You are on page 1of 3

Tỷ giá hối đoái và các nhân tố ảnh hưởng (Cập nhập :

11/04/2007)
Monday, 17. September 2007, 07:12

ty gia hoi doai

Tỷ giá là một trong những vấn đề rất được quan tâm trong một nền kinh tế, đặc biệt là trong nền
kinh tế của các nước đang phát triển, đang từng bước hoà nhập vào nền kinh tế thế giới và tham
gia vào phân công lao động quốc tế. Bởi hoạt động thương mại quốc tế của các nước này ngày
càng phát triển và đòi hỏi phải có sự tính toán so sánh về giá cả, tiền tệ với các nước đối tác.
Chính tỷ giá là một công cụ quan trọng được sử dụng trong tính toán này.
Để giúp bạn đọc có một cách nhìn tổng quan về tỷ giá, bài viết này sẽ được chia lam hai phần cơ
bản. Trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày các khái niệm cơ bản về tỷ giá hối đoái (TGHĐ), các
nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động của tỷ giá cũng như tác động của biến động về TGHĐ tới
nền kinh tế. Phần tiếp theo sẽ bàn về chính sách tỷ giá và vai trò của các chính sách này trong nền
kinh tế.

TGHĐ được hiểu là giá của một đơn vị ngoại tệ tính theo đồng nội tệ. Đây chính là giá cả của
ngoại tệ trên thị trường và được xác định dựa trên quan hệ cung cầu về ngoại tệ. Được coi là mấu
chốt trong quản lý kinh tế vĩ mô, TGHĐ có tác động ngược trở lại đến các mối quan hệ kinh tế,
lên cán cân thanh toán quốc tế, lên giá cả hàng hoá trong nước và lưu thông tiền tệ... [Isard. P
(1995)]. Nhìn chung, TGHĐ được chia thành nhiều loại khác nhau tuỳ vào mục đích xem xét,
nghiên cứu mà chúng ta quyết định sử dụng loại tỷ giá nào.

TGHĐ danh nghĩa là giá của một đơn vị ngoại tệ tính theo nội tệ và chưa tính đến sức mua của
đồng tiền. TGHĐ thực là tỷ giá danh nghĩa đã được điều chỉnh theo giá tương đối giữa các nước.
Tỷ giá này tăng lên đồng tiền trong nước được coi là bị giảm giá thực so với đồng tiền nước
ngoài và khi tỷ giá này giảm thì đồng tiền trong nước được coi là bi tăng giá thực so với đồng
tiền nước ngoài. TGHĐ hiệu quả thực là tỷ giá được điều chỉnh theo một số các tỷ giá thực của
các nước đối tác thương mại. Tỷ giá này được xem là thước đo hữu hiệu khả năng cạnh tranh của
một nước trong quan hệ thương mại với các nước khác bởi nó xét đến tỷ giá thực giữa đồng tiền
của một nước với nhiều nước tham gia trao đổi thương mại với nước đó [Bourguinat. H (1999)].
TGHĐ thực cân bằng là mức tỷ giá mà tại đó nền kinh tế đồng thời đạt cân bằng bên trong (cân
bằng trên thị trường hàng hoá phi mậu dịch) và cân bằng bên ngoài (cân bằng tài khoản vãng lai).
Tỷ giá thực cân bằng có mối quan hệ mật thiết với các biến số kinh tế khác, nó thể hiện độ nhạy
của các biến kinh tế đối với chính sách kinh tế vĩ mô đặc biệt là trong ngắn và trung hạn [Cuong,
D.X. (2003)].

Sự hình thành TGHĐ là quá trình tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Nhưng nhìn
chung, có ba yếu tố chính tác động đến tỷ giá. Đó là mối quan hệ cung cầu về ngoại tệ, độ lệch về
lãi suất và lạm phát giữa các nước.

Cung cầu về ngoại tệ trên thị trường là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động của tỷ giá
hối đoái. Cung cầu ngoại tệ lại chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau trong đó có cán cân
thanh toán quốc tế. Nếu cán cân thanh toán quốc tế dư thừa có thể dẫn đến khả năng cung ngoại
tệ lớn hơn cầu ngoại tệ và ngược lại. S ự cân bằng của cán cân thanh toán quốc tế lại phụ thuộc
vào các nguốn cung và cầu ngoại tệ cấu thành nên cán cân thanh toán quốc tế. Khi nền kinh tế có
mức tăng trưởng ổn định nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu sẽ tăng do đó nhu cầu về
ngoại tệ cho thanh toán hàng nhập khẩu tăng lên. Ngược lại, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy
thoái thì các hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu bị đình trệ làm cho nguồn cung
ngoại tệ giảm đi. Trong khi nhu cầu nhập khẩu chưa kịp thời được điều chỉnh trong ngắn hạn việc
giảm cung ngoại tệ sẽ đẩy tỷ giá lên cao.

Mức chênh lệch về lãi suất giữa các nước là yếu tố thứ hai ảnh huờng đến TGHĐ. Nước nào có
lãi suất tiền gửi ngắn hạn cao hơn lãi suất tiền gửi của các nước khác thì vốn ngắn hạn sẽ chảy
vào nhằm thu phần chênh lệch do tiền lãi tạo ra, do đó sẽ làm cho cung ngoại tệ tăng lên, TGHĐ
sẽ giảm xuống.

Mức chênh lệch lạm phát của hai nước cũng ảnh hưởng đến sự biến động của tỷ giá. Giả sử trong
điều kiện cạnh tranh lành mạnh, năng suất lao động của hai nước tương đương như nhau, cơ chế
quản lý ngoại hối tự do, khi đó tỷ giá biến động phụ thuộc vào mức chênh lệch lạm phát của hai
đồng tiền. Nước nào có mức độ lạm phát lớn hơn thì đồng tiền của nước đó bị mất giá so với
đồng tiền nước còn lại.

Chênh lệch lạm phát dựa vào thuyết ngang giá sức mua của đồng tiền PPP. Theo thuyết này, mức
giá của một nước tăng lên tương đối so với mức tăng giá của nước khác trong dài hạn sẽ làm cho
đồng tiền của nước đó giảm giá và ngược lại. Như vậy, yếu tố chênh lệch lạm phát chỉ có ảnh
hưởng đến biến động của tỷ giá trong dài hạn. Việc nghiên cứu yếu tố này để làm cơ sở dự đoán
biến động của tỷ giá trong ngắn hạn sẽ đem lại kết quả không đáng tin cậy.

Ngoài những yếu tố nêu trên TGHĐ còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác, chẳng hạn như yếu
tố tâm lý, chính sách của chính phủ, uy tín của đồng tiền…

Nhìn chung, TGHĐ biến động tăng hoặc giảm là do tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Do đó,
để có một mức tỷ giá phù hợp cho từng thời kỳ, chúng ta cần phải xác định được các yếu tố chủ
quan, khách quan; trực tiếp và gián tiếp tác động lên tỷ giá. Trên cơ sở đó, mà đưa ra những
quyết định chính sách đúng đắn trong việc điều hành tỷ giá nhằm đạt các mục tiêu kinh tế cụ thể.

TGHĐ chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau nhưng đồng thời nó cũng tác động tới nhiều mặt
khác nhau của nền kinh tế trong đó quan trọng nhất là tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, tín
dụng quốc tế.

Sự biến động của TGHĐ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngoại thương thông qua kênh giá cả.
Dựa trên TGHĐ, chúng ta có thể tính được giá xuất nhập khẩu của một loại hàng hoá của một
nước theo tiền tệ của một nước khác. Vì vậy, tỷ giá thay đổi kéo theo sự thay đổi của giá cả hàng
hoá xuất nhập khẩu. Chúng ta hãy cùng xem xét tình huống sau. Chẳng hạn khi TGHĐ tăng,
đồng nội tệ mất giá. Sự biến động này có lợi cho hoạt động xuất khẩu vì giá xuất khẩu của hàng
hoá và dịch vụ của nước đó sẽ giảm đi tương đối trên thị trường nước ngoài, với điều kiện giá cả
hàng hoá và dịch cụ đó giữ ở mức ổn định trên thị trường nội địa. Do đó, sẽ góp phần làm tăng
khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ của nước đó. Khi TGHĐ tăng, giá cả hàng nhập khẩu
sẽ đắt lên tương đối trên thị trường nội địa với điều kiện giá nhập khẩu ổn định. Chính vì vậy mà
một số nước sử dụng chinh sách phá giá đồng nội tệ để hạn chế nhập khẩu.

Ngoài ra, TGHĐ tăng hay giảm còn có ảnh hường không nhỏ tới dòng vốn ngoại tệ lưu chuyển
giữa các nước tức tới hoạt động đầu tư và tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn
phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

You might also like