You are on page 1of 8

Xây dựng mô hình nông thôn mới ở nước ta hiện nay

(Cập nhật: 17/7/2008)

1- Nông thôn Việt Nam trước yêu cầu mới

Khái niệm “nông thôn” thường đồng nghĩa với làng, xóm, thôn…Trong tâm thức người Việt,
đó là một môi trường kinh tế sản xuất với nghề trồng lúa nước cổ truyền, không gian sinh tồn,
không gian xã hội và cảnh quan văn hoá xây đắp nên nền tảng tinh thần, tạo thành lối sống,
cốt cách và bản lĩnh của người Việt. Làng - xã là một cộng đồng địa vực, cộng đồng cư trú có
ranh giới lãnh thổ tự nhiên và hành chính xác định. Làng là một đơn vị tự cấp, tự túc về kinh
tế, có ruộng, có nghề, có chợ…tạo thành một không gian khép kín thống nhất. Làng - xã là
một cộng đồng tương đối độc lập về phong tục tập quán, văn hoá, là một đơn vị tự trị về
chính trị. Trong lịch sử, làng - xã là đơn vị hành chính cơ sở. Tuy nhiên làng - xã cũng có
những biến đổi ít nhiều qua các thời kỳ, nhưng nhìn chung cho đến trước năm 1945, qua các
biến động, làng vẫn giữ được những cấu trúc truyền thống cơ bản. Nông thôn được xác định
là tổng hợp của các làng, nói cách khác, Làng Việt là đơn vị cơ bản của nông thôn Việt Nam.

Làng - xã đã từng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước, là nơi lưu giữ
những giá trị văn hoá, nuôi dưỡng nguyên khí của dân tộc trước các nguy cơ đồng hoá, nô
dịch. Những giá trị nói trên của làng luôn luôn cần thiết cho phát triển đất nước, cần và sẽ
được tiếp tục trong mô hình nông thôn mới. Nhưng tính khép kín, tính tự cung tự cấp của mô
hình làng truyền thống rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.

Có thể nói, kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách phát triển nông
nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước ta đã có những thay đổi căn bản. Những nội dung
trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn như: xem nông nghiệp là mặt trận hàng
đầu, chú trọng các chương trình lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu,
phát triển kinh tế trang trại, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, xây dựng đời
sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở… đã bắt đầu tạo ra những
yếu tố mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Nhà nước đã phối hợp với
các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội trong nước để xoá đói giảm nghèo, cải thiện môi
trường thiên nhiên và môi trường xã hội ở nông thôn. Các chủ trương của Đảng, chính sách
của Nhà nước ta đã và đang đưa nền kinh tế nông nghiệp nước ta từ nền kinh tế kế hoạch
hoá - tập trung - quan liêu - bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
thể hiện ở những nét chính sau:

- Bước đầu thực hiện quy luật sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn nước ta.
Người nông dân đã có quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật
(máy móc, điện, đường, trường, trạm, hệ thống thuỷ nông…) đã có bước phát triển đáng kể.

- Lương thực tăng bình quân hàng năm 5% bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia, có
dự trữ, liên tục xuất khẩu với khối lượng lớn. Kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch đa dạng
hoá sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn.

- Trình độ sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ, nhiều loại sản phẩm đã được xây dựng
thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Trình độ thâm canh được nâng cao, chất lượng
nông sản được cải thiện đáng kể.

- Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng liên tục ở mức cao, kể cả trong điều
kiện không thuận lợi của ngoại cảnh (thời tiết, thị trường...). Kim ngạch xuất khẩu nông sản
có xu hướng tăng đều qua các năm, bình quân chiếm tới 25 - 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Cơ cấu kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực. Các ngành sản xuất phi nông nghiệp ở
nông thôn đã được mở rộng tuy chưa nhiều, trong đó có một số ngành nghề mới. Kết cấu hạ
tầng nông thôn ở nhiều vùng đã được cải thiện.
- Tỷ lệ hộ đói nghèo ở nông thôn giảm mạnh (từ 30% năm 1992 xuống 7% năm 2004, theo
tiêu chí cũ). Đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện, bộ mặt nông thôn không ít
nơi đã có dáng dấp hiện đại.

- Văn hoá, giáo dục, y tế có sự phát triển mới. Dân chủ hoá nông thôn, chương trình an sinh
xã hội, phát triển giới đang được tích cực thực hiện.

Những thành tựu đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn thời kỳ đổi mới là rất to
lớn, tuy nhiên, nông nghiệp và nông thôn nước ta vẫn tiềm ẩn những mâu thuẫn, thách thức
và bộc lộ những hạn chế không nhỏ. Nước ta vẫn là một nước nông nghiệp, nông dân đang
chiếm gần 74% dân số và chiếm đến 60,7% lao động xã hội. Thu nhập của nông dân chỉ
bằng 1/3 so với dân cư khu vực thành thị. Nhiều chính sách của Nhà nước đối với nông
nghiệp, nông thôn chưa thực sự hiệu quả, thiếu bền vững, ở nhiều mặt có thể nói là chưa
đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chưa đưa sản xuất
nông nghiệp ở nông thôn thành sản xuất hàng hoá thực sự.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là các chính sách chưa thấu đáo các vấn đề như: tầm
nhìn (mục tiêu); mô hình phát triển và các nguồn lực; xác định lợi ích thực tế của các bên liên
quan trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nên có phần thiên về thúc đẩy phát triển
ngành, mà chưa xem trọng đúng mức vai trò, lợi ích của chủ thể chính, động lực chính phát
triển nông nghiệp là nông dân. Phần lớn các chính sách hầu như chưa quan tâm thỏa đáng
trong việc xử lý tổng thể, hợp lý mối quan hệ giữa các vùng, các lĩnh vực trong ngành, giữa
nông thôn và thành thị, chưa đặt ra và giải quyết triệt để mối quan hệ giữa các yếu tố chính
của mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, dẫn đến tình trạng thiếu cụ thể, thiếu
khoa học trong quy trình hoạch định chính sách và triển khai chính sách; có nhiều chính sách
nhưng hiệu quả kinh tế, hiệu ứng xã hội của các chính sách không tương xứng với nguồn lực
đầu tư, hoặc thiếu bền vững.

Góp phần khắc phục một cách cơ bản tình trạng trên, đưa Nghị quyết của Đảng về nông thôn
đi vào cuộc sống, một trong những việc cần làm trong giai đoạn này là xây dựng mô hình
nông thôn mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập nền kinh tế thế
giới.

Đây là chính sách về một mô hình phát triển cả nông nghiệp và nông thôn, nên vừa mang
tính tổng hợp, bao quát nhiều lĩnh vực, vừa đi sâu giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, đồng
thời giải quyết các mối quan hệ với các chính sách khác, các lĩnh vực khác trong sự tính
toán, cân đối mang tính tổng thể, khắc phục tình trạng rời rạc, hoặc duy ý chí.

Từ thực tiễn đó, đã xuất hiện nhiều ý tưởng nghiên cứu và triển khai mô hình nông thôn mới.
Từ năm 2001 đến 2006, cả nước đã triển khai thí điểm Đề án xây dựng mô hình nông thôn
mới cấp xã theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hợp tác hoá, dân chủ hoá, do Ban
Kinh tế Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo. Theo Quyết định
2614/QĐ/BNN-HTX ngày 8-9-2006 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã
triển khai mô hình làng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hợp tác
hoá, dân chủ hoá tại trên 200 làng điểm ở các địa phương trong cả nước. Qua các dự án ở
Đồng Nai, Từ Sơn (Bắc Ninh), Quỳnh Lưu (Nghệ An), Cai Lậy (Tiền Giang)… có thể rút ra
một số vấn đề như sau:

Bước đầu có một số mô hình thí điểm đã phát huy nội lực trên cơ sở dựa vào sức dân, tranh
thủ sự trợ giúp của Nhà nước và các nguồn lực bên ngoài; xây dựng nông thôn có kinh tế
phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, đời sống nhân dân được nâng cao, kết cấu hạ tầng
đồng bộ, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Ở các mô hình thí điểm, tốc độ tăng trưởng kinh tế
khá cao (từ năm 2000-2005, Từ Sơn đạt 16,4% ; Quỳnh Lưu: 17, 5%; Cai Lậy: 9,04%), thu
nhập bình quân đầu người tăng mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sinh
hoạt dân chủ khởi sắc… Tuy nhiên, ở các mô hình này cũng cho thấy nhiều thách thức đang
đặt ra, nổi bật là vấn đề ô nhiễm môi trường khu dân cư quanh các cụm công nghiệp làng
nghề; thiếu việc làm, dư thừa lao động trong nông thôn; kết cấu hạ tầng còn yếu kém; sản
xuất nông, lâm, thuỷ sản phát triển thiếu bền vững; tình trạng tranh mua, tranh bán xảy ra khá
phổ biến gây thiệt hại đến chính nông dân; sản xuất phi nông nghiệp phát triển kém do thiếu
mặt bằng sản xuất ...

Như vậy, những thử nghiệm này tuy rất quan trọng và có ý nghĩa, nhưng vẫn chưa xác định
được đầy đủ những tiêu chí, cấu trúc, khả năng áp dụng của mô hình nông thôn mới. Vấn đề
đang được đặt ra và cần phải tiếp tục nghiên cứu.

2 - Hình dung ban đầu về những tiêu chí của mô hình nông thôn mới

Sự hình dung chung của các nhà nghiên cứu về mô hình nông thôn mới là những kiểu mẫu
cộng đồng theo tiêu chí mới, tiếp thu những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại, song vẫn
giữ được những nét đặc trưng, tính cách Việt Nam trong cuộc sống văn hoá tinh thần.

Mô hình nông thôn mới được quy định bởi các tính chất: đáp ứng yêu cầu phát triển; có sự
đổi mới về tổ chức, vận hành và cảnh quan môi trường; đạt hiệu quả cao nhất trên tất cả các
mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội; tiến bộ hơn so với mô hình cũ; chứa đựng các đặc
điểm chung, có thể phổ biến và vận dụng trên cả nước. Như vậy, có thể quan niệm: mô hình
nông thôn mới là tổng thể những đặc điểm, cấu trúc tạo thành một kiểu tổ chức nông thôn
theo tiêu chí mới, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra cho nông thôn trong điều kiện hiện nay, là kiểu
nông thôn được xây dựng so với mô hình nông thôn cũ (truyền thống, đã có) ở tính tiên tiến
về mọi mặt.

Theo chúng tôi, có thể xác định một số tiêu chí của mô hình nông thôn mới như sau:

Một là, đơn vị cơ bản của mô hình nông thôn mới là làng - xã. Làng - xã thực sự là một cộng
đồng, trong đó quản lý của Nhà nước không can thiệp sâu vào đời sống nông thôn trên tinh
thần tôn trọng tính tự quản của người dân thông qua hương ước, lệ làng (không trái với pháp
luật của Nhà nước). Quản lý của Nhà nước và tự quản của nông dân được kết hợp hài hoà;
các giá trị truyền thống làng xã được phát huy tối đa, tạo ra bầu không khí tâm lý xã hội tích
cực, bảo đảm trạng thái cân bằng trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, giữ vững an
ninh trật tự xã hội,…nhằm hình thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nông
thôn.

Hai là, đáp ứng yêu cầu thị trường hoá, đô thị hoá, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuẩn bị
những điều kiện vật chất và tinh thần giúp nông dân làm ăn sinh sống và trở nên thịnh vượng
ngay trên mảnh đất mà họ đã gắn bó lâu đời. Trước hết, cần tạo cho người dân có điều kiện
để chuyển đổi lối sống và canh tác tự cung tự cấp, thuần nông (cổ truyền) sang sản xuất
hàng hoá, dịch vụ, du lịch, để họ “ly nông bất ly hương”.

Ba là, có khả năng khai thác hợp lý và nuôi dưỡng các nguồn lực, đạt tăng trưởng kinh tế
cao và bền vững; môi trường sinh thái được giữ gìn; tiềm năng du lịch được khai thác; làng
nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục; ứng dụng công nghệ cao
về quản lý, về sinh học...; cơ cấu kinh tế nông thôn phát triển hài hoà, hội nhập địa phương,
vùng, cả nước và quốc tế.

Bốn là, dân chủ nông thôn mở rộng và đi vào thực chất. Các chủ thể nông thôn (lao động
nông thôn, chủ trang trại, hộ nông dân, các tổ chức phi chính phủ, nhà nước, tư nhân…) có
khả năng, điều kiện và trình độ để tham gia tích cực vào các quá trình ra quyết định về chính
sách phát triển nông thôn; thông tin minh bạch, thông suốt và hiệu quả giữa các tác nhân có
liên quan; phân phối công bằng. Người nông dân thực sự “được tự do và quyết định trên
luống cày và thửa ruộng của mình”, lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh làm giàu cho
mình, cho quê hương theo đúng chủ trương đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật
của Nhà nước.

Năm là, nông dân, nông thôn có văn hoá phát triển, dân trí được nâng lên, sức lao động
được giải phóng, nhiệt tình cách mạng được phát huy. Đó chính là sức mạnh nội sinh của
làng xã trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Người nông dân có cuộc sống ổn định,
giàu có, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật và tay nghề cao, lối sống văn minh hiện đại
nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hoá, bản sắc truyền thống “tắt lửa tối đèn” có nhau, tin
tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia tích cực mọi phong trào chính trị, kinh tế, văn
hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…nhằm vừa tự hoàn thiện bản thân, nâng cao chất
lượng cuộc sống của mình, vừa góp phần xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp.

3 - Những nhân tố chính của mô hình nông thôn mới

Từ những tiêu chí trên đây, bước đâu có thể nêu một số nhân tố chính của mô hình nông
thôn mới.

Về kinh tế, nông thôn có nền sản xuất hàng hoá mở, hướng đến thị trường và giao lưu, hội
nhập. Để đạt được điều đó, kết cấu hạ tầng của nông thôn phải hiện đại, tạo điều kiện cho
mở rộng sản xuất giao lưu buôn bán.

- Thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, khuyến khích mọi người tham gia vào
thị trường, hạn chế rủi ro cho nông dân, điều chỉnh, giảm bớt sự phân hoá giàu nghèo, chênh
lệch về mức sống giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị.

- Hình thức sở hữu đa dạng, trong đó chú ý xây dựng mới các hợp tác xã theo mô hình kinh
doanh đa ngành. Hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với
các phương án sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề ở nông thôn.

- Sản xuất hàng hoá có chất lượng cao, mang nét độc đáo, đặc sắc của từng vùng, địa
phương. Tập trung đầu tư vào những trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến bảo quản,
chế biến nông sản sau thu hoạch.

Về chính trị, phát huy dân chủ với tinh thần thượng tôn pháp luật, gắn lệ làng, hương ước
với pháp luật để điều chỉnh hành vi con người, đảm bảo tính pháp lý, tôn trọng kỷ cương
phép nước, phát huy tính tự chủ của làng xã.

Phát huy tối đa Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tôn trọng hoạt động của các hội, đoàn thể, các tỏ
chức hiệp hội vì lợi ích cộng đồng, nhằm huy động tổng lực vào xây dựng nông thôn mới.

Về văn hoá xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, giúp nhau xoá đói giảm
nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Về con người, xây dựng hình mẫu người nông dân sản xuất hàng hoá khá giả, giàu có; kết
tinh các tư cách: công dân, thể nhân, dân của làng, người con của các dòng họ, gia đình.

Về môi trường, xây dựng, củng cố, bảo vệ môi trường, du lịch sinh thái. Bảo vệ rừng đầu
nguồn, chống ô nhiễm nguồn nước, môi trường không khí và chất thải từ các khu công
nghiệp để nông thôn phát triển bền vững.

Các nội dung trên trong cấu trúc mô hình nông thôn mới có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, tổ chức điều hành quá trình hoạch định và thực thi chính
sách, xây dựng đề án, cơ chế, tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nguồn lực, tạo
điều kiện, động viên tinh thần. Nhân dân tự nguyện tham gia, chủ động trong thực thi và
hoạch định chính sách. Trên tinh thần đó, các chính sách kinh tế - xã hội sẽ tạo hiệu ứng tổng
thể nhằm xây dựng mô hình nông thôn mới./.
Nguon bao dien tu

Kết luận về đánh giá mô hình trình diễn nông nghiệp trong chương trình dự án hỗ trợ của
chính phủ
Phạm Duy Long–Ban Quản Lý Dự án Giảm nghèo khu vực miền Trung tỉnh
Quảng Bình Thành viên mạng lưới SURDM (sưu tầm)
Các mô hình trình diễn nông nghiệp đang được thực hiện hiệu quả trong phát triển
nông thôn. Hầu hết các mô hình trình diẽn đó đã có những đóng góp đáng kể trong
việc giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và chất lượng tốt
nhằm tăng năng suất nông nghiệp. Nhiều kỹ thuật canh tác mới cũng được nông dân
áp dụng thông qua các mô hình trình diễn.
Để có cái nhìn về việc triển khai mô hình trình diễn nông nghiệp. Tôi xin giới thiệu
với các bạn đọc về kết luận đánh giá quá trình triển khai mô hình trình diễn nông
nghiệp trong các dự án và chương trình của Chính phủ về phát triển nông thôn để các
bạn tham khảo
+ Nghiên cứu đã tìm ra rất nhiều kinh nghiệm quý và cũng phát hiện được
nhiều vấn đề nổi cộm trong quá trình triển khai mô hình trình diễn. Thành công
của các mô hình diễn là tập hợp của nhiều yếu tố liên quan đến việc xác định mô
hình, công tác chuẩn bị, quá trình thực hiện, công tác chuyển giao, sự tham gia của
cán bộ khuyến nông và nông dân. Thông qua các hoạt động như thiết kế, lập kế
hoạch, tập huấn, tham quan, cán bộ khuyến nông và nông dân đã có sự hợp tác
chặt chẽ và những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết cũng như kỹ
năng làm việc của cả cán bộ quản lý dự án và nông dân. Điều đó cũng góp phần
quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Hầu hết các
mô hình trình diễn được đánh giá là thành công, đặc biệt là những mô hình về cây
hàng năm, gia cầm và chăn nuôi gia súc nhỏ. Những nguyên nhân chủ yếu cho sự
thành công của những mô hình đó là:
- Chú trọng đến phương pháp PRA để đánh giá nhu cầu của nông dân và cộng
đồng.
- Tính toán đến các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội trong khi xây dựng mô
hình.
- Vai trò của cán bộ khuyến nông cơ sở là đóng góp lớn cho sự thành công.
- Mức độ hỗ trợ của các nhà lãnh đạo chính quyền, cán bộ khuyến nông, các
tổ chức đoàn thể là yếu tố quan trọng trong sự thành công của mô hình và việc
nhân rộng chúng.
+ Ngày càng có nhiều mô hình trình diễn thành công, bền vững có thể
nhân rộng nếu:
- Các cuộc nghiên cứu thực địa, các hội thảo phải được thực hiện kết hợp với
học hỏi tham quan ngay tại địa bàn để quảng cáo cho mô hình.
- Các hoạt động sau mô hình trình diẽn phải được khuyến khích một cách có
hệ thống với chiến lưọc nhân rộng mô hình rỏ ràng để thành công.
- Cần có sự liên kết chặt chẻ hơn nữa giữa các cơ quan chính quyền, các tổ
chức dịch vụ khuyến nông, nông dân và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác như
tín dụng, giống.
+ Nghiên cứu đã phát hiện ra những vấn đề nổi cộm cần phải có sự quan
tâm hơn nữa của các tổ chức và dự án khuyến nông:
- Hoạt động PRA được giao cho các hợp phần khác nhau của dự án và thiếu
những cán bộ có trình độ cao dẩn đến hoạt động có nội dung và chất lượng
không đảm bảo, lặp đi lặp lại, gây tâm lý buồn tẻ cho người tham gia.
- Thiếu quan tâm đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể của địa
phương ở vùng dự án, trong khi chuẩn bị mô hình trình diễn, dẩn đến sự phân
tán, manh mún và đôi khi lặp lại mô hình. Điều đó cũng có thể dẫn đến thiếu
các mô hình trình diễn nhằm hỗ trợ cho chiến lược phát triển ở địa phương.
- Việc xác định cụ thể trước các mô hình trình diễn trong các tài liệu dự án
làm giảm tính linh hoạt trong việc thực hiện ở các cấp địa phương. Hơn nửa,
việc giải ngân chậm chạp do thủ tục phức tạp rườm rà dẩn đến việc triển khai
mô hình bị trì hoản và chậm chạp từ đó làm giảm tính hấp dẩn của mô hình đối
với nông dân và các tổ chức thực hiện.
- Những người tham gia vào mô hình trình diễn đôi khi không được những
người dân địa phương coi là những nông dân chủ chốt, do đó các nông dân
khác sẽ khó khăn trong việc làm theo họ và nhân rộng mô hình
- Cán bộ khuyến nông cơ sở thiếu kiến thức về sản xuất, trồng trọt và chăn
nuôi. Họ chịu sự điều khiển từ 2 phía đó là cơ quan khuyến nông và chính
quyền địa phương, đôi khi họ bị dồn rất nhiều nhiệm vụ khác từ phía chính
quyền địa phương. Điều này chắc chắn sẽ dẩn đến những hạn chế, cản trở trong
việc triển khai và nhân rộng thành công các mô hình trình diễn.
- Sự hợp tác không đầy đủ giữa khuyến nông với các đơn vị dịch vụ khác như
các công ty cung ứng giống cây, các doanh nghiệp chế biến nông sản và tiêu
thụ sản phẩm đã không hổ trợ cho sự phát triển tổng hợp các mô hình trình diễn
và các chiến lược áp dụng mô hình đó.
- Mặc dù phải gánh vác phần lớn các hoạt động nông nghiệp, phụ nữ vẫn
chưa được chú ý trong quá trình xác định các mô hình, triển khai và đào tạo tập
huấn
Khuyến nghị
+ Quá trình chuẩn bị xây dựng mô hình khuyến nông trình diễn nên quan
tâm hơn đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hơn nữa, cách
tiếp cận toàn diện trong đó có sự phối hợp giữa các cơ quan khuyến nông, và tín
dụng, các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra nên được áp dụng.
Việc thực hiện PRA/PLA bởi các cơ quan độc lập nên được áp dụng cho tất cả các
hoạt động trong khuôn khổ của dự án và nên chú ý đến các dạng mô hình trình
diễn ngắn hạn, dài hạn.
+ Thiết kế nên được giới hạn trong khuôn khổ nhất định, tạo ra tính linh
hoạt đối với địa phương và người hưởng lợi để họ cụ thể hóa và lựa chọn mô hình
trình diễn mà họ thực sự cần thiết. Các chỉ tiêu giám sát đánh giá quá trình triển
khai mô hình nên được cụ thể hóa một cách rõ ràng.
+ Các hộ nông dân được lựa chọn nên là những hộ chủ chốt, có kỹ năng sư
phạm và có vai trò quan trọng trong cộng đồng. Đó là những yếu tố quan trọng khi
lựa chọn người tham gia mô hình. Nâng cao năng lực thực hiện dưới nhiều dạng
khác nhau.
+ Đối với giống cây trồng và vật nuôi đã trở nên quen thuộc, không cần
thiết phải có hỗ trợ về tài chính đối với các mô hình trình diễn mà chỉ giới thiệu kỹ
thuật trồng trọt và chăn nuôi tiên tiến. Hỗ trợ đầu vào ở mức độ nhất định chỉ nên
áp dụng cho các mô hình giới thiệu các giống cây trồng vật nuôi mới.
+ Để tiến tới có nguồn gốc bền vững cho dịch vụ khuyến nông thì nguyên
tắc thu hồi chi phí đối với các cung cấp đầu vào cho các mô hình trình diễn cần
được xem xét để áp dụng. Việc này đòi hỏi thiết lập quỹ quay vòng cho các dịch
vụ khuyến nông và sẽ tránh được sự phụ thuộc vào các dự án và nhà tài trợ của
Chính phủ trong việc triển khai các mô hình trình diễn và bảo đảm tính linh hoạt.
+ Cung cấp tín dụng cho việc nhân rộng các mô hình là cần thiết đối với
những nơi mà thị trường tín dụng chính thống còn kém phát triển. Không cần thiết
phải có hợp phần này ở những vùng mà hoạt động của hệ thống ngân hàng sôi
động và dễ tiếp cận tín dụng.
+ Tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan khuyến nông với các doanh
nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm là rất quan trọng và cần thiết để
đảm bảo rằng nếu nhân rộng mô hình thì khối lượng sản phẩm sản xuất ra sẽ vẫn
tiêu thụ được với giá hợp lý.
+ Để phát triển nông nghiệp, vai trò của cán bộ khuyến nông cơ sở là rất
quan trọng. Các dự án nên tập trung vào nâng cao năng lực cho những cán bộ này
bằng cách tập huấn kịp thời và hỗ trợ bằng cách tăng lương cho họ.
+ Nâng cao năng lực phân tích thị trường cho cán bộ khuyến nông là một
vấn đề rất cần thiết. Do vậy, có thể là rất có ích nếu tăng cường sự hợp tác giữa
các trung tâm khuyến nông với cơ quan tiêu thụ và nghiên cứu thị trường sản
phẩm nông nghiệp.
Nguồn: Báo cáo nghiên cứu chuyên đề đánh giá quá trình triển khai mô hình trình
diễn nông nghiệp trong dự án và chương trình của Chính phủ về phát triển nông thôn
- Dự án VIE/01/023 “Tăng cường năng lực Quản lý phát triển nông thôn tổng hợp” -
UNDP
SƠ QUA VỀ QUẢN LÝ
Những nhà quản lý có kinh nghiệm đều thống nhất một quan điểm rằng để trở thành
một biên tập giỏi, một nhà quản lý giỏi, một lãnh đạo giỏi thì bài học quan trọng nhất
là trước hết phải chú ý đến yếu tố con người - tức là chính những nhân viên của mình.

Có thể tổng kết 10 chữ dành cho những người sẽ hoặc đang nắm giữ trọng trách quản
lý các tờ báo như sau:

1. Chính trực: Phải là một người ngay thẳng. Mọi người cần phải tin tưởng vào bạn
cũng như những lời nói của bạn. Bạn phải là người dũng cảm, đầy nhuệ khí. Phải luôn
nói sự thực dù đứng trước bất kỳ quyền lực nào.

2. Năng lực: Cần phải biết cách thức tiến hành công việc của bản thân và của cả các
nhân viên dưới quyền. Bạn phải phân tích được các vấn đề rắc rối và đưa ra được giải
pháp. Tỷ lệ đưa ra các quyết định và đánh giá đúng đắn của bạn phải cao. Và bạn phải
chứng tỏ được năng lực của mình mà không làm phương hại niềm tin của những
người khác.

3. Tổ chức: Bạn không chỉ là người có đầu óc tổ chức mà còn phải hiểu rõ tại sao điều
đó lại quan trọng. Quyết đoán là kết quả của khả năng tổ chức.

4. Thành thật: Bạn phải nói lên quan điểm của mình một cách rõ ràng và bình tĩnh,
luôn trung thực trong đánh giá về bản thân, về các đồng nghiệp và cả những người
cấp cao hơn. Phải hiểu rõ chính bản thân mình.

5. Tầm nhìn: Phải làm cho mọi người thấy rõ họ được trông đợi đạt được điều gì. Đặt
ra các mục tiêu rõ ràng và lập một kế hoạch chi tiết để thực hiện.

6. Chia sẻ: Thông tin là sức mạnh. Hãy chia sẻ sức mạnh bằng cách chia sẻ thông tin.
Đảm bảo rằng mọi người đều biết họ cần phải biết những gì để đạt được những mục
tiêu chung cũng như các mục tiêu cá nhân, và có thể đưa ra những quyết định khôn
ngoan trong hoàn cảnh của mình.

7. Nhân ái: Những người làm việc dưới quyền bạn không chỉ là các nhân viên luôn
làm việc theo chỉ đạo. Hãy chứng tỏ với họ rằng bạn nhìn nhận họ như những cá nhân
với sở thích riêng, hy vọng riêng, những nỗi sợ hay niềm hạnh phúc riêng, và đều có
những gia đình riêng. Hãy cố gắng nhớ tên vợ/chồng, con cái họ, ngày sinh của họ
cũng như các dịp kỷ niệm khác. Hãy cố gắng hiểu tính tình của họ. Hãy nói chuyện
trực diện với họ.

8. Hỗ trợ: Hãy luôn bảo vệ các nhân viên của mình. Hãy dành những lời khen đúng
lúc cho họ. Làm tăng niềm tin của họ, làm chọ họ cảm nhận được giá trị của mình và
thường xuyên nhắc nhở họ về điều đó. Tạo cho họ cơ hội để được đào tạo. Hãy hưỡng
dẫn cho họ, giúp họ phát triển.

9. Thời gian: Thời gian là thứ quý giá nhất. Hãy làm việc có kế hoạch, đúng hẹn.

10. Tin tưởng: Ủy quyền cho cấp dưới. Tạo cho họ cơ hội để thành công, và cả thất
bại. Hãy chứng tỏ bạn tin tưởng vào họ./.

You might also like