You are on page 1of 10

Bộ sách: Khám phá tư duy

Phần IX: Những câu chuyện về lao động.

Tự nhiên -xã hội -tư duy


Ý nghĩa công việc

Một người khách đi ngang qua nơi những người thợ hồ đang xây một bức tường và
hỏi về công việc họ đang làm. Người thợ thứ nhất chẳng cần suy nghĩ gì đáp ngay:
- Chúng tôi đang trộn hồ, đặt các viên gạch và xây tường. Chẳng có gì lạ cả.
Người khách đến hỏi người thợ thứ hai, ông đưa tay lau mồ hôi trên trán rồi trả lời:
- Tôi đang làm công việc mà một ngày có thể kiếm được 5 Bảng Anh.
Người thợ thứ ba đang làm việc hăng say đến nỗi không để ý đến sự có mặt của người
khách lạ. Người khách tới gần hỏi:
- Xin lỗi, ông có thể cho biết ông đang làm gì?
Người thợ dừng tay và chậm rãi trả lời:
- Tôi đang cùng mọi người xây một trong những bức tường của một nhà thờ lớn mà
sau này tôi có thể dẫn con cháu của mình đến thăm và tự hào nói với chúng rằng cha
ông chúng là người góp phần xây nên những bức tường của nhà thờ đó.
Cùng một công việc, cùng một sự kiện, ý nghĩa của nó trở nên cao đẹp hay bình
thường là tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi chúng ta.
Người thợ xây

Người thợ xây nọ đã làm việc rất chuyên cần và hữu hiệu trong nhiều năm cho một
hãng thầu xây dựng. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để
vui thú với gia đình.

Hãng thầu rất tiếc khi thiếu đi một người thợ giỏi đã tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị
ông cố gắng ở lại giúp hãng xây một căn nhà trước khi thôi việc. Ông ta nhận lời.

Vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng, ông ta làm việc một cách tắc trách
qua quít, xây dựng căn nhà với những vật liệu tầm thường, kém chọn lọc, miễn có
một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi.

Mấy tháng sau, căn nhà đã hoàn thành. Người chủ hãng mời ông đến, trao cho ông
chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: "Ông đã gắn bó và làm việc rất tận tụy với hãng
trong nhiều năm, để tưởng thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của
hãng, chúng tôi xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!"

Thật là bàng hoàng. Nếu người thợ biết mình sẽ xây cất căn nhà cho chính mình thì
hẳn ông ta đã làm việc cẩn thận hơn và chọn lựa những vật liệu có phẩm chất hơn. Sự
làm việc tắc trách chỉ có mình ông biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà ông
biết rõ là kém phẩm chất như thế nào.

Câu chuyện người thợ xây cũng tương tự như chuyện đời của chúng ta. Cũng như
người thợ già kia, chúng ta thường tạo dựng một đời sống hào nhoáng, tạm bợ, đua
đòi không chú trọng tới phẩm chất của nó. Nhiều khi ngồi kiểm điểm những sự bê bối
của mình trong quá khứ, chúng ta thấy mình đang phải cam chịu những hậu quả của
nó.

Cuộc đời là một công trình kiến trúc do chính mình tạo nên. Đời sống hiện tại là kết
quả của sự tạo dựng trong quá khứ, đời sống ngày mai sẽ là kết quả của sự tạo dựng
hôm nay. Hãy xây dựng đời mình một cách đúng đắn!
Thuật luyện vàng

Từ thời xa xưa, lâu lắm rồi, ở Thái Lan, có một người mê vàng hơn mọi thứ trên đời.
Anh ta đổ hết tiền của, tinh lực và thời gian vào việc tìm kiếm cách luyện vàng.
Chẳng bao lâu sau, anh ta nướng vào việc đó hết sạch toàn bộ tài sản của mình và vợ.
Trong cảnh khốn quẫn, người vợ anh ta chạy về nhà cha mẹ đẻ, đau đớn kể sự tình.
Cha mẹ người vợ gọi anh ta tới, bảo:
- Chúng tôi đã biết thuật luyện vàng từ lâu rồi. Muốn luyện vàng cần nhiều thứ lắm.
Chúng tôi đã chuẩn bị, chỉ thiếu một thứ. Nhưng nay tuổi đã cao…(giọng ông ngần
ngừ)
Anh ta khẩn thiết nói:
- Nói ngay đi cho! Con cần phải làm gì?
- Thế thì được. Tôi có thể nói với anh một bí mật. Tôi cần 3kg tơ trắng tước từ lá
chuối tiêu. Mà, những lá chuối tiêu đó phải do chính tay anh trồng ra. Đợi anh thu đủ
số tơ đó là tôi có cách luyện vàng!

Anh chàng mê vàng về nhà, hôm sau đã bắt tay ngay vào việc trồng chuối tiêu. Khi
chuối chín, anh ta cẩn thận tước lấy những sợi tơ trắng trong từng lá chuối, còn vợ
anh ta thì đem các buồng chuối vàng ươm tới các chợ mà bán.
Mười nǎm qua đi, cuối cùng thì anh chàng mê vàng cũng thu nhập đủ 3kg tơ trắng từ
các lá chuối tiêu. Anh ta khoan khoái mang tới nhà bố mẹ vợ.

Lúc đó, bố vợ anh ta chỉ một cửa buồng, bảo:


- Con hãy mở cánh cửa kia ra mà xem!
Trong buồng đầy những thỏi vàng lấp lánh làm mắt anh chàng mê vàng hoa cả lên.
Vợ con anh ta cũng đang đứng trong buồng đó.
Người vợ mỉm cười nói với anh ta:
- Đây là vàng của chúng ta có được qua mười nǎm trồng chuối tiêu.
Bố vợ anh ta cũng nói:
- Chính lao động cần cù siêng nǎng mới là thuật luyện vàng chân chính đấy!
Cái giá của sự nỗ lực

Có câu chuyện kể về một thanh niên Nhật muốn trở thành võ sĩ giỏi nhất quốc gia.
Anh ta nghĩ rằng để đạt được mục đích này, anh cần phải được học với một người
thầy giỏi nhất sống rất xa nơi anh đang sinh sống.

Một ngày kia, chàng thanh niên rời gia đình đến xin tầm sư học đạo với vị võ sư lừng
danh ấy. Sau chặng đường ròng rã suốt mấy ngày trời, cuối cùng anh cũng tìm đến
được võ đường và có một buổi đàm đạo với vị võ sư.

“Con hi vọng sẽ học được gì ở ta?” - vị võ sư hỏi. “Con xin thầy dạy cho con võ thuật
và giúp con trở thành một trong những võ sĩ giỏi nhất đất nước - chàng thanh niên trả
lời - Vậy con phải học trong bao lâu ạ?”. “Ít nhất là 10 năm” - vị võ sư trả lời”.

Người thanh niên ngẫm nghĩ: Mười năm thì lâu quá! Mình muốn hoàn thành ước
nguyện sớm hơn kìa! Mình không có nhiều thời gian. Chắc chắn là nếu nỗ lực nhiều
hơn thì mình sẽ có thể hoàn thành thời gian huấn luyện nhanh hơn.

“Còn nếu con cố gắng gấp đôi những người khác thì sẽ mất bao lâu thưa thầy?”. “Thế
thì sẽ mất 20 năm” - vị võ sư đáp.

Người thanh niên lại nghĩ: “Còn lâu hơn nữa à! Mình không muốn mất đến cả 20 năm
để học một thứ gì đó. Mình còn nhiều cái khác cần phải thực hiện trong đời. Chắc
chắn là nếu mình thật sự cố gắng luyện tập chăm chỉ thì mình có thể học nhanh hơn.

Vì thế chàng thanh niên lại hỏi tiếp: “Nếu con nỗ lực hết mình, tập luyện cả ngày lẫn
đêm thì con sẽ mất bao lâu ạ?”. “30 năm”, đó là câu trả lời của vị võ sư.

Chàng trai càng phân vân và tự hỏi vì sao vị võ sư cứ khẳng định số năm tăng lên như
thế.

Anh bèn hỏi vị võ sư: “Thưa thầy, vì sao mỗi lần con nói sẽ cố làm việc nhiều hơn,
thầy lại bảo sẽ mất nhiều thời gian hơn thế ạ?” .

“Câu trả lời rất đơn giản. Một mắt của con đã lo tập trung nhìn vào đích đến thì con
chỉ còn một mắt còn lại để tìm ra cách đi đến đích ấy mà thôi” - vị võ sư bình thản
đáp.
Sự kiên nhẫn

Một chàng trai trẻ đến gặp một chuyên gia về đá quý và nói về ước mong được trở
thành một nhà nghiên cứu về đá quý. Chuyên gia nọ từ chối vì ông sợ rằng chàng trai
không đủ kiên nhẫn để theo học. Chàng trai cầu xin một cơ hội. Cuối cùng, vị chuyên
gia đồng ý và bảo chàng trai: “Ngày mai hãy đến đây”.

Sáng hôm sau, vị chuyên gia đặt một hòn ngọc bích vào tay chàng trai và bảo chàng
hãy cầm nó. Rồi ông tiếp tục công việc của mình: mài đá, cân và phân loại đá quý.
Chàng trai ngồi yên lặng và chờ đợi.

Buổi sáng tiếp theo, vị chuyên gia lại đặt hòn ngọc bích vào tay chàng trai và bảo
chàng cầm nó. Ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm sau đó vị chuyên gia vẫn lặp lại hành
động trên.

Đến ngày thứ sáu, chàng trai vẫn cầm hòn ngọc bích nhưng chàng không thể im lặng
được nữa.

- Thưa thầy - chàng trai hỏi - khi nào thì em sẽ bắt đầu học ạ?

- Con sẽ được học - vị chuyên gia trả lời và tiếp tục công việc của mình.

Vài ngày nữa lại trôi qua và sự thất vọng của chàng trai càng tăng. Một ngày kia, khi
vị chuyên gia bảo chàng trai đưa tay ra, chàng định nói với ông ta rằng chàng chẳng
muốn tiếp tục việc này nữa. Nhưng khi vị chuyên gia đặt hòn ngọc bích lên tay chàng
trai, chàng nói mà không cần nhìn viên đá:

- Đây không phải là hòn đá con vẫn cầm!

- Con đã bắt đầu học rồi đấy - vị chuyên gia nói.


Câu thần chú

Có một nhà thông thái, lúc biết mình sắp ra đi theo tổ tiên, liền gọi các con lại bên
giường, chỉ vào kho sách mênh mông của mình và nói:

- Bây giờ cha tiết lộ cho các con một điều bí mật:kho sách vĩ đại của ta chính là một
món quà do một vị Thánh đã ban tặng, khi Ngài thấy ta nhà nghèo mà học hành chăm
chỉ. Cùng với món quà tặng vô giá đó, Ngài còn bảo: "Trong kho sách vô tận có một
quyển sách quý nhất,trong quyển sách quý nhất ấy có một trang quý nhất,trong trang
sách quý nhất ấy có ghi một câu thần chú. Ai đọc được câu thần chú ấy sẽ trở thành
một nhà thông thái trong những nhà thông thái...

- Cuốn sách nào vậy cha? người con trai cả nhanh nhẩu hỏi.

- Chính ta cũng muốn hỏi vị Thánh câu đó,nhưng chưa kịp thì Ngài đã biến mất.

Ngừng lại giây lát rồi người cha trút cạn sinh lực vào lời trăng trối cuối cùng:

- Cả đời ta đã cặm cụi đọc,nhưng vẫn chưa đọc được cuốn sách quý báu ấy. Đời các
con còn dài, các con hãy chăm chú vào việc đọc. Ta hy vọng rằng các con sẽ may mắn
hơn ta là tìm được câu thần chú linh thiêng ấy!

Nghe lời căn dặn, những người con của nhà thông thái cần mẫn đọc hết ngày này qua
ngày khác. Họ đọc mãi, nhưng vì kho sách dường như là vô tận nên vẫn chưa đọc đến
cuốn sách quý báu ấy. Song nhờ những kiến thức thâu lượm được qua ngày tháng, họ
đã trở thành những bậc trí giả khả kính.
Một đồng xu

Có hai bạn trẻ, một người Anh và một người Do Thái cùng đi xin việc làm. Một đồng
xu của ai đó đánh rơi trên mặt đất. Anh bạn trẻ người xứ sương mù đi ngang qua trông
thấy nhưng phớt lờ, còn anh bạn trẻ người Do Thái thì cúi xuống nhặt, nét mặt tỏ vẻ
hân hoan.

Nhìn thấy hành động của anh bạn Do Thái, anh bạn trẻ người Anh tỏ ra khinh thường,
lẩm bẩm: "Một đồng xu cũng nhặt, thật chẳng ra làm sao cả". Chờ cho anh bạn trẻ
người Anh đi qua, anh bạn trẻ người Do Thái nói: "Nhìn thấy tiền mà ngoảnh mặt làm
ngơ, thật là lãng phí của Giời!".

Hai người cùng đến xin việc ở một công ty. Doanh nghiệp rất nhỏ, công việc thì nặng
nhọc mà tiền lương thì chẳng được là bao, anh bạn trẻ người Anh chẳng nói chẳng
rằng vội vã bỏ đi, còn anh bạn trẻ người Do Thái thì tình nguyện xin vào làm việc.

Hai năm sau, hai người tình cờ gặp nhau trên đường phố. Anh bạn trẻ người Do Thái
đã trở thành Giám đốc công ty, còn anh bạn trẻ người Anh vẫn chưa xin được việc
làm. Không hiểu được sự việc, anh ta bèn hỏi: "Anh là người chẳng xuất sắc gì lắm,
sao lại phất nhanh như thế?". Anh bạn Do Thái đáp: "Tôi không bỏ qua từng đồng xu
như anh. Một đồng xu cũng không quan tâm, làm sao anh có thể trở nên giàu có
được?".

Anh bạn trẻ xứ sương mù đâu phải là không cần tiền, nhưng trong con mắt của anh,
anh chỉ muốn những khoản tiền lớn, song lại quên câu thành ngữ: "Tích tiểu thành
đại", vì vậy ước mơ làm giàu của anh ta phải đợi đến ngày mai. Đó là lời giải đáp cho
câu hỏi của anh bạn trẻ người Anh.
Hai con chim gáy

Có hai con chim gáy rất thân với nhau. Hết tha thẩn xuống đồng lượm từng hạt lúa,
chúng lại bay lên ngọn tre râm ran tiếng gù. Cứ tha hồ mà dồn dập, mà khoan thai có
khi nhẹ nhàng như lời tình tự. Bỗng chẳng may một anh bị con người bẫy được đem
về nuôi. Anh kia liền đi tìm bạn mới.

Mặc dù được chăm sóc chu đáo, nhưng bị giam hãm trong lồng phần thì nhớ da diết
cánh đồng quê, phần thì nhớ bạn, chim cất lên những tiếng ai oán não nùng. Nghe
tiếng than của bạn, anh chim gáy ở ngoài cũng tìm đến thăm. Thấy bạn mình được ở
trong chiếc lồng son, có thức ăn nước uống đầy đủ, anh ta ganh tị bảo:

- Tưởng khổ cực lắm, hoá ra phúc đức ông cha bảy đời để lại mới có được kẻ nâng
niu chiều chuộng còn than vãn nỗi gì.

Anh chim trong lồng nghẹn ngào không thốt nên lời.

Thấy thế anh chim ở ngoài nảy ra ý định: Mình muốn vào đó, nhưng có cả hai thì thức
ăn sẽ ít đi, chi bằng tìm kế cho nó bay ra để ta vào tha hồ mà chén. Nghĩ vậy anh ta
liền dùng lời ngon ngọt dụ dỗ:

- Muốn thoát thân thì nhịn ăn, giả vờ chết. Chủ sẽ bắt ra xem thử, lúc ấy nhanh chân
mà tẩu thoát.

Quả thật bằng cách đó anh chim nọ được vùng vẫy nơi trời cao và say sưa cất giọng
trầm bổng. Còn anh chim ở ngoài lại cứ quanh quẩn bên chiếc lồng, tất nhiên được
vào trong dễ dàng.

Được no nê nhưng anh ta mới nhận ra sự cô độc, tù túng. Từ đó, chim càng lười biếng
không cất nổi tiếng gáy. Người chủ thấy thế cũng chẳng còn săm soi, chăm sóc như
ngày xưa nữa. Nhiều hôm phải nhịn đói, nước mắt lưng tròng, thân hình tiều tụy trông
mà tội nghiệp, anh ta liền dở chiêu cũ nhưng có ai mà dại nữa. Lúc này, anh chim gáy
nọ mới nhận ra rằng sống mà chỉ vì miếng ăn thì đó chỉ là kiếp sống thừa.
Bắt Đầu Từ Đâu?

Có một du khách trẻ tuổi tham quan một nhà thờ. Và trong giáo đường rộng mêng
mông, anh ta thấy một nghệ nhân đang sáng tác bức tranh khảm khổng lồ trên tường.
Người du khách tò mò hỏi :
"Liệu bao giờ ông mới có thể hoàn thành công việc này ? Còn cả khoảng trống mênh
mông trên tường , ông không thấy hoang mang , lo lắng hoặc nản lòng ư ? ". Người
nghệ nhân mỉn cười nói rằng ông biết mình phải làm gì trong mỗi ngày . Mỗi buổi
sáng , ông đánh dấu một khoảng tường cần phải hoàn thành trong một ngày và ông
không cho phép mình nghĩ ngoài cái khoảng tường đó . Ông dồn cả tâm hồn và sức
lực vào công việc của từng ngày một và một ngày nào đó bức tường khảm khổng lồ sẽ
hoàn thành .
Trong cuộc sống nhiều chướng ngại lớn khiến chúng ta "mất khí thế " và chùng bước
cũng giống như bức tường mênh mông đó. Chúng ta quá lo lắng về bức tranh cần
hoàn thành đến nổi không dám bắt đầu .
Hay chúng ta nên bắt đầu thực hiện "bức tranh cuộc sống" của mình với từng hình ảnh
đẹp đẽ và độc nhất vô nhị bằng cách làm tốt những gì có thể trong mỗi ngày: sống
trọn vẹn với từng ngày?
Bạn khát khao sống một cuộc đời có ý nghĩa ? Bạn có những ước mơ, hoài bão,
những dự định phải hoàn thành? Bạn muốn thay đổi cuộc sống ?....
Nhưng bạn hoang mang, thậm chí chán nản vì không biết bắt đầu khi mà đích đến còn
quá xa vời . Bạn ơi ! "Một cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân nhỏ bé
".
Bạn hãy khởi hành đi, điểm xuất phát lý tưởng nhất là ở đây và bây giờ .

You might also like