You are on page 1of 15

CÔNG ƯỚC VỀ THỐNG NHẤT MỘT SỐ QUY TẮC LIÊN QUAN ĐẾN

VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ


Chương 1.
PHẠM VI ÁP DỤNG - ĐỊNH NGHĨA
Điều 1.
1. Công ước này áp dụng đối với tất cả việc vận chuyển quốc tế bằng tầu
bay, người, hành lý, hàng hóa để kiếm lời. Công ước cũng áp dụng đối với
việc vận chuyển bằng tầu bay không nhằm mục đích kiếm lời do một doanh
nghiệp vận tải hàng không tiến hành.
2. Nhằm mục đích của Công ước này, cụm từ “vận chuyển quốc tế” có nghĩa
là bất kỳ việc vận chuyển nào trong đó, theo hợp đồng ký kết giữa các bên,
nơi xuất phát và nơi đến, có hoặc không có gián đoạn hay chuyển tải ở trong
hoặc lãnh thổ của các bên ký kết hoặc trong lãnh thổ của một bên ký kết, nếu
có một nơi dừng thỏa thuận trong lãnh thổ thuộc chủ quyền, bá quyền, quyền
ủy trị hoặc ủy thác của một Quốc gia khác, thậm chí Quốc gia đó không phải
là một thành viên của Công ước này. Việc vận chuyển không có điểm dừng
thỏa thuận như trên giữa các lãnh thổ thuộc chủ quyền, bá quyền, quyền ủy
trị hoặc ủy thác của cùng một bên ký kết thì không được coi là việc vận
chuyển quốc tế nhằm mục đích của Công ước này.
3. Nhằm mục đích của Công ước này, việc vận chuyển do nhiều người vận
chuyển hàng không liên tiếp thực hiện được coi là một việc vận chuyển
không gián đoạn, nếu có được các bên ký kết coi là một khai thác đơn hoặc
được thỏa thuận dưới dạng một hợp đồng đơn, hoặc dưới hình thức một số
hợp đồng và nó không mất tính chất quốc tế chỉ vì một hợp đồng hoặc một
số hợp đồng được thực hiện hoàn toàn trong một lãnh thổ thuộc chủ quyền,
bá quyền, quyền ủy trị hoặc ủy thác của cùng một bên ký kết.
Điều 2.
1. Công ước này được áp dụng đối với việc vận chuyển do Nhà nước hoặc tổ
chức được thành lập một cách hợp pháp theo công luật, miễn là nằm trong
phạm vi những điều kiện nói tại Điều 1.
2. Công ước này không được áp dụng đối với việc vận chuyển được tiến
hành theo những điều kiện của bất kỳ Công ước quốc tế về bưu điện nào.
Chương 2.
CHỨNG TỪ VẬN CHUYỂN
Phần 1.
VÉ HÀNH KHÁCH
Điều 3.
1. Để vận chuyển hành khách, người vận chuyển phải giao cho hành khách
vé gồm các chi tiết sau:
a. Nơi và ngày xuất vé;
b. Nơi khởi hành và nơi đến;
c. Các điểm dừng thỏa thuận, với điều kiện là người vận chuyển có thể bảo
lưu quyền thay đổi các điểm dừng trong trường hợp cần thiết và nếu người
vận chuyển thực hiện quyền đó, thì việc thay đổi này sẽ không ảnh hưởng
đến việc làm mất tính chất quốc tế của vận chuyển;
d. Tên và địa chỉ của người vận chuyển hoặc các người vận chuyển;
e. Một tuyên bố rằng việc vận chuyển lệ thuộc vào những quy tắc liên quan
tới trách nhiệm do Công ước này xác lập.
2. Việc thiếu, không đúng quy cách hoặc mất vé hành khách không ảnh
hưởng tới sự tồn tại hoặc giá trị của hợp đồng vận chuyển, mà phải phụ
thuộc vào những quy tắc của Công ước này. Tuy nhiên, nếu người vận
chuyển chấp nhận hành khách không có vé hành khách mà vé đó đã được
giao, thì người vận chuyển không có quyền vận dụng những điều kiện của
Công ước này để loại bỏ hoặc hạn chế trách nhiệm của mình.
Phần 2.
VÉ HÀNH LÝ
Điều 4.
1. Để vận chuyển hành lý không phải là những vật dụng cá nhân hành khách
tự mang theo, người vận chuyển phải trao vé hành lý.
2. Vé hành lý được lập thành hai bản giống nhau, một bản giành cho hành
khách và bản kia giành cho người vận chuyển.
3. Vé hành lý bao gồm những chi tiết sau:
a. Nơi và ngày xuất vé;
b. Nơi khởi hành và nơi đến;
c. Tên và địa chỉ của người vận chuyển hoặc các người vận chuyển;
d. Số của vé hành khách;
e. Một tuyên bố rằng hành lý phải được giao cho người giữ vé hành lý này;
f. Số và trọng lượng của các kiện;
g. Giá trị kê khai theo Điều 22 (2);
h. Một tuyên bố rằng việc vận chuyển lệ thuộc vào các quy tắc liên quan tới
trách nhiệm mà Công ước này xác lập.
4. Việc thiếu, không đầy đủ hoặc mất vé hành lý không làm ảnh hưởng đến
sự tồn tại hoặc giá trị của hợp đồng vận chuyển, mà phải lệ thuộc vào các
quy tắc của Công ước này. Tuy nhiên, nếu người vận chuyển nhận hành lý
mà không có vé hành lý đã được giao hoặc nếu vé hành lý không bao gồm
các chi tiết nói tại các điểm (d), (f) và (h) nêu trên, thì người vận chuyển sẽ
không có quyền vận dụng những quy định của Công ước này để loại bỏ hoặc
giới hạn trách nhiệm của mình.
Phần 3.
KHÔNG VẬN ĐƠN
Điều 5.
1. Mỗi người vận chuyển hàng hóa có quyền yêu cầu người gửi hàng lập và
giao cho mình một chứng từ gọi là “không vận đơn”; mỗi người gửi hàng có
quyền yêu cầu người vận chuyển chấp nhận chứng từ này.
2. Việc thiếu, không hợp quy cách và mất không vận đơn không ảnh hưởng
đến sự tồn tại, hoặc giá trị của hợp đồng vận chuyển phụ thuộc vào các quy
định của Điều 9, tuy nhiên còn bị các quy tắc của Công ước này điều chỉnh.
Điều 6.
1. Người gửi hàng phải lập ba bộ không vận đơn và giao không vận đơn
cùng với hàng hóa.
2. Bộ thứ nhất ghi “giành cho người vận chuyển” và do người gửi hành lý.
Bộ thứ hai ghi “giành cho người nhận hàng” do người gửi hàng và người
vận chuyển cùng ký và gửi kèm theo hàng hóa. Bộ thứ ba do người vận
chuyển ký và người vận chuyển trao cho người gửi hàng sau khi nhận hàng.
3. Người vận chuyển ký vào lúc nhận hàng.
4. Chữ ký của người vận chuyển có thể được đóng dấu; chữ ký của người
gửi hàng có thể đánh máy hoặc đóng dấu.
5. Theo yêu cầu của người gửi hàng, nếu người vận chuyển lập không vận
đơn, thì người vận chuyển được coi là đã thay mặt người gửi hàng làm như
vậy, trừ khi có chứng minh ngược lại.
Điều 7.
Người vận chuyển hàng hóa có quyền yêu cầu người gửi hàng lập không vận
đơn riêng khi có hai kiện hàng trở lên.
Điều 8.
Không vận đơn bao gồm những chi tiết sau:
a. Nơi và ngày lập;
b. Nơi đi và nơi đến;
c. Các nơi dùng thỏa thuận, với điều kiện người vận chuyển có thể bảo lưu
quyền thay đổi các nơi dùng trong trường hợp cần thiết và nếu người vận
chuyển thực hiện quyền đó, thì việc thay đổi nơi dừng không ảnh hưởng đến
việc tước bỏ tính chất quốc tế của vận chuyển;
d. Tên và địa chỉ của người gửi hàng;
e. Tên và địa chỉ của người vận chuyển thứ nhất;
f. Tên và địa chỉ của người nhận hàng nếu có yêu cầu như vậy;
g. Bản chất của hàng hóa;
h. Số lượng và phương thức đóng gói và ký mã hiệu chi tiết hoặc số của các
kiện hàng;
i. Trọng lượng, số lượng và khối lượng hoặc kích thước hàng hóa;
j. Điều kiện bên ngoài của hàng hóa và hình thức đóng gói;
k. Nếu đã thoả thuận, thì cước phí, ngày và nơi thanh toán và người thanh
toán;
l. Nếu hàng được gửi thanh toán vào lúc giao hàng, thì giá hàng và nếu
trường hợp có yêu cầu chi phí phải trả.
m. Giá trị kê khai theo Điều 22 (2);
n. Số bộ không vận đơn;
o. Các chứng từ đưa cho người vận chuyển kèm theo không vận đơn;
p. Thời gian ấn định hoàn thành việc vận chuyển và tóm tắt hành trình nếu
vấn đề này đã được thỏa thuận;
q. Lời tuyên bố rằng việc vận chuyển thường lệ thuộc vào những quy tắc
liên quan tới trách nhiệm mà Công ước này lập nên.
Điều 9.
Nếu người vận chuyển nhận hàng không có không vận đơn đã được lập hoặc
nếu không vận đơn không ghi mọi chi tiết nêu từ điểm (a) đến (i) và (p) của
Điều 8 thì người vận chuyển sẽ không được quyền vận dụng những quy định
này của Công ước này để loại bỏ hoặc hạn chế trách nhiệm của mình.
Điều 10.
1. Người gửi hàng chịu trách nhiệm về sự chính xác của các chi tiết và các
lời khai liên quan đến hàng hóa mà người đó điền vào vận đơn.
2. Người gửi hàng phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại mà người vận
chuyển hoặc bất kỳ người nào khác phải gánh chịu do khai không hợp quy
cách, sai hoặc không đầy đủ mọi chi tiết và các lời khai.
Điều 11.
1. Vận đơn hàng không là bằng chứng hiển nhiên của việc ký kết hợp đồng
về việc tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện vận chuyển.
2. Những lời khai trong không vận đơn liên quan đến trọng lượng, kích
thước và bao gói hàng hóa, cũng như chi tiết liên quan tới số kiện là bằng
chứng hiển nhiên của các sự thật đã kê khai; những chi tiết liên quan đến số
lượng, khối lượng và điều kiện hàng hóa không tạo nên bằng chứng để kiện
người vận chuyển trừ khi những chi tiết trên đã được ghi trong không vận
đơn và đã được người vận chuyển với sự chứng kiến của người gửi hàng
kiểm tra hoặc các chi tiết đó liên quan đến điều kiện rõ ràng của hàng hóa.
Điều 12.
1. Phụ thuộc vào trách nhiệm của mình thực hiện mọi nghĩa vụ theo hợp
đồng vận chuyển, người gửi hàng có quyền định đoạt hàng hóa bằng cách
lấy hàng lại tại cảng hàng không đi hoặc đến, hoặc yêu cầu giao tại nơi đến
hoặc trong hành trình cho một người khác người nhận có tên trong vận đơn,
hoặc bằng cách yêu cầu vận chuyển chở lại cảng hàng không khởi hành.
Người gửi hàng không được quyền định đoạt hàng hóa theo cách trên khi
gây tổn hại tới người vận chuyển hoặc người gửi hàng khác và người gửi
hàng phải thanh toán mọi chi phí khi thực hiện quyền này.
2. Nếu không thể thực hiện các mệnh lệnh trên của người gửi hàng, thì
người vận chuyển phải thông báo ngay lập tức cho người gửi hàng biết.
3. Nếu người vận chuyển tuân theo lệnh của người gửi hàng định đoạt hàng
hóa mà không yêu cầu xuất trình bộ không vận đơn đã trao cho người gửi
hàng, thì người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại có thể xảy
ra trong khi thi hành mệnh lệnh đối với bất kỳ người nào có quyền sở hữu
hợp pháp bộ không vận đơn đó, điều này không tổn hại đến quyền đòi lại từ
người gửi hàng.
4. Quyền giành cho người gửi hàng bị đình chỉ vào lúc quyền của người
nhận hàng bắt đầu theo Điều 13 dưới đây. Tuy nhiên, nếu người nhận hàng
từ chối nhận không vận đơn hoặc hàng hóa, nếu người vận chuyển không thể
liên lạc được với người nhận hàng, thì người gửi hàng tiếp tục quyền định
đoạt hàng hóa.
Điều 13.
1. Trừ những trường hợp nói tại Điều trên, khi hàng hóa tới địa điểm đến,
người nhận hàng được quyền yêu cầu người vận chuyển trao cho mình
không vận đơn và hàng hóa, đồng thời thanh toán các khoản lệ phí và tuân
theo các điều kiện vận chuyển ghi trong vận đơn.
2. Trừ khi có thỏa thuận khác, người vận chuyển có nhiệm vụ thông báo cho
người nhận hàng ngay sau khi hàng tới.
3. Nếu người vận chuyển thừa nhận mất hàng hoặc nếu hàng hóa không tới
sau bảy ngày kể từ ngày lẽ ra hàng phải tới thì người nhận hàng được quyền
khởi kiện người vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển.
Điều 14.
Người gửi hàng và người nhận hàng có thể thực hiện tương ứng tất cả các
quyền nêu tại các Điều 12 và 13 bằng tên của chính mình hoặc hành động
cho quyền lợi của chính mình hoặc cho quyền lợi của người khác, miễn là
thực hiện nghĩa vụ mà hợp đồng đã xác định.
Điều 15.
1. Các Điều 12, 13 và 14 không ảnh hưởng đến quan hệ của người gửi hàng
và người nhận hàng với nhau hoặc những quan hệ với người thứ ba mà
quyền lợi của họ bắt nguồn hoặc từ người gửi hàng hoặc từ người nhận
hàng.
2. Những quy định của các Điều 12, 13 và 14 chỉ có thể thay đổi bằng cách
quy định trong không vận đơn.
Điều 16.
1. Người gửi hàng phải cung cấp tin tức và gửi kèm theo không vận đơn
những chứng từ cần thiết để đáp ứng các thủ tục hải quan, thuế nhập cảnh
hoặc cảnh sát trước khi hàng có thể được giao cho người nhận hàng. Người
gửi hàng phải chịu trách nhiệm với người vận chuyển về mọi thiệt hại do
việc thiếu, không đầy đủ hoặc không hợp quy cách của bất kỳ thông tin hoặc
chứng từ nào trừ khi thiệt hại là do lỗi của người vận chuyển và đại lý của
họ.
2. Người vận chuyển không có nghĩa vụ thẩm tra việc đúng hoặc đủ các
thông tin hoặc chứng từ như vậy.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI VẬN CHUYỂN
Điều 17.
Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra trong trường hợp
hành khách chết và bị thương hoặc bất kỳ thương tích về thân thể nào của
hành khách, nếu tai nạn gây ra thiệt hại ở trên tầu bay hoặc trong quá trình
hoạt động xếp tải và dỡ tải.
Điều 18.
1. Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra trong trường
hợp mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hành lý hoặc hàng hóa ký gửi, nếu sự việc
gây thiệt hại xảy ra trong quá trình vận chuyển bằng tầu bay.
2. Việc vận chuyển bằng tầu bay trong phạm vi nghĩa vụ của khoản trên bao
gồm giai đoạn mà hành lý hoặc hàng hóa nằm trong sự bảo quản của người
vận chuyển cho dù ở trong cảng hàng không hoặc là ở trong tầu bay, hoặc
trong trường hợp hạ cánh ngoài cảng hàng không, sân bay, thì ở bất kể nơi
nào.
3. Giai đoạn vận chuyển bằng tầu bay không mở rộng tới bất kỳ việc vận
chuyển nào bằng đường bộ, đường biển hoặc đường sông tiến hành ngoài
cảnh hàng không. Tuy nhiên, nếu việc vận chuyển như vậy xảy ra trong khi
thực hiện hợp đồng vận chuyển bằng tầu bay nhằm mục đích lấy hàng, giao
hàng hoặc chuyển tải, thiệt hại được coi là kết quả của sự kiện xảy ra trong
quá trình vận chuyển bằng tầu bay, trừ khi có chứng minh ngược lại.
Điều 19.
Người vận chuyển chịu trách nhiệm về thiệt hại do sự chậm trễ xảy ra trong
quá trình vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa.
Điều 20.
1. Người vận chuyển không chịu trách nhiệm, nếu phía vận chuyển chứng
minh được rằng mình và đại lý của mình đã áp dụng mọi biện pháp để tránh
thiệt hại hoặc đã không thể áp dụng các biện pháp như vậy.
2. Trong vận chuyển hàng hóa và hành lý, người vận chuyển không chịu
trách nhiệm, nếu chứng minh được rằng thiệt hại xảy ra do lỗi trong việc lái
tầu bay trong việc chỉ huy tầu bay hoặc trong không vận và trong mọi
phương diện khác mà phía vận chuyển và đại lý của họ đã áp dụng mọi biện
pháp cần thiết để tránh thiệt hại.
Điều 21.
Nếu người vận chuyển chứng minh được rằng thiệt hại do lỗi của người bị
tổn thương gây ra hoặc góp phần gây ra thì toà án có thể miễn cho người vận
chuyển toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm, phù hợp với những quy định của
luật toà án.
Điều 22.
1. Trong vận chuyển hành khách trách nhiệm của người vận chuyển đối với
mỗi hành khách được giới hạn một khoản 125.000 Franc phù hợp với luật
toà án mà vụ kiện được thụ lý, thiệt hại được quyết định thanh toán bằng
hình thức trả theo định kỳ, giá trị tiền tương ứng của việc thanh toán nêu trên
không được vượt quá 125.000 Franc. Tuy nhiên, do hợp đồng đặc biệt,
người vận chuyển và hành khách có thể thỏa thuận giới hạn trách nhiệm cao
hơn.
2. Trong việc vận chuyển hành lý ký gửi và hàng hóa, trách nhiệm của người
vận chuyển được giới hạn ở một khoản 250 Franc cho mỗi một kilôgam, trừ
khi người gửi hàng công bố giá trị vào lúc giao hàng cho người vận chuyển
và trả một khoản tiền bổ sung nếu có yêu cầu như vậy. Trong trường hợp đó,
người vận chuyển phải chịu trách nhiệm trả một khoản tiền không vượt quá
giá trị đã công bố, trừ khi người vận chuyển chứng minh được rằng khoản
tiền bồi thường đó lớn hơn giá trị thực tế của hành lý người gửi giao hàng.
3. Đối với các đồ vật mà hành khách tự bảo quản, thì trách nhiệm của người
vận chuyển được giới hạn 5000 Franc cho mỗi hành khách.
4. Các khoản tiền đề cập ở trên được coi là đồng Franc Pháp chứa
62 miligram vàng 900/1000. Những khoản tiền này có thể được chuyển ra
bất kỳ tiền tệ quốc gia nào và làm tròn số.
Điều 23.
Bất kỳ quy định nào nhằm giảm bớt trách nhiệm của người vận chuyển hoặc
ấn định thấp hơn trách nhiệm mà đã quy định trong Công ước này đều vô
hiệu và không có giá trị, nhưng việc vô hiệu của bất kỳ quy định nào như
vậy không kéo theo sự vô hiệu của toàn bộ hợp đồng mà vẫn còn phụ thuộc
vào những quy định của Công ước này.
Điều 24.
1. Trong những trường hợp quy định trong các Điều 18 và 19, bất kỳ việc
kiện nào về thiệt hại, dù căn cứ vào đâu, chỉ có thể đưa ra toà phụ thuộc vào
những điều kiện và giới hạn quy định trong Công ước này.
2. Trong những trường hợp Điều 17 xác định, những quy định của khoản
trên cũng được áp dụng, không phương hại tới vấn đề ai là người có quyền
kiện và những quyền tương ứng của họ là gì.
Điều 25.
1. Người vận chuyển không được vận dụng những quy định của Công ước
này mà loại bỏ hoặc hạn chế trách nhiệm của mình. Nếu thiệt hại bị gây ra
do lỗi cố ý hoặc do sơ suất của người vận chuyển mà theo luật toà án thụ lý
vụ kiện này sơ suất đó được coi như tương đương với lỗi cố ý.
2. Tương tự như vậy, người vận chuyển không được quyền vận dụng những
quy định nói trên, nếu thiệt hại gây ra trong cùng trường hợp do bất kỳ đại lý
nào của người vận chuyển hành động trong phạm vi nhiệm vụ của anh ta.
Điều 26.
1. Việc người được quyền giao hành lý hoặc hàng hóa nhận hàng mà không
khiếu nại gì sẽ là bằng chứng rõ ràng rằng hàng hóa hoặc hành lý đã được
giao trong điều kiện tốt và phù hợp với chứng từ vận chuyển.
2. Trong trường hợp thiệt hại, người được quyền nhận hàng phải khiếu nại
với người vận chuyển ngay sau khi đã phát hiện ra thiệt hại và muộn nhất
trong vòng ba ngày kể từ ngày nhận đối với hành lý và bảy ngày kể từ ngày
nhận đối với hàng hóa. Trong trường hợp chậm trễ đơn khiếu nại phải làm
muộn nhất là trong vòng mười bốn ngày kể từ ngày mà hành lý hoặc hàng
hóa lẽ ra phải được đặt dưới sự định đoạt của người nhận.
3. Mỗi đơn khiếu nại phải được lập thành văn bản đúng với chứng từ vận
chuyển hoặc bằng thông báo riêng bằng văn bản gửi trong thời gian nói
trên.
4. Nếu không khiếu nại vào những thời gian nêu trên, thì không khởi kiện
nào đối với người vận chuyển được coi là hợp pháp, trừ trường hợp người
vận chuyển gian lận.
Điều 27.
Trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường chết, thì việc khởi kiện
đòi bồi thường thiệt hại được pháp luật chấp nhận theo những điều kiện của
Công ước này chống lại những người đại diện hợp pháp tài sản của người
đó.
Điều 28.
1. Theo sự lựa chọn của nguyên đơn, việc khởi kiện về thiệt hại phải được
tiến hành tại lãnh thổ của một trong các bên ký kết hoặc là trước tòa án có
nơi ở cố định của người vận chuyển, hoặc nơi có trụ sở kinh doanh chính
của người vận chuyển đó hoặc nơi người vận chuyển có cơ sở kinh doanh
mà hợp đồng được ký kết hoặc trước toà án nơi đến.
2. Những vấn đề về thủ tục tố tụng do luật toà án thụ lý vụ kiện điều chỉnh.
Điều 29.
1. Quyền về thiệt hại bị hủy bỏ, nếu việc khởi kiện không được thực hiện
trong vòng hai năm kể từ ngày tầu bay đến điểm đến hoặc từ ngày mà lẽ ra
tầu bay phải đến hoặc kể từ ngày việc vận chuyển chấm dứt.
2. Phương pháp tính thời gian giới hạn được xác định theo luật toà án mà thụ
lý vụ kiện.
Điều 30.
1. Trong trường hợp việc vận chuyển do nhiều người vận chuyển khác nhau
liên tiếp đảm nhận và không nằm trong phạm vi định nghĩa nói tại khoản 3,
Điều 1, thì mỗi người vận chuyển nhận hành khách, hành lý hoặc hàng hóa
phải theo những quy tắc được thiết lập trong Công ước này và được coi là
một trong các bên của hợp đồng vận chuyển trong chừng mực hợp đồng có
quan hệ tới chặng vận chuyển được thực hiện dưới sự giám sát của mình.
2. Trong trường hợp vận chuyển theo cách này, hành khách hoặc người đại
diện của họ chỉ có thể khởi kiện người vận chuyển thực hiện việc vận
chuyển mà tai nạn hoặc chậm trễ xảy ra, trừ trường hợp mà, bởi sự thỏa
thuận rõ ràng, người vận chuyển thứ nhất đảm nhận trách nhiệm cho toàn bộ
hành trình.
3. Đối với hành lý hoặc hàng hóa, hành khách hoặc người gửi hàng có quyền
khởi kiện nhà vận chuyển thứ nhất, và khởi kiện người vận chuyển cuối
cùng, hơn nữa mỗi người có thể khởi kiện người vận chuyển đã thực hiện
việc vận chuyển mà mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc chậm trễ xảy ra.
Những người vận chuyển này phải liên đới chịu trách nhiệm đối với hành
khách hoặc người gửi hàng hoặc người nhận hàng.
Chương 4.
NHỮNG QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC VẬN CHUYỂN KẾT HỢP
BẰNG ĐƯỜNG KHÔNG, ĐƯỜNG BỘ HOẶC ĐƯỜNG BIỂN
Điều 31.
1. Trong trường hợp vận chuyển kết hợp được tiến hành một phần bằng
đường hàng không hoặc một phần bằng bất kỳ hình thức vận chuyển nào
khác, thì những quy định của Công ước này chỉ áp dụng cho việc vận
chuyển bằng đường hàng không với điều kiện việc vận chuyển bằng đường
hàng không nằm trong phạm vi các điều kiện của Điều 1.
2. Không điều khoản nào trong Công ước này ngăn cản các bên trong trường
hợp vận chuyển kết hợp điều kiện liên quan tới các hình thức vận chuyển
khác, với điều kiện là các quy định của Công ước này được tuân thủ trong
khi vận chuyển bằng đường hàng không.
Chương 5.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VÀ CUỐI CÙNG
Điều 32.
Bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng và tất cả các thỏa thuận đặc biệt được
ký kết trước khi thiệt hại xảy ra do các bên vi phạm các quy tắc được Công
ước này quy định hoặc là bằng cách quyết định luật được áp dụng hoặc bằng
cách thay đổi quy tắc về quyền tài phán đều vô hiệu. Tuy nhiên, đối với việc
vận chuyển hàng hóa, những điều khoản trọng tài được cho phép, phụ thuộc
vào Công ước này, nếu trọng tài sẽ thay thế trong phạm vi một trong những
thẩm quyền tài phán nói tại khoản 1 Điều 28.
Điều 33.
Công ước này không ngăn cản người vận chuyển hoặc từ chối ký kết vào bất
kỳ một hợp đồng vận chuyển nào hoặc đưa ra các quy định mà không mâu
thuẫn với các quy định của Công ước này.
Điều 34.
Công ước này không áp dụng đối với việc vận chuyển quốc tế bằng tầu bay
được tiến hành thử nghiệm của các doanh nghiệp không vận nhằm thiết lập
các tuyến đường bay thường lệ, cũng không áp dụng đối với việc vận
chuyển trong các trường hợp đặc biệt ngoài phạm vi bình thường của hoạt
động kinh doanh của người vận chuyển.
Điều 35.
Từ “ngày” được dùng trong Công ước này có nghĩa là các ngày thông
thường, không phải ngày làm việc.
Điều 36.
Công ước này được làm bằng tiếng Pháp thành một bản lưu giữ ở Cơ quan
lưu trữ của Bộ Ngoại giao Ba Lan và Chính phủ Ba Lan phải gửi cho Chính
phủ mỗi bên ký kết một bản sao chính thức.
Điều 37.
1. Công ước này được phê chuẩn. Văn kiện phê chuẩn được lưu giữ tại cơ
quan lưu trữ của Bộ Ngoại giao Ba Lan và Bộ này phải thông báo về việc
lưu giữ tới các Chính phủ của mỗi bên ký kết.
2. Ngay sau khi Công ước này được năm trước ký kết phê chuẩn, thì Công
ước này có hiệu lực trong các nước đó vào ngày thứ chín mươi sau khi nước
thứ năm gửi văn kiện phê chuẩn. Sau đó nó sẽ có hiệu lực giữa các bên ký
kết đã phê chuẩn và các bên ký kết gửi văn kiện phê chuẩn vào ngày thứ
chín mươi sau khi gửi.
3. Chính phủ nước Cộng hòa Ba Lan có nhiệm vụ thông báo cho Chính phủ
mỗi Quốc gia ký kết ngày mà Công ước có hiệu lực cũng như ngày gửi mỗi
văn kiện phê chuẩn.
Điều 38.
1. Sau khi có hiệu lực, Công ước này được mở ra cho bất kỳ Quốc gia nào
tham gia.
2. Việc tham gia có hiệu lực bằng cách gửi thông báo cho Chính phủ nước
Cộng hòa Ba Lan và Chính phủ nước Cộng hòa Ba Lan phải thông báo cho
Chính phủ của mỗi bên ký kết về việc đó.
3. Việc tham gia sẽ có hiệu lực từ ngày thứ chín mươi sau khi thông báo cho
Chính phủ nước Cộng hòa Ba Lan.
Điều 39.
1. Bất kỳ một bên ký kết nào cũng có thể bãi ước Công ước này bằng cách
gửi thông báo cho Chính phủ nước Cộng hòa Ba Lan và Chính phủ nước này
lập tức phải thông báo cho Chính phủ của mỗi bên ký kết.
2. Việc bãi ước có hiệu lực sáu tháng sau khi có thông báo bãi ước và chỉ có
tác dụng đối với bên đã tiến hành bãi ước.
Điều 40.
1. Vào lúc ký hoặc gửi văn kiện phê chuẩn hoặc vào lúc gia nhập, bất kỳ bên
ký kết nào cũng có thể tuyên bố việc chấp nhận Công ước này không áp
dụng cho tất cả hoặc bất kỳ thuộc địa, nước bị bảo hộ, lãnh thổ dưới quyền
ủy trị nào của bên ký kết đó hoặc bất kỳ lãnh thổ nào khác thuộc chủ quyền
hoặc sự ủy thác của mình hoặc bất kỳ lãnh thổ nào khác thuộc bá quyền của
bên ký kết này.
2. Do đó bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể gia nhập riêng rẽ đứng tên tất cả
hoặc bất kỳ thuộc địa, nước bị bảo hộ lãnh thổ dưới quyền ủy trị nào của
mình hoặc bất kỳ lãnh thổ nào khác thuộc chủ quyền hoặc sự ủy thác của
bên này hoặc bất kỳ lãnh thổ nào khác thuộc bá quyền của bên này mà bị
tuyên bố chính thức loại trừ.
3. Bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể bãi ước Công ước này, phù hợp với các
quy định của nó một cách riêng biệt hoặc cho tất cả hoặc bất kỳ thuộc địa,
nước bị bảo hộ nào, lãnh thổ dưới quyền ủy trị nào hoặc bất kỳ lãnh thổ nào
khác thuộc chủ quyền hoặc sự ủy thác của mình hoặc bất kỳ lãnh thổ nào
khác thuộc bá quyền của bên ký kết này.
Điều 41.
Bất kỳ bên ký kết nào cũng được quyền yêu cầu triệu tập một hội nghị quốc
tế mới để xem xét bất kỳ việc bổ sung nào đối với Công ước này sau thời
gian hai năm kể từ khi Công ước này có hiệu lực. Nhằm mục đích này, bên
đó phải thông báo với Chính phủ nước Cộng hòa Pháp để Chính phủ này tìm
mọi biện pháp cần thiết chuẩn bị cho hội nghị.
Công ước này được làm tại Vácsava vào ngày 12 tháng 10 năm 1929 và
được mở cho việc ký kết tới ngày 31 tháng 1 năm 1930.

NGHỊ ĐỊNH THƯ


SỬA ĐỔI CÔNG ƯỚC ĐỂ THỐNG NHẤT MỘT SỐ QUY TẮC LIÊN
QUAN ĐẾN CHUYÊN CHỞ QUỐC TẾ BẰNG ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG
– VÁCXAVA NGÀY 12-9-1929,
Ký tại Hague ngày 28-9-1955 (Nghị định thư Hague 1955)

Chương 1.
Điều 1. Điều 1 của Công ước
a) Đoạn 2 bỏ và thay thế bằng:
“2. Theo Công ước này, vận chuyển quốc tế nghĩa là bất kỳ sự vận chuyển
nào mà, theo sự thỏa thuận giữa các bên, nơi đi và nơi đến, dù có hay không
có sự gián đoạn vận chuyển hay chuyển tải nằm trong lãnh thổ của hai bên
hoặc lãnh thổ của một bên ký hợp đồng nếu có một nơi dừng thỏa thuận
thuộc lãnh thổ của một nước khác kể cả quốc gia đó không phải là một bên
ký hợp đồng. Vận chuyển giữa hai điểm của một bên ký hợp đồng mà không
có một nơi dừng thỏa thuận trong lãnh thổ của một nước khác thì không phải
là vận chuyển quốc tế theo Công ước này.
b) Đoạn 3 bỏ và thay thế bằng:
“3. Theo Công ước này, việc vận chuyển được thực hiện bởi nhiều người
liên tiếp được coi là một vận chuyển liên tục nếu nó được các bên ký kết coi
là một hoạt động đơn nhất, dù nó đã được thỏa thuận dưới hình thức một
hợp đồng duy nhất hay một loạt hợp đồng, và nó không làm mất tính quốc tế
chỉ vì một hợp đồng hay một loạt các hợp đồng được thực hiện hoàn toàn
trong lãnh thổ của cùng một quốc gia.
Điều 2.
Điều 2 của Công ước bỏ và được thay thế bằng:
“2. Công ước này không áp dụng đối với việc vận chuyển thư và vận chuyển
bưu kiện.
Chương 2.
a) Điều 3 của Công ước, đoạn 1 bỏ và thay thế bằng:
“1. Đối với vận chuyển hành khách, vé bao gồm:
● Chỉ rõ nhưng nơi đi và nơi đến.
● Nếu những nơi đi và nơi đến ở trong lãnh thổ của một bên ký kết hợp
đồng, một hoặc hơn một nơi dừng thỏa thuận ở trong lãnh thổ của một nước
khác, thì ít nhất cũng chỉ rõ một nơi dừng đã thỏa thuận như vậy.
● Thông báo rõ là, nếu hành trình của hành khách có liên quan tới một nơi
đến hoặc dừng cuối cùng ở một nước khác, không phải nước đi thì áp dụng
Công ước Vácxava để điều chỉnh và trong mọi trường hợp giới hạn trách
nhiệm của người chuyên chở đối với chết chóc, thương tật cá nhân, về mất
mát và hư hại hành lý.
b) Đoạn 2 bỏ và thay thế bằng:
“2. Vé hành khách là bằng chứng đầu tiên của sự ký kết và điều kiện của
hợp đồng vận chuyển. Sự thiếu, không hợp lệ hoặc mất vé hành khách
không ảnh hưởng tới sự tồn tại hoặc hiệu lực của hợp đồng vận chuyển, song
nó còn tùy thuộc vào những quy tắc của Công ước này. Tuy nhiên nếu người
chuyên chở đồng ý, hành khách có thể lên máy bay không cần vé đã được
giao, hoặc nếu vé không bao gồm thông báo được yêu cầu bởi đoạn 1c của
điều này, người chuyên chở không có quyền lợi dụng những điều khoản của
mục 22.
Điều 5. Điều 6 của Công ước, đoạn 3 bỏ và thay thế bằng: Người chuyên
chở sẽ ký trước khi xếp hàng lên boong máy bay.
Điều 6. Điều 8 của Công ước bỏ và thay thế bằng:
a) Vận đơn hàng không gồm:
b) Chỉ rõ những nơi đi và đến;
c) Nếu những nơi đi và đến ở trong lãnh thổ của bên ký hợp đồng, chỉ rõ ít
nhất một nơi dừng như vậy;
Thông báo rõ cho người gửi hàng là, nếu việc vận chuyển có liên quan tới
một nơi đến, nơi dừng cuối cùng ở một nước khác không phải là nước đi, thì
áp dụng Công ước Vácxava để điều chỉnh và trong mọi trường hợp, giới hạn
trách nhiệm của người chuyên chở đối với mất mát hoặc hư hại hàng hóa.
Điều 7.
Điều 9 của Công ước bỏ và thay thế bằng:
Nếu hàng hóa xếp lên tầu mà không lập vận đơn hàng không với sự đồng ý
của người chuyên chở, hoặc nếu vận đơn hàng không bao gồm thông báo
được yêu cầu bởi Điều 8, đoạn c, thì người người chuyên chở không có
quyền vận dụng những điều khoản của Điều 22 đoạn 2.
Điều 8.
Điều 10 của Công ước, đoạn 2 bỏ và thay thế bằng:
“2. Người gửi hàng phải bồi thường cho người chuyên chở hay bất cứ người
nào khác mà người chuyên chở có trách nhiệm tất cả những thiệt hại mà họ
phải gánh chịu do những tuyên bố nói trên của người gửi hàng.
Điều 9.
Theo vào điều 15 của Công ước đoạn sau đây:
“3. Không có điều nào của Công ước này ngăn cản việc phát hành một vận
đơn hàng không có thể chuyển nhượng được.
Điều 11.
Điều 22 của Công ước bỏ và thay thế bằng:
“Điều 22
1. Trong vận chuyển người, trách nhiệm của người chuyên chở đối với mỗi
hành khách được giới hạn bởi số tiền là 250.000Fr.
Ở nơi theo luật của tòa án xét xử vụ kiện, những thiệt hại được thanh toán
một cách định kỳ thì tổng số tiền của các đợt thanh toán nói trên không vượt
quá 250.000 Fr. Tuy nhiên bằng hợp đồng đặc biệt người chuyên chở và
hành khách có thể thỏa thuận một số tiền cao hơn.
2.a) Trong việc gửi hành lý và hàng hóa, trách nhiệm của người chuyên chở
được giới hạn ở một số tiền là 250 Fr/1kg, trừ phi hành khách hay người gửi
hàng đã lập một tờ khai đặc biệt về trị giá hàng hóa ở nơi giao hàng cho
người chuyên chở và trả một khoản tiền bổ sung nếu có yêu cầu như vậy.
Trong trường hợp đó, người chuyên chở phải chịu trách nhiệm trả một số
tiền không vượt quá số tiền đã công bố, trừ phi anh ta chứng minh được rằng
số tiền đó lớn hơn trị giá thực tế của hàng hóa và hành lý của người gửi hàng
và hành khách khi giao hàng.
c) Trong trường hợp mất mát hư hại hoặc giao chậm một phần hàng hóa
hoặc bất cứ đối tượng nào nói trên thì trọng lượng được xem xét để xác định
giới hạn trách nhiệm của người chuyên chở chỉ là trọng lượng của toàn bộ
của một hoặc nhiều kiện có liên quan. Tuy nhiên khi mất mát hư hại hoặc
giao chậm một phần hành lý hay hàng hóa hoặc một đối tượng nói trên có
ảnh hưởng tới trị giá của những kiện khác ghi trên cùng một hóa đơn hành lý
hoặc trên cùng một vận đơn hàng không, thì tổng trọng lượng của một kiện
hoặc nhiều kiện đó sẽ được xem xét để xác định giới hạn trách nhiệm.
3. Đối với những đồ vật mà hành khách tự bảo quản thì trách nhiệm của
người chuyên chở được giới hạn ở 5000 Fr cho mỗi hành khách.
4. Những giới hạn đã nói ở điều này không ngăn cản toà án tính thêm theo
đúng luật của tòa án, toàn bộ hoặc một phần chi phí tòa án và các chi phí
kiện tụng khác do bên nguyên đơn đã chịu.
Điều khoản nói trên không áp dụng nếu tổng số thiệt hại phải trả không kể
chi phí tòa án và các chi phí kiện tùng khác không vượt quá số tiền mà người
chuyên chở đã chấp thuận trả bên nguyên đơn bằng văn bản trong thời hạn 6
tháng kể từ ngày sự việc xẩy ra thiệt hại hoặc trước khi bắt đầu sự tố tụng,
nếu điều đó muộn hơn.
Đồng tiền nói ở trên là một đơn vị tiền tệ chứa 65mg vàng có độ tinh khiết
900/1000. Những số tiền trên có thể quy đổi ra tiền tệ quốc gia theo số tròn.
Việc đổi các đồng tiền nói trên ra các đồng tiền quốc gia không phải là vàng
thì, trong trường hợp việc kiện tụng do tòa án xét xử được thực hiện theo trị
giá vàng của các đồng tiền ấy vào ngày phán quyết.
Điều 12.
Điều 23 của Công ước được đánh số lại là 1 và thêm một đoạn nữa như sau:
Đoạn 1 của điều này không áp dụng với những điều khoản liên quan tới mất
mát hoặc hư hại do ẩn tì, phẩm chất hay nội tì của hàng hóa chuyên chở.
Điều 13.
Điều 25 của Công ước, đoạn 1 và 2 bỏ, thay thế bằng: “Những giới hạn trách
nhiệm đã chỉ rõ ở Điều 22 sẽ không được áp dụng nếu chứng minh được
rằng hư hại do hành động hoặc thiếu sót cố ý của người chuyên chở, người
phục vụ hay đại lý của người chuyên chở nhằm gây thiệt hại hoặc do liều
lĩnh dù biết rằng hư hại chắc chắn sẽ xẩy ra, với điều kiện chứng minh được
rằng, những hành động hoặc thiếu sót như vậy của người phục vụ hay đại lý
thuộc phạm vi công việc họ được giao.
Điều 14.
Sau Điều 25 của Công ước, thêm một điều như sau: Điều 25A:
1. Nếu kiện người phục vụ hay đại lý của người chuyên chở do thiệt hại có
liên quan tới Công ước này, thì người phục vụ và đại lý có quyền vận dụng
những giới hạn trách nhiệm mà người chuyên chở của họ đã hành động
trong phạm vi công việc mà họ được giao.
2. Toàn bộ số tiền mà người chuyên chở, những người phục vụ và đại lý của
người chuyên chở phải chịu trong trường hợp trên không vượt quá những
giới hạn đã nói.
3. Những khoản thuộc đoạn 1 và 2 của điều này không áp dụng nếu chứng
minh được rằng hư hại là do hành động hoặc thiếu sót có chủ ý của người
phục vụ hoặc đại lý nhằm gây thiệt hại hoặc do liều lĩnh dù biết rằng thiệt
hại chắc chắn sẽ xẩy ra.
Điều 15.
Điều 26 của Công ước, đoạn 2 bỏ và thay thế bằng:
Trong trường hợp hư hại, người có quyền nhận hàng phải khiếu nại người
chuyên chở ngay sau khi phát hiện ra hư hại và muộn nhất trong vòng 7
ngày kể từ ngày nhận đối với hành lý và 14 ngày đối với hàng hóa. Trường
hợp chậm trễ, khiếu nại phải được thực hiện chậm nhất trong vòng 2 ngày kể
từ ngày mà hành lý hay hàng hóa lẽ ra đã được đặt dưới quyền định đoạt của
người nhận.
Điều 16.
Điều 34 của Công ước bỏ và thay thế bằng: Những khoản từ Điều 3 tới Điều
9 có liên quan tới chứng từ vận chuyển sẽ không áp dụng trong trường hợp
được thực hiện không bình thường ngoài phạm vi kinh doanh thông bình
thường của một người chuyên chở hàng không.
Điều 17.
Sau Điều 40 của Công ước, thêm điều sau đây.
“Điều 40A
1. Điều 37, đoạn 2 và Điều 40 đoạn 1, thành ngữ “High contracting party”
nghĩa là quốc gia. Trong tất cả các trường hợp khác thành ngữ đó có nghĩa là
một quốc gia mà sự gia nhập hay thông qua Công ước đã trở thành có hiệu
lực và sự tuyến bố bãi ước đã trở thành không có hiệu lực.
Theo công ước, từ lãnh thổ không những có nghĩa là lãnh thổ của một nước
mà còn có nghĩa là tất cả các vùng lãnh thổ khác thuộc nước đó ở nước
ngoài.

You might also like