You are on page 1of 4

HOÀNG HÀ, CON SÔNG LỚN THỨ HAI CỦA TRUNG QUỐC

Hoàng Hà dài 5.464km có diện tích lưu vực là 752.400km2. So với các con sông
khác trên thế giới, nó đứng thứ sáu về chiều dài, và thứ 27 về diện tích lưu vực.
Nhưng nếu tính về lượng phù sa thì chẳng có con sông nào trên thế giới có thể sánh
kịp. Bình quân hàng năm, nó chuyển đi một lượng phù sa cực kỳ lớn, lên đến 16 tỷ
tấn. Sông Amazon ở Nam Mỹ có diện tích lưu vực lớn nhất thế giới (6,15 triệu km 2),
nhưng lượng phù sa thì chỉ bằng 1/14 của Hoàng Hà. Sông Nile ở châu Phi dài nhất
thế giới, nhưng lượng phù sa chỉ bằng 1/14 của Hoàng Hà. So với con sông lớn nhất
của Trung Quốc là Trường Giang, lượng phù sa của Hoàng Hà cũng nhiều gấp ba lần
(Trường Giang chỉ có 4,78 tỉ tấn/năm), mặc dù cả diện tích lưu vực lẫn lưu lượng đều
nhỏ hơn Trường Giang rất nhiều. Theo trắc lượng tại Nghi Xương, thì lượng phù sa
bình quân hàng năm trong mỗi mét khối nước của Trường Giang là 1,14kg, còn
Hoàng Hà đo tại Thiểm huyện là 36,9kg, nhiều gấp 33 lần của Trường Giang. Căn cứ
vào các số liệu đó, người ta có thể thấy Hoàng Hà là một con sông hết sức đặc biệt,
bởi lượng phù sa độc nhất vô nhị của nó. Giả thử lấy lượng phù sa bình quân hàng
năm là 16 tỷ tấn đắp thành một con đê rộng mỗi bề 1m, thì con đê ấy sẽ dài gấp ba lần
con đường từ Trái đất lên Mặt trăng.
Hoàng Hà phát nguyên từ Thanh Hải, chảy về hướng đông, qua Tứ Xuyên, bẻ
lên hướng bắc, tiến vào Cam Túc, qua Ninh Hạ đến trấn Hà Khẩu, huyện Thát-khắc-
thác, Nội Mông Cổ. Đó là đoạn thượng nguồn dài 3.472km. Ở đoạn này, dòng sông
chảy qua hang núi, ghềnh đá cao nguyên, qua các ghềnh Long Dương, Lưu Gia, Diêm
Oa, Hồng Sông, Hắc Sơn, Thánh Động, rồi đến phía đông Hạ Lan Sơn, Lạng Sơn và
phía nam Đại Thanh Sơn. Từ trấn Hà Khẩu chảy gấp khúc về hướng nam, Hoàng Hà
trở thành ranh giới của hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây, cho đến Mạnh Tân tỉnh Hà
Nam, dài 1.122km, đó là trung lưu Hoàng Hà. Đoạn này, dòng sông chảy xiết, đến
ranh giới hai tỉnh Sơn Tây - Thiểm Tây thì tạo thành thác Hồ Khẩu, rồi qua hẻm Long
Môn đến phía đông Hoa Sơn thì chuyển gấp sang hướng đông, hình thành một chỗ
sông bẻ quanh gần 90 độ. Sách Thủy kinh chú miêu tả vô cùng sinh động kỳ quan này
như sau: “Hoa nhạc là một hòn núi chắn ngang sông, nước sông chảy quanh đồi gấp
khúc. Thần sông linh thiêng, tay với chân đạp, khai thành hai dòng nay còn dấu tay
dấu chân và còn Hoa nham”. Sau khi bẻ về hướng đông sông lại chảy qua Tam Môn,
ghềnh đá lởm chởm, rồi mới vào bình nguyên. Đoạn này, Hoàng Hà chảy qua cao
nguyên Hoàng Thổ, mang theo một khối lượng đất vàng khá lớn, sắc nước vẩn đục.
Đời Tây Hán đã có câu ghi chép: “một thạch nước sáu đấu bùn”. Từ Mạnh Tân trở
xuống cho đến khi đổ ra biển, là hạ nguồn dài 870km. Vì ven sông là bình nguyên,
nước chảy chậm, hai bờ đều có đê lớn, nên có hiện tượng gọi là “huyền hà” (sông
treo). Các thành thị lớn như Trịnh Châu, Khai Phong đều thấp hơn lòng sông. Như
Khai Phong, nền đê cao hơn thành phố này đến 7m, Hoàng Hà từ Hà Nam tiến vào
Sơn Đông, đến Đông Bắc huyện Khẩn Lợi thì đổ vào Bột Hải.
Hoàng Hà là cái nôi dân tộc của Trung Hoa, trong lưu vực của nó nhân dân lao
động trồng trọt 190 triệu mẫu đất. Trên các chi lưu có nhiều khu thủy lợi đại qui mô,
như khu thủy lợi Hà Sáo, ở Nội Mông, khu Bảo Kê ở Thiểm Tây dẫn nước sông Vị,
khu thủy lợi Thanh Đồng ở Ninh Hạ, khu thủy lợi Vi Sơn ở Sơn Đông, khu thủy lợi
Sông Phần ở Sơn Tây. Diện tích được hưởng thủy lợi đều vượt trăm vạn mẫu. Gần
một trăm triệu người cư trú trong lưu vực Hoàng Hà. Trên bờ các chi lưu và dòng
chính có nhiều thành thị nổi tiếng, trong đó có một số cố đô là Tây An, Lạc Dương,
Khai Phong cùng nhiều thị xã, tỉnh lỵ như Tây Ninh (Thanh Hải), Lan Châu (Cam
Túc), Ngân Xuyên (Ninh Hạ), Hồ-hòa-hạ-đắc (Nội Mông), Thái Nguyên (Sơn Tây),
Trịnh Châu (Hà Nam) và Tế Nam (Sơn Đông). Những thành phố này đều là những
trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa trọng yếu của lưu vực Hoàng Hà. Lại có nhiều
trạm thủy điện qui mô như ở thác Long Dương, thác Lưu Gia trang bị máy phát trên 1
triệu kw; thác Diêm Oa, thác Thanh Đồng và thác Tam Môn đều trang bị máy phát
trên 25 vạn kw. Từ xưa đến nay, Hoàng Hà cuộn sóng đã đưa lại biết bao của cải làm
giàu cho đất nước Trung Hoa.
Nhưng bên cạnh những lợi ích, Hoàng Hà cũng mang lại cho người dân trong
lưu vực nhiều tai họa rất khủng khiếp. Vì chảy qua cao nguyên hoàng thổ đất xốp,
mang theo một khối lượng phù sa to lớn đến kinh người, nên dòng sông có đặc điểm
hết sức tai hại, là dễ ứ lại, dễ tràn ra và dễ đổi dòng. Từ khi có lịch sử ghi chép, Hoàng
Hà ở hạ lưu đã bị vỡ đê gây lụt lội trên 1.500 lần, đã đổi dòng từ 20 đến 30 lần, có sáu
lần đặc biệt nghiêm trọng. Tại miền Đông Trung Quốc, từ Hải Hà ở phía bắc đến Hoài
Hà ở phía nam, trong phạm vi 250.000km2, Hoàng Hà đã đổi dòng qua lại, từ bắc
xuống nam, rồi từ nam lên bắc, liên tục như quả lắc đồng hồ. Mấy nghìn năm qua,
người dân sống trong lưu vực này đã bị vô số tổn thất về của cải cũng như nhân mạng,
do nạn vỡ đê gây nên.
Từ ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, nhiều kế hoạch trị thủy ở
Hoàng Hà đã được thực hiện. Đồng thời với việc trồng cây gây rừng để giữ đất ở
trung và thượng du là việc tăng cường đắp đê ở hạ nguồn. Một khu chứa nước với qui
mô lớn đã được xây dựng tại Động Đình Hồ với mục đích phòng lũ bằng cách điều
tiết dòng chảy. Dòng sông ở hạ nguồn được chỉnh lý và nhiều công trình thủy điện
được xây dựng với hàng loạt hồ chứa nước ra đời. Tuy vậy, việc trị thủy Hoàng Hà
không thể có được nhiều kết quả trong một thời gian ngắn, vì lượng phù sa quá lớn, vì
lòng sông ở hạ nguồn cao hơn mặt đất, vì có nhiều nguyên nhân và khó khăn khác.
Hoàng Hà là dòng sữa nuôi dưỡng dân tộc Trung Hoa từ thuở khai sinh, là nơi
phát tích và cũng là nơi gắn bó với sự hưng nghiệp của dân tộc đông đảo nhất thế giới
này. Nước Hoàng Hà cuồn cuộn là sức mạnh giúp cho dân tộc Trung Hoa phát triển.
Dân tộc Trung Hoa ngày càng hưng thịnh, phát đạt. Việc trị thủy Hoàng Hà sớm muộn
rồi cũng sẽ được giải quyết một cách căn bản. Cùng với những kết quả của công cuộc
chinh phục dòng sông sẽ là sự phát triển ngày càng tốt đẹp hơn của hàng trăm triệu
con người sống trong lưu vực của nó.
Hoàng Hà đã có những đóng góp hết sức to lớn và quí báu vào nền văn hóa
Trung Hoa. Hoàng Hà sớm có nền thâm canh lúa nước, sáng tạo nền văn minh Trung
Hoa, lấy văn hóa Hán làm trung tâm, qua đó có thể nói Hoàng Hà là trung tâm hình
thành văn hóa Trung Hoa. Vùng trung và hạ lưu Hoàng Hà là nguồn đất chủ yếu của
văn hóa cổ đại và các dân tộc Trung Hoa thời cổ đại. Qua khai quật, các nhà khoa học
đã phát hiện ra di tích người cổ đại tập trung ở trung, hạ lưu Hoàng Hà và trung lưu
Trường Giang. Trung Quốc có chữ viết rất sớm, cách đây 3 - 4.000 năm. Theo ghi
chép của sử sách, thì những loại cây cỏ hoang dại, các loại ngũ cốc được nói đến
trong “Bốc Từ” và “Kinh Thi” chính là các loài thực vật chủ yếu tại cao nguyên
Hoàng Thổ từng được con người thuở sơ khai cư trú tại đây hái lượm để sinh sống.
Lưu vực trung và hạ lưu Hoàng Hà là vùng đất được khai phá sớm nhất ở Trung
Quốc, cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Trung Quốc cổ đại. Những cố
đô cổ của Trung Quốc như Trường An, Lạc Dương, Khai Phong, Thương Khâu, An
Dương, Trịnh Châu... đều nằm ở trung hạ lưu Hoàng Hà. Đặc biệt là tại Trịnh Châu,
thủ phủ của tỉnh Hà Nam hiện nay, các nhà khảo cổ mới vừa phát hiện 50 vị trí của
các thành phố cổ từ thời Ngũ đế đến thời Xuân thu (770 - 476 trước CN) và thời
Chiến quốc (475 - 221 trước CN). Nhiều kinh thành nổi tiếng được ghi trong lịch sử
Trung Hoa đã được phát hiện như thành phố nơi Hoàng Đế, người trị vì huyền thoại
và là tổ tiên sớm nhất của lịch sử Trung Hoa cổ đại, sinh sống cùng những kinh thành
của nhà Hạ (2.100 - 1.600 trước CN) và nhà Thương (1.600 - 1.100 trước CN). Trong
đó, kinh thành của nhà Thương là kinh thành đầu tiên được bao quanh bằng những
bức tường thành và hiện vẫn còn 12km. Ngoài ra, trong khu vực 7.000km2 tại thành
phố Trịnh Châu còn có kinh thành của các hoàng đế nhà Tây Chu, thời Xuân thu -
Chiến quốc. Dòng sông to lớn này, trong quá khứ, tuy đã gây nên nhiều tai họa cho
người dân ven sông do lụt lội, nhưng các mặt lợi ích của nó thì thật vô cùng to lớn và
được phát huy mãi mãi. Nó đã tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu và giao thông của cao
nguyên Hoàng Thổ uốn lượn quanh nó, tụ hội nền nông nghiệp nguyên thủy phân tán
ở các nơi vào một chỗ. Hoàng Hà và các nhánh sông của nó giống như huyết quản
bao quanh văn hóa Hán nguyên thủy, nắm giữ sự phát triển nền nông nghiệp và làng
mạc nguyên thủy. Có thể nói, không có Hoàng Hà và cao nguyên Hoàng Thổ thì
không thể có nơi phát sinh trung tâm văn hóa Hán. Hoàng Hà và những nhánh sông
của nó là bầu sữa duy trì nền nông nghiệp nguyên thủy, đã tưới tiêu cho một phạm vi
đất rộng lớn, gồm các bình nguyên Hà Sáo, Ngân Xuyên, Quan Trung, Y Lạc, Ninh
Hạ... thông qua nhiều con kênh được đào từ thuở rất xa xưa. Các kênh đào lợi dụng hệ
thống Hoàng Hà để tưới tiêu là các công trình thủy lợi thuộc loại sớm nhất của nhân
loại, góp phần không nhỏ vào việc tạo ra vùng đất thuận lợi nhất cho những người
Trung Hoa nguyên thủy định cư sinh sống và sản xuất nông nghiệp. Hàm lượng bùn
khá cao của Hoàng Hà đã có tác dụng tăng độ phì nhiêu cho đất. Giao thông trên
Hoàng Hà thuận lợi cũng là điều dễ thấy. Từ thời Hán, Đường việc đi lại trên Hoàng
Hà đã được coi trọng. Riêng việc chở đá, sử sách đã ghi lại như sau: thời Hán Vũ Đế,
mỗi năm chở hơn một triệu phiến, vào năm Nguyên Đỉnh tứ niên (tức 113 TCN), theo
“Sử Ký”, đã chở 4 triệu phiến, thời Nguyên Phong (110 - 105 TCN) chở đến 6 triệu
phiến, đến thời Tuyên Đế (73 - 69 TCN) vẫn duy trì chở 4 triệu phiến mỗi năm. Sách
“Đường hội yếu, Tào Vận” (Quyển 87) có ghi, thời Đường đã có thuyền tương đối lớn
đi trên Hoàng Hà, mỗi ngày đi được 30 dặm.
Không chỉ có tác dụng to lớn về mặt kinh tế, Hoàng Hà và cao nguyên Hoàng
Thổ, với màu vàng của nước và của đất đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của
người dân Trung Quốc. Người Trung Quốc cổ đại cho màu vàng là quốc sắc của
mình, tượng trưng cho dân tộc và cho sự cao quý. Long bào của các nhà vua chỉ dùng
một màu duy nhất là màu vàng. Màu sắc được ưa chuộng nhất dùng cho các đồ vật
trang sức trong cung đình cũng là màu vàng. Có truyền thuyết cho rằng Hoàng đế -
Lão tổ của dân tộc Trung Hoa - hoạt động trong phạm vi và vùng lân cận cao nguyên
Hoàng Thổ. Lăng mộ của Hoàng đế cũng nằm ở trung tâm cao nguyên Hoàng Thổ.
Rồng là con vật tượng trưng cho dân tộc Trung Hoa. Người Trung Hoa tự cho đất
nước mình là “Con rồng lớn phương Đông” và gọi nhân dân mình, những con cháu
của Viêm Hoàng, là “Hậu duệ của rồng”. Người Trung Hoa tôn sùng rồng, coi rồng là
con vật linh thiêng, có tài sức rất phi thường. Họ đã tô vẽ cho con vật tưởng tượng
này một màu vàng rực rỡ, đó là màu sắc cao quí của nhà vua, của thiên tử và cũng là
của Ngọc hoàng. Do tác dụng to lớn của Hoàng Hà và Hoàng Thổ đối với việc sinh
tồn và phát triển của người Trung Quốc cổ đại mà màu vàng đặc trưng của vùng sông
nước này đã trở thành thân thiết và cao quí đối với họ.

…..

Trích trong quyển “Những dòng sông nổi tiếng” – Tác giả: Hoàng Nghĩa

You might also like