You are on page 1of 6

ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL SỐ 8/2002

Tìm hiểu các kiểu (hình thức) tố tụng hình sự

LÊ TIẾN CHÂU
ThS.GV khoa Luật Hình sự - ĐH Luật TP.HCM

Trong quá trình cải cách tư pháp nói chung, hịan thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt nam
nói riêng, việc tìm hiểu các kiểu tố tụng hình sự có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về
mặt lý luận mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng tôi
nhận thấy cho đến nay chưa có bài viết hay công trình nghiên cứu khoa học nào được
công bố về vấn đề này. Để góp phần làm rõ về mặt lí luận, từ đó dẫn đến khả năng tiếp
thu những hạt nhân hợp lí của từng kiểu tố tụng trong quá trình hoàn thiện pháp luật tố
tụng hình sự Việt Nam, trong phạm vi bài viết này, chúng ta tìm hiểu các kiểu tố tụng
hình sự.
Căn cứ vào địa vị pháp lí của các chủ thể thực hiện và vị trí, vai trò của các chức năng
buộc tội, bào chữa và xét xử, học thuyết tố tụng hình sự của nước Nga đã phân biệt bốn
kiểu tố tụng hình sự cơ bản đã từng tồn tại và phát triển ở những thời kì khác nhau đó là:
kiểu tố tụng tố cáo, kiểu tố tụng thẩm vấn (tố tụng xét hỏi), kiểu tố tụng tranh tụng và
kiểu tố tụng pha trộn.
1. Kiểu tố tụng tố cáo
Đây là kiểu tố tụng được hình thành từ thời kì chiếm hữu nô lệ, vì vậy nó mang nhiều dấu
vết dân chủ của thời kì thị tộc tan rã1. Nó tồn tại và phát triển cực thịnh trong thời kì đầu
của xã hội phong kiến. Nét đặc trưng nhất trong hình thức tố tụng này là sự công nhận vị
trí đặc biệt của người buộc tội mà người này thường là người bị tội phạm xâm hại. Việc
khởi tố hay không khởi tố vụ án phụ thuộc vào ý chí của người buộc tội. Một công thức
cổ La Mã đã khẳng định: “Không có người tố cáo thì không có quan tòa” (Memo Judex
Sine Action). Ở kiểu tố tụng này vai trò của bên buộc tội và bên bào chữa quan trọng như
nhau, các bên đều có các điều kiện “như nhau” khi tham gia “tranh cãi”. Bất kì người nào
khi quyền lợi bị xâm hại đều có quyền tố cáo tới “cơ quan”, “ nhà chức trách” có thẩm
quyền, đây là cơ quan có quyền phán xử bị cáo có tội hay vô tội2.
Do chủ thể thực hiện sự buộc tội chính là người bị kẻ phạm tội xâm hại (người bị hại),
nên khởi nguyên của hình thức tố tụng này được gọi là “Tư tố”. Dần dần về sau do nhận
thức rằng hành vi phạm tội không chỉ xâm hại đến lợi ích cá nhân người bị hại mà nó còn
gây ra thiệt hại cho xã hội, cho nhà vua, đòi hỏi khi tố cáo tội phạm với nhà chức trách,
người bị hại phải tuyên thệ và nếu bị cáo được trắng án thì người tố cáo có thể bị xử
phạt… đã làm cho việc tố cáo dần dần bị ngừng trệ. Do vậy, chủ thể buộc tội được
chuyển giao cho người đại diện lợi ích của nhà vua, tư tố chuyển dần sang công tố.
Chủ thể thực hiện việc bào chữa chính là người bị buộc tội, “và mọi người đều có thể
tham gia nhằm bảo vệ lợi ích của người bị buộc tội”3. Vào thời kì này xuất hiện một tầng
lớp người được gọi là “hiệp sĩ” có điều kiện, có khả năng tự nguyện đứng ra bảo vệ
quyền lợi cho người bị buộc tội. Đó là những người thân, bạn bè của người bị buộc tội,
việc bào chữa thực chất là việc thi thố tài năng, bất vụ lợi và mang ý nghĩa cao cả là
nhằm minh oan cho bạn bè, người thân của mình4.
Còn chủ thể thực hiện việc xét xử lại không có sự thống nhất ở các quốc gia trải qua kiểu
tố tụng này, đồng thời ở các thời điểm khác nhau, cơ quan xét xử cũng khác nhau. Chẳng
hạn ở nước Nga cổ đại “Công xã trong những trường hợp nhất định xuất hiện dưới hình
thức Tòa án, các vị Tổng đốc, Đại công, Tri Châu, Quan tài phán, Quan tòa, Quan thu
thuế kiêm cảnh sát… cũng đóng vai trò là người phân xử”5. Ở nước Pháp, mãi cuối thời
kì phong kiến, cơ quan xét xử mới được thành lập và tách ra khỏi cơ quan hành pháp…6.
Điều đặc biệt lưu ý là hệ thống chứng cứ trong kiểu tố tụng này rất đơn giản. Ở đây, lời
nhận tội của bị can, bị cáo được coi là chứng cứ tốt nhất, là “Vua của các chứng
cứ”(Regina probationum - Theo cách diễn đạt của Luật La Mã), ngoài ra còn có các hình
thức chứng minh khác như lời thề, phán xử theo ý trời hoặc các thử thách khác (thử bằng
lửa, dìm xuống nước, dùng sắt đâm…). Hệ thống chứng cứ phổ biến này mang tính chất
mê tín dị đoan, định kiến và thể hiện quan điểm tôn giáo. Đánh giá các hình thức chứng
minh này, Giáo sư Xơlusepxki - người Nga đã viết: “Hai lực lượng ấy - lực lượng vật
chất và lực lượng mê tín - đã biểu lộ tác dụng đặc thù của chúng trong con người của thời
đại ấy, vì vậy rất tự nhiên là cái trí tuệ không có khả năng tư duy trừu tượng của con
người đã tìm ra thủ đoạn đấu tranh chống tội phạm trong hai nguồn gốc ấy”7. Như vậy,
cơ quan có quyền phán xử không cần quan tâm đến việc gì đã xảy ra mà chỉ quan tâm
đến khả năng chịu đựng thử thách của người bị buộc tội hay quan tâm đến việc họ cần
phải thề thốt như thế nào… Đây là kiểu tố tụng cổ xưa nhất và được hầu hết các nước
trên thế giới sử dụng vào các thời điểm khác nhau.
2. Kiểu tố tụng thẩm vấn (tố tụng xét hỏi)
Đây là kiểu tố tụng xuất hiện vào thời kì chiếm hữu nô lệ, trong các Tòa án tôn giáo và
dần dần thâm nhập vào Tòa án thường. Kiểu tố tụng này phát triển mạnh mẽ và phổ biến
vào thời kì quân chủ, “Nó phản ánh chế độ chính trị độc đoán, tàn bạo của giai cấp phong
kiến và phối hợp với chế độ Trung ương tập quyền của nền quân chủ chuyên chế”8.
Đặc điểm của tố tụng xét hỏi được tiến hành bằng hình thức viết, bí mật, không trực diện;
các chức năng tố tụng không được phân định một cách rõ ràng, sự quan tâm đến các chức
năng được thể hiện ở các mức độ rất khác nhau. Đặc biệt là các cơ quan, tổ chức thực
hiện chức năng chưa được xác định cụ thể mà hầu như tập trung vào Tòa án. Người bị hại
bị loại khỏi vai trò của người buộc tội và thay vào đó là một công chức, còn bị cáo thì bị
hạn chế khả năng bào chữa. “Thẩm phán không chỉ thực hiện chức năng xét xử mà còn
thực hiện cả chức năng điều tra, chức năng buộc tội và một phần nào đó của chức năng
bào chữa. Bị cáo bị hạn chế khả năng bào chữa, họ không được coi là chủ thể của quá
trình tố tụng mà là đối tượng truy cứu của tố tụng”9.
Hệ thống chứng cứ đặc trưng của hình thức tố tụng này là tính hợp lệ của chứng cứ, khi
đánh giá chúng với những đòi hỏi hết sức khắt khe, nhưng nhiều quy định về chứng cứ lại
hết sức trừu tượng. Chẳng hạn lời nhận tội của bị cáo được coi là “ chứng cứ vua” của
mọi loại chứng cứ, lời khai của người đàn ông, của người giàu… đáng tin cậy hơn lời
khai của người đàn bà và của người nghèo… pháp luật còn cho phép dùng nhục hình để
thu thập chứng cứ.
Trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, những quy định tố tụng trong Bộ luật Hồng Đức,
Bộ luật Gia Long… và thực tiễn xét xử đều phản ánh hình thức tố tụng thẩm vấn mà đặc
điểm cơ bản là: quan cai trị hành chính là Thẩm phán và Điều tra viên; việc điều tra tiến
hành bí mật, chứng cứ chủ yếu là lời khai của nhân chứng và lời nhận tội của bị cáo, việc
xét xử không công khai, tra tấn, gông cùm là biện pháp chủ yếu trong tố tụng hình sự.
Trải qua từng thời kì lịch sử, kiểu tố tụng này đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với điều
kiện mới, mặc dù Thẩm phán vẫn là trung tâm của quá trình thu thập dữ kiện nhưng
không còn hoặc hạn chế việc tra tấn. Với mô hình đưa công tố thành một bên trong bất kì
vụ án hình sự nào và sử dụng hai Thẩm phán trong quá trình điều tra, xét xử, phiên tòa
cũng không phải là sự cạnh tranh giữa hai bên đối địch mà là sự tiếp tục điều tra, các bên
phải cung cấp tất cả chứng cứ thích hợp cho Tòa án10. Nhưng dù biểu hiện dưới hình
thức và trong giai đoạn lịch sử nào thì mô hình tố tụng này bao giờ cũng đề cao vai trò
quyết định của Thẩm phán, các chức năng buộc tội và bào chữa có tồn tại, song khá mờ
nhạt, tại các phiên tòa, bên buộc tội và bào chữa gần như thụ động, “vì sự thật chỉ có thể
và phải được tìm ra trong quá trình thẩm vấn và điều tra”.
3. Kiểu tố tụng tranh tụng
Đây là kiểu tố tụng có nguồn gốc từ kiểu tố tụng tố cáo và phát triển mạnh mẽ ở các nước
theo hệ thống luật án lệ “Ăng -lô-xắc - xông”, phổ biến nhất là khoảng từ thế kỉ thứ X
đến thế kỉ thứ XIII. Tố tụng tranh tụng cho rằng: “Sự thật sẽ được mở ra qua sự tranh
luận tự do và cởi mở giữa những người có dữ liệu chính xác”11.
Hình thức tố tụng này dựa trên quan điểm cho rằng: “Tố tụng là một cuộc tranh đấu tại
Tòa án giữa một bên là Nhà nước (thông qua đại diện) và một bên là công dân bị nghi
thực hiện tội phạm; là cuộc tranh đấu thì hai bên đều được sử dụng các quyền và nghĩa vụ
pháp lí như nhau trong việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, phân tích và đưa ra
các kết luận đối với những việc cụ thể. Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình tố tụng
đòi hỏi phải rất chính xác và tố tụng có vai trò đặc biệt quan trọng đến mức nhiều người
cho rằng tố tụng tranh tụng là hệ thống coi trọng luật tố tụng hơn luật nội dung. Về
nguyên tắc hai bên tranh tụng có khả năng như nhau không chỉ tại phiên tòa mà cả trong
giai đoạn trước phiên tòa (giai đoạn điều tra), mặc dù các tư tưởng này thực chất chỉ tồn
trên giấy hoặc chỉ nằm trong đầu óc của các luật sư xa rời cuộc sống mà thôi”12.
Ở hình thức tố tụng này, các bên buộc tội, bào chữa không bắt buộc phải khách quan
trong khi làm nhiệm vụ. Công việc của họ là thu thập chứng cứ để buộc tội hoặc bào
chữa, phục vụ cho cuộc tranh đấu ở Tòa án và họ có trách nhiệm chứng minh tính có lỗi
(buộc tội) hoặc tính không có lỗi, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (bào chữa)13. Trong quá
trình xét xử Tòa án đóng vai trò “người trọng tài lạnh lùng” quan sát sự tuân thủ quy tắc
cuộc đấu của hai bên và quyết định bên nào sẽ chiến thắng. Việc đánh giá chứng cứ phụ
thuộc vào niềm tin nội tâm của Thẩm phán khi Thẩm phán dựa vào tiêu chí hợp lệ của
chứng cứ, “khuôn mẫu chứng cứ”.
Để đảm bảo sự bình đẳng trong tranh tụng, người ta đưa ra hai điều kiện:
- Sử dụng việc kiểm tra chéo, đối chất để xác định tính chính xác của chứng cứ. Bên buộc
tội và bên bào chữa tập trung chỉ ra cái mà nhân chứng biết thực, chứ không phải là cái
mà họ nghĩ rằng họ biết.
- Quyền lực được chia sẻ cho các bên buộc tội và bào chữa. Tòa án đóng vai trò “trọng
tài” đảm bảo cho các bên có đầy đủ các điều kiện như nhau khi tham gia tranh tụng.
Với quan niệm tố tụng hình sự chỉ gồm có giai đoạn xét xử vụ án tại phiên tòa14, các
chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử chỉ thực sự bắt đầu tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Tại đây, với sự tham gia của các chủ thể bên buộc tội (Công tố viên, người bị hại), bên
bào chữa (người bào chữa, bị cáo) và các chủ thể khác dưới sự điều khiển của Tòa án
(Thẩm phán) và dưới sự giám sát của Hội đồng xét xử, ba chức năng buộc tội, bào chữa
và xét xử đều được thực hiện công khai. Còn giai đoạn trước khi mở phiên tòa xét xử
được xem là giai đoạn tiền tố tụng, do các bên tiến hành một số hoạt động để chuẩn bị
cho cuộc tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy, có một điều thú vị là trong kiểu tố tụng này
chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật được giao cho Tòa án.Với tư cách là trung
tâm của cơ quan tư pháp, của hoạt động tố tụng, Tòa án có quyền và có trách nhiệm đảm
bảo cho các bên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. Điều này khác với
những nước có tổ chức VKS như Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam…. Mặc dù có những
ưu điểm, song kiểu Tố tụng mang tính “đối trọng” này cũng bị phê phán là xa rời thực tế,
“việc con người bị phán xét như thế nào dường như quan trọng hơn việc xem họ đã làm
gì trên thực tế”15.
4. Kiểu tố tụng pha trộn (hỗn hợp)
Tố tụng pha trộn là kiểu tố tụng hỗn hợp giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng.
Chúng ta biết rằng kiểu tố tụng thẩm vấn và kiểu tố tụng tranh tụng đều có những ưu
điểm, đồng thời cũng có những hạn chế nhất định. Vì vậy quá trình tiếp nhận các kiểu tố
tụng, các quốc gia đều có sự lựa chọn. Tất nhiên là họ sẽ lựa chọn những ưu điểm, tích
cực của cả hai hệ thống (và phù hợp với quốc gia của họ). Và đó chính là một trong
những nguyên nhân ra đời kiểu tố tụng pha trộn.
Trong kiểu tố tụng này, ở giai đoạn trước khi xét xử (khởi tố và điều tra) các hoạt động tố
tụng hầu như được tiến hành bí mật, hạn chế sự tham gia của những người có liên quan,
bị can hầu như bị tách khỏi quá trình tố tụng…. Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử, phiên tòa
được tiến hành công khai, quyền bình đẳng trước phiên tòa và quyền bào chữa của bị cáo
được đảm bảo, các bên buộc tội và bào chữa có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc
đưa ra những chứng cứ và những yêu cầu, lúc này Tòa án đóng vai trò là người trọng tài
đảm bảo cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình…. Hình thức này xuất hiện
lần đầu tiên trong pháp luật tố tụng hình sự của Cộng hòa Pháp 1808, sau đó được phát
triển mạnh mẽ trong pháp luật TTHS của các nước theo truyền thống luật lục địa: Đức ,
Áo, Italia, Bỉ…16.
Qua nội dung trình bày trên đây, có thể nhận xét rằng mỗi kiểu tố tụng đều có những ưu
điểm, tích cực, tất nhiên cũng có những hạn chế nhất định xét dưới các góc độ lý luận,
lịch sử, điều kiện kinh tế – chính trị – xã hội, phong tục tập quán, của mỗi quốc gia. Có
thể kiểu tố tụng có nhiều ưu điểm ở quốc gia này nhưng ở quốc gia khác đó lại là những
hạn chế. Cho đến nay có những kiểu tố tụng không còn tồn tại (kiểu tố tụng tố cáo), có
những kiểu tố tụng có nhiều ảnh hưởng đối với pháp luật tố tụng hình sự các nước. Chẳng
hạn kiểu tố tụng tranh tụng rất phổ biến ở những quốc gia theo truyền thống Luật án lệ
“Ăng-lô-xắc-xông” như Anh, Mỹ, Canada và các nước thuộc địa của Anh – Mỹ…. Trong
khi đó kiểu tố tụng thẩm vấn lại có ảnh hưởng rất lớn ở các nước theo truyền thống luật
lục địa. Do có nguồn gốc từ truyền thống luật lục địa nên pháp luật các nước XHCN cũng
bị ảnh hưởng của hệ tố tụng thẩm vấn17. Tuy nhiên hiện nay, ở các quốc gia việc vận
dụng mô hình tố tụng nào đã có sự lựa chọn và vận dụng linh hoạt, hầu như không có sự
áp dụng cứng nhắc một mô hình tố tụng nào.
Ở Việt Nam, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy TTHS Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều
của kiểu tố tụng hỗn hợp (pha trộn) tức là đã tiếp thu lựa chọn những ưu điểm, những yếu
tố hợp lý của cả hai kiểu tố tụng thẩm vấn và tranh tụng. Vì vậy, qua hơn 50 năm tồn tại
và phát triển, mô hình TTHS của Việt Nam đã đem lại những kết quả rất đáng tự hào, góp
phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, so với yêu cầu
và nhiệm vụ mới thì: “Chất lượng công tác tư pháp nói chung (trong đó vai trò của pháp
luật TTHS-NV) chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường
hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân,
làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp”18.
Vì vậy, để góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tội phạm trong điều kiện mới,
yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục cải cách tư pháp. Chúng ta không thể chấp nhận những thủ
tục rườm rà, nhiều tầng nấc, quan liêu và bất lợi cho các bên tham gia tố tụng.
Tại Nghị quyết 08 - NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị đã xác định yêu cầu là
phải: “Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại Phiên tòa, bảo đảm tranh tụng
dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác… Khi xét xử
Toà án phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật, thực sự dân chủ,
khách quan; Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo Pháp luật; việc
xét xử của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở
xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị
cáo…”.
Từ nội dung định hướng trên đây, có thể nhận thức rằng TTHS Việt Nam cần tăng cường
các yếu tố tranh tụng, như Mác đã nói”sự thật chỉ có thể được tìm ra thông qua tranh luận
và bút chiến…”.
Muốn vậy trong quá trình hoàn thiện pháp luật TTHS, theo chúng tôi cần phải phân định
rõ ràng các chức năng của tố tụng, xác định rõ phạm vi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm
của chủ thể thực hiện các chức năng tố tụng hình sự. Qua đó cần có cơ chế pháp lý (hoàn
thiện qui định pháp luật đảm bảo sự công bằng trong tranh tụng, trả lại đúng chức năng
của các cơ quan THTT…) và tổ chức (nâng cao trình độ, số lượng đội ngũ thực hiện chức
năng tố tụng, cải cách bộ máy, nâng cao nhận thức cán bộ…) để thực hiện tốt các chức
năng tố tụng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chức năng cơ bản, đó là chức năng buộc
tội, bào chữa, xét xử….
<!--[if !vml]--> <!--[endif]-->

1 Vư-sin-xki, Lý luận chứng cứ tư pháp trong pháp luật Xô viết, NXB Hà Nội, 1967,
trang 37.
2 Võ Thọ, Một số vấn đề về Tố tụng hình sự, NXB Pháp lý, Hà Nội, 1985, trang 11.
3 Võ Thọ, sđd, trang 11.
4 Trần Văn Bảy, Người bào chữa trong Tố tụng hình sự, Luận văn thạc sĩ Luật học 2000,
trang 31.
5 V.M. Xavitxki, Buộc tội Nhà nước tại phiên tòa, Nhà xuất bản Khoa học, Matxcơva,
1971, trang 116.
6 Vũ Mộc, Một số vấn đề lí luận và thực tiễn thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát,
Kỷ yếu đề tài khoa học cấp bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hà Nội, 1999, trang
190.
7 Kanxtantin-Phêđơrôvich Giusencô, Giáo trình TTHS, NXB MGU, 2000, trang 19.
8 Chuyên đề “Những vấn đề lí luận về Hình sự, TTHS, Tội phạm học” của Viện thông tin
Khoa học Xã hội, Hà Nội,1981 trang 11.
9 Kanxtantin- Phêđơrôvich Gusenco, Sđd, trang 22.
10 Chuyên đề: Tư pháp Hình sự so sánh, Thông tin Khoa học pháp lí, Viện nghiên cứu
khoa học pháp lí, Số đặc biệt, trang 122.
11 Chuyên đề: Tư pháp Hình sự so sánh, Sđd, tr.123.
12 Chuyên đề: Tư pháp Hình sự so sánh, Sđd, tr.123.
13 Kanxtantin Phêđơrôvich Gusencô, Sđd, trang 22.
14 Nguyễn Đức Mai, Vấn đề tranh tụng hình sự, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp bộ của
VKSNDTC, Hà Nội 1995, trang 100.
15 Tư pháp hình sự so sánh, Sđd, trang 126.
16 V.M.Xavitxki, Buộc tội nhà nước tại phiên tòa, Sđd, trang 25.
17 Chuyên đề Tư pháp hình sự so sánh, Sđd, trang 120.
18 Nghị Quyết 08/BCT, ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm
công tác tư pháp trong thời gian tới.

You might also like