You are on page 1of 2

7 chính sách "nóng" trong 2008

Giadinh.net - Năm 2008 được Chính phủ xác định là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự
phát triển của đất nước. GĐ&XH xin “điểm” một số chính sách năm 2008 sẽ được thực hiện và dự
kiến thực hiện có ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết mọi người dân.

1. Tăng học phí

Bộ GD&ĐT đang khẩn trường hoàn thiện đề án học phí mới để trình Chính phủ xem xét, quyết định và thực
thi từ năm học 2008-2009. Sau rất nhiều ý kiến và hai lần “hoãn”, nhiều khả năng chính sách học phí mới sẽ
được áp dụng từ năm tới.

Cho đến nay, Bộ GD&ĐT chưa chính thức công bố dự thảo về chính sách học phí mới. Nhưng theo một số
phát biểu chính thức của lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại các diễn đàn thì chính sách học phí mới sẽ được thực hiện
theo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo”. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn
Thiện Nhân thì mức học phí mới sẽ chiếm khoảng 4 - 6% thu nhập của mỗi hộ dân. Tuy nhiên về mức tăng sẽ
có sự khác nhau giữa học phí của bậc đại học và phổ thông. Theo đó, bậc đại học có mức học phí cao nhất,
từ khoảng 350.000-500.000 đồng/1tháng, tức cao gần gấp 2-3 lần so với hiện nay.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cam đoan thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho học
sinh, sinh viên nghèo.

2. Thực hiện chính sách viện phí mới

Bộ Y tế đã hoàn thiện và trình Chính phủ đề án về chính sách viện phí mới. Theo đó, viện phí cũng sẽ được
thực hiện theo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”. Chính sách viện phí mới được xây dựng theo nguyên tắc: Nhà
nước không bao cấp tràn lan mà hỗ trợ tốt và đầy đủ hơn cho đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em
dưới 6 tuổi. Chính sách viện phí nhằm phủ kín hơn các đối tượng được miễn giảm viện phí về số lượng và
chất lượng, thông qua Bảo hiểm Y tế. Đồng thời bảo đảm cho mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các
dịch vụ y tế, không để người bệnh không được điều trị.

Bộ Y tế cũng khẳng định việc điều chỉnh viện phí lần này về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng
62,5 triệu dân (chiếm khoảng 72% dân số) gồm: 21 triệu người nghèo, 9,5 triệu em dưới 6 tuổi; các đối tượng
chính sách xã hội, hưu trí, người làm công ăn lương, thân nhân sĩ quan tại ngũ, cựu chiến binh, các đối
tượng này đã được Nhà nước bảo đảm mua thẻ BHYT. Còn lại 28% thuộc đối tượng có mức thu nhập từ
mức trung bình khá trở lên sẽ bị ảnh hưởng nhưng mức điều chỉnh không nhiều.

3. Nhập sổ hồng và sổ đỏ

Tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2007 đã thông qua chủ trương sẽ gộp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất (sổ đỏ) và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) trong năm 2008. Theo Bộ trưởng Bộ
TN&MT Phạm Khôi Nguyên thì khả năng sẽ lấy sổ đỏ làm giấy chuẩn.

Theo dự thảo Luật Đăng ký kinh doanh bất động sản, việc cấp sổ hồng và sổ đỏ và các chứng nhận tài sản
khác trên đất sẽ được gộp vào một loại giấy và gọi chung là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu
tài sản gắn liền với đất”. Trước khi loại giấy này được chính thức cấp (khi dự án luật được thông qua) thì các
loại sổ đỏ, sổ hồng vẫn có giá trị pháp lý; sau khi được cấp thì công dân sẽ đổi sổ đỏ, sổ hồng để lấy giấy này
mà không phải trả phí. Cơ quan có thẩm quyền duy nhất về việc này là Bộ Tài nguyên - Môi trường.

4. Tăng lương tối thiểu lên 540.000 đồng/tháng

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu chung cũng như các đối
tượng đặc thù. Theo đó, từ 1/1/2008, mức lương tối thiểu chung để trả công cho người lao động làm công
việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường là 540.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng
dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở
các doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình,
cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động được quy định theo ba mức theo những
khu vực khác nhau: 620.000 đồng/tháng, mức 580.000 đồng/tháng và mức 540.000 đồng/tháng.

Cũng từ thời điểm trên, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, mức 1 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc TP Hà
Nội, TP HCM. Mức 900.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn được áp
dụng mức 580.000 đồng kể trên. Và mức 800.000 đồng/tháng áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động
trên các địa bàn còn lại.

5. Xoá bỏ hàng loạt các loại phí

Chính phủ đã thống nhất chủ trương sẽ xoá bỏ nhiều loại phí cho người dân kể từ năm 2008. Cụ thể nhiều
khoản phí cũng được bãi bỏ trong năm 2008 như: thuỷ lợi phí, phí an ninh trật tự, phí phòng chống thiên tai;
lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân cấp lần đầu; lệ phí địa chính. Ngày 27/12/07, tại cuộc giao lưu
trực tuyến về chính sách đất, đai, Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết đã thống nhất với lãnh đạo
Bộ Tài chính sẽ giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất từ 5% như hiện nay xuống còn 1% hoặc 2%. Các
khoản khác như: lệ phí trước bạ, tới đây sẽ miễn hoặc giảm mức đến mức thấp nhất.

6. Thả nổi giá một số mặt hàng chủ lực

Theo kế hoạch của Chính phủ, trong năm 2008 sẽ áp dụng giá thị trường cho mặt hàng dầu. Cụ thể, trong
quý I, sẽ tăng một bước giá dầu diesel và giá dầu hỏa, sau đó tùy theo diễn biến tình hình, trong quý II hoặc
III sẽ tăng giá diesel và giá dầu hỏa theo giá thị trường, chấm dứt bù lỗ cho hai mặt hàng này. Bên cạnh đó,
trong quý I/2008 sẽ tăng giá than bán cho 3 hộ tiêu thụ lớn là sản xuất xi măng, giấy và phân bón. Với mức
tăng này, than bán cho 3 hộ nói trên sẽ bằng với giá thành, thay vì chỉ bằng 67%-77% giá thành như hiện nay.
Đặc biệt giá điện sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình. Trong quý III, khi tăng giá điện bình quân 5,7% thì
cũng tăng 20% giá than bán cho điện. Bên cạnh đó, giá nước sạch và giá cước vận chuyển hàng không
cũng được điều chỉnh theo chi phí sản xuất, kinh doanh và nhu cầu, điều kiện của thị trường.

Mặc dù Chính phủ sẽ triển khai hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ và trợ giá cho những đối tượng có thu nhập
thấp, nhưng việc tăng giá một số mặt hàng chủ lực sẽ làm cho tỷ lệ tăng giá tiêu dùng trong năm 2008 được
dự báo vẫn sẽ ở mức cao.

7. Xoá bỏ các loại xe tự chế

Theo Nghị định 32 của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2008 các loại xe tự chế sẽ không còn được lưu hành. Cụ
thể các loại xe được lắp ráp từ các động cơ diesel một xi lanh tận dụng các tổng thành ô tô (còn gọi là xe
“độ”, xe “chế”) và xe tự chế 3, 4 bánh không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế, không đăng ký,
đăng kiểm theo quy định. Theo Bộ Giao thông vận tải, việc các xe tự chế không đảm bảo các điều kiện theo
quy định của Luật Giao thông đường bộ vẫn tiếp tục tham gia giao thông trái phép đã làm ảnh hưởng xấu đến
trật tự an toàn giao thông.

Hiện nay có rất nhiều người dân sử dụng các loại xe 3, 4 bánh tự chế để vận chuyển và làm kế sinh nhai.
Việc xoá bỏ những loại xe này là rất cần thiết để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông, tuy nhiên cũng sẽ ảnh
hưởng trực tiếp đến đời sống trước mắt của rất nhiều người dân.

(Sưu tầm)

You might also like