You are on page 1of 2

Ổn định kinh tế vĩ mô

Vài tháng đầu năm nay dư luận nói nhiều về ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát ở nước ta
đã ở mức cao trong mấy năm gần đây và vượt qua mức hai con số năm 2007, ba tháng
đầu năm nay chỉ số giá tiêu dùng ước tính là 9,19% so với tháng 12 năm 2007.

Thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại ở mức cao trong nhiều năm. Hiệu quả
đầu tư, nhất là hiệu quả của các khoản đầu tư công, rất thấp thể hiện ở chỉ số ICOR khá
cao. Nhà nước đã có những biện pháp quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô được thể
hiện trong văn bản số 319 ngày 3-3-2008 của Chính phủ. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn
tình hình, cần nhắc lại vài quan hệ kinh tế vĩ mô để tiện phân tích [xem, thí dụ Kornai
Lịch sử với những bài học, NXB Tri thức, 2008, tr.152-154].

Tổng giá trị mới được tạo ra trong một năm ở một vùng lãnh thổ thường được gọi là tổng
sản phẩm quốc nội, GDP, và được tính như sau: GDP = Tổng tiêu dùng và đầu tư +
(nguồn lực chuyển ra - nguồn lực chuyển vào từ nước ngoài) [xuất khẩu ròng] (1a).

Đây là một đồng nhất thức và cũng có thể được viết dưới dạng: Tổng tiêu dùng và đầu tư
= GDP - xuất khẩu ròng = GDP + nhập khẩu ròng (1b).

Có một đồng nhất thức nữa biểu hiện mối quan hệ kinh tế vĩ mô (trong một năm nào đó):
Đầu tư = Tiết kiệm trong nước + tài trợ có nguồn gốc nước ngoài (2)

Hai đồng nhất thức này luôn luôn thoả mãn, không phụ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ cơ
quan hay chính sách nào. Giả sử xuất khẩu ròng bằng không (cân bằng xuất nhập), thì,
theo (1) tổng tiêu dùng và đầu tư đúng bằng mức chúng ta tạo ra. Nếu không có tài trợ từ
nước ngoài, thì, theo (2), tiết kiệm trong nước đúng bằng đầu tư, nếu muốn đầu tư hơn thì
phải có thêm tài trợ từ nước ngoài (tăng nợ nần). Nếu tài trợ có nguồn gốc nước ngoài là
âm (trả nợ) thì đầu tư phải ít hơn tiết kiệm.

Đấy là những sự thật dễ hiểu nếu bạn đọc suy ngẫm về các khoản mới do gia đình mình
tạo ra cũng như các khoản tiêu dùng, tiết kiệm hay vay nợ của gia đình mình.

Sự tăng trưởng diễn ra một cách cân đối nếu các mối quan hệ trên có các đặc trưng sau:

1. Có tốc độ tăng trưởng GDP lành mạnh.

2. Tính trung bình nhiều năm tổng tiêu dùng và đầu tư (tổng cầu nội địa) không tăng
nhanh hơn tăng sản xuất. Nếu có kéo nguồn lực nước ngoài vào thì mức tăng của khoản
này đừng tăng nhanh hơn sản xuất.

3. Bên trong tổng tiêu dùng và đầu tư, tiêu dùng không tăng nhanh hơn đầu tư. Tốt hơn
nếu đầu tư tăng nhanh hơn tiêu dùng một chút.

4. Tiết kiệm trong nước tăng với nhịp độ tăng đầu tư để cho đất nước đỡ rơi vào tình
trạng nợ nần.
5. Lạm phát không cao (Trung Quốc coi mức 6,5% là cao).

Năm đặc trưng này tuỳ thuộc vào các nhân tố trong nước (doanh nghiệp và chính sách
của nhà nước) và được coi là các quy tắc nên theo và có thể bị vi phạm, không giống như
các đồng nhất thức (1) và (2) nhất thiết thoả mãn trong mọi trường hợp. Các chính sách
của Nhà nước có thể làm thay đổi các đặc trưng này, và các chính sách được coi là tốt nếu
tạo ra các mối quan hệ vĩ mô có các đặc trưng như vậy.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta gần hai chục năm nay
luôn ở mức khá cao. Thành tích tăng trưởng rất ngoạn mục, như thế đặc trưng số 1 là rất
tốt. Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong mười mấy năm qua tốc độ tăng tổng cầu nội địa
(tổng đầu tư và tiêu dùng) luôn cao hơn mức tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu ròng luôn
luôn âm (nhập siêu) (kể cả một số năm trước 1996).

Người ta luôn lý giải rằng một nền kinh tế đang phát triển thì việc nhập siêu (thiết bị máy
móc) là bình thường để tạo ra khả năng xuất khẩu trong tương lai. Việc nhập siêu kéo dài
liên tục suốt 17 năm từ 1990 đến 2007 (trừ năm 1992 xuất siêu 39,9 triệu USD) cho thấy
lý giải đó không thể đứng vững.

Nhập siêu ngày càng tăng (2 tháng đầu năm 2008 đã bằng mức cả năm 2005) là một dấu
hiệu bất bình thường, nói cách khác có vấn đề với đặc trưng số 2 nêu trên. Tốc độ tăng
đầu tư luôn cao hơn tốc độ tăng tiêu dùng lại là dấu hiệu tốt ở đặc trưng thứ 3. Về đặc
trưng số 4: Tiết kiệm luôn ít hơn đầu tư có nghĩa là nợ nần nước ngoài tăng (tuy ở mức
30-35% GDP chưa phải là cao).

Trong tiết kiệm, khoản tiết kiệm âm (thâm hụt) của ngân sách luôn ở mức cao trong nhiều
năm [thậm chí Quốc hội thông qua chỉ tiêu ở mức 5% GDP]. Thâm hụt ngân sách liên tục
là một dấu hiệu không lành mạnh. Lạm phát đã ở mức cao trong mấy năm lại đây và trở
nên nóng bỏng trong thời gian qua, cần phải chặn đứng khẩn cấp.

Phân tích như thế để thấy các biện pháp cấp bách để ổn định kinh tế vĩ mô là: chặn đứng
lạm phát, giảm nhập siêu, giảm thâm hụt ngân sách, khôi phục lòng tin. Các biện pháp
lâu dài là tăng hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt
Nam cũng như năng lực điều hành đất nước.

Những định hướng của Chính phủ trong công văn 319 nêu ở trên nhìn chung theo hướng
như vậy, tuy có một số điểm còn mang tính hành chính, chẳng hạn như "cứu thị trường
chứng khoán", lợi bất cập hại. Cần chọn ra một gói gồm không quá nhiều biện pháp được
cân nhắc để thực hiện. Hy vọng có thể tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô tạo đà cho tăng
trưởng bền vững.

You might also like