You are on page 1of 9

KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH KINH TẾ 2008 VỚI

CHỦ NGHĨA MÁC


Ngô Huy Đức, Viện Chính trị học
ngohuyduc@gmail.com

Đặt vấn đề
Dường như mọi việc bắt đầu từ một tin của tờ báo Đức : “Sách của Mác lại
bán chạy giữa cơn bão khủng hoảng” và các nhà kinh tế học “đổ xô” đi đọc lại
Mác để tìm ra những nhược điểm của lý luận kinh tế (tân cổ điển) hiện nay! 1

Đây hiển nhiên là một hiện tượng của phương Tây chứ không phải của
Việt nam, nơi mà sách của Mác vẫn là kinh điển và có hàng triệu người đọc mỗi
năm. Nơi mà chúng ta luôn tin rằng bản thân thực tế của các nước này dù theo
tân cổ điẻn hay cổ điển, Keynes hay Hậu Keynes vẫn luôn bị giới hạn bởi cấu
trúc chung của một xã hội có giai cấp, của một xã hội dựa trên nên tảng sở hữu
tư nhân về TLSX và vì vậy, ngoài sự bóc lột của giai cấp này với các giai cấp
khác, khủng hoảng theo chu kỳ là đặc điểm mang tính bản chất nội tại mà
không một nền kinh tế TBCN nào có thể vượt qua.

Từ góc độ kinh tế học, những vấn đề về tìm tòi một lý thuyết kinh tế mới
để dẫn dắt các nước này ra khỏi khủng hoảng không hẳn là cấp bách đối với
Việt nam. Thậm chí, về mặt lý luận chính thức, chúng ta không chấp nhận các
cách tiếp cận trong phê phán , giải thích của nhiều nhà kinh tế học phương Tây,
vì đa số họ cũng không dựa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác Lê nin, mà
trước hết, bao gồm luận điểm về bóc lột giá trị thặng dư.2 Vậy phải chăng
chúng ta đang đi lo hộ các nhà kinh tế học phương Tây ? Hay từ lâu nay, chúng

1
Đây là tin nói về một nhà xuất bản của Đức đã bán được 200 cuốn Tư bản trong tháng, bằng số lượng
phát hành của cả năm trước.
2
Xem tổng quan của Paul De Grauwe “Economics is in crisis: it is time for a profound revamp” Thời
báo tài chính (FT) 21/7/2009 về sự tranh luận giữa 2 trường phái kinh tế học chính ở phương Tây: Can thiệp
(Keynes) và tự do (Ricardo).
1
ta nói, nhưng không tin tưởng hoàn toàn vào Chủ nghĩa Mác, và đây là cơ hội
để củng cố lại niềm tin yếu ớt đó ? Tương tự như vậy, theo cách nhìn nhận của
các nhà Mác xít phương Tây thì cuộc khủng hoảng tài chính lần này chỉ là một
trong các biểu hiện của căn bệnh kinh niên của nền kinh tế TBCN. 3

Bài này sẽ không chỉ xuất phát từ gốc độ kinh tế học (và sẽ không đi sâu
vào chuyên môn kinh tế học) mà thử xem xét cuộc khủng hoảng 2008 này có
những ý nghĩa tư tưởng kinh tế - chính trị gì, và liệu đó có phải là một cơ hội để
những người Mác xít dần chiếm lại vũ đài lý thuyết vốn đã bị chủ nghĩa Tân tự
do ngạo nghễ độc chiếm từ suốt 30 năm nay trên thế giới. Cách đặt vấn đề như
vậy cũng tương tự một số nhà Mác xít phương Tây. 4

Các câu hỏi chính là:

1. Tại sao lại có khủng hoảng ? Các nguyên nhân chính là gì ? Chủ nghĩa
Mác giải thích như thế nào ? Các trường phái kinh tế học chính thống
phương Tây giải thích như thế nào ?

2. Cái gì của Chủ nghĩa Mác được quan tâm trở lại ? Và ý nghĩa của
chúng đối với nước ta hiện nay

Nguyên nhân cuộc khủng hoảng.


Có thể mô tả quá trình dãn tới khủng hoảng một cách đơn giản như sau:
NSX (nhà sản xuất) dùng giấy ghi nợ của NTD (Người tiêu dùng) làm thế chấp
để vay tiền của NH (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tài chính v.v.). NH chuyển
các thế chấp này thành các cổ phiếu để bán trên thị trường chứng khoán. Vì
được dùng trước trả sau, nên NTD tăng tiêu dùng, dẫn đến tăng cầu. Do tăng
cầu, nên NSX tăng giá bán sản phẩm (dù thu được chỉ là các giấy ghi nợ), và cổ
phiếu cũng tăng giá trên thị trường chứng khoán. Tạo nên một bong bóng giả
tạo là ai cũng giàu lên. Dây chuyền này chỉ bị phá vỡ khi NH đòi NXS thanh
3
Wolff R. , 2008. 'Capitalist crisis, Marx's shadow', Tạp chí điện tử MR Zine, 9/2008.
4
Wolff R. , 2008. ‘Economic Crisis, Ideological Debates’, Tạp chí điện tử Rethinking Marxism. 9/2008.
2
toán thực sự, và vì NTD đã tiêu quá khả năng thanh toán thực, nên các giấy ghi
nợ mà NSX dùng làm thế chấp đều không đưa lại đúng giá trị danh nghĩa. NSX
tuyên bố vỡ nợ. Giá của các cổ phiếu giảm mạnh và mất hầu hết giá trị. Các
ngân hàng đứng trước nguy cơ phá sản vì nợ xấu. Lúc này, chính phủ đã quyết
định dùng ngân sách nhà nước để cứu một số NH lớn tránh việc sụp đổ toàn bộ
hệ thống.5

Như vậy, nguyên nhân trực tiếp của cuộc khoảng có thể tóm tắt một cách
đơn giản là các hoạt động tài chính (cho vay tiêu dùng, đặc biệt là thị trường bất
động sản) đã không được giám sát chặt chẽ. Thêm vào đó là sự tách biệt giữa
tiêu dùng với khả năng chi trả thực tế đã khiến quy mô của sự vỡ nợ, và từ đó,
sự khủng hoảng tài chính đã trở nên rất lớn vì bị che giấu trong thời gian dài 10-
15 năm nay. Do không công ty nào đánh giá được mức độ rủi ro thật sự của các
cổ phiếu này , và họ cũng không có động cơ đánh giá đúng mức độ rủi ro, vì cơ
chế hoạt động cũng như các kênh tài chính là rất phức tạp, vừa khó vừa tốn kém
trong việc đánh giá.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn và trên hết là niềm tin rằng thị trường
sẽ tự điều chỉnh về điểm cân bằng tối ưu. Chính vì niềm tin vào “bàn tay vô
hình” này mà các chính phủ đã xa rời các nguyên tắc cẩn trọng tài chính, nới
lỏng sự điều tiết, cho phép các ngân hàng tham gia sâu vào các hoạt động đầu tư
rủi ro mà không bị kiểm soát chặt chẽ. Ở Mỹ và Anh chẳng hạn, từ hơn 20 năm
qua, với khởi đầu từ chính sách của tổng thống Reagan và Thủ tưởng Thatcher,
quá trình phi điều tiết, tư nhân hóa và tin tưởng thị trường (“pro-market”
policies) đã nới lỏng các quy định và các kiểm soát đối với ngân hàng và các tổ
chức tài chính.

5
Hiển nhiên, các sự kiện dẫn đến khủng hoảng tài chính, và sau đó là khủng hoảng kinh tế phức tạp hơn
với thị trường cho vay mua bất động sản ở Mỹ (Sub prime) cũng như liên quan đến các công cụ tài chính thứ
cấp khác. Tuy nhiên đây không phải là trọng tâm của bài này.
3
Sâu xa hơn nữa, việc NTD, mà số đông thuộc các tầng lớp lao động, không
đủ khả năng chi trả, còn thể hiện việc họ không nhận được phần xứng đáng của
mình trong tổng sản phẩm. Nói cách khác, như Mác lập luận, sự bóc lột giá trị
thặng dư sẽ cuối cùng tất yếu dẫn tới sự thiếu khả năng chi trả các khoản vay
tiêu dùng của người lao động.

Hai trường phái kinh tế chính của phương Tây: tranh luận không
ngã ngũ
Cuộc khủng hoảng đã khơi lại cuộc tranh luận của những nhà kinh tế học,
mà nổi bật là hai trường phái: theo can thiệp và tự do. Về căn bản, hai trường
phái này có các khác biệt đối lập trong nhìn nhận về vai trò của chính phủ. Hiện
tại, với thâm hụt ngân sách nhà nước vượt 10% GDP (như ở Mỹ, Anh) sau các
cuộc giải cứu ngân hàng cùng với các gói kích cầu, cuộc tranh luận vẫn sôi
động và dường như ngày càng dẫn tới các bất đồng hơn. Đã có những kêu gọi
cải cách toàn diện, tận gốc môn kinh tế học vĩ mô ở Mỹ cũng như các nước
phương Tây. (Xem Grauwe, 2009)

Những người theo Keynes cho rằng việc tăng chi tiêu chính phủ (chính
sách tài khóa, kích cầu) sẽ dẫn tới tăng trưởng mạnh mẽ (số nhân Keynes là hơn
1). Trong khi đó những người kia tin tưởng điều ngược lại mới đúng. Theo
họm việc tăng chi tiêu của chính phủ thêm 1% GDP sẽ dẫn tới tăng trưởng ít
hơn 1% GDP trong các năm tới, và do vậy, mức tăng thu ngân sách thấp hơn
mức tăng chi và càng khiến thâm hụt ngân sách trầm trọng hơn. Tương tự như
vậy, sự tranh luận xung quanh chính sách tiền tệ cũng có các ý kiến trái ngược
về hiệu quả của việc tăng cung tiền đối với lạm phát.

Do các khác biệt này, các chính sách của nhà nước cũng sẽ khác nhau.
Quan trọng hơn, như các nhà khoa học chỉ ra, các dự báo này, dù trái ngược
nhau, lại đều có thể đúng trong thực tế trong các điều kiện nhất định, đặc biệt là
trong điều kiện nếu số đông tin vào lý thuyết đó (Hiện tượng “kỳ vọng tự thành
4
hiện thực” -self fulfilling expectation – khi số đông tin vào thì chính điều đó sẽ
xảy ra, tương tự như hiệu ứng bầy đàn trên thị trường chứng khoán).

Tuy vậy, như các nhà Mác xít nhìn nhận, vấn đề của mọi vấn đề vẫn là câu
hỏi về hệ thống các quan hệ kinh tế chính trị tư bản chủ nghĩa. Nguyên nhân
sâu xa nào đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng này ở các nền kinh tế phát triển,
dù mọi hoạt động kinh tế đều có vẻ được hợp lý hóa và trên cơ sở tự nguyện,
không ép buộc. Một hệ thống vẫn dựa trên lòng tham vị kỷ và các mục tiêu lợi
nhuận sẽ tất yếu dẫn đến các đầu cơ hơn là các đầu tư, và các “bong bóng” tài
chính chỉ là một trong các hệ quả của nó.

Chủ nghĩa Mác và sự phê phán hệ thống kinh tế TBCN


Một trong các nguyên nhân nền tảng được nhửng người theo chủ nghĩa
Tân Tự dothường hay nhắc đến là “sự tham lam quá độ”, tính ích kỷ của con
người. Với cách nhìn nhận này, nguyên nhân được gán cho các cá nhân, và các
bản chất cố hữu của họ, còn bản thân cấu trúc thể chế là tốt ! Các phân tích
khác thì gán cho việc các tổng giám đốc, các nhà điều hành không đủ năng lực
và sự công tâm. Hiển nhiên, các lập luận này có phần đúng, tuy nhiên, cần phải
thấy rằng trong một thế giới phức tạp với vô số các kênh tác động của các công
cụ tài chính như hiện nay, vấn đề không thể là tìm ra người toàn tài như vậy, vì
sẽ rất hiếm các cá nhân có đủ các phẩm chất siêu việt đó để lấp đầy các vị trí
quan trọng, các công ty lớn. Vấn đề chính là xây dựng một “cỗ máy thể chế” mà
những con người như hiện tại có thể điều hành được nó.

Khi nhìn nhận như vậy, người ta tất yếu sẽ quay lại với cách nhìn toàn thể
hệ thống kinh tế chính trị của CNTB như Mác đã từng nhìn. Thậm chí sâu xa
hơn, cố máy thể chế này cũng phải thúc đẩy sự phát triển của các con người với
các bản chất mới, giá trị mới. Tức những thể chế đó có chức năng phải khai mở
nhận thức, biến đổi con người trở nên vị tha và khôi phục đúng bản chất người.

5
Quay lại với cuộc khủng hoảng, có thể nhìn thấy nguyên nhân sâu xa đã
bắt đầu thể hiện từ cuộc khủng hoảng những năm 1970. Trong suốt thời gian
này, số liệu cho thấy thu nhập thực tế của người lao động đã không tăng mặc dù
năng suất lao động đã tăng đáng kể (Wolff, 2008). Nói cách khác, xét về mặt
tổng thể, mặc dù số lượng hàng hóa tăng lên đáng kể nhưng khả năng thanh
toán của đa số người lao động lại không tăng lên. Do vậy, việc cho vay tiêu
dùng là tất yếu. Việc cho vay tiêu dùng như vậy rõ ràng chỉ có thể trì hoãn
được khủng hoảng chứ không chữa được căn bệnh kinh niên là người lao động
tiêu dùng phần không phải thuộc về mình trong tổng sản phẩm. Phần không
thuộc về mình đó là tiêu điểm của sự xem xét Mác xít như chúng ta đã biết, vì
đáng ra nó (sản phẩm thặng dư đó) phải thuộc về người lao động, nhưng cấu
trúc sở hữu và hệ thống chính trị pháp lý đã đảm bảo rằng nó thuộc về giới chủ
tư bản. Đây là nguyên nhân sâu xa nhất mà nếu không giải quyết ở mức hệ
thống, sẽ không bao giờ giải quyết được bệnh căn của khủng hoảng chu kỳ.

Ngoài ra, khi nhìn vào hệ thống kinh tế TBCN hiện đại, sự cạnh tranh vì
lợi nhuận đã dẫn các doanh nghiệp , vốn có tính chất công, như các doan nghiệp
đánh giá mức độ rủi ro, cung cấp thông tin về khả năng sinh lợi của các giấy tờ
có giá (cổ phiếu, trái phiếu v.v.) lại không có động cơ làm tốt việc đó. Chính vì
thiếu các thông tin và sự kiểm soát này mà mâu thuẫn nền tảng (giữa chủ - thợ
về phân phối lợi ích, giá trị thặng dư) đã được che giấu và tích tụ dưới sự phức
tạp của các công cụ tài chính, các bong bóng chứng khoán hay bất động sản,
cho đến khi chúng chạm trần giới hạn.

Như vậy, quan hệ tư bản – lao động, cũng như các giá trị mà hệ thống thị
trường cạnh tranh là hai cấu trúc nền tảng cơ bản quy định tính tất yếu của các
cuộc khủng hoảng như vậy. Các giải pháp kinh tế, nếu không đụng đến 2 cấu
trúc này, sẽ chỉ cũng lắm là trì hoãn và tích tụ các cuộc khủng hoảng và các
xung đột hệ thống này như chúng ta đã thấy.

6
Các chính sách như của chính phủ Mỹ được nhiều nhà quan sát gọi là “Tư
nhân hóa lợi nhuận và quốc hữu hóa lỗ lã”.

Các ý nghĩa chính trị


Với tất cả sự hồi sinh của cách nhìn phê phán Mác xít, cần phải nói rằng
việc hệ thống kinh tế TBCN có các nhược điểm như vậy không chứng tỏ sự hơn
hẳn của hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung XHCN như đã từng có. Cũng như
việc chỉ ra người khác xấu chưa chứng tỏ được mình là người tốt, và đây là
điều cần cảnh báo đầu tiên bởi vì chúng ta đã thấy có những kết luận “khoa
học” kiểu này, và thậm chí còn được tán đồng bởi các nhóm lợi ích muốn giữ
nguyên trạng những điều bất hợp lý. Theo nhiều chỉ số kinh tế, hệ thống kinh tế
như hiện tại của chúng ta cũng chưa có gì để khẳng định tính ưu việt.

Ở đây, vấn đề đặt ra với các nhà Mác xít phương Tây cũng rất khác với
chúng ta. Ví dụ, một trong các lời kêu gọi khi chính phủ lấy tiến thuế của dân để
cứu các doanh nghiệp tư nhân, một yêu cầu có tính chính trị được đặt ra là liệu
chính phủ có thay đổi cả cấu trúc sở hữu và quản lý của doanh nghiệp đó
không? Ví dụ như việc quy định sự ngang bằng của tiếng nói công nhân ngay
trong ban quản trị (sự bình đẳng chính trị , tức không hoàn toàn dựa trên số cổ
phần). Hơn thế nữa, khi cứu một loạt các doanh nghiệp lớn cùng ngành như
Fannie Mae, Freddie Mac, và AIG, chính phủ có nên làm gì để thay đổi sự cạnh
tranh có tính hủy diệt như đã thấy bằng sự cộng tác giữa các doanh nghiệp này
vì lợi ích chung ? Đây là điều mà các nhà cánh tả phương Tây gọi là “Move
beyond capitalism” – Vượt qua chủ nghĩa tư bản.

Đối với Việt nam, tôi vẫn cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay vẫn là phải
đẩy mạnh sự hợp lý hóa các cấu trúc kinh tế hiện tại mà trước hết thể hiện ở
cấu trúc lợi ích không tương thích với cấu trúc trách nhiệm, nằm trong vấn đề
chung về sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp, cũng như thể hiện ở những
sự ưu đãi bất hợp lý mà khối doanh nghiệp nhà nước hiện có. Các số liệu cho

7
thấy ở Việt nam cũng có hiện tượng “tư nhân hóa lợi nhuận và nhà nước hóa lỗ
lã” – khi các cá nhân điều hành các DNNN giàu lên nhanh chóng nhưng bản
thân kết quả kinh doanh lại không tương xứng với tất cả các ưu đãi mà doanh
nghiệp nhà nước đó có. Nói cách khác, Việt nam cũng phải vượt qua chủ nghĩa
6
xã hội kiểu cũ.

Một vài nhận định sơ bộ thay cho kết luận

1. Cuộc khủng hoảng này chưa dẫn tới sự sụp đổ của CNTB, nhưng đã
củng cố cho dòng tư tưởng thiên tả (CNXH) ở các nước phát triển trên
tổn thất của chủ nghĩa cánh hữu Tân tự do (xem thêm Klinman, 2008).
Cụ thể là : CNTB như hiện tại chứa đựng các mâu thuẫn có tính bản
chất, hệ thống. Nhưng doanh nghiệp có tính chất công lại hoạt động
theo cơ chế tư lợi.

2. Các vấn đề đặt ra đối với Việt nam rất khác với các nước phát triển:
hợp lý hóa cấu trúc sở hữu nhà nước và quản lý cạnh tranh. Trong đó
có vấn để tổng quát về các tổ chức công quyền lại bị các yếu tố tư lợi
chi phối như các nhóm lợi ích và vấn đề tư bản thân hữu.

3. Sự nổi lên trở lại của các ý tưởng Mác xít không có nghĩa là sự hồi
phục của các cách lý giải chủ nghĩa Mác thô thiển như hiện thực đã
chứng minh. Nó chỉ có nghĩa rằng chúng ta cần vượt qua CNXH kiểu
cũ, biết lựa chọn những yếu tố tích cực của cơ chế thị trường (Năng
động, động cơ sáng tạo đổi mới, tính linh hoạt trong quyết định ngắn
hạn đáp ứng nhu cầu người dân) kết hợp với tính tích cực của CNXH
(tính trách nhiệm xã hội, sự tham gia của người lao động v.v.). Theo
nghĩa nào đó, chúng ta cần có chủ thuyết của riêng mình để thích hợp
không chỉ với điều kiện cụ thể của nước ta mà còn phải xây dựng được
hệ giá trị mà lý tưởng của chúng ta đang vươn tới.
6
Cuộc kiểm toán gần đây nhất, 7/2009 cũng cho thấy điều này. Xem bài “Nhiều doanh nghiệp Nhà nước
ngập trong nợ nần” của Hồng Minh, Vnexpress 24/7/2009
8
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Grauwe, P. 2009. “Economics is in crisis: it is time for a profound


revamp”, Financial Times, 21/7/2009, London.

2. Kliman, A. 2008. “ A crisis for the centre of the system”, International


Socialism, No 120, 10/2008

3. McIntyre R. 2008. Financial Crisis: Contending Explanations, Tạp chí


điện tử Rethinking Marxism

4. William, R., 2009. “Face it: Marx was partly right about capitalism”
Spectator, 24/9/2008

5. Wolff R. , 2008. ‘Economic Crisis, Ideological Debates’, Tạp chí điện tử


Rethinking Marxism. 9/2008.

6. Wolff R. , 2008. 'Capitalist crisis, Marx's shadow', Tạp chí điện tử MR


Zine, 9/2008.

You might also like