You are on page 1of 8

Bài 2.

KHÁI NIỆM VĂN HOÁ VIỆT NAM

I. VĂN HOÁ VIỆT NAM THUỘC LOẠI HÌNH VĂN HOÁ GỐC
NÔNG NGHIỆP

Các nền văn hoá trên thế giới, bên cạnh những sắc thái riêng
thì có không ít những nét tương đồng, vì vậy có thể đối thoại với
nhau. Những nét tương đồng đó được lý giải thông qua ba chủ
thuyết lớn

- Thuyết khuếch tán văn hoá


- Thuyết vùng văn hoá
- Thuyết loại hình kinh tế - văn hoá

Các chủ thuyết này không mâu thuẫn nhau, mà bổ sung cho
nhau để đáp ứng yêu cầu nhận biết về văn hoá của con người,
trong đó thuyết loại hình kinh tế - văn hoá có ý nghĩa cho việc
tìm hiểu những nền văn hoá của các dân tộc ở phương Đông và
phương Tây từ góc độ khởi nguyên văn hoá. Loại hình văn hoá
được giải thích, phân chia từ góc độ này có cơ sở là căn cứ vào
sự khác biệt về môi trường sống. tức là can cứ vào địa bàn cư
trú với điều kiện khí hậu khác nhau giữa các vùng trên thế giới.
Theo đó, khởi nguyên ban đầu thế giới chỉ có các vùng: châu Âu,
châu Á và châu Phi. Từ ba vùng này đã sản sinh hai loại hình:
loại hình văn hoá du mục và loại hình văn hoá nông nghiệp.

- Cư dân cư trú ở phía Tây - Bắc tức châu Âu (so với châu Phi
ở phía Đông Nam) và cư dân vùng Tây - Bắc châu Á là vùng khí
hậu khô lạnh, là xứ sở của những thảo nguyên mênh mông. Ở
đây, nghề du mục chăn nuôi phát triển, tạo ra lối sống du cư,
vừa đi vừa ở, nay đây mai đó. Nơi này không thuận tiện, họ có
thể dễ dàng chuyển đi nơi khác. Cư dân sống không phụ thuộc
vào thiên nhiên. Đối tượng sản phẩm của nghề chăn nuôi là đàn
gia súc. Khi tách hộ, tách tộc thì dẫn đến việc tính toán phân
chia gia súc. Cùng với chăn nuôi là nhu cầu cần phải trao đổi
hàng hoá, vì vậy, thương nghiệp đã sớm xuất hiện. Thương
nghiệp xuất hiện đòi hỏi phải có kho chứa hàng và bãi trao đổi
hàng hoá, dẫn đến sự hình thành đô thị. Đô thị xuất hiện kéo
theo các ngành nghề thủ công sớm ra đời. Việc xây dựng nhà
cửa, kho bãi, đường giao thông dẫn đến khoa học kỹ thuật sớm
phát triển. Tóm lại, tất cả những điều kiện của phương thức sinh
tồn này dẫn đến kinh tế du mục. Văn hoá lại được quy định bởi
kinh tế, vì vậy loại hình văn hoá du mục là sản phẩm của hình
thái kinh tế này, với những đặc tính sau:

+ Dân du mục sống không phụ thuộc vào thiên nhiên, nên
không coi trọng thiên nhiên bằng coi trọng sức mạnh con người;
ít chú ý bảo vệ thiên nhiên. Con người trong ứng xử thì độc tôn,
trong tiếp nhận theo xu hướng chiếm đoạt và trong đối phó thì
cứng rắn.

+ Du mục ưa di chuyển, trọng động, hiếu chiến (khởi nguyên


là từ chiếm đoạt gia súc, chiếm đoạt thị trường).

+ Sự ra đời của thương nghiệp, đô thị, công nghiệp đòi hỏi


phải tính toán, hạch toán, nên tư duy phân tích sớm phát triển.
Tư duy phân tích chú trọng các thành tố, yếu tố, dẫn đến phát
triển mạnh về cấp số nhân, kéo theo sự xuất hiện trừu tượng
hoá thoát khỏi những yếu tố ban đầu, dẫn đến siêu hình. Tư duy
phân tích gắn liền với siêu hình nên triết học siêu hình sớm nảy
nở.

+ Thương nghiệp, công nghiệp thì phải hạch toán, dẫn đến
rất coi trọng và thiên về pháp, lý hơn tình cảm. Đó chính là cơ sở
cho pháp luật sớm ra đời, nghị trường sớm hình thành.

Tất cả những đặc tính trên cũng là những đặc trưng của văn
hoá phương Tây sau này.
- Cư dân ở vùng Đông Nam thế giới, nhất là vùng Đông Nam
châu Á có điều kiện khí hậu nắng, nóng, ẩm nhiều, lắm mưa,
sông ngòi, ao hồ, bãi bồi nhiều, đây là điều kiện thuận lợi cho
nghề nông nghiệp cấy trồng. Kinh tế nông nghiệp đã ra đời và
phát triển, là nền tảng hình thành / tạo nên nền văn hoá nông
nghiệp. Văn hoá nông nghiệp có những đặc tính sau:

+ Nông nghiệp phải phụ thuộc, trông chờ nhiều vào thiên
nhiên (mưa nắng phải thì), dẫn đến lối sống hoà hợp cùng thiên
nhiên, tôn trọng, không ganh đua với thiên nhiên. Chẳng hạn
như ở Việt Nam, người nông nghiệp tôn thờ trời và những hiện
tượng thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp, trong suy nghĩ thì
''ngẫm hay muôn sự tại trời''.

+ Làm nông nghiệp cấy trồng thì phải định cư lâu dài, phải
trông chờ mùa vụ, sản phẩm cây trái dài ngày hàng đời. Định cư
nông nghiệp ưa ổn định, ưa tĩnh và khao khát hoà bình ''trời yên
biển lặng mới vui tấm lòng''.

+ Nông nghiệp cấy trồng thì phải dựa vào nhau để tạo sức
mạnh làm thuỷ lợi, chiến thắng thiên tai địch hoạ. Phải dựa vào
nhau nên phải yêu thương nhau, vì thế văn hoá nông nghiệp
thiên về trọng tình cảm, tình nghĩa ''Một bồ cái lý không bằng
một tý cái tình''.

+ Yêu thương nhau thì ''chín bỏ làm mười', văn hoá nông
nghiệp ít ưa hạch toán, ít trọng lý, ít trọng pháp, dẫn đến lối ứng
xử xuê xoa, đại khái.

+ Thành quả nông nghiệp là từ nhiều yếu tố hợp thành: Thời


tiết, giống má, kỹ thuật nên dẫn đến phát triển tư duy tổng hợp.
Tổng hợp thì kéo theo biện chứng - tư duy không phải là tập họp
các yếu tố riêng lẻ, mà là mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố. Vì
thế tư duy văn hoá nông nghiệp cấy trồng là linh hoạt ''dĩ bất
biến, ứng vạn biến'', chủ thể văn hoá có lối ứng xử là dung hợp
trong tiếp nhận, mềm dẻo trong đối phó.

+ Văn hoá nông nghiệp trong cộng đồng, trọng tình nghĩa,
tình cảm, khiến nảy nở tâm lý hiếu hoà, cư xử khoan dung,
khoan hoà, chấp nhận.

Những đặc tính văn hoá trên đây cũng là những đặc tính của
văn hoá nông nghiệp Việt Nam, biểu hiện cụ thể trên các lĩnh
vực:

. Ứng xử với môi trường tụ nhiên


. Kiểu tư duy
. Nguyên tắc tổ chức cộng đồng
. Lối sống
. Các ứng xử với môi trường xã hội

II. CON NGƯỜI VIỆT NAM - CHỦ/ KHÁCH THỂ CỦA VĂN
HOÁ VIỆT NAM

- Văn hoá Việt Nam như nó đang tồn tại là một nền văn hoá
của một quốc gia đa tộc người, gồm 54 dân tộc, trong đó tộc
người Việt (kinh) - ''tộc người đa số'', đóng vai trò là tộc người
chủ thể. Đó là một cộng đồng người làm nông nghiệp lúa nước
được hình thành trong quá trình khai phá vùng châu thổ Hồng,
với đặc trưng nổi bật trong tính cách là sắc thái, triết lý nghĩa
nghĩa tình trong quan hệ với tự nhiên, với xã hội, làm nên lối
ứng xử duy tình, duy cảm, duy nghĩa, gắn chặt với quan niệm
sống của cư dân nông nghiệp, đó là phúc đức và phúc đức tại
mẫu.

III. NHỮNG DỮ KIỆN CĂN BẢN VỀ ĐỊA LÝ, XÃ HỘI VÀ


LỊCH SỬ CỦA VĂN HOÁ VIỆT NAM

1. Văn hoá chịu sự chi phối đáng kể của môi trường tự nhiên.
Hoàn cảnh địa lý/ môi trường tự nhiên Việt Nam có ba đặc điểm
cơ bản: Nóng ẩm, mưa nhiều và có gió mùa.

Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á,
vùng bao gồm miền chân núi Himalaya và Thiên Sơn. Các dòng
sông lớn của khu vực đều bắt nguồn từ hai dãy núi này. Các hạ
lưu của sông gồm Dương Tử, sông Hồng, Mê Công, Chaophaya...
đều là những vùng đồng bằng màu mỡ đầy phù sa. Một đặc
trưng của vùng này là sự chênh lệch khá lớn giữ bình nguyên và
núi rừng. Chính nét đặc trưng này cùng với điều kiện khí hậu
nóng ẩm, mưa nhiều và có gió mùa là cơ sở thuận lợi cho sự
hình thành và phát triển nghề nông trồng lúa nước. Đặc biệt
sông nước đã để lại dấu ấn quan trọng làm nên một nét độc đáo
trong văn hoá nông nghiệp lúa nước. Sông nước và thực vật là
hai đặc tính nổi trội trong văn hoá Việt Nam, làm nên nền văn
minh thực vật (khái niệm của học giả Pháp P. Gourou) hay văn
minh thôn dã. Văn hoá lúa nước tính chất thực vật (mà cốt lõi là
cây lúa) đã in dấu ấn đậm nét trong trong đời sống hàng ngày
của con nguời Việt Nam như: ăn, ở và đi lại. Bữa ăn / bữa cơm
hàng ngày của người Việt được mô hình hoá là: cơm - rau - cá,
thêm vào đó, người Việt không có thói quen ăn sữa và các sản
phẩm từ sữa động vật, cũng không có truyền thống chăn nuôi
đại gia súc lấy thịt - chăn nuôi gắn với trồng trọt. Tính chất thực
vật cũng thể hiện rõ nét trong đời sống tâm linh qua tục thờ cây.
Và môi trường sông nước được coi là một yếu tố quan trọng khi
xem xét về những vấn đề văn hoá và con người Việt Nam. Yếu
tố nước tạo nên sắc thái riêng biệt trước hết là trong tập quán kỹ
thuật canh tác (hình thành một hệ thống: Đê, ao, kênh, rạch...),
cư trú (có làng ven sông, làng trên sông, tới những đô thị ven
sông, ven biển hay đô thị, thành phố ngã ba, ngã tư sông...), ở
(nhà sàn, nhà có mái hình thuyền, nhà - ao; nhà thuyền...), ăn
(cá sông, cá bể / biển, các loại nhuyễn thể...), đến tâm lý ứng
xử (linh hoạt, mềm mại như nước), sinh hoạt cộng đồng (đua
thuyền, bơi chải...), tín ngưỡng tôn giáo (thờ cá voi, thờ rắn, thờ
Thuỷ thần...), phong tục tập quán, thành ngữ, tục ngữ, ca dao,
nghệ thuật (chèo, tuồng, rối nước, hò, lý...) và truyền thống cố
kết cộng đồng, kiên cường, bất khuất trong cuộc đấu tranh với
bão tố thiên tai, với lũ lụt.

Việt Nam ở bán đảo Đông Dương, là đầu cầu mở vào Đông
Nam Á từ hướng Ấn Độ và Trung Quốc. Vị thế này tạo cho Việt
Nam trở thành giao điểm của các nền văn hoá văn minh, là cầu
nối Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo.
2. Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống xâm lực và mở
mang bờ cõi về phía biển và phương Nam.

3. Cơ cấu xã hội Việt Nam cổ truyền: nhà - làng - nước. Đây


là một thể cộng đồng đồng tâm và đồng dạng:

- Nhà/ gia đình (hình thức mở rộng là Họ): Đại đa số là gia


đình tiểu nông, với cơ cấu kinh tế tự túc, tự cấp theo mô hình
''chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa''.

- Làng: Là một đơn vị cộng cư của cư dân nông nghiệp định


cư trên một vùng đất chung, một hình thức tổ chức xã hội nông
nghiệp tự túc tự cấp. Đó cũng là mẫu hình phù hợp với xã hội có
nền sản xuất tiểu nông. Làng được hình thành và tổ chức chủ
yếu dựa vào hai nguyên lý cội nguồn và cùng chỗ. Làng có sức
sống mãnh liệt với cấu trúc động, không có làng bất biến. sự
biến đổi của làng do sự biến đổi chung của đất nước. Do những
đặc thù của tự nhiên và xã hội mà ở miền Trung và miền Nam
tuy gốc gác cũng là người Việt từ miền Bắc di cư vào, nhưng với
môi trường sống mới, hình thức cơ cấu làng xã và quan hệ xã
hội thay đổi nhiều, không còn những đặc điểm như làng Bắc Bộ.

Làng Việt ở châu thổ Bắc Bộ là hình thức công xã nông thôn
với những đặc thù riêng của làng được thể hiện ở chế độ ruộng
đất, chế độ công điền, các loại hình và nguyên tắc tổ chức xã hội
như lệ làng, tín ngưỡng, lễ hội của làng. Đặc trưng nổi bật của
làng Việt Nam là ý thức cộng đồng làng, ý thức tự quản - quyền
quản lý làng xã được thể hiện trong hương ước của làng và tính
đặc thù độc đáo rất riêng của mỗi làng trong tập quán, nếp
sống, tín ngưỡng, tôn giáo, kể cả giọng nói và cách ứng xử. Các
đặc trưng trên có mối liên hệ hữu cơ, tạo cho làng một vị trí đặc
biệt làm nên những đặc trưng văn hoá làng, văn hoá dân tộc.

Làng là một đơn vị xã hội của văn hoá Việt Nam, đồng thời là
một môi trường văn hoá. Ở đó, mọi thành tố, mọi hiện tượng
văn hoá được sinh thành phát triển, lưu giữ và trao truyền tới
mọi thành viên.

- Nước: Là một cộng đồng siêu làng/dân tộc. Khi cộng đồng
người đã tiến tới trình độ dân tộc thì cộng đồng làng lớn nhất là
nước, là dân tộc. Con người Việt Nam trong lịch sử, từ rất lâu đã
là con người vừa của làng, vừa của nước ''sống ở làng sang ở
nước''.

Nhà - làng - nước của người Việt Nam vốn đã sớm có bản sắc
của mình.

4. Cơ cấu xã hội Việt Nam truyền thống: xã hội Việt Nam là


xã hội nông nghiệp, văn hoá Việt Nam là văn hoá nông nghiệp.
Trong xã hội đó, gia đình, làng là đơn vị xã hội cơ sở, là hai yếu
tố cơ bản chi phối toàn bộ hệ thống xã hội Việt Nam. Đặc trưng
cơ cấu xã hội Việt Nam truyền thống là những gia đình tiểu nông
trong những làng xã tiểu nông.

Những dữ kiện trên đây là cơ sở hình thành và củng cố


những đặc điểm của dân tộc Việt Nam, trong đó quan
trọng và tiêu biểu là những đặc điểm sau đây:

1. Tính cố kết cộng đồng sâu sắc. Đặc điểm này giúp con
người Việt Nam vượt qua những khó khăn thử thách của thiên
nhiên và kẻ thù xâm lược.

+ Cộng đồng gia đình: Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
+ Cộng đồng làng xóm: Bán anh em xa mua láng giềng gần.
+ Cộng đồng lãnh thổ/dân tộc: Bầu ơi thương lấy bí cùng/
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; hay: Dù ai đi ngược
về xuôi / Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

2. Tinh thần tương thân tương ái cộng đồng, lối ứng xử nhân
hậu với môi trường tự nhiên.

3. Tinh thần cởi mở, hỗn dung những tinh hoa văn hoá bên
ngoài song vẫn giữ cốt lõi và bản sắc văn hoá Việt Nam trong
bất kỳ hoàn cảnh nào.

4. Văn hoá Việt Nam là một nền văn hoá thống nhất trong đa
dạng. Quốc gia dân tộc Việt Nam hiện nay gồm 54 tộc người,
trong đó tộc người Việt là tộc người chủ thể. Nền văn hoá thống
nhất của quốc gia dân tộc Việt Nam bao gồm văn hoá của 54 tộc
người, với đặc trưng vừa có tính thống nhất, vừa có tính đa
dạng. Tiếp cận văn hoá Việt Nam cần phải tiếp cận và phản ánh
được tính thống nhất trong đa dạng ấy.

You might also like