You are on page 1of 3

ĐỈNH NÚI CỦA BỐN VỊ TỔNG THỐNG KHẢ KÍNH NGƯỜI MỸ

Tại khu vực núi “Đồi đen” (Black hill), nằm giữa bang Nam Dakota và bang
Wyoming của nước Mỹ, có một khu giải trí rất nổi tiếng với diện tích là 2.280km 2. Bị
mưa gió bào mòn, nhiều đồi núi đã biến thành những rừng cây khổng lồ bằng đá,
nhiều đỉnh núi cao chót vót với những hình thù quái dị ở trên không, nhiều khe nứt
sâu hun hút dưới đáy vực, nhiều suối nước trong veo... đã làm cho cảnh sắc nơi đây
vô cùng ảo diệu. Trong số những ngọn núi cao nhất và nổi tiếng ở đây, ngọn
Rushmoor là đặc sắc hơn cả do cảnh quan độc đáo của nó.
Hầu như mọi ngọn núi danh tiếng trên thế giới đều do bàn tay của tạo hóa làm ra,
nhưng ở ngọn Rushmoor này thì chính là do sức lực và sự khéo léo của con người.
Ngay tại đỉnh núi hoa cương nằm trên mặt biển 1.829m này, các nghệ nhân điêu khắc
đã tạo nên hình ảnh của bốn vị tổng thống Mỹ là Washington, Jefferson, Roosevelt và
Lincoln, những người đã có những cống hiến kiệt xuất cho nền độc lập và sự phát
triển của đất nước Hoa Kỳ. Với những pho tượng độc đáo đó, ngọn núi đã trở thành
một kỳ quan vang danh thiên hạ.
Bốn vị tổng thống này là những nhân vật có vị trí rất quan trọng trong lịch sử nước
Mỹ, được nhân dân Hoa Kỳ tôn kính. Từ trái qua phải là:
Washington (1732-1799) là người có công lao to lớn trong việc lập ra nước Mỹ.
Năm 1775, khi cuộc chiến tranh giành độc lập cho Bắc Mỹ nổ ra, ông nhận nhiệm vụ
tổng tư lệnh lục quân. Năm 1783, buộc nước Anh phải ký hòa ước chính thức thừa
nhận nền độc lập của nước Mỹ. Năm 1789, trở thành vị tổng thống đầu tiên của nước
Mỹ, được gọi là “vị cha già của nhân dân Mỹ”.
Jefferson (1743-1826), vị tổng thống thứ ba của nước Mỹ, là người khởi thảo chính
“Bản tuyên ngôn độc lập”, từng là thống đốc bang Virginia. Ông qua đời vào năm
1826, khi bản tuyên ngôn nổi tiếng này vừa tròn 50 tuổi, trên bia mộ ông có khắc
dòng chữ: “Thomas Jefferson, người khởi thảo bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ,
tác giả pháp lệnh tự do tôn giáo Virginia và cha đẻ của trường đại học Virginia, đã an
táng nơi đây”.
Theodore Roosevelt (1858-1919) là vị tổng thống thứ 26 của nước Mỹ, từng giữ
chức vụ này hai nhiệm kỳ liên tục, đã kiên trì thực hiện chính sách bảo vệ tài nguyên
trong nước, chuyển thành tài sản quốc gia một bộ phận lớn đất đai, giữ gìn cho hậu
thế các nguồn tài nguyên về nước và khoáng sản... Ông là vị tổng thống có ảnh hưởng
rất lớn đối với sự phát triển của nước Mỹ trong thế kỷ 20.
Lincoln (1809-1865) là vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, đã được nhân dân tôn
kính và được xem như một con người vĩ đại bởi sự nghiệp giải phóng nô lệ.
Năm 1923, nhà nghiên cứu lịch sử người Mỹ tên là Doyan- Robinson lần đầu tiên
nảy sinh ý tưởng tạc vào núi đá những pho tượng khổng lồ. Nhưng lúc đầu, ông chỉ
muốn làm các pho tượng về các vị anh hùng ở miền Tây, nhằm thu hút khách tham
quan. Mùa thu năm 1924, ông mời nghệ thuật gia Puglong, người không muốn làm
theo ý nghĩ ban đầu của Robinson mà đề nghị tạc tượng bốn vị tổng thống khả kính
nhất của nước Mỹ và cho rằng đây chính là nơi lý tưởng nhất để làm đại sự đó. Đề án
của ông đã được sự khuyến khích và giúp đỡ của chính phủ. Ngày 10 tháng 8 năm
1927, tổng thống Ulysses tuyên bố sẽ mở ra tại núi Rushmoor một khu tưởng niệm
quốc gia và chính thức khởi công công trình tạc tượng. Do thiếu hụt về kinh phí, cộng
với sự ác liệt của khí hậu, việc thi công thường bị gián đoạn. Năm 1941, Puglong qua
đời, chưa kịp nhìn thấy ngày chào đời của đứa con tinh thần của mình. Con của ông là
Lincoln tiếp tục sự nghiệp của bố. Công trình kéo dài trên 14 năm và đã hoàn tất vào
cuối năm 1941, khoảng nửa năm sau khi Puglong chết.
Các pho tượng đá rất hài hòa với cảnh sắc xung quanh. Đầu của các pho tượng cao
đến 18m, riêng cái mũi cũng dài đến 6m. Đây là những pho tượng đầu người bằng đá
to nhất thế giới. Căn cứ theo tỷ lệ của đầu, thì toàn thân của pho tượng phải cao đến
217m. Trong bốn pho tượng đó, tượng Washington có cả phần ngực và vai, nhờ sử
dụng khéo léo hình thế tự nhiên của núi đá, còn ba pho tượng kia, nhất là Roosevelt
và Lincoln, chỉ thể hiện rõ ở bộ mặt. Khuôn mặt của từng vị tổng thống đều được thể
hiện một cách trang trọng và nghiêm túc, mắt của họ đầy suy tư đăm đắm nhìn về nơi
xa, thần sắc mạnh mẽ, diện mạo và phong cách của từng vị tổng thống đều thể hiện
khá sinh động. Các pho tượng cũng thể hiện được sự tinh tế về nghệ thuật cũng như
tinh thần sáng tạo độc đáo của Puglong, một nhà nghệ thuật suốt đời sáng tạo cái đẹp
từ các đỉnh núi.
Để thể hiện sự tôn kính với bốn vị tổng thống này, chính phủ Mỹ đã có qui định
cấm chỉ du khách leo lên ngọn núi Rushmoor và đã cho xây dựng tại chân núi một nơi
dành cho việc thưởng ngoạn phong cảnh. Thời khắc đẹp nhất để ngắm nhìn các pho
tượng này là vào buổi sáng, khi ánh thái dương rực rỡ chiếu dọi vào đỉnh núi. Vào
mùa hè, người ta còn lắp đặt các thiết bị chiếu sáng để du khách có thể thưởng thức
tác phẩm nghệ thuật độc đáo này vào ban đêm.

NÚI CATOCTIN VÀ TRẠI DAVID CỦA CÁC TỔNG THỐNG MỸ

Trại David là khu hưu dưỡng của các vị Tổng thống nước Mỹ, cách thủ đô
Washington 113km về phía bắc, nằm trong vùng núi Catoctin thuộc bang Maryland, ở
độ cao 4.000m trên mặt biển, vốn là một khu du lịch vui chơi của nhân dân địa
phương. Trong thời kỳ chiến tranh trên các du thuyền, ở ngoài biển khơi, hải quân Mỹ
lo ngại về sự an toàn, bèn kiến nghị xây dựng cho ông, cũng như các vị tổng thống
sau này, một khu nhà nghỉ ở trên đất liền. Và khu du lịch Catoctin đã được xác định.
Đây là một vùng núi cao, có khí hậu mát mẻ trong mùa hè, lại là nơi hẻo lánh, việc
bảo vệ cũng khá thuận lợi. Năm 1942, Tổng thống Roosevelt bắt đầu sử dụng “khu
biệt dã” này và đặt cho nó một cái tên thật thơ mộng là “Shangri-la”. Shangri-la thuộc
ngôn ngữ Tây Tạng, có nghĩa là “chốn đào nguyên ngoài trần thế”, được nhà văn
người Anh là James Hilton dùng để miêu tả ngọn núi Himalaya cao xa và huyền bí.
Năm 1953, Tổng thống Eisenhower đã lấy tên người cháu đích tôn của mình đặt cho
nó, từ đó Shangri-la được đổi thành trại David.
Trại David được xây dựng khi chiến tranh thế giới thứ nhất đang ở vào giai đoạn
quyết liệt, giữa lúc nền kinh tế của Mỹ gặp nhiều khó khăn. Những khu nhà đầu tiên
đều làm bằng các vật liệu tại chỗ là đá và gỗ rừng. Lực lượng thi công chính là các
đơn vị quân đội chuyên việc xây dựng doanh trại; vì thế, lúc đó nó mang dáng dấp của
một trại lính. Sau này, qua hai lần trùng tu đại qui mô, lần thứ nhất trong thời tổng
thống Eisenhower, và lần thứ hai trong nhiệm kỳ tổng thống Nixon, nó đã trở nên
khang trang hơn; tuy vậy vẫn duy trì được cảnh sắc thiên nhiên hoang vắng của thuở
ban đầu, với 10 tòa nhà làm theo kiểu dân dã, nằm rải rác trong các rừng cây trên một
khuôn viên rộng gần 100ha. Kiến trúc chủ yếu trong đó là bốn ngôi nhà làm bằng bốn
thứ gỗ khác nhau (sơn dương, hoa mộc, nguyệt quế và thù du). Ngôi nhà bằng gỗ sơn
dương được các vị tổng thống ưa thích và sử dụng nhiều hơn cả. Tuy nằm trong một
vùng núi non hẻo lánh, dáng dấp bên ngoài không có vẻ đồ sộ uy nghiêm, nhưng các
biệt thự dã ngoại này vẫn được trang bị đầy đủ các loại thiết bị và phương tiện hiện
đại nhất, đáp ứng được yêu cầu làm việc của tổng thống trong mọi tình huống, hòa
bình cũng như chiến tranh. Ngoài các phòng làm việc hội họp, các phòng tiếp tân
chiêu đãi, các phòng hòa nhạc, rạp chiếu bóng, bể bơi, sân tennis, sân bay trực thăng...
khu trại David còn có nhiều kiến trúc ngầm hết sức hiện đại và kiên cố, phải lên
xuống bằng thang máy, đặc sắc nhất trong đó là phòng chỉ huy tác chiến của tổng
thống.

Trại David được thiên hạ biết tiếng bởi vì nó là khu nhà nghỉ của người đứng đầu một
siêu cường. Nhưng điều làm cho nó được biết đến nhiều hơn là tại đây đã từng diễn ra
sự kiện quốc tế quan trọng, từng đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới,
từng xuất hiện một số hiệp định có ý nghĩa lịch sử... Tại khu nhà tưởng chỉ dùng cho
việc nghỉ ngơi tĩnh dưỡng này, ngay từ năm 1943, tổng thống Roosevelt của Mỹ đã
hội đàm với thủ tướng Churchill của Anh về các vấn đề liên quan đến cuộc chiến
tranh chống phát xít Đức; vào năm 1959, tổng thống Eisenhower của Mỹ đã tiến hành
cuộc gặp thượng đỉnh với người đứng đầu Liên xô lúc bấy giờ là Khrutchev... Vào
mùa hè năm 1978, “Hiệp định David” đã được ký kết sau 13 ngày hội đàm tại đây,
nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề về Trung đông, làm dịu đi tình hình căng thẳng
giữa Israel và các nước Ả Rập. Từ đó đến nay, nhiều cuộc hòa đàm giữa Palestine và
Israel với sự trung gian hòa giải của tổng thống Mỹ đã liên tục diễn ra và mới nhất là
cuộc hội đàm cấp cao ba bên giữa Tổng thống Palestin Y.Araphat, thủ tướng Israel
E.Barak và Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng được khai mạc tại đây.

Trích trong quyển “Những ngọn núi nổi tiếng” – Tác giả: Hoàng Nghĩa.

You might also like