu bị mất tiền của người mua. Nhà xuất
khẩu yêu cầu NH của mình phát hành Bảo lãnh thư cho nhà nhập khẩu nhưng bị từ chối vì nhà
nhập khẩu chỉ chấp nhận Bảo lãnh đó được NH của mình phát hành. Do vậy NH của nhà xuất
khẩu đã yêu cầu NH của nhà nhập khẩu mở một Bảo lãnh thư theo yêu cầu của nhà xuất khẩu
trên cơ sở quy tắc thống nhất về Bảo lãnh, số xuất bản 458 của Phòng thương mại quốc tế. Sau
khi Bảo lãnh thư được mở và có giá trị ngay, nhà nhập khẩu không mở Tín dụng thư nhưng đã

13
lập lệnh đòi bồi hoàn tại NH Bảo lãnh với lý do nhà xuất khẩu vi phạm cam kết của Hợp đồng đã
ký. Vì mất tiền do sự lừa đảo, nhà xuất khẩu phát đơn kiện nhà nhập khẩu nhưng kết quả còn phụ
thuộc vào mạng lưới an ninh và pháp luật của nước sở tại trong việc tìm kiếm, điều tra bọn tổ
chức lừa đảo này.
Thông thường, giao dịch đối ứng trên đây chỉ áp dụng trong trường hợp Hợp đồng thương mại có
giá trị lớn và khách hàng mới giao dịch lần đầu, người mở TDT (người mua) muốn tránh những
thiệt hại do người hưởng (người bán) không thực hiện cam kết giao hàng hoặc giao hàng chậm
bất kể lý do gì.
Đối với các đơn vị xuất khẩu Việt nam, ngoài việc xem xét giá trị hiệu lực của hai giao dịch trên,
cần quan tâm đến khả năng thực hiện Hợp đồng. Đã phát hành Bảo lãnh thư rồi thì bất cứ lý do
nào cũng phải giao hàng và không được chậm trễ. Sự biến động giá cả bất lợi cho người mua dẫn
đến việc nhà nhập khẩu nước ngoài từ chối gia hạn giao hàng. Kết quả là việc mua bán bất thành,
phát sinh những tổn thất và những hình phạt tài chính.
ĐIỀU 9: TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG PHÁT HÀNH VÀ NGÂN HÀNG XÁC
NHẬN
A. TDT không huỷ ngang là cam kết rõ ràng của NH phát hành một khi các chứng từ quy định
xuất trình cho NH được chỉ định hoặc NH phát hành phù hợp với các điều khoản và điều kiện, i.
nếu TDT quy định trả tiền ngay - thì phải trả tiền ngay ii. nếu TDT quy định trả tiền sau - thì
phải trả vào ngày đáo hạn được xác định theo quy định của TDT iii.nếu TDT quy định chấp
nhận: a. bởi NH phát hành - thì chấp nhận hối phiếu do người hưởng ký phát cho NH phát hành
và trả tiền vào ngày đáo hạn b. bởi một NH thanh toán khác - thì chấp nhận và trả tiền vào ngày
đáo hạn hối phiếu mà người thụ hưởng ký phát cho NH phát hành trong trường hợp NH trả tiền
ghi trong TDT không chấp nhận hối phiếu ký phát cho họ, hoặc thanh toán hối phiếu đã được
chấp nhận nhưng không được thanh toán khi đến hạn bởi NH được chỉ định nói trên. iv.nếu TDT
quy định chiết khấu thì thanh toán không bảo lưu cho người đòi tiền và / hoặc người nắm giữ
hối phiếu trung thực, hối phiếu do người hưởng ký phát và / hoặc các chứng từ được xuất trình
theo TDT. TDT không được phát hành với các điều kiện hối phiếu đòi tiền tại người mở TDT.
Tuy nhiên, Nếu TDT được phát hành như vậy, NH sẽ xem hối phiếu đó chỉ là chứng từ bổ sung.
B. Việc xác nhận TDT không huỷ ngang của một NH (NH xác nhận) dựa trên sự uỷ quyền của
NH phát hành, tạo nên một cam kết chắc chắn của NH xác nhận, thêm vào sự cam kết của NH
phát hành, với điều kiện là các chứng từ quy định được xuất trình cho NH xác nhận hoặc cho
bất kỳ NH được chỉ định nào và các điều khoản và điều kiện của TDT phải được thực hiện đầy
đủ: i. nếu TDT quy định trả tiền ngay - thì phải trả tiền ngay ii. nếu TDT quy định trả tiền sau -
thì phải trả vào ngày đáo hạn được xác định theo quy định của TDT iii. nếu TDT quy định chấp
nhận a. bởi NH xác nhận - thì chấp nhận hối phiếu do người hưởng ký phát cho NH xác nhận và
trả tiền vào ngày đáo hạn. b. bởi một NH thanh toán khác - thì chấp nhận và trả tiền vào ngày
đáo hạn hối phiếu mà người hưởng ký phát cho NH xác nhận trong trường hợp NH trả tiền ghi
trong TDT không chấp nhận hối phiếu ký phát cho họ, hoặc thanh toán hối phiếu đã được chấp
nhận nhưng không được thanh toán khi đến hạn bởi NH được chỉ định nói trên. iv. nếu TDT quy
định việc chiết khấu - thì chiết khấu không bảo lưu cho người đòi tiền và / hoặc người nắm giữ
hối phiếu trung thực, hối phiếu do người hưởng ký phát và / hoặc các chứng từ được xuất trình
theo TDT. TDT không được phát hành với các điều kiện hối phiếu đòi tiền tại người mở TDT.
Tuy nhiên, Nếu TDT được phát hành như vậy, NH sẽ xem hối phiếu đó chỉ là chứng từ bổ sung.
C.i. Nếu một NH được NH phát hành uỷ quyền hoặc yêu cầu xác nhận TDT nhưng NH đó không
muốn làm như vậy thì NH đó phải thông báo ngay cho NH phát hành.

14
ii. Trừ phi NH phát hành quy định khác trong uỷ quyền hoặc yêu cầu NH thôngbáo xác nhận,
NH có thể thông báo TDT cho người hưởng mà không ghi thêm sự xác nhận của mình. D.i.
Ngoại trừ quy định khác trong điều 48, một TDT không huỷ ngang không thể được sửa đổi hoặc
huỷ bỏ mà không có sự đồng ý của NH phát hành, NH xác nhận nếu có và người hưởng.
ii. NH phát hành không thể huỷ ngang sự ràng buộc đối với sửa đổi của mình từ lúc phát hành
sự sửa đổi đó. NH xác nhận có thể xác nhận một sửa đổi và sẽ ràng buộc không thể huỷ ngang
từ lúc thông báo sửa đổi đó. Tuy nhiên, NH xác nhận có thể lựa chọn thông báo sửa đổi cho
người hưởng mà không bổ sung xác nhận của mình và nếu như vậy phải thông báo ngay cho NH
phát hành và người hưởng.
iii.Các điều khoản của TDT gốc (hoặc một TDT bao gồm các sửa đổi được chấp nhận trước đó)
sẽ giữ nguyên hiệu lực đối với người hưởng cho tới khi người hưởng tuyên bố chấp thuận sửa
đổi với NH đã thông báo sửa đổi đó. Người hưởng phải đưa ra thông báo chấp nhận hoặc từ
chối sửa đổi đó. Nếu người hưởng không đưa ra thông báo như vậy, việc xuất trình các chứng từ
cho NH được chỉ định hoặc NH phát hành, mà phù hợp với TDT và sửa đổi chưa được chấp
nhận, sẽ được xem như là thông báo chấp nhận bởi người hưởng đối với sửa đổi đó và từ đó
TDT sẽ được sửa đổi. iv.Không cho phép chấp nhận từng phần sửa đổi đối với nội dung của mỗi
thông báo sửa đổi và như vậy, chấp nhận đó sẽ không có giá trị.
Trách nhiệm và nghĩa vụ của NH mở và NH xác nhận ở iều 10 Bản Điều lệ 400 vẫn không thay
đổi nhưng được nói rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể và đầy đủ hơn trong điều khoản này. Nhằm giải
quyết một số vướng mắc phát sinh trong thực tế, WG bổ sung thêm một số phần mà nó đã xác
nhận. Đặc biệt, là nói thêm về chấp nhận hay từ chối của người hưởng đối với các sửa đổi TDT.
Trước tiên ta hãy hiểu xem một số thuật ngữ được dùng trong điều khoản này:
• Nghĩa vụ đối với khoản nợ (Liability): sau khi phát hành TDT, NH ràng buộc các
khoản thanh toán phát sinh theo TDT đó. Đây là một khoản nợ mà NH phát hành, NH xác
nhận (Nếu có) có nghĩa vụ phải trả cho người hưởng theo đúng cam kết của mình.
• Phương thức thanh toán ngay(Sight payment/payment at sight): NH sẽ thanh toán
cho người hưởng ngay khi nhận được chứng từ và / hoặc hối phiếu xuất trình phù hợp với
TDT. Tuy nhiên, "thanh toán ngay" còn phụ thuộc vào thời gian xử lý nghiệp vụ và quy
định riêng của từng NH. Với mục đích của Bản Điều lệ 500, phương thức thanh toán
ngay được sử dụng để phân biệt với phương thức thanh toán có kỳ hạn và không quá
7ngày làm việc.
• Phương thức thanh toán có kỳ hạn (Deferred payment, payment by Ussance
draff/Acceptance): Đây là khoản Tín dụng thương mại mà người bán cấp cho người mua
bằng hàng hoá. Việc thanh toán sẽ được ấn định vào thời điểm cụ thể trong tương lai, có
thể là 30 ngày, 60 ngày, 120 ngày hoặc 360 ngày kể từ ngày giao hàng, ngày xuất trình
chứng từ, ngày NH phát hành nhận được chứng từ ...
Sự khác biệt của hai thuật ngữ "Deferred payment" và " payment by Ussance draff/Acceptance"
là: đối với thuật ngữ thứ nhất, TDT không cần yêu cầu xuất trình hối phiếu. Cách gọi này (Credit
available by Deferred payment) được phổ biến ở các NH châu Âu và Bắc Mỹ. Khi chứng từ xuất
trình phù hợp với các điều khoản của TDT, NH phát hành sẽ tự động thanh toán vào ngày đáo
hạn được xác định trước mà không cần động tác chấp nhận vì không cần hối phiếu. Đối với thuật
ngữ thứ hai TDT luôn yêu cầu chứng từ kèm hối phiếu (Usance/time Draft), do vậy thủ tục chấp
nhận được NH phát hành thực hiện khi chứng từ xuất trình hợp lệ. TDT với điều khoản chấp
nhận hối phiếu trả chậm được dùng phổ biến tại các nước Châu Á.

15
Gọi là Tín dụng thương mại vì đây là những khoản vay, mượn phát sinh giữa công ty thương
mại. Tuy nhiên người bán sẽ chiết khấu chứng từ / hối phiếu để được ứng tiền ngay theo TDT.
Khoản Tín dụng này được chuyển thành Tín dụng giữa các NH, gọi là Tín dụng ngân hàng.
Nghiệp vụ chiết khấu chứng từ / hối phiếu rất thông dụng và phổ biến, được gọi là hình thức tài
trợ chắc chắn và tiện lợi cho cả NH lẫn người bán hàng.
• Hối phiếu (Draff/Bill of Exchange): "Là một lệnh thanh toán vô điều kiện bằng văn bản
do một người ký phát cho một người khác, yêu cầu người được ký phát trả ngay hay vào
một thời điểm xác định trong tương lai số tiền cho hoặc theo lệnh của một người khác
hoặc cho người cầm hối phiếu" (Tài liệu ICC số xuất bản 515)
TDT trả tiền ngay không cần hối phiếu. Tuy nhiên, các NH Châu á thường yêu cầu chứng từ kèm
hối phiếu. Đối với phương thức thanh toán trả chậm bằng chấp nhận, hối phiếu được ký hậu xác
thực việc chấp nhận của người trả tiền. Hối phiếu đã được NH phát hành chấp nhận được lưu
thông trên thị trường Việt Nam, Hối phiếu được coi như là chứng từ phụ trong bộ chứng từ hàng
hoá vì không có giá trị lưu thông trên thị trường tài chính, Ngân hàng.
Trong thủ tục chiết khấu, người hưởng lập hối phiếu đòi tiền NH quy định trong TDT và ghi rõ:
"Yêu cầu trả tiền ngay cho hoặc theo lệnh của NH A"
(Please pay at sight to order of Bank A)
NH A trả tiền cho người hưởng và ký tên sau đó ghi rõ phía sau hối phiếu:
"Đề nghị trả theo lệnh của bất cứ NH hoặc bất cứ Công ty tín khác nào"
(Please pay to the order of any Bank or banker, Trust Company)
NH này cũng có thể yêu cầu thanh toán theo lệnh của NH phát hành:
"Đề nghị trả tiền theo lệnh của NH phát hành "
(Please pay to the order of Standard Chartered Bank)
Việc ký hậu hối phiếu được tiếp tục cho đến khi người trả tiền (Drawee) là người mở TDT tiếp
nhận chứng từ và hối phiếu.
Nếu là TDT với phương thức thanh toán bằng hối phiếu có kỳ hạn, NH chiết khấu có thể "mua"
và "bán" hối phiếu đó trên thị trường tài chính bằng phương thức ký hậu như trên. Tuy nhiên,
không như cổ phiếu, hối phiếu được dễ dàng lưu thông hay không còn tuỳ thuộc vào NH phát
hành và thị trường mua bán của nó.
• Thanh toán không bảo lưu: Bảo lưu trong giao dịch TDCT là NH trả tiền có quyền yêu
cầu người hưởng hoàn lại số tiền đó nếu bộ chứng từ của TDT không được thanh toán vì
bất cứ lý do gì. Bảo lưu chỉ áp dụng đối với việc chiết khấu, khi NH ứng tiền cho người
hưởng trước khi bộ chứng từ thanh toán với điều kiện là NH này không cam kết gì về
khoản chiết khấu trên. Nhưng đã là NH phát hành hoặc NH xác nhận thì họ không được
quyền bảo lưu thanh toán hoặc chiết khấu cho người hưởng với mọi rủi ro thuộc về các
NH đó.
1. Trách nhiệm và nghĩa vụ của NH phát hành Bản Điều lệ 400, trách nhiệm thanh toán của
NH phát hành còn những chỗ không được rõ và kém sức thuyết phục. Do vậy, "Nếu TDT quy
định trả tiền ngay - thì phải trả ngay" được ghi rõ ở điều khoản này, không hề có sự lựa chọn
khác như: "hoặc làm cho việc trả tiền được thực hiện" mà Điều lệ 400 quy định. Câu này làm
cho người hưởng trở nên mơ hồ không hiểu NH hay người mở là người chịu trách nhiệm chính
trong việc thanh toán và khi nào NH phát hành buộc phải thanh toán ngay cho người mở. Nhằm
làm nổi bật vai trò của NH phát hành hoặc NH xác nhận (nếu có) là NH lãnh chịu trách nhiệm rõ
ràng và duy nhất đối với việc thanh toán theo phương thức trả ngay, chấp nhận và thanh toán hối
phiếu trả chậm cho người hưởng khi chứng từ xuất trình hợp lệ theo TDT, WG đã quyết định loại
16
bỏ những câu của Bản Điều lệ 400 : " ... hoặc việc thanh toán sẽ được thực hiện", "...hoặc chịu
trách nhiệm về việc chấp nhận về thanh toán vào ngày đáo hạn của người mở nếu TDT qui định
hối phiếu đòi lại tiền tại người mở", "...hoặc bảo đảm cho việc chiết khấu của một ngân hàng
khác".
Nhằm nhất quán đối với những sửa đổi trên, WG cũng giới hạn việc ký phát của hối phiếu , Bản
Điều lệ 500 đã khẳng định là tất cả các hối phiếu đều đòi tiền tại NH phát hành (hoặc NH trả
tiền). Nếu hối phiếu đòi tiền tại người mở thì được coi đơn giản là chứng từ phụ trợ, NH chuyển
giao cho người mở mà không hề ảnh hưởng đến nghĩa vụ thanh toán của NH phát hành nói rõ ở
phần A của điều khoản này. Việc sửa đổi này phát sinh từ thực tế là có NH ngộ nhận (hoặc cố ý
quan niệm sai) là hối phiếu đòi tiền tại người mở thì chỉ khi nào người mở chuyển tiền (hoặc
chấp nhận) NH phát hành mới thanh toán (hoặc chấp nhận). Ngược lại, nếu người mở không
chuyển tiền hoặc không thanh toán thì NH phát hành cũng từ chối trách nhiệm của mình đối với
hối phiếu đó ?
Thế nào là chứng từ bổ sung, chứng từ phụ?( additional document)?
Như ta đã biết "Hối phiếu (HP) là một lệnh thanh toán vô điều kiện" của Người hưởng lập, đòi
tiền tại NH phát hành. Nhưng hối phiếu lập đòi tiền tại Người mở TDT thì bản chất của hối phiếu
sẽ bị "biến dạng" vì "lệnh thanh toán vô điều kiện" chỉ có giá trị đối với NH phát hành - là phía
chịu trách nhiệm về mọi khoản đòi tiền mà nó cam kết, chứ không có hiệu lực đối với người mở,
vì người mở không phải là một đối tác của TDT. Nếu không được sử dụng đúng tính chất, Hối
phiếu không thể trở thành công cụ kiểm soát nghĩa vụ thanh toán của NH phát hành theo Tín
dụng chứng từ và cũng không thể coi là lệnh thanh toán hoặc chấp nhận và cũng không thể coi là
lệnh thanh toán hoặc chấp nhận mà chỉ là "Hối phiếu thủ tục" để NH phát hành dùng như là một
công cụ giao dịch với người mở không nằm trong giao dịch TDT .
Có người lầm tưởng là "chứng từ bổ sung" sẽ được coi như là "chứng từ bị loại bỏ", nghĩa là NH
sẽ bỏ qua chứng từ đó, giống như là chứng từ được đề cập tại Điều 13 (a) (chứng từ không được
đề cập trong TDT ). Xin lưu ý là Bản Điều lệ hoàn toàn không hề nói về việc loại bỏ hối phiếu
đòi tiền tại người mở, do vậy NH không được quyền loại bỏ mà phải kiểm tra chứng từ theo
đúng điều khoản và điều kiện của TDT .
Sở dĩ WG bổ sung phần này vào Điều 9 "là nhằm tránh tình trạng người mở, không phải là đối
tác trong giao dịch TDT, bằng cách không chấp nhận hối phiếu, có thể gây ảnh hưởng quan hệ
giữa các bên của TDT "
Dù cho Hối phiếu được lập đòi tiền tại người mở thì nghĩa vụ của NH phát hành cũng không thay
đổi.Tài liệu DC của ICC (đã dẫn trên đây) khẳng định:
(Nghĩa vụ của NH phát hành không thể được quyết định bởi, hoặc tuỳ thuộc vào việc thanh toán,
chấp nhận hay hành động khác của Người trả tiền hối phiếu (Nghĩa là người mở TDT)
Như đã phân tích trên, "hối phiếu thủ tục" chỉ là công cụ giao dịch giữa NH phát hành và người
mở TDT.
Khi nhận được hối phiếu đòi tiền tại người mở, NH chuyển cho người mở và buộc người mở
phải chấp nhận thanh toán ngay (Nếu là TDT trả ngay) trong thời gian nhất định. Quá thời hạn
đó, nếu người mở không giữ đúng cam kết thì ngân hàng sẽ thanh toán cho Người hưởng. Nếu vì
lý do tài chính mà người mở không thanh toán được, NH phát hành phải tự thanh toán cho người
hưởng. Ngược lại hối phiếu đòi tiền tại NH phát hành thì NH này sẽ thanh toán mà khôngcần ý
kiến của người mở (Nếu chứng từ hợp lệ) đúng trong thời hạn quy định, đồng thời chuyển giao
chứng từ cho người mở.

17
Nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của hối phiếu và tránh khập khiễng trong giao dịch TDCT, các NH
phát hành nên tránh trường hợp hối phiếu đòi tiền tại Người mở đối với TDT có giá trị chiết
khấu, ngay cả khi khách hàng - do chưa nắm rõ nghiệp vụ, yêu cầu như vậy.
2. Những điều kiện của việc xác nhận TDT NH xác nhận là NH ràng buộc nghĩa vụ, trách
nhiệm của mình đối với việc thanh toán TDT, nếu nó được uỷ quyền thanh toán / chiết khấu hoặc
chấp nhận và thanh toán khi người hưởng không tin ở khả năng trả nợ của NH phát hành. Do vậy
NH xác nhận thường là ngân hàng loại 1, hoặc ngân hàng của người hưởng có quan hệ tốt với
NH phát hành, hoặc là NH có quan hệ tiền gởi, quan hệ Tín dụng với NH phát hành. Để đảm bảo
uy tín của mình để tránh những rủi ro có thể, ngân hàng được yêu cầu xác nhận TDT chỉ xác
nhận khi :
• NH phát hành thể hiện được khả năng thanh toán của mình. Thí dụ: cho phép NH xác
nhận thanh toán chứng từ bằng cách ghi nợ tài khoản của mình (trường hợp NH mở có
quan hệ tài khoản tiền gửi với NH xác nhận), hoặc
• NH phát hành đã ký quỹ đủ số tiền của TDT, hoặc
• NH phát hành đã được NH xác nhận cấp Tín dụng thông qua những nghiệp vụ phát hành
/ xác nhận TDT , họ phải hiểu rõ mọi điều kiện, tình huống như NH phát hành đối với
dịch vụ mà họ sẽ thực hiện, theo đó NH phát hành sẽ nhận nợ khi TDT được NH xác
nhận thanh toán, hoặc
• NH mẹ cấp vốn cho NN chi nhánh.
Về lý thuyết, một tín dụng thư có thể được xác nhận bởi một ngân hàng nhưng lại được thông
báo bởi ngân hàng khác. Trên thực tế NH xác nhận chính là NH thông báo. Một ngân hàng trước
khi xác nhận TDT, họ phải hiểu rõ mọi điều kiện, mọi tình huống như NH phát hành đối với dịch
vụ mà họ sẽ thực hiện, từ việc xem xét yêu cầu xác nhận, nghiên cứu khách hàng, đảm bảo thanh
toán.. đến kiểm tra các điều khoản của Tín dụng thư đó. Họ giành kiểm tra chứng từ xuất trình và
thực hiện vai trò của NH chiết khấu. Tất cả những việc làm này nhằm đảm bảo của vai trò của
NH xác nhận trong những giao dịch mà trách nhiệm và trách nhiệm pháp lý của nó ràng buộc
việc thanh toán TDT đó.
3. Trách nhiệm và nghĩa vụ của NH xác nhận. Phần B của điều khoản này nói về trách nhiệm
và nghĩa vụ của NH xác nhận gần đúng với trách nhiệm và nghĩa vụ của NH phát hành, trừ một
số điểm mang tính đặc thù của NH xác nhận.
Khi đã đồng ý xác nhận TDT, NH xác nhận cam kết thanh toán, chấp nhận và thanh toán, chiết
khấu không bảo lưu (tuỳ theo từng trường hợp) cho người hưởng của TDT nếu bộ chứng từ hợp
lệ xuất trình tại nó hoặc tại NH được uỷ quyền. Cam kết này, củng cố, bổ sung thêm vào cam kết
của NH phát hành, không qua NH xác nhận hoặc NH chỉ định trong TDT, hoặc bộ chứng từ hợp
lệ được xuất trình tại NH xác nhận sau khi TDT đã hết hiệu lực, thì NH xác nhận miễn trách đối
với chứng từ đó. Do vậy, việc sửa đổi được thực hiện bằng cách nói rõ thêm " ...với điều kiện là
các chứng từ quy định được xuất trình tại NH xác nhận hoặc tại bất cứ NH nào được chỉ định
..."
Phần A- iii (b) nói rõ trách nhiệm của NH phát hành đối với những hối phiếu trả chậm bị một
ngân hàng được phép thanh toán khác từ chối chấp nhận và thanh toán. Hiện nay, các TDT với
điều khoản cho phép đòi tiền tại 1 NH thứ 3 được sử dụng rộng rãi, hợp với thông lệ của TTQT,
đặc biệt là tập quán của Mỹ.
Thí dụ: Ngân hàng A mở TDT cho công ty X với điều khoản hối phiếu trả chậm đòi tiền tại ngân
hàng B (ngân hàng được chỉ định làm đại lý thanh toán TDT, để chấp nhận và thanh toán vào
ngày đáo hạn). Nhưng do lý do nào đó, NH B từ chối chấp nhận hối phiếu đó thì ngân hàng A
18
(NH phát hành TDT) phải chấp nhận và thanh toán vào ngày đáo hạn. Hoặc ngân hàng B chấp
nhận hối phiếu nhưng lại không thanh toán vào ngày đáo hạn thì ngân hàng A phải thực thi nghĩa
vụ của mình là thanh toán đúng thời hạn hối phiếu được chấp nhận trên.
Phần B - iii (b) cũng lặp lại nội dung trên nhưng thay NH mở bằng NH xác nhận. Có nghĩa là
trách nhiệm thanh toán của 2 ngân hàng này đều như nhau.
Với vai trò của mình, NH xác nhận phải chiết khấu không được bảo lưu chứng từ hợp lệ xuất
trình tại nó theo TDT mà mình xác nhận. Việc chiết khấu trong trường hợp này tương tự như
việc thanh toán, chỉ có sự khác biệt về lãi xuất chiết khấu để phân biệt hành động chiết khấu của
NH xác nhận với việc "ứng tiền" cho người hưởng trước khi chứng từ được thanh toán bởi người
mở. ICC trong Tài liệu xuất bản số 371 trang 19 quy định "... đối với các chứng từ có giá trị
chiết khấu, ngân hàng được chỉ định luôn luôn có quyền bảo lưu, trừ khi nó ghi thêm từ "không
bảo lưu" vào hối phiếu và trừ khi nó là NH xác nhận "
Với vai trò và nghĩa vụ của mình như đã phân tích trên, một ngân hàng khi được yêu cầu xác
nhận đều xem xét mọi khía cạnh để quyết định sự lựa chọn của mình.
NH được yêu cầu xác nhận cũng có thể khi thấy yếu tố rủi ro xuất hiện và như vậy họ phải báo
cho ngân hàng phát hành biết. Trong thực tế, có ngân hàng đã xác nhận TDT không phải theo
yêu cầu của NH phát hành mà của người hưởng.Theo ICC, trong trường hợp này NH xác nhận
chịu mọi rủi ro từ phía NH phát hành do bất cứ lý do nào mà nó không được hoàn trả tiền bởi
NH phát hành (mất khả năng thanh toán, phá sản, phán quyết không thanh toán của toà án.
Nhưng đối với người hưởng, quyền được ngân hành xác nhận trả tiền vẫn không thay đổi. Do
vậy, việc xác nhận chỉ theo yêu cầu của người hưởng là nên tránh.
Nghĩa vụ đi đôi với quyền lợi. NH xác nhận có thể xác nhận TDT nhưng không xác nhận một
sửa đổi gia hạn hiệu lực, tăng tiền, hoặc các sửa đổi về các điều khoản khác mà nó thấy có thể
phát sinh rủi ro trong thanh toán. Trong trường hợp này, trách nhiệm của ngân hàng xác nhận
được giới hạn.
Thí dụ:TDT được xác nhận với số tiền $ 100,000- thời hạn hiệu lực 30.5.92. Sau đó TDT sửa đổi
tăng tiền lên $ 150,000- hiệu lực kéo dài đến 30.6.92. Nếu sửa đổi bị NH xác nhận từ chối xác
nhận thì ngân hàng này chỉ có nghĩa vụ đối với số tiền là $ 100,000- Nếu chứng từ xuất trình phù
hợp với các điều khoản của TDT trước cuối ngày 30.5.92.
4. Quyền chấp nhận hoặc từ chối sửa đổi TDT của người hưởng
Việc sửa đổi TDT là thoả thuận giữa người mở, người hưởng và được NH phát hành (và NH xác
nhận, Nếu có) chấp thuận. Để tránh những trường hợp người mở tự động sửa đổi, hoặc sửa đổi
không đúng giữa hai bên, gây khó khăn cho người hưởng trong việc lập chứng từ đòi tiền, WG
đã bổ sung vào điều khoản này phần (iii) quyền từ chối sửa đổi của người hưởng, Nếu từ chối
những sửa đổi không đúng thoả thuận, người hưởng phải thông báo ngay cho người mở qua NH
mình và đương nhiên TDT đó coi như không được sửa đổi và giữ nguyên giá trị ban đầu. Ngược
lại, Nếu đồng ý sửa đổi của TDT, người hưởng có thể thông báo chấp thuận hoặc không thông
báo. Sự im lặng coi như chấp nhận sửa đổi đó và được chứng minh bằng việc xuất trình chứng từ
phù hợp với các điều khoản cuả TDT đã được sửa đổi.
Cho đến nay, đã có nhiều ý kiến của các NH thế giới nêu ra những thắc mắc là làm thế nào để
bảo đảm là Người hưởng thông báo chấp nhận hay từ chối sửa đổi, nếu họ từ chối bằng cách xuất
trình chứng từ đúng với TDT gốc mà không đúng với sửa đổi, thì NH có coi là đúng quy định
không? Cũng có những ý kiến là cần đưa ra thời hạn chấp nhận hoặc là từ chối trong vòng 7
ngày hoặc 10 ngày làm việc cho Người hưởng. Có ý kiến thì phản bác, cho rằng đưa ra thời hạn
như vậy là không công bằng đối với người hưởng mà giữ nguyên nội dung của Điều 9 (D,iii)

19
Bản Điều lệ . Đó là những ý kiến rất bổ ích được rút ra từ thực tế giao dịch TDT và là những cơ
sở cho bản sửa đổi sau này. Hiện tại, tuỳ từng quy chế của các NH thương mại để đem ra những
thông lệ hợp với hoạt động của NH mình và địa phương mà không ngược với Bản Điều lệ.
Để tránh sự tranh chấp có thể phát sinh, các NH phát hành nên ghi rõ trong TDT thời hạn cho
việc từ chối sửa đổi. Theo các chuyên gia ngân hàng, thời hạn này là 7 ngày làm việc. Sau 7 ngày
đó, Nếu NH đó không nhận được phản ứng của NH thông báo thì coi như sửa đổi đã được chấp
thuận. Tất nhiên, việc chấp thuận một phần của 1 sửa đổi đều không có giá trị. Trong trường hợp
như vậy, người hưởng nên từ chối toàn bộ sửa đổi đó và yêu cầu 1 sửa đổi khác hoàn chỉnh hơn,
chính xác hơn.
ĐIỀU 10: CÁC LOẠI TÍN DỤNG THƯ
A. Tất cả các TDT phải ghi rõ có giá trị bằng cách trả tiền ngay / trả tiền sau, hay chấp nhận
hoặc chiết khấu. B.i. Trừ phi TDT quy định nó chỉ có giá trị thanh toán tại NH phát hành, tất cả
các TDT phải chỉ định ngân hàng được uỷ quyền (Ngân hàng được chỉ định) trả tiền, cam kết sẽ
trả tiền sau, chấp nhận hối phiếu hoặc chiết khấu. TDT không giới hạn NH chiết khấu, bất kỳ
ngân hàng nào cũng được coi là NH chỉ định. Chứng từ phải được xuất trình tại NH phát hành
hoặc NH xác nhận Nếu có, hoặc với bất kỳ NH được chỉ định nào .
ii. Chiết khấu có nghĩa là NH được uỷ quyền ứng tiền thêo giá trị hối phiếu và/hoặc chứng từ
cho người hưởng. Chỉ kiểm tra chứng từ mà không ứng tiền thì không được coi là chiết khấu . C.
Trừ phi Ngân hàng được chỉ định là Ngân hàng xác nhận, việc chỉ định của Ngân hàng phát
hành không tạo ra bất kỳ cam kết nào về phía NH được chỉ định là phải trả tiền, phải cam kết
trả tiền sau, phải chấp nhận hối phiếu, hoặc chiết khấu. Trừ trường hợp NH thông báo có thoả
thuận riêng và thông báo cho người hưởng, việc ngân hàng được chỉ định tiếp nhận và /hoặc
kiểm tra và / hoặc gửi chứng từ không có nghĩa là ngân hàng đó có trách nhiệm phải trả tiền,
phải cam kết sẽ trả tiền sau, phải chấp nhận hối phiếu, hoặc chiết khấu . D. Bằng cách chỉ định
một ngân hàng khác, hoặc bằng việc cho phép bất kỳ ngân hàng nào cũng được quyền chiết
khấu hoặc bằng uỷ quyền hoặc bằng một ngân hàng khác xác nhận TDT, NH phát hành uỷ
quyền ngân hàng đó trả tiền, chấp nhận hối phiếu hoặc chiết khấu, tuỳ từng trường hợp, trên cơ
sở các chứng từ mà bề mặt của chúng thể hiện phù hợp với các điều khoản và điều kiện của TDT
và cam kết hoàn trả cho ngân hàng đó theo đúng những quy định của điều khoản này. Các
phương thức thanh toán TDT trả tiền ngay, trả chậm, chấp nhận hối phiếu có kỳ hạn đã được đề
cập ở Điều khoản trước. Điều khoản này muốn định nghĩa rõ về thực chất của chứng từ "chiết
khấu " và trách nhiệm và quyền của NH được chỉ định (NH chiết khấu). Điều 11 của Bản Điều lệ
cũ được sửa đổi thành Điều 10 của bản Điều lệ 500 dựa vào nhiều kiến nghị của các Phòng
thương mại quốc gia.
Ta có thể phân loại TDT theo phương diện giao dịch (TDT chuyển nhượng ,TDT giáp lưng), hay
theo phương diện nghĩa vụ và trách nhiệm (TDT huỷ ngang, TDT không huỷ ngang, TDT xác
nhận ...) hay theo phương diện thanh toán (TDT trả ngay, TDT trả chậm) ...
1. Phân loại TDT Theo Uỷ ban về kỹ thuật và Nghiệp vụ Ngân hàng thuộc ICC (Tài liệu số xuất
bản 515) TDT được phân biệt theo 2 dạng:
• Phân theo loại hình:
*TDT không huỷ ngang
*TDT huỷ ngang
• Phân theo phương thức sử dụng :
*TDT không huỷ ngang có giá trị trực tiếp
*TDT không huỷ ngang có giá trị chiết khấu
20
*TDT không huỷ ngang không xác nhận
*TDT không huỷ ngang xác nhận
*TDT tuần hoàn
*TDT với điều khoản đỏ
*TDT dự phòng
*TDT chuyển nhượng
*TDT giáp lưng
Các loại TDT trên sẽ được đề cập trong quá trình phân tích, giải thích của cuốn sách này. Điều
khoản này chỉ nói về TDT không hủy ngang và có giá trị trực tiếp và TDT với Điều khoản đỏ
2. TDT không hủy ngang có giá trị trực tiếp Thực ra, trong giao dịch thỉnh thoảng ta vẫn gặp
loại TDT này nhưng cách gọi thì có vẻ mới lạ. Đây là TDT mà chứng từ được yêu cầu xuất trình
trực tiếp để thanh toán tại NH phát hành. Do vậy thời hạn hiệu lực sẽ kết thúc tại NH phát hành.
TDT sẽ không thể hiện điều khoản chiết khấu và chỉ định NH chiết khấu. Việc chiết khấu (ứng
tiền) là công việc nội bộ giữa NH chuyển chứng từ và người hưởng. Mặc dù, TDT không có giá
trị chiết khấu và cam kết thanh toán của NH phát hành chỉ có giá trị duy nhất đối với người
hưởng, NH chuyển chứng từ cũng có thể ứng tiền cho khách hàng Nếu chứng từ hoàn toàn
không điều chỉnh trách nhiệm của NH phát hành quy định tại Điều 9. Sau khi nhận được chứng
từ hợp lệ, NH phát hành phải chuyển trả tiền cho người hưởng theo chỉ dẫn của NH chuyển
chứng từ. Vai trò của NH chuyển chứng từ là bảo vệ quyền lợi của người được hưởng và cũng
chính la bảo vệ quyền lợi của chính mình nếu họ đã chiết khấu chứng từ theo đúng cam kết trong
TDT và phù hợp với Bản Điều lệ 500. Định nghĩa của TDT trực tiếp được ghi trong tài liệu ICC
số xuất bản 515:
"Nghĩa vụ của NH phát hành trong TDT không huỷ ngang và trực tiếp chỉ có giá trị đối với
người hưởng về việc thanh toán hối phiếu / chứng từ và luôn luôn hết hiệu lực tại NH phát hành.
Loại TDT này không bao gồm cam kết hoặc nghĩa vụ nào của NH phát hành với bất cứ ai ngoài
người hưởng của TDT ".
3. TDT với điều khoản đỏ Từ "Red Clause" ngày nay được dùng bởi nhiều thuật ngữ khác
nhau: "Advance Clause" (Điều khoản ứng trước), hoặc "special clause" (Điều khoản đặc biệt).
Theo đó, người mở TDT cam kết tài trợ cho nhà XK ngay sau khi TDT được mở. Hai bên đối tác
phải có quan hệ làm ăn lâu dài và uy tín. Phía NH phải là công ty lớn và đủ vốn, phía XK có
nguồn hàng hoá, sản xuất nhưng thiếu vốn.
Với "Điều khoản đỏ", NH phát hành cam kết ứng một số tiền nhất định (30 hoặc 50%) trị giá
TDT khi nhận được các chứng từ, thông thường là:
• Hối phiếu của số tiền ứng trước
• Hoá đơn
• Cam kết trả nợ hoặc cam kết giao hàng và các chứng từ khác tùy theo thoả thuận
Rất nhiều trường hợp người mở chỉ ứng trước tiền hàng cho Người hưởng dưới sự bảo lãnh của
NH người hưởng (Advance Guarantee). Như vậy, Người hưởng sẽ thương lượng với NH mình
để phát hành Bảo lãnh trước khi nhận được tiền theo Điều khoản đỏ.
Một số người ngộ nhận là với TDT có Điều khoản đỏ, Người hưởng sẽ được NH thông báo cấp
tín dụng ngay sau khi nhận được TDT. Điều cần hiểu là tiền ứng trước được lấy từ tài khoản của
người mở, nghĩa là Tín dụng thương mại, mà không phải cấp Tín dụng của NH thông báo hay
NH phát hành. NH thông báo chỉ thực hiện các thủ tục theo điều khoản của TDT chứ không cam
kết hoặc chịu trách nhiệm về số tiền đó.

21
4. NH được chỉ định về chiết khấu chứng từ Thông thường TDT đều quy định: "TDT này có
giá trị chiết khấu tại NH ..." hoặc "giới hạn việc chiết khấu của TDT này tại NH ..." nhằm định rõ
NH chiết khấu, gọi là NH được chỉ định (Nominated bank), có nghĩa là chứng từ phải được xuất
trình tại NH này. Tuy nhiên, một số TDT không ghi quy định có giá trị chiết khấu tại một ngân
hàng cụ thể nào. Như vậy phải hiểu là chứng từ của TDT đó có giá trị chiết khấu tại bất cứ ngân
hàng nào. NH nào cũng có quyền trở thành NH được chỉ định để chiết khấu bộ chứng từ và có
quyền đòi NH phát hành hoàn trả tiền theo đúng điều khoản của TDT. Do vậy, chứng từ phải
được xuất trình cho :
• NH xác nhận, Nếu là TDT xác nhận, hoặc
• NH phát hành, Nếu người hưởng không muốn qua ngân hàng thứ 2, hoặc
• NH được chỉ định cụ thể, hoặc bất cứ ngân hàng nào Nếu TDT không ghi rõ NH đó.
Trên thực tế, đối với TDT có giá trị chiết khấu ở bất cứ ngân hàng nào, bộ chứng từ luôn được
xuất trình tại ngân hàng của người hưởng. Ngân hàng này có quan hệ dịch vụ tiền gửi hoặc tài
trợ (Trade Finance) với khách hàng của mình nên họ sẵn sàng chiết khấu bộ chứng từ khi được
xuất trình, NH này là đại lý của NH phát hành, có nghĩa vụ thay mặt NH phát hành kiểm tra tính
chân thực của toàn bộ chứng từ: chữ ký uỷ quyền, con dấu (Nếu có) của người hưởng, chữ ký có
thẩm quyền của những chứng từ do phía thứ 3 lập (vận tải đơn, chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch
...). NH phát hành không thể làm được những việc đó vì chứng từ được lập tại một nước khác.
Đó là nguyên nhân tại sao chứng từ của người hưởng của một nước khác không thể xuất trình
trực tiếp cho NH phát hành để thanh toán mà phải đưa qua ngân hàng của người hưởng nước sở
tại, NH chuyển chứng từ (Remitting Bank). Tuy nhiên trên lý thuyết người hưởng có quyền làm
như vậy nếu họ bảo đảm những yêu cầu trên.
5. "Chiết khấu" với đúng nghĩa của nó Để tránh lạm dụng từ "chiết khấu" (Negotiation) phần
II của Điều khoản này được bổ sung nhằm nói rõ thế nào chiết khấu. Thực tế trước đây có những
ngân hàng đòi tiền NH phát hành TDT với câu "... chứng từ đã được chúng tôi chiết khấu
..."(Document negotiation). Nhưng thực ra họ chỉ là NH chuyển chứng từ thay mặt Người hưởng
đòi tiền NH phát hành mà không ứng trước tiền cho Người hưởng. Chiết khấu, Tiếng Việt chỉ có
một nghĩa, nhưng tiếng Anh hiểu theo nghĩa ban đầu thì phải phân biệt theo 2 từ :
• Negotiation: là hành động của người hưởng xuất trình hối phiếu / chứng từ tại ngân hàng
để được nhận số tiền ứng trước. Do đó,Negotiation cũng được gọi là thương lượng chứng
từ.
• Discount: là hành động triết khấu của ngân hàng đối với hối phiếu chứng từ được dùng
rộng rãi trong thị trường chứng khoán, tài chính, ngân hàng Quốc tế, chỉ phương thức
mua lại tín phiếu, hối phiếu, thương phiếu ... Do vậy, đối với hối phiếu có kỳ hạn được
phát hành theo TDT trả chậm, từ "Discount" được dùng nhiều nhất hơn là "Negotiation"
nhằm chỉ hành động chiết khấu hối phiếu của NH. Tuy nhiên sự phân biệt trên chỉ có giá
trị về mặt ngữ nghĩa mà thôi. Trong thực tế,"Negotiation" là từ duy nhất được dùng trong
giao dịch Tín dụng chứng từ để chỉ hành động của Người hưởng và hành động của NH.
Chiết khấu là việc ứng một số tiền bằng trị giá danh nghĩa của hối phiếu, sau khi đã trừ đi số lãi,
phí liên quan. ở Việt Nam theo tập quán các NH thương mại áp dụng lãi vay, trên cơ sở thời hạn
chiết khấu cụ thể (từ ngày ứng tiền đến ngày nhận được tiền nước ngoài thanh toán) đối với số
tiền chiết khấu. Lãi suất sẽ được tính sau khi đã hoàn tất việc thanh toán Thí dụ :
- Trị giá chiết khấu: 150,000 $
- Kỳ hạn chiết khấu: 15 ngày.
- Lãi suất: 9% / năm sô lãi người hưởng phải trả:
22
Lãi suất tính trên cơ sở năm, tức là 360 ngày(chứ không phải 365 ngày). Theo WG, Nếu lãi suất
áp dụng cho đồng tiền nào thì cách tính của nước có đồng tiền đó sẽ được áp dụng. Chẳng hạn
USD thì theo tập quán của Mỹ là 360 ngày. Tuy nhiên việc tính lãi suất trên cơ sở 360 ngày đang
được quốc tế hoá, bất kể đồng tiền nào (Tài liệu ICC số XB 489) .
Thực ra kỹ thuật chiết khấu trên chỉ là nghiệp vụ cho vay có bảo đảm bằng nguồn trả nợ, không
đúng với nghĩa vụ chiết khấu mà các NH ở những nước phát triển áp dụng. NH chiết khấu ấn
định thời hạn chịu lãi của số tiền và mức lãi của số tiền và mức lãi suất hiện hành. Sau khi trừ
tiền lãi chiết khấu, phí chiết khấu, bưu điện, điện phí ... NH sẽ trả phần còn lại của trị giá Hoá
đơn / HP cho người hưởng. Kỳ hạn chiết khấu tuỳ thuộc vào điều khoản thanh toán của TDT, NH
phát hành và quốc gia có thuộc vào danh mục nhiều rủi ro hay không? TDT không đòi tiền bằng
điện thì thời gian chiết khấu khoảng 15 ngày. Nếu thu được tiền nhanh, NH sẽ được lãi, ngược lại
NH chiết khấu sẽ đòi NH phát hành lãi chậm trả, căn cứ vào Điều7- Điều lệ 500 về thời gian xử
lý chứng từ của các NH. Dù chiết khấu luôn luôn được bảo lưu, nhưng chiết khấu không thể yêu
cầu Người hưởng trả thêm tiền lãi do phía NH phát hành thanh toán NH chậm vì thời hạn chiết
khấu là do phía NH ấn định và đã được Người hưởng đồng ý.
6. Phân biệt hai loại TDT trả chậm Hiện nay, các Ngân hàng Hàn Quốc thường phát hành TDT
trả chậm có giá trị chiết khấu trả ngay với lãi suất trả chậm tính cho người mở. Mặc dù TDT yêu
cầu xuất trình hối phiếu có kỳ hạn nhưng điều khoản thanh toán lại cho phép NH được chỉ định
chiết khấu và đòi tiền tại NH thứ ba trên có sở trả tiền ngay. Loại TDT này được gọi là Tín dụng
trả chậm của NH để phân biệt với Tín dụng trả chậm cho người bán cấp cho người mua. Với
Banker’s usance credit, người hưởng không bị ràng buộc bởi hối phiếu kỳ hạn vì họ được ngân
hàng hoàn trả thanh toán ngay sau khi nhận được hối phiếu. Do vậy, khi nhận được TDT trả
chậm thuộc kiểu này, nhà xuất khẩu cần kiểm tra điều khoản thanh toán để đảm bảo nhận được
tiền ngay sau khi xuất trình chứng từ mà không đợi đến ngày đáo hạn ghi trong hối phiếu.
Thực ra, đây chỉ là loại hình tài trợ của Ngân hàng phát hành cấp cho Nhà nhập khẩu. Việc trả
chậm chỉ phát sinh giữa người mở và Ngân hàng phát hành TDT. Ngân hàng hoàn trả được phép
thanh toán ngay cho Ngân hàng chiết khấu trên cơ sở hối phiếu kỳ hạn và ghi nợ tài khoản tiền
gửi hoặc tài khoản tiền vay, Nếu đã ký thoả thuận Tín dụng với Ngân hàng phát hành
7. Quyền quyết định của NH được chỉ định Ngân hàng được chỉ định trong TDT có thể đồng ý
chiết khấu, nhưng cũng có thể từ chối mà chỉ kiểm tra và gửi chứng từ thanh toán, vì họ không
muốn ứng tiền trước cho người hưởng. Một nhà xuất khẩu đến ngân hàng xuất trình bộ chứng từ
phù hợp với điều khoản của TDT và yêu cầu chiết khấu. Ngân hàng chưa sẵn sàng đáp ứng yêu
cầu của nhà xuất khẩu vì họ còn xem xét các khía cạnh:
• Quan hệ của nhà xuất khẩu đối với ngân hàng này, thực trạng hoạt động và khả năng trả
nợ nếu bộ chứng từ không được thanh toán
• Ngân hàng phát hành và uy tín, khả năng thanh toán của nó

23
• Loại hàng hoá của TDT, mức độ rủi ro có thể do biến động giá cả thị trường quốc tế, trị
giá bộ chứng từ ...
• Người mở Tín dụng thư như thế nào? Quan hệ giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu?
Về nguyên tắc bộ chứng từ hoàn toàn phù hợp với các điều khoản của TDT thì người hưởng sẽ
được trả tiền. Tuy nhiên trong thực tế không đơn giản như vậy. Ngân hàng chiết khấu có thể
không phát hiện ra những sai sót rất nhỏ trên bề mặt chứng từ mà họ cho là hợp lệ. Việc phá sản
của NH phát hành TDT không phải là không có (vụ mafia của ngân hàng Bank For Credit &
Commerce Inernational, Hongkong năm 1991, hoặc vụ sụp đổ của ngân hàng Baring Anh quốc
tháng 2/1995) hoặc NH mở không có khả năng thanh toán ... Tất cả những điều này tạo ra ý thức
phòng ngừa đối với ngân hàng khi chấp nhận chiết khấu chứng từ theo TDT.Thông thường, hai
yếu tố quan trọng và quyết định đối với ngân hàng để chiết khấu chứng từ là quan hệ giữa NH
chiết khấu với người hưởng và thực trạng của bộ chứng từ xuất trình. Theo tổng kết của ICC,
chứng từ xuất trình đòi tiền theo TDT phần lớn là bất hợp lệ nhưng rất ít trường hợp bị từ chối
hoàn toàn. Do vậy, điều quyết định sự an toàn trong thanh toán vủa giao dịch Tín dụng chứng từ
là mối quan hệ của các bên liên quan.
Phần C và D của điều khoản này nói rõ vai trò, nghĩa vụ và quyền hạn của NH chiết khấu. Mặc
dù được uỷ quyền nhưng NH được chỉ định có toàn quyền quyết định chiết khấu (ứng tiền cho
người hưởng) hay chỉ làm dịch vụ thu tiền. Ngân hàng này hoàn toàn không có trách nhiệm gì về
thanh toán, chấp nhận và thanh toán hoặc chiết khấu bộ chứng từ xuất trình mặc dù nó đã kiểm
tra đầy đủ về mặt giá trị chân thực, sự phù hợp với điều khoản của TDT và gửi chứng từ theo quy
định. NH được chỉ định xác nhận sự hợp lệ của chứng từ và yêu cầu NH phát hành thanh toán
theo điều khoản của TDT & theo Bản Điều lệ. Nhưng ngân hàng này không chịu trách nhiệm gì
nếu với một lý do nào đó mà bộ chứng từ không được thanh toán, kể cả việc nó không phát hiện
được sai sót của chứng từ .
"Trừ trường hợp NH được chỉ định có thoả thuận riêng và thông báo cụ thể với người hưởng".
Đây là trường hợp NH được chỉ định thông báo TDT cho người hưởng, đồng thời cam kết chịu
trách nhiệm đối với bộ chứng từ xuất trình của TDT, theo đó sẽ thanh toán trả tiền ngay hoặc
chấp nhận hoặc chiết khấu không bảo lưu cho người hưởng khi bộ chứng từ hợp lệ được xuất
trình. (Điều này, tương đương với hành động mà người ta thường gọi là Silent Confirmation). Sự
cam kết trên xuất phát từ mối quan hệ rất tốt và sự gắn bó của NH cam kết với người hưởng hoặc
có thể là NH phát hành TDT là NH mẹ và NH cam kết là chi nhánh hoặc NH liên doanh của NH
đó. Bằng sự cam kết như trên NH được chỉ định (trong trường hợp bất cứ NH nào cũng là ngân
hàng được chỉ định) sẽ tạo được sức hấp dẫn khách hàng trong dịch vụ NH. Tất nhiên đổi lại NH
sẽ thu được một khoản phí không nhỏ.
Phần D của điêu khoản này thường được biểu hiện bằng cam kết của NH phát hành trong TDT :
Chỉ thị cho NH thanh toán / chấp nhận/chiết khấu : "ngay sau khi nhận bộ chứng từ phù hợp với
các điều kiện và điều khoản của TDT, chúng tôi sẽ hoàn trả cho NH chiết khấu theo đúng yêu
cầu..." hoặc "sau khi nhận bộ chứng từ hợp lệ, chúng tôi sẽ chấp nhận thanh toán vào ngày đáo
hạn theo chỉ thị của quý khách hàng".
ĐIỀU 11: TDT ĐƯỢC CHUYỂN BẰNG ĐƯỜNG BƯU ĐIỆN VÀ ĐƯỢC SƠ BÁO
A.i. Khi NH phát hành TDT chỉ thị cho NH thông báo bằng điện xác thực để thông báo một TDT
hoặc sửa đổi TDT thì bức điện sẽ được xem là văn bản TDT có hiệu lực hoặc sửa đổi có hiệu lực
mà không cần thư xác nhận. Tuy nhiên nếu thư xác nhận được gửi đi nó sẽ không có giá trị và
NH thông báo sẽ không bắt buộc phải kiểm tra thư xác nhận đó với nội dung TDT có giá trị
hoặc sửa đổi có hiệu lực mà nó đã nhận được bằng điện. ii. Nếu chuyển điện đi "các chi tiết đầy
24
đủ gửi sau" (hoặc những từ tương tự) hoặc ghi rằng thư xác nhận sẽ là văn bản có hiệu lực đối
với TDT và sửa đổi thì điện mở TDT hoặc sửa đổi sẽ không được xem như là văn bản có hiệu
lực. NH phát hành phải gởi không chậm trễ văn bản chi tiết có hiệu lực của TDT hoặc của sửa
đổi cho NH thông báo. B. Nếu một NH sửdụng các dịch vụ của NH thông báo để thông báo TDT
cho người hưởng thì cũng phải sử dụng các dịch vụ của chính NH đó để thông báo sửa đổi. C.
Một thông báo sơ bộ về việc phát hành hoặc sửa đổi TDT không huỷ ngang (sơ báo) chỉ được
NH phát hành gửi đi Nếu NH này phát hành tiếp theo đó TDT có hiệu lực hoặc tu chỉnh TDT có
hiệu lực. Trừ khi trong sơ báo có quy định khác, NH phát hành đã thực hiện một sơ báo như vậy
sẽ bị ràng buộc không huỷ ngang việc phát hành hoặc sửa đổi không chậm trễ TDT với các điều
khoản phù hợp với bản sơ báo. 1. Thực chất của việc sơ báo và hành động của NH. Điều
khoản này có những thay đổi so với điều 12 của Bản Điều lệ 400. Từ "xác thực" (authenticated)
được bổ sung nhằm nói rõ điều khoản này chỉ được áp dụng cho những bức điện có xác nhận
bằng khoá điện (testkey), ngược lại thì không có giá trị. Do vậy, khi một TDT và / hoặc sửa đổi
được thực hiện bằng điện có test thì chúng có giá trị và hiệu lực thi hành. Những xác nhận bằng
thư sau đó đối với các bức điện trên không có giá trị và NH không có trách nhiệm kiểm tra sự
phù hợp giữa các bức điện đó với các bản gửi bằng thư. Tuy nhiên, nếu có câu "chi tiết cụ thể sẽ
gởi sau" hoặc "bản gởi bằng thư có hiệu lực" ("Full details will follow making operative L/C"
hoặc "Mail confirmation is the Operative Instrument" thì phải hiểu là bản bằng thư phải được
NH phát hành gửi tới nơi và nó là bản TDT (hoặc sửa đổi) chính thức có giá trị thi hành Nếu NH
được sơ báo bằng điện như trên, nó sẽ báo lại đúng một nội dung đó cho người hưởng để tránh
sự hiểu nhầm trong việc thực hiện TDT. Thông báo ban đầu này là bức điện không có khoá điện
và do vậy NH phát hành sẽ miễn trách nhiệm nếu sau đó nó không gửi bản bằng thư như đã nói
trong bức điện. Nhưng nếu nó có khoá điện thì NH thông báo sẽ coi đó là sơ báo (Preliminary
advice) và sẽ hành động như chỉ dẫn ở phần C của Điều khoản này.
Trong trường hợp NH phát hành không đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho TDT (hoặc sửa đổi)
chi tiết, nó có thể sơ báo đến NH thông báo về TDT (hoặc sửa đổi) sẽ được thực hiện ngay sau
đó, hoặc trong vòng thời gian hợp lý. Điều này đảm bảo cho người hưởng chuẩn bị hàng hoá và
các dịch vụ liên quan đến Tín dụng thư (hoặc sửa đổi ) theo đúng tiến độ giao hàng. Tuy nhiên,
trong thực tế, có NH chỉ sơ báo mà không phát hành TDT (hoặc sửa đổi) chính thức, gây khó
khăn và tổn thất cho người hưởng. Các NH phải hiểu rằng sự sẵn sàng thực hiện một sơ báo về
TDT của họ sẽ bị khách hàng (người mua) lợi dụng nhằm chứng minh cho người bán khả năng
và ý muốn thực hiện HÐ mua hàng của mình. Nhưng có thể do những lý do không đảm bảo đầy
đủ các thủ tục tài chính của NH, hoặc do sự biến động của giá cả hàng hoá bất lợi TDT chính
thức không được mở và NH đã sơ báo cũng không chịu trách nhiệm gì về việc làm của mình.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người hưởng và các bên liên quan, phần C của điều khoản này nói
rõ mỗi khi đã thực hiện sơ báo TDT (hoặc sửa đổi), thì NH phát hành phải thực hiện không huỷ
ngang cam kết của mình nêu trong sơ báo. Sơ báo có giá trị ràng buộc đối với tất cả các bên liên
quan.Tuy nhiên, NH sơ báo miễn trách nhiệm đối với TDT chính thức không được mở đối với
TDT chính thức Nếu có ghi chú trong bức điện sơ báo về giá trị của sơ báo đó.
Thí dụ: "Đây chỉ là thông báo đơn thuẫn, không có giá trị thực hiện và do vậy chúng tôi không
chịu trách nhiệm Nếu TDT không được mở" hoặc "Xin lưu ý rằng chúng tôi chỉ sơ báo theo yêu
cầu của khách hàng, và do vậy không chịu trách nhiệm về TDT được mở hay không"
2. Các giao dịch TDT bằng FACSIMILE Một số vấn đề được các phòng thương mại quốc gia
quan tâm và yêu cầu giải đáp là liệu các giao dịch của TDT (phát hành, sơ báo, thông báo, sửa
đổi TDT ...) được giao dịch bằng fax có giá trị thực hiện không? - Điều này, Theo WG, tuỳ thuộc

25
vào quy chế, nguyên tắc của từng NH trong giao dịch. Nếu NH đảm bảo xác minh được tính xác
thực của các giao dịch đó và an toàn thuận tiện thì sẽ chấp nhận, ngược lại thì chúng chỉ là những
thông tin ban đầu không có giá trị thực hiện.
ĐIỀU 12: CHỈ THỊ KHÔNG ĐẦY ĐỦ HOẶC KHÔNG RÕ RÀNG
Nếu nhận được các chỉ thị không đầy đủ hoặc không rõ ràng để thông báo, xác nhận hoặc sửa
đổi TDT thì NH được yêu cầu thực hiện những chỉ thị đó có thể sơ báo cho người hưởng để biết
và không chịu trách nhiệm gì. Sơ báo này phải ghi rõ rằng thông báo chỉ cung cấp thông tin
tham khảo và NH thông báo được miễn trách. Trong mọi trường hợp, NH thông báo phải báo
cáo cho NH phát hành về hành động của mình và yêu cầu NH phát hành cung cấp thông tin cần
thiết.
NH phát hành phải cung cấp không chậm trễ thông tin cần thiết. TDT sẽ được thông báo, xác
nhận hoặc sửa đổi , khi NH thông báo nhận được các chỉ thị đầy đủ và rõ ràng và Nếu nó sẵn
sàng thực hiện chỉ thị đó
1. Những chỉ thị không có cơ sở để thực hiện. điều khoản này được bổ sung vào điều 14 của
Bản Điều lệ cũ về trách nhiệm của NH mở và NH thông báo trong trường hợp nội dung của chỉ
thị thông báo, xác nhận, sửa đổi TDT nhận được không đầy đủ hoặc không rõ ràng.
"Không đầy đủ" thường là mất dòng, mất từng đoạn hoặc chỉ nhận được một/ hai phần của bức
điện của TDT hoặc thiếu các điều khoản quan trọng như ngày hết hiệu lực, số tiền
"Không rõ ràng" có thể do nhiễu loạn không thể đọc được bức điện, hoặc do các điều khoản của
TDT / sửa đổi mập mờ, thiếu logic, mâu thuẫn với nhau, ảnh hưởng đến giá trị thực hiện của
TDT / sửa đổi.
2. Quyền và hành động của NH thông báo Trong những trường hợp nêu trên NH thông báo có
quyền lựa chọn, hoặc:
• Yêu cầu NH phát hành xác nhận lại ngay bức điện nhiễu loạn, hoặc những điều khoản
TDT không rõ ràng, hoặc:
• Sơ báo cho những người hưởng bức điện nhận được với lời ghi chú là nó không chịu
trách nhiệm về sơ báo này, đồng thời yêu cầu NH phát hành thực hiện lại bức điện trên để
đạt được đầy đủ tính khả thi, hoặc:
• Thông báo bình thường cho khách hàng nhưng lưu ý những điểm không rõ ràng và bất
hợp lý để sửa đổi TDT
Vậy NH được yêu cầu thông báo, xác nhận hoặc sửa đổi TDT có quyền lựa chọn cách làm của
mình phù hợp với quy chế của nó và thuận tiện trong hoạt động giao dịch nhưng trách nhiệm của
NH này cũng được nói rõ: trong bất cứ trường hợp nào thì NH nhận được những chỉ thị không
đầy đủ, không rõ ràng (NH thông báo) đều phải báo ngay cho NH mà nó nhận được chỉ thị (NH
phát hành TDT) về việc làm của mình và yêu cầu NH đó xác nhận lại các chỉ thị trên. Nhằm nêu
bật nghĩa vụ của NH thông báo đối với NH phát hành, Điều khoản này được bổ sung thêm câu:
"Trong bất cứ trường hợp nào, NH thông báo phải báo ngay cho ...".
Nếu yêu cầu NH phát hành chuyển lại TDT do các lý do trên, NH thông báo phải nói rõ thực
trạng của giao dịch này: đã thông báo chính thức hay chỉ sơ báo "hiện tại, TDT đang được giữ
cho đến khi chúng tôi nhận được điện giải nghĩa/ xác nhận của quý hàng".
Trong thực tế, nếu đơn giản là NH thông báo thì NH được chỉ định không bao giờ từ chối dịch
vụ đó. Nhưng nếu được yêu cầu xác nhận TDT, NH này sẽ xem xét mọi khía cạnh, kể cả trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ của NH phát hành TDT trước khi ràng buộc nghĩa vụ của mình vào
những giao dịch của NH đó
C. NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM
26
ĐIỀU 13: TIÊU CHUẨN KIỂM TRA CHỨNG TỪ
A. NH phải kiểm tra tất cả các chứng từ được quy định trong TDT với sự cẩn thận hợp lý để xác
định các chứng từ thể hiện trên bề mặt của chúng phù hợp với các điều kiện và điều khoản của
TDT. Sự phù hợp như vậy phải được xác định bằng nghiệp vụ NH theo tiêu chuẩn quốc tế, thể
hiện trong các điều khoản này. Các chứng từ biểu hiện trên bề mặt của chúng mâu thuẫn với
nhau sẽ được xem như không thể hiện trên bề mặt của chúng phù hợp với các điều kiện và điều
khoản của TDT. Chứng từ không quy định trong TDT sẽ được NH kiểm tra. Nếu NH nhận được
chứng từ như vậy, họ sẽ trả lại cho người xuất trình hoặc chuyển tiếp mà không chịu trách
nhiệm gì.
B. NH phát hành, NH xác nhận, nếu có, hoặc NH được chỉ định hành động thay mặt họ, mỗi NH
như vậy sẽ có một thời gian hợp lý, nhưng không vượt quá 7 ngày làm việc NH tiếp theo ngày
nhận chứng từ, để kiểm tra chứng từ và quyết định sẽ nhận hay từ chối chứng từ và thông báo
cho bên mà từ đó NH này nhận được chứng từ biết quyết định của mình. C. Nếu TDT bao gồm
điều kiện mà không quy định theo đó, chứng từ phải xuất trình phù hợp thì NH sẽ xem như TDT
không có điều kiện đó và sẽ bỏ qua.
Điều 15 của bản điều lệ 400 được sửa đổi cơ bản nhằm bổ sung thêm những quy tắc về:
• Tiêu chuẩn, thời hạn kiểm tra xử lý chứng từ
• Chứng từ không yêu cầu xuất trình
• Các điều kiện không cần chứng minh bằng chứng từ
1. Thế nào là "trên bề mặt chứng từ " (on their face) ? Như ta đã biết NH chỉ giao dịch bằng
chứng từ. Chứng từ được lập ra theo yêu cầu của TDT. Cụm từ "... bảo đảm là chúng nó (chứng
từ) được biểu hiện trên bề mặt phù hợp hay không phù hợp với các điều khoản và điều kiện của
TDT" được sử dụng nhằm nói rõ: việc xác định sự phù hợp của chứng từ được thực hiện trên cơ
sở kiểm tra chứng từ của NH, chứ không phải theo nhận thức của người khác. Nói cách khác,
NH có phương pháp kiểm tra chứng từ theo đặc thù riêng của nó, không phải theo cách hiểu biết
thông thường của những người ngoài cuộc.
Thí dụ:
• Người hưởng ghi trong TDT là:"Angiang Afiex Company" nhưng khi lập điện thông báo
giao hàng cho người mở, nhà xuất khẩu ghi: "thay mặt người hưởng , ký tên:
"AFIEXCO"
• NH xác định: chứng từ không phù hợp với TDT.
• Nhà xuất khẩu không thể lý luận: Cả hai cách gọi đều đúng và ngay hồ sơ doanh nghiệp
đã chứng minh được điều này.
NH chỉ đưa ra một lý do đơn giản: Tên người hưởng ghi trong bức điện thông báo giao hàng
không đúng với tên của người hưởng trong TDT (chứ không phải là không đúng với hồ sơ doanh
nghiệp tại NH), đồng thời không phù hợp với tên của người hưởng ghi trên hoá đơn và các
chứng từ khác. Đây chính là sự phù hợp trên bề mặt của các chứng từ với các điều khoản và
điều kiện được ghi rõ trong TDT.
Có những điều mà người hưởng nghĩ rất đơn giản và cảm thấy hoàn toàn hợp lý khi họ xuất trình
vận đơn ghi:"port of loading: Saigon, port of discharge: Rotterdam port" Trong khi TDT quy
định NH từ chối chứng từ vì :
• trên bề mặt vận đơn không chứng minh được là hàng bốc từ một cảng nào của Việt Nam,
• các NH trên thế giới không thể biết và cũng không cần biết là cảng Sài Gòn thuộc nước
Việt nam mà họ chỉ căn cứ vào chứng từ do người chuyên chở cấp. Do vậy để vận đơn

27
phù hợp với điều kiện giao hàng của TDT, cảng giao hàng phải được ghi "port of loding:
Saigon (Vietnam)"
Nói chung, việc lập, kiểm tra chứng từ của TDT tương đối máy móc nhưng phải biểu hiện tính
logic của vấn đề. Thí dụ khi nhận được TDT bị nhiễu, chi tiết hàng hoá thành "Rate of Circle 3:
45M3" thành "Rate of Circle 3 4953". Nhà xuất khẩu phải hiểu là TDT gốc của NH phát hành
vẫn thể hiện đúng . Do vậy, TDT mà họ nhận được cần phải sửa đổi (xác nhận lại) những chi tiết
sai lệch đó để chứng từ được lập phù hợp với yêu cầu. Nhưng nếu sửa đổi không kịp mà nhà xuất
khẩu phải giao hàng ngay thì chứng từ phải thể hiện đúng chi tiết mà hai bên đã thoả thuận trong
hợp đồng (Rate of Circle 3: 45M3). Ngược lại với quan niệm "đúng theo TDT yêu cầu" một cách
máy móc nhà xuất khẩu lập chứng từ với chi tiết "Rate of Circle 3:5953", NH chỉ định có thể
chiết khấu vì NH này không thể hiểu nội dung của chi tiết kỹ thuật đó và họ cũng không biết
TDT bị nhiễu trong quá trình chuyển điện. Tuy nhiên, NH phát hành có thể từ chối vì sự khác
biệt của chi tiết hàng hoá. Ngược lại nếu lập chứng từ đúng theo thoả thuận trong HĐ thì NH
chiết khấu có thể từ chối nhưng NH phát hành lại chấp nhận, vì nó phù hợp với hồ sơ TDT mà
NH này đang lưu giữ. Trong tình huống trên nhà xuất khẩu phải chọn cách làm hợp với logic và
có tấm nhìn chung cho toàn bộ một thương vụ chứ không nên quá máy móc. Họ phải hiểu rằng
"chiết khấu" không có nghĩa là đã được trả tiền vì NH chiết khấu luôn bảo lưu hành động "mua
"của mình bởi bộ chứng từ có thể bị NH phát hành từ chối thanh toán.
Phương pháp kiểm tra chứng từ dựa "trên bề mặt " của chúng nhằm nêu ra nguyên tắc là xác
định xem các điều khoản, điều kiện và các yêu cầu của TDT có được biểu hiện đúng trong chứng
từ hay không? Do vậy, không nên hiểu máy móc là "mặt phải" hay "mặt trái" của chứng từ, mà
là nội dung được diễn đạt bằng từ ngữ trên chứng từ đó.
2. Thế nào là "cẩn thận một cách hợp lý" (reasonable care)? Đây là khái niệm không cụ thể
phòng thương mại quốc tế không thể từ bỏ được vì tính nguyên tắc của nó. Theo các chuyên gia
NH, sự chính xác từng từ, từng chữ TDT và chứng từ là điều khó có thể. Tuy nhiên, NH phải
"hợp lý" khi kiểm tra chứng từ để xác định được "trên bề mặt" các chứng từ này phù hợp với quy
định của TDT.
Cẩn thận hợp lý là sự kết hợp giữa hiểu biết đúng đắn tập quán giao dịch của ngân hàng và vận
dụng chính xác Bản Điều lệ Thống nhất và thực hành Tín dụng Chứng từ. Hành động của ngân
hàng phải biểu hiện tính trung thực. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh, ngân hàng luôn
muốn phát triển dịch vụ, lôi cuốn khách hàng và bảo vệ quyền lợi của họ nhưng ngân hàng cũng
không muốn giảm sút uy tín đối với các nh đại lý của mình. Có những tranh chấp giữa 2 phía mà
một là người mở và NH phát hành, và một là người hưởng và ngân hàng chiết khấu. Loại trừ
trường hợp một trong hai bên giành thắng lợi, có những vụ mà cả hai bên đều đúng và đều sai, vì
TDT mở với các điều kiện hiểu theo hai cách khác nhau, nhưng người hưởng lại đơn giản hoá
vấn đề mà không yêu cầu sửa đổi. Rốt cuộc, chứng từ xuất trình, NH chiết khấu hiểu theo cách
có lợi cho khách hàng của mình thì chứng từ lập đúng nhưng lại bị NH phát hành từ chối vì điều
khoản đó được hiểu theo phương diện khác (có lợi cho người mở) thì chứng từ bất hợp lệ. Tất
nhiên trường hợp này phần thắng luôn nghiêng về phía NH phát hành vì họ là người quyết định
chấp nhận hay từ chối chứng từ.Ngay cả khi Phòng Thương mại khi được hỏi ý kiến cũng giải
thích theo 2 cách hiểu trên đều đúng và lời khuyên là: người hưởng nên yêu cầu sửa đổi những
điều khoản lập lờ như vậy trước khi giao hàng, hoặc người hưởng nên từ chối những TDT được
mở kém hoàn chỉnh (badly issued credits) như vậy.
Trong những trường hợp đó, ngân hàng phải thể hiện tính trung thực trong việc xác định sự
hoàn hảo của chứng từ. Trong tranh chấp, người nào có lỗi thì người đó phải gánh chịu hậu quả.

28
ngân hàng không thể cố tình hiểu sai sự việc vì mục đích bảo vệ quyền lợi khách hàng. Như vậy,
ngân hàng sẽ bị đánh giá thấp trình độ nghiệp vụ và uy tín trên trường quốc tế. Chính sự trung
thực là con đẻ của sự kết hợp của 2 yếu tố trên và nó cũng là lực hút của ngân hàng đối với
khách hàng và sự quan tâm của các bạn đồng nghiệp trên thế giới.
3. Thế nào là "tiêu chuẩn quốc tế về nghiệp vụ ngân hàng" (intematlonal Standard Banking
Practice) ?
Mỗi một lĩnh như vực đều có luật riêng của nó, nhằm bảo đảm hoạt động đi đúng hướng.
Nghiệp vụ Tín dụng chứng từ của ngân hàng được chi phối bởi "điều lệ và Thực hành Thống
nhất Tín dụng chứng từ" mà mỗi một hành động của ngân hàng đều căn cứ vào các điều khoản
của Bản Điều lệ này. Đây không phải là luật pháp quốc tế mà chỉ là những qui tắc chung hướng
dẫn giao dịch mà bất cứ bên liên quan nào (ngân hàng, người mở, người hưởng) đều phải tuân
thủ. Nó đã trở thành tiêu chuẩn cho bất kỳ ai muốn giao dịch về TDT và là cơ sở để bảo vệ quyền
lợi của mình trên thương trường quốc tế.
Thí dụ : Điều 20 của Bản điều lệ quy định : Nếu là chứng từ gốc (origin) thì chỉ cần đóng dấu
"orlginal" lên bề mặt của nó là đủ, bất kể nó được tạo ra bằng sao chụp, bằng máy in điện toán,
bằng giấy than... Quy định này đã là tiêu chuẩn cho các ngân hàng trên thế giới áp dụng khi kiểm
tra chứng từ của TDT.
Bản điều lệ và Thực hành Thổng nhất Tín dụng chứng từ đã định ra tất cả các nguyên tắc, tiêu
chuẩn cho ngân hàng trong hoạt động giao dịch Tín dựng chứng từ. Cứ 10 năm, Bản điều lệ lại
được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trên cơ sở thực tiễn phong phú và sự phát triển của khoa học
công nghệ nhằm hoàn thiện những tiêu chuẩn cho các NHTM trên thế giới.
4. Chứng từ không yêu cầu xuất trình
Các chứng từ mà TDT không yêu cầu xuất trình sẽ không được ngân hàng kiểm tra và không
ràng buộc gì đối với ngân hàng. Đây là phần bổ sung của điều khoản này nhằm giải quyết những
vấn đề nảy sinh trong thực tiễn: ngân hàng sẽ làm giải quyết khi các chứng từ mà TDT không
yêu cầu xuất trình, đặc biệt là các chứng từ này bất hợp lệ?
Ngân hàng không kiểm tra các chứng từ như vậy và hoặc họ sẽ trả lại cho người hưởng, hoặc
chuyến giao cho người mở theo yêu cầu của người hưởng mà không chịu trách nhiệm về sự phù
hợp của chứng từ đó.
Trong thực tế, người hưởng muốn chứng minh cho ngân hàng nghĩa vụ đầy đủ mà họ đã thực thi
trong thương vụ mua bán đối với người mở TDT bằng các chứng từ mà TDT không yêu cầu (thí
dụ chứng nhận xuất xứ, chứng nhận phầm chất, điện báo giao hàng...). Cũng có trường hợp
người mở TDT yêu cầu người hưởng gửi thêm cho họ những chứng từ đó nhưng lại không sửa
đổi TDT. Tất cả những nhu cầu đó đều phát sinh ngoài giao dịch của TDT và ngân hàng sẽ không
cần kiểm tra tính hợp lệ của chúng. Phần bổ sung này nhằm giảm bớt gánh nặng trách nhiệm
của ngân hàng trong việc kiểm tra chứng từ và ngăn chặn tính tùy tiện của người hưởng và
người mở TDT trong việc xuất trình chứng từ.
Ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra chứng từ trong thời gian hợp lý, nhưng không quá 7 ngày
làm việc. Bản Điều lệ 400 chỉ nói là trong thời gian hợp lý để rồi các ngân hàng ở các nước khác
nhau vận dụng theo cách hiểu của mình và theo quy định của từng nước, gây ra những tranh chấp
giữa các bên. Có ngân hàng hiểu là phải trong vòng 10 ngày làm việc, có người đưa ra ý kiến là
chỉ cần 3 ngày làm việc là hợp lý. Các nước phát triển có những quy chế về hoạt động của ngân
hàng, trong đó có thời hạn kiểm tra chứng từ, nhưng nhiều nước còn thiếu những nguyên tắc này.
Nhằm tránh tranh chấp, ngân hàng phát hành TDT trước đây thường ghi rõ trong điều khoản
thanh toán thời hạn kiểm tra chứng từ: "Sau 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được chứng từ phù

29
hợp, chúng tôi sẽ thanh toán theo chỉ dẫn của quý hàng" (7 working days after our receipt of
complied documents, we will pay as your instructions), hoặc : "Ngay sau khi nhận được chứng từ
chúng tôi sẽ chuyển tiền theo yêu cầu của ngân hàng chiết khấu với điều kiện các điều khoản của
TDT đã được thực hiện đầy đủ (upon receipt of documents we will remit as per negotiating
banks request provided that a" terms and conditions of L/C have been fully complied with).
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Phòng Thương mại Quốc gia và các chuyê n gia ngân hàng,
WG đã thống nhất thời hạn kiểm tra chứng từ của ngân hàng là 7 ngày làm việc kể từ khi chứng
từ được nhận. Tuy nhiên, không phải khi nào ngân hàng cũng sử dụng hết 7 ngày làm việc để
kiểm tra chứng từ mà còn tùy thuộc khối lượng chứng từ, tính chất chứng từ để mà có những thời
hạn khác nhau. Có ngân hàng khối lượng chứng từ xuất trình rất nhiều đòi hỏi thời gian dài, có
bộ chứng từ rất phức tạp, đòi hỏi tính cẩn thận và mất nhiều thời gian. Nhưng cũng có ngân hàng
giao dịch ít hơn hoặc có những bộ chứng từ đơn giản (chỉ có hối phiếu và văn bản đòi tiền
(demand) theo Tín dụng thư dự phòng (Standby credit) thì giới hạn này cho trong phạm vi 1 ngày
làm việc.
Do vậy, "thời gian hợp lý" phải được vận dụng trong từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể của
từng NH.
5. Quy định về thời gian kiểm tra chứng từ cho các ngân hàng :
- NH được chỉ định (ngân hàng chiết khấu): kiểm tra và quyết định nhận hay từ chối chứng từ
trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nó nhận từ người hưởng.
- NH xác nhận: quyết định thanh toán hay từ chối chứng từ không quá 7 ngày làm việc kể từ khi
nó nhận được chứng từ từ ngân hàng chiết khấu, hoặc từ người hưởng.
- NH phát hành quyết định hoàn trả tiền hay từ chối chứng từ trong thời hạn không quá 7 ngày
làm việc kể từ khi nó nhận được chứng từ từ ngân hàng xác nhận (trong trường hợp L/C xác
nhận và chứng từ được ngân hàng xác nhận thanh toán) hoặc từ NH chiết khấu.
Trong thực tế, ngân hàng chiết khấu (ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu) luôn tạo thuận lợi cho
khách hàng nên thời gian cho việc kiểm tra, chiết khấu và gửi chứng từ đi trong vòng 1 hoặc 2
ngày làm việc. Đối với ngân hàng phát hành thì thời gian này "rộng rãi" hơn, tùy thuộc vào từng
trường hợp cụ thể trong quan hệ giữa họ và người mở TDT. Thí dụ: nhận được thông báo chứng
từ hợp lệ từ NH phát hành, người mở bắt đấu chuyển đủ số tiền trong một thời gian nhất định,
hoặc bắt đầu ký khế ước rút tiền theo khoản tín dụng được ngân hàng dành cho khi mở TDT. Tuy
nhiên, bất luận trong trường hợp nào NH phát hành cũng phải thanh toán không quá 7 ngày làm
việc theo quy định của Bản Điều lệ.
Phần C, Điều 16 của Bản Điều lệ 400 chỉ đề cập đến "thời gian hợp lý" đối với ngân hàng phát
hành trong việc kiểm tra chứng từ. Đã không ít những ý kiến của các Phòng Thương mại quốc tế
nêu ra: đối với ngân hàng chiết khấu, ngân hàng xác nhận (nếu có) thì thời gian kiểm tra có cần
ấn định là bao nhiêu không? Quan điểm của các Phòng Thương mại quốc gia là các ngân hàng
liên quan đến giao dịch 1 TDT đều phải có nhiệm vụ kiểm tra chứng từ và đưa ra quyết định của
mình trong thời hạn nhất định. phần B của điều khoản này đã đáp ứng đòi hỏi trên và khẳng
định NH phát hành, ngân hàng xác nhận và ngân hàng được chỉ định (ngân hàng chiết khấu) là
những ngân hàng có nhiệm vụ kiểm tra chứng từ trong thời hạn hợp lý nhưng không quá 7 ngày
làm việc, để quyết định nhận hay từ chối các chứng từ xuất trình. Như vậy, một ngân hàng, mỗi
khi đã quyết định chấp nhận chứng từ xuất trình tại mình, (ngân hàng được chỉ định), mặc dù nó
không hề cam kết gì về trách nhiệm đối với TDT, vẫn phải kiểm tra chứng từ để quyết định trong
thời hạn của điều khoản này, nhận hay từ chối chứng từ. Điều này có nghĩa là nếu chứng từ được
xác định phù hợp với các điều khoản của TDT thì nó chiết khấu (theo yêu cầu của người hưởng),

30
hay từ chối và chỉ nhận làm ngân hàng thu hộ nếu chứng từ có những bất hợp lệ. Việc kiểm tra
chứng từ để xác định sự phù hợp của chúng không chỉ là nghĩa vụ của NH phát hành (hoặc ngân
hàng xác nhận, nếu có) mà còn là trách nhiệm của NH mà bộ chứng từ được xuất trình.
6. Điều kiện không yêu cầu chứng từ xuất trình
Phần C của điều khoản này khẳng định nếu TDT có các điều khoản mà không cần chứng minh
bằng chứng từ xuất trình, thì ngân hàng miễn trách đối với các điều kiện đó.
Thí dụ: TDT ghi rõ các điều kiện khác:
Sau khi giao hàng, người hưởng phải điện thông báo cho người mở chi tiết về hàng hóa, số tiền,
tên tàu, ngày giao hàng...", (Other conditions : - after shipment, beneficiary must cable advise to
applicant details of goods shipped, amount, name of vessel, date of delivery...), nhưng lại không
yêu cầu xuất trình Bản xác nhận và bản điện thông báo đó của người hưởng.Trong trường hợp
này NH không có trách nhiệm kiểm tra điều kiện thông báo giao hàng có được thực hiện hay
không.
Đây là những vấn đề phát sinh trong giao dịch TDT trước đây. Bản Điều lệ 400 (Điều 22a) chỉ
quy định: "mọi chỉ thị mở TDT và bản thân TDT đó, và mọi chỉ thị sửa đổi, Nếu có và bản thân
các sửa đổi đó đều phải ghi rõ những chứng từ phải xuất trình để được trả tiền chấp nhận hoặc
chiết khấu". Tuy nhiên người mở và NH phát hành cần ghi thêm những điều khoản vào TDT mà
không nói rõ chứng từ cần xuất trình khi thanh toán, dẫn đến tranh chấp. Phía mở thư tín dụng lý
luận: đã là điều kiện nêu ra trong TDT có nghĩa là NH phải kiểm tra xem người hưởng có thực
hiện đầy đủ các điều kiện đó hay không bằng việc yêu cầu xuất trình chứng từ để chứng minh sự
thực hiện của người hưởng. Xuất trình chứng từ hay không là tùy thuộc vào ý muốn của người
hưởng, ngân hàng không có quyển từ chối thanh toán nếu các chứng từ không yêu cầu TDT
không được xuất trình.
Rất nhiều trường hợp trên đây được các NH trên thế giới nêu ra yêu cầu ICC giải đáp. Trong
cuốn "Case study on documentary credit" (Tài liệu ICC số XB 459) ICC cũng đã nêu quan điểm
của mình: Theo Ðiều 3 của Bản điều lệ 400, ngân hàng chỉ giao dịch bằng chứng từ, các điều
kiện được nêu trong TDT không yêu cầu chứng từ xuất trình thì ngân hàng không chịu trách
nhiệm kiểm tra việc thực hiện các điều kiện đó.
Để chấm dứt những tranh chấp như vậy, WG đã bổ sung Điều 13 (c) vào Bản Điều lệ 500 nhằm
bảo đảm tính chặt chẽ của TDT và do vậy, định rõ vai trò của các ngân hàng trong giao dịch Tín
dụng chứng từ
7. Phân biệt giữa "Điều khoản" (term) & "Điều kiện" (condition)
Theo giải thích của các chuyên gia của ICC về Điều khoản (term) và điều kiện (condition) (tài
liệu ICC số XB 511) trong phạm vi giao dịch của Tín dụng chứng từ thì:
Điều khoản (term): là những điều cơ bản tạo thành nội dung của TDT và những sự việc tất yếu
phải xẩy ra. Thí dụ: Người hưởng, người mở TDT, số tiền, các chứng từ xuất trình, ngày hết hiệu
lực, ngày cuối cùng phải giao hàng... là những Điều khoản (term)
Điều kiện (condition): là những điều bổ sung thêm cho hoàn chỉnh các điều khoản và những sự
việc trong tương lai chưa chắc sẽ xảy ra. Thí dụ:
(1) "Tất cả chứng từ phải được ký bằng tay " (all documents must be manuaily signed)
(2) "Sau khi giao hàng, người hưởng phải thông báo bằng điện chi tiết giao hàng cho công ty bảo
hiểm theo địa chỉ sau ... " (after Shipment, beneficiary must advise by cable details of shipment
to The insurance Co. with address as follows...); hoặc:
(3) "Hàng giao trên boong tàu không chấp nhận" (on deck cargoes not acceptable)

31
Thí dụ (1) và (2) là n'hững điều bổ sung thêm nhằm bảo đảm sự hoàn thiện và chặt chẽ cho TDT,
còn thí dụ cuối cùng là việc có thể không xẩy ra vì chủ hàng có thể không bao giờ giao hàng trên
boong tàu.
8. Những Điều kiện cần và những Điều kiện không cần chứng từ
Một điều đơn giản các ngân hàng, người mở và người hưởng TDT đều phải hiểu là có những
trường hợp ngay bản thân các chứng từ thông thường mà TDT yêu cầu (hóa đơn, vận đơn,
chứng từ đóng gói. .) đã thỏa mãn các điều kiện của TDT. Thí dụ thứ nhất trên đây các chứng từ
phải ký bằng tay (chứ không được ký bằng con dấu làm sẵn, hoặc bản ký tạo ra qua máy
fax/photocopy) sẽ được minh chứng bằng các chứng từ xuất trình cho ngân hàng, không cần phải
có chứng từ nào khác. Tương tự, TDT có điều kiện: tất cả các chứng từ đều phải ghi số TDT thì
bản thân các chứng từ khi xuất trình đều phải thỏa mãn điều kiện này.
Nhưng ở thí dụ (2), bản thân các chứng từ thông thường mà TDT, yêu cầu đều không thể thỏa
mãn điều kiện về việc thông báo giao hàng của người hưởng cho công ty bảo hiểm. Người mở và
NH phát hành TDT phải hiểu điều này để yêu cầu người hưởng xuất trình thêm các chứng từ
riêng biệt (bản xác nhận và/hoặc bức điện thông báo đó).
Trong khuôn khổ Bản Điều lệ, WG không thể phân rõ những điều kiện nào cần và những điều
kiện nào không cần chứng từ riêng biệt phải xuất trình, nhưng các bên liên quan trong giao dịch
Tín dụng chứng từ phải có sự hiểu biết thông thường (common sense) để quyết định yêu cầu hay
không yêu cầu những chứng từ xuất trình để thỏa mãn các điều kiện của TDT. Không làm được
như vậy, ngân hàng sẽ miễn trách và đương nhiên hậu quả xảy ra sẽ do phía mở TDT gánh chịu.
ĐIỀU 14: CHỨNG TỪ BẤT HỢP LỆ VÀ THÔNG BÁO
A. Khi Ngân hàng Phát hành cho phép một ngân hàng khác thanh toán hay cam kết thanh toán
sau, chấp nhận hối phiếu, hoặc chiêt khấu trên cơ sở các chứng từ thể hiện trên bề mặt của
chúng phù hợp với các điều khoản và điều kiện của TDT, thì Ngân hàng Phát hành và Ngân
hàng Xác nhận (Nếu có) phải:
i. hoàn trả cho Ngân hàng được chỉ định khi ngân hàng này đã thanh toán, cam kết thanh toán
sau, chấp nhận hối phiếu hoặc chiết khấu, ii. tiếp nhận các chứng từ. B. Khi tiếp nhận chứng từ,
NH phát hành và / hoặc Ngân hàng xác nhận, Nếu có, hoặc Ngân hàng được chỉ thị hành động
thay mặt họ, phải xác định chỉ trên cơ sở các chứng từ mà thôi, có thể hiện trên bề mặt của
chúng là phù hợp với các điều khoản và điều kiện của TDT hay không. Nếu các chứng từ thể
hiện trên bề mặt của chúng không phù hợp với các, điều khoản và điều kiện của TDT thì các
ngân hàng nói trên có thể từ chối chứng từ.
C. Nếu ngân hàng phát hành xác định rõ rằng chứng từ thể hiện trên bề mặt của chúng không
phù hợp với các điều khoản và điều kiện của TDT, ngân hàng này có thể theo ý kiến riêng của
mình tiếp xúc người mở TDT về việc chấp nhận bất hợp lệ. Tuy nhiên điều này cũng không vượt
quá thời hạn nêu trong Điều 13(b).
D. i. Nếu Ngân hàng phát hành và/hoặc Ngân hàng xác nhận, nếu có, hoặc một Ngân hàng được
chỉ định hành động thay mặt các Ngân hàng này quyết định từ chối chứng từ thì phải gửi thông
báo về quyết định này bằng viễn thông hoặc, nếu không thể được, thì bằng các phương tiện
nhanh chóng nhất, không chậm trễ nhưng cũng không chậm hơn 7 ngày làm việc của ngân hàng
kể từ ngày nhận chứng từ. Thông báo đó sẽ được gửi cho ngân hàng mà từ đó nó nhận được
chứng từ hoặc gửi cho người hưởng, Nếu nó nhận được chứng từ trực tiếp từ người này
ii Thông báo đó phải nêu tất cả những điểm bất hợp lệ mà theo đó ngân hàng từ chối các chứng
từ và cũng phải ghi rõ NH đang giữ bộ chứng từ để tùy quyền định đoạt của người xuất trình
hay trả chúng lại cho người xuất trình.

32
iii Ngân hàng phát hành và/hoặc NH xác nhận;Nếu có, sẽ được quyển đòi NH đã chuyển chứng
từ, hoàn trả mọi khoản tiền mà nó đã chuyển trả cho NH đó cùng với lãi suất phát sinh.
E. Nếu Ngân hàng phát hành và/hoặc Ngân hàng xác nhận nếu có, không hành động đúng theo
các quy định của điều khoản này và/hoặc không giữ chứng từ lại để tùy quyền định đoạt của
người xuất trình hoặc trả lại cho người xuất trình, Ngân hàng phát hành và/hoặc Ngân hàng xác
nhận, nếu có, sẽ bị mất quyền khiếu nại là các chứng từ không phù hợp với các điều khoản và
điều kiện của TDT.
F. Nếu ngân hàng chuyển chứng từ lưu ý NH phát hành và/hoặc Ngân hàng xác nhận, nếu có, về
bất kỳ điểm bất hợp lệ trong chứng từ hoặc thông báo cho các ngân hàng đó rằng mình đã thanh
toán, đã cam kết thanh toán sau, đã chấp nhận hối phiếu, hoặc đã chiết khấu với sự bảo lưu
hoặc với bảo đảm về điểm bất hợp lệ, NH phát hành và/hoặc Ngân hàng xác nhận, nếu có, sẽ
không vì thế mà được miễn bất cứ các nghĩa vụ nào của họ đối với bất cứ qui định nào của Điều
khoản này. Sự bảo lưu hoặc bảo đảm như vậy chỉ có liên quan đến mối quan hệ giữa ngân hàng
chuyển chứng từ và người được bảo lưu hoặc với người đứng ra đảm bảo hay người được người
khác thay mặt mình đứng ra bảo đảm.
Điều khoản này được viết lại từ Điều 16 của bản Điều lệ 400 nhằm làm rõ thêm, cụ thể và chính
xác :
- Trách nhiệm và nghĩa vụ.
- quyền quyết định của các ngân hàng liên quan, đặc biệt là NH phát hành (và NH xác nhận nếu
có) trong việc xử lý chứng từ xuất trình theo TDT.
1. NH phát hành xác nhận đối với chứng từ hợp lệ
Trách nhiệm và nghĩa vụ của NH phát hành và NH xác nhận (nếu có) là:
• hoàn trả cho ngân hàng được ủy quyển (ngân hàng chiết khấu) số tiền mà ngân hàng này
đã trả, hoặc cam kết sẽ trả cho người hưởng, trên cơ sở chứng từ xuất trình phù hợp với
các điều khoản và điều kiện của TDT, hoặc trả tiền cho Người hưởng nếu chứng từ được
xuất trình trực tlếp từ Người hưởng cho NH phát hành ( hoặc NH xác nhận) nhận bộ
chứng từ
Như vậy, nghĩa vụ của NH phát hành và ngân hàng xác nhận được nêu rõ ràng và xác thực hơn
đối với bộ chứng từ xuất trình hợp lệ theo TDT.
Phần B nhắc lại và nhấn mạnh nguyên tắc định đoạt bộ chứng từ đã được để cập trong Điều 13
của các ngân hàng llên quan là: trên bề mặt chứng từ và chỉ trên bề mặt chứng từ mà thôi, các
điều khoản và điều kiện của TDT được thực thi đầy đủ và chính xác hay không. Điều 16 Bản
Điều lệ 400 chỉ đề cập đến nghĩa vụ của NH phát hành kiểm tra sự hợp lệ của chứng từ. Nhằm
phù hợp nội dung của các điều khoản khác, WG đã quy định bổ sung nghĩa vụ và trách nhiệm
này đối với NH xác nhận và NH ủy quyền (ngân hàng chiết khấu).
NH xác nhận được để cập trong Bản điều lệ này, về mặt nghĩa vụ,trách nhiệm và quyền lợi luôn
ngang hàng với NH phát hành TDT. Ta thường gặp cách nói "NH phát hành và/hoặc NH xác
nhận, nếu có... " (the issuing bank and/or confirming bank, if any...) để diễn đạt ý nghĩa là nếu
TDT được 1 ngân hàng khác xác nhận, thì ngân hàng này sẽ ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm và
quyền lợi như NH phát hành.
2. Sự mâu thuẫn giữa các loại chứng từ
Ngân hàng được chỉ định (NH chiết khấu) thay mặt NH phát hành để kiểm tra và định đoạt
chứng từ. Nó phải có nghĩa vụ đối với người xuất trình là trong thời gian quy định, quyết định
chấp nhận hay từ chối bộ chứng từ trên cơ sở bề mặt của chúng. Khi đã quyết định chấp nhận
chứng từ, nó sẽ chiết khấu, nghĩa là ứng tiền cho người hưởng và đòi lại từ NH phát hành. Do

33
vậy, nghĩa vụ của NH chiết khấu là phải xác định rõ ràng chứng từ hợp lệ và chấp nhận chúng.
Các loại chứng từ (hóa đơn. vận đơn, chứng từ xuất xứ...) được lập, theo yêu cầu của TDT, phải
phù hợp với tất cả các điều khoản và điều kiện của TDT và đương nhiên không thể giữa các loại
chứng từ trên có những bất đồng nhất hoặc mâu thuẫn với nhau. Ngược lại các NH liên quan sẽ
coi chúng là những chứng từ không hợp lệ.
Sự nhất quán trong nội dung được diễn đạt trên bề mặt chứng từ là một trong những tiêu chuẩn
của NH để kiểm tra chứng từ. Tuy nhiên các nhà xuất khẩu (người hưởng) thường mắc những lỗi
trong khi lập chứng từ trên cơ sở tiêu chuẩn này mà theo họ, đấy không phải là bất hợp lệ.
Thí dụ : Vận tải đơn, TDT yêu cầu ghi "lập theo lệnh của chủ hàng" ( made out to the order of
shipper), do vậy mục "Consignee"sẽ được ghi "consignee : to shippers order". Nhưng ở "chứng
nhận xuất xứ" (certificate of origin) mục "consignee" lại được ghi "consignee : ABC Co.,Ltd.
" (tức là người mở TDT).
Xét về bản chất sự việc, người hưởng lập chứng từ đúng vì người nhận hàng là người nhập khẩu
(tức là người mở TDT). Như ta đã đề cập ở Điều 13, ngân hàng có phương pháp kiểm tra chứng
từ mang tính chất đặc thù không như suy luận của người khác. Vận tải đơn và chứng nhận xuất
xứ, trên bề mặt biểu hiện sự mâu thuẫn. Do vậy, ngân hàng sẽ từ chối chúng. Để khắc phục sự
mâu thuẫn này, chứng nhận xuất xứ phải ghi: "Consignee: to shippers order" mà không ghi đích
danh người nhận là ABC Co..LTD
3. Quyền của NH phát hành định đoạt chứng từ bất hợp lệ
Phần C của điều khoản này nói rõ quyền quyết định của ngân hàng phát hành đối với chứng từ
bất hợp lệ xuất trình theo TDT.
TDT là cam kết của NH phát hành đối với người hưởng về việc thanh toán bộ chứng từ xuất
trình phù hợp với tất cả các điều khoản và điều kiện của TDT. Khi đã được NH phát hành TDT,
người hưởng chỉ biết NH trong việc thanh toán, chứ không cần liên hệ đến người mở. Cũng như
vậy, NH phát hành chỉ biết đến nghĩa vụ phải thanh toán mà không thể viện dẫn lý do từ người
mở TDT.
Nghĩa vụ đi đôi với quyền lợi, NH có quyền từ chối thanh toán bộ chứng từ bất hợp lệ. Người
hưởng sẽ mất quyền khi họ không thực thi nghĩa vụ của mình (lập chứng từ không đúng theo
TDT yêu cầu). Tuy nhiên, NH phát hành TDT cũng được quyền tiếp xúc với người mở để chấp
nhận những bất hợp lệ của chứng từ. "Bằng quyết định riêng của mình, nó có thể tiếp xúc với
người mở TDT để chấp nhận những bất hợp lệ" (lt may in its sole judgment approach the
Applicant...)
Mục đích của phát hành TDT là bảo đảm thanh toán đối với thương vụ mua bán/dịch vụ giữa 2
khách hàng. Hơn nữa dịch vụ là một trong những hoạt động chính của NH. NH đã phát hành
TDT theo yêu cầu của khách hàng thì cũng sẽ làm như thế đối với bộ chứng từ bất hợp lệ. Tuy
nhiên, tùy theo từng hoàn cảnh của điều khoản và tình huống để ngân hàng phát hành quyết định
từ chối hay tiếp xúc với người mở để chấp nhận chứng từ bất hợp lệ.
Nếu NH phát hành chỉ làm dịch vụ đơn thuần trong giao dịch TDT (người mở đã bảo đảm đủ
tiền để thanh toán) thì việc chấp nhận chứng từ bất hợp lệ là việc của người mở. Rủi ro phát sinh
từ sự bất hợp lệ của chứng từ do người mở gánh chịu.
Nếu NH phát hành đã cấp Tín dụng cho khách hàng mình (bằng nhiều cách khác nhau) thì việc
định đoạt chứng từ bất hợp lệ được giải quyết theo 2 trường hợp :
NH sẽ tiếp xúc với người mở để chấp nhận hay từ chối chứng từ bất hợp lệ nếu hoạt động kinh
doanh của người mở vẫn bình thường.

34
NH sẽ từ chối chứng từ bất hợp lệ mà không cần có ý klến của người mở nếu khách hàng có dấu
hiệu thua lỗ, phá sản, mất khả năng thanh toán... Ngân hàng dùng quyền được phép của mình để
tránh những hậu quả xấu phát sinh từ khách hàng.
Là một trong các bên liên quan trong giao dịch TDT, người mở cũng ràng buộc bởi Bản điều lệ
này. Do vậy, chứng từ bất hợp lệ thì không chỉ NH phát hành có quyền từ chối mà người mở, khi
được NH hỏi ý kiến cũng có quyền từ chối và không thanh toán. NH phát hành phải kiểm tra
chứng từ nếu có những bất hợp lý, hoặc từ chối hoặc tiếp xúc với người mở để chấp nhận chứng
từ. Tuy nhiên, NH phát hành không được quyền chấp nhận chứng từ bất hợp lệ nếu người mở
không đồng ý. Đây là một nhận thức quan trọng đối với các nhà nhập khẩu trong giao dịch TDT
khi phát hiện những dấu hiệu xấu từ phía người giao hàng (chất lượng, số lượng hàng không
đúng quy định...), nhằm tránh những rủi ro trong kinh doanh. Người mua cũng có thể lợi dụng sự
không hợp lệ của chứng từ buộc người bán giảm giá khi giá hàng nhập khẩu bị giảm trên thị
trường, hoặc vì mục đích kiếm lợi nhuận thêm trong thương vụ này mặc dù người bán không vi
phạm hợp đồng. Đây là những trường hợp do người mua thiếu thiện chí không trung thực, có
nghĩa là người bán chọn nhầm đối tượng.
Quan điểm của WG là trong trường hợp chứng từ không phù hợp với điều khoản và điều kiện
của TDT, NH phải thể hiện tính độc lập của mình, phải là con nợ bình đẳng và có uy tín. NH
phát hành không nên hướng dẫn người mở tìm cách từ chối thanh toán trong mọi trường hợp.
Đặc biệt là khi hàng hóa đã được người mở nhận trên cơ sở vận tải đơn gốc gửi theo hàng hoá
đúng như điều khoản của TDT. Ngược lại, NH phát hành phải thuyết phục để người mở chấp
nhận và thanh toán chứng từ vì họ đã chiếm hữu hàng hóa, nhằm tránh những kiện tụng phát sinh
giữa bên mua và bán có thế dính líu đến NH. NH phát hành không bị loại trừ quyền tiếp xúc với
người hưởng (trực tiếp hoặc qua ngân hàng chiết khấu) yêu cầu sửa chữa, bổ sung những khiếm
khuyết của chứng từ trong thời gian cho phép. Điều này nói lên độ tin cậy của lời cam kết trong
TDT và uy tín của NH phát hành. Quan điểm của các chuyên gia NH là TDT là phương tiện để
thanh toán chứ không phải để từ chối" ( The Documentary Credit is meant to be an instrument.
not of non-payment - DCl Vol.2 No.1/Winter 1 996 - ICC)
Mọi việc tiếp xúc với người mở để chấp nhận bất hợp lệ của chứng từ đều được thực hiện trong
vòng 7 ngày làm việc, theo đúng của Điều 13(b). Quy định này nhằm ngăn ngừa những trường
hợp NH phát hành cố tình kéo dài quyết định thanh toán hay từ chối vì những bất hợp lệ chứng
từ.
4. Thông báo bất hợp lệ và hành động tiếp theo của NH phát hành
Phần D quy định rõ về trách nhiệm thông báo sự bất hợp lệ của chứng từ của NH phát hành
và/hoặc NH xác nhận (nếu có) hoặc NH được chỉ định (ngân hàng chiết khấu) cho ra xuất trình
chứng từ.
NH chiết khấu (được ủy quyền của NH phát hành) phải thông báo cho người hưởng; NH phát
hành và/hoặc NH xác nhận (nếu có) phải thông báo cho NH chuyển giao chứng từ (có thể là NH
chiết khấu hoặc NH xác nhận, hoặc NH gửi chứng từ theo yêu cầu của người hưởng) sự bất hợp
lệ của chứng từ, bằng điện tín (telex. swift) trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nó nhận được
chứng từ.
Nội dung thông báo đó phải gồm tất cả các bất hợp lệ được phát hiện, xác nhận chứng từ bị từ
chối và đang giữ (Ngân hàng phát hành khống chế, kiểm soát chứng từ) tùy sự định đoạt và rủi
ro thuộc về NH chiết khấu (Ngân hàng chuyển chứng từ). Ngân hàng phát hành đang tiếp xúc
với người mở TDT để chấp nhận những bất hợp lệ trên.

35
Bức điện này phải được gởi đi trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi ngân hàng mở nhận được
chứng từ. Các bất hợp lệ nói trên là toàn bộ và cuối cùng, có nghĩa là ngân hàng mở không
được bổ sung thêm bất hợp lệ khác, mặc dù sau này nó mới phát hiện ra.
Trong thực tế có những trường hợp NH phát hành thông báo bất hợp lệ cho NH chiết khấu nhưng
những bất hợp lý đó không đúng và bị NH chiết khấu phủ nhận. Sau đó, NH phát hành lại thông
báo tiếp các bất hợp lệ khác. Điều này đã gây ra những tranh cãi giữa hai NH liên quan vì bản
Điều lệ 400 chỉ nói chung chung là "thông báo đó phải nói rõ những bất hợp lệ mà theo đó NH
phát hành từ chối chứng từ ..." Các bất đồng nêu trên được tham khảo ý kiến của ICC. Do vậy
trong "Case Study on Documentary credit" s XB 459, ICC nói rõ quan điểm của mình :
- NH phát hành không có quyền nêu thêm những bất hợp lệ sau đó, nếu giả sử các bất hợp lệ đã
nêu trước đó trở nên không có giá trị để từ chối chứng từ.
- Nếu NH phát hành từ chối chứng từ và chỉ nêu rõ 1 điểm bất hợp lệ nhưng sau đó lại nêu thêm
các điểm bất hợp lệ khác nhằm mực đích từ chối chứng từ, thì điều này rõ ràng trái với điều lệ và
Thực hành thống nhất về Tín dụng chứng từ.
( An issuing bank would not be entitled to raise subsequently any further discrepancies if the
discrepancies in its first notice turneđ out to be inadequate grounds for rejection of the
documents.
- lf therefore, the issuing bank rejects the documents and states only one discrepancy but later
tries to raise other discrepancies for the purpose of refusing the documents, obviously this is
contrary to UCP 1983 and also contrary to what would be fair treatment of the beneficiary...)
Để khắc phục những khiếm khuyết của Bản điều lệ cũ, WG đã quyết định ghi rõ thêm phần
thông báo bất hợp lệ của NH phát hành: "Thông báo đó phải nói rõ tất cả các bất hợp lệ...".
Trong ngữ cảnh này, các NH phải hiểu là tất cả các bất hợp lệ phải được nói rõ ở thông báo cho
phía xuất trình chứng từ (người hưởng, hoặc NH chiết khấu/NH xác nhận). Đây là thông báo đầu
tiên cũng là thông báo cuối cùng về các bất hợp lệ và phải được thực hiện trong vòng 7 ngày làm
việc kể từ khi NH đó nhận được chứng từ.
Nếu tự quyết định từ chối mà không cần ý kiến của người mở thì NH phát hành phải nói rõ đã
gởi trả lại chứng từ. Ngược lại, nó phải thông báo về tình trạng chứng từ mà nó nhận được (đang
giữ với quyền định đoạt của phía xuất trình và không chịu mọi rủi ro).
Nếu từ chối chứng từ bất hợp lệ thì NH phát hành (hoặc NH xác nhận) không thanh toán tiền.
Nhưng một khi nó đã hoàn trả tiền trước đó theo bộ chứng từ bị từ chối cho NH chiết khấu thì nó
có quyền đòi lại cả gốc lẫn lãi. Chỉ có 2 trường hợp NH phát hành NH (hoặc NH xác nhận) đòi
lại tiền từ NH chiết khấu nếu bộ chứng từ bất hợp lệ đó bị từ chối:
- NH phát hành cho phép NH chiết khấu (NH dược chỉ định) đòi tiền bằng hối phiếu tại một NH
thứ 3 là NH tiền gửi của mình (gọi là NH hoàn trả (reimbursing bank), bộ chứng từ được gửi trực
tiếp cho NH phát hành (hoặc NH xác nhận).
- NH phát hành NH TDT cho phép NH chiết khấu đòi tiền bằng điện, gọi là phương thức TTR
(telegraphic transfer), ngay sau khi nó xác định chứng từ hoàn toàn phù hợp với các điều khoản
và điều kiện của TDT, đồng thời gửi chứng từ cho NH phát hành. Nhận được điện đòi tiền từ NH
chiết khấu, NH phát hành hoặc NH thứ 3 được uỷ quyền của NH phát hành, sẽ căn cứ vào điện
hoặc hối phiếụ đòi tiền này mà chuyển trả tiền cho NH chiết khấu.
Cả 2 trường hợp trên, NH phát hành nhận được chứng từ sau khi ngân hàng chiết khấu nhận
được tiền. Nếu NH phát hành (hoặc NH xác nhận) quyết định từ chối và gửi toàn bộ chứng từ vì
bất hợp lệ thì sẽ đòi lại số tiền đã trả và lãi suất kể từ ngày thanh toán đến ngày được trả lại. Lãi
suất liên quan thông thường là lãi tiền vay cộng phụ phí ngân hàng (Thí dụ: Libor + 1.5%/năm).

36
Tuy nhiên cũng có những ngân hàng tính lãi cao hơn lãi vay tại địa phương/nước của ngân hàng
đó.
Hai phương thức đòi tiền trên có lợi cho nhà xuất khẩu (người hưởng) vì thu tiền được dễ dàng
nhanh chóng nhưng không có ý nghĩa đối với ngân hàng chiết khấu, thậm chí nó là con dao hai
lưỡi. Nếu NH chiết khấu kiểm tra chứng từ sơ sài, không phát hiện những bất hợp lệ dù là nhỏ
nhất mà đòi tiền tại NH thứ 3 (NH hoàn trả) hoặc đòi tiền bằng điện tại NH phát hành (hoặc NH
xác nhận), họ sẽ nhận được tiền và trả cho người hưởng. Bất hợp lệ bị phát hiện, chứng từ bị từ
chối, NH chiết khấu phải trả lại tiền và lãi trong khi người hưởng đã sử dụng hết tiền? Khi TDT
cho phép đòi tiền bằng điện, người hưởng thông thường không chiết khấu mà họ chỉ cần vài ba
ngày là được thanh toán. Do vậy, điều quan trọng và cần thiết đối với NH chiết khấu là bất luận
điều khoản thanh toán như thế nào thì cũng phải kiểm tra chứng từ chặt chẽ để xác định tính
phù hợp của chúng. Trong những trường hợp các điều kiện và điều khoản TDT không rõ ràng,
hoặc hiểu theo 2 cách đều đúng thì có thể từ chối chiết khấu nhằm tránh những rủi ro có thể.
5. Trường hợp NH phát hành/xác nhận mất quyển từ chối chứng từ bất hợp lệ
Phần E khẳng định dứt khoát: nếu NH phát hành (hoặc NH xác nhận, nếu là TDT xác nhận)
không thực thi đúng điều khoản này thì nó sẽ mất quyền từ chối chứng từ bất hợp lệ. Như vậy,
đương nhiên nó phải : thanh toán cho người hưởng và nhận bộ chứng từ.
NH phát hành (hoặc NH xác nhận) mỗi khi từ chối thanh toán thì phải trả lại chứng từ cho phía
xuất trình hoặc hành động theo lệnh của phía xuất trình. Nó không được chiếm hữu chứng từ vì
chứng từ là hàng hoá, hoặc giao cho bất cứ ai không phải là người xuất trình. NH phát hành
(hoặc NH xác nhận) phải trả lại cho NH chiết khấu; hoặc chuyển giao chứng từ cho phía thứ 3
theo lệnh của NH chiết khấu. Lấy lại bộ chứng từ từ ngân hàng phát hành, người hưởng sẽ: hoặc
tiếp nhận hàng hóa của mình để bán cho một khách hàng khác, hoặc bán bộ chứng từ đó cho phía
thứ 3 bằng cách ký hậu. Trong trường hợp NH phát hành (hoặc NH xác nhận) không thực hiện
đúng điều khoản này như:
- Thông báo từ chối nhưng không nói rõ sự bất hợp lệ của chứng từ, hoặc bất hợp lệ này bị NH
chiết khấu bác bỏ và trở nên không có giá trị hoặc
- Thông báo những bất hợp lệ và từ chối chứng từ vượt quá 7 ngày làm việc của NH, hoặc thông
báo không bằng những phương tiện nhanh nhất (telex, fax...) do vậy gây chậm trễ, hoặc
- Đã chuyển giao chứng từ cho người mở, hoặc làm mất không trả lại chứng từ cho phía xuất
trình toàn bộ chứng từ nguyên vẹn như khi nó nhận, hoặc không giao chứng từ đó cho người thứ
3 do phía xuất trình chỉ định.
Một trong những thiếu sót trên của NH phát hành (hoặc NH xác nhận) sẽ đánh mất quyền của
mình và do vậy nó phải thanh toán và nhận bộ chứng từ bất kể sự hợp lệ của chúng.
6. Nghĩa vụ thanh toán không thuộc về NH được chỉ định
Một điều cầu lưu ý là việc loại trừ quyền từ chối trên không áp dụng cho NH chiết khấu (NH
được chỉ định).
Quy định này dựa trên cơ sở là trách nhiệm và nghĩa vụ thanh toán chứng từ hợp lệ và quyền từ
chối chứng từ bất hợp lệ thuộc về NH phát hành và/hoặc NH xác nhận TDT. NH chiết khấu (NH
được chỉ định) có quyền thực thi hoặc từ chối sự ủy nhiệm của NH phát hành, tùy theo từng hoàn
cảnh và điều kiện. Nếu chứng từ bất hợp lệ, hoặc xét thấy mức độ rủi ro lớn, NH này sẽ từ chối
chiết khấu mà chỉ gởi chứng từ thanh toán. Lúc này nó sẽ là NH chuyển chứng từ (remitting
bank).
Nghĩa vụ của NH được chỉ định thay mặt NH phát hành là kiểm tra chứng từ và thông báo những
bất hợp lệ nếu có, cho người xuất trình và hoàn toàn không chịu 1 hình phạt nào áp đặt theo bản

37
điều lệ trừ khi nó là NH xác nhận), Nếu nó không thực hiện đúng những quy định tại Điều khoản
này. WG đã nói rõ quan điểm của mình "Bản Điều lệ này (500) không thể áp đặt bất cứ nghĩa vụ
trực tiếp hay gián tiếp đối với NH được chỉ định (trừ khi nó là NH xác nhận) mà nó đóng vai trò
đơn thuần là NH thông báo và không cam kết bất cứ nghĩa vụ nào về trả tiền, chấp nhận hoặc
chiết khấu". (The UCP can not impose any direct or indirect obligation on a nominated bank
(unless " it is the confirming bank) that acted solely as an advising bank and undertook no.
obligation" (ICC Doc. Pub.No. 51 1, page 47).
Do vậy, việc ngân hàng được chỉ định không thực hiện đúng Điều khoản 13 và 14 của Bản điều
lệ này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của NH phát hành (hoặc
NH xác nhận). Có thể NH được chỉ định (hoặc nó là NH chiết khấu, hoặc nó là NH chuyển
chứng từ) không kiểm tra tốt chứng từ, hoặc không thông báo các bất hợp lệ cho người hưởng
đúng thời hạn, hoặc không giữ lại chứng từ bất hợp lệ mà gửi đi NH phát hành để thanh toán...
thì không vì thế mà NH phát hành (hoặc NH xác nhận) mất quyền từ chối chứng từ bất hợp lệ và
từ chối thanh toán, miễn là nó vẫn hành động đúng Điều 13 và 14. "Tương tự việc NH được chỉ
định không thực thi đúng các điều kiện tại Điều 13 và 14 của Bản đlều lệ (trừ khi nó là NH xác
nhận) không ràng buộc một cách tự động, theo các Quy tắc của Bản điều lệ này. NH phát hành
hoặc NH xác nhận nếu có, đối với người xuất trình về các chứng từ bất hợp lệ nếu chúng không
được kiểm tra và thông báo từ chối bởi NH được chỉ định cho người xuất trình trong thời gian
quy định (Tài liệu ICC số XB 511 trang 48).
"Similarly, the failure of the nominated bank (unless it's the confirming bank) to act according to
the condition in UCP 500 Article 13 & 14 could not automatically BMD, under the UCP rules,
the issuing bank or the confirming bank if any, to the presenter of discrepant documents if such
documents were not examined and if notice of refusal was not given by the nominated bank to the
presenter within the prescribed period" (ICC Doc. Pub. No. 51 1, page 48).
Tuy nhiên, ngân hàng được chỉ định phải hành động đúng những Quy tắc đã nêu trong Điều 13
và 14 nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng (người hưởng) và bảo đảm uy tín của ngân hàng.
7. Ảnh hưởng của chiết khấu bảo lưu đối với các NH liên quan và người mở TDT
Phần cuối cùng của điều khoản này cơ bản giữ nguyên điểm E của Điều 16 Bản Điều lệ cũ. Vì
mối quan hệ của mình và khách hàng (người hưởng) NH được chỉ định cụ thể chiết khấu chứng
từ bất hợp lệ trên cơ sở bảo đảm, cam kết của người hưởng (sẽ hoàn trả gốc và lãi cho ngân hàng
nếu chứng từ bị từ chối) hoặc có sự bảo lãnh của NH hay tổ chức tài chính khác. Đây là việc
riêng của phía xuất khẩu, không liên quan đến phía nhập khẩu, đặc biệt là NH phát hành. Nếu
NH chiết khấu có ghi chú điều này vào chỉ thị trả tiền cho NH phát hành thì không vì thế mà NH
phát hành mất đi quyền từ chối chứng từ bất hợp lệ và nghĩa vụ phải hành động đúng những Quy
tắc của Điều 13, 14 và tất cả các điều khoản khác cuả Bản điều lệ này. Người mở được quyền từ
chối chứng từ bất hợp lệ bất kể NH được chỉ thị đã chiết khấu chúng trên cơ sở bảo lưu từ Người
hưởng hay bảo đảm từ phía thứ ba. Đối với các NH phục vụ nhà xuất khẩu, điều này có nghĩa là
họ sẵn sàng cấp tín dụng cho nhà xuất khẩu, hoặc đã nắm được nguồn tài sản thế chấp để chuyển
sang tiền trả nợ hoặc yêu cầu phiá bảo lãnh hoàn trả, khi chứng từ bất hợp lệ bị từ chối. Việc ghi
chú chiết khấu bảo lưu như đã nói trên đây hoàn toàn không có ý nghĩa bảo đảm mà chỉ là lưu ý
cho NH phát hành (hoặc NH xác nhận về Điều khoản 14 được áp dụng trong trường hợp như
vậy.
8. Chứng từ bất hợp lệ thì Người hưởng sẽ xuất trình trên cơ sở nào?
WG cho rằng đã là TDT, mọi giao dịch đều tuân thủ các Quy tắc của Bản Điều lệ. Do vậy dù là
bất hợp lệ chứng từ cũng không nên gởi trên cơ sở nhờ thu (on collection) vì như vậy chúng từ

38
đó sẽ được xử lý theo Quy tắc thống nhất về nghiệp vụ nhờ thu, số XB 522, Bản sửa đổi 1995,
Phòng Thương Mại Quốc tế, có hiệu lực từ 1.1.1996 (The Uniform Rules for Collection, ICC
Pub.No.522, 1995 Revision ) gọi tắt là URC 522. Hơn nữa, nếu áp dụng URC, có nghĩa là chứng
từ mất quyền được đảm bảo bởi bản điều lệ 500 mà theo đó, NH phát hành phải thực hịên đúng
điều 13 VÀ 14. "URC cho phép NH phát hành hoặc NH xác nhận có thể không cần kiểm tra
chứng từ, hoặc thông báo những bất hợp lệ vượt thời hạn quy định cho phía xuất trình mà chỉ
hành động đúng các điều khoản của URC. Điều này hoàn toàn ngược với TDT quy định áp dụng
theo Điều lệ Thống nhất và Thực hành Tín dụng chứng từ. Bản sửa đổi 500, và trái với tập quán
quốc tế về giao dịch tín dụng chứng từ (Application of the URC to such a transaction, however,
means the loss of the UCP protection. This protection ensures not only a greater degree of
diligence by the Issuing Bank, but also the lssuing Banks inability to raise discrepancies beyond
the period required by UCP 500 Articles 13 and 14. Thus, it should clearly be the Beneficiary' s
choice whether he wishes the remittance of discrepant documents to the lssuing Bank or
confirming bank, if any, to be governed by the UCP or the URC Rules". (ICC. Doc. Pub. No.51
11)
Do vậy, nếu chứng từ bất hợp lệ. người hưởng yêu cầu chuyển chứng từ trên cơ sở chấp nhận
thanh toán (on approval) và ghi rõ áp dụng theo điều lệ và Thực hành Thống nhất TDCT, Bản
sửa đổi số 500 của Phòng Thương mại quốc tế (Documents are remitted on approval subject to
The Uniform Customs and Practice for Documentary Credits, 1993 Revision ICC Publication
No. 500). Tuy nhiên. quyền chọn gửi chứng từ thanh toán theo phương thức nào là của người
hưởng. Thông thường, nhà xuất khẩu hoặc không rõ. hoặc ít chú ý đến nghiệp vụ này nên vai trò
quyết định thuộc về NH chuyển chứng từ (NH được chỉ định) nhằm hành động đúng theo tập
quán Quốc tế và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Thực ra thuật ngữ "Nhờ thu", "Chiết khấu", nêu ra nhằm phân biệt việc từ chối hay ứng tiền cho
người hưởng của NH được chỉ định. Nếu không ứng tiền cho người hưởng, thì NH được chỉ định
sẽ là NH chuyển chứng từ (Remitting Bank) thay mặt người hưởng gửi chứng từ để thanh toán
tại NH phát hành/NH xác nhận (on approvai). Ngược lại nó sẽ là NH chiết khấu khấu
(Negotiating Bank) hành động với chức năng của một bên trong nghiệp vụ TD chứng từ mà
nghĩa vụ và quyền lợi được nói rõ trong bản điều lệ 500. Ở trường hợp nào NH này cũng phải
kiểm tra chứng từ trong thời hạn cho phép nhằm xác định sự hợp lệ của chúng theo đúng quy
định của Bản điều lệ 500.
9. Sự mâu thuẫn giữa TDT với UCP 500
Trong thực tế vẫn có những TDT được mở với điều khoản trái ngược, mâu thuẫn với quy định
của Bản điều lệ 500 và thực tiễn. Nguyên nhân là do người mở và NH phát hành thiếu cẩn thận
hoặc không nắm vững nghiệp vụ.
Gặp những trường hợp trễ, người hưởng và NH sẽ xử lý thế nào? Không thể đem ra một nguyên
tắc chung mà tùy với từng tình huống cụ thể để quyết định áp dụng quy định của TDT hay Bản
Điều lệ.
Thí dụ TDT yêu cầu xuất trình VĐ đa phương thức mà lại cấm chuyển tải, trái với thực tiễn vận
tải hàng hóa. Điều 26 của Bản Điều lệ đã khẳng định "Ngay cả khi TDT không cho phép chuyển
tải, NH sẽ chấp nhận chứng từ VTĐPT có ghi việc chuyển tải.." Như vậy, Người hưởng có quyền
áp dụng Điều 26 mà bỏ qua việc cấm chuyển tải. Tương tự VĐ hàng không phải được xuất trình
toàn bộ (full set) cho NH theo quy định của TDT. Điều này không thể được vì trái với thực tế là
chủ hàng chỉ được Người chuyên chở cấp cho một bản gốc duy nhất. Điều 27 bác bỏ yêu cầu của
TDT.

39
Tuy nhiên, cần lưu ý là các điều khoản của Bản Điều lệ luôn luôn ghi "trừ khi có quy định khác",
có nghĩa là TDT có thể điều chỉnh các quy tắc bằng cách ghi rõ thỏa thuận giữa Người mở và
người hưởng. Do vậy NH sẽ căn cứ vào điều khoản TDT để kiểm tra chứng từ chứ không thể vận
dụng máy móc Bản điều lệ. Thí dụ : TDT quy định Hóa đơn lập cho một bên không phải là
Người mở TDT, chứng từ phải xuất trình trong vòng 10 ngày kể từ ngày VĐ đều phải thực hiện
đúng.
`ĐIỀU 15 : MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM VỀ GIÁ TRỊ HIỆU LỰC CỦA CHỨNG TỪ
NH không có nghĩa vụ hoặc chịu trách nhiệm về hình thức, sự hoàn thiện, tính chính xác tính
chân thực, sự giả mạo hoặc hiệu lực pháp lý của bất cứ chứng từ nào hoặc về những điều kiện
chung và/hoặc riêng được quy định trong các chứng từ đó hoặc được ghi thêm; NH cũng không
chịu trách nhiệm gì về sự mô tả hàng hoá, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trạng thái, bao bì),
việc giao hàng, trị giá hoặc sự tồn tại của hàng hóa được đại diện bởi các chứng từ, hoặc về
thiện chí hoặc về hành vi, và/hoặc về những khiếm khuyết, khả năng thanh toán, việc thực thi
nghĩa vụ hoặc sự tín nhiệm của người gởi hàng, người chuyên chở, người giao nhận, người nhận
hàng, hoặc người bảo hiểm hàng hóa hay của bất cứ người nào khác.
Điều khoản này gần như giữ nguyên điều 17 của Bản Điều lệ 400, ngoại trừ từ "Người giao
nhận, người nhận hàng" được thêm vào danh mục các bên liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến
giao dịch Tín dụng thư.
Đúng như tựa đề của điều khoản, WG muốn nêu thành nguyền tắc quan điểm của giới nhà băng
về giá trị hiệu lực, tính pháp lý của chứng từ xuất trình theo TDT.
Quan điểm của WG là Bản điều lệ không nên cố gắng để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ
hoạt động tín dung chứng từ. Đặc biệt WG ủng hộ mọi ý kiến, các lập luận của các chuyên gia,
các Phòng Thương mại quốc gia đã được nêu ra thành Quy tắc trong Bản điều lệ 500 là Bản
Điều lệ không nhằm điều chỉnh quan điểm của ngân hàng nếu có những vụ lừa đảo được phát
hiện liên quan đến hàng hóa, dịch vụ của chứng từ giao dịch trong TDT.
"NH không chịu trách nhiệm và nghĩa vụ gì về hình thức, sự hoàn thiện, chính xác, tính chân
thực, sự giả mạo hoặc giá trị Pháp lý của những chứng từ mà họ nhận được từ phía xuất trình.
Nếu NH kiểm tra với "sự cẩn thận một cách hợp lý"mà không thể phát hiện được sự gian lận của
chứng từ như: chữ ký, con dấu, mẫu chứng từ giả ... thì NH được miễn trách. Nhưng nếu NH do
bất cẩn mà không nhận ra sự giả mạo trên thì chịu trách nhiệm những hậu quả xảy ra. Đó là
trường hợp giả mạo chữ ký của người cấp vận đơn nhưng không đúng theo mẫu chữ ký tại hồ sơ
ngân hàng. Vận đơn này phải bị ngân hàng từ chối.
NH được miễn trách đối với những điều kiện chung và riêng ghi trong các chứng từ, hoặc đọc
ghi thêm. Đó là những điều kiện ghi ở vận đơn ("Terms and Conditions of Mutimodal Transport
Bill of Lading", "Conditions of carriage" ...) hoặc là các điều kiện cụ thể như : "cước phí đã trả"
(freight prepaid), "đã bốc" (on board)... hoặc các điều khoản (clauses) thể hiện trong Bảo hiểm
đơn và các điều khoản bảo hiểm cụ thể như: "institute cargo clause" (all risk), institute..., những
chứng từ do người khác ghi thêm (chứ không phải người phát hành) nhưng không thể phát hiện
được thì NH không chịu trách nhiệm.
Thí dụ : Bảo hiểm đơn chỉ ghi điều khoản bảo hiểm là WPA nhưng người xuất trình tự ghi thềm
điều kiện "all risk" vào nhằm đảm bảo tính hợp lệ của chứng từ của TDT. Ngân hàng không thế
phát hiện sự bổ sung này mặc dù đã kiểm tra với "sự cẩn thận hợp lý" thì trách nhiệm không
thuộc về ngân hàng.
NH không chịu trách nhiệm về sự mô tả hàng hóa bao gồm: tên, chủng loại hàng hóa. số lượng,
trọng lượng, chất lượng, tình trạng hàng hóa, bao bì đóng gói ... miễn rằng chúng nó được mô tả

40
theo đúng quy định của TDT và không mâu thuẫn với nhau, phù hợp với các điều khoản của Bản
điều lệ 500.
Thí dụ : Chứng từ giao hàng (shipping documents) mô tả hàng hóa: áo jacket mới, 500
chiếc/carton, tổng cộng 50,000 chiếc, 500 carton. Sự thể hiện này đúng với yêu cầu của TDT và
được NH chấp nhận bất kể số lượng, chất lượng áo (mới hay cũ), có được giao đúng như vậy hay
không, carton có bền hay dễ vỡ, trọng lượng có đủ hay không...
NH không cần bết đến thiện chí, hành vi, sự tín nhiệm của người giao hàng, khả năng thanh toán
của người mua, việc thực hiện bổn phận của người chuyên chở, nhà bảo hiểm người nhận hàng
hoặc bất cứ ai liên quan đến giao dịch hàng hóa theo TDT. Điều này hoàn toàn phù hợp với bản
chất của Tín dụng chứng từ được nêu ra tại Điều 3 và 4 của Bản điều lệ 500. Mọi hành vi giả
mạo, lừa đảo, nếu NH, mặc dù đã "cẩn thận ở mức hợp lý" vẫn không phát hiện ra thì ngân hàng
được miễn trách về những hậu quả phát sinh. Ai sẽ phải chịu hậu quả là do tòa án quyết định.
Thí dụ: Người mở TDT (người mua) biết đích xác là hàng không được giao nhưng bộ chứng từ
giả mạo đã được xuất trình đòi tiền tại NH. Người mua kháng nghị, yêu cầu NH không thanh
toán và đem sự vụ ra toà án. Lúc này, phán quyết của Tòa án ràng buộc tất cả các bên liên quan.
Nếu NH đã thanh toán trên cơ sở chứng từ hoàn toàn hợp lệ, sau đó mới nhận được lệnh của toà
án. Vậy NH có được miễn trách hay không dựa trên Bản điều lệ này? Điều này tùy thuộc vào luật
của mỗi nước và cách nhìn nhận vấn đề của toà án. Tuy nhiên, một vấn đề mà các NH phải hiểu
là Bản điều lệ Thống nhất và Thực hành Tín dụng Chứng từ chỉ là thỏa ước có tính chất quốc tế
mà một ai muốn giao dịch đều phải tuân thủ, chứ không phải là một bộ luật. "Một điều cần thừa
nhận là việc viện dẫn bản điều lệ vào TDT không ngăn cản tòa án áp dụng luật của nước họ"
(Tài liệu số xuất bản 511 của ICC. trang 2) (However, it must be recognized that incorporation of
the UCP into the Documentary Credit does not prevent a court from applying its country's
national law _Doc. ICC. Pub. No. 511). Để lưu ý các ngân hàng trên thế giới về những trường
hợp kiện tụng giữa khách hàng và ngân hàng, ICC đã cảnh báo: "... Những năm qua đã phát sinh
rất nhiều tranh chấp pháp luật, đặc biệt là những vụ việc dường như có sự mâu thuẫn giữa điều lệ
Thực hành Thống nhất Tín dụng Chứng từ và Luật pháp Quốc gia. Ban soạn thảo kết luận rằng
những vấn đề pháp lý như vậy không thể nêu ra trong các Quy tắc và Bản điều lệ không thể tạo
ra luật lệ của các quốc gia. Những vấn đề đó tốt nhất là hãy để cho tòa án nhìn nhận và giải quyết
(Tàl liệu ICC số xuất bản 511) ("Over the years, there have been disputes on the jurisdiction,
especially in those cases when there seems to be a conflict between the UCP and the national
law. The WG concluded that such legal issues cannot be addressed in the rules and that the UCP
cannot legislate nation laws. Such matters are best left for the court to hear and resolve" (ICC
Pub. No. 511).
Từ quan điểm và tình thế trên, các NH phải chọn khách hàng để giao dịch, nhằm tránh dính líu
vào những kiện tụng pháp luật và tổn thất uy tín và tiền bạc của mình.
Đồng thời, mỗi nước cũng cần có một quy chế về giao dịch Tín dụng Chứng từ và việc áp dụng
Bản điều lệ Thực hành và thống nhất tín dụng chứng từ cho hoạt động của hệ thống NH Thương
mại trong phạm vi quốc gia. Quy chế này cần định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của
các bên liên quan trong giao dịch TDT dựa vào thông lệ Quốc tế và Luật của nước sở tại. Như
vậy sẽ tạo thuận lợi cho Tòa án Kinh tế trong xét xử các vụ việc tranh chấp, và các NH Thương
mại yên tâm để quyết định những vấn đề trong giao dịch TDT có liên quan yếu tố Pháp luật quốc
gia.
ĐIỀU 16: MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC CHUYỂN GIAO THƯ TỪ ĐIỆN
TÍN

41
NH không có nghĩa vụ và không chịu trách nhiệm về những hậu quả phát sinh do sự chậm trễ
và/hoặc mất mát trong quá trình chuyển giao điện tín, thư từ hoặc chứng từ hoặc sự chậm trễ,
cắt xén hoặc do (những) sai sót khác xảy ra trong liên lạc viễn thông. NH không có nghĩa vụ và
trách nhiệm về các sai sót trong dịch thuật và/hoặc giải thích các thuật ngữ chuyên môn, và
giành quyền chuyển mà không cần dịch thuật các Điều khoản TDT.
So với Bản điều 400. Điều 16 không có thay đổi gì ngoại trừ việc thêm vào từ "và" (and) nhằm
khẳng định cả việc dịch thuật lẫn giải nghĩa không cần kết hợp làm một để tạo ra trách nhiệm của
NH mà mỗi một hành động đó có thể có một cách riêng của chính nó hoặc có cùng chung hành
động.
1. Những rủi ro phát sinh ngoài tầm kiểm soát của NH
Trong giao dịch TDT chứng từ, có những vấn đề gây trở ngại như: điện bị nhiễu loạn do thời tiết,
chứng từ gửi đi bị chậm trễ hoặc mất mái, bản fax nhận bị nhòe, mờ,... tất cả những trục trặc
ngoài ý muốn của các bên liên quan, kể cả NH. Do vậy, NH miễn trách về những hậu quả phát
sinh từ những trục trặc trên. Rủi ro thuộc về ai thì bên đó phải chịu. Thí dụ: chứng từ NH chiết
khấu gửi đi cho NH phát hành để thanh toán bị mất dọc đường (do nguyên nhân bất khả kháng)
thì NH phát hành phải thanh toán và tất nhiên là người mở chứ không phải ai khác gánh chịu hậu
quả rủi ro này.
Trong Tài liệu ICC số xuất bản 434 nói rõ quyết định của uỷ ban NH (Banking commission): "rủi
ro chuyển từ người hưởng sang NH phát hành khi chứng từ hợp lệ đã được NH được chỉ định
chấp nhận" (The risk passed from beneficiary to the issuing bank when conforming documents
were accepted by the nominated bank). Bổ sung thêm quy định này, Tài liệu số xuất bản 469
cũng khẳng định : "Trong trường hợp chứng từ, kể cả hối phiếu đòi tiền tại người mở, bị mất trên
đường bưu điện vận chuyển, ngân hàng chuyển chứng từ có quyền được hoàn trả tiền vào thời
hạn tương đương với ngày mà nó phải được thanh toán nếu chứng từ không bị mất. NH phát
hành có trách nhiện nhận thức rằng việc thanh toán không được để chậm trễ " (In the event of
documents, including a draft On the applicant, being lost in the post, the remitting bank is
entitled to be reimbursed on the approximate date on which it could have expected to have been
reimbursed if the documents arrived safety. The issuing bank has a responsibility to see that the
payment is not unduly delayed ICC. Doc. Pub. No.469). Tất nhiên người mất chứng từ là người
mở TDT vì NH phát hành làm theo yêu cầu của người mở và mọi rủi ro thuộc về người mở.
Trả lời thắc mắc của ngân hàng Bank of China (Tianjin Branch) về vấn đề trên, Uỷ ban NH đã
nêu quan điểm: "Đối với vấn đề hoàn hảo của chứng từ bị mất, chừng nào những bất hợp lệ
không được phát hiện, chứng từ coi như hoàn hảo với các điều khoản và điều kiện của TDT. Do
vậy, ngân hàng được chỉ định có quyền được thanh toán trong trường hợp chứng từ bị mất dọc
đường. Sau đó, nếu chứng từ tìm lại được, ngân hàng phát hành áp dụng các điều khoản của Bản
điều lệ và đòi lại từ ngân hàng được chỉ định số tiền đã trả .... Tuy nhiên, thực tế không có câu trả
lời chung nào cả bởi mỗi một trường hợp đều được xem xét trên mỗi giá trị của chính nó. (Tài
liệu ICC SỐ XB 494) (... as long as discrepancies "'ere not discovered the documents were
deemed to be compliant with the Terms of the Credit. Therefore the nominated bank " was
entitled to be reimbursed in case of loss of the documents. If the document re-appeared, the
issuing bank could use Article 16 UCP and claim refund of the reimbursed amount. However no
general answer can be given, since each case must be considered on its own merits ' ICC Doc.
Pub. No. 494)
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là NH được chỉ định phải thực hiện đúng điều kiện của TDT trong việc
gửi chứng từ, ngược lại nó phải gánh chịu.

42
Ví dụ: TDT yêu cầu chứng từ được gửi làm 2 lần cách nhau 3 - 4 ngày bằng DHL cho NH phát
hành. Nhưng NH chiết khấu chỉ gửi một lần và bị mất. Trường hợp này NH phát hành có cơ sở
để từ chối thanh toán vì chứng từ bị mất do NH chiết khấu không thực hiện đúng điều kiện gởi
chứng từ. Nếu bộ chứng từ được gởi 2 lần (lần đầu 2/3 hoặc 3/4 của từng loại, lần sau còn lại) thì
không bao giờ cả 2 lần đều bị mất. NH phát hành sẽ nhận được chứng từ tuy bị thiếu. Cho nên
một số TDT vẫn yêu cầu chứng từ được gửi làm 2 lần là nhằm mục đích như vậy
2. Ngân hàng đối với việc dịch thuật, giải nghĩa
NH có thể dịch, giải thích các điều khoản, điều kiện, thành ngữ... của TDT theo hoặc không theo
yêu cầu của khách hàng. Nhưng không ai buộc NH phải làm như vậy nếu như ngân hàng không
muốn làm hoặc không có khả năng làm. NH làm không vì lợi nhuận mà vì sự giúp đỡ đối với
khách hàng. Do vậy, họ hoàn toàn không ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ về những sai sót nếu
nó mắc phải. Nhận được điện bị nhiễu loạn, cắt xén, NH thông báo lưu ý với người hưởng và
thông báo đúng như nó nhận được. NH thông báo có thể yêu cầu NH phát hành TDT chuyển lại,
xác thực những lỗi của bức điện nhưng không có nghĩa vụ phải làm như vậy. Đó là việc của
người hưởng yêu cầu người mở tiếp xúc với NH phát hành để phát lại bức điện. NH phát hành
càng không có lỗi vì nó phát telex tốt và nó sẽ phát lại theo yêu cầu và hoàn toàn không chịu
trách nhiệm về sự chậm trễ do nhiễu loạn điện tín như trên
ĐIỀU 17 : TRƯỜNG HỢP BẤT KHẢ KHÁNG
NH không chịu trách nhiệm về những hậu quả phát sinh do việc gián đoạn nghiệp vụ vì thiên tai,
rối loạn, dân biến, nổi dậy, chiến tranh hoặc bất cứ nguyên nhân nào khác ngoài khả năng kiểm
soát của ngân hàng, hoặc do bất cứ các cuộc đình công hay bế xưởng. Trừ khi được phép rõ
ràng, vào lúc bắt đầu hoạt động kinh doanh trở lại, NH sẽ không thanh toán, không cam kết trả
tiền sau, chấp nhận hối phiếu hoặc chiết khấu theo Tín dụng thư mà đã hết hiệu lực trong thời kỳ
hoạt động của NH bị gián đoạn như trên.
Đây là Điều khoản cơ bản vẫn giữ nguyên Điều 19 của Bản đlều lệ 400, nhằm khẳng định ngân
hàng được miễn trách về những hậu quả phát sinh do nguyên nhân bất khả kháng. Nó phù hợp
với thực tiền thông thường đối với những thoả thuận có tính chất quốc tế mà TDT là 1 thỏa
thuận.
Một số bản Quy tắc có tính chất quốc tế do Phòng Thương mại ấn hành đều có nói đến trường
hợp bất khả kháng. Trong các hợp đồng thương mại giữa người mua và người bán/ người cung
cấp đều có tính đến điều khoản bất khả kháng. Đối với Điều lệ và Thực hành Thống nhất Tín
dụng Chứng từ có riêng Điều khoản, nói rõ những trường hợp nào được coi là bất khả kháng.
Đối với các nhà băng, Nếu phải ngưng hoạt động do một trong những sự việc được nêu ra trong
điều khoản này đều được miễn trách nhiệm đối với chứng từ của TDT mà ngày xuất trình hoặc
ngày hết hiệu lực rơi đúng vào ngày ngân hàng ngưng hoạt động, bất kể chứng từ đó sau khi
ngân hàng làm việc trở lại, có được xuất trình hay không.
Tuy nhiên, câu thứ 2 của Điều khoản này cũng cần được chú ý. Rủi ro do những bất khả kháng
thuộc về ai thì bên đó phải chịu tổn thất. NH được chỉ định chỉ chiết khấu chứng từ hợp lệ xuất
trình theo TDT mà ngày hết hiệu lực đúng vào thời kỳ hoạt động của ngân hàng bị gián đoạn do
nguyên nhân bất khả kháng, nếu được ngân hàng phát hành chấp thuận. Cũng như vậy, NH phát
hành chỉ cho phép NH được chỉ định trả tiền cho người hưởng khi người mở đồng ý.
Nhưng nếu chứng từ đã được xuất trình tại NH xác nhận, mà do nguyên nhân trên (nguyên nhân
được nêu trong Điều 17 này) NH này chưa kịp thanh toán cho người hưởng thì sau khi làm việc
trở lại, NH xác nhận vẫn ràng buộc nghĩa vụ của mình đối với chứng từ đã xuất trình hợp lệ.
Theo cá chuyên gia NH của ICC, trường hợp ngày hết hiệu lực đúng vào ngày NH được chỉ
43
định, hoặc NH xác nhận ngưng hoạt động do nguyên nhân của Điều 17, người hưởng nên tìm
mọi cách xuất trình chứng từ hợp lệ trực tiếp cho NH phát hành ("in a case in which the
confirming bank is closed for Article 19 reason (UCP 400), the beneficiary should endeavor to
make presentation direct to the issuing bank - ICC. Doc. Pub. No. 459) NH phát hành sẽ không
có quyền từ chối chứng từ mặc dù chứng từ không được xuất trình như quy định của TDT.
ĐIỀU 18 : TỪ BỎ TRÁCH NHIỆM VỀ HÀNH ĐỘNG CỦA BÊN ĐƯỢC CHỈ THỊ
A. Khi sử dụng các dịch vụ của một hay nhiều NH khác để thực hiện chỉ thị của người mở TDT,
Ngân hàng đều làm việc đó với phí tổn và rủi ro do người mở chịu.
B. NH không chịu trách nhiệm nếu những chỉ thị do họ truyền đạt không được thực hiện, ngay
cả khi bản thân họ chủ động lựa chọn ngân hàng đó.
C. i. Bên chỉ thị cho phía bên kia thực hiện các dịch vụ phải có nghĩa vụ thanh toán mọi phí tổn,
bao gồm hoa hồng, chi phí, tổn thất phát sinh mà phía được chỉ thị gánh chịu do việc thực hiện
các chỉ thị đó.
ii. Khi TDT quy định các chi phí đó do phía khác trả chứ không phải là bên chỉ thị, mà các chi
phí đó không thể thu được, thì cuối cùng bên ra chỉ thị vẫn có bổn phận thanh toán các chi phi
đó.
D. Người mở TDT bị ràng buộc và chiu trách nhiệm bồi thường cho các ngân hàng về những
hậu quả có thể xảy ra do mọi nghĩa vụ và trách nhiệm được áp đặt bởi luật pháp và tập quán
nước ngoài.
Điều 18 của Bản điều lệ này được điều chỉnh, sửa đổi từ Điều khoản 20 của Bản điều lệ 400 bổ
sung thêm một phần nói về trách nhiệm của phía chỉ thị đối với những phí tổn liên quan đến việc
thực hiện chỉ thị đó.
1. Người mở TDT phải trả các khoản chỉ phí phát sinh
Giao dịch TDT bắt đầu từ yêu cầu của người mở và kết thúc ở người hưởng. Ngân hàng phát
hành chỉ thị ngân hàng đại lý của mình (ngân hàng thông báo, ngân hàng xác nhận) thực hiện các
dịch vụ của TDT hoàn toàn theo lệnh và vì mục đích của người mở. Các ngân hàng liên quan đều
thu phí dịch vụ ngân hàng (hoa hồng) từ phía chỉ thị. Ngân hàng thông báo sẽ thông báo TDT
cho người hưởng, ngân hàng xác nhận sẽ xác nhận TDT và thu phí này từ ngân hàng phát hành
nếu TDT không nói gì khác. Ngân hàng phát hành sẽ trả dịch vụ phí cho các ngân hàng và thu lại
từ tài khoản của người mở. Mọi rủi ro do các nguyên nhân nói ở Điều 16, 17 và 18 nếu có đều do
người mở gánh chịu.
Đây là Thông lệ đã có từ khi ra đời Điều lệ và thực hành thống nhất TDCT và nhận được sự tán
đồng của tất cả các ngân hàng. Các nhà xuất nhập khẩu, các công ty dịch vụ phải nhận thức được
rằng ngân hàng chỉ làm dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng. Do vậy, họ phải thu phí và hoàn
toàn không chịu tổn thất do những nguyên nhân đã được Bản điều lệ nêu ra.
Nếu chứng từ giả mạo được xuất trình theo TDT, ngân hàng được chỉ định nếu không phát hiện
ra mặc dù đã "cẩn thận một cách hợp lý" trong việc kiểm tra, sẽ chiết khấu và yêu cầu ngân hàng
phát hành hoàn trả. Số tiền thanh toán chứng từ trên sẽ được ghi nợ tài khoản của người mở. Như
vậy, rủi ro do bị lừa đảo cuối cùng người mở gánh chịu, cả chi phí ngân hàng lẫn tiền hàng
hóa/dịch vụ, vì người mở chứ không phải là ngân hàng đã chọn nhầm đối tác để kinh doanh.
2. Quyền lựa chọn NH giao dịch
Đối với phần b của điều khoản này, người mở TDT cảm thấy bị đối xử không công bằng. Tại sao
ngân hàng phát hành được miễn trách khi ngân hàng của họ (ngân hàng thông báo) không thực
hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để hậu quả người mở gánh chịu?

44
Mỗi một ngân hàng đều có nghĩa vụ và trách nhiệm như nhau và đã được Luật quy định và
Thông lệ quốc tế chấp nhận. Ngân hàng nào phạm luật thì ngân hàng đó sẽ bị phạt. Nếu ngân
hàng thông báo do bất cẩn trong việc thông báo TDT gây hậu quả xấu đối với người hưởng sẽ bị
kiện trước toà. Người hưởng không thể khiếu nại người mở TDT vì người mở đã thực hiện đúng
điều kiện hợp đồng. Người mở cũng không vì khiếu nại của người hưởng mà kiện ngân hàng
phát hành vì ngân hàng này chứng minh là không có lỗi. Nhưng nếu ngân hàng phát hành có lỗi
thì tùy theo mức độ của hậu quả và quan hệ của 2 bên, người mở có quyền kiện ngân hàng ra tòa.
Đến đây, phán quyết của tòa án sẽ ràng buộc với tất cả các bên liên quan.
Ngân hàng phát hành cũng miễn trách "ngay cả khi bản thân họ chủ động lựa chọn NH đó". Khi
mở TDT, người mở có quyền chọn ngân hàng thông báo (căn cứ vào yêu cầu của người
hưởng).Tuy nhiên, ngân hàng phát hành cũng có quyền chọn ngân hàng thông báo khác nếu nó
không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu trên. Trên thế giới có hàng vạn ngân hàng thương mại
nhưng mạng lưới quan hệ đại lý của ngân hàng phát hành không thể bao phủ toàn cầu. Nếu ngân
hàng được người mở chỉ định không nằm trong danh mục ngân hàng đại lý hoặc ngân hàng phát
hành không thể thiết lập khoá điện để mở TDT tới ngân hàng thông báo, thì ngân hàng phát hành
sẽ tự chọn ngân hàng khác với mục đích là thực hiện yêu cầu của người mở. Càng rất khó đáp
ứng được yêu cầu của người mở nếu TDT được xác nhận bởi ngân hàng do người hưởng đề nghị.
Xác nhận TDT là sự ràng buộc trách nhiệm thanh toán của ngân hàng thứ 3, hoàn toàn khác với
thông báo TDT mà bất kỳ ngân hàng đại lý nào khác cũng có thể sẵn sàng.
Qua sự phân tích trên, việc ngân hàng phát hành tự chọn các ngân hàng khác để thực thi các chỉ
thị của người mở TDT hoàn toàn không điều chỉnh nghĩa vụ và trách nhiệm của người mở được
nói ở phần B của Điều khoản này. Trong trả lời thắc mắc của 1 ngân hàng về vấn đề tương tự nêu
trên, ICC đã lu ý rằng "đây là vấn đề đã được để cập trong Bản điều lệ ít nhất là một phần tư thế
kỷ" (".. But it should be remembered that this is something which has been in the UCP for at
least a quarter of a century" - ICC. Doc. Pub. No. 459, page 63).
3. Các bên chỉ thị và nghĩa vụ thanh toán chi phí
Phần C được bổ sung nhằm giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong thực tế giữa các ngân
hàng và giữa ngân hàng phát hành với người mở liên quan đến chi phí và hoa hồng ngân hàng
phát sinh trong giao dịch TDCT.
Phía chỉ thị (instructing party) và phía được chỉ thị (instructed party) được dùng nhằm nói lên
phạm trù rộng lớn về người ủy nhiệm (principal) và các đại lý ra lệnh và nhận chỉ thị trong dịch
vụ ngân hàng.
Dịch vụ phí là một trong những nguồn chính tạo nên lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại.
Do vậy, biểu phí (Terms and Conditions) của ngân hàng quy định rất chi tiết các khoản mà ngân
hàng sẽ thu của khách hàng khi làm dịch vụ.
Chi phí đuợc nêu ra trong điểm (i) trên bao gồm: phí ngân hàng, phí trong thông tin liên lạc (phí
swift/telex, fax, bưu phí DHL..., lãi suất chiết khấu của ngân hàng và tất cả các chi phí khác nếu
có) đều do người ra lệnh trả. Người chỉ thị có thể là người mở TDT, ngân hàng phát hành, ngân
hàng thông báo thứ nhất... Người thực hiện lệnh đó cũng có thể là ngân hàng phát hành, ngân
hàng thông báo, ngân hàng xác nhận, ngân hàng chiết khấu, ngân hàng chuyển chứng từ..., tùy
theo từng trường hợp cụ thể.
Thí dụ: TDT được hàng A phát hành theo lệnh của công ty X cho công ty Y qua ngân hàng B
(ngân hàng đại lý của ngân hàng A) và thông báo qua ngân hàng C (ngân hàng của công ty Y) và
được ngân hàng B xác nhận. Nếu TDT không quy định khác thì phí ngân hàng và các chi phí
phát sinh của TDT sẽ được thu như sau:

45
- Ngân hàng C sẽ yêu cầu ngân hàng B thu từ ngân hàng A phí thông báo (lần 2).
- Ngân hàng B sẽ thu của ngân hàng A: phí thông báo (lần 1), phí xác nhận và phí của ngân hàng
C (lần 2) và tất cả chỉ phí khác: điện phí, bưu phí...
- Ngân hàng A (ngân hàng phát hành) sẽ thu của người mở: phí mở TDT, điện phí (telex/swift.
fax...) của mình và các khoản chi phí của ngân hàng B, C.
Ngân hàng B và ngân hàng C (ngân hàng được chỉ thị) đòi lại các khoản chi phí từ ngân hàng A
(phía chỉ thị). Cuối cùng là người mở TDT - phía ủy nhiệm (principal) và là phía khởi điểm của
mọi chỉ thị, phải thanh toán hết tất cả các chi phí phát sinh từ giao dịch TDT trên.
Nếu TDT không ghi điều khoản về phí ngân hàng và các chi phí phát sinh thì các ngân hàng,
người mở và người hưởng phải hiểu là phí này do người mở trả. Do vậy, người mua và người
bán phải đề cập điều khoản phí ngân hàng trong giao dịch TDT vào hợp đồng thương mại.
Ngược lại, người mua khi mở TDT có quyền nói rõ chỉ phí phát sinh ngoài ngân hàng phát hành
do người hưởng chịu, đúng như tập quán Quốc tế đang phổ biến và được công nhận như là sự
công bằng cho cả 2 phía.
Nhưng nếu điều khoản phí như vậy bị người hưởng từ chối thì giải quyết thế nào ?
Đây là vấn đề được nhiều Phòng Thương mại quốc gia để cập trong những thắc mắc, yêu cầu
ICC giải đáp. Điểm (ii) của phần c đã được nêu lên nhằm quy chế hóa nghĩa vụ của người chỉ
thị (người uỷ nhiệm) nhằm giảm bớt những trục trặc về phí ngân hàng trong giao dịch TDCT.
Trở lại thí dụ trên, nếu TDT ghi: tất cả phí phát sinh ngoài ngân hàng phát hành do phía người
hưởng trả, ngân hàng sẽ yêu cầu ngân hàng C thu phí thông báo (lần 1) và phí xác nhận từ công
ty Y. Nếu ngân hàng B và C sau khi đã hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình đối với chỉ thị của
ngân hàng A mà vẫn không được người hưởng trả vì bất cứ lý do gi, thì họ có quyền đòi ngân
hàng A (ngân hàng phát hành) trả các chi phí đó. Ngay cả trường hợp thanh toán, chiết khấu,
chấp nhận chứng từ, nếu ngân hàng thanh toán, ngân hàng chiết khấu không thể trừ tiền phí vào
trị giá hối phiếu/ hóa đơn vì nhiều lý do (quy chế của người hưởng, hối phiếu không được thanh
toán vào ngày đáo hạn do các bên liên quan đồng ý bù trừ hợp đồng thương mại nào đó...), thì
ngân hàng phát hành phải thanh toán lại cho các ngân hàng trên. Dĩ nhiên, ngân hàng A sẽ thu lại
những phí đã trả cho các ngân hàng B và C từ tài khoản người mở TDT.
Trước đây, tại Việt nam, 1 chi nhánh ngân hàng nước ngoài thường báo TDT cho công ty xuất
nhập khẩu qua 1 ngân hàng nội địa, yêu cầu ngân hàng này thu hộ (collection) phí thông báo (lần
1). Đơn vị xuất khẩu chỉ đồng ý trả 1 lần phí thông báo vì lý do người mua đã mở TDT qua 2
ngân hàng tại Việt nam, không đúng với quy định của hợp đồng thương mại. Ngân hàng Việt
nam đương nhiên phải thu cho mình trước. Ngân hàng nước ngoài khiếu nại ngân hàng Việt nam
và yêu cầu ngân hàng này trả phí thông báo.
Trong Bản Điều lệ 400 không có chi tiết này, nên giữa 2 ngân hàng đã thương lượng để giải
quyết vấn đề trên cơ sở quan hệ các ngân hàng đại lý. Tuy nhiên, xét về góc độ pháp lý cũng như
logic của sự việc, ngân hàng nước ngoài không có quyền khiếu nại ngân hàng Việt nam vì 2 lý do
:
- Phí thông báo (lần 1) được thu trên cơ sở nhờ thu từ người hưởng. Kết quả như thế nào là tùy
thuộc vào thiện chí của khách hàng. Hơn nữa, TDT không quy định chỉ thông báo TDT khi
người hưởng đã trả đủ phí thông báo (lần 1)". Do vậy, ngân hàng Việt Nam không được quyền
giữ TDT cho đến khi phí trên được trả, mà phải thông báo ngay đồng thời yêu cầu trả phí. Ngân
hàng Việt nam làm đúng theo yêu cầu của phía chỉ thị, hoàn toàn không có trách nhiệm gì về phí
thông báo (lần 1) nếu khách hàng từ chối.

46
- Người mà Ngân hàng nước ngoài khiếu nại đòi thanh toán phí thông báo là ngân hàng phát
hành TDT (phía chỉ thị) chứ không phải là ngân hàng Việt nam. Thậm chí, ngân hàng nước ngoài
phải có trách nhiệm thu lại phí thông báo (lần 2) từ ngân hàng phát hành cho ngân hàng Việt nam
nếu người hưởng từ chối. Một nhận thức thông thường (common sense) mà ngân hàng nước
ngoài phải hiểu là họ làm dịch vụ theo yêu cầu của ngân hàng phát hành thì ngân hàng này phải
trả phí chứ không thể đòi từ ngân hàng mình yêu cầu làm dịch vụ. Nghĩa vụ phải trả phí đó của
phía chỉ thị là thứ cấp, song họ bị ràng buộc trách nhiệm trong suốt quá trình chi phí đó chưa
được trả mặc dù TDT yêu cầu người hưởng (hoặc bất cứ phía thứ 3 nào) phải trả.
Qua sự việc trên, ta càng cần hiểu vấn đề dễ gây nhầm lẫn: ngân hàng phát hành TDT có quyền
chọn ngân hàng đại lý thuận tiện để phát hành TDT và yêu cầu ngân hàng này thông báo qua
ngân hàng của người hưởng vì ngân hàng thứ 2 không có quan hệ giao dịch và tài liệu kiểm soát
(khóa điện, mẫu chữ ký...).Tuy nhiên, những chi phí phát sinh do khó khăn về mạng lưới đại lý
của ngân hàng phát hành không thể chuyển sang người hưởng. Phí thông báo lần 1 nói trên bị từ
chối là hợp lý.
Phí xác nhận hoàn toàn khác với phí thông báo, chiết khấu. thanh toán... về mặt nghĩa vụ trả nợ.
Phí này tỷ lệ thuận với số tiền và thời hạn hlệu lực của TDT. Đây là phí trách nhiệm đúng bằng
phí phát hành TDT. Do vậy khi được yêu cầu xác nhận, ngân hàng thông báo chỉ thực hiện chỉ
thị nếu phí này đã được trả đầy đủ, tuy về lý, ngân hàng xác nhận được quyền từ đòi phí từ ngân
hàng yêu cầu xác nhận nếu TDT quy định người hưởng thanh toán nhưng bị từ chối.
4. Sự ràng buộc về trách nhiệm đối với pháp luật và tập quán nước ngoài
Phần D của điều khoản này giữ nguyên phần C của Điều 20 Bản Điều lệ 400.
Khi thực hiện những thương vụ buôn bán quốc tế, cả hai bên mua và bán/dịch vụ đều phải hiểu
luật lệ, tập quán, quy định, chế độ về xuất nhập khẩu, hối đoái, hải quan... của phía đối tác, tránh
rủi ro có thể xảy ra. Ngược lại, họ phải chịu hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp phát sinh từ những
giao dịch trên.
Ngân hàng vì thực hiện chỉ thị của người mở mà bị thiệt hại về danh dự, uy tín hoặc tổn thất vật
chất do luật pháp và thông lệ nước ngoài thì người mở phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ đền bù.
Luật pháp và tập quán nước ngoài (Foreign Law & Usage) chứ không phải là luật lệ và tập quán
của nước sở tại, (nơi ngân hàng liên quan đang hoạt động), mà họ phải nắm và tuân thủ. Nhưng
các ngân hàng được bảo vệ (bằng chính điều khoản này) khi dính líu vào vấn đề pháp luật của
nước khác trong giao dịch TDT theo yêu cầu của khách hàng. Bởi vì chính người yêu cầu mở
TDT có lỗi, chứ không phải các ngân hàng liên quan, trong việc nghiên cứu, tiếp cận thị trường,
họ phải chịu mọi tổn thất về tinh thần và vật chất.
ĐIỀU 19: THỎA THUẬN VỀ HOÀN TRẢ LIÊN HÀNG
A. Nếu ngân hàng phát hành cho phép ngân hàng thanh toán, ngân hàng chấp nhận hoặc ngân
hàng chiết khấu ("ngân hàng đòi tiền") đòi tiền từ phía thứ 3 ("ngân hàng hoàn trả) thì ngân
hàng phát hành phải cung cấp cho ngân hàng hoàn trả kịp thời những chỉ thị thích hợp hoặc ủy
quyền cho ngân hàng đó thực thi các đòi tiền như vậy.
B. NH phát hành không được yêu cầu ngân hàng đòi tiền xác nhận cho ngân hàng hoàn trả về
sự phù hợp của chứng từ với các điều khoản và điều kiện của TDT.
C. NH phát hành không được miễn trừ bất cứ nghĩa vụ nào của mình về việc bồi hoàn nếu và khi
NH đòi tiền không nhận được số tiền thanh toán từ ngân hàng hoàn trả.
D. NH phát hành sẽ phải chịu trách nhiệm với ngân hàng đòi tiền mọi thiệt hại về tiền lãi nếu số
tiền thanh toán không được ngân hàng hoàn trả thực hiện ngay khi nhận được đòi tiền đầu tiên,
hoặc như quy định khác trong TDT, hoặc như đã thỏa thuận, tùy trường hợp.

47
E. Các chi phí của ngân hàng hoàn trả sẽ được tính cho ngân hàng phát hành. Tuy nhiên trong
những trường hợp mà các chi phí được tính cho môt bên khác, thì trách nhiệm của ngân hàng
phát hành là ghi rõ điều đó trong TDT và trong ủy quyền hoàn trả Trong trường hợp mà các chi
phí của ngân hàng hoàn trả được tính cho một bên khác chúng sẽ được thu từ ngân hàng đòi
tiền khi việc hoàn trả tiền được thực hiện. Nếu TDT không phát sinh thanh toán, các chi phí của
ngân hàng hoàn trả vẫn thuộc nghĩa vụ của ngân hàng phát hành.
Điều khoản này được viết lại từ Điều 21 Bản điều lệ 400, rõ ràng, cụ thể hơn, đặc biệt là phần lãi
phát sinh do chậm trễ trong việc hoàn trả tiền.
Trước khi đi vào phân tích vấn đề, ta hãy nói qua từ hoàn trả (reimbursement) được đề cập phổ
biến trong Bản Điều lệ này.
Reimbursement là sự hoàn trả 1 số tiền nào đó của 1 ngân hàng, với trách nhiệm của chính mình,
hoặc theo ủy quyền của ngân hàng khác, tổ chức tài chính khác, cho ngân hàng đòi tiền với mọi
rủi ro thuộc về ngân hàng ủy nhiệm.
Như vậy, reimbursement trong điều khoản này là các giao dịch hoàn trả tiền giữa các ngân hàng
theo TDT. Đây là cách thanh toán đã có từ lâu trên thế giới mà xuất phát từ Mỹ. Tháng 6/81, Hội
đồng Quốc gia về Những Vấn đề Ngân hàng Quốc tế (The Nationai Association of Councils on
informational Banking) đã thông qua Quy chế "Quy tắc và Thực hành thông nhất về Hoàn trả
tiền giữa các Ngân hàng theo Tín dụng chứng từ tại Mỹ (U.S Uniform Practices & Procedures
Govemmg Bank to bank Reimbursements under Letters of Credit). Chính Hội đồng Quốc gia về
TDT của Mỹ đã yêu cầu WG sửa đổi điều khoản này, nhằm phù hợp với luật Mỹ. Hơn nữa, qua
10 năm áp dụng Bản điều lệ 400, những vấn đề nảy sinh từ việc hoàn trả giữa các ngân hàng, phí
và lãi phát sinh... cũng đã được ICC tiếp nhận từ các phòng thương mại quốc gia. Đó là những lý
do mà WG quyết định sửa đổi điều khoản hoàn trả giữa các ngân hàng dựa trên quy chế của Mỹ.
Năm 1995, ICC đã phát hành "Quy tắc thống nhất hoàn trả tiền hàng theo tín dụng chứng từ"
( The Uniform Rules for Bank-to-Bank Reimbursement under Doc Credit ) số XB 525 - 1995
(URR 525) có hiệu lực từ 01/07/96 nhằm chi tiết hóa và cụ thể hóa nghiệp vụ hoàn trả liên hàng
tại Điều 19 của Bản Điều lệ. Bản Quy tắc gồm 17 Điều, quy định rõ ràng nghĩa vụ trách nhiệm,
các thủ tục nghiệp vụ của các NH liên quan trong giao dịch hoàn trả theo TDCT. Nếu không có
bản quy tắc này, giao dịch TDCT và việc hoàn trả tiền giữ các NH theo TDCT sẽ khó khăn hơn,
chi phí cao hơn và mất nhiều thời gian hơn. Nếu những Quy tắc này cải thiện được trình tự hiện
nay, tạo ra một cơ sở có tổ chức cho việc xử lý và giúp người sử dụng hiểu được, có nghĩa là Bản
Quy tắc đó đã phục vụ tốt cho toàn bộ cộng đồng" (Lời tựa của Dan Tylor, Chủ tịch ICC ). Để
hiểu thêm chi tiết, hãy tìm đọc cuốn "Tìm hiểu về quy tắc thống nhất hoàn trả liên hàng theo
TDCT & Quy tắc Thống nhất về Nghiệp vụ Nhờ thu" - Nhà XB Thống kê 1996
1. Những thủ tục hoàn trả tiền giữa các NH
Trên thế giới, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng tại Mỹ áp dụng điều khoản về
hoàn trả giữa các ngân hàng theo TDT theo 2 trường hợp sau :
- Ngân hàng mở TDT cho phép ngân hàng chiết khấu đòi tiền tại ngân hàng thứ 3 - là ngân hàng
đại lý tiền gửi (Depository Bank) của mình tại nước khác. Nếu đồng tiền thanh toán là US Dollar
thì việc hoàn trả phần lớn từ ngân hàng tại Mỹ, là DM thì từ ngân hàng tại Đức, là FFR thì từ
ngân hàng tại Pháp. Đây là trường hợp phổ biến nhất của các ngân hàng thương mại trên thế giới.
Ngân hàng phát hành TDT đạt được một thoả tuận tín dụng (Credit line) với 1 ngân hàng Mỹ
bằng USD (hoặc với bất cứ NHTM nào và bằng ngoại tệ nào) với mục đích sử dụng thanh toán
hàng nhập khẩu vào nước mình, hoặc bán sang Mỹ. Với thỏa thuận này, mọi khoản rút vốn được

48
ngân hàng cấp vốn thực hiện trên cơ sở đòi tiền của ngân hàng chiết khấu theo TDT do ngân
hàng vay vốn phát hành trong giới hạn số tiền của thỏa thuận tín dụng.
Ngân hàng chiết khấu được yêu cầu gửi toàn bộ chứng từ giao hàng (shipping documents) cho
ngân hàng phát hành và gởi hối phiếu kèm chỉ thị chuyển tiền của mình (hoặc điện đòi tiền) cho
ngân hàng hoàn trả tiền. Nhận được đòi tiền trên, ngân hàng được ủy quyền sẽ trả tiền theo sự ủy
nhiệm của ngân hàng phát hành, đồng thời ghi nợ tài khoản tiền gởi hoặc tài khoản tiền vay (tùy
theo từng trường hợp) của ngân hàng phát hành. Mọi thủ tục về Uỷ quyền, đòi tiền, chuyển trả,
thông báo, phí NH... đều phải theo đúng quy định của URR 525.
Theo phần B của Điều khoản này, ngân hàng phát hành không yêu cầu ngân hàng đòi tiền xác
nhận với ngân hàng hoàn trả về tính hợp lệ của chứng từ mà chỉ cần thông báo với ngân hàng
phát hành là chứng từ hoàn toàn phù hợp, đã đòi tiền tại ngân hàng thứ 3 theo quy định của
TDT. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng yêu cầu lệnh đòi tiền phải xác định rõ với NH hoàn trả là
chứng từ hoàn toàn phù hợp với điều kiện của TDT. Nếu được yêu cầu như vậy, dù không đúng
tập quán quốc tế, ngân hàng chiết khấu cũng phải thực hiện tốt yêu cầu này, tránh những chậm
trễ có thể xảy ra do ngân hàng hoàn trả từ chối chuyển tiền.
2. Nghĩa vụ của NH phát hành đối với việc hoàn trả từ NH thứ 3
Phần C và D của điều khoản này khẳng định lại nghĩa vụ và trách nhiệm của ngân hàng phát
hành đối với việc hoàn trả tiền cho ngân hàng chiết khấu. Trường hợp ngân hàng hoàn trả, vì lý
do nào đó, không chuyển tiền cho ngân hàng đòi tiền thì nghĩa vụ này vẫn thuộc về ngân hàng
phát hành. Trong thực tế, có trường hợp ngân hàng phát hành cho phép đòi tiền tại ngân hàng
tiền gởi hoặc ngân hàng cấp tín dụng, nhưng lại không đủ số dư hoặc đã rút hết vốn vay. Có
trường hợp ngân hàng hoàn trả không nhận được ủy quyền của ngân hàng phát hành. Tất cả
những trường hợp trục trặc này (có thể là do nhầm lẫn, sơ suất), ngân hàng phát hành phải có
nghĩa vụ trả tiền, kể cả lãi suất chậm trả, điện phí liên quan cho ngân hàng đòi tiền, tính từ ngày
đầu tiên của việc đòi tiền đến ngày số tiền được trả. Luật của Mỹ rất chặt chẽ và được tuân thủ
nghiêm ngặt. Trong các giao dịch hoàn trả tiền giữa các ngân hàng trên đây, Nếu ngân hàng phát
hành có lỗi, họ phải chịu lãi và phí phát sinh.
Ai sẽ trả phí hoàn trả tiền hàng?
Như đã nói ở Điều 18, theo thông lệ tất cả chi phí phát sinh trong giao dịch TDT đều do phía
người mở trả. Nhưng người mua và người bán có thể thỏa thuận riêng. Hiện nay, phần lớn các
TDT cho phép đòi tiền tại ngân hàng thứ 3 đều quy định phí hoàn trả tiền được khấu trừ từ tiền
thanh toán, kể cả điện phí nếu có. Trường hợp này, ngân hàng phát hành phải chỉ thị rõ trong ủy
quyền của mình cho ngân hàng hoàn trả và quy định trong TDT: "all banking commissions and
charges including reimbursement fee outside... are for account of beneficiary".
Ngược lại ngân hàng hoàn trả sẽ thu phí này từ ngân hàng ủy quyền (có nghĩa là thu từ Người
mở TDT) và đương nhiên ngân hàng đòi tiền sẽ nhận trọn vẹn trị giá chứng từ. Điều này cũng
tương tự như TDT không đề cập đến điều khoản phí ngân hàng và các chi phí khác, ngân hàng
phát hành và các ngân hàng liên quan sẽ thu từ người mở TDT. URR525 đã quy định rõ phí hoàn
trả liên hàng tại Điều 16.
Ngân hàng chiết khấu chỉ được phép đòi tiền ngân hàng hoàn trả khi chứng từ hợp lệ. Ngược lại,
ngân hàng chiết khấu gửi thẳng chứng từ hối phiếu trên cơ sở chấp thuận (on approval) đến ngân
hàng phát hành, ghi rõ chứng từ bất hợp lệ, không thực hiện đòi tiền theo quy định của TDT. Từ
đấy, việc thanh toán như thế nào, từ ngân hàng nào hoặc bằng cách nào do ngân hàng phát hành
quyết định sau khi được người mở TDT chấp thuận nếu nó không quyết định đơn phương từ
chối.

49
TDT do các ngân hàng thương mại Việt nam mở đều không cho phép đòi tiền tại ngân hàng thứ 3
(ngân hàng tiền gởi) như Điều 19 này. Đây là đặc thù của Việt nam xuất phát từ những nguyên
nhân khách quan:
- Các NHTMVN duy trì số dư tiền gửi thanh toán tại nước ngoài không lớn. Để tránh tình trạng
rút quá số dư (overdraft) hoặc việc đòi tiền không được thực hiện, ngân hàng chỉ quyết định
dùng tiền tại đâu và như thế nào khi nhận được đòi tiền của nước ngoài theo TDT nhập khẩu.
Hơn nữa, cho phép ngân hàng chiết khấu đòi tiền tại ngân hàng tiền gửi của mình, ta phải có
nghiệp vụ điều hành vốn (funding) hoàn hảo vừa đảm bảo số dư trên tài khoản, không gây phiền
hà cho ngân hàng tiền gửi và ngân hàng đòi tiền. Một số NHTMVN vẫn chưa đủ bề dày kinh
nghiệm để đảm bảo nghiệp vụ này.
Lệnh cấm vận kinh tế (trong đó có cấm vận tài chính ngân hàng) của Mỹ đối với Việt nam chỉ
được bãi bỏ từ 3/2/1994. Trước đây, việc thanh toán USD với Việt Nam vô cùng khó khăn và
không ít tiền USD ra vào Việt nam bị giam giữ tại Cục Ngân khố Mỹ. Do vậy, việc mở TDT cho
phép ngân hàng chiết khấu đòi tiền tại ngân hàng tiền gởi USD của Vietcombank, Eximbank. Sài
Gòn Bank,.. là hoàn toàn không thể được. Thời kỳ "hậu cấm vận" mới chưa đầy 2 năm, thật quá
sớm để các ngân hàng Việt nam hòa nhập hoàn toàn vào tập quán quốc tế (đặc biệt là của Mỹ) về
phương thức hoàn trả tiền theo TDT. Cũng quá sớm để các ngân hàng ta có được những khoản
tín dụng từ các ngân hàng thương mại Mỹ để hỗ trợ nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng hóa
của Mỹ.
Tuy nhiên, về lâu dài, các ngân hàng Việt nam sẽ phải áp dụng hoàn thiện Điều 19 của Bản Điều
lệ này vì đây là thông lệ hết sức phổ biến và được hầu hết các ngân hàng trên thế giới thực hiện

<D>CHỨNG TỪ
ĐIỀU 20: NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG RÕ NGHĨA VỀ NGƯỜI LẬP CHỨNG TỪ
A. Không nên dùng các từ như "hạng nhất", "nổi tiếng"có đủ phẩm chất, "độc lập", "Chính
thức", "có thẩm quyền", "nội hạt" và những từ tương tự để miêu tả tư cách của người lập các
chứng từ xuất trình theo TDT. Nếu những thuật ngữ trên được đưa vào TDT, ngân hàng sẽ chấp
nhận các chứng từ đó như xuất trình, với điều kiện là chúng thể hiện trên bề mặt phù hợp với
các điều khoản và điều kiện của TDT và không phải là do người hưởng phát hành.
B. Trừ khi quy định khác trong TDT, ngân hàng cũng sẽ chấp nhận như là bản chính, những
chứng từ độc lập hoặc thể hiện là được lập:
i. bằng phương pháp sao chụp, tự động hoặc điện toán;
ii. bằng bản giấy than
với điều kiện là chúng được đánh dấu là bản gốc và khi cần thiết chứng từ phải được ký. Chứng
từ có thể được ký bằng tay, bằng chữ ký tạo bởi hệ thống máy FAX, bằng dấu chữ ký đục lỗ
(perforated signature), bằng con dấu, bằng ký hiệu hoặc bằng bất cứ phương pháp chứng thực
nào của máy móc hoặc điện tử.
C i Trừ khi có quy định khác trong TDT, ngân hàng sẽ chấp nhận là bản sao, chứng từ được
đánh dấu là bản sao hoặc không được đánh dấu là bản gốc - bản sao không cần được ký.
ii. TDT yêu cầu chứng từ được làm thành nhiều bản như "làm thành hai bản", gấp hai lần , "hai
bản" và những từ tương tự, sẽ được thỏa mãn bằng việc xuất trình một bản gốc và số lượng còn
lại là các bản sao, trừ khi bản thân chứng từ ghi khác.
D.Trừ khi có quy định khác, TDT yêu cầu chứng từ được xác thực, làm cho có hiệu lực, hợp
pháp hóa, được thị thực, được chứng nhận, hoặc yêu cầu tương tự, sẽ được thỏa mãn bằng bất

50
cứ chữ ký, dấu hiệu, con dấu hoặc nhãn hiệu nào trên chứng từ đó mà trên bề mặt của nó thoả
mãn với điều kiện nêu ra.
Chứng từ của TDT trừ TDT dự phòng, được gọi chung là chứng từ giao hàng (shipping
documents). Chúng bao gồm các loại chứng từ đã xác định người phát hành (hóa đơn, vận đơn,
bảo hiểm) được đề cập trong Điều khoản 21 và chứng từ chưa xác định người cấp phát (chứng
nhận xuất xứ, chứng nhận phẩm chất...). ICC yêu cầu không dùng từ chỉ phẩm chất, năng lực, tư
cách của người cấp phát, mà phải ghi rõ đích danh.
Thí dụ: không nên ghi:
Chứng nhận xuất xứ do đơn vị độc lập cấp
(Certificate of origin issued by an independent authority)
hay:
chứng nhận phẩm chất do công ty kiểm nghiệm Việt nam loại một cấp
(Certiticate of quality issued by first-class Vietnam inspection company)
mà phải yêu cầu:
- Certificate of origin issued by Chamber of Commerce & Industrial of Vietnam
- Certificate of quality issued by Saigon inspection Co.,Ltd.
Ngân hàng không thể xác nhận ai là "well-known"ai là "independent". Tiêu chuẩn nào để đánh
giá "first class" hay "qualified"? Những từ này chung chung, mơ hồ, không có cơ sở để bảo đảm
tính hợp lý của chứng từ. Trong những trường hợp TDT có những từ ngữ trên, người hưởng có
thể yêu cầu người phát hành chứng từ ghi thêm chữ "là đơn vị độc lập" (as the independent
authority) ngay sau tên của họ. Ngân hàng chấp nhận chứng từ như xuất trình, với bất cứ ai là
người phát hành, miễn là không phải bản thân người hưởng.
Quy định "các chứng từ đó không phải do Người hưởng lập" phải hiểu như thế nào để khỏi bị sai
nhầm lẫn. Người hưởng chỉ không được phép phát hành chứng từ mà TDT yêu cầu người lập là
"hạng một", "đủ phẩm chất", "Độc lập".... còn các chứng từ khác thì không bị cấm. Thí dụ: TDT
yêu cầu xuất trình Bản xác nhận đã gửi một bộ chứng từ copy trực tiếp cho người mở kèm Biên
lai bưu điện nhưng lại không ghi rõ do ai lập. Trường hợp này phải áp dụng Điều 21 của Bản
Điều lệ, chấp nhận chứng từ do bất cứ ai lập, kể cả người hưởng.
1. Chứng từ được lập bằng nhiều phương tiện
Taị phần B, WG vẫn giữ lại nguyên tắc: tận dụng lợi thế và đơn giản hóa thông tin liên lạc bằng
truyền thông điện tử trong hoạt động ngân hàng, tài chính và thương mại. Do vậy, đã chấp nhận
các chứng từ được lập bằng hệ thống vì tính, điện tử, sao chụp... thì cũng chấp nhận chữ ký bằng
các phương pháp đó. Phần bổ sung nói về "chữ ký"trong điều khoản này nhằm hoàn thiện thủ tục
pháp lý của chứng từ xuất trình theo TDT mà Bản điều lệ 400 chưa đề cập.
Tại một số nước Châu Á, người ta hay sử dụng chữ ký được khắc dấu (chop mark) đóng lên
chứng từ. Đây là kiểu xác thực chứng từ phát hành. Hoặc chữ ký trên bản fax sẽ được chấp nhận
nếu ta chấp nhận bản fax đó là chứng từ hợp lệ. Hoặc bất cứ các phương tiện điện tử nào tạo ra
chữ ký hoặc có giá trị xác thực (electronic method of authentication) như chữ ký, nếu TDT
không quy định khác.
2. Chữ ký được tạo bằng hệ thống máy Fax.
Có nhiều người lầm tưởng rằng chữ ký được tạo bằng hệ thống máy facsimile (signed
byfacsimile signature ) là chữ ký bằng tay nhưng nhận được qua phương tiện liên lạc bằng máy
fax.
Facsimile signature là chữ ký được tạo bởi hệ thống máy fax trên cơ sơ chữ ký mẫu đã được cài
lập vào bộ nhớ của máy vi tính. Từ "facslmile" phải được hiểu theo nghĩa rộng, đó là hệ thống

51
tạo lập bằng phương pháp in laser hoặc bằng vi tính, điện tử chứ không phải máy fax dùng trong
thông tin liên lạc.
Do vậy, Điểm (b) của điều khoản này không thể được hiểu là chứng từ với chữ ký nhận được từ
máy fax sẽ được coi là "origin". Trong cuốn "case Studies on Documentary Credit under
UCP500", số XB535, vấn đế "facsimile signature" được giải thích như sau: "Chữ ký bằng máy
fax" nghĩa là việc tạo lập lại của bản fax bằng máy in laser hoặc các phương pháp điện tử khác.
Nó không thể được giải thích là chữ ký đuợc chuyển qua hệ thống liên lạc bằng máy fax. Chữ ký
đó phải là chữ ký gốc được tạo bởi phương pháp của hệ thống máy fax, mà không phải là
photocopy" ( The words "Facsimile signature" mean the reproducing in facsimile as by a laser-
printer or other computerized or mechanical means of reproduction. They are not to be
interpreted to include a signature that is teletransmitted via facsimile, i.e by fax machine. lt must
be an original signature produced by a method of facsimile reproduction, not a photocopy) - ICC
Doc Pub.No.535. -
Ở Việt nam, phương pháp ký bằng hệ thống điện tử chưa được sử dụng nên thuật ngữ "Facsimile
signature" còn khá trừu tượng, do vậy gây ra những hiểu ngầm. Hy vọng sự giải thích của tài liệu
trên sẽ cho ta khái niệm hoàn chỉnh của "chữ ký qua fax"
3. Phân biệt bản chính và bản phụ
* Chứng từ gốc (origin): là bản được sản xuất bầng bất cứ phương tiện nào (bằng hệ thống vi
tính, bằng sao chụp, bằng máy chữ, bằng fax...) nhưng phải được đóng dấu "ORlGIN" Bản gốc
có cần được ký? "Khi cần" (where necessary) thì phải được ký ? ở đây phải hiểu là những chứng
từ cần được ký và những chứng từ không cần. Hóa đơn không cần ký (Điều 37), chứng từ Vận
tải và chứng từ Bảo hiểm phải được ký. Điều lưu ý là từ Reprographic (sao chụp) được hiểu là
chứng từ được lập bằng sao chụp (photocopy) hoặc tạo bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào,
nhưng phải được ký bằng tay, (manually signed), Nếu được đóng dấu (marked) là "origin" thì sẽ
được NH chấp nhận là bản gốc. Nếu chứng từ đã được ký nhưng chụp lại bằng photocopy thì
không thể là bản "gốc" dù có dấu "origin"
* Bản sao copy: cũng được tạo ra theo phương pháp của chứng từ gốc nhưng có đóng thêm dấu
"COPY" (hoặc in sẵn trên mặt mẫu chúng từ), hoặc không có dấu "ORlGIN".
Thông thường một bộ Vận đơn (VĐ) gồm nhiều bản, trong đó 3 bản gốc (first original, second
orignal, third orignal" và nhiều bản copy. Bản gốc ghi đầy đủ các điều khoản, điều kiện về
chuyên trở,trách nhiệm của các bên liên quan ở mặt sau. Bản copy để trống và không được ký.
Cũng có loại VĐ chỉ được đóng thêm dấu 'Origin" và "Copy" để phân biệt chứng từ gốc và bản
sao.
Một loại chứng từ gồm 2 bản trở lên nhưng TDT không nói rõ mấy bản gốc và mấy bản sao thì
chỉ cần 1 bản gốc (có dấu "original") còn lại là bán sao (không có dấu "Original / copy , hoặc có
dấu copy) là được ngân hàng chấp nhận. Việc cần thiết phải nói rõ thế nào là bản gốc, bản copy
và các chứng từ nhiều bản thì xử lý thế nào, xuất phát từ thực tế quan trọng của giao dịch Tín
dụng chứng từ mà ngân hàng là người quyết định chấp nhận hay từ chối. Đồng thời, quy định
này cũng nhằm tránh những tranh chấp phát sinh từ những quy định mập mở về bản chính, bản
phụ của TDT mà bản điều lệ 400 không đề cập.
Trong thực tế, các nhà xuất khẩu nói chung và các công ty xuất nhập khẩu Việt nam nói riêng ít
chú ý hoặc cố tình bỏ qua các quy định bản gốc-bản sao. TDT yêu cầu 3 bản hóa đơn, họ xuất
trình 3 bản giống nhau trên bể mặt, miễn là được ký bằng tay và đóng dấu. Hoặc 1 bản gốc, 2
bản sao họ cũng xuất trình như trên. Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng TDT yêu cầu 1 bản chính, 2 bản
phụ thì xuất trình 3 bản gốc lại càng giá trị hơn. Hoặc "3 copies"có người hiểu là 3 bản phụ, và

52
cứ thế xuất trình không bản nào có đúng dấu "Onginain" "Copy" khi là danh từ thì là "bản", nếu
tính từ đó là bản sao, bản phụ.
4. Chứng từ có sự chứng thực
Ở phần cuối của điều khoản này WG muốn giải thích rõ sự xác minh trên bề mặt chứng từ phù
hợp với bản chất của giao dịch TDT những yêu cầu xác thực bằng thi thực, hợp pháp hóa, chứng
nhận... sẽ được thỏa mãn nếu chứng từ được ký, đóng dấu đúng theo yêu cầu.
Thí dụ: TDT yêu cầu: "Chứng nhận xuất xứ phải được thị thực bởi Tổng lãnh sự quán Ấn độ"
(Certificate of orign should be visaed by India Consulate General" thì cơ quan nào phát hành
cũng được chấp nhận, miễn là chứng từ này được Tổng lãnh sự quán Ấn độ ký tên, đóng dấu và
ghi ngày tháng.
Mục đích của WG là củng cố các tiêu chuẩn của Thông lệ và Tập quán quốc tế trong giao dịch
ngân hàng phù hợp với những quy định được nói ở Điều 13 của Bản điều lệ này.
ĐIỀU 21: KHÔNG NÓI RÕ NGƯỜI PHÁT HÀNH HOẶC NỘI DUNG CHỨNG TỪ
Khi yêu cầu xuất trình các chứng từ, ngoại trừ chứng từ vận tải, chứng từ bảo hiểm và hoá đơn
thương mại, TDT phải quy định những chứng từ đó do ai phát hành và nội dung hoặc dữ liệu
của chúng. Nếu TDT không ghi rõ như vậy, ngân hàng sẽ chấp nhận các chứng từ đó như xuất
trình, miễn là nội dung dữ liệu của chúng không mâu thuẫn với các chứng từ khác.
Điều khoản này được viết lại từ Điều 23 của Bản điều lệ 400 nhưng ngắn gọn, cô đọng và dễ
hiểu hơn.
Ngoài hóa đơn, chứng từ vận tải, chứng từ bảo hiểm đã được Bản điều lệ này quy định người
phát hành, các chứng từ khác người lập chưa được xác định. Vậy TDT phải nói rõ người phát
hành là ai, nội dung của chúng thế nào. Nếu hàng hóa là thiết bi, máy móc hiện đại thì thường
Chứng nhận Xuất xứ phải cho Phòng Thương mại và Công nghiệp lập, ghi rõ model, quy cách,
kỹ thuật, tính năng... Ngược lại, ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ này do nhà sản xuất cấp, có
hoặc không ghi model, tính năng... với điều kiện nó không có những điều gì miêu tả mâu thuẫn,
trái ngược với nội dung miêu tả của hóa đơn, chứng từ đóng gói. Nếu chứng từ này phải gồm
những điều kiện cần thiết để làm thủ tực nhận hàng, và các thủ tục hành chính khác, hoặc cần có
những thuật ngữ, hoặc cần ngôn ngữ la-tinh... để tra cứu sử dụng, thì người mở và ngân hàng
phát hành phải yêu cầu trong Tín dụng thư. Đây là những đặc thù trong giao dịch ngân hàng và
thương mại quốc tế người mua cần biết và chú ý tránh những tranh cãi và khó khăn khi nhận và
sử dụng hàng hoá.
Như vậy, trừ Hóa đơn, chứng từ vận tải và bảo hiểm, NH sẽ chấp nhận tất cả các chứng từ khác
với bất cứ ai là Người lập, với nội dung diển đạt được rút gọn miễn là không mâu thuẫn với tất
cả các chứng từ khác và đúng quy định của TDT.
ĐIỀU 22: NGÀY PHÁT HÀNH CHỨNG TỪ VÀ NGÀY TÍN DỤNG THƯ
Trừ khi quy định khác trong TDT, ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ có ngày pháthành trước
ngày phát hành TDT, với điều kiện là chứng từ đó phải được xuất trình trong thời hạn quy định
của TDT và những Điều khoản của Bản điều lệ.
1. Mối quan hệ giữa ngày lập chứng từ và ngày TDT
WG quyết định giữ nguyên điều 24 của Bản điều lệ 400. Thời hạn của ngày lập chứng từ chỉ
được nói rõ ở chứng từ bảo hiểm. Các chứng từ khác nói chung cho phép lập trước khi TDT
được phát hành. Nguyên tắc này được giữ nguyên từ 1974 (ICC số xuất bản 299) trên cơ sở thực
tế khá phổ biến trong thương mại quốc tế. Đó là trường hợp người bán cần giao hàng ngay cho
kịp chuyến tàu vận tải, người mua cần hàng ngay tránh rớt giá trên thị trường hoặc phẩm chất
giảm sút... Ngay sau khi ký hợp đồng, hàng được giao, các chứng từ được lập như TDT được mở

53
sau đó vì phải qua thủ tục nhà băng. Tuy nhiên giới hạn thời gian này nằm trong thời hạn xuất
trình chứng từ. Các chứng từ phải được xuất trình trong thời hạn quy định của TDT hoặc không
quá 21 ngày kể từ ngày giao hàng nếu TDT không ghi rõ thời hạn xuất trình. Do vậy, nếu TDT
mở quá muộn (thí dụ vượt 21 ngày sau khi giao hàng), mà lại Giao hàng trước khi mở TDT,
người bán có thể gặp rủi ro nếu người mua không chân thực, không dám chấp nhận rủi ro trong
thương mại. Do vậy, việc giao hàng trước khi nhận được TDT chỉ dành cho những hợp đồng với
khách hàng đã hiểu biết nhau qua quá trình kinh doanh, hoặc những mặt hàng ít giá trị.
2. Mối quan hệ về ngày phát hành của các chứng từ :
Ngày phát hành của các chứng từ có liên quan với nhau như thế nào?
Điều này không được để cập trong Bản điều lệ, có nghĩa là ngày phát hành của các chứng từ
không quan trọng và sẽ được chấp nhận, miễn là chúng được lập theo đúng quy định của Tín
dụng thư và Bản điều lệ 500. Tuy nhiên việc lập các chứng từ thông thường theo tuần tự sau:
- chứng từ giao hàng: hóa đơn, đóng gói, chứng nhận phẩm chất, xuất xứ, kiểm dịch...
- chứng từ vận tải: vận tải đơn đường biển/đường hàng không...
- chứng từ khác: biên lai gởi chứng từ copy của người hưởng cho người mở TDT, điện báo giao
hàng...
- hối phiếu (nếu TDT yêu cầu)
Tuy nhiên, trật tự trên có thể đảo lộn mà ngân hàng không được quyền từ chối. Hối phiếu có thể
được lập cùng hoặc trước ngày Hóa đơn, chứng từ đóng gói có thể sau ngày hóa đơn, chứng từ
xuất xứ có thể sau hoặc cùng ngày vận đơn miễn rằng nội dung diển đạt của chúng phù hợp với
các chứng từ khác và đúng quy định của TDT, được xuất trình trong thời hạn cho phép. Tuy
nhiên cũng có những điều phải được hiểu theo logic trên cơ sở hiểu biết thông thường (common
sense). Thí dụ: không thể ngày phát hành chứng từ lại sau ngày xuất trình. Ngày phát hành vận
đơn lại trước ngày hàng hóa được bốc lên tàu (On board date). "Các loại chứng từ về phẩm chất,
chất lượng hàng hóa như inspection Certificate, Phytosanitary Certificate, Certificate of quality,
quantity and weight... thì phải ghi ngày phát hành trước hoặc chậm nhất phải cùng ngày bốc
hàng vì việc kiểm nghiệm hàng hoá phải được thực hiện trước thời điểm hàng hóa được bốc lên
tàu. Trường hợp ngày phát hành sau ngày bốc hàng được ngân hàng chấp nhận với điều kiện
chứng từ đó phải xác nhận việc kiểm nghiệm hàng hóa (date of inspection) thực hiện trước khi
hàng được bốc lên tàu. Tài liệu ICC số XB 535 trang 124 đã khẳng định "Chứng từ kiểm nghiệm
hàng hóa phải ghi ngày phát hành, hoặc phải thể hiện rõ trong nội dung của nó là hàng hóa được
kiểm nghiệm, trước khi chúng được bốc lên tàu để chuyển giao" ( An inspection certificate must
bear an lssuance date showing or otherwise clearly indicating that goods were inspected prior to
the goods being loaded on board for shipment). Riêng chứng nhận hun trùng (fumigation
ceítilicate) đối với hàng nông sản (gạo, sắn, bắp:..) thì có thể cùng /trước ngày vận đơn hoặc có
thể sau vì hun trùng chỉ thực hiện khi hàng hóa đã lên tàu (on board) và vận đơn có thể được cấp
cùng/ trước ngày hun trùng hoặc có thể hun trùng xong vận đơn mới được cấp. Đối với chứng từ
này, không có một tiêu chuẩn nào về thời gian phát hành cũng như mối Quan hệ về ngày phát
hành với các chứng từ khác.
Một điều quan trọng làviệc xác định tính hợp lệ của thời gian phát hành của các chứng từ phải
được đặt trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể về hàng hoá và loại chứng từ liê n quan. Đây là
nguyên nhân để WG không thể đem ra một quy định chung cho thời hạn phát hành của tất cả các
loại chứng từ (trừ chứng từ bẵo hiểm) mà phải dựa vâo thực tiễn phát sinh để quyết định.

54
Hãy tham khảo trường hợp tranh chấp giữa 2 bên (ngân hàng phát hành và ngân hàng chiết khấu)
được nêu ra tại "Case 170", Tài liệu ICC số Xuất bản số 489 (1991) 'More case studies on
Documentary Credits.
Ngày 30/4/87 ngân hàng được chỉ định đã thanh toán toàn bộ số tiền cho người hưởng với bộ
chứng từ xuất trình ghi ngày:
- 23/2/87 đối với Hối phiếu
- 10/2/87 đối với Hoá đơn
- 28/4/87 đối với Biên lai nhận hàng
- 27/2/87 đối với Chứng từ kiểm nghiệm hàng hóa
- 23/2/87 đối với Chứng từ đóng gói
Hàng hoá là thực phẩm có ghi ngày chế biến (date-marked food products). Theo người hưởng &
SGS General Superintendance Co. (là người phát hành Chứng th kiểm nghiệm hàng hoá) thì
ngày của chứng từ này là ngày chế biến thực phẩm trên.
Ngân hàng phát hành từ chối chứng từ vì những bất hợp lệ:
- Hoá đơn ghi ngày 10 (thay cho ngày 23/2)
- Chứng từ kiểm nghiệm hàng hóa 27/2/87 nhưng giao hàng là 28/4/87
Tranh chấp trên được chuyển đến ICC nhằm tìm giải pháp. Kết luận của Hội đồng Ngân hàng
thuộc ICC là: "Do không có nguyên tắc chặt chẽ, cụ thể về ngày phát hành của các chứng từ
trong mối quan hệ của chúng nên chứng từ nêu trên phải được coi là hợp lệ. Chứng từ cũng được
xuất trình trong thời hạn hiệu lực của TDT. Những điểm ngân hàng phát hành nêu ra không phải
là những bất hợp lệ". .
(" Since there is no hard-and-fast rule on the lssuance dates of documents in relation to each
other ; the Documents must be regarded as compliant. They were also presented within the
lifetime of the Credit" - UCP. Doc. Pub. No.489)
ĐIỀU 23 : VẬN ĐƠN ĐƯỜNG BIỂN

A. Nếu TDT yêu cầu vận đơn "cảng đến cảng", ngân hàng sẽ, trừ khi quy định khác trong TDT,
chấp nhận chứng từ dù được gọi như thế nào:

i. thể hiện trên bề mặt tên Người chuyên chở và được ký hoặc được xác thực bởi:

- Người chuyên chở hoặc đại lý đích danh thay mặt hay nhân danh người chuyên chở

hoặc:

- thuyền trưởng hoặc đại lý đích danh thay mặt hay nhân danh thuyền trưởng

Bất kỳ chữ ký hoặc sự xác thực nào của Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng phải được nhận
dạng là của Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng, tùy từng trường hợp. Một đại lý ký tên hoặc
xác thực cho Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng phải ghi rõ tên và quyền hạn của bên đó, có
nghĩa là Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng, mà đại lý đó làm đại diện

ii. thể hiện hàng hóa đã được bốc lên, hoặc xếp trên một tàu đích danh

55
Việc bốc hàng lên hoặc xếp hàng trên con tàu đích danh có thể được biểu thị bằng chữ in sẵn trên
vận đơn là hàng hóa đã được bốc lên tàu đich danh hoặc xếp trên tàu đích danh, trong trường hợp
này, ngày phát hành của vận đơn sẽ được coi là ngày bốc hàng lên tàu và là ngày giao hàng.

Trong mọi trường hợp khác, việc bốc hàng và ngày bốc hàng lên tàu đích danh phải được chứng
minh bằng cách ghi chú trên vận đơn, trong trường hợp này, ngày bốc hàng sẽ được coi là ngày
giao hàng.

Nếu vận đơn có ghi chữ "tàu dự định" hoặc một từ tương tự về con tàu, thì việc bốc hàng lên con
tàu đích danh phải được chứng minh bằng cách ghi rõ trên vận đơn là hàng đã được bốc lên tàu,
và ngoài việc ghi ngày mà hàng hóa đã được bốc lên tàu phải ghi thêm tên con tàu mà hàng hóa
được bốc lên, ngay cả khi chúng đã được bốc lên đúng con tàu được ghi là "tàu dự định".

Nếu Vận đơn ghi nơi nhận hàng hoặc nhận để gởi khác với cảng bốc, thì ngoài việc ghi chú hàng
đã bốc lên tàu còn phải ghi thêm tên cảng bốc hàng được quy định trong TDT và tên con tàu mà
hàng hóa được bốc lên, dù chúng đã được bốc lên con tàu ghi đích danh trên vận đơn. Điều
khoản này cũng được áp dụng ngay cả khi việc bốc hàng lên tàu đã được in sẵn trên vận đơn,

iii ghi rõ cảng bốc hàng và cảng dỡ hàng như quy định trong TDT, bất kể vận đơn:

a. ghi nơi nhận hàng để gởi khác với cảng bốc hoặc ghi nơi đến cuối cùng khác với cảng dỡ

và/hoặc

b. có từ "dự định" hoặc từ tương tự nói về cảng bốc và/hoặc cảng dỡ, miễn là vận đơn có ghi
cảng bốc và/hoặc cảng dỡ nêu trong TDT.

iv. bao gồm một bản vận đơn gốc duy nhất, hoặc nếu phát hành nhiều hơn một bản gốc thì trọn
bộ bản chính được phát hành

v. thể hiện toàn bộ các điều khoản và điều kiện chuyên chở, hoặc một số các điều khoản và điều
kiện như thế bằng cách dẫn chiếu đến một nguồn hay một chứng từ không phải bản thân vận đơn
(vận đơn rút gọn hoặc vận đơn trắng lưng), ngân hàng sẽ không kiểm tra nội dung các điều
khoản và điều kiện đó và

vi. không ghi chú là chứng từ này phụ thuộc vào hợp đồng thuê tàu và/hoặc không thể hiện là
con tàu chở hàng chỉ chạy bằng buồm

vii tất cả các điểm khác đáp ứng mọi yêu cầu của TDT

56
B. Với mục đích của Điều khoản này, chuyển tải có nghĩa là dỡ hàng từ một con tàu và bốc lên
một tàu khác trong quá trình chuyên chở trên biển từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng quy định
trong TDT.

C.Trừ khi TDT không cho phép chuyển tải, ngân hàng sẽ chấp nhận vận đơn ghi rõ hàng hóa sẽ
được chuyển tài, miễn là toàn bộ viềc chuyên chở đường biển được sử dụng bởi một và cùng một
vận đơn.

D. Ngay cả khi TDT không cho phép chuyển tải, ngân hàng sẽ chấp nhận vận đơn:

i. ghi rõ việc chuyển tải sẽ xảy ra trong chừng mực mà hàng hóa liên quan được gởi bằng (các)
công-ten-nơ, moóc, sà lan Lash như đã chứng minh trong vận đơn, miễn là toàn bộ việc chuyên
chở đường biển được sử dụng bởi một và cùng một vận đơn,

và/hoặc

ii. có các điều khoản in sẵn quy định rằng Người chuyên chở có quyền chuyển tải.

Thay đổi cơ bản và quan trọng nhất của Bản điều lệ 500 so với các Bản điều lệ trước là phần nói
về chứng từ vận tải.

Rất nhiều vấn đề nảy sinh trong giao dịch Tín dụng chứng từ liên quan đến chứng từ vận tải theo
Bản điều lệ 400. Cụ thể, Tài liệu số xuất bản 457 (Case studies on Documentary Credits) nêu 35
trường hợp, Tài liệu số 489 nêu 19 trường hợp và Tàl liệu số 494 nêu 3 trường hợp. ICC đã cố
giải thích, nêu ra giải pháp theo quan điểm của mình, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, bất đồng
vẫn là mối trở ngại lớn khiến các Phòng Thương mại quốc gia yêu cầu ICC có biện pháp nêu ra
điều luật cụ thể cho chứng từ vận tải, theo từng phương thức chuyên chở nhằm giảm bớt tranh
chấp giữa các bên liên quan.

Có 8 loại chứng từ vận tải được nêu thành Quy tắc ở 8 điều khoản (từ Điều 23 đến 30) trong lúc
đó chỉ có 3 loại được để cập trong Bản điều lệ 400. Đây là một nỗ lực lớn, là một cố gắng và tiến
bộ của WG trong việc soạn thảo Điều luật nhằm đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn hoạt động
thương mại và dịch vụ trên thế giới.

Mỗi loại chứng từ vận tải có những chức năng và đặc thù riêng của nó. oôs gắng của WG LÀ
phân loại chứng từ vận tải nhằm hạn chế việc hiểu sai và áp dụng không đúng những chứng từ
này, như đã từng phát sinh trong thời kỳ Bản điều lệ 400 đang còn có giá trị. Nếu không làm
được như vậy có nghĩa là vẫn thừa nhận sự mập mờ trong TDT về những phương thức vận tải
được chấp nhận trên thế giới.

Điều khoản 23 chỉ dành riêng cho loại vận đơn (VĐ) đường biển, được viết lại từ Điều 26 Bản
Điều lệ 400 bao gồm 2 loại vận đơn được đề cập.

57
Vận đơn đường biển (Marine/Ocean Bill of lading) đúng như tiêu đề của nó, là chứng từ vận tải,
thể hiện quá trình vận tải từ cảng đến cảng. Nghĩa là chỉ có phương tiện vận tải là tàu thủy. chứ
không phải là tàu hoả, máy bay..., bắt đầu từ 1 cảng biển và kết thúc cũng tại 1 cảng biển. Hiểu
điều này của vận đơn đường biển để ta phân biệt với chứng từ vận tải hỗn hợp (Combined/
Multimodal transport documents) và các loại khác sẽ đề cập ở các điều khoản sau.

Vận đơn đường biển có 3 chức năng:

- Vận đơn là bằng chứng xác nhận hợp đồng chuyên chở đã được ký kết, thực hiện và chỉ rõ nội
dung của Hợp đồng đó. Đồng thời nó xác định quan hệ pháp lý giữa Người chuyên chở với chủ
hàng, đặc biệt là giữa Người chuyên chở và Người nhận hàng.

- Vận đơn là biên lai của Người chuyên chở xác nhận đã nhận hàng để chở (nếu vận đơn "đã
bốc" nó còn xác định được nghĩa vụ và trách nhiệm của người chuyên chở đối với hàng hoá).
Người chuyên chở chỉ giao hàng cho ai xuất trình trước tiên vận đơn hợp lệ (có chữ ký chuyển
nhượng, xác thực của ngân hàng...) mà họ ký phát tại cảng bốc hàng.

- Vận đơn là chứng từ xác thực quyển sẽ hữu đối với hàng hóa miêu tả trong vận đơn. Do vậy, nó
là chứng từ có giá trị lưu thông (negotiable), được dùng mua bán, cầm cố, chuyển nhượng.

Do các Luật và văn bản dưới Luật về kinh tế của Việt nam còn thiếu và chưa đồng bộ nên không
có văn bản nói về nguyên tắc chuyển nhượng, lưu thông các chứng từ có giá (hối phiếu, vận
đơn...) và trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan nên đã hạn chế chức năng của vận đơn
đường biển. Chưa có công ty nào dám mua hàng nhập khẩu của phía đối tác theo vận đơn gốc
được chuyển giao từ ngân hàng trong khi hàng chưa đến cảng, bằng phương thức ký hậu chuyển
nhượng. Vận đơn lúc này chỉ là bằng chứng về sở hữu hàng hóa của nhà nhập khẩu mà thôi.

Các ngân hàng thương mại tận dụng chức năng thứ 3 của vận đơn đường biển nhằm bảo vệ cho
chính họ. Ngân hàng khống chế vận đơn, tức là kiểm soát hàng hóa cũng có nghĩa là nắm tiền.
Trong bất luận trường hợp nào, vận đơn chỉ được giao cho người mở TDT sau khi đã thanh toán
bộ chứng từ xuất trình đòi tiền. Nhưng nó là 1 loại chứng từ phức tạp nhất, dễ bị bất hợp lệ nhất
và dễ phát sinh tranh chấp nhất.

A. Những quy định của vận đơn đường biển:

1. Vận đơn ghi tên Người Chuyên chở – Hãng Vận tải

Nếu TDT yêu cầu xuất trình vận đơn đường biển ("Marine" hoặc "Ocean B/L") thì ngân hàng sẽ
chấp nhận vận đơn với những tiêu đề (Letter head) khác nhau.

"However named": "với tên gọi như thế nào", tức là với tiêu đề như thế nào được ghi trên vận
đơn, miễn là nội dung được miêu tả của nó thoả mãn với các yêu cầu của điều khoản này và quy
định của TDT.

58
Tiêu đề thực ra không quan trọng vì nó chưa mô tả được thực chất của cuộc hành trình hàng hóa.
Mỗi hãng tàu có tiêu đề riêng cho mẫu vận đơn của mình. Có mẫu vận đơn chỉ ghi "Bill of
lading" không thôi, nhưng áp dụng cho cả phương thức vận tải đường biển lẫn vận tải liên hợp,
vì nó có cả phần ghi vận tải trên biển (port of loading), vận tải đường bộ (onward iniand routing).
Có vận đơn với tiêu đề "Direct or with transshipment combined transport Bill of lading" hoặc
"Bill of lading for Multimodal transport or port-to-port" hoặc 'Bill of lading for Multimodal
transport or port-to-port".. Điều này có nghĩa là các mẫu vận đơn này được dùng hoặc như là vận
đơn đường biển, hoặc như là vận đơn hỗn hợp tùy theo yêu cầu và thực tế chuyên chở.

Trong thực tế ta hay gặp mẫu vận đơn có tiêu đề "Bill of Lading for Combined Transport or Port-
to-Port Shipment"?

Hãy lấy 5 mẫu vận đơn sau để minh họa cho sự phân tích sau đây.

1 . Liner Bill of lading

(for Combined Transport or Port-to-Port Shipment" (Mẫu số 1)

2. Bill of lading (Mẫu số 2)

3. Bill of Lading for combined transport shipment or port - to - port shipment (Mẫu số 3)

4. Ocean Bill of Lading (Mẫu số 4)

5. Through Bill of Lading (Mẫu số 5)

6. Charter party Bill of lading (Mẫu số 6)

Các vận đơn này phải được ghi rõ tên của người chuyên chở, tức là công ty vận tải, người phát
hành vận đơn. Đây là yêu cầu rất cơ bản mà Bản điều lệ cũ không đề cập tới. Tất cả 5 mẫu vận
đơn trên đều được in tên công ty vận tải:

MẪU 1 : SCHIFFAHRT HANDEL + LOGISTlK GmbH

MẪU 2 : WORLD CLASS FRELGHT, INC.

MẪU 3 : NZ - ORlENT LINE C.V.

MẪU 4 : SPECARGO SEABRLDGE LINE

MẪU 5 : VISA FRELGHT SERVICES PTE LTD

(Riêng Mẫu số 6, vận đơn không thể hiện tên người chuyên chở: Carrier)

2. Việc thể hiện chức năng của phía ký phát vận đơn

59
Điều 26 của Bản điều lệ 400 chỉ cho phép 2 đối tượng được ký: người chuyên chở (công ty vận
tải) hoặc đại lý của nó. Do vậy đã nảy sinh tranh chấp khi vận đơn do thuyền trưởng (master) ký
(mẫu đơn số 6). Việc nhìn nhận vấn đề này của từng ngân hàng khác nhau. Loại vận đơn in sẵn
chữ"For master" nếu thuyền trưởng ký mà không ghi"As agent" (theo đúng Bản điều lệ 400) thì
bị ngân hàng từ chối. Thậm chí có những ngân hàng từ chối những vận đơn được ghi đầy đủ như
vậy. Nhưng ICC giải thích là không cần phải ghi thêm"As agent" vận đơn trên vẫn được chấp
nhận, Nếu không phải là vận đơn giao nhận-Forwarder's Bill of lading (Tài liệu ICC số xuất bản
489 – trang 74, 75, 76, số xuất bản 494 – trang 28). Điều này thể hiện những khiếm khuyết của
các Bản điều lệ cũ và sự không đồng nhất của Quy tắc ngân hàng và tập quán vận tải quốc tế.

Theo Luật Vận tải Quốc tế, vận đơn cơ bản được thuyền trưởng ký. Nhưng, trong thực tế giao
dịch, thuyền trưởng không thường xuyên ký mà đại lý của người vận tải (carrier) hợp với chiều
hướng phát triển của vận tải đường biển. Tuy nhiên khi ký vận đơn, thuyền trưởng luôn hành
động nhân danh và vì lợi ích của công ty vận tải / người ký hợp đồng chuyên chở.

Vậy Bản điều lệ 500 quy định 2 đối tượng chính được ký vận đơn đường biển(Ocean/Marine Bill
of lading), đó là :

- Người chuyên chở.

- Thuyền trưởng của con tàu chở hàng.

Đối tượng thứ 3 sẽ là:

- Đại lý của người chuyên chở hoặc của thuyền trưởng.

Trong thực tế, đại đa số vận đơn được ký bởi các đại lý của hãng tàu / công ty vận tải vì nó phù
hợp và thuận tiện trong thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính khác, kể cả thủ tục của ngân
hàng các nước sở tại.

Bất cứ ai ký vận đơn ngoài việc ghi tên công ty đầy đủ hoặc tên của thuyền trưởng, đều phải ghi
rõ:

- Là người chuyên chở.

Hoặc :

- Là thuyền trưởng

Nếu vận đơn được ký bởi đại lý của hãng tàu hoặc của thuyền trưởng, thì phải ghi rõ :

- Tên của hãng tàu, hoặc của thuyền trưởng (mà nó làm đại lý), và

- Quyền hạn của hãng tàu, hoặc của thuyền trưởng (mà nó là đại lý).

60
Thí dụ :

1. Vận đơn do người chuyên chở (hãng vận tải) ký:

2. Vận đơn do thuyền trưởng ký:

3. Vận đơn do Đại lý của hãng vận tải ký:

4. Vận đơn do Đại lý của thuyền trưởng ký:

Trong khi đó, theo Bản điều lệ 400, vận đơn được chấp nhận khi chỉ cần ký và ghi:

Qua phân tích và thí dụ trên ta thấy được sự chặt chẽ và đầy đủ về pháp lý của quy định khi lập
vận đơn của Bản điều lệ 500.

Điều lưu ý là nếu vận đơn đã in sẵn chữ "CARRIER" để thể hiện chức năng của hãng / công ty
vận tải là "Người chuyên chở" thì khi ký cấp vận đơn, đại lý tàu biển không cần ghi lại tên của
hãng vận tải đó nữa. Thí dụ mẫu vận đơn đã in:

Carrier : Mitsui O.S.K.Line

thì Vietfracht khi ký cấp vận đơn chỉ cần ghi"As agent for the Carrier" (mà không cần ghi thêm
tên công ty vận tải), hoặc "As agent for Misui O.S.K.Line" (mà không cần ghi thêm "the
Carrier"). Tuy nhiên phần lớn các loại vận đơn đều không in sẵn chữ"Carrier" do vậy lúc ký vận
đơn, nhà xuất khẩu cần kiểm tra và yêu cầu đại lý tàu biển phải lập đúng theo quy định của Điều
khoản này.

3. "Hàng đã bốc" được thể hiện trên bề mặt vận đơn như thế nào?

Nói chung TDT đều yêu cầu xuất trình vận đơn đường biển "đã bốc". Đây là một thông lệ đối với
vận tải và thương mại quốc tế. Khi hàng đã được bốc lên tàu hoặc đã ở trên boong tàu, người
chuyên chở mới chịu trách nhiệm pháp lý đối với hàng hóa đó. Đồng thời người bán cũng chứng
minh được nghĩa vụ của mình đối với hợp đồng thương mại đã ký với người mua. Thuật ngữ "đã
bốc" tùy theo từng mẫu vận đơn, tùy theo trường hợp giao nhận và chuyên chở, được thể hiện
trên bề mặt vận đơn theo 3 trường hợp sau:

-Vận đơn đã in sẵn"shipped on board" thì đương nhiên chỉ được người chuyên chở/ thuyền
trưởng/ đại lý cấp khi hàng đã được bốc lên tàu. Như vậy không cần ghi gì thêm trên vận đơn để
chứng minh là hàng đã được bốc. Loại vận đơn này, ngày phát hành của chính là ngày hàng bốc
lên tàu, có nghĩa là ngày giao hàng.

Vận đơn mà "sipped on board" được in sẵn thường được thể hiện bằng diễn đạt:

-"Shipped on board the above named ship in apprent..." hoặc

61
-"Shipped at the port of ladding in apparent good order..."

Hiện nay mẫu đơn này càng ít được dùng vì tính kém linh hoạt và ít đa dạng của nó trong giao
nhận, vận tải quốc tế. Các mẫu vận đơn còn lại gọi là vận đơn "nhận để bốc", được biểu hiện
bằng các thuật ngữ sau:

-"Taken in charge in appearance good order and condition...,at the place of receipt..."

"Receipt by the carrier the goods..."

Bản thân vận đơn với các biểu hiện những từ ngữ như vậy hoàn toàn không thoả mãn được yêu
cầu của TDT là phải xuất trình vận đơn đã bốc. Người bán chưa thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của
mình theo hợp đồng đã ký. Hãng vận tải/ đại lý chỉ mới "nhận để bốc" chứ chưa bốc hàng lên
boong tàu. Muốn trở thành vận đơn đã bốc phải được người ký cấp vận đơn ghi thêm vào trên
vận đơn, đồng thời ghi ngày tháng. Như vậy, ngày của "hàng lên tàu" chính là ngày giao hàng.

Tất cả các mẫu vận đơn đều có các ô ghi các phần về:

- Những phương tiện vận tải tham gia chuyên chở hàng hóa.

- Nơi nhận và cảng bốc lên tàu của hàng hóa.

- Cảng dỡ hàng và nơi đến cuối cùng.

Phương thức chuyên chở, vận tải trên thế giới ngày càng phát triển và đa dạng. Hàng được nhận
một nơi là cảng nằm sâu trong nội địa được chuyên chở bằng con tàu nhỏ tới cảng biển để bốc
lên tàu vượt đại dương. Quá trình này có thể gồm 2 tàu liên quan đều thể hiện hiện trên vận đơn:

Thí dụ:

Trong trường hợp này, thuật ngữ "on board" sẽ được ghi trên vận đơn, gồm cả ngày tháng và tên
tàu mặc dù thực sự hàng đã được bốc lên tàu "Med Marseille"

Nguyên tắc ghi "on board" này được áp dụng cho tất cả các mẫu vận đơn, kể cả loại đã in sẵn
"on board"

Hãy phân tích ở góc độ đa dạng hơn của phương thức vận tải biển để hiểu rõ trường hợp thứ 3:

Giả sử Điều khoản giao hàng của TDT : "Shipment from Ben Nghe port (Hochiminh City) to
P.S.A Container port, East Lagoon (Singapore)". Hàng được tập kết và được hãng tàu nhận tại
Tân cảng chở tới Bến Nghé bằng tàu Sông Đà, để bốc lên tàu biển Bremen Express đi Singapore.
Như vậy, quá trình này liên quan 2 cảng đi (Tân cảng và Bến Nghé), cảng đến (Singapore) và 2
tàu chuyên chở : Sông Đà và Bremen Express, được thể hiện trên vận đơn:

62
Vậy "on board" phải được ghi rõ trên vận đơn ngư sau:

" shipped on board

M/V BREMEN EXPRESS at

BEN NGHE Port

on 20 may 1997 "

Mặc dù hàng được nhận tại Tân cảng (taken in charge at New port) nhưng vẫn giao đúng cảng
Bến Nghé (port of loading) theo quy định của TDT. Cảng Bến Nghé mới là nơi giao hàng (port
of shipment/shipment from BEN NGHE) vì tại nơi này hàng thực sự mới được "on board" tàu
BREMEN EXPRESS (tàu đi biển). Tân cảng chỉ là nơi hàng được nhận, chứ chưa biết được
hàng đó sẽ được bốc lên tàu nào (có thể là một tàu theo dự kiến: intended vessel), ngày nào, ở
đâu. Tàu Sông Đà không phảỉ là tàu đi biển và chuyên chở chính. Tàu dự kiến BREMEN
EXPRESS (intended vessel) là con tàu thực sự bốc hàng, là tàu biển (ocean vessel), tức là
phương tiện chuyên chở có hành trình cảng đến cảng (port to port carrier) phải được minh chứng
bằng cách ghi rõ như vậy trên vận đơn.

Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả các mẫu vận đơn, kể cả các mẫu vận đơn, kể vả vận đơn đã in
sẵn "on board". điều này cũng dễ hiểu, vì chỉ ghi "on board" chung chung, không ai có thể xác
định được hàng bốc lên tàu nào, cảng nào và có đúng ngày của vận đơn không.

4. Xác thực "shipped on Board"/"On board" không cần phải ký/ký tắt và đóng dấu.

Một điều cần lưu ý là Bản điều lệ 500 không yêu cầu "on board" khi được ghi thêm phải ký
thường hoặc ký tắt (trừ khi TDT bắt buộc). Cho đến nay, các công ty xuất khẩu đều yêu cầu đại
lý/ hãng tàu/ thuyền trưởng ký vào phần này trên vận đơn, điều này không cần thiết.

Để đi đến quyết định loại bỏ việc ký xác thực vào "on board" trên vận đơn, WQ đã nhận được 2
loại ý kiến trái ngược nhau của các Phòng Thương mại quốc gia. Các vấn đề được đem ra phân
tích và xem xét theo 2 hướng sau:

- "On board" có thể được ký bởi một người có thẩm quyền nhưng không phải là người ký cấp
vận đơn. hoặc có thể là một người nhưng chỉ ký tắt hoặc 2 chữ ký của 1 người lại không giống
nhau… Tất cả những phát sinh như vậy gây ra khó khăn cho ngân hàng khi xác minh chữ ký của
vận đơn xuất trình. Nếu người ký tắt ở phần "on board" không có trong hồ sơ kiểm soát của ngân
hàng (thí dụ người này chỉ là cán bộ cấp dưới (junior officer) nhưng lại được uỷ quyền), hoặc
chữ ký ở 2 nơi trên vận đơn không giống nhau thì liệu ngân hàng từ chối không? Và từ chối trên
cơ sở nào?… Trách nhiệm của ngân hàng càng thêm nặng và ở một lúc nào đó, có thể gây phiền
hà cho người hưởng trong vấn đề thanh toán. Quan điểm của WQ thì gánh nặng này không thể
do ngân hàng chịu.

63
- Tầm quan trọng của sự miêu tả "on board" có thể tương đương với "freight prepaid" / "freight
to collect" /" freight to be paid at destination"… Thế nhưng thuật ngữ sau lại không cần xác thực
bằng chữ ký?

WQ quyết định bãi bỏ yêu cầu ký hoặc ký tắt xác thực ghi chú "on board" ở vận đơn.

5. Cảng bốc, Cảng dỡ - Nơi nhận hàng, nơi đến cuối cùng

Phần iii của Điều khoản này sẽ được giải thích bằng tình huống giao hàng ở thí dụ trên.

Vận đơn xuất trình bao gồm các chi tiết :

- Cảng nhận hàng : Tân cảng, khác với cảng bốc : Bến Nghé.

- Nơi đến cuối cùng, khác với cảng dỡ: Singapore

- Tàu dự kiến (bốc hàng): BREMEN EXPRESS

đều được chấp nhận là hợp lệ.

Hiện nay vẫn còn một số mẫu vận đơn có ghi các phần:

"Cảng bốc theo dự kiến" và "Cảng dỡ theo dự kiến", tuy rất ít gặp. Các ô này khi được sử dụng
để ghi tên cảng thì ngân hàng vẫn chấp nhận với điều kiện vận đơn cũng phải ghi rõ cảng thực sự
bốc và dỡ hàng.

Vận đơn phải được ghi thêm :

Quy định này nhằm tránh những trường hợp đã xảy ra là một số hãng vận tải đã không bốc và dỡ
hàng ở các cảng theo như hợp đồng đã ký kết, bằng cách nêu ra "Các Cảng dự định" mà không
phải là cảng thực sự bốc, dỡ hàng. Do vậy, vận đơn với cảng "dự kiến" sẽ không đáp ứng được
điều kiện vận tải Cảng - Cảng nếu không ghi rõ cảng bốc và cảng dỡ hàng thực sự.

6. Bộ vận đơn đầy đủ được xuất trình

Như đã phân tích trên, vận đơn là chứng từ quan trọng nhất trong các chứng từ giao hàng nên
phải được kiểm soát bởi ngân hàng để không chế hàng hoá, đổi lấy việc thanh toán và nhận hàng.
Điều IV yêu cầu phải xuất trình bản độc nhất của vận đơn hoặc toàn bộ vận đơn được cấp. Thông
thường vận đơn được lập 3 bản (bản 1, bản 2, và bản 3). Ba bản có giá trị ngang nhau. Một trong
chúng được sử dụng để nhận hàng thì các bản còn lại hết giá trị. Tuy nhiên cũng có hãng tàu cấp
2 bản, thậm chí chỉ 1 bản duy nhất cho một lô hàng. Cách diễn giải chặt chẽ của Điểm này nhằm
bổ sung những phần mà Bản điều lệ 400 không đề cập.

Nhân đây xin đề cập đến điều khoản về xuất trình vận đơn theo TDT:

64
Tín dụng thư không nên quy định cụ thể các bản chính vận đơn (thí dụ 3/3 bản) mà chỉ cần nói
một bộ đầy đủ là được. Như thế sẽ không gây trở ngại cho người hưởng nếu họ được cấp một
bản duy nhất hoặc 2/2 bản gốc vận đơn. Tuy nhiên Nếu người mở yêu cầu cụ thế số bản gốc vì
mục đích nào đó, thì cần ghi rõ trong TDT, chẳng hạn: Toàn bộ vận đơn gốc 3/3.

Một bản vận đơn được gửi theo hàng hoá đến cảng dỡ để người mở TDT nhận hàng, các bản còn
lại được xuất trình tại ngân hàng. Điều này sẽ có lợi, có hại cho ai?

Trong thực tiễn buôn bán quốc tế, không ít trường hợp hàng đến cảng trước khi người mua nhận
được chứng từ vận tải. Đó là những giao dịch giữa khách hàng của 2 nước gần nhau: các nước
trong ASEAN, hoặc Việt Nam với Thái Lan, Singapore...Tàu thủy chỉ đi trong vòng 2- 3 ngày,
trong lúc đó chứng từ phải soạn thảo, qua thủ tục 2 ngân hàng, gởi qua bưu điệnẳ sẽ không dưới
1 tuần từ người hưởng đến người mở TDT. Để thuận tiện cho việc nhận hàng mà không cần bảo
lãnh của ngân hàng, người mở TDT yêu cầu 1 bản vận đơn gốc được gửi theo hàng hóa hoặc
được Người Bán gửi trực tiếp cho Người Mua. Chứng từ gốc sẽ được sử dụng để nhận hàng thay
cho chứng từ qua ngân hàng.

Nếu chứng từ được ngân hàng xác định là bất hợp lệ trong khi người mở TDT đã nhận hàng bằng
chính bản vận đơn gốc gởi theo tàu vận tải, lại từ chối không thanh toán? Trong trường hợp này,
trách nhiệm thanh toán thuộc về người mở TDT, hay ngân hàng phát hành?

Về góc độ pháp lý, ngân hàng miễn trách nhiệm vì ngân hàng chỉ liên quan và giao dịch bằng
chứng từ không liên quan đến hàng hóa, các dịch vụ khác (Điều 4). Chứng từ, theo nghĩa của
Bản điều lệ, là chứng từ xuất trình tại ngân hàng, chứ không phải chứng từ gửi theo hàng hóa,
ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng. Ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm nếu không nắm giữ, hoặc
trả lại cho người hưởng những chứng từ mà nó nhận được từ phía xuất trình (Điều 14).

TDT được phát hành dựa trên sự thỏa thuận giữa 2 bên mua và bán. Ngân hàng thực hiện chỉ thị
của người mở TDT và đương nhiên sẽ không chịu trách nhiệm Nếu người mở có hành động thiếu
thiện chí, không chân thực, thậm chí lừa đảo. Rủi ro thuộc về người hưởng vì họ không nắm chắc
nghiệp vụ và chọn nhầm đối tác.

Tài liệu ICC số xuất bản 459 (1989), nói vấn đề này như sau :

"Trường hợp TDT quy định 1 bản vận đơn gốc gửi trực tiếp cho người mở, hoặc chuyển giao cho
thuyền trưởng để người mở có điều kiện nhận hàng trước khi TDT được thanh toán, Tiểu ban
Ngân hàng khẳng định rằng chính người hưởng - người đã chấp nhận TDT đó sẽ phải chấp nhận
rủi ro phát sinh"

Tất nhiên trong quan hệ làm ăn, phải tính đến yếu tố tin tưởng lẫn nhau. Có thể rủi ro xảy ra
ngoài ý muốn của 2 phía. Năm 1989, một đơn vị xuất nhập khẩu Việt Nam xuất sắt phế liệu cho
công ty Hồng Kông. TDT cũng yêu cầu 1 bản vận đơn gốc gửi theo tàu. Bộ chứng từ bất hợp lệ,
ngân hàng phát hành từ chối, trả lại cho phía Việt Nam. Một kết cục không tốt đẹp đối với đơn vị
xuất nhập khẩu là người mua bị phá sản, tài sản được thanh lý theo luật trong đó có lô sắt phế

65
liệu xuất khẩu của Việt Nam vì hàng hóa được chứng minh là của người mua bằng vận đơn gửi
theo tàu (vận đơn lập theo lệnh).

Khi nhận được TDT có điều khoản một bản vận đơn gốc gửi theo hàng như trên, nhà xuất khẩu
cần lưu ý:

- Phải xem xét các yếu tố: uy tín và khả năng của người mở TDT, mối quan hệ làm ăn, khả năng
xấu nhất có thể xảy ra (người mua vỡ nợ, phá sản... ) trị giá, phẩm chất hàng hóa (hàng dễ biến
chất theo thời gian hay hàng lâu bền... ), mức độ biến động giá cả hàng hóa, tình hình giao nhận,
chuyên chở.. để quyết định chấp nhận hay yêu cầu sửa đổi TDT nhằm khống chế, kiểm soát hàng
hóa.

- Nếu chấp nhận yêu cầu của người mở thì nhất thiết vận đơn phải được lập theo lệnh của ngân
hàng phát hành. Trường hợp này, người mở TDT nhận được bản vận đơn gởi theo tàu nhưng
không thể nhận được hàng nếu không được ngân hàng phát hành đồng ý (bằng cách ký vào vận
đơn và ghi " To order of...Co. Ltd"). Ngân hàng sẽ phải thanh toán bất chấp tình trạng của chứng
từ xuất trình khi họ chấp thuận cho người mở TDT nhận hàng. Vận đơn lập theo lệnh ngân hàng
hoàn toàn bảo đảm an toàn cho chủ hàng (người hưởng) mà không gây khó khăn cho người nhận
hàng (người mở). Do vậy, không có lý do gì để người mở từ chối điều khoản vận đơn lập theo
lệnh ngân hàng.

Vận đơn, với tính lưu thông nên nó có giá trị chuyển nhượng. Do vậy, đại đa số TDT yêu cầu
xuất trình vận đơn theo lệnh, ít khi ghi tên đích danh người nhận hàng. Nếu ghi đích danh thì vận
đơn không chuyển nhượng được và chỉ có người được ghi tên được quyền nhận hàng.

Muốn trở thành biên lai nhận hàng, tất cả vận đơn đều phải được ký hậu (ngoài chữ ký của người
phát hành) bởi chủ hàng - tức là người xuất khẩu, hoặc bởi ngân hàng được chỉ đích danh/ ngân
hàng chiết khấu... tùy theo từng trường hợp.

Việc ký hậu là một tập quán quốc tế nhằm đảm bảo tính lưu thông của các chứng từ (hối phiếu,
vận đơn... ), đồng thời xác định trách nhiệm pháp lý của người ký, minh chứng sự chuyển
nhượng của mình cho người kế tiếp.

Thí dụ :

TDT yêu cầu vận đơn lập theo lệnh ngân hàng VIETCOMBANK

- Nếu Vietcombank là ngân hàng phát hành, thì sẽ ký hậu vận đơn, ghi (hoặc không ghi) "To
order of..." . Công ty A sẽ nhận hàng bằng vận đơn đó nhưng cũng có thể bán hàng bằng cách ký
hậu chuyển nhượng vận đơn mặc dù hàng chưa đến cảng, cho công ty B. Cứ thế vận đơn có thể
được bán cho nhiều người khác. Đến người cuối cùng muốn nhận hàng thì họ phải ghi hoặc ký
tên.

- Nếu Vietcombank là ngân hàng chiết khấu, Vietcombank sẽ ký hậu ghi hoặc không ghi (tùy
theo yêu cầu của TDT): "To order of Misubishi Bank". Nếu Vietcombank ký và ghi đích danh

66
Misubishi Bank thì ngân hàng này sẽ ký hậu tiếp, ghi (hoặc không ghi): "To order of...Co.Ltd"
(Người mở TDT/ người nhận hàng).

Có công ty xuất nhập khẩu do không nắm vững nguyên tắc này, đã ký vào vận đơn theo lệnh
Ngân hàng trước khi xuất trình. Tuy không đúng với thông lệ quốc tế song việc ký hậu vày
không ảnh hưởng đến việc thanh toán vì 2 lý do :

- TDT không cấm chủ hàng ký hậu vào vận đơn theo lệnh ngân hàng.

- Việc ký hậu này không có giá trị đối với việc chuyển nhượng và cũng không điều chỉnh tính
pháp lý của vận đơn.

Do vậy, ngân hàng không có quyền từ chối vận đơn được lập theo lệnh ngân hàng mà chủ hàng
ký hậu.

Khi đã ký hậu như trên, ngân hàng phát hành đã đồng ý chuyển nhượng quyền sở hữu vận đơn
(cũng chính là quyền sở hữu hàng hóa) cho người mở thì có nghĩa là họ "bán" hàng hóa đó cho
người mở TDT và do vậy ngân hàng phát hành không được quyền từ chối chứng từ dù có những
bất hợp lệ.

Vận đơn theo lệnh trống "To order", hoặc bất cứ theo lệnh của ai mà không phải là ngân hàng, thì
ngân hàng không cần ký thêm, người mua cũng có thể chiếm hữu hàng hóa bằng việc ký hậu của
chính mình hoặc của những bên có liên quan.

7. Một bản vận đơn ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng

Nếu ngân hàng phát hành khi được khách hàng yêu cầu mở TDT với một vận đơn gốc gửi theo
tàu thì nên quyết định như thế nào?

- Với vai trò là dịch vụ, phát hành TDT với số tiền ký quỹ đầy đủ, ngân hàng sẽ đồng ý những
điều kiện mà người mở đưa ra, kể cả một vận đơn gốc gửi theo tàu hàng để nhận hàng, được lập
theo lệnh trống hoặc theo lệnh của người mở (chứ không phải theo lệnh của ngân hàng). Nếu đã
nhận hàng người mở vẫn cứ từ chối thanh toán chứng từ (vì bất hợp lệ) do hàng thiếu, kém phẩm
chất, không đúng mẫu mãẳ hoặc bất cứ lý do nào khác) thì người hưởng chịu tổn thất, ngân hàng
không cần biết việc tranh chấp, kiện tụng sau đó giữa bên mua và bên bán.

- Đối với TDT trả chậm hoặc trả ngay nhưng mới ký quỹ một phần (20,30,50%) của giá trị thì
nên quy định vận đơn theo lệnh ngân hàng phát hành, toàn bộ vận đơn gốc phải xuất trình cho
ngân hàng.

Hãy phân tích một tình huống có thế xảy ra trong thực tế: Sau khi TDT được mở, ngân hàng phát
hành dấu hiệu thua lỗ, mất khả năng thanh toán, nguy có phá sản... của người mở. Để đảm bảo an
toàn, nhận được chứng từ ngân hàng sẽ kiểm tra kỹ và từ chối ngay khi có bất kỳ bất hợp lệ nào.
Như vậy, ngân hàng miễn trách nhiệm dù cho toàn bộ hoặc 2/3 vận đơn gốc được người hưởng
xuất trình thanh toán.

67
Nhưng chứng từ hoàn toàn không phù hợp mà người mở lại nhận hàng bằng một bản vận đơn
gốc gửi theo tàu không thông qua ngân hàng? Khả năng chi trả phần còn lại chưa ký quỹ của
TDT là không hiện thực? Hoặc hàng hóa được chứng minh là của người mở theo vận đơn bị tòa
án tịch thu áp dụng theo luật phá sản? Nhưng Nếu ngân hàng kiểm soát toàn bộ chứng từ thì họ
có quyền sở hữu hàng hóa đó vì họ đã/ sẽ phải thanh toán tiền hàng theo TDT cho phía bán hàng.
Rõ ràng sự an toàn của ngân hàng ở trường hợp này phụ thuộc vào sự vững vàng về chuyên môn,
nghiệp vụ, tính thận trọng và cả yếu tố kinh nghiệm.

8. Các Điều khoản và Điều kiện của vận đơn

Điều 26(b-ii) Bản điều lệ 400 chỉ nói một cách không dứt khoát là ngân hàng có thể không từ
chối vận đơn dẫn đến hợp đồng thuê tàu bằng một nguồn hay một chứng từ không phải bản thân
chứng từ vận tải. Nhưng Điều khoản này lại không nói rõ việc chấp nhận vận đơn với đầy đủ
điều khoản và điều kiện của các bên liên quan trong vận tải.

Bản Điều lệ 500 đã khẳng định: vận đơn phải bao gồm tất cả các điều khoản, các điều kiện vận
tải, quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan. Ngân hàng cũng chấp nhận loại vận đơn rút
gọn hoặc vận đơn trắng lưng. Mẫu vận đơn này là loại chỉ ghi tóm tắt điều khoản chính, những
nội dung chủ yếu của chuyên chở và giao nhận, còn những nội dung khác liên quan đến quyền
lợi và nghĩa vụ của người chuyên chở và người gửi hàng được dẫn chiếu ở một nguồn hay một
chứng từ khác. (Công ước quốc tế về chuyên chở: International Brussels Convention 1924,
1968).

Loại mẫu vận đơn rút gọn/ trống lưng này cũng được áp dụng vận đơn theo hợp đồng thuê tàu.
Vận đơn này có in chữ "to be used with charter parties". Nhưng vận đơn theo hợp đồng thuê tàu
không được chấp nhận (trừ khi nói rõ trong TDT) trong khi vận đơn rút gọn/ trống lưng không bị
từ chối ? Rõ ràng Điều khoản này còn có sự khập khiễng cần được khắc phục.

Vận đơn theo hợp đồng thuê tàu dẫn chiếu những điều kiện của hợp đồng thuê tàu. Điều này sẽ
gây khó khăn cho việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền của ngân hàng phát hành vì bản chất của TDT
là độc lập với các loại hợp đồng (Điều 3). Đó là lý do mà ICC không chấp nhận vận đơn theo
hợp đồng thuê tàu, trừ khi có quy định rõ trong TDT.

Trong thời đại phát triển khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong ngành vận tải biển, việc chuyên chở
bằng thuyền buồm vượt biển không an toàn và mâu thuẫn với các phương tiện kỹ thuật tiên tiến
mà bản điều lệ này đề cập. Trong nhiều luật biển và tập quán thương mại đều ngăn cản vận tải
trên biển bằng thuyền buồm. Do vậy WG vẫn duy trì nguyên tắc này, hợp với thông lệ và tập
quán quốc tế hiện nay.

9. Phù hợp với các quy định của Tín dụng thư

Muốn đạt được sự hoàn hảo, vận đơn phải lập theo đúng quy định của Điều khoản này đồng thời
phải thỏa mãn mọi yêu cầu của TDT.

68
Các điều kiện của Bản điều lệ này, thường có diễn đạt : "trừ khi TDT quy định khác" có nghĩa là
người mở và người hưởng có thể đồng ý với nhau những quy định riêng, hoặc có thể loại bỏ một
vài đặc điểm trong điều khoản, hoặc một và điều kiện của Bản điều lệ, nhằm phù hợp với thực
tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai phía. Do vậy, Điều 23 quy định chi tiết về vận đơn
đường biển nhưng khi TDT có những yêu cầu riêng (thí dụ : vận đơn chỉ do đại lý của người
chuyên chở cấp) thì vận đơn phải được lập đúng, có nghĩa vừa tuân thủ điều khoản 23 vừa thực
hiện đúng quy định của TDT. TDT quy định : "đã bốc lên tàu" phải được ký bởi người cấp vận
đơn thì vận đơn phải lập đúng như vậy, bất kể Điều 23 cho phép không cần ký xác thực.

Tóm lại, nhà xuất khẩu cần căn cứ vào quy định của TDT và Nếu không có quy định nào đặc biệt
thì căn cứ vào Bản điều lệ 500 để yêu cầu hàng tàu lập vận đơn, nhằm đạt được sự hoàn hảo
tuyệt đối của nó theo TDT.

B. Chuyển tải

Định nghĩa về chuyển tải được nói rõ trong phần B của điều khoản này. Tùy theo phương thức
vận tải, hành động chuyển tải và hệ quả tiếp theo của nó ở các phương thức đều khác nhau. Quy
tắc về chuyển tải này chỉ áp dụng cho phương thức chuyển tải cảng đến cảng, dựa vào ý kiến của
hãng vận tải các Hiệp hội chuyên chở đường biển.

Vận đơn cho suốt chuyến hành trình từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng được cấp tại cảng
SaiGon. Đến Singapore (nơi chuyển tải) các đại lý của người chuyên chở (hãng tàu) sẽ làm thủ
tục giao, nhận cho nhau bằng chứng từ và danh mục hàng hóa. Nếu hàng hóa trên liên quan đến
2 hãng tàu biển thì có thể người ta phát hành vận đơn địa hạt cho từng chặng đường, thay cho
Manifest. Cả hai loại chứng từ này chỉ có giá trị như là biên lai giao nhận hàng hóa giữa các đại
lý hoặc giữa người chuyên chở, không phải là chứng từ sở hữu hàng hóa như vận đơn đã được
giao cho chủ hàng (shipper) . Chủ hàng cũng không cần biết đến các chứng từ này vì chúng
thuộc nội bộ của giao dịch của nghiệp vụ vận tải biển.

Thực tế của ngành Công nghiệp vận tải thường gặp là hàng hóa có thể được chuyên chở từ cảng
A trực tiếp đến cảng B, nhưng đôi khi hàng được dỡ từ tàu lớn sang tàu bé hơn, có khả năng dễ
dàng cập cảng chính, hay cảng khu vực sâu trong đất liền, thường xảy ra đối với tàu Container,
tàu Lash quá đồ sộm cập cảng khó khăn. Trường hợp này, theo quan điểm của các nhà chuyên
chở, không thể coi là chuyển tải. Ngân hàng phải tôn trọng thực tiễn này và chấp nhận khi vận
đơn có ghi thêm sự bảo lưu của người vận tải quyền chuyển tải Nếu cần.

Một điều lưu ý là Bản Điều lệ cho phép người mở và người hưởng TDT lựa chọn, loại bỏ Điều
khoản nào mà thấy bất tiện cho cả hai bên. Do vậy, Nếu người mở cứ nhất thiết là cấm tất cả các
loại hình chuyển tải thì họ có thể ghi rõ trong TDT là không áp dụng phần B của Điều 23.
ĐIỀU 23 : VẬN ĐƠN ĐƯỜNG BIỂN

A. Nếu TDT yêu cầu vận đơn "cảng đến cảng", ngân hàng sẽ, trừ khi quy định khác trong TDT,
chấp nhận chứng từ dù được gọi như thế nào:

i. thể hiện trên bề mặt tên Người chuyên chở và được ký hoặc được xác thực bởi:

69
- Người chuyên chở hoặc đại lý đích danh thay mặt hay nhân danh người chuyên chở

hoặc:

- thuyền trưởng hoặc đại lý đích danh thay mặt hay nhân danh thuyền trưởng

Bất kỳ chữ ký hoặc sự xác thực nào của Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng phải được nhận
dạng là của Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng, tùy từng trường hợp. Một đại lý ký tên hoặc
xác thực cho Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng phải ghi rõ tên và quyền hạn của bên đó, có
nghĩa là Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng, mà đại lý đó làm đại diện

ii. thể hiện hàng hóa đã được bốc lên, hoặc xếp trên một tàu đích danh

Việc bốc hàng lên hoặc xếp hàng trên con tàu đích danh có thể được biểu thị bằng chữ in sẵn trên
vận đơn là hàng hóa đã được bốc lên tàu đich danh hoặc xếp trên tàu đích danh, trong trường hợp
này, ngày phát hành của vận đơn sẽ được coi là ngày bốc hàng lên tàu và là ngày giao hàng.

Trong mọi trường hợp khác, việc bốc hàng và ngày bốc hàng lên tàu đích danh phải được chứng
minh bằng cách ghi chú trên vận đơn, trong trường hợp này, ngày bốc hàng sẽ được coi là ngày
giao hàng.

Nếu vận đơn có ghi chữ "tàu dự định" hoặc một từ tương tự về con tàu, thì việc bốc hàng lên con
tàu đích danh phải được chứng minh bằng cách ghi rõ trên vận đơn là hàng đã được bốc lên tàu,
và ngoài việc ghi ngày mà hàng hóa đã được bốc lên tàu phải ghi thêm tên con tàu mà hàng hóa
được bốc lên, ngay cả khi chúng đã được bốc lên đúng con tàu được ghi là "tàu dự định".

Nếu Vận đơn ghi nơi nhận hàng hoặc nhận để gởi khác với cảng bốc, thì ngoài việc ghi chú hàng
đã bốc lên tàu còn phải ghi thêm tên cảng bốc hàng được quy định trong TDT và tên con tàu mà
hàng hóa được bốc lên, dù chúng đã được bốc lên con tàu ghi đích danh trên vận đơn. Điều
khoản này cũng được áp dụng ngay cả khi việc bốc hàng lên tàu đã được in sẵn trên vận đơn,

iii ghi rõ cảng bốc hàng và cảng dỡ hàng như quy định trong TDT, bất kể vận đơn:

a. ghi nơi nhận hàng để gởi khác với cảng bốc hoặc ghi nơi đến cuối cùng khác với cảng dỡ

và/hoặc

b. có từ "dự định" hoặc từ tương tự nói về cảng bốc và/hoặc cảng dỡ, miễn là vận đơn có ghi
cảng bốc và/hoặc cảng dỡ nêu trong TDT.

70
iv. bao gồm một bản vận đơn gốc duy nhất, hoặc nếu phát hành nhiều hơn một bản gốc thì trọn
bộ bản chính được phát hành

v. thể hiện toàn bộ các điều khoản và điều kiện chuyên chở, hoặc một số các điều khoản và điều
kiện như thế bằng cách dẫn chiếu đến một nguồn hay một chứng từ không phải bản thân vận đơn
(vận đơn rút gọn hoặc vận đơn trắng lưng), ngân hàng sẽ không kiểm tra nội dung các điều
khoản và điều kiện đó và

vi. không ghi chú là chứng từ này phụ thuộc vào hợp đồng thuê tàu và/hoặc không thể hiện là
con tàu chở hàng chỉ chạy bằng buồm

vii tất cả các điểm khác đáp ứng mọi yêu cầu của TDT

B. Với mục đích của Điều khoản này, chuyển tải có nghĩa là dỡ hàng từ một con tàu và bốc lên
một tàu khác trong quá trình chuyên chở trên biển từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng quy định
trong TDT.

C.Trừ khi TDT không cho phép chuyển tải, ngân hàng sẽ chấp nhận vận đơn ghi rõ hàng hóa sẽ
được chuyển tài, miễn là toàn bộ viềc chuyên chở đường biển được sử dụng bởi một và cùng một
vận đơn.

D. Ngay cả khi TDT không cho phép chuyển tải, ngân hàng sẽ chấp nhận vận đơn:

i. ghi rõ việc chuyển tải sẽ xảy ra trong chừng mực mà hàng hóa liên quan được gởi bằng (các)
công-ten-nơ, moóc, sà lan Lash như đã chứng minh trong vận đơn, miễn là toàn bộ việc chuyên
chở đường biển được sử dụng bởi một và cùng một vận đơn,

và/hoặc

ii. có các điều khoản in sẵn quy định rằng Người chuyên chở có quyền chuyển tải.

Thay đổi cơ bản và quan trọng nhất của Bản điều lệ 500 so với các Bản điều lệ trước là phần nói
về chứng từ vận tải.

Rất nhiều vấn đề nảy sinh trong giao dịch Tín dụng chứng từ liên quan đến chứng từ vận tải theo
Bản điều lệ 400. Cụ thể, Tài liệu số xuất bản 457 (Case studies on Documentary Credits) nêu 35
trường hợp, Tài liệu số 489 nêu 19 trường hợp và Tàl liệu số 494 nêu 3 trường hợp. ICC đã cố
giải thích, nêu ra giải pháp theo quan điểm của mình, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, bất đồng
vẫn là mối trở ngại lớn khiến các Phòng Thương mại quốc gia yêu cầu ICC có biện pháp nêu ra
điều luật cụ thể cho chứng từ vận tải, theo từng phương thức chuyên chở nhằm giảm bớt tranh
chấp giữa các bên liên quan.

71
Có 8 loại chứng từ vận tải được nêu thành Quy tắc ở 8 điều khoản (từ Điều 23 đến 30) trong lúc
đó chỉ có 3 loại được để cập trong Bản điều lệ 400. Đây là một nỗ lực lớn, là một cố gắng và tiến
bộ của WG trong việc soạn thảo Điều luật nhằm đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn hoạt động
thương mại và dịch vụ trên thế giới.

Mỗi loại chứng từ vận tải có những chức năng và đặc thù riêng của nó. oôs gắng của WG LÀ
phân loại chứng từ vận tải nhằm hạn chế việc hiểu sai và áp dụng không đúng những chứng từ
này, như đã từng phát sinh trong thời kỳ Bản điều lệ 400 đang còn có giá trị. Nếu không làm
được như vậy có nghĩa là vẫn thừa nhận sự mập mờ trong TDT về những phương thức vận tải
được chấp nhận trên thế giới.

Điều khoản 23 chỉ dành riêng cho loại vận đơn (VĐ) đường biển, được viết lại từ Điều 26 Bản
Điều lệ 400 bao gồm 2 loại vận đơn được đề cập.

Vận đơn đường biển (Marine/Ocean Bill of lading) đúng như tiêu đề của nó, là chứng từ vận tải,
thể hiện quá trình vận tải từ cảng đến cảng. Nghĩa là chỉ có phương tiện vận tải là tàu thủy. chứ
không phải là tàu hoả, máy bay..., bắt đầu từ 1 cảng biển và kết thúc cũng tại 1 cảng biển. Hiểu
điều này của vận đơn đường biển để ta phân biệt với chứng từ vận tải hỗn hợp (Combined/
Multimodal transport documents) và các loại khác sẽ đề cập ở các điều khoản sau.

Vận đơn đường biển có 3 chức năng:

- Vận đơn là bằng chứng xác nhận hợp đồng chuyên chở đã được ký kết, thực hiện và chỉ rõ nội
dung của Hợp đồng đó. Đồng thời nó xác định quan hệ pháp lý giữa Người chuyên chở với chủ
hàng, đặc biệt là giữa Người chuyên chở và Người nhận hàng.

- Vận đơn là biên lai của Người chuyên chở xác nhận đã nhận hàng để chở (nếu vận đơn "đã
bốc" nó còn xác định được nghĩa vụ và trách nhiệm của người chuyên chở đối với hàng hoá).
Người chuyên chở chỉ giao hàng cho ai xuất trình trước tiên vận đơn hợp lệ (có chữ ký chuyển
nhượng, xác thực của ngân hàng...) mà họ ký phát tại cảng bốc hàng.

- Vận đơn là chứng từ xác thực quyển sẽ hữu đối với hàng hóa miêu tả trong vận đơn. Do vậy, nó
là chứng từ có giá trị lưu thông (negotiable), được dùng mua bán, cầm cố, chuyển nhượng.

Do các Luật và văn bản dưới Luật về kinh tế của Việt nam còn thiếu và chưa đồng bộ nên không
có văn bản nói về nguyên tắc chuyển nhượng, lưu thông các chứng từ có giá (hối phiếu, vận
đơn...) và trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan nên đã hạn chế chức năng của vận đơn
đường biển. Chưa có công ty nào dám mua hàng nhập khẩu của phía đối tác theo vận đơn gốc
được chuyển giao từ ngân hàng trong khi hàng chưa đến cảng, bằng phương thức ký hậu chuyển
nhượng. Vận đơn lúc này chỉ là bằng chứng về sở hữu hàng hóa của nhà nhập khẩu mà thôi.

Các ngân hàng thương mại tận dụng chức năng thứ 3 của vận đơn đường biển nhằm bảo vệ cho
chính họ. Ngân hàng khống chế vận đơn, tức là kiểm soát hàng hóa cũng có nghĩa là nắm tiền.
Trong bất luận trường hợp nào, vận đơn chỉ được giao cho người mở TDT sau khi đã thanh toán

72
bộ chứng từ xuất trình đòi tiền. Nhưng nó là 1 loại chứng từ phức tạp nhất, dễ bị bất hợp lệ nhất
và dễ phát sinh tranh chấp nhất.

A. Những quy định của vận đơn đường biển:

1. Vận đơn ghi tên Người Chuyên chở – Hãng Vận tải

Nếu TDT yêu cầu xuất trình vận đơn đường biển ("Marine" hoặc "Ocean B/L") thì ngân hàng sẽ
chấp nhận vận đơn với những tiêu đề (Letter head) khác nhau.

"However named": "với tên gọi như thế nào", tức là với tiêu đề như thế nào được ghi trên vận
đơn, miễn là nội dung được miêu tả của nó thoả mãn với các yêu cầu của điều khoản này và quy
định của TDT.

Tiêu đề thực ra không quan trọng vì nó chưa mô tả được thực chất của cuộc hành trình hàng hóa.
Mỗi hãng tàu có tiêu đề riêng cho mẫu vận đơn của mình. Có mẫu vận đơn chỉ ghi "Bill of
lading" không thôi, nhưng áp dụng cho cả phương thức vận tải đường biển lẫn vận tải liên hợp,
vì nó có cả phần ghi vận tải trên biển (port of loading), vận tải đường bộ (onward iniand routing).
Có vận đơn với tiêu đề "Direct or with transshipment combined transport Bill of lading" hoặc
"Bill of lading for Multimodal transport or port-to-port" hoặc 'Bill of lading for Multimodal
transport or port-to-port".. Điều này có nghĩa là các mẫu vận đơn này được dùng hoặc như là vận
đơn đường biển, hoặc như là vận đơn hỗn hợp tùy theo yêu cầu và thực tế chuyên chở.

Trong thực tế ta hay gặp mẫu vận đơn có tiêu đề "Bill of Lading for Combined Transport or Port-
to-Port Shipment"?

Hãy lấy 5 mẫu vận đơn sau để minh họa cho sự phân tích sau đây.

1 . Liner Bill of lading

(for Combined Transport or Port-to-Port Shipment" (Mẫu số 1)

2. Bill of lading (Mẫu số 2)

3. Bill of Lading for combined transport shipment or port - to - port shipment (Mẫu số 3)

4. Ocean Bill of Lading (Mẫu số 4)

5. Through Bill of Lading (Mẫu số 5)

6. Charter party Bill of lading (Mẫu số 6)

Các vận đơn này phải được ghi rõ tên của người chuyên chở, tức là công ty vận tải, người phát
hành vận đơn. Đây là yêu cầu rất cơ bản mà Bản điều lệ cũ không đề cập tới. Tất cả 5 mẫu vận
đơn trên đều được in tên công ty vận tải:

73
MẪU 1 : SCHIFFAHRT HANDEL + LOGISTlK GmbH

MẪU 2 : WORLD CLASS FRELGHT, INC.

MẪU 3 : NZ - ORlENT LINE C.V.

MẪU 4 : SPECARGO SEABRLDGE LINE

MẪU 5 : VISA FRELGHT SERVICES PTE LTD

(Riêng Mẫu số 6, vận đơn không thể hiện tên người chuyên chở: Carrier)

2. Việc thể hiện chức năng của phía ký phát vận đơn

Điều 26 của Bản điều lệ 400 chỉ cho phép 2 đối tượng được ký: người chuyên chở (công ty vận
tải) hoặc đại lý của nó. Do vậy đã nảy sinh tranh chấp khi vận đơn do thuyền trưởng (master) ký
(mẫu đơn số 6). Việc nhìn nhận vấn đề này của từng ngân hàng khác nhau. Loại vận đơn in sẵn
chữ"For master" nếu thuyền trưởng ký mà không ghi"As agent" (theo đúng Bản điều lệ 400) thì
bị ngân hàng từ chối. Thậm chí có những ngân hàng từ chối những vận đơn được ghi đầy đủ như
vậy. Nhưng ICC giải thích là không cần phải ghi thêm"As agent" vận đơn trên vẫn được chấp
nhận, Nếu không phải là vận đơn giao nhận-Forwarder's Bill of lading (Tài liệu ICC số xuất bản
489 – trang 74, 75, 76, số xuất bản 494 – trang 28). Điều này thể hiện những khiếm khuyết của
các Bản điều lệ cũ và sự không đồng nhất của Quy tắc ngân hàng và tập quán vận tải quốc tế.

Theo Luật Vận tải Quốc tế, vận đơn cơ bản được thuyền trưởng ký. Nhưng, trong thực tế giao
dịch, thuyền trưởng không thường xuyên ký mà đại lý của người vận tải (carrier) hợp với chiều
hướng phát triển của vận tải đường biển. Tuy nhiên khi ký vận đơn, thuyền trưởng luôn hành
động nhân danh và vì lợi ích của công ty vận tải / người ký hợp đồng chuyên chở.

Vậy Bản điều lệ 500 quy định 2 đối tượng chính được ký vận đơn đường biển(Ocean/Marine Bill
of lading), đó là :

- Người chuyên chở.

- Thuyền trưởng của con tàu chở hàng.

Đối tượng thứ 3 sẽ là:

- Đại lý của người chuyên chở hoặc của thuyền trưởng.

Trong thực tế, đại đa số vận đơn được ký bởi các đại lý của hãng tàu / công ty vận tải vì nó phù
hợp và thuận tiện trong thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính khác, kể cả thủ tục của ngân
hàng các nước sở tại.

74
Bất cứ ai ký vận đơn ngoài việc ghi tên công ty đầy đủ hoặc tên của thuyền trưởng, đều phải ghi
rõ:

- Là người chuyên chở.

Hoặc :

- Là thuyền trưởng

Nếu vận đơn được ký bởi đại lý của hãng tàu hoặc của thuyền trưởng, thì phải ghi rõ :

- Tên của hãng tàu, hoặc của thuyền trưởng (mà nó làm đại lý), và

- Quyền hạn của hãng tàu, hoặc của thuyền trưởng (mà nó là đại lý).

Thí dụ :

1. Vận đơn do người chuyên chở (hãng vận tải) ký:

2. Vận đơn do thuyền trưởng ký:

3. Vận đơn do Đại lý của hãng vận tải ký:

4. Vận đơn do Đại lý của thuyền trưởng ký:

Trong khi đó, theo Bản điều lệ 400, vận đơn được chấp nhận khi chỉ cần ký và ghi:

Qua phân tích và thí dụ trên ta thấy được sự chặt chẽ và đầy đủ về pháp lý của quy định khi lập
vận đơn của Bản điều lệ 500.

Điều lưu ý là nếu vận đơn đã in sẵn chữ "CARRIER" để thể hiện chức năng của hãng / công ty
vận tải là "Người chuyên chở" thì khi ký cấp vận đơn, đại lý tàu biển không cần ghi lại tên của
hãng vận tải đó nữa. Thí dụ mẫu vận đơn đã in:

Carrier : Mitsui O.S.K.Line

thì Vietfracht khi ký cấp vận đơn chỉ cần ghi"As agent for the Carrier" (mà không cần ghi thêm
tên công ty vận tải), hoặc "As agent for Misui O.S.K.Line" (mà không cần ghi thêm "the
Carrier"). Tuy nhiên phần lớn các loại vận đơn đều không in sẵn chữ"Carrier" do vậy lúc ký vận
đơn, nhà xuất khẩu cần kiểm tra và yêu cầu đại lý tàu biển phải lập đúng theo quy định của Điều
khoản này.

3. "Hàng đã bốc" được thể hiện trên bề mặt vận đơn như thế nào?

75
Nói chung TDT đều yêu cầu xuất trình vận đơn đường biển "đã bốc". Đây là một thông lệ đối với
vận tải và thương mại quốc tế. Khi hàng đã được bốc lên tàu hoặc đã ở trên boong tàu, người
chuyên chở mới chịu trách nhiệm pháp lý đối với hàng hóa đó. Đồng thời người bán cũng chứng
minh được nghĩa vụ của mình đối với hợp đồng thương mại đã ký với người mua. Thuật ngữ "đã
bốc" tùy theo từng mẫu vận đơn, tùy theo trường hợp giao nhận và chuyên chở, được thể hiện
trên bề mặt vận đơn theo 3 trường hợp sau:

-Vận đơn đã in sẵn"shipped on board" thì đương nhiên chỉ được người chuyên chở/ thuyền
trưởng/ đại lý cấp khi hàng đã được bốc lên tàu. Như vậy không cần ghi gì thêm trên vận đơn để
chứng minh là hàng đã được bốc. Loại vận đơn này, ngày phát hành của chính là ngày hàng bốc
lên tàu, có nghĩa là ngày giao hàng.

Vận đơn mà "sipped on board" được in sẵn thường được thể hiện bằng diễn đạt:

-"Shipped on board the above named ship in apprent..." hoặc

-"Shipped at the port of ladding in apparent good order..."

Hiện nay mẫu đơn này càng ít được dùng vì tính kém linh hoạt và ít đa dạng của nó trong giao
nhận, vận tải quốc tế. Các mẫu vận đơn còn lại gọi là vận đơn "nhận để bốc", được biểu hiện
bằng các thuật ngữ sau:

-"Taken in charge in appearance good order and condition...,at the place of receipt..."

"Receipt by the carrier the goods..."

Bản thân vận đơn với các biểu hiện những từ ngữ như vậy hoàn toàn không thoả mãn được yêu
cầu của TDT là phải xuất trình vận đơn đã bốc. Người bán chưa thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của
mình theo hợp đồng đã ký. Hãng vận tải/ đại lý chỉ mới "nhận để bốc" chứ chưa bốc hàng lên
boong tàu. Muốn trở thành vận đơn đã bốc phải được người ký cấp vận đơn ghi thêm vào trên
vận đơn, đồng thời ghi ngày tháng. Như vậy, ngày của "hàng lên tàu" chính là ngày giao hàng.

Tất cả các mẫu vận đơn đều có các ô ghi các phần về:

- Những phương tiện vận tải tham gia chuyên chở hàng hóa.

- Nơi nhận và cảng bốc lên tàu của hàng hóa.

- Cảng dỡ hàng và nơi đến cuối cùng.

Phương thức chuyên chở, vận tải trên thế giới ngày càng phát triển và đa dạng. Hàng được nhận
một nơi là cảng nằm sâu trong nội địa được chuyên chở bằng con tàu nhỏ tới cảng biển để bốc
lên tàu vượt đại dương. Quá trình này có thể gồm 2 tàu liên quan đều thể hiện hiện trên vận đơn:

Thí dụ:

76
Trong trường hợp này, thuật ngữ "on board" sẽ được ghi trên vận đơn, gồm cả ngày tháng và tên
tàu mặc dù thực sự hàng đã được bốc lên tàu "Med Marseille"

Nguyên tắc ghi "on board" này được áp dụng cho tất cả các mẫu vận đơn, kể cả loại đã in sẵn
"on board"

Hãy phân tích ở góc độ đa dạng hơn của phương thức vận tải biển để hiểu rõ trường hợp thứ 3:

Giả sử Điều khoản giao hàng của TDT : "Shipment from Ben Nghe port (Hochiminh City) to
P.S.A Container port, East Lagoon (Singapore)". Hàng được tập kết và được hãng tàu nhận tại
Tân cảng chở tới Bến Nghé bằng tàu Sông Đà, để bốc lên tàu biển Bremen Express đi Singapore.
Như vậy, quá trình này liên quan 2 cảng đi (Tân cảng và Bến Nghé), cảng đến (Singapore) và 2
tàu chuyên chở : Sông Đà và Bremen Express, được thể hiện trên vận đơn:

Vậy "on board" phải được ghi rõ trên vận đơn ngư sau:

" shipped on board

M/V BREMEN EXPRESS at

BEN NGHE Port

on 20 may 1997 "

Mặc dù hàng được nhận tại Tân cảng (taken in charge at New port) nhưng vẫn giao đúng cảng
Bến Nghé (port of loading) theo quy định của TDT. Cảng Bến Nghé mới là nơi giao hàng (port
of shipment/shipment from BEN NGHE) vì tại nơi này hàng thực sự mới được "on board" tàu
BREMEN EXPRESS (tàu đi biển). Tân cảng chỉ là nơi hàng được nhận, chứ chưa biết được
hàng đó sẽ được bốc lên tàu nào (có thể là một tàu theo dự kiến: intended vessel), ngày nào, ở
đâu. Tàu Sông Đà không phảỉ là tàu đi biển và chuyên chở chính. Tàu dự kiến BREMEN
EXPRESS (intended vessel) là con tàu thực sự bốc hàng, là tàu biển (ocean vessel), tức là
phương tiện chuyên chở có hành trình cảng đến cảng (port to port carrier) phải được minh chứng
bằng cách ghi rõ như vậy trên vận đơn.

Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả các mẫu vận đơn, kể cả các mẫu vận đơn, kể vả vận đơn đã in
sẵn "on board". điều này cũng dễ hiểu, vì chỉ ghi "on board" chung chung, không ai có thể xác
định được hàng bốc lên tàu nào, cảng nào và có đúng ngày của vận đơn không.

4. Xác thực "shipped on Board"/"On board" không cần phải ký/ký tắt và đóng dấu.

Một điều cần lưu ý là Bản điều lệ 500 không yêu cầu "on board" khi được ghi thêm phải ký
thường hoặc ký tắt (trừ khi TDT bắt buộc). Cho đến nay, các công ty xuất khẩu đều yêu cầu đại
lý/ hãng tàu/ thuyền trưởng ký vào phần này trên vận đơn, điều này không cần thiết.

77
Để đi đến quyết định loại bỏ việc ký xác thực vào "on board" trên vận đơn, WQ đã nhận được 2
loại ý kiến trái ngược nhau của các Phòng Thương mại quốc gia. Các vấn đề được đem ra phân
tích và xem xét theo 2 hướng sau:

- "On board" có thể được ký bởi một người có thẩm quyền nhưng không phải là người ký cấp
vận đơn. hoặc có thể là một người nhưng chỉ ký tắt hoặc 2 chữ ký của 1 người lại không giống
nhau… Tất cả những phát sinh như vậy gây ra khó khăn cho ngân hàng khi xác minh chữ ký của
vận đơn xuất trình. Nếu người ký tắt ở phần "on board" không có trong hồ sơ kiểm soát của ngân
hàng (thí dụ người này chỉ là cán bộ cấp dưới (junior officer) nhưng lại được uỷ quyền), hoặc
chữ ký ở 2 nơi trên vận đơn không giống nhau thì liệu ngân hàng từ chối không? Và từ chối trên
cơ sở nào?… Trách nhiệm của ngân hàng càng thêm nặng và ở một lúc nào đó, có thể gây phiền
hà cho người hưởng trong vấn đề thanh toán. Quan điểm của WQ thì gánh nặng này không thể
do ngân hàng chịu.

- Tầm quan trọng của sự miêu tả "on board" có thể tương đương với "freight prepaid" / "freight
to collect" /" freight to be paid at destination"… Thế nhưng thuật ngữ sau lại không cần xác thực
bằng chữ ký?

WQ quyết định bãi bỏ yêu cầu ký hoặc ký tắt xác thực ghi chú "on board" ở vận đơn.

5. Cảng bốc, Cảng dỡ - Nơi nhận hàng, nơi đến cuối cùng

Phần iii của Điều khoản này sẽ được giải thích bằng tình huống giao hàng ở thí dụ trên.

Vận đơn xuất trình bao gồm các chi tiết :

- Cảng nhận hàng : Tân cảng, khác với cảng bốc : Bến Nghé.

- Nơi đến cuối cùng, khác với cảng dỡ: Singapore

- Tàu dự kiến (bốc hàng): BREMEN EXPRESS

đều được chấp nhận là hợp lệ.

Hiện nay vẫn còn một số mẫu vận đơn có ghi các phần:

"Cảng bốc theo dự kiến" và "Cảng dỡ theo dự kiến", tuy rất ít gặp. Các ô này khi được sử dụng
để ghi tên cảng thì ngân hàng vẫn chấp nhận với điều kiện vận đơn cũng phải ghi rõ cảng thực sự
bốc và dỡ hàng.

Vận đơn phải được ghi thêm :

Quy định này nhằm tránh những trường hợp đã xảy ra là một số hãng vận tải đã không bốc và dỡ
hàng ở các cảng theo như hợp đồng đã ký kết, bằng cách nêu ra "Các Cảng dự định" mà không

78
phải là cảng thực sự bốc, dỡ hàng. Do vậy, vận đơn với cảng "dự kiến" sẽ không đáp ứng được
điều kiện vận tải Cảng - Cảng nếu không ghi rõ cảng bốc và cảng dỡ hàng thực sự.

6. Bộ vận đơn đầy đủ được xuất trình

Như đã phân tích trên, vận đơn là chứng từ quan trọng nhất trong các chứng từ giao hàng nên
phải được kiểm soát bởi ngân hàng để không chế hàng hoá, đổi lấy việc thanh toán và nhận hàng.
Điều IV yêu cầu phải xuất trình bản độc nhất của vận đơn hoặc toàn bộ vận đơn được cấp. Thông
thường vận đơn được lập 3 bản (bản 1, bản 2, và bản 3). Ba bản có giá trị ngang nhau. Một trong
chúng được sử dụng để nhận hàng thì các bản còn lại hết giá trị. Tuy nhiên cũng có hãng tàu cấp
2 bản, thậm chí chỉ 1 bản duy nhất cho một lô hàng. Cách diễn giải chặt chẽ của Điểm này nhằm
bổ sung những phần mà Bản điều lệ 400 không đề cập.

Nhân đây xin đề cập đến điều khoản về xuất trình vận đơn theo TDT:

Tín dụng thư không nên quy định cụ thể các bản chính vận đơn (thí dụ 3/3 bản) mà chỉ cần nói
một bộ đầy đủ là được. Như thế sẽ không gây trở ngại cho người hưởng nếu họ được cấp một
bản duy nhất hoặc 2/2 bản gốc vận đơn. Tuy nhiên Nếu người mở yêu cầu cụ thế số bản gốc vì
mục đích nào đó, thì cần ghi rõ trong TDT, chẳng hạn: Toàn bộ vận đơn gốc 3/3.

Một bản vận đơn được gửi theo hàng hoá đến cảng dỡ để người mở TDT nhận hàng, các bản còn
lại được xuất trình tại ngân hàng. Điều này sẽ có lợi, có hại cho ai?

Trong thực tiễn buôn bán quốc tế, không ít trường hợp hàng đến cảng trước khi người mua nhận
được chứng từ vận tải. Đó là những giao dịch giữa khách hàng của 2 nước gần nhau: các nước
trong ASEAN, hoặc Việt Nam với Thái Lan, Singapore...Tàu thủy chỉ đi trong vòng 2- 3 ngày,
trong lúc đó chứng từ phải soạn thảo, qua thủ tục 2 ngân hàng, gởi qua bưu điệnẳ sẽ không dưới
1 tuần từ người hưởng đến người mở TDT. Để thuận tiện cho việc nhận hàng mà không cần bảo
lãnh của ngân hàng, người mở TDT yêu cầu 1 bản vận đơn gốc được gửi theo hàng hóa hoặc
được Người Bán gửi trực tiếp cho Người Mua. Chứng từ gốc sẽ được sử dụng để nhận hàng thay
cho chứng từ qua ngân hàng.

Nếu chứng từ được ngân hàng xác định là bất hợp lệ trong khi người mở TDT đã nhận hàng bằng
chính bản vận đơn gốc gởi theo tàu vận tải, lại từ chối không thanh toán? Trong trường hợp này,
trách nhiệm thanh toán thuộc về người mở TDT, hay ngân hàng phát hành?

Về góc độ pháp lý, ngân hàng miễn trách nhiệm vì ngân hàng chỉ liên quan và giao dịch bằng
chứng từ không liên quan đến hàng hóa, các dịch vụ khác (Điều 4). Chứng từ, theo nghĩa của
Bản điều lệ, là chứng từ xuất trình tại ngân hàng, chứ không phải chứng từ gửi theo hàng hóa,
ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng. Ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm nếu không nắm giữ, hoặc
trả lại cho người hưởng những chứng từ mà nó nhận được từ phía xuất trình (Điều 14).

TDT được phát hành dựa trên sự thỏa thuận giữa 2 bên mua và bán. Ngân hàng thực hiện chỉ thị
của người mở TDT và đương nhiên sẽ không chịu trách nhiệm Nếu người mở có hành động thiếu

79
thiện chí, không chân thực, thậm chí lừa đảo. Rủi ro thuộc về người hưởng vì họ không nắm chắc
nghiệp vụ và chọn nhầm đối tác.

Tài liệu ICC số xuất bản 459 (1989), nói vấn đề này như sau :

"Trường hợp TDT quy định 1 bản vận đơn gốc gửi trực tiếp cho người mở, hoặc chuyển giao cho
thuyền trưởng để người mở có điều kiện nhận hàng trước khi TDT được thanh toán, Tiểu ban
Ngân hàng khẳng định rằng chính người hưởng - người đã chấp nhận TDT đó sẽ phải chấp nhận
rủi ro phát sinh"

Tất nhiên trong quan hệ làm ăn, phải tính đến yếu tố tin tưởng lẫn nhau. Có thể rủi ro xảy ra
ngoài ý muốn của 2 phía. Năm 1989, một đơn vị xuất nhập khẩu Việt Nam xuất sắt phế liệu cho
công ty Hồng Kông. TDT cũng yêu cầu 1 bản vận đơn gốc gửi theo tàu. Bộ chứng từ bất hợp lệ,
ngân hàng phát hành từ chối, trả lại cho phía Việt Nam. Một kết cục không tốt đẹp đối với đơn vị
xuất nhập khẩu là người mua bị phá sản, tài sản được thanh lý theo luật trong đó có lô sắt phế
liệu xuất khẩu của Việt Nam vì hàng hóa được chứng minh là của người mua bằng vận đơn gửi
theo tàu (vận đơn lập theo lệnh).

Khi nhận được TDT có điều khoản một bản vận đơn gốc gửi theo hàng như trên, nhà xuất khẩu
cần lưu ý:

- Phải xem xét các yếu tố: uy tín và khả năng của người mở TDT, mối quan hệ làm ăn, khả năng
xấu nhất có thể xảy ra (người mua vỡ nợ, phá sản... ) trị giá, phẩm chất hàng hóa (hàng dễ biến
chất theo thời gian hay hàng lâu bền... ), mức độ biến động giá cả hàng hóa, tình hình giao nhận,
chuyên chở.. để quyết định chấp nhận hay yêu cầu sửa đổi TDT nhằm khống chế, kiểm soát hàng
hóa.

- Nếu chấp nhận yêu cầu của người mở thì nhất thiết vận đơn phải được lập theo lệnh của ngân
hàng phát hành. Trường hợp này, người mở TDT nhận được bản vận đơn gởi theo tàu nhưng
không thể nhận được hàng nếu không được ngân hàng phát hành đồng ý (bằng cách ký vào vận
đơn và ghi " To order of...Co. Ltd"). Ngân hàng sẽ phải thanh toán bất chấp tình trạng của chứng
từ xuất trình khi họ chấp thuận cho người mở TDT nhận hàng. Vận đơn lập theo lệnh ngân hàng
hoàn toàn bảo đảm an toàn cho chủ hàng (người hưởng) mà không gây khó khăn cho người nhận
hàng (người mở). Do vậy, không có lý do gì để người mở từ chối điều khoản vận đơn lập theo
lệnh ngân hàng.

Vận đơn, với tính lưu thông nên nó có giá trị chuyển nhượng. Do vậy, đại đa số TDT yêu cầu
xuất trình vận đơn theo lệnh, ít khi ghi tên đích danh người nhận hàng. Nếu ghi đích danh thì vận
đơn không chuyển nhượng được và chỉ có người được ghi tên được quyền nhận hàng.

Muốn trở thành biên lai nhận hàng, tất cả vận đơn đều phải được ký hậu (ngoài chữ ký của người
phát hành) bởi chủ hàng - tức là người xuất khẩu, hoặc bởi ngân hàng được chỉ đích danh/ ngân
hàng chiết khấu... tùy theo từng trường hợp.

80
Việc ký hậu là một tập quán quốc tế nhằm đảm bảo tính lưu thông của các chứng từ (hối phiếu,
vận đơn... ), đồng thời xác định trách nhiệm pháp lý của người ký, minh chứng sự chuyển
nhượng của mình cho người kế tiếp.

Thí dụ :

TDT yêu cầu vận đơn lập theo lệnh ngân hàng VIETCOMBANK

- Nếu Vietcombank là ngân hàng phát hành, thì sẽ ký hậu vận đơn, ghi (hoặc không ghi) "To
order of..." . Công ty A sẽ nhận hàng bằng vận đơn đó nhưng cũng có thể bán hàng bằng cách ký
hậu chuyển nhượng vận đơn mặc dù hàng chưa đến cảng, cho công ty B. Cứ thế vận đơn có thể
được bán cho nhiều người khác. Đến người cuối cùng muốn nhận hàng thì họ phải ghi hoặc ký
tên.

- Nếu Vietcombank là ngân hàng chiết khấu, Vietcombank sẽ ký hậu ghi hoặc không ghi (tùy
theo yêu cầu của TDT): "To order of Misubishi Bank". Nếu Vietcombank ký và ghi đích danh
Misubishi Bank thì ngân hàng này sẽ ký hậu tiếp, ghi (hoặc không ghi): "To order of...Co.Ltd"
(Người mở TDT/ người nhận hàng).

Có công ty xuất nhập khẩu do không nắm vững nguyên tắc này, đã ký vào vận đơn theo lệnh
Ngân hàng trước khi xuất trình. Tuy không đúng với thông lệ quốc tế song việc ký hậu vày
không ảnh hưởng đến việc thanh toán vì 2 lý do :

- TDT không cấm chủ hàng ký hậu vào vận đơn theo lệnh ngân hàng.

- Việc ký hậu này không có giá trị đối với việc chuyển nhượng và cũng không điều chỉnh tính
pháp lý của vận đơn.

Do vậy, ngân hàng không có quyền từ chối vận đơn được lập theo lệnh ngân hàng mà chủ hàng
ký hậu.

Khi đã ký hậu như trên, ngân hàng phát hành đã đồng ý chuyển nhượng quyền sở hữu vận đơn
(cũng chính là quyền sở hữu hàng hóa) cho người mở thì có nghĩa là họ "bán" hàng hóa đó cho
người mở TDT và do vậy ngân hàng phát hành không được quyền từ chối chứng từ dù có những
bất hợp lệ.

Vận đơn theo lệnh trống "To order", hoặc bất cứ theo lệnh của ai mà không phải là ngân hàng, thì
ngân hàng không cần ký thêm, người mua cũng có thể chiếm hữu hàng hóa bằng việc ký hậu của
chính mình hoặc của những bên có liên quan.

7. Một bản vận đơn ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng

Nếu ngân hàng phát hành khi được khách hàng yêu cầu mở TDT với một vận đơn gốc gửi theo
tàu thì nên quyết định như thế nào?

81
- Với vai trò là dịch vụ, phát hành TDT với số tiền ký quỹ đầy đủ, ngân hàng sẽ đồng ý những
điều kiện mà người mở đưa ra, kể cả một vận đơn gốc gửi theo tàu hàng để nhận hàng, được lập
theo lệnh trống hoặc theo lệnh của người mở (chứ không phải theo lệnh của ngân hàng). Nếu đã
nhận hàng người mở vẫn cứ từ chối thanh toán chứng từ (vì bất hợp lệ) do hàng thiếu, kém phẩm
chất, không đúng mẫu mãẳ hoặc bất cứ lý do nào khác) thì người hưởng chịu tổn thất, ngân hàng
không cần biết việc tranh chấp, kiện tụng sau đó giữa bên mua và bên bán.

- Đối với TDT trả chậm hoặc trả ngay nhưng mới ký quỹ một phần (20,30,50%) của giá trị thì
nên quy định vận đơn theo lệnh ngân hàng phát hành, toàn bộ vận đơn gốc phải xuất trình cho
ngân hàng.

Hãy phân tích một tình huống có thế xảy ra trong thực tế: Sau khi TDT được mở, ngân hàng phát
hành dấu hiệu thua lỗ, mất khả năng thanh toán, nguy có phá sản... của người mở. Để đảm bảo an
toàn, nhận được chứng từ ngân hàng sẽ kiểm tra kỹ và từ chối ngay khi có bất kỳ bất hợp lệ nào.
Như vậy, ngân hàng miễn trách nhiệm dù cho toàn bộ hoặc 2/3 vận đơn gốc được người hưởng
xuất trình thanh toán.

Nhưng chứng từ hoàn toàn không phù hợp mà người mở lại nhận hàng bằng một bản vận đơn
gốc gửi theo tàu không thông qua ngân hàng? Khả năng chi trả phần còn lại chưa ký quỹ của
TDT là không hiện thực? Hoặc hàng hóa được chứng minh là của người mở theo vận đơn bị tòa
án tịch thu áp dụng theo luật phá sản? Nhưng Nếu ngân hàng kiểm soát toàn bộ chứng từ thì họ
có quyền sở hữu hàng hóa đó vì họ đã/ sẽ phải thanh toán tiền hàng theo TDT cho phía bán hàng.
Rõ ràng sự an toàn của ngân hàng ở trường hợp này phụ thuộc vào sự vững vàng về chuyên môn,
nghiệp vụ, tính thận trọng và cả yếu tố kinh nghiệm.

8. Các Điều khoản và Điều kiện của vận đơn

Điều 26(b-ii) Bản điều lệ 400 chỉ nói một cách không dứt khoát là ngân hàng có thể không từ
chối vận đơn dẫn đến hợp đồng thuê tàu bằng một nguồn hay một chứng từ không phải bản thân
chứng từ vận tải. Nhưng Điều khoản này lại không nói rõ việc chấp nhận vận đơn với đầy đủ
điều khoản và điều kiện của các bên liên quan trong vận tải.

Bản Điều lệ 500 đã khẳng định: vận đơn phải bao gồm tất cả các điều khoản, các điều kiện vận
tải, quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan. Ngân hàng cũng chấp nhận loại vận đơn rút
gọn hoặc vận đơn trắng lưng. Mẫu vận đơn này là loại chỉ ghi tóm tắt điều khoản chính, những
nội dung chủ yếu của chuyên chở và giao nhận, còn những nội dung khác liên quan đến quyền
lợi và nghĩa vụ của người chuyên chở và người gửi hàng được dẫn chiếu ở một nguồn hay một
chứng từ khác. (Công ước quốc tế về chuyên chở: International Brussels Convention 1924,
1968).

Loại mẫu vận đơn rút gọn/ trống lưng này cũng được áp dụng vận đơn theo hợp đồng thuê tàu.
Vận đơn này có in chữ "to be used with charter parties". Nhưng vận đơn theo hợp đồng thuê tàu
không được chấp nhận (trừ khi nói rõ trong TDT) trong khi vận đơn rút gọn/ trống lưng không bị
từ chối ? Rõ ràng Điều khoản này còn có sự khập khiễng cần được khắc phục.

82
Vận đơn theo hợp đồng thuê tàu dẫn chiếu những điều kiện của hợp đồng thuê tàu. Điều này sẽ
gây khó khăn cho việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền của ngân hàng phát hành vì bản chất của TDT
là độc lập với các loại hợp đồng (Điều 3). Đó là lý do mà ICC không chấp nhận vận đơn theo
hợp đồng thuê tàu, trừ khi có quy định rõ trong TDT.

Trong thời đại phát triển khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong ngành vận tải biển, việc chuyên chở
bằng thuyền buồm vượt biển không an toàn và mâu thuẫn với các phương tiện kỹ thuật tiên tiến
mà bản điều lệ này đề cập. Trong nhiều luật biển và tập quán thương mại đều ngăn cản vận tải
trên biển bằng thuyền buồm. Do vậy WG vẫn duy trì nguyên tắc này, hợp với thông lệ và tập
quán quốc tế hiện nay.

9. Phù hợp với các quy định của Tín dụng thư

Muốn đạt được sự hoàn hảo, vận đơn phải lập theo đúng quy định của Điều khoản này đồng thời
phải thỏa mãn mọi yêu cầu của TDT.

Các điều kiện của Bản điều lệ này, thường có diễn đạt : "trừ khi TDT quy định khác" có nghĩa là
người mở và người hưởng có thể đồng ý với nhau những quy định riêng, hoặc có thể loại bỏ một
vài đặc điểm trong điều khoản, hoặc một và điều kiện của Bản điều lệ, nhằm phù hợp với thực
tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai phía. Do vậy, Điều 23 quy định chi tiết về vận đơn
đường biển nhưng khi TDT có những yêu cầu riêng (thí dụ : vận đơn chỉ do đại lý của người
chuyên chở cấp) thì vận đơn phải được lập đúng, có nghĩa vừa tuân thủ điều khoản 23 vừa thực
hiện đúng quy định của TDT. TDT quy định : "đã bốc lên tàu" phải được ký bởi người cấp vận
đơn thì vận đơn phải lập đúng như vậy, bất kể Điều 23 cho phép không cần ký xác thực.

Tóm lại, nhà xuất khẩu cần căn cứ vào quy định của TDT và Nếu không có quy định nào đặc biệt
thì căn cứ vào Bản điều lệ 500 để yêu cầu hàng tàu lập vận đơn, nhằm đạt được sự hoàn hảo
tuyệt đối của nó theo TDT.

B. Chuyển tải

Định nghĩa về chuyển tải được nói rõ trong phần B của điều khoản này. Tùy theo phương thức
vận tải, hành động chuyển tải và hệ quả tiếp theo của nó ở các phương thức đều khác nhau. Quy
tắc về chuyển tải này chỉ áp dụng cho phương thức chuyển tải cảng đến cảng, dựa vào ý kiến của
hãng vận tải các Hiệp hội chuyên chở đường biển.

Vận đơn cho suốt chuyến hành trình từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng được cấp tại cảng
SaiGon. Đến Singapore (nơi chuyển tải) các đại lý của người chuyên chở (hãng tàu) sẽ làm thủ
tục giao, nhận cho nhau bằng chứng từ và danh mục hàng hóa. Nếu hàng hóa trên liên quan đến
2 hãng tàu biển thì có thể người ta phát hành vận đơn địa hạt cho từng chặng đường, thay cho
Manifest. Cả hai loại chứng từ này chỉ có giá trị như là biên lai giao nhận hàng hóa giữa các đại
lý hoặc giữa người chuyên chở, không phải là chứng từ sở hữu hàng hóa như vận đơn đã được
giao cho chủ hàng (shipper) . Chủ hàng cũng không cần biết đến các chứng từ này vì chúng
thuộc nội bộ của giao dịch của nghiệp vụ vận tải biển.

83
Thực tế của ngành Công nghiệp vận tải thường gặp là hàng hóa có thể được chuyên chở từ cảng
A trực tiếp đến cảng B, nhưng đôi khi hàng được dỡ từ tàu lớn sang tàu bé hơn, có khả năng dễ
dàng cập cảng chính, hay cảng khu vực sâu trong đất liền, thường xảy ra đối với tàu Container,
tàu Lash quá đồ sộm cập cảng khó khăn. Trường hợp này, theo quan điểm của các nhà chuyên
chở, không thể coi là chuyển tải. Ngân hàng phải tôn trọng thực tiễn này và chấp nhận khi vận
đơn có ghi thêm sự bảo lưu của người vận tải quyền chuyển tải Nếu cần.

Một điều lưu ý là Bản Điều lệ cho phép người mở và người hưởng TDT lựa chọn, loại bỏ Điều
khoản nào mà thấy bất tiện cho cả hai bên. Do vậy, Nếu người mở cứ nhất thiết là cấm tất cả các
loại hình chuyển tải thì họ có thể ghi rõ trong TDT là không áp dụng phần B của Điều 23.
ĐIỀU 24 : VẬN ĐƠN ĐƯỜNG BIỂN KHÔNG LƯU THÔNG
A. Nếu TDT yêu cầu vận đơn cảng đến cảng không có giá trị lưu thông (sau đây gọi là vận đơn
không lưu thông) ngân hàng sẽ, trừ khi quy định khác trong TDT, chấp nhận chứng từ dù được
gọi như thế nào : i/. Thể hiện trên bề mặt tên Người chuyên chở và được ký hoặc được xác thực
bởi :
- Người chuyên chở hoặc đại lý đích danh thay mặt hay nhân danh người chuyên chở hoặc;
- Thuyền trưởng hoặc đại lý đích danh thay mặt hay nhân danh thuyền trưởng.
Bất kỳ chữ ký hoặc sự xác thực nào của Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng phải được nhận
dạng là của Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng, tùy từng trường hợp. Một đại lý ký tên hay
xác thực cho Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng phải ghi rõ tên và quyền hạn của bên đó, có
nghĩa là Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng, mà đại lý đó làm đại diện.
ii/. Thể hiện hàng hóa đã được bốc lên hoặc xếp trên một tàu đích danh :
Việc bốc hàng lên hoặc xếp hàng trên con tàu đích danh có thể được biểu thị bằng chữ in sẵn
trên vận đơn là hàng hóa đã được bốc lên tàu đích danh hoặc xếp trên tàu đích danh, trong
trường hợp này, ngày phát hành của vận đơn sẽ được coi là ngày bốc hàng lên tàu và là ngày
giao hàng.
Trong mọi trường hợp khác, việc bốc hàng và ngày bốc hàng lên tàu đích danh phải được chứng
minh bằng cách ghi chú trên vận đơn, trong trường hợp này, ngày bốc hàng sẽ được coi là ngày
giao hàng.
Nếu vận đơn có ghi chữ tàu "tàu dự định" hoặc một từ tương tự về con tàu, thì việc bốc hàng lên
con tàu đích danh phải được chứng minh bằng cách ghi chú trên vận đơn là hàng được bốc lên
tàu, và ngoài việc ghi ngày mà hàng hóa được bốc lên tàu, phải ghi thêm tên con tàu mà hàng
hóa đã được bốc lên con tàu, ngay cả khi chúng đã được bốc lên đúng con tàu được ghi là "tàu
dự định"
Nếu vận đơn ghi nơi nhận hàng hoặc nhận để gửi khác với cảng bốc, thì ngoài việc ghi chú hàng
đã bốc lên tàu còn phải ghi thêm tên cảng bốc hàng được quy định trong TDT và tên con tàu mà
hàng hóa được bốc lên, dù chúng ta đã được bốc lên con tàu ghi đích danh trên vận đơn. Điều
khoản này cũng được áp dụng ngay cả khi việc bốc hàng lên tàu đã được in sẵn trên vận đơn và
ghi rõ cảng bốc hàng và cảng dỡ hàng như quy định trong TDT, bất kể vận đơn :

iii. ghi rõ cảng bốc hàng và cảng dỡ hàng như quy định trong TDT, bất kể vận đơn
a. Ghi nơi nhận hàng để gửi khác với cảng bốc hoặc ghi nơi đến cuối cùng khác với cảng dỡ. b.
Có từ "dự định" hoặc từ tương tự nói về cảng bốc và /hoặc cảng dỡ, miễn là vận đơn có ghi
cảng bốc và/ cảng dỡ nêu trong TDT. iv/. Bao gồm một bản vận đơn gốc duy nhất hoặc Nếu phát
hành nhiều hơn một bản gốc thì trọn bộ bản chính được phát hành.

84
vi/. Thể hiện toàn bộ các điều khoản và điều kiện chuyên chở, hoặc một số các điều khoản và
điều kiện như thế bằng cách dẫn chiếu đến một nguồn hay một chứng từ không phải bản thân
vận đơn (vận đơn rút gọn hoặc vận đơn trắng lưng); ngân hàng sẽ không kiểm tra nội dung các
điều khoản và điều kiện đó.
vii/. Không ghi chú là chứng từ này phụ thuộc vào hợp đồng thuê tàu và/ hoặc không thể hiện là
con tàu chở hàng chỉ chạy bằng buồm.
viii/. Tất cả các điểm khác đáp ứng mọi yêu cầu của TDT.
B. Với mục đích của Điều khoản này, chuyển tải có nghĩa là dỡ hàng từ một con tàu và bốc lên
một con tàu khác trong quá trình chuyên chở trên biển từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng quy
định trong TDT. C. Trừ khi TDT không cho phép chuyển tải, ngân hàng sẽ chấp nhận vận đơn
ghi rõ hàng hóa sẽ được chuyển tải, miễn là toàn bộ việc chuyên chở đường biển được sử dụng
bởi một và cùng một vận đơn. D. Ngay cả khi TDT không cho phép chuyển tải, ngân hàng sẽ
chấp nhận vận đơn: i. Ghi rõ việc chuyển tải sẽ xảy ra trong chừng mực mà hàng hóa liên quan
được gửi bằng các Container, Moor, sà lan Lash như đã chứng minh trong vận đơn, miễn là toàn
bộ việc chuyên chở đường biển được sử dụng bởi một và cùng một vận đơn. ii.Có các điều khoản
in sẵn quy định rằng Người chuyên chở có quyền chuyển tải. Trên thế giới hiện nay có chiều
hướng sử dụng vận đơn đường biển không có giá trị lưu thông (gọi tắt là vận đơn không lưu
thông). ở các khu vực châu ÂU, Mỹ, Nam Mỹ, Scandinavia và một số vùng tại Viễn Đông, vận
đơn không lưu thông ngày càng trở thành phổ biến. Để theo kịp sự phát triển của kỹ thuật vận tải
quốc tế, WB đã quyết định dành riêng một Điều khoản nói về vận đơn không lưu thông. Quan
điểm đã được Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc ủng hộ, và được coi là
sự phát triển quan trọng đối với nền mậu dịch thế giới.
Đấy là lý do mà Điều khoản 24 được bổ sung vào Bản điều lệ 500.
Điều khoản 23 và Điều khoản này hoàn toàn giống nhau về mọi phương diện (Nội dung, cách
diễn đạt, nguyên tắc áp dụng của chứng từ vận tải... ). Điều khác biệt duy nhất là Điều khoản 23
dành cho vận đơn đường biển cảng đến cảng nhưng không có giá trị trong lưu thông. Do vậy,
mọi sự giải thích, bình luận của Điều khoản 23 được áp dụng cho Điều khoản này, từ phần nói về
TÍNH LƯU THÔNG của vận đơn đường biển.
Ở một số nước trong khối EC hoặc các nước trong khu vực Nam Mỹ, cảng biển giữa hai nước rất
gần, thời gian vận chuyển ngắn, dẫn đến tình trạng hàng đến cảng, nhưng chứng từ qua ngân
hàng chưa đến kịp, gây chậm trễ ách tắc trong việc nhận hàng. Vận đơn không lưu thông ra đời
nhằm giải quyết vấn đề này. Non- Negotiable Sea Waybill không bao gồm tất cả các chức năng
của vận đơn đường biển thông thường như tên gọi của vận đơn truyền thống. Do vậy, ta có thể
gọi nó là phiếu gửi hàng hoặc biên lai giao nhận không có giá trị lưu thông, chuyển nhượng. Nó
được sử dụng trước tiên như là chứng từ chứng minh việc nhận hàng từ con tàu chuyên chở và là
bằng chứng về hoạt động chuyên chở giữa hãng vận tải và chủ hàng. Hàng sẽ được giao cho
người nhận hàng ghi trong hồ sơ vận tải khi họ được xác thực mà không cần xuất trình chứng từ
gốc của vận đơn đường biển. Điều này cũng tương tự việc gửi hàng bằng đường bưu điện. Khách
hàng được thông báo xuất trình chứng từ để chứng minh mình là người được quyền nhận hàng
thì sẽ được giao hàng.

ĐIỀU 25 : VẬN ĐƠN THEO HỢP ĐỒNG THUÊ TÀU


A. Nếu TDT yêu cầu hay cho phép xuất trình vận đơn theo hợp đồng thuê tàu, ngân hàng sẽ, trừ
khi quy định khác, chấp nhận chứng từ dù là tên gọi như thế nào. i. Thể hiện là nó phụ thuộc vào

85
hợp đồng thuê tàu ii.Thể hiện trên bề mặt được ký hoặc được xác thực bởi : <TYPE="I" -
Thuyền trưởng hay đại lý đích danh thay mặt hay nhân danh thuyền trưởng, hoặc
- Chủ tàu hay đại lý đích danh thay mặt hay nhân danh chủ tàu.
Bất kỳ chữ ký hay sự xác thực nào của thuyền trưởng hay sự xác thực nào của thuyền trưởng hay
chủ tàu phải được nhận diện là chủ tàu hay thuyền trưởng, tùy từng trường hợp. Đại lý ký hoặc
xác thực cho thuyền trưởng hay chủ tàu mà đại lý đó làm đại diện.

iii.Ghi hay không ghi tên của người chuyên chở. Và
iv. Thể hiện hàng hóa đã được bốc dỡ lên hay xếp trên con tàu đích danh. Việc bốc hàng hay xếp
hàng trên con tàu đích danh có thể được ghi rõ bằng chữ in sẵn trên vận đơn là hàng hóa đã
được bốc lên hay xếp trên một con tàu đích danh, trong trường hợp này, ngày phát hành vận đơn
sẽ được xem là ngày bốc hàng lên tàu đích danh phải được thể hiện bằng ghi chú lên vận đơn,
trong trường hợp này, ngày bốc hàng sẽ được coi là ngày giao hàng.

v. Ghi rõ cảng bốc hàng và cảng dỡ hàng quy định trong tín dụng thư. và vi. Bao gồm một bản
chính quy duy nhất của vận đơn hoặc Nếu lập nhiều hơn một bản chính thì trọn bộ bản chính
được phát hành. và vii. Không thể hiện là tàu chở hàng chỉ chạy bằng buồm. và viii. Tất cả các
điểm khác, đáp ứng mọi quy định của tín dụng thư. B. Ngay cả khi tín dụng thư yêu cầu xuất
trình hợp đồng thuê tàu liên quan với vận đơn, ngân hàng sẽ không kiểm tra hợp đồng thuê tàu
đó, chỉ chuyển giao mà không chịu trách nhiệm gì. Phần giải thích, bình luận của Điều khoản 23
cho ta biết thế nào là vận đơn theo hợp đồng thuê tàu, vậy trong trường hợp nào loại vận đơn này
được sử dụng?
Trong thực tiễn vận tải quốc tế , người mở và người hưởng TDT (hoặc đại lý của họ), theo hợp
đồng thuê tàu thỏa thuận thuê con tàu, hay một phần của con tàu, chở hàng theo đúng ý đồ của
họ, gọi là chuyên chở theo tàu chuyến. Thông thường những lô hàng rời, khối lượng trọng lượng
lớn đều được chở trên một con tàu như gạo, than đá, sắt thép, phân bón,.... Hai bên ký kết hợp
đồng thuê tàu đã hiểu rõ các điều khoản và điều kiện vận tải nên cần thiết phải nói rõ trong tín
dụng thư là việc giao hàng phải thực hiện theo hợp đồng đã ký và đương nhiên tín dụng thư chấp
nhận vận đơn theo hợp đồng thuê tàu.
1. Tiêu đề và việc ký phát vận đơn Vận đơn theo HĐTT luôn luôn có tiêu đề: "To be used with
charter party" hoặc không có tiêu đề trên nhưng có câu:"issued pursuant to charter party
dated…" nghĩa là biểu hiện sự ràng buộc giữa vận đơn với HĐTT.
Do đặc thù của loại vận đơn này, đối tượng được quyền ký phát là truyền trưởng hoặc chủ tàu
(chứ không phải người chuyên chở như ỏ vân đơn truyền thống - Điều khoản 23) hay đại ký của
hai đối tượng này. Do vậy vận đơn này có thể không ghi tên người chuyên chở vì nó là vận đơn
do chủ tàu cấp theo tong chuyến dựa vào hợp đồng thuê tàu. Người chuyên chở có thể không
phải là chủ tàu cũng có thể là chủ tàu, do vậy việc ghi hay không ghi là không cần thiết. Đây là
điều khác biệt của vận đơn thông thường với vận đơn theo HĐTT.
Chủ tàu có thể ký hay uỷ quyền cho thuyền trưởng ký phát vận đơn hay đại lý ký nhân danh chủ
tàu hay thuyền trưởng. Việc ký phát, cách diễn đạt của người ký phát tương tự Điều khoản 23(a-
i)
2. Diễn tả việc bốc hàng lên tàu trên vận đơn, cảng đi, cảng đến liên quan: Phần lớn vận đơn
này thuộc loại "đã bốc" (on board bill of lading). Nhưng Nếu là vận đơn nhận để bốc (Receipt
for shipment bill of lading) thì phải ghi thêm diễn đạt "ON BOARD" và ngày bốc lên tàu như ở
vận đơn thông thường.

86
Không có chuyển tải, dù ở dạng nào, và là tàu chuyến được thuê chở hàng từ cảng bốc đến cảng
dỡ cuối cùng.
3. Hợp đồng thuê tàu: Và nguyên tắc, vận đơn thưo HĐTT muốn có tác dụng đầy đủ phải có
đính kèm HĐTT. Do vậy một số tín dụng thư yêu cầu vận đơn kèm HĐTT. Trong trường hợp đó,
ngân hàng sẽ phải kiểm tra HĐTT như các chứng từ khác?
Không có tiêu chuẩn, nguyên tắc nào đề ta cho ngân hàng trong việc kiểm tra HĐTT. Việc ngân
hàng kiểm tra HĐTT là không hợp lý và là gánh nặng cho ngân hàng thương mại khi họ được
phép không liên quan đến việc thực hiện các loại hợp đồng dẫn chiếu trong tín dụng thư (Điều
3). Hơn nữa hình thức và nội dung của hợp đồng thuê tàu được soạn thảo trên cơ sở luật vận tải
biển quốc tế, được cộng đồng người chuyên chở chấp nhận và hai bên ký kết hợp đồng nhất trí.
Do vậy, WG quyết định nói rõ là "Ngân hàng sẽ không kiểm tra HĐTT, chỉ chuyển giao chứng từ
mà không chịu trách nhiệm gì."
ĐIỀU 26: CHỨNG TỪ VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC
A. Nếu tín dụng thư yêu cầu xuất trình chứng từ vận tải gồm ít nhất hai phương thức vận tải
khác nhau (vận tải đa phương thức) ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ dù được gọi như thế nào,
trừ khi được qui định khác trong tín dụng thư.<TYPE="I" i. Thể hiện trên bề mặt tên người
chuyên chở hoặc người điều hành phương tiện vận tải đa phương thức (PTVTĐPT) và được ký
hoặc được xác thực bởi:
• Người chuyên chở hoặc người điều hành PTVTĐPT hay đại lý đích danh thay mặt hay
nhân danh người điều hành PTVTĐPT hoặc
• Thuyền trưởng hoặc đại lý đích danh thay mặt hoặc nhân danh thuyền trưởng.
Bất kỳ chữ ký hoặc xác thực nào của Người chuyên chở, Người điều hành PTVTĐPT hoặc
Thuyền trưởng phải được nhận diện là người chuyên chở, Người điều hành PTVTĐPT hoặc
Thuyền trưởng, tuỳ từng trường hợp. Đại lý ký hay xác thực cho Người chuyên chở hoặc Người
điều hành PTVTĐPT hoặc Thuyền trưởng phải ghi rõ tên và chức năng của phía này, có nghĩa
là Người chuyên chở, Người điều hành PTVTĐPT hay Thuyền trưởng mà đại lý đó là đại diện.
<TYPE="I"<TYPE="I"<TYPE="I" ii. Ghi rõ là hàng hoá đã được gởi đi, nhận để gởi hoặc đã
bốc lên tàu Việc gởi hàng, nhận để gởi hoặc bốc hàng lên tàu phải được ghi trên chứng từ vận
tải đa phương thức (VTĐPT) và ngày phát hành sẽ được coi là ngày gửi hàng, nhận để gửi hoặc
bốc hàng lên tàu và là ngày giao hàng. Tuy nhiên Nếu chứng từ ghi rõ, bằng đóng dấu hoặc
bằng cách khác, ngày gửi hàng, nhận để gửi hay bốc hàng lên tàu, thì ngày đó sẽ được coi là
ngày giao hàng và
iii.a.Ghi rõ nơi nhận để gửi qui định trong tín dụng thư mà nơi này có thể khác với cảng, sân
bay, hay địa điểm bốc hàng, và ghi nơi đến cuối cùng quy định trong tín dụng thư mà nơi này
cũng có thể khác với cảng, sân bay, hay nơi dỡ hàng, và hoặc b. Ghi chữ "dự định" hoặc một từ
tương tự nói về con tàu và hoặc cảng bốc hàng và/ hoặc cảng dỡ hàng. và
iv. Bao gồm một bản chính quy duy nhất của chứng từ VTĐPT hay Nếu phát hành nhiều hơn một
bản chính quy thì trọn bộ bản chính được phát hành. và v. Gồm toàn bộ hay một số điều khoản
và điều kiện của việc chuyên chở hàng cách dẫn chiếu đến một nguồn hay chứng từ không phải
là chứng từ VTĐPT (chứng từ VTĐPT rút gọn/ trắng lưng); ngân hàng sẽ không kiểm tra nội
dung của các điều khoản và điều kiện đó. vi. Không ghi chú sự phụ thuộc vào hợp đồng thuê tàu
và hoặc/ không ghi rõ là con tàu chở hàng chỉ chạy bằng buồm. vii.Tất cả các điểm khác, đáp
ứng mọi quy định của tín dụng thư. Ngay cả khi tín dụng thư không cho phép chuyển tải, ngân
hàng sẽ chấp nhận chứng từ VTĐPT có ghi rõ việc chuyển tải sẽ hoặc có thể xảy ra miễn là toàn
bộ việc chuyên chở chỉ sử dụng cùng một chứng từ VTĐPT.
87
1. Thế nào là vận tải đa phương thức (VTĐPT)
Phương thức vận tải này được gọi dưới những tên khác nhau : vận tải đa phương thức, vận tải
hỗn hợp, vận tải liên hợp, …Tiếng Anh dược diễn đạt bằng các từ: Multimodel transport,
combined trasport, inter-model transport. Do tính đa dạng của cách gọi, WB đã chấp nhận
những chứng từ VTĐPT có bất cứ tiêu đề như thế nào:
• Mẫu 1: LINER BILL OF LADDING
• Mẫu 3: COMBINED OR PORT-TO-PORT OCEAN BILL OF LADDING
• Mẫu 7: NEGOTIABLE FIATA MULTIMODEL TRANSPORT BILL OF
LADDING
• Mẫu 8: COMBINED TRANSPORT BILL OF LADDING
• Mẫu 9: MULTIMODEL TRANSPORT BILL OF LADDING
Miễn là chúng nó phải thể hiện được ít nhất là hai phương thức vận tải. Chúng có thể liên quan
các phương thức vận tải:
• Đường không - Đường biển.
• Đường sắt - Đường bộ - Đường biển
• Đường biển - Đường không - Đường bộ.
Tiêu đề của Điều khoản này có tên " chứng từ vận tải" chứ không phải vận đơn như các điều
khoản trước. Cách gọi này thể hiện được tính chính xác và nội dung bao quát của chứng từ này.
Khi nói vận đơn, người ta nghĩ đến chứng từ vận tải liên quan đến hàng hóa chuyên chở bằng tàu
biển. Chứng từ vận tải thể hiện được tính khái quát của nó, nói lên quá trình vận tải từ nơi đến
nơi cuối cùng, với sự tham gia của nhiều phương tiện, nhiều phương tiện, nhiều loại hình vận tải
qua nhiều nơi khác nhau.
Dùng tiêu đề nào hay nhất: Multimodel transport document hay là combined transport document,
hay là inter-transport document. Sau các cuộc thảo luận trong các Ban chuyên trách của ICC,
tham khảo ý kiến của Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc (UNCTAD),
thuật ngữ Multimodel transport document được WG chọn làm tiêu đề cho Điều khoản này.
VTĐPT được áp dụng trong vài chục năm. Thực tế này đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ trong
ngành công nghiệp vận tải trên thế giới, đơn giản hóa thủ tục cho chủ hàng, tránh những ách tắc,
chậm trách trong chuyên chở hàng hóa.
Nhận thức được tầm quan trọng của phương thức VTĐPT, Uỷ ban về Vận tải của UNCTAD đã
chỉ thị cho Ban thư ký của UNCTAD hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Quốc tế, các tổ chức
thương mại soạn thảo Quy tắc chung về Chứng từ vận tải hỗn hợp trên cơ sở quy tắc Hague và
quy tắc Hague Visby. Ban thư ký UNCTAD đã làm việc với các tổ chức liên quan và thiết lập
một nhóm công tác hỗn hợp giữa UNCTAD và ICC nhằm soạn thảo bản quy tắc mới. "Quy tắc
của UNCTAD/ ICC về chứng từ vận tải đa phương thức" số xuất bản 481 ICC có hiệu lực ngày
01/ 01/ 1992, thay thế "Quy tắc Thống nhất về Chứng từ Vận tải hỗn hợp của phòng thương mại
Quốc tế" số xuất bản 298.
2. Các bên được quyền ký cấp chứng từ VTĐPT
Ngoài đối tượng đã nêu trong Điều 23 (vận đơn đường biển) là người chuyên chở và thuyền
trưởng, đối tượng thứ 3 là Người điều hành PTVTĐPT được quyền ký cấp chứng từ VTĐPT.
Tất nhiên các đối tượng này có thể uỷ quyền cho đại lý của mình ký thau mặt/ nhân danh, Nếu
cần thiết.

88
Theo "Quy tắc của UNCTAD/ ICC về chứng từ vận tải đa phương thức", Người Điều hành
PTVTĐPT là bất cứ ai ký kết hợp đồng VTĐPT và chịu trách nhiệm về việc chuyên chở như là
Người chuyên chở.
Người chuyên chở là người thực sự thực hiện hoặc cam kết việc chuyên chở hay một phần công
việc đó, dù người ấy có phải là Người điều hành PTVTĐPT hay không.
Như vậy Người điều hành PTVTĐPT có thể đảm nhận chuyên chở thực sự bằng các phương tiện
vận tải của chính mình nhưng cũng có thể thuê các hãng chuyên chở hàng hoá theo hợp đồng đã
ký với chủ hàng. Ở trường hợp thứ nhất, Người chuyên chở hoặc thuyền trưởng, hãng vận tải
hoặc đại lý sẽ ký phát, tùy theo từng trường hợp. Trong suốt chặng đường, chủ hàng sẽ được cấp
một chứng từ vận tải từ nơi gửi hàng đến nơi cuối cùng. Giữa từng chặng đường chuyên chở, các
hãng vận tải hoặc các đại lý sẽ làm thủ tục giao nhận cho nhau nguyên tắc vận tải liên hợp mà
chủ hàng không cần biết. Việc thể hiện tên, chức năng của người ký phát chứng từ VTĐPT tương
đương việc thể hiện vận tải đường biển (Điều 23).
A Đường sắt B Đường biển C Đường bộ D
- Từ A đến B (đường sắt): Nếu nơi nhận là A thì chứng từ vận tải sẽ do Người Điều hành
PTVTĐPT hoặc Người chuyên chở hoặc đại lý giao nhận ký phát cấp cho chủ hàng.
- Từ B đến C (đường biển): Nếu nơi nhận hàng là cảng biển tại B thì có thể Người điều hành
hoặc Người chuyên chở, hoặc Thuyền trưởng tàu chở hàng, hoặc đại lý của họ ký chứng từ vận
tải cấp cho chủ hàng.
- Từ C đến D (đường bộ): Nơi đến cuối cùng là D. Phần lớn trong vận tải liên hợp. Người điều
hành PTVTĐPT hoặc Người chuyên chở đều uỷ quyền cho đại lý giao nhận của mình ký phát
chứng từ vận đơn. Đại lý giao nhận cũng có thể là Người điều hành PTVTĐPT hoặc là Người
chuyên chở (sẽ nói rõ ở Điều 30).
3. Những mô tả về địa điểm giao hàng, nơi bốc hàng, nơi dỡ hàng, điểm giao hàng cuối
cùng trên chứng từ VTĐPT:
Chứng từ VTĐPT phải biểu hiện tối thiểu hai chặng đường của hai phương tiện vận tải. Hãy xét
2 thí dụ sau để hiểu nội dung hành trình được mô tả trong chứng từ VTĐPT
Thí dụ :
Công ty A của Lào bán hàng cho công ty B của Bỉ. Tín dụng thư quy định là giao hàng từ Viên
Chăn đến Brusserl, xuất trình chứng từ VTĐPT hàng hóa được chuyên chở trên các tuyến đường
sau:
Viên Chăn _________Đà Nẵng__________Anwerpt__________Brusserl.
Từ Viên Chăn đến Đà Nẵng: Vận tải bằng xe tải.
Từ Đà Nẵng đi Anwerpt: Vận tải bằng tàu biển.
Từ Anwerpt đến Brusserl: Vận tải bằng tàu hỏa.
Vận đơn hỗn hợp được thể hiện như sau:
Nếu ngày nhận đơn và ngày cấp chứng từ cùng một thì không cần ghi thêm ngày tháng ở phần
này. ngược lại, ngày 20/ 06/ 1995 được coi là ngày giao hàng.
Như vậy vận đơn này thể hiện hai phương tiện chuyên chở là xe tải và tàu biển. Nơi giao hàng
theo quy định của tín dụng thư là Viên, khác với nơi bốc hàng (Đà Nẵng), nơi đến cuối cùng theo
quy định của tín dụng thư là Brusserl, khác với cảng dỡ hàng (Anwerpt).
Khác với vận đơn thường, chứng từ VTĐPT cho phép ghi tàu chở hàng theo dự kiến mà không
cần ghi "đã bốc" lên tàu đó. Nơi cấp chứng từ vận tải là Viên Chăn, nên con tàu bốc hàng tại Đà
Nẵng chỉ là dự kiến (theo hợp đồng VTĐPT). Có thể đúng tàu đó nhưng cũng có thể là con tàu
khác bốc hàng.Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của phương thức vận tải liên hợp.

89
Thí dụ 2:
*TDT qui định : +Combined Transpost documents
+Shipment from HCM City to Antwerp
* VĐ đa phương thức được xuất trình ghi rõ:
Port of loading: HCM City
Port pf discharge: Amsterdam
Place of Final destination: Antwerp
Như vậy từ cảng TPHCM đến Amsterdam, hàng được vận chuyển bằng tàu biển, chặng tiếp theo
sẽ được vạn tải bằng phương tiện khác đến nơi giao hàng cuối cùng là Amsterdam đúng theo qui
định của TDT. Điều lưu ý phương thức vận tải liên hợp là bao hàm sự chuyển tải do vậy TDT sẽ
cho phép chuyển tải (hoặc không ghi cấm chuyển tải )
Ở thí dụ 2, nếu TDT qui định VĐ đường biển (Ocean B/L) thì NH sẽ từ chối vì cảng dỡ hàng
(Port of discharge) là Amsterdam, khác với TDT yeu cầu là Antwerp, dù cho chuyển tải được
phép.
Nội dung phần IV, V, VI, VII của Điều 23 và 26 được thể hiện tương tự
4. Chuyển tải trong vận tải đa phương thức:
Đã là vận tải đa phương thức thì đương nhiên là phải chuyển tải. Do vậy điều khoản này loại này
trừ phần định nghĩa về chuyển tải và khẳng định dù cho tín dụng thư cấm chuyển tải, người điều
hành phương tiện vận tải đa phương thức vẫn có quyền chuyển tải. Chứng từ VTĐPT, Nếu có ghi
quyền chuyển tải như vậy vẫn không bị coi là bất hợp lệ. Đây là điều mà các ngân hàng phát
hành tín dụng thư phải lưu ý để tránh sự mâu thuẫn trong các điều khoản và không để cho tín
dụng thư bị coi là bất hợp lệ.
ĐIỀU 27 : CHỨNG TỪ VẬN TẢI HÀNG KHÔNG
A. Nếu tín dụng thư yêu cầu chứng từ vận tải hàng không (vận tải hàng không), ngân hàng sẽ
chấp nhận chứng từ dù được gọi như thế nào, trừ khi quy định khác trong tín dụng thư. i. Thể
hiện trên bề mặt ghi tên Người chuyên chở và được ký hoặc được xác thực bởi : - Người chuyên
chở. - Đại lý đích danh thay mặt hay nhân danh Người chuyên chở. Bất kỳ chữ ký hay xác thực
nào của Người chuyên chở cũng phải được chấp nhận diện là Người chuyên chở. Đại lý ký hoặc
xác thực cho Người chuyên chở cũng phải ghi rõ tên và chức năng của phía này, nghĩa là Người
chuyên chở mà đại lý đó làm đại diện.
<TYPE="I"<TYPE="I" ii. Ghi rõ hàng hóa đã nhận để chuyên chở và iii.Nếu tín dụng thư yêu
cầu ngày gởi hàng thực tế, thì phải ghi cụ thể ngày đó, ngày gửi hàng được ghi như vậy trên
chứng từ sẽ được coi là ngày giao hàng. Với mục đích của Điều khoản này, những thông tin
được thể hiện trong mục chứng từ (" chỉ dùng cho người chuyên chở" hoặc tương tự) liên quan
đến chuyến bay và ngày bay sẽ không được xem như là ngày giao hàng cụ thể. Trong mọi trường
hợp khác, ngày phát hành của chứng từ vận tải hàng không, được xem là ngày giao hàng. iv. Ghi
rõ sân bay khởi hành và sân bay đến được quy định trong tín dụng thư. v. Thể hiện là bản chính
dành cho người gửi hàng/ chủ hàng, ngay cả khi tín dụng thư quy định xuất trình toàn bộ bản
chính hoặc những quy định tương tự. vi.Bao gồm toàn bộ hoặc một số điều khoản và điều kiện
của việc chuyên chở bằng cách dẫn chiếu đến một nguồn hoặc chứng từ khác hơn là chứng từ
vận tải hàng không, ngân hàng sẽ không kiểm tra nội dung các điều khoản và điều kiện đó. và
vii. Tất cả các điểm khác, đáp ứng mọi quy định của tín dụng thư. B. Vì mục đích của điều khoản
này, chuyển tải có nghĩa là dỡ hàng từ máy bay này và bốc hàng hàng sang máy bay khác trong
quá trình chuyên chở từ sân bay khởi hành đến sân bay đến, được quy định trong tín dụng thư.
C. Ngay cả khi tín dụng thư không cho phép chuyển tải, ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ ghi rõ

90
việc chuyển tải sẽ có hoặc có thể xảy ra miễn là toàn bộ quá trình chuyên chở chỉ được sử dụng
cùng một chứng từ vận tải hàng không. 1. Đặc thù của chứng từ vận tải hàng không :
Thật là khuyết điểm Nếu không bổ sung Điều khoản nói về chứng từ vận tải hàng không
(CTVTHK) trong giao dịch tín dụng thư. Bản điều lệ 400 hoàn toàn không đề cập đến chứng từ
vận tải hàng không. Vậy điều kiện nào để chấp nhận chứng từ hàng không, dựa trên chức năng
đặc thù nào của nó ?
Về cơ bản CTVTHK có chức năng như Vận đơn thông thường trong vận tải đường biển. Tuy
nhiên do những đặc điểm đặc thù riêng, CTVTHK không có chức năng sở hữu hàng hóa, không
có giá trị lưu thông . hàng hoá đượcchuyển giao cho người nhận hàng khi họ chứng minh được
điều đó.Nghĩa là về chức năng CTVTHK tương đương khi vận tải đường biển không lưu thông
Đặc thù này xuất phát từ thực tế là hàng hoá vận chuyển bằng máy bay bao giờ cũng về đến đích
trước chứng từ phải qua xử lý của ngân hàng, bưu điện ....Người chuyên chở lập VĐHK gồm
nhiều bản.
• Đại lý vận tải giữ
• Giao cho người nhận hàng tại nơi đến
• Giao cho người gửi tại nơi đi .
• Các bản còn lại dùng bổ sung thêm cho các bên liên quan, thường gọi là :
Người xuất khẩu sau khi giao hàng, nhận bản 3 trình cùng với các chứng từ khác để thanh toán
tiền theo Tín dụng thư. Do vậy sẽ không thể có "Full set of Airway Bills " Nếu giao hàng bằng
máy bay. Đây là những lỗi mà những nhà nhập khẩu trước đây mắc phải khi yêu cầu mở Tín
dụng thư với điều kiện trình toàn bộ VĐHK để thanh toán.
Chứng từ vận tải hàng không có những tiêu đề khác nhau. Ngân hàng sẽ chấp nhận tất cả các tiêu
đề đó miễn là chúng nó áp dụng đầy đủ yêu cầu của điều khiển này:
• * Mẫu 10: House Airway Bill
• issued by Jarding Dynamic Freight Services
• * Mẫu 11: Airway Bill (Air Consignment note) – MAWB
• issued by KUEHNE & NAGEL (HK) LTD
• * Mẫu 12: Airway Bill
• issued by LEP INT’L (FAR EAST LTD)
tất cả các AWB trên đều có chữ "not negotiable", đúng theo bản chất của chúng.
2. Nội dung được thể hiện trên CTVTHK
• Người chuyên chở hoặc đại lý của nó sẽ ký CTVTHK và đều phải ghi rõ tên, chức năng
của mình trên chứng từ
• Nếu ở vận đơn ở đường biển phải được ghi "đã bốc" thì VĐHK chỉ cần ghi (thường được
in sẵn) : "đã nhận hàng để chuyên chở" là đủ. Do đặc thù của VTHK nên không thể yêu
cầu CTVTHK ghi như vài trường hợp trước đây của số ngân hàng phát hành tín dụng thư.
• Ngày giao hàng (hoặc gởi hàng) được thể hiện trên CTVTHK như thế nào?
• "Nhận hàng để chuyên chở" có thể là ngày hàng được gởi đi cũng thể là không phải vì
thủ tục hàng không có thể mất một thời gian hoặc chờ đủ một lượng hàng cho một
chuyến máy bay.
• Nếu Tín dụng thư yêu cầu ngày gửi hàng đi thực sự thì hàng vận tải (hay đại lý giao
nhận) sẽ ghi cụ thể ngày đó và chỉ cấp CTVTHK đúng ngày đó mà thôi mặc dù hàng đã

91
được chuyển giao trước đó. Trường hợp này, ngày giao hàng ghi trong TDT là ngày hàng
thực tế gửi đi.
• Nếu TDT không quy định như trên thì ngày ký CTVTHK chính là ngày giao hàng. Mối
liên quan này tương tự như mối liên quan giữa ngày "on board" và ngày ký vận đơn ở
điều 23 và 24.
• Khác với các vận đơn đường biển CTVĐHK có thêm phần dành riêng ghi những dữ liệu
kiểm soát và điều hành có tính chất nội bộ giữa các hãng vận tải hay đại lý. Đó là ô nhỏ
được in màu đậm có hay không có tiêu đề "chỉ dành cho người chuyên trở sử dụng" . Các
ô này được ghi số chuyến bay và / hoặc ngày bay .Ngân hàng không cần biết nội dung
của mục này vì chuyến bay ngày bay không dược coi là ngày giao hàng theo quy định
của TDT và không điều chỉnh sửa đổi những thông tin khác của chính bản chứng từ đó.
• Như đã phân tích ở phần đầu CTVTHK hay nói cụ thể là VĐHK được lập ít nhất là 3 bản
gốc Bản 2 đươcj gửi theo hàng hoá đến sân bay dỡ hàng gaio cho người nhận hàng.
Thông thường tên địa chỉ đầy đủ của người nhạn hàng được ghi trong mục"Consinee's
name & address"... cơ quan chức năng sẽ thông báo cho người nhận hàng làm mọi thủ
tục pháp lý minh chứng tư cách của mình để nhận hàng. Nếu ngân hàng phát hành TDT
muốn kiểm soát hàng hoá bằng cách giữ bộ chứng từ? Do VĐHK là chứng từ không có
giá trị lưu thông, về lý thuyết nó được phát hành ghi đích danh người nhận hàng mà
không phải chứng từ "theo lệnh". Tuy nhiên trong thực tế ngân hàng phát hành có thể yêu
cầu VĐHK theo lệnh mình nhằm đảm bảo quyền định đoạt hàng hoá. Người mở TDT
phải xuất trình VĐHK để ngân hàng ký xác thực giá trị pháp lý của mình là người nhận
hàng và cũng là biểu hiện sự chấp thuận của ngân hàng đối với việc chuyển giao hàng
hoá.
• Nhà xuất khẩu trong trường hợp giao hàng bằng máy bay nên lưu ý điều này nhằm bảo
đảm là người mua không được nhận hàng Nếu chứng từ chưa được thanh toán. Do vậy
TDT phải quy định VĐHK phải được lập theo lệnh của ngân hàng phát hành.
• Một số VĐHK có thể ghi đầy dủ điều khoản, điều kiện (mẫu số 1&2) hoặc dẫn chiếu
nguồn tài liệu khác(mẫu số 3)
• " Các bên đã thoả thuận là hàng hoá miêu tả trong chứng từ này được chấp nhận trong
điều kiện vàvtình trạng bên ngoài tốt (trừ khi có ghi chú riêng) để chuyên trở theo đúng
các điều kiện ghi phía sau hợp đồng.
• Cũng như các chứng từ vận tải khác, VĐHK được thiết lập theo đúng quy địnhcủa các
điều khoản này và phù hợp với yêu cầu của TDT.
3. Chuyển tải hàng trong CTVTHK Hàng hoá hoá vận tải bằng hàng không có thể chuyển tải
hoặc không cần chuyển tải. Do vậy cần phải định nghĩa rõ về chuyển tải. Nói chung chứng từ
trong vận tải biển cũng như chứng từ vân tải hàng không thủ tục và nguyên tắc chuyển tải đều
giống nhau.
Vấn đề chuyển tải trong chuyên trở hàng không được tranh luận nhiều trong WG . Sau khi tham
khảo ý kiến của các ban, ngành trong ICC sự nhìn nhận thực tiễn về công nghệ vận tải hàng
không đã được thống nhất. Khả năng chuyển tải của hành trình hàng không quốc tế từ sân bay
nội địa nước này đến sân bay nội địa nước khác là hoàn toàn có thể thí dụ một chuyến bay từ
Madrid (Tây Ban Nha) đến Houston (Mĩ) thông thường được thực hiện bởi hãng Iberia Airlines
từ Madrid đến New york và chuyển tải đến Houston qua hãng hàng không khác. Tương tự hàng
hoá Mĩ đến Trung Đông có thể bắt đầu từ New york Frankfurt bằng hãng hàng không Lufthansa
airlines (Đức) nhưng sau đó được chuyển sang máy bay khác để từ Frankfurt đến sân bay cuối
92
cùng. Cụ thể hơn ta thấy rằng những chuyến bay từ úc đến Việt Nam (và ngược lại) đã có chuyến
bay trực tiếp nhưng vẫn có những chuyến bay được chuyển tải qua Hong Kong hay Bangkok.
Do vậy Nếu TDT yêu cầu chứng từ vận tải hàng không ngân hàng sẽ chấp nhận VĐHK có ghi "
chuyển tải sẽ hoặc có thể sảy ra" bất kể chuyển tải được phép hay không, miễn là việc giao hàng
thể hiện trên duy nhất một VĐHK mà TDT quy định. Điều này phù hợp với kỹ thuật và tập quán
của ngành công nghiệp vận tải hàng không hiện đại. Tuy nhiên, khi người mua nhất thiết chỉ
chấp nhận hàng hoá trở trên một máy bay duy nhất và đi thẳng thì TDT có thể loại trừ Điều
khoản 27 (c).
ĐIỀU 28: CHỨNG TỪ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT HAY ĐƯỜNG SÔNG
A. Nếu TDT yêu cầu chứng từ vận tải đường bộ đường sắt hay đường sông, ngân hàng sẽ, trừ
quy định khác trong TDT chấp nhận chứng từ theo yêu cầu, dù được gọi như thế nào. i. Thể hiện
trên bề mặt tên người chuyên trở và được ký hay xác thực bởi người chuyên trở hay đại lý đích
danh thay mặt nhân danh người chuyên trở và/ hoặc có dấu hiệu biên nhận hay sự thể hiện khác
của người chuyên trở hay đại lý đích danh thay mặt nhân danh người chuyên trở. Bất cứ chữ ký,
sự chứng thực dấu biên nhận hay sự thể hiện khác của người chuyên trở phải được nhận dạng
trên bề mặt là của người chuyên trở. Đại lý ký tên hay xác thực nhân danh người chuyên trở
phải ghi rõ tên của người kia tức là người chuyên trở mà nó làm đại lý,

ii. Ghi rõ hàng hoá đã được nhận để bốc, gửi đi hay chuyên trở hoặc những từ tương tự. Ngày
phát hành sẽ được coi là ngày giao hàng trừ khi chứng từ vận tải có dấu biên nhận sẽ được coi
là ngày giao hàng,

iii. ghi rõ nơi bốc hàng và nơi đến quy định trong TDT,

iv. tất cả các điều khoản khác đáp ứng mọi quy định trong TDT.
B. Nếu chứng từ vận tải không ghi rõ số bản được phát hành ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ
vận tải xuất trình như là chọn một bộ chuyển tải đầy đủ. Ngân hàng sẽ chấp nhận chuyển tải vận
tải là bản gốc cho dù chúng có được ghi là bản gốc hay không. C. Với mục đích của điều khoản
này chuyển tải có nghĩa là dỡ hàng từ phương tiện vận tải và bốc sang phương tiện vận tải khác,
theo những phương thức vận tải khác nhau trong quá trìng chuyên trở từ nơi dỡ hàng đến nơi
quy định trong TDT. D. Ngay cả khi TDT cấm chuyển tải ngân hàng vẫn chấp nhận chứng từ vận
tải bằng đường bộ đường sắt, đường sông có ghi là chuyển tải sẽ hoặc có thể xảy ra miễn là chỉ
có một chứng từ vận tải duy nhất, bằng và cùng một phương thức vận tải được sử dụng cho toàn
bộ hành trình. Những chứng từ vận tải cơ bản thông thường đã được đề cập ở điều 23,24,25,26
và 27.Điều khoản này đề cập đến chứng từ vận tải khác ít thông dụng hơn trong buôn bán quốc
tế của Việt Nam đó là chứng từ vận tải đường bộ đường sắt, đường sông mà các điều khoản trước
không đề cập.
Trong mậu dich quốc tế giữa các nước láng giềng, việc vận tải hàng hoá bằng xe lửa, xe vận tải,
ca nô rất thông dụng vì nhanh chóng và thuận tiện. Thí dụ: Các nước có chung biên giới đất liền
ở Châu Âu (khối EC), ở Châu Á (Mông Cổ, Trung quốc, Lào, Thái Lan...). vùng Đông Nam Á vị
trí địa lý không cho phép các nước phát triển loại hình vận tải trên mà chủ yếu là vận tải biển.
Tại Việt Nam sau khi có đường sắt và đường bộ xuyên quốc gia: Việt Nam – Campuchia - Thái
lan, Việt Nam - Lào, các loại hình vận tải nói trên sẽ đóng vai trò chính trong chuyên trở hàng
hoá giữa các nước liên quan. Các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và các ngân hàng thương mại sẽ có
điều kiện tiếp xúc và làm quen qua thực tế với các loại chứng từ vận tải này.

93
Điều khoản này chỉ phác thảo những đặc thù của chứng từ vận tải của các loại hình vận tải và các
điều kiện riêng gắn với việc phát hành chứng từ vận tải.
Nét cơ bản của điều khoản này là:
• Phân biệt rõ nhà chuyên trở / Người ký phát chứng từ.
• Nhận thức được thực tế là đối với các loại hình vận tải trên "bộ chứng từ đầy đủ" không
được sử dụng trong buôn bán và do vậy không được phát hành bởi nhà chuyên trở.
1. Nhà chuyên trở và người ký phát chứng từ.
• Nếu hàng hoá được chuyên trở bằng phương tiện nào thì yêu cầu xuất trình chứng từ vận
tải của phương tiện đó. Thí dụ: Chứng từ vận tải đường bộ nếu chuyên trở bằng xe tải,
chứng từ vận tải đường sông Nếu hàng hoá được chuyên trở bằng ca nô, xà lan, tàu pha
sông biển... dù nó có những tiêu đề khác nhau. Chứng từ vận tải có thể được gọi:
- Đối với vận tải đường bộ: Truck Bill of ladding, Waybill, Road Consignment Note... - Đối với
vận tải đường sắt: Raiway Consignment Note, Railwaybill... - Đối với vận tải đường sông: Inland
Waterway Bill of Lading, Waybill, Consignment Note... Đều được chấp thuận miễn là trên bộ mặt
của chúng thể hiện đúng theo quy định của điều khoản này.
Cũng như các loại chứng từ vận tải khác, CTVT đường bộ, đường sắt, đường sông đều được ghi
rõ tên của người chuyên trở và / hoặc có đóng dấu đã nhận hàng hoặc những biểu hiện khác của
việc nhận hàng của người chuyên trở.
Đặc thù của loại hình vận tải trên chỉ có người chuyên trở (có thể là các hãng vận tải, có thể là
chủ phương tiện vận tải) được quyền ký cấp các CTVT. Trên thực tế phần lớn việc ký phát các
CTVT đều được đại lý uỷ quyền ký thay mặt và nhân danh người chuyên trở. Cũng như các điều
khoản nói về chứng từ vận tải điều khoản này yêu cầu người ký phát phải ghi rõ tên quyền hạn,
chức năng của mình.
• CTVT đường bộ, đường sắt, đường sông phải ghi hàng hoá đã được nhận ở điểm bốc,
điểm gửi đi, điểm chuyên trở. Điều này có vẻ mâu thuẫn với một thực tế là bản thân các
loại chứng từ này đều không thể hiện đại tính trên vì đơn giản là mọi nghĩa vụ quyền lợi
của các bên liên quan đựơc ghi rõ trong "Hiệp định quốc tế về vận tải hàng hoá bằng
đường sắt" và "Hiệp định về Hợp đồng Vận tải Hàng hoá Quốc tế bằng Đường bộ". Do
vậy yêu cầu này không thể đáp ứng Nếu người chuyên trở hoặc đại lý không ghi thêm
vào CTVT "nhận để bốc" "nhận để chuyển giao", "nhận để gửi đi". Nhưng để thuận tiện
người mở và ngân hàng phát hành có thể loại bỏ các biểu hiện như vậy trong TDT. Theo
WG điều khoản này thực chất cho phép ngân hàng chấp nhận chứng từ vận tải phát hành
theo các quy ước quốc tế nhưng việc thể hiện các từ ngữ "nhận để bốc" vẫn cứ phải thoả
mãn. (Tài liệu ICC số XB 511)
Ngày giao hàng theo TDT được biểu hiện bằng ngày cấp CTVT. Tuy nhiên, nếu có dấu nhận
hàng có in ngày của mỗi người chuyên trở thì ngày này chính là ngày giao hàng mà TDT quy
định.
2. Bản chính và bản phụ. Khác với vận đơn liên hợp, vận đơn đường biển, các chứng từ vận
đơn đường bộ, đường sắt đường sông không có giá trị lưu thông và biểu hàng hoá nên không cần
thiết phải ghi tổng số bản phát hành và không cần đóng dấu bản gốc. Do vậy ngân hàng sẽ chấp
nhận bất cứ bao nhiêu bản xuất trình và là bản gốc nếu chứng từ đó không đóng dấu "copy" bất
kể TDT có quy định khác.
3. Vấn đề chuyển tải trong vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông. Trên thực tế vận tải
bằng các loại hình kể trên việc chuyển tải là có thể xảy ra. Thí dụ trong quá trình vận tải bằng
đường bộ từ nước này qua biên giới để vào nước khác, hải quan của nước nhập khẩu có thể cấm
94
không cho xe tải đó chuyển thẳng hàng vào nội địa nước mình. Do vậy hàng phải dỡ và bốc sang
các xe tải của người chuyên trở khác chuyển đến nơi cuối cùng nằm trong nội địa nhà nhập khẩu.
Tương tự, hàng được vân chuyển bằng xe lửa từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có thể phải
chuyển tải tại biên giới 2 nước sang loại xe lửa của nước nhập khẩu có kích thước đường ray lớn
hoặc nhỏ hơn hệ thống đường ray của nước xuất khẩu. Do vậy WG đã dành phần cuối của điều
khoản này nhằm nêu ra nguyên tắc chuyển tải trong chuyên trở bằng đường bộ, đường sắt, đường
sông và khẳng định quyền được phép chuyển tải ở một số trường hợp (như ở thí dụ trên) của nhà
chuyên trở mặc dù TDT không cho phép. Điều này tương tự nói về chuyển tải của loại hình vận
tải bằng máy bay và hợp với thông lệ và thực tiễn kỹ thuật vận tải quốc tế.

ĐIỀU 29: BIÊN LAI CHUYỂN PHÁT NHANH VÀ BIÊN LAI BƯU ĐIỆN
A. Nếu TDT yêu cầu Biên lai bưu điện hay giấy chứng nhận gửi hàng bưu điện thì ngân hàng sẽ,
trừ khi quy định khác trong TDT, chấp nhận Biên lai bưu điện hay giấy chứng nhận gửi hàng
bưu điện, i. thể hiện trên bề mặt và được đóng dấu hoặc xác thực và được ghi ngày tại nơi mà
TDT quy định hàng hoá được gửi đi và ngày đó được coi là ngày bốc hàng hay giao hàng

ii. tất cả các điểm khác đáp ứng mọi yêu cầu của TDT.
B. Nếu TDT quy định chứng từ do hãng chuyển phát nhanh hay dịch vụ gửi hàng bưu chính phát
hành, thể hiện hàng đã được nhận để giao thì ngân hàng sẽ, trừ khi quy định khác trong TDT,
chấp nhận chứng từ dù được gọi như thế nào, i. thể hiện trên bề mặt tên của hãng/ dịch vụ
chuyển phát nhanh và được đóng dấu, ký tên hay được xác thực bởi hãng/ dịch vụ chuyển phát
nhanh đích danh đó, (trừ khi TDT quy định rõ là chứng từ được phát hành bởi một hãng/ dịch vụ
chuyển phát nhanh cụ thể, ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ do bất cứ hãng/ dịch vụ chuyển
phát nhanh nào phát hành), và
ii. chỉ rõ ngày đóng gói hàng hay ngày nhận hàng hay những từ tương tự, ngày đó được coi là
ngày xếp hàng hay ngày giao hàng,

iii. tất cả mọi điểm khác đáp ứng yêu cầu cầu TDT.
Hàng hoá có thể được chuyên trở qua đường bưu điện: hàng nhẹ, hàng mẫu.. các chứng từ liên
quan đến việc chuyên trở này không được gọi là chứng từ vận tải mà được gọi cụ thể là "Biên lai
bưu điện" "Giấy chứng nhận gửi hàng qua bưu điện".
Trong bản điều lệ 400 quy định về chứng từ giao hàng qua bưu điện được đề cập tại Điều 30
nhưng chưa cụ thể và đầy đủ. ĐK này được viết lại, bổ sung thêm việc giao hàng bằng "Chuyển
phát nhanh" (CPN): Carrier và "Biên lai dịch vụ gửi hàng bưu chính".
Xét về mặt chức năng các loại chứng từ trên chỉ là biên nhận của các cơ quan Bưu chính hoặc
các hãng vận tải (gọi chung là người chuyên trở: Carrier) xác thực việc tiếp nhận hàng hoá từ
người gửi để chuyển giao cho người nhận. Chúng là loại không có giá trị lưu thông, hàng hoá
được giao tận tay, đúng tên, đúng địa chỉ thể hiện trong chứng từ và được người nhận xác thực
việc nhận hàng và ghi ngày tháng. Người chuyên trở (người phát hành Biên lai) sẽ giao cho
người gửi 1 bản để làm chứng từ thanh toán hoặc lưu trữ hồ sơ. Bản Biên lai này chỉ nhằm chứng
minh nghĩa vụ của người bán đối với người mua theo ĐK của hợp đồng và quy định của TDT,
không có giá trị để nhận hàng hoặc quyền sở hữu hàng hoá như các loại CTVT khác (vận đơn
đường biển, CTVT liên hợp...). Người mở TDT, vì chứng từ bất hợp lệ từ chối thanh toán trong
khi vẫn nhận hàng. Điều này hoàn toàn có thể sảy ra Nếu người mua có hành vi không tốt.

95
1. Biên lai bưu điện và giấy chứng nhận gửi hàng bưu điện. Đặc thù của các chứng từ do Bưu
điện cấp là luôn luôn có dấu in ngày tháng nhận hàng, hoặc có xác thực bằng chữ ký và ghi ngày
thàng của cơ quan bưu điện. Ngày thể hiện trên chứng từ đó được coi là ngày giao hàng.
2. " Biên lai chuyển phát nhanh " và " Biên lai dịch vụ gửi hàng bưu chính" Là 2 loại chứng
từ của cơ quan chuyên ngành về vận tải hàng hoá bưu chính. Hiện nay tại Việt Nam đang có mặt
các hãng chuyển phát nhanh (CPN) như: DHL (singapore), Tomas National Transport (TNT-
Australia), airborne epxpress (USA) Federal epxpress (USA) United Parcel Service (UPS-USA).
Đặc điểm của các loại chuyển phát nhanh là nhanh chóng thuận tiện. Bất cứ tài liệu hàng hoá nào
cũng có thể qua các hãng PCN như trên miễn là không bị cấm. Các hãng PCN như DHL có chi
nhánh đại diện của mình hầu như ở tất cả các nước trên thế giới. Hàng hoá tài liệu của DHL sẽ
được gửi theo bất cứ chuyến bay nào muộn nhất. Người vận chuyển PCN nhận hàng bất cứ tại
đâu theo yêu cầu của người gửi, làm mọi thủ tục hải quan (nếu cần) tại nước đi và nước đến giao
tận tay người nhận hàng. Mọi thông tin về việc nhận hàng (ngày giờ, nơi nhận, cá nhân ký
nhận...) Nếu yêu cầu sẽ được cung cấp cho người gửi.
Tuy nhiên cước phí chuyển phát nhanh rất đắt nên chủ yếu tài liệu, chứng từ (có trọng lượng
nhỏ) được gửi theo cách này. Nhưng một số hàng hoá mậu dịch quý hiếm mà trọng lượng không
lớn cũng được gửi chuyển phát nhanh. Cho nên, việc đưa vào điều khoản này phần nói về 2 loại
chứng từ của phương thức giao hàng bằng chuyển phát nhanh là điều cần thiết đáp ứng được
thực tiễn đa dạng của các phương tiện giao hàng trong mậu dịch quốc tế.
Khi TDT yêu cầu xuất trình các chứng từ"Carrier receipt"hay "Expedited delivery service
receipt" thì ngân hàng sẽ chấp nhận bất cứ tiêu đề nào (however named) được ghi trên các biên
nhận đó:
- International Express Bill (by Airbone Express)
- International Airway Bill (by Federal Express)
- Shipment Airway Bill (by DHL)
miễn là chúng nó thể hiện việc nhận hàng để gửi của người phát hành biên lai.
3. Ngày giao hàng của TDT được thể hiện trên các Biên lai. Tất cả các loại Biên lai của các
hãng chuyển phát nhanh đều phải ghi tên của người chuyên trở hoặc hãng dịch vụ và được đóng
dấu ký tên hay được xác minh bằng cách nào đó của hãng chuyển phát nhanh.
Ngày đóng gói hoặc ngày nhận hàng hoặc cách diễn đạt mà biểu hiện được ngày chuyển giao
hàng: date of shipment, date and authorized signature... được coi là ngày TDT quy định.
Người mở có thể chỉ định đích danh hãng chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng bằng cách quy
định trong TDT. Ngược lại ngân hàng sẽ chấp nhận bất cứ hãng nào miễn là chứng từ "Carier"
hay là Expedited delivery service Receipt" được xuất trình đúng theo yêu cầu của TDT.
Cũng như các loại chứng từ vận tải đã nói trước đây các chứng từ giao hàng qua bưu điện bằng
phương thức chuyển phát nhanh đều phải thoả mãn đầy đủ quy định của TDT. Ngược lại sẽ bị
ngân hàng từ chối mặc dù xuất trình đúng theo điều khoản này của bản điều lệ 500.

ĐIỀU 30: CHỨNG TỪ VẬN TẢI DO NGƯỜI GIAO NHẬN PHÁT HÀNH
Trừ khi TDT cho phép ngân hàng chỉ chấp nhận chứng từ vận tải do người giao nhận phát hành
Nếu nó thể hiện rõ trên bề mặt:
i. tên người giao nhận với tư cách là người chuyên trở hay người điều hành PTVTĐPT và được
ký tên hay xác thực bởi người giao nhận với tư cách là người chuyên trở hay người điều hành
PTVTĐPT
hoặc

96
ii. tên người chuyên trở hay người điều hành PTVTĐPT và được ký tên hay xác thực bởi người
giao nhận với tư cách là đại lý đích danh thay mặt nhân danh người chuyên trở hoặc người điều
hành PTVTĐPT.
Về cơ bản điều khoản này giữ nguyên quy định về CTVT được cấp bởi công ty giao nhận
(CTGN) được đề cập ở điều 25 (d) và điều 26 (c) của bản điều lệ 400.
FIATA là Liên đoàn quốc tế các nhà giao nhận
FIATA uỷ quyền cho các Liên đoàn hành viên của mình cho phép các thành viên riêng lẻ được sử
dụng bản quyền của Hiệp hội. Bằng cách đó các Liên Đoàn giao nhận quốc gia phải có trách
nhiệm xem xét khả năng tài chính của các thành viên của mình. Nếu xét thấy cần thiết sử dụng
các phương thức bảo hiểm để đảm bảo khả năng đền bù cho những tổn thất trong từng loại hình
chuyên trở của các thành viên.
CTVT của FIATA được dùng dưới tiêu đề:
NEGOTIABLE FIATA MULTIMODEL TRANSPORT BILL OF LADDING
(used subject to UNCTAD/ICC Rules for Multimodel Transport Document (ICC publication
No.481))
(Xem mẫu FIATA FB)
Như đã nói ở điều khoản 26 UNCTAD đã phối hợp với ICC phát hành " Quy tắc UNCTAD/ ICC
và CTVTĐPT" số xuất bản có hiệu lực từ ngày 01/01/1992 trong đó thừa nhận mẫu vận đơn liên
hợp (đa phương thức) của Liên Đoàn các nhà Giao nhận như là người chuyên trở hay là người
điều hành PTVTĐPT. Vận đơn FIATA với biểu tượng (logo) của ICC ở góc trên bên phải và biểu
tượng của FIATA ở giữa là chứng từ được thoả thuận giữa 2 tổ chức trên. Vận đơn của FIATA tạo
nên một hợp đồng chuyên trở về phía người giao nhận ký phát như là pháp nhân chính chứ
không phải là đại lý đối với chủ hàng, để thực hiện toàn bộ hợp đồng đó và chịu trách nhiệm và
nghĩa vụ đối với các điều khoản về tổn thất, mất mát sảy ra trong suốt chặng hành trình. Do vậy,
về bản chất FIATA FBL là chứng từ của người chuyên trở chứ không phải là Chứng từ của đại lý
giao nhận hay "Chứng thư vận tải của đại lý giao nhận". Các chứng thư này không phải là
CTVT vì không xác định được sự giao hàng thực sự mà chỉ là nhận hàng của người giao nhận
mà thôi.
Do vậy, nếu TDT không nói khác thì ngân hàng sẽ từ chối FCR và FCT được xuất trình như là
chứng từ vận tải.
1. Hãng giao nhận là người chuyên trở hoặc người điều hành PTVTĐPT. CTVT do các
hãng giao nhận cấp được sử dụng như là vận đơn đường biển cảng - cảng hoặc là vận đơn
liên hợp. Ngày nay, ta thường gặp CTVT của FIATA hơn là của các hiệp hội khác. Tuy nhiên,
bản điều lệ này chấp nhận tất cả CTVT do các công ty giao nhận độc lập, hoặc thành viên của
FIATA, NVOCC hoặc bất cứ hiệp hội khác trên thế giới cấp, với điều kiện họ là:
- Người chuyên trở, hoặc
- Người điều hành phương tiện vận tải liên hợp chứ không phải là đại lý giao nhận Cũng như các
loại VĐ khác CTVT của Công ty giao nhận phải ghi tên của, và được ký bởi họ, với tư cách là
Người chuyên trở, hoặc người điều hành phương tiện vận tải Liên hợp. Cách biểu hiện như vậy
trên CTVT tương tự ở các trường hợp VĐ cảng- cảng, VĐ đường biển không có giá trị lưu
thông, VĐ liên hợp...
2- Hãng giao nhận là Đại lý của Người Chuyên Chở hoặc người điều hành PTVTĐPT:
Các Công ty giao nhận độc lập hoặc thành viên của các Hiệp Hội nói trên có thể là Người
Chuyên Chở / Người điều hành PTVTĐPT, có thể chỉ là Đại lý của hai đối tượng trên, hoặc cũng
có thể bao gồm cả hai chức năng. Nếu là đại lý được uỷ quyền của Người Chuyên Chở 1 Người

97
điều hành PTVTĐPT, hãng giao nhận sẽ thay mặt / nhân danh 2 đối tượng này ký phát CTVT.
Trong trường hợp này họ phải dùng mẫu CTVT có ghi tên của Người Chuyên Chở hoặc người
điều hành PTVTĐPT (Các hãng mà họ làm Đại lý cấp cho người giao hàng. Chữ ký của họ phải
ghi rõ: Ký bởi hãng giao nhận (tên công ty cụ thể), là Đại lý của Người Chuyên Chở, hoặc
Người điều hành PTVTĐPT.
3- Ngân hàng phải kiểm tra tính pháp lý của chứng từ vận tải
Khi chứng từ vận tải (CTVT) được cấp cho chủ hàng có nghĩa là hàng hoá đã được chuyển giao
cho người mua và việc thanh toán được tiến hành theo thông lệ. Vai trò của NH là "mua" chứng
từ đó để "bán" lại cho người mở TDT. Do vậy, NH phải kiểm tra tính xác thực của chứng từ đó.
CTVT, trong phần lớn các trường hợp đều do Đại lý được uỷ quyền tại nơi giao hàng ký phát. Do
vậy, các NH tại các nước xuất khẩu đều thuận tiện trong việc kiểm tra tính xác thực của chúng
bằng hồ sơ do các Đại lý Hãng tàu cung cấp (Mẫu chữ ký, mẫu vận đơn.....).
Nếu chứng từ vận tải được Thuyền trưởng, Chủ tàu hoặc Người chuyển chở, Người điều hành
Phương tiện Vận tải đa chức năng ký phát thì phải được xác thực của hãng đại lý.
Về lý thuyết, nếu là TDT tự do (Free Negotiation), Người hưởng được phép xuất trình chứng từ
ở bất cứ NH nào trên thế giới. Nhưng các NH chỉ chịu trách nhiệm xác minh các CTVT được ký
phát tại nước của mình nên chứng từ sẽ bị từ chối chiết khấu khi được xuất trình tại NH nước
khác. Tài liệu ICC số xuất bản 489 khẳng định: "NH kiểm tra vận đơn theo TDT phải nắm được
yêu cầu pháp lý đối với chữ ký thẩm quyển của vận đơn đó tại nước của NH đó chứ không phải
tại nước khác. Do vậy, NH kiểm tra chứng từ phải có trách nhiệm xác định chữ ký với đầy đủ giá
trị pháp lý của nó" (A bank checking Bills of Lading under Documentary Credits is expected to
know the legal requirements governing the form of signatures on Bills of Lading in its own
country but not in other countries. Therefore, the Experts world say that a bank checking
documents does have responsibility for verifying that a Bill issued in its own country is signed in
a legally valid form)
Đối với các chứng từ hàng hoá khác (Hoá đơn, chứng từ đóng gói, chứng nhận xuất xứ kiểm
dịch.....), NH phải xác minh giá trị pháp lý trước khi quyết định "mua" chúng. Điều này là lẽ
thông thường (common sense) nên không cần nêu thành quy tắc trong Bán Điều lệ này.

ĐIỀU 31: "TRÊN BONG", "CHỦ HÀNG TÍNH VÀ ĐẾM", TÊN NGƯỜI GỬI HÀNG
Trừ khi qui định khác trong TDT, ngân hàng sẽ chấp nhận CTVT:
i .không nêu rõ hàng hóa, trong trường hợp chuyên chở bằng đường biển hay bằng nhiều
phương tiện vận tải, trong đó có phương tiện vận tải biển, được xếp, hoặc sẽ được xếp trên
boong. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ chấp nhận một CTVT có điều khoản là hàng hóa có thể được
chuyên chở trên boong, miễn là nó không nêu rõ là hàng được xếp hoặc sẽ được xếp trên boong
và / hoặc .
ii. Có điều khoản thể hiện bề mặt CTVT như "chủ hàng xếp và đếm" hoặc "người gửi khai gồm
có" hoặc những từ tương tự
và/ hoặc
iii. ghi rõ người gửi hàng là một bên khác không phải là Người Hưởng của TDT.
ĐK này là sự sửa đổi và viết lại của Điều 28, 32 và 33 của Bản điều Lệ 400, nhằm xác định pháp
lý theo đó ngân hàng được quyền chấp nhận hay từ chối các Điều khoản, Thuật ngữ ghi trên Vận
Đơn.
"on board", "on deck" chỉ liên quan đến các loại Vận đơn đường biển (ocean / marine B/L, Non-
negotiable Seaway Bill...) và Vận đơn hỗn hợp mà thôi. TDT sẽ không có giá trị thực hiện nếu

98
yêu cầu xuất trình VĐ hàng không, CTVT đường bộ, đường sắt, đường sông có ghi "on board"
hoặc "On deck". Điều này đã thể hiện ở nội dung các ĐK nói về các CTVT.
1) Các thuật ngữ chỉ việc giao nhận hàng hoá
"On board", "on deck" hiểu theo nghĩa gốc là "Trong khoang tàu", "Trên boong tàu". Nhưng
trong thực tế của kỹ thuật Vận Tải Biển và giao dịch ngân hàng, thuật ngữ này được hiểu với
nghĩa rộng hơn. "On board" chỉ hàng động Người Chuyên Chở nhận lãnh trách nhiệm vận
chuyển hàng hóa Trên Con Tàu, để phân biệt với hành động "Received for shipment" hoặc
"taken in charge". Vận đơn "on board" chứng minh chủ hàng đã giao hàng Trên Tàu theo đúng
yêu cầu của hợp đồng và TDT. Do vậy, ngay khi các container được đặt lên boong tàu, thì Người
chuyên trở vẫn cấp VĐ "on board" đối với hàng hoá đó.
Mặc dù từ chối VĐ đường biển có ghi cụ thể, rõ ràng là hàng đặt trên boong (That goods are or
will be loaded on deck) nhưng chấp nhận các VĐ có ghi Điều khoản cho phép Người Chuyên
Chở, trong những trường hợp hoàn cảnh nào đó, được chở hàng trên boong (may be carried on
deck). Đây là những trường hợp hàng hóa được Chuyên chở bằng phương thức Vận Tải Liên
Hợp hành trình bắt đầu từ phương tiện vận tải không phải bằng đường biển: Xe tải, xe lửa...
CTVT liên hợp sẽ ghi "Taken in charge" hoặc "Received for shipment" chứ không phải "on
board". Do vậy, người chuyên chở khi chuyển hàng từ phương tiện tàu hỏa sang tàu biển, tuỳ
theo điều kiện thực tế mà xếp hàng trong khoang (on board) hay trên boong tàu (on deck).
Vận đơn đường biển, như đã nói tại Điều 26, đều được sử dụng cho hai loại hình vận tải: cảng
đến cảng và đa phương thức và hầu hết ghi Điều khoản "on deck cargo": "hàng hoá được miêu tả
dù được chứa trong Container hay không, có thể được xếp trên boong hay trong khoang Tàu mà
không cần thông báo cho chủ hàng"
"Goods of the descriptions whether containerized or not may be stowed on or under deck
without notice to the Merchant... "
Ngoài hàng hoá được chở bằng Container phải xếp trên boong, chủ tàu có thể và có quyền xếp
các mặt hàng khác như hàng tươi sống (Livestock), hàng cồng kềnh (cần cầu, máy móc hoặc xe
tải đặc chủng, đường ray) trên boong tàu khi chuyên chở, dựa trên công ước Quốc tế Hague
(Hague Rules): Công ước Quốc tế thống nhất một số Quy tắc về vận đơn (International
Convention for The Unification of Certain Rules relating to Bill of Lading -Brussel 1924)-và
Hague Visby Rules, là bản sửa đối của Hague Rules 1924 được ký tại Brussel này 23/02/1968.
2) Người chuyên chở không liên quan đến nội dung và bản chất của hàng hoá
Hàng được chuyên chở bằng Container, palet, bao kiện.. hiện nay rất phổ biến và thông dụng.
Trong nghiệp vụ giao nhận hàng hoá giữa hai bên, người chuyên chở nhận hàng bằng các
Container, palet..và giao hàng với số lượng đó với tình trạng hàng nguyên đai, nguyên kiện,
nguyên dấu xi mà không cần biết nội dung trong đó mặt hàng gì, số lượng và trọng lượng bao
nhiêu. Tất cả các nội dung đó đều do chủ hàng (người gửi hàng) khai báo và được thể hiện trên
vận đơn. Để miễn trách trách nhiệm của mình về hàng hoá đựng trong Container, palet, bao kiện.
Người chuyên chở được phép ghi chú những câu, chữ biểu hiện thực tế của việc giao nhận hàng:
"Chủ hàng xếp và tính, đếm"
(Shipper's load and count)
"Người gởi khai gồm. . . "
(said by shipper to contain..)
'Nội dung, trọng lượng, số lượng không được biết "
(content, weigh and quantlty unknown"
Thí dụ:

99
One container said to contain: 2,345kg & 14,562M &22,065PRS, shipper's load and count
hoặc
Two (2) pallets
shipper's load, stow and count said to contain 58, OOOM of Thomal Transfer Ribbon Jumbo
Roll TRX- 1 0 H43
hoặc
One (01) container
said by shipper to contain 740 CTNs each CTN consits of 25 pairs of sport shoes. "Content,
weigh and quantity unknown"
Những diễn đạt này của người chuyên chở hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự hợp lệ của vận
đơn vì nó không đến cập đến khiếm khuyết thể trạng của hàng hoá. Cho nên, vận đơn, dù có
những ghi chú như trên đều vẫn được coi là chứng từ vận tải hoàn hảo (sẽ nói ở Điều khoản sau)
và được ngân hàng chấp nhận.
3. Chứng từ vận tải của phía thứ 3 (third party Bill of Lading acceptable)
Phần 3 của Điều khoản này thực chất nêu ra một định nghĩa thế nào là "third party bill of
lading". Thường người hưởng TDT là người bán, tức là người giao hàng, được thể hiện ở vận
đơn là Consignor hay Shipper. Tuy nhiên trong trường hợp chuyển nhượng TDT người hưởng
xuất trình bộ chứng từ với hoá đơn và hối phiếu do mình ký phát, nhưng vận đơn và các chứng
từ khác thể hiện người giao hàng lại là phía thứ ba (tức là người được chuyển nhượng/ người
hưởng thứ 2). '
Vận đơn ghi tên người giao hàng là phía thứ 3 trong trường hợp người hưởng TDT xuất khẩu uỷ
thác cho chủ hàng trên cơ sở giấy phép của phía ủy thác. Hợp đồng ủy thác qui định mọi nghĩa
vụ về giao hàng thuộc về người yêu cầu ủy thác, người xuất khẩu chịu trách nhiệm về ký kết hợp
đồng đối ngoại, chứng từ thanh toán và được hưởng tỷ lệ phần trăm trên trị giá hoá đơn.
Vận đơn với chức năng sở hữu hàng hoá có thể được chuyển nhượng, bán cho người khác bằng
cách ký hậu, trao tay, điều khoản này tạo thuận lợi cho chủ hàng sử dụng vận đơn cùng với các
chứng từ hàng hóa khác với chức năng trên mà không bị ngăn cản bởi thủ tục thanh toán ngân
hàng.
Điều cần lưu ý là Điều khoản này chỉ nói về chứng từ vận tải của phía thứ 3 (third party bill of
ladding), không liên quan đến các loại chứng từ hàng hoá khác (shipping documents) như chứng
từ đóng gói, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận kiểm dịch, chứng nhận phẩm chất... Tuy nhiên
Điều 21 chấp nhận bất cứ ai lập chứng từ (trừ hoá đơn, chứng từ vận tải, chứng từ bảo hiểm) thì
có nghĩa là chấp nhận chứng từ do phía thứ 3 cấp. Nếu nhận được TDT có điều khoản "third
party document acceptable" thì phải hiểu là vận đơn và các chứng từ giao hàng khác được phép
ghi tên người gởi hàng không phải là người hưởng chứ không liên quan đến người ký phát
chứng từ. Việc lập chứng từ theo đúng Điều khoản 21 và các quy định của TDT.
ĐIỀU 32: CHỨNG TỪ VẬN TẢI HOÀN HẢO
A. Chứng từ vận tải hoàn hảo là chứng từ không có Điều khoản hay ghi chú nào nêu rõ ràng về
tình trạng khuyết tật của hàng hoá và / hoặc bao bì.
B. Ngân hàng sẽ không chấp nhận chứng từ vận tải có những Điều khoản hay ghi chú như vậy
trừ khi TDT qui định rõ những điều khoản hay ghi chú như vậy có thể được chấp nhận.
C. Ngân hàng sẽ coi chứng từ vận tải có ghi "đã bốc hoàn hảo" (clean on board) phù hợp với
yêu cầu trong TDT nếu chứng từ vận tải đó đáp ứng được các yêu cầu của Điều khoản này và
các Điều 23, 24, 25, 26,27, 28 hay 30.

100
Sửa đổi lớn nhất của Điều 34 (Bản điều lệ 400) để trở thành Điều khoản này là từ "được ghi
thêm" (superimposed) bị loại trừ. Mục đích lược bỏ này nhằm bảo đảm sự chặt chẽ của Qui tắc.
Bản điều lệ cũ đề cập "điều khoản bổ sung hoặc ghi chú thêm" (superimposed clause or notation)
nhưng nếu chúng không phải là "bổ sung" hay "ghi thêm" mà là "vốn có "nghĩa là một phần diễn
giải trên vận đơn thì sao? Điều này gây ra sự hiểu sai và rắc rối cho các bên liên quan. Do vậy
WG quyết định bất cứ một Điều khoản hoặc ghi chú nào nói về khuyết tật của hàng hoá và/hoặc
là bao bì thì coi như là chứng từ vận tải không hoàn hào.
Thực ra không cần định nghĩa thế nào là"clean" mà chỉ cần đem ra quy định vận đơn nếu được
ghi chú bất cứ điểm nào về khuyết tật của hàng hóa hoặc bao bì là bị từ chối. "Clean". hiểu theo
nghĩa trong Bản Điều lệ này là hoàn hảo và hợp lệ, nghĩa là không có bất kỳ sự ghi chú nào như
vậy trên bề mặt vận đơn.
Thí dụ.
Vận đơn không hoàn hảo có những ghi chú sau:
Some cartons Where torn and 3 pallets were broken
hoặc
The goods have bad smell
A part of goods are found wet
Tất cả những Điều khoản trên đây đều thể hiện phẩm chất, trạng thái hàng hoá, bao bì không tốt,
trái với qui định của TDT. Do vậy vận đơn sẽ bị từ chối. Tuy nhiên, một số ghi chú không biểu
hiện trạng thái kém phẩm chất của hàng hoá hoặc bao bì như: "bao bì dùng lại" (second hand
bags), hoặc "thùng cũ" "old palle". Để tránh những tranh cãi do cách hiểu của từng bên khác
nhau, người mở và người hưởng TDT nên quy định rõ trong TDT chấp nhận hay không các ghi
chú đó.
Trong thực tế, một số ngân hàng phát hành TDT thường yêu cầu xuất trình vận đơn đã bốc hoàn
hảo (clean shipped on board Bill of Lading). Thực ra trong tiếng Anh, "Clean shipped on board",
với cách hiểu theo Bản điều lệ, cũng tương tự "on board" mà thôi.
Đưa từ "clean" vào chỉ thêm phức tạp và tạo nên một số thói quen không hợp tập quán trong giao
dịch chứng từ. Do vậy WG khẳng định: một chứng từ sẽ được coi là "clean on board" khi nó đáp
ứng được yêu cầu "on board" của điều khoản vận tải mà nó liên quan trong Bản Điều lệ 500, bất
kể có hay không chữ "clean"
ĐIỀU 33: CHỨNG TỪ VẬN TẢI CƯỚC PHẢI TRẢ/CƯỚC TRẢ TRƯỚC
A. Trừ khi qui định khác trong TDT, hay có sự mâu thuẫn với bất cứ chứng từ nào được xuất
trình theo TDT, ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ vận tải có ghi cước hay phívận tải (sau đây
được gọi lá "cước" ) vẫn còn phải được thanh toán.
B. Nếu TDT quy định chứng từ phải ghi rõ là cước đã được trả hay được trả trước, ngân hàng sẽ
chấp nhận chứng từ ghi rõ là cước được trả hay được trả trước bằng cách đóng dấu hoặc việc
thanh toán đó được biểu thị bằng những cách khác nhau. Nếu TDT quy định cước phí bưu điện
phải được trả hay được trả trước thì ngân hàng cũng sẽ chấp nhận chứng từ vận tải được phát
hành bởi một hãng vận tải CPN hoặc Dịch vụ gởi hàng bưu chính thể hiện các phí vận chuyển
do một bên khác, không phải là người nhận hàng thanh toán.
C. Những từ "cước phải được trả trước "hay cước sẽ phải được trả trước" hay những từ tương
tự, nếu thể hiện trên các chứng từ vận tải, sẽ không được chấp nhận như là bằng chứng của việc
đã thanh toán cước phí.
D. Ngân hàng sẽ chấp nhận các chứng từ vận tải có dẫn chiếu bằng cách đóng dấu hay bằng
cách khác, về phụ phí ngoài cước như các khoản chi có liên quan đến việc bốc dỡ hàng hoặc

101
những nghiệp vụ tương tự, trừ khi các Điều khoản của TDT ghi rõ không chấp nhận các dẫn
chiếu như vậy.
Bản điều lệ 500 bổ sung thểm điều 29 nói về vận tải bằng Courier hoặc bằng Expedited Delivery
Service nên điều khoản này viết lại Điều 31 của Bản Điều lệ 400 và bổ sung thêm phần cước phí
phát sinh theo phương thức giao hàng đó.
1) Những thể hiện về thanh toán cước phí chuyên chở.
• Trong thực tế vận tải, ngoài cước phí chuyên chở, có thể phát sinh các phụ phí như: phí
lau chùi chuyển trả lại (đổi lại) các Container, ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ vận tải
có ghi "cước phí vận còn phải trả" (Freight have still to be paid) với điều kiện TDT này
không cấm và CTVT không mâu thuẫn với những thể hiện trên các chứng từ khác.
• Ngân hàng phát hành luôn yêu cầu vận đơn phải ghi rõ "cước đã trả trước"hoặc "cước đã
trả" ('Freight prepaid"or "Freight has been paid / freight paid") với điều kiện giao hàng
giá CFR hoặc ClF (cảng đến). Những điều khoản về cước phí ràng buộc trách nhiệm của
các bên liên quan. Vận đơn ghi như trên thì người nhận hàng không trả thêm phí chuyên
chở. Ngược lại "phí sẽ trả tại nơi đến" (Freight to be paid/payable at destination) thì
người nhận hàng phải trả cước phí nơi được nhận hàng.
• Việc thể hiện các điều khoản về cước phí vận tải được thực hiện bằng con dấu (stamp)
đóng lên chứng từ, hoặc bằng máy chữ nhưng thông dụng hơn là bằng hệ thống vi tính.
Ngân hàng sẽ chấp nhận bất cứ cách nào miễn là nó thể hiện là cước phí đã được thanh
toán trước khi vận đơn được cấp cho người gởi hàng.
• Cước phí vận chuyển bằng Courier theo tập quán là do người gởi hàng trả khi giao hàng.
TDT thông thường quy định giá CFR hoặc ClF (nơi đến) mà không yêu cầu chứng từ vận
tải (Courier Receipt/ Expedited Delivery Service Receipt" phải ghi "Cước phí đã trả".
Tuy nhiên, nếu có yêu cầu điều khoản cước phí như vậy thì ngân hàng sẽ chấp nhận Biên
lai chuyển phát nhanh (CPN) hay Dịch vụ gởi hàng bằng bưu chính ghi rõ là phí chuyên
chở do phía khác chịu chứ không phải là người nhận hàng.
• Điều quan tâm cuả người hưởng là khi nhận hàng, gởi hàng đường CPN là họ có trả phí
vận chuyển không? Nếu hợp đồng quy định phí này do người bán trả thì dù biên lai ghi
thế nào đi nữa đều được chấp nhận. Quy định này của ngân hàng nhằm phù hợp với
thông lệ quốc tế về phương thức gởi hàng bằng CPN và bằng Dịch vụ gởi hàng bưu chính
đang phổ biến đối với mặt hàng gọn nhẹ.
2) Không dùng những thuật ngữ không rõ nghĩa
Đối với cước vận tải, chỉ có 2 cách thể hiện trên chứng từ: hoặc đã được trả khi giao hàng
(Freight paid / Freight prepaid) hoặc sẽ được trả nơi đến (Freight payable/ to be paid at
destination). Những diển giải "Cước phí phải được trả trước" (Freight prepayable) hay "cước
phí sẽ trả trước "rất mập mờ không thể hiện việc thanh toán cước phí đã được thực hiện hay
chưa? Do vậy không thể coi là bằng chứng của "cước phí đã trả". Nếu bán bằn giá CFR hay ClF,
các nhà xuất khẩu lưu ý điều khoản cước phí ghi trên vận đơn phù hợp với thông lệ Thương mại
Quốc tế và Bản Điều lệ này, nhằm bảo đảm tính hợp lệ của chứng từ.
3) Chi phí phát sinh trong quá trình chuyên chở
Thế nào là phụ phí của phí vận tải, các chi phí liên quan đến việc bốc, dỡ hay các dịch vụ tương
tự?
Trên hành trình, người chuyên chở có thể chịu những chỉ phí phát sinh như: phí bốc dỡ lại hàng
do những trường hợp đột xuất, phí sắp xếp lại hàng hoá trên boong, khoang tàu do có sự cố nào

102
đó, phí lau chùi, chuyển đổi container.. người chuyên chở có quyền thu lại phụ phí đó từ người
nhận hàng bằng cách ghi rõ trên vận đơn.
Tuy nhiên, những Điều khoản như vậy ghi trên vận đơn gây ra sự suy luận và hành động khác
nhau của các bên liên quan đặc biệt là ngân hàng.
Trong Tài liệu số xuất bản 494, ICC đã nêu ra trường hợp phụ phí phát sinh trên suốt chặng hành
trình và chuyển tải. Điều khoản về phụ phí được ghi trên bản đính kèm vận đơn và là một phần
không thể tách rời của vận đơn:
Trong trường hợp có phát sinh chi phí của người chuyên chở và / hoặc rủi ro chiến tranh, người
chuyên chở bảo lưu quyền thu lại từ khách hàng mà không cần báo trước. Phụ phí này có thể áp
dụng ở bất kỳ thời điểm nào của hành trình và ngay cả trong trường hợp người chuyên chở quyết
định thay đổi hành trình theo ý của mình.
(In the events of the Carriers cost increasing and / or the war risk increasing, the carrier
reserves the right without prior notice to the merchant to impose a surcharge. This surcharge
may be applied at any time during the voyage and will also apply in the event the carrier may
decide to route the vessel via an alternative route.)
Một số ngân hàng Anh quốc chấp nhận Điều khoản này (nếu TDT không cấm) theo Điều 31, Bản
Điều lệ 400, mặc dù không hoàn toàn thỏa mãn, nhưng tất cả ngân hàng Mỹ tại Luân Đôn thì từ
chối. Sự khác biệt về quan điểm của các ngân hàng xuất phát từ thực tế là không có bất cứ
hướng dẫn hay giải thích nào về viêc áp dụng Điều 31, Bản Điều lệ 400. Có ngân hàng còn nêu
ra quan điểm là điều khoản 31 (d) hình như không hợp với thực tế về nghĩa vụ của người chuyên
chở và người giao hàng, người nhận hàng.
Quan điểm của tiểu ban NH trong cuộc hợp vào ngày 23/04/91 nhất trí với ý kiến của ông Muller
là vận đơn đường biển được xuất trình theo TDT với điều kiện CFR hoặc ClF mà có điều kiện
phụ phí trên đây không thể coi là phù hợp với quy định của TDT, bất kể TDT có cho phép hay
không.
Tuy nhiên trường hợp này không áp dụng cho TDT giao hàng theo điều kiện FOB vì cước phí
vận tải do người nhận hàng (người mua) trả tại nơi đến.
Như vậy, điều 33 (d) Bản điều lệ 500 vần giữ nguyên phần (d) của điều 31 bản Điều lệ cũ chưa
tạo một hiệu qủa cao trong việc sửa đổi. Sự mập mờ về việc chấp nhận hay không những điều
khoản về phụ phí ghi trên vận đơn như trường hợp trên không được giải quyết tại sao WG không
sửa đổi cho hợp với quan điểm của mình là nếu giao hàng theo giá CFR / CLF thì không chấp
nhận Điều khoản đó nhưng giá FOB thì là không từ chối ?
Nếu áp dụng Điều 32 (d) (Điều lệ 500) thì những câu dưới đây ghi trên vận đơn được chấp nhận
(nếu TDT không cấm):
"Phí dỡ hàng, mọi hành động về dỡ hàng sẽ do công nhân bốc dỡ thực hiện với rủi ro và chi phí
thuộc về hàng hoá (Nghĩa là do người nhận hàng gánh chịu) (Tài liệu ICC số XB 489.
(Free-out / Discharging operations to be effected by ship's stevedores at good risks and expenses
hoặc
"Mọi chi phí tại cảng đó cho đến khi bốc laij những container rỗng do người nhận hàng trả (Tài
liệu ICC số XB 489) (All expenses at port of discharge until reloading of empty containers
included to remain for receiver's account).
Tuy nhiên trong thực tế, sự nhìn nhận vấn đề và áp dụng theo cách hiểu của các ngân hàng khác
nhau nên rủi ro vẫn thuộc về người hưởng.

103
Do vậy, tránh những tranh chấp có thể, cách tốt nhất đối với người mua và người bán là ghi rõ
trong hợp đồng và TDT: phụ phí phát sinh ngoài quy định thông thường (như các trường hợp nêu
trên) do ai chịu.
Trường hợp cần thiết ghi rõ trong TDT: không áp dụng Điều khoản 32 (d), Bản điều lệ 500.

ĐIỀU 34: CHỨNG TỪ BẢO HIỂM


A. Chứng từ bảo hiểm phải thể hiện trên bề mặt được phát hành và ký tên bởi Công ty bảo hiểm
hay Người bảo hiểm hay đại lý của họ.
B. Nếu chứng từ bào hiểm thể hiện là được phát hành nhiều hơn một bản gốc thì tất cả các bản
gốc phải được xuất trình trừ khi TDT quy định khác.
C. Phiếu bảo hiểm do Nhà môi giới bảo hiểm cấp sẽ không được chấp nhận, trừ khi TDT cho
phép
D. Ngoại trừ qui định khác trong TDT, ngân hàng sẽ châp nhận Giấy bảo hiểm hay Phiếu bảo
hiểm ngỏ được ký tên trước bởi Công ty bảo hiểm hay Người bảo hiểm hay Đại lý của họ. Nếu
TDT yêu cầu Giấy chứng nhận bảo hiểm hay Phiếu bảo hiểm ngỏ, ngân hàng sẽ chấp nhận Bảo
hiểm Đơn thay thế
E. Trừ khi qui định khác trong TDT, hay trừ khi chứng từ bảo hiểm có hiệu lực chậm nhất là từ
ngày bốc hàng lên tàu hay ngày gởi hàng đi hoặc ngày nhận hàng để gởi, ngân hàng sẽ không
chấp nhận chứng từ bảo hiểm có ngày phát hành trễ hơn ngày bốc hàng lên tàu hoặc gởi hàng
đi hoặc ngày nhận hàng để gởi ghi trên chứng từ vận tải
F. i. Trừ khi qui định khác trong TDT, loại tiền bảo hiểm ghi trong chứng từ bảo hiểm phải là
loại tiền của TDT.
ii. Trừ khi qui định khác trong TDT, số tiền đền bù tối thiểu mà bảo hiểm phải ghi là trị giá ClF
(giả hàng), phí bảo hiểm và cước (cảng đến) hay ClP (phí chuyên chở và phí bảo hiểm trả đến
(nơi đến) của giá trị hàng hoá, tùy từng trường hợp, cộng 10%, nhưng chỉ khi giá ClF hoặc ClP
có thể được xác định trên bề mặt chứng. Nếu không, ngân hàng sẽ chấp nhận một số tiền tối
thiểu là 110% trên số tiền phải thanh toán, chấp nhận hay chiết khấu theo TDT hay 110% tổng
số tiền gộp của hoá đơn, số tiền nào lớn hơn sẽ được chọn.
1) Tính lưu thông của chứng từ bảo hiểm
Chứng từ bảo hiểm là một trong những chứng từ quan trọng của TDT với điều kiện giao hàng
theo giá ClF hay giá ClP. Người hưởng phải xuất trình Bảo hiểm đơn hoặc Chứng nhận bảo hiểm
hoặc bản khai theo Bảo hiểm ngõ để chứng minh nghĩa vụ của mình đối với hợp đồng thương
mại và đáp ứng yêu cầu của TDT.
Cũng như vận đơn đường biển hoặc vận đơn đa phương thức, chứng từ bảo hiểm là chứng từ có
tính lưu thông (negotiable) và có giá tri chuyển nhượng (assignable instrument). Với hợp đồng
bán hàng giá ClF hoặc giá ClP người bán phải mua bảo hiểm hàng hoá đến đích cuối cùng, thuê
phương tiện vận tải nhưng rủi ro hàng hoá thuộc về người mua kể từ khi người bán giao hàng
qua khỏi lan can tàu hoặc giao cho người chuyên chở (tùy từng trường hợp). Người bán là người
được bảo hiểm (The issured) sẽ chuyển nhượng quyễn đòi bồi thường bảo hiểm cho người mua
bằng cách ký hậu chuyển nhượng chứng từ bảo hiểm. Người mua được quyền đòi bồi thường
nếu có tổn thất hàng hoá.
1. Bảo hiểm là nghiệp vụ kinh doanh của các cơ quan chức năng gọi chung là Nhà bảo hiểm
(The issurer). Tiếng Anh "Underwriter" tương đương "Insurer"chỉ Nhà bảo hiểm có tư cách pháp
nhân.

104
Như ta đã biết, lich sử bảo hiểm ra đời tại Anh Quốc Thế kỷ 16 với các nghiệp vụ được tiến hành
tại các quán cafê. Từ "Underwriter" ra đời và đựơc dùng rộng rãi cùng với "Insurer".
Chứng từ bảo hiểm phải do các Công ty bảo hiểm hoặc Đại lý ủy quyền của họ ký phát. Mỗi
Công ty bảo hiểm có Mẫu chứng từ bảo hiểm khác nhau, với tiêu đề, tên, địa chỉ của nó. Khi ký
phát chứng từ bảo hiểm, công ty phải ghi rõ tên của mình, hoặc đại lý phải ghi rõ tên của mình
và thay mặt ai để ký phát.
Điểm khác biệt duy nhất của điểm a, Điều khoản này với điểm a điều khoản 35 (điều lệ 400) là
không có sự lựa chọn "và / hoặc" (and / or) được nêu ra mà phải ghi rõ "Chứng từ bảo hiểm phải
được phát hành và ký... " (to be lssued and signed by) Chứng từ bảo hiểm không chỉ được phát
hành (cấp cho người mua bảo hiểm) mà còn được ký (xác nhận nghĩa vụ và quyển lợi pháp lý)
bởi công ty bảo hiểm hoặc đại lý ủy quyền ...
2) Tất cả các bán gốc phải được xuất trình
Chứng từ bảo hiểm có được tính như vận đơn đường biển và vận đơn đa phương thức là tính lưu
thông và giá trị chuyển nhượng (Assignable form) và cũng được phát hành nhiều bản có giá trị
như nhau. Trên các chứng từ bảo hiểm, người phát hành đều ghi số bản.
"Số Bảo hiểm đơn phát hành: hai"
BẢN GỐC - Bản hai không có giá trị thanh toán"
BẢN HAI - Bản gốc không có giá trị thanh toán"
(Number of policy issued : two
ORlGINAL - Duplicate unpaid
DUPLICATE - Original unpaid)
Khác với VĐ là có thể gởi một bản gốc theo hàng hoá cho người nhận hàng, chứng từ bảo hiểm
phải được xuất trình toàn bộ (Full set) hoặc 1 bản duy nhất (a sole orlginal) cho ngân hàng.
Chứng từ bảo hiểm không cần phải gửi theo hàng hoá vì nó không liên quan đến việc nhận hàng
mà chỉ cần thiết cho việc lập chứng thư khiếu nại đòi bồi thường. Do vậy, người được bảo hiểm
phải nắm giữ toàn bộ (các) bản gốc nhằm sử dụng nó như là công cụ để bảo vệ quyền lợi của
mình.
Bản Điều lệ 400 không để cập đến qui định này nên gây ra tranh chấp do sự nhìn nhận và suy
luận của từng phía liên quan.
Các TDT (phát hành theo Bản Điều lệ cũ) yêu cầu xuất trình 3 bản gốc Bảo hiểm đơn nhưng
hãng bảo hiểm lại cấp 2 bản gốc, hoặc TDT yêu cầu 2 bản gốc nhưng người hưởng lại cấp 3 bản
gốc, do vậy chỉ có hai bản được xuất trình. Tất cả những khập khiễng này gây trở ngại cho người
hưởng TDT khi xuất trình chứng từ.
Điểm b điều khoản này được bố sung nhằm bảo đảm sự chặt chẽ và thống nhất giữa nghiệp vụ
bảo hiểm và ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng TDT trong việc xuất trình
chứng từ
3) Các loại chứng từ bảo hiểm
Hiện nay có 3 loại chứng từ bảo hiểm đang được sử dụng trong bảo hiểm quốc tế và được cộng
đồng chấp nhận.
- Chứng nhận bảo hiểm (insurance Certificate): Chứng từ này được nhà bảo hiểm cấp cho người
được bảo hiểm trên cơ sở một hợp đồng bảo hiểm bao, với mỗi chuyến hàng cụ thể. Về pháp lý
Chứng nhận Bảo hiểm không có giá trị bằng Bảo hiểm đơn vì nó có những mặt hạn chế khi ra
trước toà. Do vậy người mua ClF / ClP thường không chấp nhận Chứng nhận bảo hiểm mà phải
là bảo hiểm đơn. Tuy nhiên ở Mỹ cả hai loại Chứng từ bảo hiểm này được coi có giá trị như
nhau.

105
- Phiếu bảo hiểm ngõ (Declaration under open cover): Bảo hiểm ngõ được dùng không phải cho
từng chuyến hàng mà toàn bộ các lô hàng được giao trong một thời hạn xác định (thường là 2
tháng), hoặc không thời hạn nhưng giá trị từng chuyến hàng được giới hạn theo một số tiền nhất
định. Khi thực hiện bảo hiểm cho từng chuyến hàng, người bảo hiểm cấp phiếu bảo hiểm theo
bảo hiểm ngõ đã ký phiếu bảo hiểm chỉ có giá trị hiệu lực cùng với giấy cam kết của công ty bảo
hiểm là sẽ cấp bảo hiểm đơn cho người bảo hiểm. Loại chứng từ này được sử dụng trong TDT
tuần hoàn mà các hàng hoá giao theo thời vụ và ổn định
- Bảo hiểm đơn (Insurance Policy): Đây là chứng từ bảo hiểm do người bảo hiểm cấp cho người
được bảo hiểm để thừa nhận một hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết và xác nhận các điều khoản
của hợp đồng. Bảo hiểm đơn chứng minh việc trả phí bảo hiểm và do vậy ràng buộc mọi nghĩa
vụ của người bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực. Bảo hiểm đơn thể hiện được
tất cả các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy nếu có kiện tụng toà án chỉ cần căn cứ vào
bảo hiểm đơn để xét xử chứ không cần hợp đồng bảo hiểm. So với 2 loại chứng từ bảo hiểm trên,
bảo hiểm được sử dụng phổ biến hơn vì nó hoàn chỉnh và có giá trị nhất đặc biết khi xét xử
tranh chấp. Do vậy nếu TDT yêu cầu cụ thể xuất trình chứng nhận bảo hiểm hoặc phiếu bảo
hiểm ngõ thì ngân hàng có quyền chấp nhận bảo hiểm đơn xuất trình thay thế
TDT chỉ quy định "chứng từ bảo hiểm" mà không nói rõ cụ thể loại nào thì ngân hàng sẽ được
phép chấp nhận chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo hiểm ngõ được ký trước bởi công ty bảo hiểm
hoặc đại lý của họ. Do vậy khi mở TDT người mua cần quy định cụ thể loại chứng từ bảo hiểm
nhằm đảm bảo giá trị của nó.
- Phiếu bảo hiểm (cover note): là chứng từ bảo hiểm tạm thời cấp cho người được bảo hiểm, do
người môi giới bảo hiểm ký phát trong khi chờ tập bảo hiểm đơn. Phiếu bảo hiểm chỉ là sự xác
thực thoả thuận bảo hiểm chứ không có giá trị lưu thông, không có giá trị pháp lý đối với toà án,
do vậy bị ngân hàng từ chối nếu TDT không quy định cụ thể.
4. Thời điểm hiệu lực của chứng từ bảo hiểm.
Ngày hiệu lực của chứng từ bảo hiểm thông thường sẽ là ngày phát hành (tức là ngày ký). Ngày
này không thể sau ngày giao hàng, vì với giá CIF/CIP người mua chịu mọi rủi ro, sau khi hàng
giao qua lan can tàu (CIF) hoạc giao cho người chuyên chở(CIP) Nhưng nếu có tổn thất về hàng
hoá người mua sẽ yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường vì bảo hiểm đã có hiệu lực trước hoặc
cùng ngày đó. Ngược lại chứng từ được ký sau ngày "on board" hoặc sau ngày ... thì người mua
sẽ chịu rủi ro nếu có tổn thất hàng hoá vào đúng thời gian bảo hiểm (BH) chưa có hiệu lực công
ty BH sẽ không cấp chứng từ BH để BH số hàng hoá mà họ đã biết là đã có tổn thất. Do vậy Nếu
TDT không nói khác chứng từ BH ký phát sau ngày giao hàng sẽ bị ngân hàng từ chối. Tuy
nhiên ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ BH ký phát sau ngày giao hàng nhưng có điều khoản ghi
rõ giá trị hiệu lực của nó bắt đầu từ ngày giao hàng. Trường hợp này có thể xảy ra do thủ tục lập
BH đơn trên cơ sở hợp đồng BH bị chậm trễ nhưng người BH kam kết bồi hoàn nếu có tổn thất
vào thời điểm hàng đã được giao lên tàu trước ngày cấp BH đơn. Ngoại trừ điều khoản được thể
hiện trên chứng từ BH ngân hàng sẽ không chấp nhận bất cứ sự thể hiện khác về giá trị hiệu lực
của chúng kể cả những điều khoản được dùng trong nghiệp vụ bảo hiểm như:
- Điều khoản "bảo hiểm kho đến kho"
("Warehouse to warehouse" clause)
hoặc
- Điều khoản "tổn thất hay không tổn thất"
("lost or not lost" clause)
5. Loại tiền và số tiền được bảo hiểm.

106
• Đồng tiền được bảo hiểm phải là đồng tiền của TDT thực ra đây là thông lệ của thị trường
bảo hiểm quốc tế mà ngân hàng phải chấp nhận. Nếu đồng tiền bảo hiểm khác với đồng
tiền của TDT ngân hàng sẽ không biết chính xác tổng giá trị bảo hiểm có đạt đúng quy
định hay không, vì sẽ có khác biệt trong tỷ giá hối đoái.
• Số tiền bảo hiểm được tính bằng trị giá hàng hoá CIF hoặcCIP (nơi đến) cộng với 10% là
quy định của nghiệp vụ bảo hiểm quốc tế. Tuy nhiên 2 bên liên quan cũng có thể thoả
thuận khác ví dụ số tiền bảo hiểm có thể là 115 hay 120 % của trị giá hoá đơn... trường
hợp này có thể áp dụng với những trường hợp đặc biệt, quý hiếm và tất nhiên phí bảo
hiểm sẽ cao hơn.
• Hoá đơn thương mại phải ghi rõ số tiền trong đại đa số trường hợp là trị giá hàng hoá Tuy
nhiên có trường hợp số tiền đó lại bao gồm nhiều giá trị khác nhau, Thí dụ là hoá đơn ghi
số tiền là USD 350.000 – nhưng lại bao gồm cả lãi trả chậm 6 tháng. Trường hợp này
ngân hàng không xác định cụ thể giá trị hàng hoá là bao nhiêu để tính tiền bảo hiểm
(110%). Do vậy để tránh phức tạp trong việc tính trị giá bảo hiểm, người hưởng nên lập
hoá đơn ghi chính xác giá trị hàng hoá, số tiền khác nếu có phải được ghi tách biết hoặc
có hoá đơn riêng.
• Nếu không xác định được trị giá hàng hoá, ngân hàng được phép tính số tiền bảo hiểm
110% số tiền trên hoá đơn xuất trình để thanh toán theo TDT. Với thí dụ trên, số tiền bảo
hiểm là $350.000x110%= $385.000, mặc dù thực tế giá trị hàng hoá nhỏ hơn $350.000
6. Một số điểm cần lưu ý về chứng từ bảo hiểm.
• Do tính năng của nó chứng từ bảo hiểm luôn được yêu cầu lập trên cơ sở chuyển nhượng.
Với TDT mà hàng hoá tính bằng giá CIF/CIP (nơi đến), người hưởng phải cung cấp
chứng từ bảo hiểm cho người được bảo hiểm để bảo đảm quyền được bồi thường tổn thất,
người hưởng ký hậu để chuyển nhượng chứng từ này cho người mở TDT. Do vậy mặc dù
TDT không ghi rõ việc ký hậu nhưng người hưởng phải nắm rõ nguyên tắc này để bảo
đảm tính pháp lý của chứng từ bảo hiểm.
• Tuy nhiên, chứng từ bảo hiểm đích danh (ghi rõ tên người được bảo hiểm), không thể áp
dụng cho phiếu bảo hiểm ngỏ. Chứng từ bảo hiểm này được phát hành cho người cầm
phiếu nghĩa là ai cầm phiếu bảo hiểm cũng sẽ được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Do vậy, nó không cần ký hậu chuyển nhượng vẫn có giá trị đối với người mỏ TDT.
• Bảo hiểm đơn và chứng từ bảo hiểm cũng có thể lập cho người cầm chứng từ nhưng
không phổ biến.
• Nếu TDT không quy định khác, hoặc ghi rõ số tiền bảo hiểm là 110% trị giá CIF/CIP,
chứng từ bảo hiểm với số tiền vượt hơn (115 hoặc 120%) cũng bị từ chối, bất kỳ số tiền
trên có lợi cho người mở TDT. Trường hợp này đã được diễn dẫn trong tài liệu ICC số
xuất bản 459.
TDT phải quy định rõ loại chứng từ bảo hiểm nào. Ngược lại ngân hàng sẽ chấp nhận một trong
3 loại nói trên. Thông dụng nhất là 2 loại bảo hiểm đơn và chúng nhận bảo hiểm.

ĐIỀU 35: LOẠI HÌNH BẢO HIỂM


A. TDT phải quy định loại hình bảo hiểm và nếu có những rủi ro bổ sung được bảo hiểm. Những
từ mơ hồ như "những rủi ro thông thường" hay "những rủi ro theo tập quán" không được dùng,
Nếu chúng được dùng thì ngân hàng chấp nhận chứng từ bảo hiểm như đã xuất trình và không
chịu trách nhiệm về những rủi ro không được bảo hiểm. B. Nếu không quy định rõ ràng trong

107
TDT ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ bảo hiểm như đã xuất trình mà không chịu trách nhiệm
gì về những rủi ro không được bảo hiểm. C. Trừ khi được quy định khác trong TDT, ngân hàng
sẽ chấp nhận chứng từ bảo hiểm có ghi rõ bảo hiểm có mức miễn bồi thường hoặc tỷ lệ tổn thất
được khấu trừ. Điều khoản này là sự kết hợp của điều 38 và điều 40 trong bản điều lệ 400 với sự
điều chỉnh không đáng kể về cách diễn đạt.
1) Các điều kiện bảo hiểm chính. Trong kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm quốc tế hiện nay có 3
điều kiện bảo hiểm chính:
- Bảo hiểm miễn tổn thất riêng gọi tắt là FPA. Với điều kiện này, người được bảo hiểm chỉ nhận
bồi thường những tổn thất chung mà không bồi thường những tổn thất riêng. Tuy nhiên, trong
thực tế các tổn thất riêng cũng được bồi thường, điều kiện FPA của Anh, ngoài các tổn thất riêng
được bồi thường do tàu hoặc xà lan bị mắc cạn, cháy, đắm người bảo hiểm còn nhận bồi thường
trong các trường hợp : kiện hàng bị mất trong khi bốc, chuyển tải hoặc dỡ hàng; tổn thất bộ phận
hàng do thiên tai gầy lên do tàu mắc cạn, đâm phải đá ngầm, bị đắm trong hành trình; tổn thất do
tai nạn bất ngờ trên biển, do thời tiết xấu...
- Bảo hiểm có tổn thất riêng viết tắt là WA hoặc WPA. Theo WPA, người bảo hiểm phải bồi
thường tổn thất chung và những tổn thất riêng khi những tổn thất riêng lên đến tỷ lệ % nhất định.
Bằng hoặc dưới mức quy định tức là mức miễn bồi thường, tổn thất không được bồi thường mà
không miễn trừ, được quy định rõ trong điều kiện bảo hiểm hàng hoá của hội những người bảo
hiểm London, đã và đang được các công ty bảo hiểm áp dụng rộng rãi cho các bảo hiểm đơn.
- Bảo hiểm mọi rủi ro là điều kiện bảo hiểm rộng nhất, gồm tổn thất riêng (WPA) và một số loại
bảo hiểm phụ (sẽ nói cụ thể ở điều 36) Ngoài 3 điều khoản trên, các điều khoản khác được áp
dụng như bảo hiểm chiến tranh, đình công.
Hai bên có thể thoả thuận các điều khoản bảo hiểm phụ bảo đảm bồi thường các rủi ro cá biệt: rò
rỉ, thiếu hụt trọng lượng, rủi ro do vỡ hoặc rách bao bì... tuỳ theo đặc tính của hàng hoá.
2) Điều kiện bảo hiểm (ĐKBH) phải quy định cụ thể rõ ràng TDT khi yêu cầu xuất trình
chứng từ bảo hiểm phải ghi rõ điều kiện BH và các điều kiện phụ nếu có. Đây là điều rất quan
trọng vì nó ảnh hưởng đến tỷ lệ bồi thường tổn thất. Trong 3 ĐKBH trên, loại FPA có phạm vi
bảo hiểm hạn chế nhất và dĩ nhiên phí cũng thấp nhất với hợp đồng bán hàng giá CIF/CIP nếu
không quy định rõ trong hợp đồng thương mại và trong TDT, người bán có quyền chọn ĐKBH
có lợi cho mình miễn là cung cấp chứng từ bảo hiểm cho người mua. Trường hợp này, ngân hàng
sẽ chấp nhận chứng từ bảo hiểm với bất kỳ ĐKBH nào.
Bảo hiểm với "rủi ro thông thường" hoặc "các rủi ro theo tập quán" không được dùng trong
nghiệp vụ bảo hiểm vì nó không nói rõ mức độ rủi ro, điều kiện bồi thường. Ngược lại ngân hàng
không ràng buộc bởi những từ mơ hồ như vậy và không chịu trách nhiệm nếu các rủi ro nào đó
(theo quan niệm của người mở TDT) không được bảo hiểm.
Điều kiện bảo hiểm có tổn thất riêng (WPA) luôn quy định tỷ lệ miễn giảm. Thông thường người
bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm về tổn thất riêng khi thiệt hại đạt đến một tỷ kệ nhất định của trị
giá giá trị bảo hiểm luôn quy định tỷ lệ miễn giảm. Thông thường người bảo hiểm chỉ chịu trách
nhiệm về tổn thất riêng khi thiệt hại đạt đến một tỷ lệ nhất định của trị giá giá trị bảo hiểm luôn
quy định tỷ lệ miễn giảm. Thông thường người bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm về tổn thất riêng
khi thiệt hại đạt đến một tỷ lệ nhất định của trị giá của đối tượng bảo hiểm, gọi là tỷ lệ miễn
giảm, được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Tỷ lệ này phụ thuộc vào loại hàng và dao động
3-5%. Đôi khi 2 bên thoả thuận ĐKBH "khấu trừ", tức là tỷ lệ tổn thất sẽ được bồi thường sau
khi đã khấu trừ tỷ lệ % quy định. ( điều kiện này ở Mỹ gọi là ...) thí dụ: tỷ lệ khấu trừ 3% mức
tổn thất 15% trị giá của đối tượng bảo hiểm, mức bồi thường sẽ là 12%.

108
Tuy những bồi thường tổn thất thuộc điều kiện FPA và AR không có tỷ lệ miễn giảm nhưng
người mua và bán có thể nhất trí với nhau về điều khoản này. Do vậy, nếu TDT không quy định
khác, ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ bảo hiểm diễn giải về việc khấu trừ, miễn giảm bởi đây
là tập quán quốc tế về bảo hiểm.
ĐIỀU 36: BẢO HIỂM MỌI RỦI RO
Nếu TDT quy định "bảo hiểm mọi rủi ro", ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ bảo hiểm thể hiện
điều kiện "mọi rủi ro", dù có hay không tiêu đề "mọi rủi ro", ngay cả khi chứng từ bảo hiểm có
quy định loại trừ một số rủi ro, mà không chịu trách nhiệm về những rủi ro không được bảo
hiểm.
Điều khoản này giữ nguyên điều 39 bản điều lệ 400, ngoại trừ các từ "ngay cả khi chứng từ bảo
hiểm ghi rõ" (even if the insurance document indicates) được thêm vào làm câu văn chặt chẽ
hơn.
Trong 3 điều kiện bảo hiểm thông dụng đã được đề cập ở điều 35, "all risks" có phạm vi bảo
hiểm rộng rãi nhất, bảo đảm cao nhất quyền của người được bảo hiểm, bao gồm các tổn thất
riêng (WPA) và một số bảo hiểm phụ. Do vậy "all risks" được khách hàng sử dụng nhiều nhất, và
trở thành mốt cho các doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà WG lại soạn thảo riêng một điều
khoản nói về bảo hiểm mọi rủi ro.
Tuy nhiên "mọi rủi ro" không có nghĩa là tất cả. "All risks" chỉ bảo đảm cho những tổn thất từ
nguyên nhân bên ngoài: thiên tai sự cố bất ngờ, tổn thất trong bốc dỡ chuyển tải... người bảo
hiểm không bồi thường những khuyết tật vốn có của hàng hoá hay tính chất tự nhiên, hoặc bốc
dỡ chậm. Những rủi ro về chiến tranh, đình công, bãi công... cũng không được bồi thường vì đã
có điều kiện bảo hiểm riêng. Hiện nay, điều khoản "all risks" được thể hiện trong bảo hiểm đơn,
bằng điều khoản A trong đó quy định mọi rủi ro. Do vậy Nếu TDT yêu cầu ĐKBH là "all risks"
thì ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ bảo hiểm có ghi điều khoản A, mà không cần phải có tiêu
đề "tất cả các rủi ro" (all risks). Ngân hàng cũng không chịu trách nhiệm khi chứng từ bảo hiểm
ghi ĐKBH là "tất cả các rủi ro" (all risks) cho loại rủi ro nào, ngân hàng không cần biết, vì nó
thuộc lĩnh vực khác, được miễn trách nhiệm đối với ngân hàng. Chỉ cần trên bề măt chứng từ ghi
ĐKBH đúng như TDT quy định là được ngân hàng chấp nhận.
ĐIỀU 37: HOÁ ĐƠN THƯƠNG MẠI
A. Trừ khi quy định khác trong TDT, hoá đơn thương mại: i. Phải thể hiện trên bề mặt là được
phát hành bởi người hưởng ghi trong TDT (trừ trường hợp ghi trong điều 48), và ii. Phải được
lập cho người mở TDT (trừ trường hợp ghi trong điều 48), và
iii. Không cần được ký
B. Trừ khi có quy định khác trong TDT, ngân hàng có thể từ chối các hoá đơn thương mại được
phát hành quá số tiền TDT cho phép. Tuy nhiên, nếu một ngân hàng được phép thanh toán, cam
kết trả tiền sau, chấp nhận hối phiếu, hay triết khấu thêm TDT, chấp nhận một hoá đơn như vậy,
thì quyết định của ngân hàng đó không thanh toán, không cam kết trả chậm, không chấp nhận
hối phiếu hay triết khấu số tiền vượt quá số tiền TDT cho phép.
C.Việc mô tả hàng hoá trong hoá đơn thương mại phải phù hợp với mô tả hàng hoá trong TDT.
Trong tất cả các chứng từ khác, hàng hoá có thể được mô tả một cách chung chung mà không
khác với hàng hoá mô tả trong TDT.
Điều khoản này được sửa đổi từ Điều 41 Bản Điều lệ 400 và bổ sung quy định về chữ ký của hoá
đơn.
1) Hoá đơn - chứng từ không thể thiếu của TDT Hoá đơn là một chứng từ cơ bản của TDT.
Đã là tín dụng chứng từ thì phải có chứng từ nhưng loại chứng từ số lượng thì khác nhau tuỳ theo

109
TDT. Nếu TDT thương mại thì bao gồm: hoá đơn, vận đơn, chứng từ đóng gói,chứng nhận phẩm
chất, chứng từ xuất xứ..., TDT về dịch vụ thì chỉ cần hoá đơn, biên bản nghiệm thu hoặc bản xác
thực. Nếu là tín dụng dự phòng thì sẽ có "Letter of demand" và "Statement".
Như vậy trừ TDT dự phòng dùng "Letter of demand" thay cho hoá đơn, còn lại các TDT thông
thường đều có hoá đơn ghi rõ số tiền thanh toán. Hoá đơn chứng minh quyền được trả tiền mà
người hưởng đã thực hiện nghĩa vụ trong HĐTM. Ký phát hoá đơn phải là người bán hàng, tức là
người hưởng (hoặc là người hưởng thứ hai trong TDT chuyển nhượng) và người đứng tên là
người mua (người mở TDT).
Phần bổ sung trong điều khoản này là việc quy định hoá đơn không cần ký, Nếu TDT không yêu
cầu. Trước đây quan niệm của các bên liên quan là hoá đơn phải được người phát hành ký, dù
TDT có quy định hay không. Theo WG thì đây là một quan niệm không đúng và cần phải sửa đổi
(Tài liệu ICC số xuất bản 511, trang 100). Hơn nữa việc bổ sung quy định này nhằm tạo thuận
tiện cho việc soạn thảo chứng từ, tài liệu kỹ thuật vi tính, điện tử chỉ khi cần thiết mới dùng chữ
ký theo truyền thống.
2) Quyền quyết định của NH đối với số tiền giao vượt giá trị TDT
TDT, bao giờ cũng ấn định một số tiền cụ thể để người hưởng giao hàng. Trừ khi tỷ lệ giao dịch
được ghi rõ, người hưởng không được giao vượt quá số tiền đó vì nó không phù hợp với điều
khoản của TDT. Tuy nhiên không phải lúc nào chứng từ đó cũng bị từ chối. Do vậy, từ "ngân
hàng có thể từ chối" diễn tả 2 khả năng của 1 hành động.
Quyết định thanh toán hay từ chối là do ngân hàng , tuỳ từng trường hợp cụ thể. " Nếu một ngân
hàng được phép thanh toán, cam kết trả tiền sau... chấp nhận hoá đơn như vậy..", có nghĩa là khi
ngân hàng thấy việc thanh toán là phù hợp với bản điều lệ. Tài liệu số xuất bản 489, trang 92 của
ICC khẳng định "Như đã nói trong điều khoản này (điều khoản 41 bản điều lệ 400) việc chấp
nhận hay từ chối hoá đơn mà số tiền vượt quá giá trị của TDT tuỳ thuộc vào ngân hàng".
Thí dụ:
Xe vận tải $85,000x3 chiếc= $255,000 nhưng do người bán giao thêm phụ tùng (không ghi trong
hoá đơn) nên hoá đơn có số tiền là 265,000- tất cả các chứng từ đã phù hợp với các yêu cầu của
TDT, trừ hoá đơn vượt $10,000. Có thể có 2 trường hợp xảy ra :
• Ngân hàng sẽ từ chối chứng từ vì hoá đơn không phù hợp với TDT, hoặc
• Ngân hàng sẽ thanh toán $255,000 theo đúng quy định và chuyển giao chứng từ cho
người mở. Ngân hàng không chịu trách nhiệm về số tiền vượt còn lại ($10,000).
Việc thanh toán là đúng theo quy định của TDT và hợp lý, do vậy ràng buộc với các bên: người
mở, người hưởng và các ngân hàng có liên quan.
Tuy nhiên trong thực tế các ngân hàng đều từ chối hoá đơn ghi vượt số tiền. Do vậy, với ví dụ
trên, người hưởng nên lập riêng hoá đơn của số tiền vượt và nhờ thu. Như vậy sẽ không còn bất
hợp lệ chứng từ và ngân hàng phải thanh toán số tiền $255,000.
Việc lập hoá đơn riêng cho số tiền vượt quá TDT không phải trường hợp nào cũng áp dụng được.
Nếu TDT với mặt hàng có riêng giá cho từng loại , quy định số lượng cụ thể thì hoá đơn vượt
quá số tiền thì có nghĩa hàng giao vượt số lượng hoặc vượt đơn giá. Hàng giao vượt số lượng chỉ
được chấp nhận khi người hưởng lập 2 bộ chứng từ riêng đầy đủ các loại cho 2 lô hàng của một
TDT trên một con tàu. Bộ chứng từ với số tiền theo quy định sẽ được thanh toán ngay, bộ chứng
từ còn lại với số tiền vượt thì sẽ gửi theo phương thức "chấp nhận". Tuy nhiên việc cấp 2 bộ vận
đơn cho một lô hàng là không dễ. Do vậy ngân hàng có thể từ chối cả 2 bộ chứng từ vì sự mâu
thuẫn về số lượng hàng giữa vận đơn và các chứng từ khác.
Thí dụ:
110
• Nếu TDT yêu cầu hàng giao một chuyến 32.500 kg tôm đông lạnh, đơn giá USD 5,9/1kg,
tổng trị giá USD 191,750 không có dung sai.
• Hàng giao thực tế 34.000kg, số tiền USD200,600
• Nếu hàng vượt (1500 kg) được xếp riêng container thì có thể lập được 2 bộ chứng từ với
2 bộ vận đơn riêng biệt. Việc thanh toán có thể thực hiện. Nếu toàn bộ hàng được xếp
trong một container thì rất khó được cấp 2 vận đơn riêng.
Với 2 bộ chứng từ riêng lẻ lại chung một vận đơn thì có thể bị từ chối cả hai và cũng có thể chấp
nhận một số tiền đúng theo quy định của TDT, tuỳ thuộc vào quy định của từng ngân hàng đây
chính là mặt trái của bản điều lệ gây ra sự tuỳ tiện của ngân hàng mà phần lớn nghiêng về bảo vệ
quyền lợi của khách hàng mình.
Ngân hàng có được phép thanh toán hoá đơn ghi số tiền nhỏ hơn trị giá TDT hay không? Bản
điều lệ, không đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên cần phải hiểu theo lẽ thông thường là Nếu TDT
không ghi điều khoản dung sai và không cho phép giao hàng từng phần thì số tiền thể hiện trong
hoá đơn phải đúng số tiền ghi trong TDT.
3) Sự mô tả hàng hoá của Hoá đơn Một trong những nét nổi bật trong tranh chấp giữa 2 phía
của TDT và cũng là sự khác biệt nhiều nhất trong nhận thức và yêu cầu của TDT là vấn đề chi
tiết hàng hoá quy định trong TDT và mô tả hàng hoá trong hoá đơn và các chứng từ khác.
Trong các tài liệu của ICC, thắc mắc về vấn đề trên chiếm tỷ lệ cao nhất trong những bất đồng
được đưa ra ICC giải quyết. Tài liêu "More case studies on d.c" số xuất bản 489 nêu ra 8 trường
hợp đều xoay quanh nhận thức về điều khoản 41 (c) bản điều lệ 400.
Hiểu thế nào từ "Correspond with" quả là vấn đề không đơn giản. Ngay cả ICC cũng có những ý
kiến không đồng nhất.
Trong cuốn... của ICC số 415 nói rõ khi kiểm tra chứng từ "sự mô tả hàng hoá phải chính xác
như trong TDT" . Nhưng trong tài liệu "More case studies on D.C" thì quan điểm của ICC là : từ
"tương xứng" tại điều khoản 41 (c) không nhất thiết phải đồng nghĩa với từ "đồng nhất" nhưng
phải hiểu là rất gần nghĩa với từ đồng nhất. ý kiến sau là chính xác và hợp lý. "chính xác" hay
"đồng nhất" nghĩa là không được thêm hay bớt bất cứ một từ nào trong mô tả hàng hoá. Nhưng
"tương xứng" hay "phù hợp" được hiểu là sự mô tả ở mức tương đương với yêu cầu của TDT,
không làm thay đổi tên gọi, tính năng, tác dụng, bản chất của hàng hoá. Ðiều này cho phép hoá
đơn phải ngoài ghi đúng chi tiết hàng hoá trong TDT, còn được ghi thêm vào những chi tiết như:
đặc tính, kỹ thuật, ký hiệu... Nếu như chi tiết này không làm thay đổi bản chất, tính năng, cấu
trúc của hàng hoá và không mâu thuẫn với hàng hoá của TDT. Tài liệu ICC xuất bản số 489
(trang 95) cũng khẳng định các ký hiệu viết thêm sẽ được chấp nhận Nếu chúng không mâu
thuẫn với các điều khoản của TDT.
Thí dụ:
- TDT ghi: "second hand textile machine, consists of 1 set of second hand stenter and 1 set
second hand rapid dyeing machine"
- Hoá đơn có thể miêu tả thêm các chi tiết kỹ thuật, tính năng, đặc tính mà vẫn được chấp nhận:
1) Second hand stenter, one set made in Germany - Band : Artos - Year of production : 1980 -
Working speed : MAX 60m/mia - Type : combined pin type 2) Second hand Rapid Dyeing
machine, one set: - Brand : - Year of production : - Capacity : Tuy nhiên, từng ngân hàng có cách
nhìn nhận khác nhau, do vậy có trường hợp ngân hàng này cho là hợp lệ, nhưng ngân hàng khác
thì từ chối. Do vậy, muốn khẳng định sự hoàn thiện của chứng từ cần căn cứ vào trường hợp cụ
thể và trên cơ sở nhận thức chung và kinh nhiệm thực tế. Theo ICC thì "điều 41(c) không cấm

111
hoá đơn ghi thêm các chi tiết đó gồm nhiều khác biệt với trạng thái của sự diễn tả hàng hoá trong
TDT". (Tài liệu ICC số xuất bản 459, trang 113).
Thí dụ:
- Trường hợp 263 được đưa ra trong tài liệu ICC số xuất bản 489: TDT yêu cầu chi tiết hàng hoá
: "100 % coton, grey carded sheeting woven on Automatic loóm with 1/4 or 3/5 inch tape selvage
plain 1x1 weaver. First quality, 63 inch wide, 60x60, yarns 20/20, export packing seaworthy
sale". Hoá đơn ghi đầy đủ chi tiết trên và thêm: " Warp: 24 Weft:24 "
a. Ngân hàng chiết khấu chấp nhận hoá đơn với lý do: - " Warp 24, Weft 24 "Chỉ số sợi chỉ trên
1cm2 tương đương 60x60 trên một inch vải. Do vậy, nó chỉ là chi tiết bổ sung của sự mô tả hàng
hoá và không mâu thuẫn với điều 41(c) vì toàn bộ sự diễn đạt về hàng hoá ghi trong TDT được
thể hiện đầy đủ trong hoá đơn. b. Ngân hàng phát hành từ chối hoá đơn vì cho rằng TDT không
yêu cầu thêm " Warp 24, Weft 24 ". c. Ý kiến của ICC là từ bổ sung này tác động trực tiếp đến
cấu trúc thành phần hàng hoá của TDT nên không thể chấp nhận được. Tài liệu của ICC cũng
nêu trường hợp tương tự đã được đem ra toà án giải quyết, Bank Meli Iran kiện Barclays Bank
về sự sai biệt chứng từ của TDT. Chứng từ theo quy định của TDT phải ghi rõ là hàng hoá mới
nhưng khi xuất trình chứng thư lại ghi lại ghi là "mới, tốt". Thẩm phán Mc Nair khẳng định
"mới" và "mới tốt" không thể cùng nghĩa.
Do tính chất phức tạp của điều khoản 41(c), một số phòng thương mại quốc gia đã nêu ý kiến
thay chữ "Correspond" bằng chữ "Identical" đối với sự mô tả hàng hoá trong hoá đơn. Nhưng
WG cảm thấy như vậy quá hạn chế và tạo ra gánh nặng không hợp lý với các bên liên quan, càng
gia tăng sự bất hợp lệ của chứng từ. Quan điểm của WG vẫn là "đôi khi một số chi tiết có tính
chất thông tin được ghi thêm vào sự mô tả của hàng hoá trên hoá đơn. Những chi tiết bổ sung
này không có thể coi là hoặc mâu thuẫn với yêu cầu của TDT, do vậy sẽ được chấp nhận" (tài
liệu ICC xuất bản số 511 trang 100).
(At times additonal information is supplied in the discription of the Marchandise appearing in the
commercial invoice. Thí additional information may not be considered detrimential or in
consistent with the requirements in the credit and therefore it's acceptable- ICC pub.No.511, page
100)
Tuy nhiên như đã phân thích trên, các chi tiết nào được bổ sung, ghi thêm như thế nào vào hoá
đơn đều tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, cách nhìn vnhận vấn đề và cả những quy định của
ngân hàng. Do vậy, để bảo đảm sự hoàn chỉnh của chứng từ yêu cầu sửa đổi TDT theo cách diễn
giải trên hoá đơn là giải pháp tốt nhất.
4) Sự mô tả hàng hoá ở các chứng từ khác. Hàng hoá là máy móc thiết bị, đòi hỏi rất nhiều chi
tiết kỹ thuật, quy cách phẩm chất cần diễn tả đầy đủ trên hoá đơn nhằm cung cấp dữ liệu cho
người mua. Nhưng trên các chứng từ khác: chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng sản
phẩm của nhà máy, chứng từ đóng gói thì không cần, có những trường hợp không thể ghi đầy đủ
như hoá đơn mà TDT yêu cầu.
Phòng thương mại cấp chứng từ xuất xứ thì họ chỉ xác thực thiết bị đó được sản xuất tại nước họ
mà thôi, chứ chi tiết kỹ thuật và tính năng đều do người bán hàng cung cấp, họ không thể biết
được. Do vậy chỉ cần ghi chi tiêt chính của thiêt bị đó là đủ, miễn là không mâu thuẫn với yêu
cầu của TDT và các chứng từ khác. Tương tự hãng vận tải chỉ nhận chuyên chở các thiết bị đó,
còn chi tiết thế nào họ không cần biết. Hơn nữa vận đơn không thể diễn tả hết các chi tiết kỹ
thuật như hoá đơn mà chỉ cần ghi tên hàng hoá và một số chi tiết chính, nếu cần.
Hãy lấy ví dụ về phần trên về 2 máy dệt nhuộm. Nếu TDT yêu cầu cụ thể các chi tiết kỹ thuật mà
hoá đơn đã thể hiện thì các chứng từ khác đặc biệt là vận đơn, chỉ cần ghi:

112
"Second hand textile machine, consists of 1 set of second hand stenter and 1 sets of second hand
rapid dyeing machine"
Vậy tên hàng số lượng hàng đúng theo TDT và phần hoá đơn nhưng có phần mô tả chi tiết về
tính năng, công dụng, chất lượng ...
Tuy nhiên, hiểu và vận dụng "những từ ngữ chung" (general terms) như thế nào cho đúng là vấn
đề không đơn giản
Nếu hàng hoá được diễn tả bằng những từ ngữ chung mà làm thay đổi tên gọi, bản chất, tính
năng của hàng hoá thì không thể chấp nhận. Hàng hoá là thiết bị kỹ thuật máy móc, Nếu được
diễn tả theo cách trên dễ bị "biến dạng" và sẽ mâu thuẫn với hàng hoá quy định trong TDT và
hoá đơn. Do vậy, tuỳ vào trường hợp và hoàn cảnh cụ thể để quy định diễn tả hang hoá trong các
chứng từ nhằm đảm bảo sự hoàn hảo của chúng. Đây là các kiến thức mà nhân viên ngân hàng
cần phải có để đẩm bảo hợp lệ chứng từ chiết khấu, hỗ trợ tốt cho khách hàng là xuất khẩu thu
tiền nhanh chóng đầy đủ.
Điều dễ hiểu là chứng từ càng nhiều chi tiết diễn giải càng dễ sai sót. Do vậy, nhà xuất khẩu phải
hiểu dữ liệu nào cần và dữ liệu nào không cần đưa vào chứng từ giao hàng để đơn giản hoá
chứng từ nhưng đảm bảo hợp lệ của chúng. Tâm lý của những người không nắm vững Nghiệp vụ
là thà thừa là còn hơn thiếu nên dẫn đến sai sót đơn giản mà lẽ ra không có, do có qua nhiều chi
tiết thừa trong các chứng từ.
<START="5" 5) Sửa chữa trên các chứng từ phải được xác thực. Việc lập chứng từ không thể
không có những lỗi về chính tả, hoặc do hiểu sai vấn đề. Do vậy chứng từ được sửa chữa thêm
bớt... để xuất trình đúng theo quy định TDT.
Tài liệu ICC xuất bản số 459 đã nêu ý kiến của hội đông NH thuộc ICC như sau:
" Mọi sửa chữa phải được xác thực bằng dấu và chữ ký hoặc ít nhất là ký tắt mặc dù đôi khi sửa
chữa trên chứng từ phải được đóng dấu". Tài liệu ICC470/505 cũng đề cập: " Việc sửa chữa trên
chứng từ vận tải phải được xác thực bằng con dấu cũng như chữ ký hoặc ký tắt. Điều này nhằm
làm rõ ai là người sửa chứng từ và sửa chữa với tư cách gì. Những chứng từ đó chỉ được chấp
nhận khi thủ tục trên được tuân thủ.
Nhưng ý kiến của ICC chỉ đề cập đến các chứng từ vận tải mà thôi, còn các chứng từ khác thì
sao?
Điều trở thành lẽ thông thường là đã là chứng từ có chữ ký của người phát hành, bất kể đó là
chứng từ gì, đều phải có xác thực bằng con dấu, chữ ký, ký tắt vào những nơi sửa chữa ,thêm
bớt, gạch xoá (Nếu có). Ngược lại NH sẽ từ chối chứng từ đó. Đây là điều cần lưu ý đối với các
đơn vị xuất khẩu khi lập chứng từ giao hàng. Thói quen của các đơn vị Việt Nam là chỉ đóng dấu
sửa (dấu ruồi) vào nơi sửa chữa, thêm bớt... mà không ký tắt. Trên thế giới người ta coi trọng chữ
ký hơn là con dấu nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.
Nếu chứng từ không cần ký như hoá đơn (điều 37), mà có sửa chữa thì có cần xác thực như trên
không? Thực ra chứng từ không cần ký thì bất cứ ai lập cũng được và đương nhiên bất cứ ai sửa
cũng được. Thế thì việc sửa chữa có cần xác thực bằng con dấu và chữ ký như các chứng từ được
ký không? Không có quy tắc nào được nêu ra mà vấn đề ở đây tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận và
quyết định của các bên liên quan. Do vậy người hưởng phải căn cứ vào tình huống cụ thể để xử
lý những phát sinh trong việc thiết lập chứng từ giao hàng.
ĐIỀU 38: CÁC CHỨNG TỪ KHÁC
Nếu TDT yêu cầu chứng nhận hay xác thực trọng lượng trong trường hợp chuyên chở không
phải bằng đường biển, ngân hàng sẽ chấp nhận con dấu trọng lượng hay lời khai về trọng lượng
được người chuyên trở hay đại lý của người được chuyên trở ghi lên chứng từ vận tải, trừ khi

113
TDT quy định rõ là việc chứng nhận hay xác thực trọng lượng phải được lập bằng chứng từ
riêng biệt.
Điều khoản này giữ nguyên điều 42 của bản điều lệ 400 tuy tiêu đề của điểu khoản này là "các
chứng từ khác" nhưng chỉ có 2 loại chứng từ được nêu ra "bản xác thực" và "giấy chứng nhận
trọng lượng". Các chứng từ khác như chứng nhận xuất xứ, chứng nhận kiểm dịch thực vật, chứng
nhận chất lượng... không có những nét đặc thù nên chỉ được khái quát ở các điều 20, 21 và 22.
Trong vận tải đường biển, trọng lượng, khối lượng hàng hoá phải được người chuyên chở hoặc
thuyền trưởng ghi đầy đủ trên vận đơn. Do vậy điều khoản này không áp dụng cho các chứng từ
vận tải đường biển hay chứng từ vận tải đa phương thức trong đó có đường biển.
Các phương thức vận tải: đường không, đường bộ, đường sắt... trong lượng hàng hoá có thể được
người chuyên chở hay đại lý xác thực lên chứng từ vận tải hoặc ghi thêm xác nhận trọng lượng
hàng hoá đã được nhận để chuyên chở. Như vậy người chuyên chở ràng buộc nghĩa vụ và trách
nhiệm với hàng hoá đó. Không cần thiết người chuyên chở cấp riêng "bản xác thực" hoặc giấy
chứng nhận trọng lượng", vì cả 2 cách xác nhận trọng lượng có tính pháp lý như nhau. Tuy nhiên
nếu người mở cần xác nhận trọng lượng hàng hoá phải được thành lập chứng từ riêng thì phải
được ghi rõ trong TDT. Ngược lại, ngân hàng sẽ chấp nhận chứng từ này đúng như tập quán của
các phương tiện vận tải đó.
Với mục đích của điều khoản này, các bên liên quan sẽ hiểu là "bản xác thực" hay "giấy chứng
nhận trọng lượng" phải do nhà chuyên chở cấp. Tuy nhiên điều 21 lại cho phép bất cứ ai phát
hành chứng từ này cũng được, nếu TDT không quy định cụ thể. Do vậy người mở TDT phải ghi
rõ người phát hành 2 loại chứng từ này Nếu họ muốn xác thực trọng lượng hàng hoá bằng chứng
từ riêng biệt.
E. NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC
ĐIỀU 39: DUNG SAI VỀ SỐ TIỀN, SỐ LƯỢNG VÀ ĐƠN GIÁ CỦA TDT
A. Những từ "vào khoảng", "khoảng chừng", hoặc những từ tương tự được dùng để nói về số
tiền của TTD hoặc số lượng của đơn giá ghi trong TTD thì phải được hiểu là dung sai cho phép
hơn / kém không quá 10% so với số tiền hoặc số lượng hoặc đơn giá mà những từ ấy nói đến. B.
Trừ khi TTD quy định là số lượng hàng hoá không được vượt quá hay ít hơn, có thể cho phép
dung sai 5% hoặc hơn kém luôn luôn với điều kiện là tổng số tiền phải trả không vượt quá số
tiền của TTD. Dung sai này không được áp dụng khi TTD quy định số lượng tính bằng con số
các đơn vị bao kiện hoặc bằng số đơn vị chiếc. C. Trừ khi TTD thư không cho phép giao hàng
từng phần có quy định khác, hoặc trừ khi phần (b) nói trên được áp dụng, dung sai 5% kém hơn
so với số tiền thanh toán sẽ được chấp nhận, miễn là TTD quy định số lượng hàng hoá thì số
lượng hàng hoá phải được giao đầy đủ, và Nếu TTD ghi rõ đơn giá thì đơn giá đó không được
giảm xuống. Điều mục này không được áp dụng Nếu các từ ghi trong phần (a) của điều khoản
này được sử dụng trong TTD. Điều khoản này được sửa đổi từ điều khoản 43 của bản điều lệ
400. Đặc biệt phần (c) được bổ sung nhằm hoàn thiện quy tắc của bản điều lệ về những vấn đề
mà trong thực tế thương mại quốc tế đã và đang phát sinh.
1) Dung sai tăng/ giảm 10% trị giá/đơn giá/ số lượng của TTD. Phần a vẫn giữ nguyên nội
dung của bản điều lệ cũ, ngoại trừ "xấp xỉ" được bổ sung.
Trong giao dịch Tín dụng chứng từ cần lưu ý một điều là áp dụng dung sai (xê dịch) hợp lý cho
số tiền lẫn số lượng hàng hoá và đơn giá (Nếu cần), nhằm tránh sự mâu thuẫn giữa 3 phần trên.
Thí dụ:
TTD quy định :
Số tiền : USD 2.100.000(+/-10%)
114
Số lượng hàng : USD 10.000 MT (+/-10%)
Đơn giá : USD 210/MT
Trường hợp này dung sai 10% phải áp dụng cho cả số tiền và số lượng hàng. Ngược lại chứng từ
giao hàng sẽ bất hợp lệ. Nếu TTD ghi rõ được phép cộng trừ 5% cho số lượng hàng được ấn định
thì số tiền cũng phải có dung sai như vậy. Sự thay đổi của một số lượng trong phép nhân ắt hẳn
sẽ dẫn đến tích số tăng giảm tương đương.
Tài liệu ICC số xuất bản 489, trang 102 dẫn chiếu một trường hợp xuất trình chứng từ bị ngân
hàng từ chối do những mâu thuẫn trong áp dụng dung sai.
Số tiền $ 3.003.000
Hàng hoá 56.000 MT (+/-10%)
Đơn giá $ 48,75/MT
Giao hàng một lần
Chứng từ giao hàng trị giá $ 2,269,682.50 bị ngân hàng từ chối vì: "trị giá đòi tiền thiếu"
Ngay số tiền $3,003,000 cũng ngụ ý áp dụng dung sai 10% chi trị giá TDT nhưng cách nói đó
không thuyết phục được ngân hàng. Số tiền trên phải là $2,730,000 (+/-105), tương đương số
tiền được phép giao dịch không quá 10% là $3,003,000 hoặc TDT thêm chữ "cho đến"
$3,003,000 là đủ bảo đảm sự hợp lệ của chứng từ. Tuy quan điểm của các chuyên gia ICC là
ngân hàng không thể từ chối chứng từ với số tiền nằm trong khoảng giới hạn $3,003,000 – nhưng
người thắng cuộc vẫn là ngân hàng phát hành vì họ không sai.
2) Áp dụng dung sai cộng trừ 5% Một số mặt hàng như than đá, dầu lửa, quặng, phân bón
chuyên chở dạng rời dung sai 5% áp dụng cho số lượng hàng hoá và số tiền với điều kiện là số
tiền thanh toán không được vượt quá quy định. Các mặt hàng trên với khối lượng hàng lớn bốc
hàng khá phức tạp nên trong thực tế rất khó chính xác như TDT quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo
việc giao hàng, Số tiền TDT thường cho phép tăng 5% trị giá.
Thí dụ:
TDT quy định 1000 MT phân bón hạng rời
Đơn giá USD 185/MT
Trị giá USD 194,250
Ta sẽ hiểu là hàng giao từ 950 MT đến 1050 MT, số tiền thanh toán rõ ràng không thể vượt USD
194,250. Nhưng nếu TDT ghi rõ số tiền là USD 185,000 thì người hưởng chỉ được giao từ 950
đến 1000 MT mà thôi.
Tuy nhiên, nếu người mở yêu cầu số lượng hàng giao phải chính xác thì TDT phải ghi rõ không
cho phép xê dịch số lượng hàng hoá. Như vậy phần b của điều khoản này sẽ không có giá trị.
Việc áp dụng dung sai trên đây tuỳ theo từng mặt hàng và đặc thù của chúng. Các mặt hàng mà
số lượng được xác định bằng đơn vị đóng gói như thùng, hòm... và từng đơn vị riêng lẻ như
cáctông, chiếc, đôi... thì không được áp dụng dung sai 5% như trên.
3) Áp dụng dung sai giảm 5%. Phần 3 của điều khoản này nêu ra một thực tế trong buôn bán
quốc tế tương đối mới mẻ và năng động cần được nêu thành quy tắc.
Trong thương mại TDT không được mở cho một số tiền ước định do một nguyên nhân thương
mại hợp lý mà hai bên đều chấp nhận. Cũng có thể TDT giao hàng theo điều kiện CFR hoặc CIF/
CIP với giá ước tính hoặc có tính chất giả thuyết trên cơ sở cước phí bảo hiểm và vận tải có thể
thay đổi. Chứng từ xuất trình với hoá đơn ghi số tiền thực tế của cước bảo hiểm và vận tải đã
được giảm so với giá gốc. Do việc WG chấp nhận giảm tổng trị giá xuất trình theo TDT ở mức
5% là hợp lý vì cước phí bảo hiểm không thể giảm vượt mức nêu trên. Các yếu tố khác về giao
hàng như đơn giá, số lượng hàng nếu được ghi cụ thể trong TDT thì không được thay đổi.

115
Tất nhiên nếu TDT đã cho phép tăng giảm 10% (điều 39-a) hoặc mặt hàng đã được phép xê dịch
(điều 39-b) thì không thể áp dụng điều 39-c.
4) TDT không cho phép giao hàng nhiều lần, nhưng lại nói khác? Đây là trường hợp chỉ gặp
ở một số TDT có mặt hàng đăc thù riêng. TDT quy định chỉ giao hàng một lần, nhưng lại thêm
điều khoản đặc biệt.
"Hàng phải đúng đủ container 400 feet. Chấp nhận giao hàng thiếu chừng nào container không
chứa hết"
ĐIỀU 40: GIAO HÀNG/THANH TOÁN TỪNG PHẦN
A. Thanh toán và giao hàng từng phần được phép, trừ khi quy định khác trong TDT. B. Chứng từ
vận tải thể hiện trên bề mặt là việc giao hàng đã được thực hiện trên cùng một phương tiện vận
tải và cùng một hành trình miễn là chúng thể hiện cùng một nơi đến, sẽ không được coi là giao
hàng từng phần ngay cả khi chứng từ vận tải ghi cùng các ngày tháng giao hàng và / hoặc
những cảng bốc hàng, nơi nhận hàng để gửi hay nơi giao hàng khác nhau. C. Giao hàng bằng
bưu điện hay bằng dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ không được coi là giao hàng từng phần Nếu
biên lai bưu điện hay chứng nhận gửu hàng bưu điện hoặc biên lai của dịch vụ chuyển phát
nhanh hay giấy thông báo gửi hàng thể hiện là đã được đóng dấu, ký tên hay được xác thực tại
nơi mà TDT quy định là hàng hoá phải được gửi đi từ đó và trong cùng một ngày. Điều khoản 44
của bản điều lệ 400 được sửa đổi cho súc tích hơn, đồng thời kết hợp với các điều khoản khác.
1) Thực chất của giao hàng và thanh toán từng phần.
• Phần a được giữ nguyên nhằm đảm bảo giá trị áp dụng của nó cho tất cả các loại hình
TDT , đặc biệt là TDT dự phòng.
Nếu TDT không đề cập đến việc giao hàng thì phải hiểu là được phép giao hàng nhiều lần và
đương nhiên sẽ thanh toán nhiều lần tương đương. Thực ra các TDT ghi thêm điều khoản "cho
phép giao hàng nhiều lần" là không cần thiết.
Cần lưu ý các diễn đạt của điều 40(a) này: cho phép thanh toán từng phần và/ hoặc giao hàng
từng phần. Loại bỏ chữ "và" ra còn lại liên từ "hoặc" ta hiểu là TDT không giao hàng từng phần
nhưng vẫn được thanh toán từng phần. Đó là các TDT về dịch vụ hoặc TDT dự phòng được phát
hành dựa trên hợp đồng về dịch vụ hay đảm bảo cho việc thực hiện các hợp đồng thương maị.
Với những TDT này, việc thanh toán vẫn được thực hiện bình thường theo thông lệ của nó là
Nếu TDT không quy định khác thì người hưởng được phép xuất trình chứng từ đòi tiền nhiều lần
trong giới hạn về trị giá và hiệu lực của TDT. Thí dụ một TDT dự phòng phát hành bảo đảm
khoản nợ gồm nhiều kỳ hạn. Quá hạn người chủ nợ không trả nợ thì người cho vay lập thủ tục
đòi tiền ngân hàng phát hành TDT và cứ thế các khoản nợ được thu hồi nhiều lần theo TDT cho
đến hết. Rõ ràng TDT không giao hàng nhiều lần nhưng vẫn được phép đòi tiền nhiều lần.
• Hiểu như thế nào về thực chất của giao hàng từng phần?
Theo cách hiểu chung, giao hàng làm nhiều đợt, nhiều lần trong thời điểm khác nhau thì được
gọi là giao hàng từng phần. Nhưng đối với nhà nhập khẩu thì số hàng được nhận một lần trên
một con tàu tại một nơi thì không thể coi là giao hàng từng phần. Quan điểm này được hoan
ngênh vì kết quả cuối cùng của việc chuyển giao hàng hoá là việc nhận hàng của người mua. Nếu
đứng về phía nhà nhập khẩu thì dù cho hàng hoá được giao bằng cách nào, thời điểm nào,
phương tiện nào cũng được chấp nhận, miễn là hàng hoá phải được chuyên chở trên một con tàu
đến một nơi quy định cùng một thời gian.
Thực tiễn giao nhận vận tải hàng hoá quốc tế đã cho phép ICC duy trì quy tắc này nhằm đảm bảo
sự thuận lợi cho nhà xuất khẩu trong giao hàng.
Thí dụ:
116
Nhà xuất khẩu cần giao một lô hàng 10.000MT gạo đến Châu phi ngày 15/04 tàu nhận hàng tại
cảng Cần Thơ 3.000 tấn. Sau đó 3 ngày tàu nhận tiếp số hàng còn lại tại cảng Sài Gòn. Kết thúc
bốc hàng ,tàu đi thẳng đến Châu phi để dỡ hàng. Theo quy định của TDT, thuyền trưởng tàu cấp
2 bộ vận đơn ứng với 2 lần nhận hàng. Ngày bốc hàng ghi trên vận đơn cấp sau tại cảng Sài Gòn
được coi là ngày giao hàng thực tế của TDT. Bộ chứng từ hợp lệ mặc dù TDT không cho phép
giao hàng từng phần.
Bản điều lệ 400 chỉ cho phép áp dụng việc giao hàng trên đây cho vận tải biển hoặc vận tải liên
hợp mà thôi. Bản sửa đổi này không nêu giới hạn do vậy bất kể loại hình vận tải nào cũng có thể
áp dụng phần (B) điều 40 để đảm bảo sự phù hợp của chứng từ vận tải.
2) Giao hàng từng phần trong chuyên chở qua bưu điện. Với đặc thù của giao hàng bằng
đường bưu điện, nhà xuất khẩu có thể giao hàng tại các trung tâm bưu chính thuận tiện nhất của
nơi giao hàng theo quy định của TDT. Mạng lưới bưu điện của một tỉnh, thành phố hàng ngày
tập trung các chứng từ, hàng hoá, bưu kiện tại hội sở chính để chuyển giao qua phương tiện vận
tải: máy bay, xe tải chuyên dùng, tàu hoả... như vậy dù hàng gửi tại nhiều trung tâm bưu chính
khác nhau trong một thành phố nhưng vẫn có thể chuyển đi trong cùng mộtchuyến hành trình.
Do vậy, ngân hàng sẽ không coi là giao hàng từng phần nếu việc giao hàng được chứng minh
bằng biên lai bưu điện. Giấy chứng nhận gửi hàng bưu điện, kể cả biên lai chuyển phát nhanh...
được ghi cùng một ngày tại địa điểm mà TDT quy định.
ĐIỀU 41: GIAO HÀNG/ THANH TOÁN LÀM NHIỀU LẦN
Nếu việc thanh toán và/ hoặc giao hàng làm nhiều lần trong những thời kì nhất định được quy
định trong TDT và một lần nào đó không thanh toán và/ hoặc không giao hàng trong thời gian
ấn định thì TDT không có giá trị đối với lần đó và đối với những lần tiếp theo, trừ khi có quy
định khác trong TDT.
Giao hàng nhiều lần bằng nhau khác với giao hàng nhiều chuyến (partial shipment). Với cách
giao hàng thứ nhất, TDT sẽ nói rõ kỳ hạn nhất định và số lượng hàng được giao. Ngược lại với
cách giao hàng lần thứ 2 người bán được phép giao ít nhất 2 chuyến mà không cần ranh giới, thời
gian và số lượng hàng.
Trong thực tiễn mậu dịch quốc tế, có những hợp đồng mà 2 bên đồng ý giao hàng từng đợt với số
tiền số hàng và kỳ hạn nhất định. Thí dụ: TDT yêu cầu 300MT nhựa tổng hợp trị giá USD
450,000, giao hàng 3 chuyến đều nhau, giữa các tháng 5,6,7. Việc giao hàng này nhằm đáp ứng
yêu cầu sản xuất của nhà máy nhằm tránh đọng vốn, tồn kho trong thời gian trên. Nếu người bán
không thể giao chuyến đầu tiên vào tháng 5, thì TDT coi như không còn hiệu lực cho việc giao
hàng tháng 5 và phần còn lại. Ðiều kiện này đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà nhập khẩu
đối với việc vi phạm cam kết của nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, nhà nhập khẩu có thể xem xét hoạt
động sản xuất kinh doanh của mình để quyết định có mua hay không mặt hàng đó. Nếu cần họ sẽ
sửa đổi TDT để người xuất khẩu tiếp tục giao hàng.
Cần biết nguyên tắc này với bản chất của TDT tuần hoàn. Với yêu cầu giao hàng như ví dụ trên
người hưởng của TDT tuần hoàn sẽ được phép giao 200MT vào giữa tháng 6 Nếu tháng 5 không
có hàng giao, với điều kiện là TDT cho phép tích luỹ. Nếu là "không tích luỹ", nhà xuất khẩu
cũng được phép giao lô hàng thứ 2 là 100MT vào giữa tháng 6, (thí dụ về TDT tuần hoàn này chỉ
đề cập đến tuần hoàn về thời gian chứ không tuần hoàn về giá trị).
Tương tự điều 40, cách diễn đạt "và/ hoặc" của điều khoản này cho ta hiểu là có thể đòi tiền từng
phần đối với các TDT dự phòng hay TDT dịch vụ, không liên quan đến việc giao hàng.
Như đã phân tích ở điều 1, TDT dự phòng bảo đảm việc thực thi hợp đồng của người cung cấp
hàng hoá đối với người mua. Do vậy, việc đòi tiền là phụ thuộc vào việc hoàn thành nghĩa vụ đó.

117
Nếu hợp đồng thực hiện theo từng giai đoạn thì trong bất cứ giai đoạn nào mà người cung cấp
không thực hiện đúng kam kết, người mua có quyền đòi tiền theo TDT mà không cần viện dẫn
đến các giai đoạn trước đó có đòi được tiền hay không. Vậy, Nếu áp dụng điều khoản 41 thì sẽ bị
"khập khiễng" giữa bản điều lệ và thực tiễn. Để khắc phục nhược điểm này, WG đưa ra lời
khuyên cho các ngân hàng khi phát hành TDT dự phòng theo yêu cầu của người mở: Tuỳ theo
từng hoàn cảnh mà quyết định loại trừ điều khoản 41, bản điều lệ 500 ra khỏi phạm vi áp dụng
của TDT dự phòng (tài liệu ICC số xuất bản 511, trang 108).
ĐIỀU 42: NGÀY HẾT HIỆU LỰC VÀ NƠI XUẤT TRÌNH CHỨNG TỪ
A. Tất cả các TDT đều phải quy định ngày hết hiệu lực, nơi xuất trình chứng từ để thanh toán,
chấp nhận hay, trừ trường hợp không giới hạn nơi chiết khấu, ngân hàng mà bộ chứng từ sẽ
được xuất trình. Ngày hết hiệu lực được quy định cho việc thanh toán, chấp nhận hay chiết khấu
sẽ được hiểu là giới hạn cuối cùng cho việc xuất trình chứng từ. B. Trừ trường hợp nêu trong
điều khoản 44(a), chứng từ phải được xuất trình cùng hoặc trước ngày hết hạn TDT. C. Nếu
ngân hàng phát hành quy định TDT có hiệu lực trong thời gian "1 tháng", "6 tháng" hoặc cách
thể hiện tương tự, nhưng không chỉ rõ thời hạn đó tính từ ngày nào thì ngày phát hành TDT sẽ
được coi là ngày bắt đầu thời hạn hiệu lực. Ngân hàng không nên quy định thời hạn hiệu lực của
TDT theo cách như vậy. So với điều 46 cũ, điều khoản này có sự thay đổi cơ bản nhưng chỉ liên
quan đến phần a nói về thời hạn thanh toán, chấp nhận hoặc khiết khấu của TDT.
1) Thời hạn hiệu lực của TDT ấn định cho việc xuất trình chứng từ. Điều 46 của bản điều lệ
400 không khó hiểu, nhưng thực tế lại phát sinh quá nhiều rối rắm trong việc vận dụng giữa các
ngân hàng. Chỉ riêng tài liệu ICC số xuất bản 489 đã nêu ra 8 trường hợp tranh chấp giữa ngân
hàng với khách hàng. Điểm nổi bật của các mâu thuẫn này là 1 số ngân hàng (chủ yếu là ngân
hàng phát hành TDT) coi thời hạn quy định tại điều khoản 46 (a) bản điều lệ 400 là thời hạn mà
việc chiết khấu, hoặc chấp nhận, hoặc thanh toán phải được thực hiện xong.
ICC cũng đã nhận được yêu cầu của các phòng thương mại quốc gia về việc sửa đổi lại điều
khoản 46 nhằm đưa ra quy định cụ thể, rõ ràng với thời hạn xuất trình chứng từ, và hiệu lực,
tránh mọi tranh chấp 2 bên.
Nhận thức về thời hạn nêu ra tại điều khoản 46 (a) mà theo đó việc khiết khấu chấp nhận hay
thanh toán phải được thực hiện xong cùng hoặc trước đó là sai về lý thuyết lẫn thực tế. Người
hưởng chỉ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình bằng những hành động họ có thể kiểm soát
và khả năng của họ. Sau khi xuất trình chứng từ, hành động còn lại là của ngân hàng, ngoài tầm
kiểm soát của người hưởng. Ngân hàng sẽ kiểm tra chứng từ trong thời gian 7 ngày làm việc
(điều 13) hay trong 2 ngày là quy chế riêng của từng ngân hàng. Quy định về thời gian kiểm tra ,
gửi chứng từ , thông báo bất hợp lệ... về thời gian thanh toán, hoặc chấp nhận hoặc chiết
khấu...không thể gắn với hiệu lực của L/C.
Nhằm đảm bảo công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi của người hưởng, WG quy định rõ thêm về
phần a của điều khoản này là Nếu TDT vẫn cứ ghi ngày hiệu lực cuối cùng cho việc thanh toán
chấp nhận hoặc chiết khấu thì ngân hàng phải coi đó là thời hạn mà chứng từ phải xuất trình.
Thí dụ: TDT quy định:
"Việc chiết khấu được thực hiện không được chậm quá ngày 31/7" hoặc "chứng từ xuất trình để
chiết khấu chậm nhất là 31/7"
("Negotiation is effected not later than 31 July "or "Document are presented for negotiation
latest 31 July")
Ta phải hiểu là ngày hết hiệu lực của TDT và là ngày cuối cùng cho việc xuất trình chứng từ là
31/7. Việc chiết khấu của ngân hàng được chỉ định hoăc việc thanh toán của ngân hàng phát hành

118
ngân hàng có thể được thực hiện trong vòng 7 ngày kể từ ngày 31/7. Nếu TDT có giá trị chiết
khấu, ngân hàng gửi chứng từ phải xác nhận ngân hàng cho phát hành là chứng từ được xuất
trình trong vòng hiệu lực của TDT (Vấn đề này sẽ được đề cập đến trong điều khoản 44 của bản
điều lệ).
Thời hạn hiệu lực bao giờ cũng ghi rõ trong TDT nhằm giới hạn việc xuất trình chứng từ để
thanh toán, chấp nhận hay chiết khấu. Nói chung thời hạn của TDT không nên ghi theo cách thể
hiện ở ví dụ trên. Tuy nhiên, một số nhà nhập khẩu khi mở TDT trả chậm thường ngộ nhận là
ngày hết hiệu lực phải sau ngày thanh toán của kỳ hạn trả chậm là 60 ngày, 90 ngày, thậm chí
360 ngày. Thực ra nếu hiểu theo nhận thức chung thì không sai, nhưng hiểu theo nghĩa của bản
điều lệ thì không đúng vì ngày hết hiệu lực chỉ giới hạn cho việc xuất trình chứng từ, còn việc
chấp nhận, thanh toán sau đó là việc của ngân hàng , là hệ quả tiếp theo của giao dịch chứng từ
(như đã phân tích ở trên). Do vậy bất kể thời hạn thanh toán của một TDT trả chậm là bao lâu thì
ngày hết hiệu lực của nó muộn nhất không quá 21 ngày kể từ ngày giao hàng.
Việc xuất trình chứng từ không được bản điều lệ 400 đề cập, do vậy, cách hiểu thông thường của
các ngân hàng là tại ngân hàng chiết khấu, trừ khi TDT ghi rõ là tại ngân hàng phát hành hoặc
ngân hàng xác nhận (Nếu có). Nhằm cụ thể và rõ ràng mọi chi tiết của giới hạn này, bản điều lệ
500 quy định bát buộc phải ghi rõ nơi xuất trình chứng từ.
Trong thực tế cách thể hiện quy định này của tưng ngân hàng khác nhau. Nếu dùng mẫu của
SWIFT thì TDT sẽ ghi: "ngày và nơi hết hiệu lực". Theo mẫu thống nhất của ICC thì TDT được
ghi:
"ngày hết hiệu lực"
(expiry date)
"nơi xuất trình chứng từ "
(place for presentation)
Hai cách thể hiện trên đều phải được hiểu như nhau. "Nơi hết hiệu lực" có nghĩa là nơi chứng từ
phải xuất trình. Cách thứ 2 chuẩn xác và dễ hiểu, đúng theo quy định của điều khoản này.
2) TDT có giá trị thanh toán tại NH phát hành Thỉnh thoảng ta gặp TDT với điều khoản:
"...có giá trị thanh toán tại NH phát hành bằng việc xuất trình hối phiếu và chứng từ tại chúng tôi
cùng hoặc trước ngày hết hiệu lực". Như vậy không có NH được chỉ định vì TDT này không có
giá trị chiết khấu mà chỉ có NH chuyển chứng từ, thay mặt người hưởng, đòi tiền NH phát hành.
Đây là loại TDT thanh toán trực tiếp cho người hưởng - để phân biệt với TDT có giá trị chiết
khấu, theo đó " nghĩa vụ của NH phát hành chỉ ràng buộc với người hưởng về việc thanh toán
hối phiếu/ chứng từ và luôn hêt hiệu lực tại NH phát hành: loại TDT này không thể hiện cam kết
hay nghĩa vụ của NH phát hành đối với những ai, trừ người hưởng của TDT-Tài liệu ICC số xuất
bản 511.
Đối với TDT này, người hưởng phải lưu ý thời gian chứng từ được gửi từ NH chuyển đến NH
phát hành, sao cho chứng từ phải đến cùng hoặc trược ngày hết hiệu lực của TDT. Việc thanh
toán có thể trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi NH phát hành nhận được chứng từ, và có thể
sau ngày hết hiệu lực của TDT.
Như vậy, TDT đã thoả mãn yêu cầu nơi xuất trình chứng từ. Nhưng nếu là TDT có giá trị chiết
khấu không hạn chế với điều khoản "tại bất cứ ngân hàng nào", hoặc "không hạn chế việc xuất
trình chứng từ" thì nơi xuất trình chứng từ cũng không hạn chế. Do vậy với các TDT này, không
cần ghi nơi xuất trình chứng từ để chiết khấu, hoặc ghi hết hiệu lực tại ngân hàng chiết khấu.
3) Cơ sở để tính thời hạn hiệu lực. TDT với điều khoản hiệu lực, giả sử "sau 1 tháng" hầu như
không gặp ở các TDT thông thường. Tuy nhiên trong thực tế TDT dự phòng vẫn được sử dụng

119
với giá trị hiệu lực tự phục hồi. Thí dụ TDT dự phòng quy định: giá trị hiệu lực 3 tháng kể từ
ngày phát hành. Sau ngày hết hạn, TDT tự động phục hồi thêm 3 tháng nữa trừ khi TDT có quy
định khác. Trường hợp này TDT phải quy định cụ thể là hiệu lực 3 tháng tính từ ngày nào.
Ngược lại, ngân hàng sẽ lấy ngày phát hành TDT làm ngày thứ nhất của thời hạn 3 tháng.
Để phù hợp với phần a của điều khoản này là TDT phải ghi rõ ngày hết hiệu lực, WG khuyến cáo
các ngân hàng không nên sử dụng cách diễn tả hiệu lực của TDT như vậy, kể cả TDT dự phòng.
ĐIỀU 43: GIỚI HẠN NGÀY HẾT HIỆU LỰC
A. Ngoài quy định ngày hết hiệu lực cho việc xuất trình chứng từ, TDT khi yêu cầu chứng từ vận
tải , phải quy định thời hạn kể từ sau ngày giao hàng, việc xuất trình chứng từ vận tải phải được
thực hiện phù hợp với những điều khoản và điều kiện của TDT. Nếu không có quy định về thời
hạn như vậy ngân hàng sẽ không chấp nhận các chứng từ được xuất trình quá 21 ngày sau ngày
giao hàng. Trong mọi trường hợp chứng từ phải được xuất trình không trễ hơn ngày hết hiệu lực
của TDT. B. Trong trường hợp mà điều 40(b) được áp dụng , ngày giao hàng được coi là ngày
giao hàng chậm nhất được ghi trên chứng từ vận tải xuất trình.
Điều 47 của bản điều lệ 400 đề cập quá dài dòng, chưa chính xác về giới hạn hiệu lực của TDT
gây khó khăn trong việc nắm bắt nội dung, ý nghĩa cơ bản của quy tắc. Bản điều lệ này đã khắc
phục được nhược điểm trên và hợp với nguyên tắc chung của tất cả các điều khoản.
1) Ý kiến của các Phòng thương mại quốc gia Trong quá trình chuẩn bị cho bản điều lệ 500 ra
đời, WG đã nhận được các ý kiến của các phòng thương mại quốc gia đề cập đến vấn đề kỳ hạn
xuất trình chứng từ. Các ý kiến trên được tập trung trong 3 điểm chính:
- Giảm kỳ hạn xuất trình chứng từ 21 ngày xuống 15 ngày kể từ ngày giao hàng. Quan điểm của
WG là bản điều lệ quy định TDT phải nói rõ kỳ hạn xuất trình chứng từ cho ngân hàng. Do vậy
giới hạn 21 ngày sẽ không có giá trị Nếu TDT thực hiện đúng điều này. Việc giảm bớt như trên là
không cần thiết đối với một quy định có tính chất dự phòng.
- Trường hợp giao hàng bằng máy bay thì kỳ hạn 21 ngày thì quả là quá lâu và chứng từ sẽ được
coi là "mất hiệu lực". WG khẳng định: Bản chất của AWB chỉ là bằng chứng cho việc giao hàng
của người bán mà thôi, hoàn toàn không có giá trị lưu thông. Nhưng nếu xét cần thiết người mở
quy định trong TDT kỳ hạn xuất trình chứng từ nhằm tránh cái gọi là "stale" (lưu ý "stale" là từ
cổ hiện nay ít được sử dụng trong giao dịch quốc tế).
- Nếu TDT dự phòng có yêu cầu bản copy chứng từ vận tải, việc áp dụng điều khoản này như thế
nào? Đối với TDT dự phòng, bản copy đó chỉ để chứng minh cho việc giao hàng được xuất trình
cùng với các chứng từ chính: tuyên bố vi phạm cam kết, yêu cầu thanh toán. Do vậy nó không có
giá trị đối với điều khoản này vì không thể căn cứ vào ngày giao hàng không nàm trong phạm vi
bảo đảm của TDT để xác định thời hạn xuất trình chứng từ. Tuy nhiên nếu gặp những TDT dự
phòng như vậy ngân hàng nên quy định không áp dụng điều khoản 43(a) tránh những tranh chấp
có thể.
2) Giới hạn cho việc xuất trình chứng từ. Trong điều khoản này "ngày phát hành" được đổi
thành "ngày giao hàng" nhằm phù hợp với cách diễn đạt trong điều khoản 44 và các điều khoản
về chứng từ vận tải, đồng thời khẳng định "chứng từ phải được xuất trình phù hợp với các điều
khoản và điều kiện của TDT"
Giới hạn của việc xuất trình được tính từ sau ngày giao hàng nên những TDT không quy định
xuất trình chứng từ vận tải (TDT về dịch vụ, TDT dự phòng) đều được loại ra khỏi phạm vi áp
dụng.

120
TDT phải ghi rõ thời hạn mà chứng từ phải được xuất trình, có thể 5,7,10... ngày kể từ ngày giao
hàng, (có thể là ngày nhận hàng để bốc/ ngày chuyển giao hàng/ ngày bốc lên tàu...) tuỳ theo
từng phương tiện vận chuyển.
Sau ngày đó người hưởng nhận được chứng từ vận tải và họ có một thời gian để chuẩn bị đầy đủ
bộ chứng từ giao hàng. Do vậy việc tính thời hạn xuất trình chứng từ từ ngày giao hàng là hợp
lý. Nếu TDT không quy định thời hạn đó, các bên liên quan phải hiểu theo tinh thần của điều
khoản này là người hưởng được quyền xuất trình chứng từ không quá 21 ngày sau ngày giao
hàng.
3) Tương quan giữa thời hạn hiệu lực và thời hạn xuất trình chứng từ. Ngày hết hiệu lực và
ngày xuất trình chứng từ phải tương xứng. TDT quy định thời hạn xuất trình chứng từ là 10 ngày
thì ngày giao cuối cùng cộng thêm 10 ngày nữa để có ngày hết hiệu lực.
Thí dụ:
Ngày giao hàng cuối cùng 31/8/94
Thời hạn xuất trình chứng từ 10 ngày
Ngày hết hiệu lực 10/9/94
Nhưng nếu thời hạn là 15 ngày thì ngày giao hàng là 31/8/94, người hưởng cũng không thể xuất
trình vào ngày 11/9 vì ngày hết hiệu lực là ngày 10/9, mà sau đó TDT hết giá trị cho việc xuất
trình chứng từ.
Việc xuất trình chứng từ là tuỳ thuộc vào từng trường hợp quy định cụ thể của TDT theo đó
người hưởng yêu cầu sửa đổi cho hợp thực tế trong tầm kiểm soát của mình. TDT mà ngày giao
hàng và ngày hết hiệu lực cùng một ngày thì phải bảo đảm thời hạn xuất trình chứng từ theo điều
khoản 43. Ngược lại phải yêu cầu người mở sửa đổi TDT.
Tài liệu ICC số xuất bản 489 đề cập đến các lần xuất trình của một bộ chứng từ trong thời hạn
quy định của TDT. Theo đó người hưởng có thể sửa chữa, thay thế làm lại các chứng từ không
hợp lệ trong một bộ chứng từ xuất trình cho ngân hàng được chỉ định. Các chứng từ đó phải hoàn
chỉnh và xuất trình lại cho ngân hàng chậm nhất vào ngày cuối cùng của thời hạn xuất trình trong
TDT, hoặc ngày cuối cùng của hiệu lực TDT.
Ngân hàng gửi chứng từ (ngân hàng chiết khấu) sau khi nhận được thông báo bất hợp lệ của
ngân hàng phát hành có quyền yêu cầu người hưởng lập lại các chứng từ đó, gửi cho ngân hàng
đang nắm giữ chứng từ nhằm thay thế những bản bất hợp lệ. Tất nhiện, Ngân hàng phát hành chỉ
chấp nhận bổ sung đó trong thời hạn hiệu lực hay trong giới hạn xuất trình của TDT, theo điều 43
(a) bản điều lệ 500.
Điều dễ hiểu là điều khoản này chỉ cấm chứng từ xuất trình ngoài giới hạn TDT quy định và/
hoặc khi TDT đã hết hiệu lực (tuỳ theo từng trường hợp) mà không cấm chứng từ hợp lệ được
xuất trình nhiều lần cho một lần thanh toán trong phạm vi của điều khoản 43.
4) Một chuyến hàng với nhiều ngày giao hàng khác nhau. Điều khoản 40 (b) minh hoạ bằng
thí dụ cụ thể cho trường hợp một chuyến hàng với 2 ngày giao hàng tại 2 địa điểm. Theo đó ngày
bốc hàng ghi trên vận đơn thứ 2 cấp tại cảng Sài Gòn được coi là ngày giao hàng thực tế và làm
cơ sở để tính kỳ hạn cho việc xuất trình chứng từ, mặc dù bộ vận đơn thứ nhất được cấp tại Cần
Thơ ghi ngày trước đó. Do vậy, điều 43 (b) quy tắc hoá các trường hợp đã đang và sẽ phát sinh
trong thực tiễn buôn bán quốc tế.
ĐIỀU 44: GIA HẠN NGÀY HẾT HIỆU LỰC
A. Nếu ngày hết hiệu lực của TDT và/ hoặc ngày cuối cùng của việc xuất trình chứng từ TDT
quy định hoặc được áp dụng theo tinh thần của điều khoản 43 là ngày mà ngân hàng nơi chứng
từ xuất trình vì những lý do không phải là những nguyên nhân nêu trong điều 17, thì ngày hết

121
hiệu lực được quy định đó và/ hoặc ngày cuối cùng của thời hạn xuất trình chứng từ tính từ ngày
giao hàng, tuỳ trường hợp sẽ được gia hạn đến ngày làm việc tiếp theo đầu tiên của ngân hàng.
B. Ngày giao hàng cuối cùng không được kéo dài với lý do của việc gia hạn hiệu lực và thời hạn
xuất trình chứng từ nói ở điều khoản 44 (a) trên đây. Nếu ngày giao hàng chậm nhất không được
quy định trong TDT hay trong các sửa đổi của TDT thì ngân hàng sẽ không chấp nhận chứng từ
vận tải ghi ngày giao hàng trễ hơn ngày hết hiệu lực quy định trong TDT hay các sửa đổi TDT.
C. Ngân hàng mà chứng từ được xuất trình vào ngày làm việc đầu tiên sau ngày đóng cửa như
vậy, phải nói rõ bằng văn bản là các chứng từ được xuất trình trong phạm vi thời hạn quy định
theo điều 44 (a) của bản điều lệ và thực hành thống nhất tín dụng chứng từ. Bản sửa đổi 1993,
phòng thương mại quốc tế, số xuất bản 500. Điều khoản này được viết lại điều khoản 48 bản
điều lệ cũ và dễ hiểu hơn nhưng nội dung ý nghĩa không thay đổi.
1) Kéo dài ngày hết hiệu lực và/ hoặc ngày xuất trình chứng từ. Người ta thường nói một
TDT có 2 ngày giá trị. Ngày thứ nhất là ngày hết hiệu lực , ngày thứ 2 là giới hạn xuất trình
chứng từ . Cả 2 ngày hoặc một trong 2 ngày đó rơi vào ngày nghỉ (cuối tuần, chủ nhật), ngày lễ
quốc tế (lễ giáng sinh, quốc tế lao động...), ngày nghỉ truyền thống dân tộc (tết cổ truyền, ngày
quốc khánh...) thì việc xuất trình chứng từ được tự động kéo dài sang ngày làm việc đầu tiên sau
đó.
Thí dụ:
Ngày cuối cùng của thời hạn xuất trình chứng từ của TDT là 30/4 thì người hưởng được quyền
xuất trình chứng từ vào ngày 02/5 vì ngày 30/4 và ngày 1/5 là 2 ngày nghỉ tại Việt Nam.
Nhưng nếu ngày hết hiệu lực cũng là ngày cuối cùng để xuất trình chứng từ của TDT là ngày
ngân hàng được chỉ định không làm việc vì nhân viên đình công hoặc do hoả hoạn hoặc do bất
cứ nguyên nhân bất khả kháng nào nói trong điều 17 của bản điều lệ, thì ngân hàng được chỉ
định có quyền từ chối chứng từ xuất trình trong và sau ngày đó. Rủi ro này thuộc về người
hưởng.
2) Quy định kéo dài ngày hết hiệu lực không áp dụng cho việc giao hàng. Hoạt động bốc dỡ
hàng hoá tại cảng đặc biệt là tàu hàng container không có ngày nghỉ. Do vậy, Nếu ngày giao
hàng cuối cùng là ngày chủ nhật, ngày lễ... vẫn được coi là ngày làm việc bình thường và đương
nhiên không được kéo dài sang ngày tiếp theo như ngày hết hiệu lực của TDT.
Nếu không quy định ngày giao hàng cuối cùng trong TDT. TDT phải ghi rõ thời hạn giao hàng
và hiệu lực. Tuy nhiên, TDT có thể không ghi ngày giao hàng cuối cùng. Nếu vậy người hưởng
phải hiểu là được giao hàng bất cứ lúc nào miễn là ngày giao hàng (nhận để bốc, đã bốc) thể hiện
trên chứng từ vận tải phải cùng hoặc trước ngày hết hiệu lực của TDT. Trong thực tế trường hựp
này rất ít gặp. Tuy nhiên có những trường hợp chúng ta phải vận dụng suy luận trên cơ sở nhận
thức chung.
Thí dụ:
TDT không ghi ngày giao hàng cuối cùng. Ngày hết hiệu lực của TDT là ngày 30/4 thì chứng từ
sẽ được xuất trình vào ngày 02/5 tức là sau 2 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là giới hạn cuối cùng được
phép theo điều khoản 44 (b) bản điều lệ này. Cần lưu ý là điều khoản 44 (a) không áp dụng cho
việc giao hàng với điều kiện TDT phải ghi rõ ngày giao hàng cuối cùng. Nếu không ghi như vậy
ngày giao hàng cuối cùng cũng chính là ngày hết hiệu lực của TDT, bất kể ngày này có được kéo
dài như điều 44 (a) quy định hay không. Do vậy, ngày giao hàng cũng có thể được kéo dài qua
ngày 1/5 hoặc thậm chí 2/5 đồng thời với thời hạn xuất trình chứng từ.
3) Xác thực của NH chuyển chứng từ về thời hạn xuất trình. Thông thường ngân hàng phát
hành uỷ quyền cho một ngân hàng đại lý của mình hoặc bất cứ ngân hàng nào nhận và chiết khấu

122
chứng từ. Nếu ngân hàng được chỉ định chấp nhận chứng từ trong hoàn cảnh trên, thì ngân hàng
này phải nói rõ trường hợp áp dụng điều 44 (a) bản điều lệ 500. Quy định nhằm tránh 2 quyết
định khác nhau của 2 ngân hàng.
Ngân hàng phát hành chỉ căn cứ ngày ghi trên "bản gửi chứng từ" của ngân hàng chuyển chứng
từ để xác định ngày xuất trình chứng từ. Nếu ngày đó sau ngày hết hiệu lực hoặc sau ngày cuối
cùng xuất trình chứng từ thì ngân hàng phát hành sẽ từ chối. Do vậy ngân hàng được chỉ định
phải ghi rõ là chứng từ được xuất trình theo điều 44 (a) nhằm đảm bảo sự hợp lệ của chúng.
Bản xác thực như vậy cũng có thể áp dụng khi mà chứng từ xuất trình vào ngày cuối cùng của
thời hạn hoặc hiệu lực của TDT nhưng ngân hàng chiết khấu được phép gửi chứng từ sau khi
kiểm tra và làm các thủ tục khác không quá 7 ngày làm việc theo điều 13 (d).
"Chúng tôi xin xác nhận chứng từ được xuất trình vào ngày hết hiệu lực của TDT"
Như đã phân tích ở điều khoản 42 (a), thời hạn xuất trình chứng từ được đề cập ở điều 42,43,44
chỉ liên quan đến hành động của người hưởng. Chứng từ được xuất trình vào ngày cuối cùng của
ngày quy định là người hưởng hết trách nhiệm. Công việc còn lại do ngân hàng chiết khấu thực
hiện trong các ngày tiếp theo, sẽ vượt quá thời hạn hiệu lực của TDT, có thể là trong vòng 7 ngày
theo điều 13 (b). Tuy nhiên, trong thực tế ngân hàng chiêt khấu thường ghi ngày gửi hoặc ngày
xuất trình mặc dù chứng từ được gửi sau 1-2 ngày nhằm tránh rủi ro bị từ chối.
ĐIỀU 45: GIỜ XUẤT TRÌNH CHỨNG TỪ
Ngân hàng không có nghĩa vụ tiếp nhận chứng từ xuất trình ngoài giờ làm việc của mình
Không có thay đổi về điều khoản 49 của bản điều lệ cũ. Thực ra WG muốn nêu ra một phạm trù
thời gian tính bằng giờ trong ngày làm việc chứ không nói thời gian chung chung.
Ở mỗi nước, mỗi khu vực thậm chí mỗi ngân hàng tuỳ theo vị trí địa lý mà có giờ làm việc trong
ngày khác nhau. Ngay tại Việt Nam các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn thời gian làm việc
thông thường từ 7h30’ đến 16h30’ thời gian nghỉ giữa thường từ 12 đến 13h. Ở các địa phương
khác, giờ làm việc thường được chia làm 2 buổi, nghỉ trưa 2 giờ đồng hồ. Ngay tại thành phố
HCM các ngân hàng thương mại cũng có lịch làm việc khác nhau, các ngân hàng nước ngoài
nghỉ thứ bảy, nhưng ngân hàng Việt Nam vẫn làm việc bình thường.
Khách hàng phải biết thời gian làm việc của từng ngân hàng để tiện giao dịch đặc biệt là những
trường hợp khẩn cấp, chứng từ được xuất trình trong thời hạn cho phép nhưng phải trong giờ làm
việc.
ICC, trong tài liệu số xuất bản 511 gợi ý các ngân hàng tuỳ theo từng hoàn cảnh, từng loại TDT
mà có thể ghi chú về thời gian làm việc của mình cho người hưởng tiện việc xuất trình chứng từ
từ 10h đến 14h trong ngày... Tuy nhiên vấn đề này không thể nêu thành nguyên tắc.
ĐIỀU 46: NHỮNG DIỄN TẢ KHÔNG CỤ THỂ ĐỐI VỚI NGÀY GIAO HÀNG
A. Trừ khi có quy định khác trong TDT, từ "giao hàng" được dùng để quy định ngày giao hàng
sớm nhất và/ hoặc trễ nhất sẽ được hiểu là bao gồm cả những từ "giao hàng lên tàu", "gửi
hàng", "nhận để chở", "ngày biên lai bưu điện", "ngày đóng gói hàng" và những từ tương tự và
trong trường hợp TDT yêu cầu chứng từ vận tải đa phương thức thì "giao hàng" sẽ bao gồm cả
từ "nhận để gửi" B. Những từ như "nhanh chóng", "ngay lập tức ","càng sớm càng tốt" và những
từ tương tự không được sử dụng. Nếu chúng được dùng thì ngân hàng sẽ bỏ qua .
C. Nếu từ "vào ngày ","vào khoảng" hoặc những từ tương tự được sử dụng thì ngân hàng sẽ giải
thích là việc giao hàng được ấn định trong thời gian từ 5 ngày trước đến 5ngày sau ngày quy
định, kể cả ngày đầu tiên và ngày cuối cùng . Về nội dung , Điều 50 Bản điều lệ 400 vẫn được
giữ nguyên nhưng cách viết mở rộng và chặt chẽ hơn ở điều khoản này, nhằm phù hợp với sự
thay đổi chung của Điều lệ và thực hành Thống nhất Tín dụng Chứng từ .

123
1) Giao hàng phải được thể hiện chính xác hơn "Giao hàng" trong điều 46 (a) được nói rõ
thêm cho các phương tiện vận tải đề cập ở các điều 23,24..."Giao hàng" là sự chuyển giao của
chủ hàng cho người chuyên chở và từ thời điểm đó, chứng từ vận tải được cấp cho chủ hàng.
Theo INCOTERM, trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán kết thúc ở thời điểm chuyển giao
hàng hoá cho người chuyên chở, tuỳ từng phương tiện vận tải , được thể hiện trên chứng từ vận
tải.
Nếu TDT yêu cầu hàng hoá vận tải tàu biển thì "giao hàng" có nghiã là hàng hoá "đã được bốc
"lên tàu". Nếu giao hàng bằng đường không, đường bộ , đường sắt ,đường thuỷ thì ngày giao
hàng có nghĩa là ngày người chuyên chở gh i"nhận để giao hàng " (received for delivery), "chấp
nhận để chuyên chở" (accepted for carriage)..
Đối với những chứng từ vận tải hỗn hợp (Multimodel transport document) thì "ngày giao hàng "
qui định trong TDT là ngày chủ hàng chuyển giao cho người vận tải đầu tiên / phương tiện vận
tải đầu tiên. Nếu hành trình chuyên chở bắt đâù bằng phương tiện không phải bằng tàu biển thì
đó sẽ là ngày "nhận để bốc"(received for shipment, taken in charge).
2) Không dùng những từ không cụ thể chỉ thời gian
Khác với điều 50 (b) Bản Điều lẹ 400 mà ICC chỉ gợi ý không nen dùng các từ "tức thì"(prompt)
"ngay lập tức" (immediately), "càng sớm càng tốt" (as soon as possible)...,Điều 46 (b) đã nhấn
mạnh việc ngăn chặn sử các từ ngữ trên bằng cách ghi rõ: Ngân hàng sẽ bỏ qua các từ đó nếu
chúng được dùng trong TDT.
Các từ ngữ trên không định hạn rõ rệt nên mỗi bên hiểu một cách . Trong tài liệu số xuất bản
459, trang 125, ICC giải thích :
"Nói chung, ngay lập tức có nghĩa là bức điện phải gởi đi càng sớm càng tốt sau khi đã có những
thông tin cần thiết. Cái phải được làm "ngay lập tức" là cái phải tiến hành nhanh hơn cả yêu cầu
"không chậm trễ "
Điều 50 (c) Bản Điều 400 vẫn chấp nhận các từ như vậy trong TDT với sự giải thích của ICC là
"trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát hành TDT". Điều này hoàn toàn không đúng với nghĩa
thông thường của các từ "prompt", "immediately", "as soon as possible" được nêu ra trong các từ
điển phổ thông. Người mở TDT phải biết việc giao hàng được tiến hành vào thời điểm cụ thể và
phải qui định rõ trong TDT. Đó là những lý do ICC quyết định loại bỏ những từ diễn tả về thời
gian giao hàng trên đây trong giao dịch Tín dụng chứng từ.
Đúng ra WG cũng nên yêu cầu không dùng những từ "vào ngày" (on) hoặc "vào khoảng"(about)
để chỉ thời hạn giao hàng trong TDT. Các từ này cũng không rõ ràng cụ thể và việc ấn định thêm
bớt 5 ngày cũng không dựa trên cơ sở nào. Trên thực tế ta ít gặp các TDT có qui định thời hạn
giao hàng được diễn tả với các từ "on" hoặc "about".
Nếu TDT qui định:
Giao hàng khoảng 30/4/1995
Thì người hưởng được quyền giao từ ngày 25/4/1995 đến ngày 5/5/1995, kể cả ngày 25/4/95 và
ngày 05/5/1995.
Thông thường nếu yêu cầu người bán giao hàng trong khoảng thời gian nhất định, người mua
thường ghi rõ trong TDT là "giao hàng từ ngày x đến ngày y" hoặc "không sớm hơn... và không
muộn quá..."
ĐIỀU 47: THUẬT NGỮ CHUNG CHỈ THỜI HẠN GIAO HÀNG
A.Từ "đến", "cho đến", "từ" và những từ tương tự được dùng để nói về bất cứ ngày hay thời hạn
nào trong TDT liên quan đến việc gởi hàng sẽ được hiểu là tính cả ngày đó.
B. Từ "sau" sẽ được hiểu là không kể ngày được nói đén

124
C.Những từ "nữa đầu""nữa cuối" của một tháng sẽ được hiểu tương tự từ ngày 1 đén ngày 15 và
từ ngày 16 đến ngày cuối cùng của tháng đó , kể cả ngày đầu và cuối .
D.Những thuật ngữ "đầu", "giữa", "cuối" của một tháng sẽ được hiểu tương tự là từ ngày 1 đến
ngày 10, từ ngày 11 đến ngày 20 và từ ngày 21 đến ngày cuối của tháng đó, bao gồm cả ngày
đầu và cuối.
1) Các giới từ về thời gian chỉ áp dụng cho việc giao hàng Sửa đổi nhỏ những quan trọng đối
với Điều 51, Bản điều lệ 400 là từ "bất cứ thời hạn nào trong TDT"(any date term in the credit)
được viết lại bằng từ "ngày hoặc thời hạn trong TDT đề cập đến việc giao hàng " (any date or
period in the credit referring to shipment). Sửa đổi các từ này nhằm giới hạn các từ "đến", "cho
đến", "từ" (to, untill, till, from) chỉ áp dụng cho thời hạn giao hàng chứ không phải cho ngày hết
hiệu lực, ngày thanh toán, ngày chiết khấu, ngày chấp nhận ...như bản điều lệ 400 đã qui định.
Vậy nếu cần phải qui định thời hạn thanh toán, người mở TDT nên ghi rõ cách tính kỳ hạn đó,
dựa trên điều khoản này
Thí dụ :
-Hối phiếu kỳ hạn 90 ngày từ ngày giao hàng, ngày giao hàng được tính là 1
-Trả chậm 180 ngày sau ngày bốc hàng, ngày giao hàng được tính là không
-Việc thanh toán sẽ được thực hiện trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bộ chứng
từ hợp lệ.
Cách tính cụ thể kỳ hạn thanh toán như trên sẽ tránh được những tranh chấp giữa hai bên liên
quan.
Thực ra các từ "to, untill, till..." cũng được hiểu theo tinh thần của từ "latest" hoặc "not late
than", nghĩa là cũng bao gồm các ngày đã được nêu ra.
"From" và "after" tiếng Việt cũng được tương tự tiếng Anh. "Từ ngày" phải bao gồm ngày được
nêu ra, nhưng "sau ngày" được hiểu là không tính ngày đó.
Thí dụ :
Giao hàng từ ngày 10 đến ngày 20/5 Giao hàng sau ngày 31 tháng 5
Người hưởng không được phép giao hàng ngày 31/5 mà phải bắt đầu từ ngày 01/6
2) Các danh từ chỉ khoảng thời gian "Nửa đầu" (first half) và "nửa cuối" (second half) đều
được hiểu là sự phân chia thời gian ra làm 2 khoảng đều nhau của 1 tháng. Do vậy "nửa đầu"
được hiểu là từ 1 đến 15 của tháng đó, bất kể tháng đó là 28, 29, 30 hay 31 ngày.
Tương tự "đầu"," giữa", hay cuối (begining, middle, end) của 1 tháng cũng là những tháng đó
chia ra làm 3 khoảng đều nhau, bắt đầu từ 1 đến 10, từ 11 đến 20 và từ 21 đến ngày cuối cùng
của tháng , bất kể tháng đó thiếu ,đủ hay thừa ngày.
WG thấy cần thiết phải giữ lại các Điều khoản 52, 53 của Điều lệ 400 nhằm đáp ứng tập quán
của một số khu vực trên thế giới vẫn hay dùng cách diễn đạt trên (first half, second half..) để giới
hạn việc giao hàng trong TDT. Nhưng nhìn chung các ngân hàng phát hành càng ít dùng các qui
định trên mà giới hạn bằng ngày tháng cụ thể.
F.TÍN DỤNG THƯ CHUYỂN NHƯỢNG
ĐIỀU 48: TDT CHUYỂN NHƯỢNG
A. TDT chuyển nhượng là TDT mà theo đó, Người hưởng (Người hưởng thứ nhất) có quyền yêu
cầu ngân hàng được quyền thanh toán, cam kết trả sau, chấp nhận hay chiết khấu ("Ngân hàng
chuyển nhượng") hoặc trong trường hợp TDT chuyển nhượng tự do chiết khấu, ngân hàng được
uỷ quyền ghi rõ trong TDT là Ngân hàng chuyển nhượng, chuyển nhượng cho một hay nhiều
người hưởng khác ((những) người hưởng thứ hai) được sử dụng toàn bộ hay một phần TDT. B.
TDT có thể được chuyển nhượng chỉ khi ngân hàng phát hành ghi rõ "có thể chuyền nhượng".

125
Những từ "có thể chia nhỏ", "có thể chia làm nhiều phần", "có thể nhượng" và "có thể chuyển"
không làm cho TDT có giá trị chuyển nhượng. Nếu những từ đó được dùng, chúng sẽ bị bỏ qua.
C. Ngân hàng chuyển nhượng không có nghĩa vụ phải thực hiện việc chuyển nhượng trừ khi
ngân hàng này đồng ý về mức độ và cách chuyển nhượng. D. Khi yêu cầu chuyển nhượng và
trước khi chuyển nhượng TDT, người hưởng thứ nhất phải cung cấp chỉ thị không huỷ ngang cho
ngân hàng chuyển nhượng thông báo sửa đổi TDT cho (những) người hưởng thứ hai. Nếu ngân
hàng chuyển nhượng chấp thuận việc chuyển nhượng theo những điều kiện đó, ngân hàng phải,
vào lúc chuyển nhượng, thông báo cho người hưởng thứ hai chỉ thị của người hưởng thứ nhất về
vấn đề sửa đổi TDT . E. Nếu một TDT được chuyển nhượng cho nhiều hơn một người hưởng thứ
hai thì việc từ chối sửa đổi của một hay nhiều người hưởng thứ hai sẽ không vô hiệu hoá sự
chấp thuận của người hưởng thứ hai khác mà đối với họ TDT sẽ được sửa đổi. Đối với (những)
người hưởng thứ hai từ chối chấp nhận sửa đổi thì TDT vẫn coi như không được sửa đổi. F. Phí
Ngân hàng Chuyển Nhượng bao gồm phí chuyển nhượng, điện phí, bưu khí hoặc các chi phí
khác liên quan đến việc chuyển nhượng, do người hưởng thứ nhất trả, trừ khi có thoả thuận
khác. Nếu ngân hàng chuyển nhượng đồng ý chuyển nhượng TDT thì ngân hàng naỳ sẽ không có
nghĩa vụ chuyển nhượng cho đến khi các phí đó được trả. G. Trừ khi TDT nói khác, một TDT
chuyển nhượng chỉ có thể chuyển nhượng một lần. Vì vậy, TDT không thể chuyển nhượng theo
yêu cầu của người hưởng thứ hai cho bất cứ người hưởng thứ ba nào. Với mục đích của điều
khoản này, việc chuyển nhượng lại cho người hưởng thứ nhất không bị cấm. Trị giá được chia ra
của TDT chuyển nhượng ( tổng công không vượt quá số tiền của TDT ) có thể được chuyển
nhượng riêng rẽ, miễn là việc giao hàng/ thanh toán từng phần không bi cấm và toàn bộ những
lần chuyển nhượng như vậy sẽ được xem là một lần chuyển nhượng.
H. TDT chỉ có thể chuyển nhượng theo những điều khoản và điều kiện quy định trong TDT gốc,
ngoại trừ:
- Số tiền, - Đơn giá - Ngày hết hiệu lực, - Ngày cuối xuất trình chứng từ theo Điều khoản 43, -
Thời hạn gởi hàng của TDT , bất cứ điểm nào hay tất cả các điểm trên đây đều có thể được giảm
xuống hay điều chỉnh.
Tỷ lệ phần trăm của bảo hiểm có thể được tăng lên tương tự để đạt đến số tiền bảo hiểm được
quy định trong TDT gốc hay trong các Điều khoản của Bản điều lệ này.
Ngoài ra tên người hưởng thứ nhất có thể được thay thế cho người mở TDT nhưng nếu TDT gốc
yêu cầu ghi tên người mở trên các chứng từ khác ngoài hoá đơn thì yêu cầu đó phải được thực
hiện.
I. Người hưởng thứ nhất có quyền thay thế hoá đơn và hối phiếu của người hưởng thứ hai bằng
hoá đơn và hối phiếu của mình đối với những số tiền không vượt quá số tiền gốc được quy định
trong TDT và cho đơn giá gốc nếu TDT có ghi đơn giá và khi thay thế hoá đơn và hối phiếu như
vậy, người hưởng thứ nhất có thể được thanh toán theo TDT khoản tiền chênh lệch (nếu có) giữa
hoá đơn của mình với hoá đơn người hưởng thứ hai.
Khi một TDT đã được chuyển nhượng và người hưởng thứ nhất phải cung cấp hoá đơn và hối
phiếu của mình để thay thế cho hoá đơn và hối phiếu của người hưởng thứ hai nhưng không
thực hiện việc này khi được yêu cầu, ngân hàng chuyển nhượng có quyền chuyển cho ngân hàng
phát hành những chứng từ nhận được theo TDT được chuyển nhượng bao gồm cả hoá đơn và
hối phiếu của người hưởng thứ hai mà không chịu trách nhiệm gì đối với người hưởng thứ nhất.
J. Người hưởng thứ nhất có thể yêu cầu thanh toán hay chiết khấu cho người hưởng thứ hai tại
nơi mà TDT chuyển nhượng đến cho đến ngày và kể cả ngày hết hiệu lực của TDT, trừ khi TDT
gốc quy định rõ là TDT không có giá trị thanh toán hay chiết khấu tại một nơi khác với quy định

126
trong TDT. Điều này không có ảnh hưởng đến quyền của người hưởng thứ nhất thay thế hoá đơn
hay hối phiếu của người hưởng thứ hai bằng hoá đơn và hối phiếu của mình và được hưởng
khoản tiền chênh lệch đó.
TDT chuyển nhượng là phương thức thanh toán cho một hợp đồng mua bán hàng qua trung gian.
Trong giao dịch Quốc tế tất cả các lĩnh vực, chuyển nhượng được biểu hiện bằng hai thuật ngữ:
- Assignment: là sự chuyển nhượng ("assign" hoặc "transfer") quyền được hưởng lợi về số tiền,
tài sản... của một người cho một người khác. Thí dụ: chuyển nhượng hối phiếu trong giao dịch
ngân hàng, chuyển nhượng quyền được bồi thường rủi ro trong giao dịch bảo hiểm, quyền được
nhận hàng trong bảo hiểm hàng hoá...Với mục đích của Bản điều lệ này, Assignment là việc
người hưởng chuyển nhượng quyền được hưởng một số tiền mà người đó có thể hay có quyền
được hưởng theo TDT cho người hưởng thứ hai (Assignment sẽ được nói rõ ở điều 49). -
Transfer: là sự dịch chuyển, chuyển nhượng hoặc chuyển giao nói chung. Thí dụ: chuyển tiền
bằng điện (payment by telegraphic transfer) hoặc chuyển giao kỹ thuật (transfer of technology)
hoặc di chuyển rủi ro (transfer of risks)...Với mục đích của Bản Điều lệ, Transfer là sự chuyển
nhượng quyền thực hiện TDT từ người hưởng thứ nhất cho người hưởng thứ hai. Đây chính là
nội dung của Điều khoản 48, Bản điều lệ 500. 1) Định nghĩa TDT chuyển nhượng, TDT
chuyển nhượng được thực hiện trong trường hợp nào?
Một công ty có thị trường tiêu thụ hàng rất lớn, nhưng hiện tại họ không đủ hàng hoặc thậm chí
không có hàng để cung ứng cho người mua. Họ quyết định tìm nguồn hàng đó tại thị trường
trong nước hoặc ở nước ngoài. Sau khi khảo sát thực tế, họ đồng ý trên nguyên tắc với nhà xuất
khẩu là sẽ mua hàng để bán cho nhà nhập khẩu ở nước ngoài trên cơ sở TDT chuyển nhượng.
Nếu đạt được hợp đồng như vậy, công ty này ký với người mua nước ngoài Hợp đồng thương
mại với Điều khoản thanh toán bằng TDT chuyển nhượng.
Như vậy, công ty thương mại trên đã trở thành một trung gian của giao dịch mua và bán hàng mà
không cần vốn. Việc chuyển nhượng có thể thực hiện cho người hưởng thứ hai trong hoặc ngoài
nước.
• Người hưởng thứ hai ở trong cùng một nước
Ngân hàng sẽ được yêu cầu chuyển nhượng TDT trực tiếp hoặc qua Ngân hàng thứ ba cho người
hưởng thứ hai. Do vậy, việc xuất trình chứng từ cũng có thể trực tiếp cho ngân hàng chuyển
nhượng hoặc cho ngân hàng của người hưởng thứ hai.
• Người hưởng thứ hai ở nước ngoài:
Ngân hàng được yêu cầu chuyển nhượng (thường là ngân hàng thông báo) chuyển nhượng TDT
cho người hưởng thứ hai qua ngân hàng đại lý nước ngoài. Ngân hàng này thông báo việc
chuyển nhượng TDT đó cho khách hàng của mình. Việc xuất trình chứng từ đương nhiên phải
qua các ngân hàng thông báo đó vì người hưởng thứ hai ở một quốc gia khác không thể trực tiếp
xuất trình cho ngân hàng chuyển nhượng.
TDT chuyển nhượng ghi rõ ngân hàng được uỷ quyền chiết khấu (ngân hàng được chỉ định) thì
người hưởng thứ nhất sẽ yêu cầu ngân hàng này chuyển nhượng. Ngược lại, nếu TDT có giá trị
tại bất cứ ngân hàng nào (available at any bank/tree negotiation) thì ngân hàng phát hành phải
ghi rõ tên ngân hàng chuyển nhượng. Đây là một khác biệt giữa uỷ quyền chuyển nhượng với uỷ
quyền chiết khấu/ thanh toán chứng từ nêu ở Điều 10(b), theo đó bất cứ ngân hàng nào cũng là
ngân hàng được chỉ định (nominated bank) nếu TDT không giới hạn ngân hàng chiết khấu
(unrestricted negotiation).
TDT cần thiết phải ghi rõ ngân hàng được phép chuyển nhượng và chỉ ngân hàng đó được quyền
mà thôi. Về vấn đề này, quan điểm của Phòng Thương mại các quốc gia là " tránh nhiều lần
127
chuyển nhượng của cùng một TDT và do vậy nhiều lần chiết khấu của cùng một bộ chứng từ
" (The NCs considered it prudent to require on whom can act as a Transfering Bank to prevent
transfers, resulting in negotiations and multiple, nogotiations against the same set of documents –
ICC. Doc. Pub. No.511,page 125).
TDT có thể được chuyển nhượng một phần hay toàn bộ giá trị, tuỷ theo từng thương vụ. Có
những trường hợp 2,3 nhà xuất khẩu cùng cung ứng một lô hàng cho một khách hành và theo đó
TDT được chuyển nhượng cho từng khách hàng theo số lượng và giá trị đã thoả thuận. Có thể
người bán không đủ hàng giao phải chuyển nhượng phần còn lại cho một hoặc nhiều người thứ
hai. Trong thực tế, ta thường gặp vụ mua bán " tay ba", theo đó TDT được người tiêu thụ mở cho
người trung gian (middleman) với chức năng môi giới, hưởng hoa hồng. Do vậy, người trung
gian chuyển nhượng toàn bộ trị giá TDT cho người cung ứng hàng hoá.
Điều 54 (b), Bản điều lệ 400 không nêu một giải pháp dứt khoát cho việc sử dụng các từ "có thể
chia nhỏ" (divisible) "có thể chia nhiều phần" (tractional), "có thể chuyển" (transmissible)...Do
vậy, một số TDT vẫn dùng các từ không rõ ràng, không phản ánh đúng tinh thần của chuyển
nhượng. Điều 48 (b) khẳng định các thuật ngữ trên không được dùng để thay thế cho từ
CHUYỂN NHƯỢNG (transferable). Ngược lại, chúng sẽ được coi là không có giá trị thực hiện
(if such terms are used they shall be disregarded).
2) Quyền yêu cầu và quyền chuyển nhượng thuộc về hai phía khác nhau Người hưởng sau
khi nhận được TDT sẽ làm thủ tục yêu cầu chuyển nhượng cho phía thứ ba. Đó là quyền của
người hưởng. Đổi lại, ngân hàng có quyền từ chối chuyển nhượng nếu nó không muốn.
Ngân hàng thực ra không có trách nhiệm gì về hệ quả phát sinh do hành động chuyển nhượng
của mình vì đơn giản nó chỉ là ngân hàng được chỉ định. Ngân hàng này không bị ràng buộc về
việc thanh toán,chấp nhận Ngân hàng hay chiết khấu chứng từ của người hưởng thứ hai xuất
trình tại nó. Do vậy, trong các thông báo chuyển nhượng, ngân hàng chuyển nhượng nói rõ vị trí
của mình: "theo lệnh của...và không cam kết gì về phía chúng tôi, chúng tôi chuyển nhượng TDT
này số..." (by order .. of..and without any engagement from our part, we hereby transfer the
Letter of Credit No...) Tuy vậy, các ngân hàng được yêu cầu chuyển nhượng vẫn được quyền từ
chối chuyển nhượng. Tại sao và trong trường hợp nào ngân hàng được yêu cầu lại từ chối chuyển
nhượng?
Về trách nhiệm và nghĩa vụ (liability and responsibility) được miễn trách nhưng thực tế giao dịch
sẽ có những phát sinh phức tạp mà ngân hàng chuyển nhượng có thể liên quan trong lúc mức phí
chuyển nhượng lại rất thấp. Hơn nữa ngân hàng phải xem xét tính chất của vụ chuyển nhượng về
mặt pháp lý: luật quản lý ngoại hối, quy chế của địa phương..
Nội dung của TDT phải được kiểm tra ký các điều khoản, Điều kiện nhằm bảo đảm việc chuyển
nhượng có giá trị thực hiện. TDT có những điều kiện bất hợp lý, không logic hoặc gây khó khăn
cho việc thực hiện thì ngân hàng không sắn sàng chuyển nhượng hoặc chỉ chuyển nhượng khi
TDT đã được sửa đổi. Thí dụ, TDT với điều kiện giao hàng C&F nhưng người hưởng yêu cầu
chuyển nhượng với Điều kiện FOB. Tài liệu ICC số xuất bản số 489, nêu trường hợp ngân hàng
được yêu cầu đã từ chối chuyển nhượng chỉ vì TDT với Điều khoản thanh toán 90% trả ngay,
10% còn lại theo yêu cầu của người mở TDT.
Trong thực tế giao dịch, nói chung các ngân hàng đều sẵn sàng chuyển nhượng TDT vì đây là
dịch vụ và là nghiệp vụ của ngân hàng thương mại đối với khách hàng.
3) Người chuyển nhượng phải nói rõ ý định của nình về các sửa đổi TDT.

128
Khi yêu cầu chuyển nhượng, người hưởng thứ nhất phải nói rõ ý định của mình đối với ngân
hàng chuyển nhượng thông báo các sửa đổi của TDT cho người hưởng thứ hai. Quyết định này là
không thể huỷ ngang và phải được ngân hàng chuyển nhượng ghi rõ trong thông báo của mình.
Đây là phần bổ sung liên quan đến vấn đề ai yêu cầu sửa đổi TDT và trên cơ sở nào? WG xem
xét tính chất thường xuyên của việc yêu cầu sửa đổi TDT, đã quyết định nêu rõ vấn đề này bằng
quy tắc.
Việc sửa đổi TDT như đã phân tích ở điều 11, được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa người
mở và người hưởng TDT . Nhưng với TDT chuyển nhượng có hai người hưởng liên quan. Trong
thức tế, người hưởng thứ hai không thể yêu cầu trực tiếp người mở sửa đổi TDT mà phải thương
lượng với người hưởng thứ nhất. Trường hợp này sửa đổi sẽ được thông báo cho người hưởng
thứ hai. Đó là các sửa đổi liên quan phẩm chất quy cách hàng hoá, đóng gói, ký mà hiệu, thời
gian giao hàng...Nhưng có thể người mở và người hưởng thứ nhất thoả thuận điều chỉnh tăng
hoặc giảm giá và số tiền ở mức nhất định do biến động của thị trường, hoặc Điều khoản thanh
toán của TDT gốc, hoặc điều khoản đặc biệt giữa hai phía được sửa đổi mà không liên quan và
ảnh hưởng đến nghĩa vụ và quyền lợi của người hưởng thứ hai. Những sửa đổi như vậy không
cần phải thông báo cho người cung cấp hàng hoá.
Chúng ta phải phân biệt quyền cho phép hay từ chối việc thông báo sửa đổi TDT cho người
hưởng thứ hai trong nhiều trường hợp khác nhau của người hưởng thứ nhất.
- Quyền lưu giữ sửa đổi TDT (with retainment of right on amendments). Người hưởng thứ nhất
có thể giữ lại hoặc chuyển giao sửa đổi TDT cho người hưởng thứ hai. Ngân hàng chuyển
nhượng chỉ thông báo sửa đổi đó cho người được chuyển nhượng khi có yêu cầu. - Quyền
chuyển giao một phần sửa đổi TDT (with partial waives of right on amendments). Trường hợp
này ngân hàng sẽ được phép thông báo tất cả các sửa đổi của TDT chuyển nhượng cho người
hưởng thứ hai trừ sửa đổi (1) tăng tiền và/ hoặc (2) kéo dài hiệu lực (hoặc một trong hai điều
kiện đó phải được chấp thuận của người hưởng thứ nhất). - Quyền được thông báo tất cả các sửa
đổi TDT cho người hưởng thứ hai (with waives of right on amendments). Với trường hợp này,
người hưởng thứ nhất nêu rõ trong yêu cầu chuyển nhượng là tất cả sửa đổi theo TDT chuyển
nhượng bất kể liên quan đến số tiền ngày hiệu lực đều được thông báo cho người hưởng thứ hai.
Đây là trường hợp người hưởng thứ nhất chuyển nhượng TDT không vì mục đích lợi nhuận mà
vì không có hàng cung cấp. Người hưởng thứ hai (chủ hàng) sau khi nhận được TDT chuyển
nhượng có ghi rõ quyền quyết định thông báo hay từ chối như trên thì phải hiểu được tình thế
của mình là người được hưởng lợi thực sự của bộ chứng từ giao hàng nhận thức được những rủi
ro có thể trong phương thức buôn bán tay ba để quyết định từ chối hay chấp thuận điều khoản
như vậy.
4) Mối liên quan với ngững người hưởng thứ hai với các sửa đổi bị từ chối. TDT có thể được
chuyển nhượng cho nhiều chủ hàng (nhiều người hưởng thứ hai) Khi sửa đổi TDT được thông
báo cho họ theo điều 9 (d), người hưởng thứ hai có thể chấp nhận hay từ chối sửa đổi. Việc từ
chối của một hoặc nhiều người hưởng không làm ảnh hưởng đến việc chấp nhận của một hoăc
nhiều người hưởng khác.
Trong thực tế có những sửa đổi chỉ phù hợp với một hoặc nhiều người hưởng thứ hai, các chủ
hàng còn lại không có nhu cầu sửa đổi như vậy, hoặc không thể xuất trình chứng từ theo sửa đổi
đó. Thí dụ sửa đổi yêu cầu chứng nhận xuất xứ phải có xác nhận của tổng lãnh sự nước người
mua.
Ở đây WG muốn nêu bật một ý nghĩa là mỗi khi người hưởng chuyển quyền thực hiện TDT cho
phía thứ ba thì người được chuyển nhượng sẽ toàn quyền thực hiện đúng các điều khoản và điều

129
kiện của TDT gốc và được áp dụng điều 9 (d) để chấp nhận hay từ chối những sửa đổi tiếp theo.
Mỗi chủ hàng được quyền chuyển nhượng TDT trong giới hạn trợ giá có nghĩa vụ và quyền lợi
độc lập với nhau trong cùng một TDT. Việc từ chối TDT của người hưởng này không ảnh hưởng
tới việc chấp nhận của người khác và ngược lại.
Vấn đề sửa đổi TDT chuyển nhượng nhiều phần được tranh luận giữa các thành viên của hội
đồng ngân hàng và các phòng thương mại quốc gia trong mấy năm qua. Cuối cùng WG quyết
định bổ sung điều 48 (e) Nhằm đảm bảo quyền lợi của người chuyển nhượng. Tuy nhiên để cân
bằng ý kiến giữa các thành viên của mình, WG đưa ra gợi ý có tính thực tiễn là "Nếu ngân hàng
phát hành và ngân hàng xác nhận, néu có không cho phép việc chấp nhận hay từ chối riêng lẻ của
từng người hưởng thứ hai đối với các sửa đổi thì họ phải quy định rõ trong TDT là mọi sửa đổi
phải được tất cả người hưởng thứ hai thực hiện.
Điểm F của điều khoản này cơ bản vẫn giữ nguyên điều 54 (d) bản điều lệ 400, dựa trên nguyên
tắc của điều 18 (c): người yêu cầu dịch vụ là người trả tất cả khoản chi phí phát sinh. Do vậy
ngân hàng chỉ chuyển nhượng TDT khi các phí đó đã được trả hoặc có thoả thuận riêng giữa hai
bên.
5) Sự khác biệt về chuyển nhượng và hoàn trả TDT. Trong thực tế đã xảy ra những trường
hợp người được chuyển nhượng không thể thực hiện TDT và yêu cầu hoàn trả TDT cho người
chuyển nhượng. Người hưởng thứ nhất yêu cầu ngân hàng chuyển nhượng TDT đó cho một
người hưởng khác. Tài liệu ICC số xuất bản 489, đưa ra trường hợp trên cùng với các ý kiến của
các chuyên gia ngân hàng. Dựa vào thực tế đó WG quyết định đưa thêm định nghĩa về chuyển
nhượng lại. Với trường hợp nêu trên đây Tài liệu ICC số 489 phân tích:
Người hưởng thứ hai vì không thực hiện được TDT yêu cầu ngân hàng hoàn trả cho người thứ
nhất. Rốt cuộc không có hành động chuyển nhượng xảy ra, sau khi ngân hàng hoàn trả lại TDT
cho người hưởng thứ nhất. Ngân hàng có thể chuyển nhượng lại TDT đó. Theo yêu cầu của
người hưởng thứ nhất cho người hưởng thứ hai khác. Đây được coi là lần chuyển nhượng thứ
nhất. Tài liệu ICC số xuất bản 511 cũng nêu rõ điều 48(g) vẫn cấm người hưởng thứ hai chuyển
nhượng TDT cho người hưởng thứ ba như quy định tại điều 54 (e) bản điều lệ 400 nhưng nói
thêm là người hưởng thứ hai nêu không chấp nhận TDT chuyển nhượng và thông báo cho ngân
hàng chuyển nhượng thì người hưởng thứ nhất sẽ sử dụng lại tự động và lập tức quyền chuyển
nhượng đó. Việc chuyển nhượng như vậy không coi là không được phép.
6) TDT được chia nhiều phần và chuyển nhượng nhiều lần. Nếu TDT chuyển nhượng được
phép giao hàng nhiều lần người hưởng thứ nhất có quyền chuyển nhượng từng phần cho từng
phía thứ ba riêng biệt theo tiến độ giao hàng với điều kiện tổng trị giá của các lần chuyển nhượng
đó không vượt số tiền của TDT. Nguyên tắc này cơ bản vẫn giữ nguyên quy định của điều 54 (e)
bản điều lệ cũ nhưng được viết lại rõ ràng và logic hơn.
Thí dụ:
TDT chuyển nhượng trị giá 300.000 - giao hàng nhiều lần. Người hưởng A căn cứ hợp đồng và
tiến độ giao hàng chuyển nhượng lần đầu cho chủ hàng B số tiền USD 100.000- Sau đó chuyển
nhượng hai lần cho chủ hàng B hoặc chủ hàng C số tiền là USD 50.000 và tiếp tục theo tiến độ
giao hàng chuyển nhượng cho hết giá trị của TDT trong thời hạn cho phép.
Việc chuyển nhượng như vậy được coi là chuyển nhượng một lần theo đúng điều khoản 48(g),
bản điều lệ 500.
7) Những sửa đổi TDT trước khi được chuyển nhượng. Điểm H của điều khoản này được viết
lại rõ ràng, cụ thể nhằm giúp người đọc nắm bắt dễ dàng nguyên tắc và thủ tục quan trọng trong
nghiệp vụ chuyển nhượng TDT.

130
Lợi nhuận của người trung gian qua thương vụ mua bán tay ba là khoản chêng lệch của hợp đồng
thứ nhất và hợp đồng thứ hai. TDT được người mở dựa trên hợp đồng thứ nhất, được chuyển
nhượng cho người cung cấp với giá thấp hơn hợp đồng thứ hai. Hàng hoá được người cung cấp
chuyển thẳng đến người mở TDT, chứng từ được xuất trình qua ngân hàng chuyển nhượng. Để
đảm bảo các nguyên tắc này tất cả các 2, ngoại trừ một hoặc tất cả các điểm sau được người
hưởng thứ nhất "chế biến" trước khi chuyển nhượng:
- Số tiền được giảm xuống theo trị giá hợp đồng thứ hai. - Đơn giá hàng (nếu có) cũng được
giảm tương đương với số tiền. - Ngày hết hiệu lực: có thể được giữ nguyên hoặc rút ngắn so với
ngày hiệu lực của TDT gốc - Ngày xuất trình cuối cùng: có thể được giữ nguyên hoặc xuống
tương ứng với thời hạn hiệu lực, tuỳ từng trường hợp. Thí dụ: Hai TDT với 2 điều kiện khác
nhauđược phát hành cho khách hàng Hongkong:
• Thời hạn hiệu lực đến 31/3 tại Hong kong, xuất trình chứng từ tại ngân hàng chuyển
nhượng trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao hàng.
• Thời hạn hiệu lực đến 31/3 tại ngân hàng phát hành, xuất trình chứng từ tại ngân hàng
phát hành trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao hàng.
Hai TDT được chuyển nhượng cho khách hàng tại Việt Nam.
Trường hợp thứ nhất, thời hạn hiệu lực có thể được giữ nguyên tắc rút ngắn. Như vậy, người
hưởng thứ hai phải tính đến thời gian gửi chứng từ cho ngân hàng tại Việt Nam đến ngân hàng
chuyển nhượng sao cho không trễ hạn.
Trường hợp thứ hai, trước khi chuyển nhượng, TDT được rút ngắn hai thời hạn nói trên, sao cho
việc xuất trình chứng từ tại ngân hàng Việt Nam, gửi đền ngân hàng chuyển nhượng, thay thế
hoá đơn, hối phiếu (Nếu có) và gửi tiếp đến ngân hàng phát hành trước ngày 31/3. Đồng thời từ
ngày giao hàng đến khi chứng từ đến ngân hàng phát hành không quá 15 ngày.
- Thời gian giao hàng: Nói chung thời gian giao hàng trong TDT được chuyển nhượng không
thay đổi so với TDT gốc, vì hàng được chủ hàng giao thẳng đến người mở TDT.Tuy nhiên trong
thực tế hàng được gửi cho người hưởng thứ nhất. Từ đây hàng sẽ được chuyển giao cho người
mở theo quy định của TDT. Trường hợp này thời gian giao hàng phải rút ngắn sao cho người
hưởng thứ nhất nhận hàng và giao hàng cho người mở đúng thời gian quy định. - Tỷ lệ bảo hiểm:
Phần lớn các TDT được chuyển nhượng theo giá CIF, người hưởng thứ nhất mua bảo hiểm để
bảo đảm cho trị giá hàng hoá ghi trên hoá đơn được dùng thay thế hoá đơn của người hưởng thứ
hai. Nếu người hưởng thứ hai mua bảo hiểm thì thì số tiền được bảo hiểm thấp hơn số tiền được
ngân hàng thanh toán. Như vậy, chứng từ sẽ bất hợp lệ. Nhưng nếu việc đó xảy ra thì người
hưởng thứ nhất phải bổ sung chứng từ bảo hiểm cho phần chênh lệch giá trị nhằm bảo đảm yêu
cầu về điều khoản bảo hiểm của TDT gốc. Như vậy sẽ có hai chứng từ bảo hiểm do hai công ty
bảo hiểm cấp cho một lô hàng xuất trình để thanh toán tại ngân hàng phát hành. Điều này được
chấp thuận hay không là do thương lượng giữa người mở TDT và người hưởng thứ nhất để dưa
vào điều khoản của TDT. Trường hợp này rất ít gặp trong TDT chuyển nhượng.
8) Tên của người hưởng thứ nhất hay tên của người mở TDT được ghi trên chứng từ
Về nguyên tắc người hưởng thứ hai khi lập chứng từ sẽ ghi tên người mua tức là người mở TDT .
Tuy nhiên người chuyển nhượng có thể yêu cầu người hưởng thứ hai ghi tên của mình vào các
chứng từ đó như là người mở TDT. Người hưởng thứ hai phân vân là liệu việc hay đổi tên người
trả tiền như vậy có vi phạm nguyên tắc lập chứng từ của TDT chuyển nhượng, hoặc có làm thay
đổi nghĩa vụ của người mở hoặc có làm ảnh hưởng đến việc thanh toán?
Điều khoản 48(h) đảm bảo cho việc thay đổi tên như vậy trên các chứng từ nhằm tạo thuận lợi
cho người hưởng thứ nhất nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người hưởng thứ hai. Tuy
131
vậy mỗi khi người mở quy định rõ trong TDT là tên của mình phải được thể hiện trên các chứng
từ thì người hưởng thứ nhất không được yêu cầu thay thế như vậy. Ngược lại tất nhiên chứng từ
sẽ bị từ chối. Thực ra hoá đơn không được người hưởng quan tâm vì chúng sẽ bị thay thế tại
ngân hàng chuyển nhượng.
9) Quyền lợi của người chuyển nhượng TDT. Là người trung gian trong giao dịch mua bán tay
3 người hưởng thứ nhất có quyền hưởng trọn số tiền chênh lệch giữa "mua rẻ, bán mắc" bằng
cách thay thế hoá đơn và hối phiếu của mình để được thanh toán số tiền đúng theo quy định của
TDT gốc. Tuy nhiên trong thực tế không phải bất kỳ TDT chuyển nhượng đều có sự thay đổi hối
phiếu, hoá đơn như vậy. Nếu người hưởng thứ nhất vì lý do không có/ thiếu hàng hoá, họ có thể
chuyển nhượng TDT cho phía thứ 3. Đây là lý do năng lực thực hiện chứ không phải lý do lợi
nhuận nên TDT này sẽ không có sự thay đổi hoá đơn, hối phiếu. Người hưởng thứ hai được trọn
quyền giao hàng và sử dụng số tiền ghi trong TDT chuyển nhượng.
Việc thay thế các chứng từ trên phải được thực hiện ngay khi nhận được yêu cầu của ngân hàng
chuyển nhượng. Quy định này nhằm tránh sự chậm trễ về phía người hưởng thứ nhất có thể kéo
dài các thủ tục ngân hàng sau đó. Chứng từ chỉ được phép lưu lại ngân hàng chuyển nhượng một
thời gian rất ngắn. Ngược lại có thể việc đòi tiền bị chậm trễ, chứng từ đến ngân hàng phát hành
vượt quá thời hạn hiệu lực hoặc quy định tại điều 43, và bị từ chối... Do vậy nhằm đảm bảo
quyền lợ các bên liên quan trong TDT chuyển nhượng, đặc biệt là của người hưởng thứ hai điều
48 (i) cho phép ngân hàng chuyển nhượng chuyển giao toàn bộ chứng từ nhận từ người hưởng
thứ hai cho ngân hàng phát hành nếu người hưởng thứ nhất không đáp ứng yêu cầu về thời gian
trong việc thay thế hối phiếu và hoá đơn. Đây là điều người chuyển nhượng cần lưu ý khi lập
chứng từ thay thế.
10) Chiết khấu chứng từ của TDT chuyển nhượng. TDT chuyển nhượng có những điều kiện
bất lợi cho người hưởng thứ hai (sẽ nói ở phần sau) do vậy việc chiết khấu thường bị ngân hàng
từ chối. Bất kể thực tiễn đó người hưởng thứ nhất muốn tạo thuân lợi cho chủ hàng bằng cách
ghi thêm yêu cầu của mình trong chỉ thị chuyển nhượng là chứng từ có thể được chiết khấu tại
ngân hàng của người hưởng thứ hai (ngân hàng chuyển chứng từ). Tuy nhiên nếu TDT gốc
không cho phép như vậy mà lại quy định cu thể chiết khấu tại ngân hàng chuyển nhượng hoặc
thanh toán tại ngân hàng phát hành thì yêu cầu của người hưởng thứ nhất không được ngân hàng
chấp nhận. Việc chiết khấu hay thanh toán của bất ký ngân hàng nào đối với bộ chứng từ đều
không ảnh hưởng đến quyền được hưởng khoản tiền chênh lệch nói trên của người hưởng thứ
nhất.
11) Những bất lợi đối với nhà xuất khẩu khi bán hàng qua trung gian. Ngoại trừ những lợi
thế có được nhà xuất khẩu phải đương đầu với những rủi ro rất có thể xảy ra trong việc thanh
toán chứng từ theo TDT chuyển nhượng.
Hợp đồng bán hàng ký với một đối tác (trung gian) lại không phải là người chịu trách nhiệm
thanh toán mà hoàn toàn phụ thuộc vào người nhận hàng (người mở TDT) Làm thế nào mà nhà
xuất khẩu biết được người mở TDT thiện chí hoặc là doanh nghiệp có tầm cỡ. Rất có thể chứng
từ bị từ chối khi có một lỗi rất nhỏ. Nếu hàng xuống giá trên thị trường khả năng tiêu thụ khó
khăn hoặc người mở TDT có dấu hiệu thua lỗ... mặc dù chủ hàng đã thực thi đầy đủ nghĩa vụ
trong hợp đồng. Nhà xuất khẩu không thể khiếu nại hoặc kiện người ký hợp đồng hoặc ngân
hàng chuyển nhượng vì họ làm đúng theo quy định của TDT và bản điều lệ 500. Người trung
gian sẽ kiện người mở TDT và ngân hàng phát hành TDT? Điều này còn phụ thuộc vào thiện chí
của người trung gian và kết quả đạt được còn phụ truộc vào rất nhiều yếu tố. Trước mắt nhà xuất
khẩu sẽ bị thiệt hại.

132
Về mặt thủ tục thanh toán, người hưởng thứ hai không thể chủ động hoàn toàn mà con tuỳ thuộc
hành động của phía người hưởng thứ nhất và ngân hàng chuyển nhượng.
Mặc dù nhà xuất khẩu hoàn chỉnh tuyệt đối bộ chứng từ giao hàng nhưng chỉ theo quy định của
TDT được chuyển nhượng mà thôi. Làm sao mà nhà xuất khẩu biết được nội dung của TDT
được chuyển nhượng và TDT gốc đều như nhau khi mà người hưởng thứ nhất có quyền không
thông báo các sửa đổi TDT cho người hưởng thứ hai? Do vậy bộ chứng từ xuất trình theo TDT
chuyển nhượng là hoàn hảo chưa hẳn phù hợp hoàn toàn với các điều khoản, điều kiện của TDT
gốc. Hơn nữa hoá đơn, hối phiếu của người hưởng thứ nhất lập để thay thế không hoàn chỉnh sẽ
bị ngân hàng từ chối. đó là chưa kể bộ chứng từ được lưu giữ tại ngân hàng chuyển nhượng bao
lâu và thời gian đó có ảnh hưởng tới thời gian xuất trình tại ngân hàng phát hành theo quy định
của TDT và điều 41 hay không?
Tất cả những vấn đề trên đều ngoài tầm kiểm soát của người hưởng thứ hai. Mọi lỗi lầm thiếu
thận trọng của người trung gian sẽ là hậu quả mà nhà xuất khẩu phải gánh chịu. Trong lúc đó
người trung gian thiệt hại không đáng kể hoặc đôi khi vô hại mặc dù họ chịu trách nhiệm đối với
thị trường tiêu thụ hàng hoá. Với những rủi ro như vậy các ngân hàng sẽ từ chối chiết khấu
chứng từ. Điều này gây khó khăn về vốn cho nhà xuất khẩu nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
12) TDT chuyển nhượng theo cách hiểu của ngân hàng. Ngoại trừ ngân hàng phát hành hoặc
ngân hàng xác nhận (Nếu có) mà nghĩa vụ không bị điều chỉnh, các ngân hàng khác (ngân hàng
chuyển nhượng, ngân hàng chiết khấu) đều bị ảnh hưởng về mặt trách nhiệm.
Điều 48 không hề đề cập đến trách nhiệm của ngân hàng chuyển nhượng do đó ta phải hiểu là
ngân hàng hết nghĩa vụ khi đã chuyển nhượng TDT theo yêu cầu của người hưởng thứ nhất. Tuy
nhiên để rõ ràng hơn bao giờ ngân hàng cũng ghi cụ thể "chúng tôi chuyển nhượng TDT dưới
đây theo yêu cầu của công ty A mà không chịu nghĩa vụ và trách nhiệm gì"
Điều khoản thanh toán ngân hàng sẽ ghi rõ " chứng từ sẽ được nhận và chuyển tiếp cho ngân
hàng phát hành. Sau khi nhận được tiền thanh toán chúng tôi sẽ hoàn trả các ông" Tuy nhiên Nếu
ngân hàng chuyển nhượng xác nhận TDT đó thì họ phải thanh toán sau khi nhận được bộ chứng
từ hợp lệ.
Ngân hàng chuyển nhượng thường không chiết khấu bộ chứng từ mà chỉ chuyển tiền khi được
ngân hàng phát hành thanh toán. Tài liệu ICC số xuất bản 489 dẫn chiếu trường hợp ngân hàng
chuyển nhượng từ chối chiết khấu. ICC khẳng định: "một ngân hàng chuyển nhượng mà không
xác nhận TDT không có nghĩa vụ chiết khấu chứng từ" Ngân hàng đó không bị buộc phải chiết
khấu bởi chỉ đơn giản nó chỉ là ngân hàng được chỉ định.
Còn ngân hàng của người hưởng thứ hai? Nếu TDT được chuyển nhượng cho người hưởng thứ
hai tại nước thứ ba thì sẽ có ngân hàng chuyển chứng từ của nhà xuất khẩu. Với ngững rủi ro có
thể xảy ra trong việc thanh toán chứng từ theo TDT chuyển nhượng theo phân tích trên đây thì
ngân hàng này hoàn toàn hiểu được tình thế của họ và từ chối chiết khấu.. Việc chiết khấu của
TDT chuyển nhượng chủ yếu tuỳ thuộc mối quan hệ của ngân hàng với khách hàng (người
hưởng). Yếu tố ngân hàng phát hành với người mở TDT chỉ là thứ yếu.
13) Sự khác biệt giữa TDT chuyển nhượng với TDT giáp lưng. Về bản chất và đứng trên góc
độ thương mại mà nói, 2 loại TDT chuyển nhượng và TDT giáp lưng đều là phương thức thanh
toán cho thương vụ mua bán hàng qua trung gian. Nhưng về phương diện ngân hàng 2 giao dịch
hoàn toàn khác nhau.
Trong TDT giáp lưng, người hưởng tức là người trung gian căn cứ váo TDT nhận được yêu cầu
ngân hàng của mình phát hành TDT thứ 2 cho người cung cấp hàng hoá. TDT thứ tư gọi là TDT
gốc TDT sau gọi là TDT giáp lưng. Điều khác biệt cơ bản và quan trọng nhất so với nghiệp vụ

133
chuyển nhượng là ngân hàng phát hành TDT giáp lưng hoàn toàn chịu trách nhiệm thanh toán
chứng từ hợp lệ xuất trình theo TDT của mình. Nói cách khác nghĩa vụ và trách nhiệm của 2
ngân hàng phát hành hai TDT hoàn toàn độc lập nhau. Do vậy người cung cấp hàng hoá tức là
người hưởng TDT giáp lưng hoàn toàn yên tâm về mặt thanh toán. Người mở TDT gốc trở thành
người mở TDT giáp lưng nên họ phải thực hiện nghiêm ngặt về mặt ký quỹ, thế chấp của ngân
hàng.
Về nguyên tắc TDT gốc sẽ là vật thế chấp, hoặc sự bảo đảm cho việc thanh toán TDT giáp lưng.
Trách nhiệm phải trả nợ theo TDT giáp lưng cũng chính là quyền được đòi tiền theo TDT gốc.
Nếu hàng không giao tức là việc thanh toán cả hai TDT đều không phát sinh. Tuy nhiên do việc
thanh toán cho chủ hàng được thực hiện trước, ngân hàng phát hành TDT giáp lưng phải tài trợ
cho người mở trong thời gian chưa được ngân hàng phát hành TDT gốc thanh toán. Sẽ có rủi ro
nếu ngân hàng phát hành từ chối CT do bất hợp lệ, hay do bất cứ nguyên nhân nào. Do vậy trong
thực tế không phải ngân hàng nào cũng coi TDT gốc là rất bảo đảm để phát hành TDT giáp lưng.
Thủ tục bảo đảm thanh toán như thế tuỳ thuộc mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng và tuỳ
từng tình huống cụ thể.
TDT giáp lưng mở trên cở sở điều chỉnh, thay thế một số điều khoản của TDT như nguyên tắc
chuyển nhượng TDT: số hàng đơn giá, ngày giao hàng hiệu lực nơi giao hàng... chứng từ giao
hàng thường dẫn chiếu số tham chiếu TDT gốc nhằm tạo thuận lợi cho người mở TDT gốc nhận
hàng và tra cứu. Đôi khi người trung gian yêu cầu chủ hàng không ghi bất cứ một số liệu hay dẫn
chiếu hay tên ngân hàng của TDT giáp lưng vào chứng từ hàng hoá nhằm đảm bảo bí mật thông
tin về thị trường cung ứng. Sau khi thanh toán cho người hưởng người mở TDT giáp lưng dùng
bộ chứng từ đó thay thế những chứng từ cần thiết (tương tự nghiệp vụ của TDT chuyển nhượng)
xuất trình đòi tiền ngân hàng phát hành TDT gốc.
Trong nghiệp vụ TDT giáp lưng cái lợi của nhà cung cấp hàng hoá chính là cái bất lợi của nhà
trung gian, ngược lại với TDT chuyển nhượng. Do vậy người trung gian luôn muốn thực hiện
TDT chuyển nhượng và ngược lại nhà xuất khẩu lại muốn bảo đảm thanh toán bằng TDT giáp
lưng. Quyết định lựa chọn TDT nào là tuỳ thuộc sự thương lượng giữa 2 bên và tình huống cụ
thể. Nhưng đối với nhà xuất khẩu nếu nhượng bộ thì nên yêu cầu TDT chuyển nhượng phải được
ngân hàng chuyển nhượng xác nhận.
Trong thực tế có những TDT mặc dù được phép chuyển nhượng nhưng không đáp ứng được yêu
cầu chuyển nhượng về thương mại theo điều 48 này. Người hưởng không thể bảo đảm cung cấp
hàng phải mua từ phía thứ mà khách hàng lại không chấp nhận TDT chuyển nhượng. Tình thế đó
buộc người hưởng phải mở TDT giáp lưng. Điều lưu ý là mặc dù được gọi là TDT giáp lưng
nhưng TDT sẽ không có tiêu đề như vậy "giáp lưng" được hiểu trên tổng thể của một giao dịch
thương mại mua bán trung gian bằng 2 TDT khác nhau.
14) TDT đối ứng. Đây là TDT không được ICC đưa vào danh mục của các loại hình tín dụng
bởi những nét đặc thù của nó. TDT loại này, chỉ tồn tại trong quan hệ thương mại giữa 2 khách
hàng có mối quan hệ đặc biệt: Công ty mẹ và công ty con, nhà cung cấp nguyên liệu và nhà gia
công ở 2 nước khác nhau. Đúng như tên gọi của nó (đối ứng) nghiệp vụ này luôn tồn tại song
song 2 TDT mà người mở của TDT này là người hưởng của TDT kia.
Điều kiện để thực hiện nghiệp vụ này thông thường: - Chỉ có 2 khách hàng, vừa là người mua,
vừa là người bán của nhau. - Hai NH phát hành cũng là hai NH được chỉ địng (NH chiết kkhấu)
của hai TDT. - TDT thứ nhất (mua sản phẩm) trả ngay, TDT thứ hai (mua NL) trả chậm. Giá trị
TDT thứ nhất bao giờ cũng lớn hơn TDT thứ hai, phần chênh lệch là tiền lãi gia công. - Việc
thanh toán của TDT thứ hai chỉ được thực hiện khi việc TDT thứ nhất đã được thanh toán. Do

134
vậy, NH phát hành TDT thứ hai cam kết chỉ trả tiền cho người hưởng với điều kiện như vậy Đặc
điểm nổi bật của TDT đối ứng là điều khoản thanh toán. TDT được phát hành với điều khoản đặc
biệt:
Việc chấp nhận và thanh toán của TDT nay chỉ có hiệu lực sau khi ngân hàng phát hành nhận
được số tiền theo TDT số... ngày... do... phát hành"
Việc chấp nhận hối phiếu trả chậm cũng phụ thuộc vào điều khoản đặc biệt này.
Điều cơ bản nhất của TDT là sự bảo đảm của ngân hàng phát hành. TDT đối ứng xét về bản chất,
chỉ là "một nửa TDT" do sự cam kết có điều kiện của NH. Đây là lý do tại sao TDT đối ứng chỉ
tồn tại trên thế giới trong giao dịch NH ở những năm 70 về trước. Tuy nhiên tại Việt Nam
phương thức thanh toán này vẫn được thực hiện giữa các nhà cung cấp NL chủ yếu từ Hàn Quốc
để nhận lại sản phẩm xuất khẩu sang Tây Âu từ các xí nghiệp gia công tại Việt Nam các mặt
hàng giày dép, quần áo, túi xách...
Khi đã chấp nhận TDT này nhà cung cấp NL nước ngoài phải chấp nhận những rủi ro có thể
người sản xuất gặp khó khăn ngoài ý muốn (hoả hoạn, đình công...) hoặc thiếu thiện chí (bán sản
phẩm cho khách hàng khác, không sản xuất đúng những mặt hàng của hợp đồng...) Họ không thể
khiếu nại tại ngân hàng phát hành TDT đối ứng Nếu TDT của họ mở không được giao hàng và
dẫn đến việc TDT đối ứng không được thanh toán. Mỗi khi đã chấp nhận giao hàng theo TDT
đối ứng, người hưởng (nhà cung cấp NL) phải hiểu rõ điều khoản thanh toán và những rủi ro có
thể xảy ra TDT là sự bảo đảm thanh toán của ngân hàng phát hành nếu người mở không có khả
năng trả nợ nhưng nó có thể quy định khác với bản điều lệ 500 ở bất cứ điều khoản nào miễn
rằng tất cả các bên liên quan kể cả ngân hàng phát hành đồng ý cũng như việc chấp nhận một sửa
đổi của TDT quy định tại điều 9(IV) của bản điều lệ 500, người hưởng không thể chấp nhận một
phần của TDT đối ứng.
Giải pháp an toàn nhất cho nhà cung cấp NL theo TDT đối ứng là chọn đúng đối tác kinh doanh
hoặc không chấp nhận điều khoản thanh toán của TDT đối ứng. Đối với các ngân hàng lớn và
luôn coi trọng uy tín họ sẽ từ chối phát hành loại TDT "một nửa" như vậy.
Do sự hạn chế về nghĩa vụ của ngân hàng phát hành nên TDT đối ứng ít được người hưởng chấp
nhận và không được ICC thừa nhận là một trong những loại hình tín dụng chứng từ. Do vậy hiện
nay loại TDT nay chỉ tồn tại ở một số nước trên thế giới và ở những thời kỳ nhất định của sự
phát triển kinh tế. Đôi khi nó được phát hành mang tính hình thức vì luật ngoại hối quốc gia buộc
phải thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ. Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam TDT đối
ứng được sử dụng như là phương thức tốt giúp các xí nghiệp gia công hàng xuất khẩu hoạt động
mà không cần vốn tạo thuận lợi cho họ trong quá trình tích luỹ tư bản tiến tới chủ động mua NL
và sản xuất hàng theo ý đồ chiến lược của mình.
G. CHUYỂN NHƯỢNG TIỀN HÀNG XUẤT KHẨU
ĐIỀU 49: CHUYỂN NHƯỢNG TIỀN HÀNG
TDT không chuyển nhượng sẽ không ảnh hưởng đến quyền của người hưởng chuyển nhượng một
khoản tiền mà người hưởng sẽ nhận hay có quyền nhận theo TDT đó phù hợp với những quy
định của luật pháp hiện hành. Điều khoản này chỉ liên quan đến việc chuyển nhượng tiền hàng
xuất khẩu chứ không phải quyền thực hiện TDT.
Điều khoản này chỉ có một khác biệt nhỏ so với điều 55 của bản điều lệ 400. Câu cuối cùng bổ
sung nhằm phân biệt giữa chuyển nhượng tiền hàng xuất khẩu với chuyển nhượng thực hiện
TDT

135
Thực ra điều khoản này tuỳ thuộc vào luật quản lý ngoại hối hoặc quy chế chuyển nhượng tiền
hàng của từng nước. WG chỉ nêu ra quy tắc chung còn việc thực hiện như thế nào thì tuỳ thuộc
vào hoàn cảnh cụ thể.
Chuyển nhượng tiền hàng xuất khẩu được áp dụng trong trường hợp người hưởng mua hàng của
phía thứ 3 để giao theo TDT. Hợp đồng mua bán nội địa sẽ được ký cùng với "yêu cầu chuyển
nhượng không huỷ ngang" để người hưởng xuất trình cho ngân hàng chiết khấu. Điều này sẽ làm
an tâm chủ hàng vì lệnh chuyển nhượng tiền hàng đã được giao nộp ngân hàng và không thể huỷ
bỏ cho đến khi ngân hàng nhận được tiền hàng xuất khẩu. Ở Việt Nam việc xuất khẩu uỷ tác
cũng có thể áp dụng phương thức chuyển nhượng như trên và được luật ngoại hối hiện hành
nước ta cho phép. Điều lưu ý là việc ký yêu cầu chuyển nhượng phải ký đồng thời với hợp đồng
xuất khẩu uỷ thác và không được huỷ ngang và được giao cho ngân hàng chỉ định (ngân hàng
chiết khấu) ngay sau khi ký kết. Thực ra điều này chỉ áp dụng khi mà nhà xuất khẩu chưa được
chủ hàng tin tưởng tuyệt đối. Phần lớn trong các trường hợp xuất khẩu uỷ thác ngân hàng sẽ trả
tiền vào tài khoản người hưởng và căn cứ hợp đồng uỷ thác và lệnh của người hưởng chuyển trả
cho chủ hàng.
Cần phân biệt "chuyển nhượng tiền hàng xuất khẩu" của điều khoản này và "chuyển nhượng
quyền thực hiện TDT" được đề cập ở điều 48, theo đó người được chuyển nhượng toàn quyền
thực hiện TDT và xuất trình chứng từ đòi tiền ngân hàng phát hành theo đúng các điều khoản của
TDT và phù hợp với Bản Điều lệ 500.

136
THAY LỜI KẾT LUẬN
Chúng ta đã đi qua 49 điều khoản của điều lệ và thực hành thống nhất TDCT, bản sửa đổi 1993
số xuất bản 500 của phòng thương mại quốc tế. Điều cốt lõi của vấn đề là hiểu rõ bản chất của
các quy tắc để áp dụng chính xác hợp lý vào giao dịch TDT. Có như vậy ta mới giảm đến mức
thấp nhất những rủi ro hạn chế những trục trặc nảy sinh trong kỹ thuật nghiệp vụ nhằm đạt được
lợi nhuận tối đa có thể.
Tuy nhiên bản điều lệ chỉ dành cho những đối tác chân thực, lành mạnh luôn đề cao chữ tín, nó
sẽ chẳng có nghĩa lý gì thậm chí còn bị lợi dụng đối với những cá nhân thiếu đạo đức, những
doanh nghiệp tồi, những tổ chức Mafia nhằm thực hiện những vụ lừa đảo quốc tế.
Năm 1974 Xomali mua 10.000 tấn đường bằng phương pháp đấu thầu, do sai lầm trong việc
nghiên cứu điều tra đối tác nhà nhập khẩu Xomall chọn người cung cấp từ Singapore mà không
biết rằng họ chỉ có nguồn vốn vỏn vẹn 2 Dollar. TDT đựoc mở trị giá USD 6 triệu để thanh toán
số đường trên giao từ Thailand đến Xomall. Tháng 6/1974 bọn lừa đảo xuất trình chứng từ giả tại
ngân hàng chiết khấu và được thanh toán vì chứng từ hoàn toàn phù hợp. Điều khó cho ngân
hàng chiết khấu trong việc kiểm tra chữ ký ủy quyền và mẫu vận đơn là hàng được ghi nhận là
giao tại Thailand nhưng chứng từ lại xuất trình tại Singapore. Cuối cùng người mua Xomali phát
hiện là vận đơn giả mạo vì hàng chỉ được bốc là 687 tấn chứ không phải là 10.000 tấn. Năm
1993 tại Việt Nam vụ lừa đảo quốc tế mà nạn nhân là TEXTIMEX với USD 1,026,000 đổi lấy bộ
chứng từ giả đã và đang là bài học đắt giá cho những doanh nghiệp kể cả các ngân hàng đang
hoạt động tại Việt Nam. Trong vận tải biển không phải là không có những chủ tàu chở hàng
nhưng không giao đúng địa điểm đã ghi trên vận đơn mà chở đến một thị trường khác bán hết
hàng rồi nguỵ trang thay hình đổi dạng con tàu nhằm trốn tránh pháp luật.
Trên thế giới việc giao hàng giả hàng kém chất lượng, hàng không đúng tính năng kỹ thuật.. theo
TDT có tính chất lừa đảo vẫn thường xảy ra. Với những trường hợp này luật pháp của các nước
sẵn sàng can thiệp nhằm bảo vệ lợi ích của công dân mình, nếu được phát hiện kịp thời. Tài liệu
"Documentary Credit Insight" ICC Vol1, No.3 1995 đã đăng vụ đấu giá tài sản theo QĐ của toà
án Haikou (Trung quốc) như sau: ngày 3/6/94 Bank ofchina, chi nhánh Haikou phát hành TDT
trả chậm 90 ngày theo yêu cầu của Hainan Provincial overseas chinese goods & materials crop..,
Haikou, người hưởng là int’l Holding & Financing Co.., Ltd.., Brussels để mua 10.000 tấn thép
xây dựng của Ukraine có hiệu lực đến ngày 15/8/94 tại Brussels ngày 1/8/94 chứng từ hàng hoá
hoàn toàn hợp lệ được gửi đến ngân hàng phát hành sau khi đã xuất trình tại một ngân hàng
Brussels sau đó ngân hàng này đã chiết khấu chứng từ căn cứ vào điện chấp nhận thanh toán vào
ngày đáo hạn (30/11/94) Số tiền USD 2.637.875,04 của ngân hàng phát hành. Theo số liệu ghi
trong VĐ,9689,07 tấn thép được bốc lên tàu... vào ngày13/7/94 tàu đến Haikou vào ngày 7/9/94
và bắt đầu dỡ hàng vào ngày 19/9/94. Trong lúc hàng đang được dỡ người mở TDT khởi kiện tại
toà án hàng hải Haikou và toà đã ra lệnh phong toả toàn bộ hàng hoá, tàu Alycia kể cả việc thanh
toán TDT do chất lượng, số lượng các lô hàng không đúng với số liệu ghi trong VĐ trình tại
ngân hàng việc thẩm định được tiến hành và xác nhận là lô hàng bị thiếu hụt 60,01 tấn. Sau khi
chủ tàu đặt cọc số tiền bảo lãnh con tàu được phóng thích. Ngày 30/9/94 ngân hàng phát hành
thông báo cho ngân hàng chiết khấu việc thanh toán TDT trên đã bị phong toả từ 27/9/94 đến
26/3/95 theo phán quyết của toà hàng hải Haikou. Để có đủ tài liệu cho toà 2 bản của VĐ trên
được chủ tàu xuất trình. Mặc dù số liệu của vận đơn giống nhau nhưng VĐ bản 2 ghi ngày
25/7/94. Rõ ràng là người hưởng TDT đã giả mạo VĐ để xuất trình thanh toán tại ngân hàng. Kết
luận của toà là người hưởng có hành vi lừa đảo và phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại từ
137
phía người mua. Tháng 1/95 toàn bộ hàng hoá được phát mãi theo lệnh của toà án. Ngày 18/4/95
người mua (người mở TDT) được hưởng USD 1,270,000 để bù đắp những thiệt hại và án phí cho
vụ kiện. Số tiền USD468.378,19 được trừ từ khoản thanh toán TDT và phần còn lại được lấy từ
tiền ký quỹ bảo đảm của chủ tàu. Ta không bình luận phán quyết trên là quá đáng và nghiêng về
phía người mua mà chỉ lưu ý khía cạnh là cơ quan pháp luật quốc tế sẵn sàng ra tay để bảo vệ
quyền lợi chính đáng của khách hàng mình khỏi sự lừa đảo quốc tế. Trên cơ sở pháp luật hiện
hành của họ Các doanh nghiệp Việt Nam hãy tỉnh táo và có những biện pháp kịp thời nhằm loại
trừ những rủi ro trong kinh doanh quốc tế.
Thực ra trong mọi lĩnh vực đều có kẻ lừa đảo nhưng lĩnh vực thương mại quốc tế là mảnh đất
màu mỡ cho những con sâu bọ đó. Như ta đã phân tích và bình luận trên đây bản điều lệ 500 chỉ
là các quy ước có tính chất quốc tế mà mỗi ai vào cuộc đều ràng buộc. Nó sẽ là con dao 2 lưỡi
đối với những người không biết cách chơi. Điều quan trọng và cơ bản nhất đối với cả người bán
và người mua là chọn đúng đối tác để kinh doanh. Ngược lại người mua có thể gánh chịu hậu
quả tương đương 2 vụ lừa đảo trên hoặc người bán sẽ bị từ chối thanh toán chỉ một lỗi rất nhỏ
thậm chí sai một chữ cái của một từ trong bộ chứng từ giao hàng. Trong buôn bán hãy chọn con
người trước khi chọn mặt hàng, chất lượng, giá cả.. của người đó. Sẽ là ấu trĩ và sai lầm, nếu ai
tin rằng TDT sẽ là tấm chắn an toàn tuyệt đối cho người bán. TDT sẽ là giấy tờ loại không hơn
không kém nếu ngân hàng phát hành thua lỗ, mất khả năng thanh toán hay phá sản. Trong trường
hợp này người mua có uy tín sẽ sẵn sàng gánh chịu rủi ro trả tiền cho người bán. Ngân hàng chỉ
căn cứ vào chứng từ nhưng chứng từ thì có thể làm giả? Mà chứng từ bẩn thì luôn luôn làm
"sạch"? Đây chính là mặt trái của vấn đề. TDT không hoàn toàn tạo ra một khả năng bảo vệ
quyền lợi của người mau khi người bán là kẻ lừa đảo.
Tuy nhiên TDT bảo vệ cho người bán tránh được những rủi ro những nguyên nhân bất khả
kháng, ngoài ý muốn, hoặc những nguyên nhân không phải lừa đảo... từ phía đối tác. Đây là tính
ưu việt của TDT so với các phương thức thanh toán nhờ thu, chuyển tiền...
TDT sẽ là những thanh toán thuận tiện và an toàn nhất đối với những ai hiểu rõ bản chất của bản
điều lệ 500 và vận dụng nó chính xác linh hoạt vào thực tiễn giao dịch tín dụng chứng từ .
Tp Hồ Chí Minh
Tháng 9-1995

138

You might also like