You are on page 1of 3

Công nghệ Plasma

Màn hình plasma hoạt động như thế nào?

Sunday, 9. July 2006, 06:59:34

Đến nay, chiếc TV đầu tiên đã ra đời được gần 80 năm nhưng hầu hết TV đều được chế tạo từ cùng một
công nghệ sử dụng đèn hình hay còn gọi là ống tia ca-tốt (CRT). Đèn hình là một ống thuỷ tinh lớn hình
cái phễu được rút hết không khí, bên trong có một súng bắn ra tia điện tử và các bộ phận lái tia. Tia điện
tử là dòng các hạt electron mang điện âm. Khi đi đến bề mặt đèn hình, các điện tử đập vào lớp phốt-pho
làm cho chúng phát sáng. Hình ảnh được tạo nên bằng cách chiếu sáng lần lượt các vùng khác nhau có
phủ các lớp phốt-pho tạo màu khác nhau của đèn hình.

Đèn hình tạo ra hình ảnh sắc nét và màu sắc rực rỡ nhưng chúng cũng có những điểm yếu của chúng. Đèn
hình thường to và nặng. Muốn tăng kích thước màn ảnh, phải tăng độ dài của ống hình để tia điện tử có
thể quét hết bề mặt đèn hình. Kết quả là TV ống hình loại lớn cực kỳ nặng và cồng kềnh, có khi chiếm hết
cả một căn phòng.

Ngày nay, một công nghệ mới ra đời đã giải quyết trọn vẹn vấn đề trên, đó là màn hình plasma. Màn hình
plasma thường có kích thước lớn, nhưng chỉ dày khoảng 15 cm và khá nhẹ. Bạn dễ dàng treo nó lên tường
như một bức tranh.
Plasma là gì?

Vật liệu quan trọng nhất của công nghệ plasma chính là chất plasma. Plasma là những chất khí có chứa
các ion (các nguyên tử mang điện tích) và các điện tử chuyển động tự do.

Trong điều kiện thường, các chất khí đều được tạo thành từ các phân tử trung hoà về điện (không mang
điện). Khi đó trong mỗi nguyên tử, số hạt proton mang điện dương có trong hạt nhân nguyên tử đúng
bằng số điện tử mang điện âm ở lớp vỏ, quay xung quanh hạt nhân. Do vậy tổng điện tích âm và dương
của nguyên tử trung hoà với nhau, tức là luôn bằng không.

Nếu cho một dòng điện (dòng các điện tử tự do) chạy qua chất khí thì tình trạng cân bằng sẽ biến mất.
Các điện tử tự do va chạm với nguyên tử khí làm cho các điện tử ở lớp vỏ ngoài cùng của nguyên tử đó
bắn ra. Khi bị mất một hoặc vài điện tử, nguyên tử trở thành phần tử mang điện dương (gọi là ion dương)
vì số hạt proton lớn hơn số điện tử còn lại trong nguyên tử. Khi đó chất khí trở thành plasma.

Trong khí plasma, các điện tử mang điện âm sẽ bị hút về phía cực dương và các ion dương sẽ chạy về
phía cực âm. Khi chuyển động hỗ loạn như vậy, các hạt này luôn va chạm vào nhau và vào các nguyên tử
khí khác. Va chạm truyền năng lượng cho các điện tử ở lớp vỏ ngoài cùng của nguyên tử khí làm cho điện
tử này nhảy lên mức năng lượng cao hơn. Nguyên tử có các điện tử như vậy gọi là các nguyên tử được
kích thích. Chúng không ở trong trạng thái kích thích lâu mà nhanh chóng trở về trạng thái tự nhiên, giải
phóng ra năng lượng dưới dạng một hạt ánh sáng gọi là hạt photon. Chất khí sử dụng trong màn hình
plasma là khí xenon hoặc khí neon khi được kích thích phát ra các tia cực tím. Mắt người không thể nhìn
thấy các tia này. Nhưng người ta có thể dùng các tia này để tạo ra ánh sáng nhìn thấy.
Cấu tạo bên trong màn hình plasma

Hình 1

Hình 2

Khí xenon hoặc neon trong màn hình plasma được chứa trong hàng trăm ngàn những “căn phòng” nhỏ
gọi là các tế bào, nằm giữa hai tấm kính. Các điện cực dài nằm giữa hai tấm kính và kẹp giữa các tế bào.
Các điện cực nằm sát tấm kính phía sau được gọi là các điện cực địa chỉ (address electrode). Chúng nằm
song song với nhau theo chiều ngang. Các điện cực nằm sát tấm kính phía trước được gọi là các điện cực
hiển thị (display electrode). Chúng trong suốt và nằm theo chiều thẳng đứng. Bao quang các điện cực hiển
thị là một lớp vật liệu điện môi để cách điện. Nằm giữa các tế bào và điện cực hiển thị còn có một lớp bảo
vệ bằng MgO. Các điện cực hiển thị và các điện cực địa chỉ phối hợp với nhau tạo thành một lưới, ở mỗi
mắt lưới là một tế bào.
Để ion hoá chất khí của một tế bào nào đó, bộ xử lý của màn hình sẽ nạp điện cho hai thanh điện cực
tương ứng giao nhau tại tế bào đó. Thời gian nạp/phóng điện rất nhanh, hàng ngàn chu kỳ trong khoảng
vài phần trăm giây. Dòng điện chạy qua tế bào nào sẽ làm cho tế bào đó phát sáng. Các tế bào được cho
phát sáng liên tiếp nhau với tốc độ rất nhanh, tạo cho ta cảm giác toàn bộ màn hình phát sáng liên tục.

Khi hai điện cực nào đó được cấp điện, một dòng điện sẽ chạy qua chất khí trong tế bào ở chỗ hai điện
cực giao nhau làm chất khí phát ra các tia cực tím (tia UV). Tia cực tím này sẽ kích thích chất phốt-pho
phủ ở thành của các tế bào phát sáng. Mỗi “điểm ảnh” trên màn hình plasma bao gồm ba tế bào độc lập có
ba màu khác nhau là đỏ, xanh lục và xanh thẫm (RGB). Ba tế bào này phát sáng cùng nhau. Màu sắc của
điểm ảnh là tổng hợp của cả ba màu. Bằng cách thay đổi cường độ dòng điện chạy qua mỗi tế bào, người
ta thay đổi được cường độ ánh sáng của màu đó. Do vậy sự tổng hợp của ba màu cơ bản với cường độ
khác nhau sẽ tạo ra bất kỳ màu nào mong muốn.

Ưu điểm chính của công nghệ plasma là ở chỗ có thể chế tạo những màn hình cực lớn với chất liệu cực
mỏng. Phần lớn màn hình plasma đều được chế tạo theo tiêu chuẩn kích thước 16:9 là kích thước ngày
càng được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống hometheatre và HDTV. Mặt khác do mỗi điểm ảnh được
‘thắp sáng’ riêng biệt nên hình ảnh rất sáng, tuyệt đối phẳng và có thể quan sát được dưới mọi góc độ.
Tuy chất lượng hình ảnh còn chưa được như TV đèn hình nhưng màn hình plasma cũng đáp ứng tốt yêu
cầu của hầu hết mọi người.

Nhược điểm lớn nhất của màn hình plasma là giá còn quá cao. Với giá từ 4.000$ đến 30.000$, nó hiện
nằm ngoài khả năng của nhiều người. Tuy vậy, công nghệ đang phát triển từng ngày, chúng ta tin rằng
chẳng bao lâu nữa màn hình plasma sẽ hạ giá xuống mức bằng với TV thông thường hiện nay.

Ghi chú: Phần lớn màn hình plasma không phải là TV mà chỉ là thiết bị hiển thị do không có phần thu và
giải điều chế; giải mã tín hiệu truyền hình. Để biến nó thành TV, bạn cần lắp thêm một anten và một bộ
giải mã, ví dụ VCR.

You might also like