You are on page 1of 3

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Ngày 13/9/2004. Cập nhật lúc 8h 52'

Có nhận xét cho rằng tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng thông qua tấm gương của Người là chủ yếu và đó là
hành vi vô ngôn tức là Bác không nói, không viết những vấn đề ấy ra sách mà chính việc làm của Bác tự nói ra điều đó.

Bản thân Bác cũng dẫn một câu nói ở phương Đông ''Một tấm gương sáng còn hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền''. Có lẽ từ nhận thức như vậy
mà cuộc đời của Bác là một tấm gương đạo đức vô cùng trong sáng, cao thượng và mẫu mực. Điều này có thể nhận thấy qua những hành vi
trong cuộc sống đời thường của Bác. Năm 1945, sau khi nước nhà giành được độc lập thì xẩy ra nạn đói và vỡ đê làm khoảng 2 triệu người
chết đói. Đau xót quá, Bác kêu gọi mọi người: ''Lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn nghĩ đến người nghèo đói chúng ta không khỏi động lòng,
vì vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn ba bữa, lấy gạo đó
mỗi bữa một bơ để cứu giúp dân nghèo''. Nhìn thấy Bác gầy rộc, ăn uống không đều đặn, các đồng chí phục vụ rất lo cho sức khỏe của Bác và
đã đề nghị Bác không nên nhịn ăn. Bác bảo: ''Bác kêu gọi đồng bào mười ngày nhịn ăn một bữa thì Bác cũng phải làm gương chứ, các chú cứ
bảo Bác ăn thì làm gương cho ai được", Nghe tin nông dân bị mất mùa nấu cơm phải độn thêm ngô, khoai, Bác yêu cầu cơm của Bác cũng
phải độn ngô, khoai. Ngôi nhà sàn Bác ở chỉ có giường đơn gối chiếc, chiếu mộc, không quạt máy, không điều hòa nhiệt độ. Một lần Bác đi
họp về, đồng bào Sơn La tặng Bác một cái nệm, Bác nằm thử cũng thấy êm nhưng đến chiều Bác bảo với các đồng chí phục vụ là mang cái
nệm này sang tặng các cụ lão thành cách mạng già hơn Bác và Bác nói một câu rất cảm động ''Trong lúc đồng bào chưa có chiếu mà nằm Bác
nằm nệm sao yên lòng''.

Bác là một tấm gương lớn về tự học. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác kể lại: khi dọn chỗ của Bác nằm điều trị trong bệnh viện năm 1969, lúc
Bác đã đi xa, thấy một cuốn từ điển nước ngoài để ở đầu giường và khi mở cuốn từ điển đó ra thì Bác còn ghi là ngày nào học đến từ nào, như
vậy là Bác cũng đã học đến hơi thở cuối cùng.

Qua những mẩu chuyện trên, chúng ta hiểu được tấm gương rèn luyện phi thường về đạo đức, lối sống của Bác. Bác luôn tự răn mình “Gạo
đem vào giã bao đau đớn, gạo giã xong rồi trắng tựa bông, sống ở trên đời người cũng vậy, gian nan rèn luyện mới thành công”. Đó chính là
đạo đức cách mạng hết sức bình dị nhưng vô cùng vĩ đại của Bác. Đạo đức đó không chỉ có tác dụng thuyết phục, lôi cuốn toàn thể nhân dân
Việt Nam đi theo cách mạng và xây dựng đất nước mà còn được bạn bè khắp năm châu ngợi ca, học tập và chính kẻ thù cũng phải kính nể, tôn
trọng. Từ đạo lý, truyền thống của nhân dân Việt Nam, từ sự từng trải và tu dưỡng của chính mình, từ niềm tin lớn lao và khát vọng vươn lên
cái chân, thiện, mỹ của con người Việt Nam, Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp nên những phẩm chất đạo đức cách mạng dựa trên bốn chuẩn
mực sau:

Trung với nước, hiếu với dân. Đây là hai phạm trù thời phong kiến xuất phát từ đạo đức Nho giáo, chữ trung và chữ hiếu chỉ ở trong diện hẹp,
nhưng Hồ Chí Minh đã sáng tạo dùng khái niệm này với nội dung cách mạng hoàn toàn mới. Đó là trung với nước, hiếu với dân, trong đó có
cả cha mẹ và gia đình. Đây cũng chính là hai phạm trù đạo đức gắn bó chặt chẽ với nhau vì theo quan niệm của Người nước là của dân, dân là
chủ nhân của đất nước. Điều này càng làm cho tư tưởng của Người vượt xa lên phía trước. Trung với nước, hiếu với dân thì phải suốt đời hy
sinh, phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Câu nói đó của Bác vừa là lời kêu gọi hành động vừa là định hướng chính trị, đạo đức
cho con người Việt Nam không chỉ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn lâu dài về sau.

Về chuẩn mực yêu thương quý trọng con người, Bác khẳng định yêu thương quý trọng con người là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất.
Đó là tình cảm rộng, nhưng trước hết phải dành cho những người cùng khổ. Bác khóc thương những người da đen nô lệ bị áp bức bóc lột trên
toàn thế giới. Còn đối với nhân dân Việt Nam, Bác hy sinh cả hạnh phúc cá nhân của mình ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc thoát
khỏi cảnh áp bức, bóc lột. Chúng ta cũng đã thấy tình yêu thương con người của Bác bao la đến nhường nào. Bác nói: ''Tôi chỉ có một ham
muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc,
ai cũng được học hành''. Đặc biệt tình yêu thương con người của Bác còn dành cho chính kẻ thù khi bị thua trận. Một lần, Bác đến thăm trại tù
binh Pháp, Bác thấy một tù binh đang rét run cầm cập liền cởi áo bông trong người mà đồng bào Trung Quốc tặng Bác khoác lên người tù binh
đó. Sang phòng bên, Bác thấy một tù binh khác đang ho sùng sục, không ngần ngại Bác cởi nốt chiếc khăn của mình quàng lên cổ cho tù binh
đó. Sau này, chính những tù binh đó viết hồi ký đã rất xúc động và khâm phục trước tấm lòng yêu thương con người của Bác.

Về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, Bác giải thích ngắn gọn, dễ hiểu. Cần có nghĩa là cần cù siêng năng, là tăng năng suất lao động, là
làm việc có hiệu quả, cần với Bác không có nghĩa là phải làm hết sức, làm gắng làm gượng mà cần có nghĩa là kiên trì bền bỉ, dẻo dai. Kiệm là
tiết kiệm, không xa hoa lãng phí của tư cũng như của công, kiệm theo Bác không có nghĩa là bủn xỉn mà kiệm phải đi đôi với cần, cần mà
không kiệm thì như gió vào nhà trống, kiệm mà không cần thì không làm thêm của cải. Liêm là trong sáng không tham ô, tham lam. Bác nhấn
mạnh chí công vô tư là chống chủ nghĩa cá nhân. Bác ví chủ nghĩa cá nhân như cái bệnh mẹ, nếu chúng ta không chống cái bệnh mẹ thì bệnh
mẹ sẽ đẻ ra hàng loạt bệnh con, chí công vô tư là phải làm những việc ích nước lợi dân và luôn luôn nghĩ đến lợi ích Tổ quốc.
Bác thường nhắc người cán bộ muốn có đạo đức cách mạng thì nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức, xây phải đi đôi với chống
và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Chúng ta có thể khẳng định rằng đạo đức và tư tưởng đạo đức của Người mãi mãi là tấm gương sáng và
những nguyên tắc mẫu mực đó chính là những khuôn vàng thước ngọc để tu dưỡng đạo đức làm người cho các thế hệ Việt Nam.

You might also like