You are on page 1of 16

Dạy con làm giàu ở Việt Nam - Phần 1

Có lẽ phần lớn những người thuộc thế hệ 8x và 9x ở Việt Nam sẽ trả lời rằng đó là cuốn “Cha giàu
Cha nghèo” (Rich Dad Poor Dad) của tác giả Robert Kiyosaki. Một số nơi dịch tựa sách sang tiếng
Việt là “Dạy con làm giàu”. Chỉ cần tìm kiếm các chủ đề kiểu như “Những cuốn sách nên đọc” trên
các diễn đàn, bạn sẽ thấy “Cha giàu Cha nghèo” luôn nằm trong 10 thứ hạng đầu. Thậm chí, nếu để
ý xem profile của bạn bè trên Yahoo! 360, vào phần Những cuốn sách tôi thích (Books I like), bạn
sẽ thấy có mối tương quan sau: người nào quan tâm đến chứng khoán hoặc kinh doanh thì rất có thể
sẽ đưa tên cuốn sách trên vào danh sách Books I like của mình.

Cho những ai chưa đọc qua cuốn sách này, tôi xin tóm tắt nội dung sách ở đây. Tác giả so sánh sự
khác biệt giữa hai người cha của mình: người cha ruột mặc dù có học vấn rất cao những luôn
phải vật lộn với vấn đề tiền bạc; còn người cha nuôi dù không học hành nhiều nhưng lại rất
giàu có. Vậy có khác gì mấy bộ phim thường xem? Tác giả, thông qua những lời khuyên và bài học
của người cha giàu (cha nuôi), nhấn mạnh đến cách những người giàu làm thế nào để càng giàu
hơn. Một trong những lời khuyên quan trọng nhất, đó là trong khi người nghèo phải làm việc
vì tiền, thì người giàu biết cách khiến cho đồng tiền tự làm việc lại cho chính họ. Để đạt được
điều đó, người giàu luôn dùng tiền của mình để mua thêm tài sản (Asset), là những thứ sẽ sinh sôi
thêm nhiều tiền bạc cho chủ sở hữu của nó, ví dụ như nhà đất, cổ phiếu, doanh nghiệp. Trong khi
đó, người nghèo phải làm lụng cực khổ để có tiền mua thêm nợ vào mình, những thứ theo thời gian
sẽ lấy thêm tiền từ túi của chủ sỡ hữu chúng: xe cộ, hàng hiệu, đồ chơi độc,… Vì vậy, người giàu
không cần làm việc nhiều nhưng càng ngày càng giàu, còn người nghèo phải làm việc vất vả nhưng
càng ngày càng nghèo đi.

Cho những ai ĐÃ TỪNG đọc qua cuốn sách này, tôi xin chia sẻ một băn khoăn. Hầu như ai đọc
xong chương đầu tiên đều cảm thấy “lửa cháy” bừng bừng trong người; nhưng rồi đọc hết cuốn
sách, rồi đọc hết những cuốn phần hậu ăn theo cuốn đầu tiên, mọi thứ lại trở về như ban đầu. Vẫn là
câu hỏi lớn chưa được giải đáp: vậy cụ thể cần làm gì để có thể giàu có? Hay chính xác hơn: làm
thế nào để bắt đầu xây dựng tài sản cho riêng mình?

Tôi không hài lòng với cuốn sách “Cha giàu Cha nghèo” là vì vậy. Nó không giúp gì nhiều cho
người đọc, ngoài những ý chung chung ở trên được lặp đi lặp lại thành cả ngàn trang sách. Ồ, dĩ
nhiên là tôi không có ý làm phật lòng các fan cuồng nhiệt của cuốn sách này đâu. Tôi chỉ muốn nêu
ra thiếu sót của cuốn sách và thử xem tôi có thể bổ sung được gì không thôi.

Vậy bây giờ tôi sẽ mời bạn bước vào một cuộc hành trình mới: làm thế nào để xây dựng tài sản
cho riêng mình, nhất là ở điều kiện Việt Nam hiện nay? Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu một trong
những kiến thức đầu tiên mà bạn cần biết: căn bản về danh mục đầu tư và quản lý danh mục đầu tư.

Cho những ai cần được tiếp “lửa” trước khi bước vào hành trình, có thể đọc (hoặc đọc lại) hai
chương đầu tiên của cuốn sách “Cha giàu Cha nghèo” (ở Việt Nam thì gọi là tập 1 trong loạt
sách “Dạy con làm giàu”). Chỉ đọc hai chương đầu tiên thôi, phần còn lại nên bỏ qua.

Lợi nhuận và rủi ro

Muốn đầu tư vào một thứ tài sản nào đó thì phải hiểu lợi nhuận và rủi ro gắn liền với nó. Chúng vô
cùng quan trọng nhưng không mấy người hiểu chính xác. Khi tôi hỏi:

Bạn hiểu gì về lợi nhuận và rủi ro?

Hầu hết mọi người đều trả lời rằng:


Có gì đâu, nghĩa là có gan thì mới làm giàu được thôi.

Theo suy nghĩ của họ thì lợi nhuận cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, và ngược lại. Chấm hết. Nếu hiểu
biết về lợi nhuận và rủi ro chỉ có như vậy thì còn hời hợt quá. Ở đây, tôi xin được giới thiệu với bạn
một số nguyên tắc cơ bản giữa lợi nhuận và rủi ro, vốn cực kỳ đơn giản và quan trọng nhưng mọi
người lại không hề chú ý đến.

Giả sử bây giờ bạn có 100 triệu đồng, và tôi đề nghị với bạn 2 phương án sử dụng số tiền này:

1. Phương án 1: bạn đem 100 triệu đi gửi tiết kiệm để một tháng sau sẽ nhận thêm được 0,8%
tiền lãi/tháng.
2. Phương án 2: bạn đem 100 triệu đi đổ súc sắc (xí ngầu). Mỗi tháng bạn được đổ súc sắc một
lần, và tùy theo bạn đổ được con số mấy, số tiền của bạn sẽ tăng hoặc giảm tương ứng như
bảng sau:

Nếu bạn lắc được số 1 2 3 4 5 6


Thì số tiền sẽ tăng hoặc giảm -3% -2% 4% 4% 5% 7%

Vậy bạn sẽ chọn phương án kiếm tiền nào trong hai phương án trên?

Trước tiên chúng ta sẽ cùng xem xét lợi nhuận của mỗi phương án. Lợi nhuận trong phương án 1
rất rõ ràng: luôn luôn bảo đảm 0,8%/tháng. Phương án 2 thì sao? Mới nhìn thì có vẻ hơi rẳc rối,
nhưng thật ra có cách rất đơn giản để “tính” ra một con số duy nhất đại diện cho lợi nhuận của
phương án 2. Khi theo phương án 2, lợi nhuận sau một tháng của bạn có thể rơi vào một trong sáu
trường hợp khác nhau, và xác suất cho mỗi khả năng xảy ra đều là 1-trên-6-lần (1/6). Vì vậy, về
trung bình lợi nhuận trong một tháng của bạn sẽ là:

[ (-3%) + (-2%) + 4% + 4% + 5% + 7% ] / 6 = 2,5%/tháng

Dĩ nhiên, theo phương án 2 không có nghĩa là mỗi tháng bạn sẽ kiếm được 2,5%. Nó chỉ có ý
nghĩa rằng nhìn chung thì khả năng lời của bạn cao hơn khả năng lỗ. Nghĩa là, xét trung bình
thì nếu theo phương án 2 bạn sẽ kiếm lời nhiều hơn phương án 1 (vì 2,5% > 0,8%). Nhưng
trong một tháng cụ thể nào đó, có thể bạn sẽ lỗ (-3% hoặc -2%) nếu theo phương án 2, thay vì
chắc chắn lời 0,8% nếu theo phương án 1.

Nếu chỉ xét đến lợi nhuận trong 1 tháng tới, bạn sẽ không thể nói được phương án nào sẽ
kiếm lời nhiều hơn. Nhưng nếu xét lâu dài, thì nhiều khả năng phương án 2 sẽ kiếm lời cao
hơn phương án 1.

Bây giờ ta nói đến rủi ro. Theo bạn phương án nào rủi ro hơn? Hầu như mọi người đều “cảm nhận”
được rằng phương án 1 không có rủi ro, còn phương án 2 thì có rủi ro. Nhưng “lượng hóa” độ rủi
ro thế nào thì chưa giải thích được.

Ở đây bạn phải hiểu thế nào là rủi ro. Nhiều người luôn cho rằng rủi ro trong đầu tư có nghĩa
là bị mất đi tiền vốn ban đầu. Bạn không thể đem suy nghĩ kiểu “con buôn” như vậy khi đầu
tư! Khi đánh giá rủi ro trong đầu tư, bạn cần đánh giá xem khả năng kết quả thực tế sẽ khác
với kết quả kỳ vọng như thế nào. Đối với phương án 1, kết quả thực tế sẽ luôn bằng với kết quả kỳ
vọng (0,8%/tháng, giả sử như ngân hàng của bạn luôn làm ăn tốt). Vì vậy phương án 1 không có rủi
ro. Còn đối với phương án 2, kết quả kỳ vọng chính là 2,5%/tháng, còn kết quả thực tế thì không
phải lúc nào cũng được như vậy. Vì vậy ta nói phương án 2 có rủi ro. Còn tính toán độ rủi ro thế
nào thì để lát nữa ta sẽ xét đến.
Qua ví dụ trên, ta thấy rằng: phương án 2 hứa hẹn lợi nhuận cao hơn, nhưng rủi ro cũng lớn hơn
phương án 1. Ít ra thì suy nghĩ thông thường kiểu “có gan làm giàu” cũng có một phần đúng ở đây.

Tuy nhiên, bạn cần nhìn xa hơn nữa. Nếu bạn thuộc tuýp người không ưa mạo hiểm, và chỉ
có ý định “chơi” ngắn hạn, thì bạn nên chọn phương án 1. Ngược lại, nếu bạn dự định chơi
dài hạn, và có khả năng chịu đựng được việc số tiền bị mất đi một phần trong nhất thời
(chẳng hạn bạn có thu nhập từ tiền lương hằng tháng đủ để tiêu dùng mà không cần đến số
tiền 100 triệu kia), bạn nên chọn phương án 2 để có lợi nhuận lớn hơn về lâu dài.

Đến đây, bạn cần nhớ:

Nguyên tắc 1: Nếu bạn muốn có lợi nhuận (kỳ vọng) cao, bạn phải chịu rủi ro cao tương ứng.
Ngược lại, bạn chỉ chấp nhận lợi nhuận thấp hơn nếu như rủi ro cũng phải giảm đi đáng kể.

Làm thế nào để đánh giá rủi ro?

Giả sử bạn gần như đã quyết định phương án 2, thế thì tôi đề nghị với bạn thêm một phương án:

1. Phương án 3: thay vì đổ súc sắc, bạn sẽ thảy một đồng xu. Nếu đồng xu có mặt lúa, bạn sẽ
có thêm 25%. Còn nếu đồng xu có mặt hình, bạn sẽ mất đi 20%. (Một số sách vở hay viết
rằng đồng xu có mặt sấp và mặt ngửa, riêng tôi thì chẳng hiểu sấp là sao mà ngửa là sao. Vì
vậy tôi gọi là hình và lúa giống như hồi nhỏ tụi trẻ con trong xóm tôi hay chơi).

Tính thử thì bạn sẽ thấy lợi nhuận trung bình của phương án 3 cũng bằng phương án 2:

[ (-20%) +25% ] / 2 = 2,5%/tháng

Cả hai phương án 2 và 3 cũng có lúc thắng lúc thua, mặc dù mức độ có khác nhau. Vậy bạn chọn
phương án nào?

Tôi đã thử hỏi nhiều người, và hầu như ai cũng cho rằng cả hai phương án đều như nhau. Đa số đều
cho rằng cả hai phương án đều là trò may rủi, nếu có gan làm giàu thì chọn cái nào chẳng được.
Đáng tiếc rằng họ đã lầm. Sự thật là phương án 2 ít rủi ro hơn phương án 3.

Khi quan sát kỹ, bạn sẽ thấy trong phương án 2, số lần thắng nhiều hơn số lần thua, và dù
thắng hay thua thì kết quả cũng không quá chênh lệch nhiều như phương án 3. Dĩ nhiên là có
một cách “bài bản” hơn để thể hiện sự chênh lệch này, đó là tính độ lệch chuẩn cho mỗi phương án.
Nếu bạn không còn nhớ rõ độ lệch chuẩn là gì, có thể xem lại giáo trình xác suất thống kê phần cơ
bản, còn không thì cứ hiểu nôm na thế này: độ lệch chuẩn của một dãy số nói lên khoảng cách
trung bình mà các số trong dãy số đó phân bố quanh giá trị trung bình. Độ lệch chuẩn của
từng phương án trên là như sau:

Lợi nhuận trung bình Độ lệch chuẩn


Phương án 1 0,8%/tháng 0%
Phương án 2 2,5%/tháng 3,69%
Phương án 3 2,5%/tháng 22,5%

Lợi nhuận trung bình 2,5%/tháng và độ lệch chuẩn 3,69% có nghĩa là gì? Rất đơn giản. Nếu bạn
xem kết quả của các lần đổ súc sắc tuân theo phân phối chuẩn (đây là một khái niệm trong xác suất
thống kê, bạn không cần biết quá chi tiết làm gì nếu không hứng thú với nó), thì có đến 2-trên-3-lần
(66,67%) lợi nhuận trong một tháng của bạn sẽ nằm trong khoảng -1,19% đến 6,19%.
• -1,19% được tính bằng cách lấy 2,5% trừ đi 3,69%.
• 6,19% được tính bằng cách lấy 2,5% cộng cho 3,69%.

Hay nói cách khác, phần lớn khả năng là lợi nhuận sẽ dao động xung quanh giá trị trung bình một
khoảng bằng với 1 độ lệch chuẩn. Đến đây chắc bạn đã hiểu, một trong những cách phổ biến
nhất để tính “độ rủi ro” của khoản đầu tư chính là tính độ lệch chuẩn của nó. Độ lệnh chuẩn
càng cao có nghĩa là kết quả đầu tư biến động càng lớn quanh giá trị kỳ vọng (ở đây là giá trị
trung bình). Giá trị của độ lệch chuẩn càng thấp thì mức độ ổn định của số liệu càng lớn, dao động
quanh giá trị trung bình càng nhỏ. Giá trị độ lệch chuẩn càng cao thì mức độ ổn định của số liệu
càng nhỏ, dao động quanh giá trị trung bình càng lớn. Như vậy nếu giá của cổ phiếu có độ lệch
chuẩn nhỏ, mức độ biến thiên giá của cổ phiếu này quanh trung bình động thấp, nếu độ lệch chuẩn
lớn, mức độ biến thiên giá của cổ phiếu quanh trung bình động cao.

Trong xác xuất thống kê, nếu gọi X là giá cổ phiếu với trung bình là a, theo mô hình phân phối
chuẩn có các xác suất sau:

P(a – d < X < a + d) = 68,26%


P(a – 2d < X < a + 2d) = 95,44%
P(a – 3d < X < a + 3d) = 99,74%

Điều này có nghĩa xác suất để giá cổ phiếu nằm trong khoảng từ trung bình giá trừ đi độ lệch chuẩn
(a – d) cho đến trung bình giá cộng với độ lệch chuẩn (a + d) là 68.26% tức là gần 70%. Chú ý rằng
70% là ngưỡng mà nhiều nhà kinh doanh và quân sự mong đợi: “nếu khả năng chắc thắng 70% thì
cứ việc tiến hành”. Vì vậy nếu giá cổ phiếu không nằm trong khoảng 70% (vượt trên ngưỡng a + d
hoặc xuống dưới ngưỡng a - d) thì đó sẽ là các tín hiệu cảnh báo cần phải chú ý.

Hãy hình dung trong ví dụ sau: vào cuối học kỳ người ta lấy hai học sinh cùng có điểm trung bình
5,0 để xét cho đi thi học sinh giỏi. Học sinh thứ nhất có độ lệch chuẩn là 0 vì điểm trong học kỳ của
học sinh này toàn điểm 5; học sinh thứ 2 có độ lệch chuẩn lớn hơn 0 vì điểm trong học kỳ của học
sinh này có cả hai loại điểm 10 và điểm 0. Người ta nói học sinh thứ nhất học đều và ổn định hơn
học sinh thứ hai. Nếu cử học sinh thứ nhất đi thi thì sẽ an toàn hơn vì không sợ bị điểm liệt và
mang tiếng xấu về cho trường, nhưng cử học sinh thứ hai sẽ có khả năng sinh lợi lớn hơn vì có thể
đoạt giải nhất mặc dù rủi ro bị liệt là tương đương.

Khi đã được trang bị những kiến thức cơ bản ở trên, bạn sẽ thấy rằng phương án 2 thật ra không
quá rủi ro như hình dung ban đầu. Khả năng bạn bị thua đậm (mất sạch tiền – như cách mọi người
thường nghĩ) là khá thấp, vì có đến 66,67% khả năng lợi nhuận của bạn sẽ rơi trong khoảng -1,19%
đến 6,19% một tháng. Xác suất 66,67% tương đương với khả năng bạn có thể mời được một mỹ
nhân đi ăn cháo hành, nếu như bạn có thể chọn ngẫu nhiên một trong ba người: Ngô Thanh Vân,
Hồ Ngọc Hà, và Thị Nở. Tôi nghĩ ai cũng sẵn lòng đặt cược vào trường hợp này.

Áp dụng cách tính trên cho phương án 3, bạn sẽ hiểu vì sao nó rủi ro hơn rất nhiều so với các
phương án còn lại. Tôi dành cho bạn tính toán, xem như là một bài thực hành nho nhỏ.

Vì vậy, bạn nên chọn phương án 2 thay vì phương án 3. Và bạn cũng cần nhớ:

Nguyên tắc 2:

- Độ rủi ro của một khoản đầu tư có nghĩa là khả năng kết quả thực tế khác đi so với kết quả kỳ
vọng.

- Có thể dùng độ lệch chuẩn để tính độ rủi ro của một khoản đầu tư.
- Cùng một lợi nhuận kỳ vọng, bạn nên chọn khoản đầu tư có độ rủi ro thấp hơn. Điều này sẽ
giúp cho bạn ngủ ngon trước những biến động ngắn hạn của khoản đầu tư, đồng thời vẫn bảo
đảm cùng một kết quả về lâu dài.

Bắt đầu tăng tốc

Chúc mừng bạn. Đến đây xem như bạn đã trải qua phần gai góc và “khô” nhất trong loạt bài này.
Bạn đã hiểu được mối tương quan giữa lợi nhuận và rủi ro, làm sao để tính, và cách áp dụng như
thế nào. Bây giờ chúng ta đã sẵn sàng tăng tốc để tìm hiểu bao nhiêu điều thú vị về cách xây dựng
tài sản và cách làm giàu.

Và để cho nó thời thượng, tôi sẽ lấy ví dụ chủ yếu liên quan đến cổ phiếu. Ngoài 3 phương án ở
trên, bây giờ tôi sẽ đề nghị thêm một phương án nữa: mua cổ phiếu theo phương pháp VN-Index
(đã nói ởbài này ). Chúng ta sẽ thử tính xem lợi nhuận trung bình hằng tháng và độ lệch chuẩn của
VN-Index là bao nhiêu tính từ ngày đầu thị trường mở cửa cho đến ngày hôm nay. Cách tính cũng
tương tự như trên: tôi ghi lại tỉ suất lợi nhuận của VN-Index trong từng tháng, rồi dùng chức năng
sẵn có của Google Spreadsheets (tương tự như Microsoft Excel) để tính lợi nhuận trung bình và độ
lệch chuẩn. Dữ liệu chi tiết có thể xem ở đây. Kết quả tóm tắt là như sau:

Lợi nhuận trung bình Độ lệch chuẩn


Phương án 4 (mua3,72%/tháng 12,76%
VN-Index)

Bạn có thấy bất ngờ không? Những người xung quanh bạn đều nói rằng cổ phiếu rất rủi ro, rất nguy
hiểm, rằng giá cổ phiếu biến động rất mạnh. Bạn luôn nghe người ta kể rằng (hoặc đồn rằng) khi
chơi cổ phiếu, khi thắng thì sẽ kiếm được gấp đôi (100%), thậm chí gấp 5 (500%) trong một tháng,
còn khi thua thì có thể mất phân nửa (-50%) hoặc thậm chí mất trắng (-100%) cũng chỉ trong một
tháng. Khi nhìn vào số liệu thực tế, bạn có thể mỉm cười và quên những người đó đi. Họ chẳng
khác nào mấy bà bán gà, bán vịt ở ngoài chợ, nghe người khác đồn rồi thêm mắm thêm muối thổi
phồng mọi việc lên.

Chơi cổ phiếu không quá rủi ro như người ta nghĩ. Chơi cổ phiếu cũng không phải căng thẳng hằng
tháng vì giá cổ phiếu biến động như người ta nghĩ. Phần lớn thời gian trong hơn 6 năm qua, lợi
nhuận (hoặc thua lỗ) của VN-Index chỉ dao động trong khoảng từ -9,04% đến 16,48% một tháng.
Thua lỗ 9,04% trong một tháng không kinh khủng đến nỗi khiến người ta phải tự tử hoặc ly dị
chồng. Thắng được 16,48% một tháng cũng không quá sướng đến nỗi khiến người ta phải bỏ việc
để đi buôn chứng khoán. Những người phải mất ngủ, bỏ cơm, bỏ phở, trốn việc, trễ hẹn với người
yêu,… là bởi vì họ lựa chọn như vậy. Nhưng số liệu thực tế không hề ủng hộ họ. Có đáng phải lo
lắng vì việc phải ăn cháo hành với Thị Nở hay không, nếu ta biết rằng có Ngô Thanh Vân và Hồ
Ngọc Hà trong tập 3 người để lựa chọn, đồng thời biết rằng thật ra Thị Nở cũng không quá khủng
khiếp như mọi người nghĩ.

Xét một cách khách quan, ta có thể thấy phương án 4 thế này:

• Rủi ro cao hơn hẳn so với phương án 1 và 2 (biến động lớn gấp 3 lần so với trò đổ súc sắc!),
nhưng thấp hơn nhiều so với phương án 3. Bây giờ bạn đã thấy rồi đấy, chơi cổ phiếu ít rủi
ro hơn trò thảy đồng tiên ở phương án 3 nhiều.
• Lợi nhuận rất lớn. Đừng bị con số 3,72%/tháng đánh lừa bạn. Nếu anh bạn đồng nghiệp
khoe rằng vừa trúng 300% nhờ cổ phiếu trong tháng qua, đừng tủi thân. Bạn chỉ cần con số
trung bình 3,72%/tháng, nhưng kéo dài qua hơn 6 năm, thì số tiền của bạn đã tăng hơn 10
lần. 300%/tháng làm cho anh bạn đó phát điên và thấy rằng trừ chơi cổ phiếu ra, mọi công
việc trên đời này đều thật là “bèo nhèo”. Còn 3,72%/tháng với độ lệch chuẩn 12,76% giúp
bạn yên tâm hằng tháng với công việc yêu thích của mình, đồng thời hạnh phúc nhìn những
đồng tiền tự sinh sổi nảy nở cho bạn.

Dĩ nhiên tôi hiểu, bạn, cũng như tôi, đều là người Việt Nam. Mà phàm đã là người Việt Nam nói
riêng, và người Á Đông nói riêng, thì không quen nhìn dài hạn. Nhìn ngắn hạn, ở một số ít trường
hợp, VN-Index cũng giảm thê thảm, ví dụ giảm kỷ lục 20%/tháng trong 3 tháng liên tiếp 7,8,9 năm
2001. Có cách nào khắc phục được điều này không? Hay nói cách khác, có cách nào giảm được
biến động trong ngắn hạn, đồng thời lại không ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng?

Câu trả lời là có cách. Mời bạn xem phần kế tiếp. Đó chính là phần mà tôi còn nợ bạn vì chưa trình
bày trong loạt bài “Kiếm 100 triệu/giờ nhờ cổ phiếu”.

Lý thuyết quản lý danh mục

Vào một ngày đẹp trời, có hai người từ dưới quê lên tìm đến trước cửa nhà bạn. Một
người là Hai Lúa, người còn lại là Tư Râu. Họ có cùng một mục đích khi gặp bạn: muốn
rủ bạn góp vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh của họ. Hai Lúa làm nghề trồng trọt,
còn Tư Râu chuyên vận chuyển nước ngọt từ thành phố về những miền quê khô hạn.
Công việc kinh doanh của cả hai đều phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu năm nào mưa
thuận gió hòa, Hai Lúa kiếm được rất nhiều tiền, ngược lại Tư Râu sẽ thua lỗ nặng.
Nhưng đến năm nào hạn hán triền miên, Hai Lúa sẽ xấc lấc xang bang, còn Tư Râu lại
trúng đậm. Bảng sau đây ghi rõ năng lực kinh doanh của cả hai trong từng thời điểm.

Mưa thuận gió hòa Hạn hán


Hai Lúa +60%/năm -20%/năm
Tư Râu -20%/năm +60%/năm

Một năm bất kỳ hoặc sẽ có mưa thuận gió hòa, hoặc sẽ bị hạn hán. Xác suất trong mỗi trường hợp
đều như nhau và bằng 50%. Khu vực mà Hai Lúa và Tư Râu có thời tiết diễn biến rất thất thường,
và hiện nay chưa có một phương pháp nào đáng tin cậy để có thể dự báo được thời tiết của khu vực
này một cách chính xác. Vậy bạn sẽ chọn ai để đầu tư? Cả Hai Lúa và Tư Râu đều có khả năng
kinh doanh như nhau:

• Lợi nhuận trung bình hằng năm là 20%.


• Độ lệch chuẩn là 40%.

Như vậy thì chọn ai cũng như nhau cả? Chính xác. Nhưng thật ra bạn còn rất nhiều lựa chọn khác.

Cách đầu tiên mà bạn, cũng như phần lớn mọi người, sẽ chọn là cố gắng dự đoán thời tiết của từng
năm, nếu đó là năm mưa thuận gió hòa thì đầu tư vào Hai Lúa, còn nếu dự đoán năm đó bị hạn hạn
thì rút vốn từ Hai Lúa chuyển sang đầu tư cho Tư Râu.

Với cách này thì có hai khả năng chủ yếu. Một, nếu bạn thực sự tìm ra được phương pháp dự đoán
thời tiết chính xác, bạn sẽ luôn giành phần thắng: lợi nhuận sẽ là 60%/năm. Hai, nếu phương pháp
của bạn thật ra chẳng có tác dụng gì, thì kết quả của bạn sẽ không khác mấy so với việc chỉ đầu tư
vào một trong hai doanh nghiệp. Dĩ nhiên, cũng có khả năng phương pháp của bạn “khá tốt” so với
những phương pháp khác (đoán đúng nhiều lần hơn đoán sai), khi đó lợi nhuận của bạn sẽ nằm
giữa hai trường hợp. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng bị thiệt so với cách đầu tư vào
một doanh nghiệp duy nhất: bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian để theo dõi và dự đoán thời tiết.

Còn nếu không muốn mất thời gian, bạn có thể làm như sau: chia đôi số tiền của mình ra, một nửa
đầu tư vào Hai Lúa, một nửa còn lại đầu tư vào Tư Râu.
• Trong năm mưa thuận gió hòa, lợi nhuận của bạn sẽ là: một nửa bên Hai Lúa sẽ tăng lên
60%, còn nửa bên Tư Râu sẽ giảm 20%. Kết quả tổng cộng trong năm đó sẽ là: (1/2)*60% +
(1/2)*(-20%) = 20%.
• Trong năm hạn hán, điều ngược lại sẽ xảy ra, nhưng kết quả tổng cộng trong năm đó cũng
sẽ bằng 20%.

Có nghĩa là với cách chia đôi này, bạn vẫn có lợi nhuận trung bình hằng năm là 20%, nhưng bây
giờ rủi ro đã bằng 0, thay vì bằng 40% nếu như bạn chọn cách đầu tư vào một trong hai doanh
nghiệp.

Cách chia đôi này minh họa trường hợp đơn giản nhất của lý thuyết quản lý danh mục:
bạn có thể kết hợp hai hoặc nhiều tài sản (cổ phiếu, trái phiếu, địa ốc, doanh nghiệp,…) vào
một danh mục để sao cho rủi ro của danh mục đó sẽ thấp hơn rủi ro riêng của từng tài sản cấu
thành nên danh mục đó.

Trên thực tế thì rất hiếm khi bạn tìm được một cặp doanh nghiệp “xứng đôi vừa lứa” như cặp Hai
Lúa – Tư Râu. Người ta gọi cặp doanh nghiệp Hai Lúa – Tư Râu có kết quả tương quan âm
tuyệt đối (hoặc tương quan ngược tuyệt đối), nói nôm na nghĩa là khi A tăng thì B giảm, còn
khi A giảm thì B lại tăng một cách đối xứng. Hiện nay, hầu hết các thành phần kinh tế đều tác
động và chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nên kết quả của chúng thường thay đổi cùng với nhau, chứ
không ngược lại với nhau như Hai Lúa và Tư Râu.

Sắp tới nếu bạn tìm được một cặp tài sản có tương quan âm tuyệt đối, đồng thời mỗi tài sản đều có
lợi nhuận kỳ vọng khá lớn, khi đó nhớ báo cho tôi biết. Bạn kiếm được một thứ quý như vàng rồi
đấy.

Nhưng không phải trên thế gian này không có vàng. Có đầy ra đấy, mà điều lạ lùng là mọi người lại
không để ý. Có lẽ họ đều đang bận rộn với việc ngồi dự đoán xem năm sắp tới sẽ là hạn hán hay
mưa thuận gió hòa. Còn nếu bạn không thuộc trong số đó, mời bạn xem phần kế tiếp. Nhưng trước
hết, bạn cần nhớ đến điều sau:

Nguyên tắc 3: Chỉ cần hai tài sản không hoàn toàn “song song” với nhau (nghĩa là không phải
lúc nào cũng cùng tăng, cùng giảm), bạn có thể giảm rủi ro khi đầu tư vào chúng bằng cách lập
ra một danh mục kết hợp giữa hai tài sản trên.

Quản lý danh mục trên thực tế

Trở lại với câu hỏi phía trước: làm thế nào để giảm rủi ro khi đầu tư vào VN-Index? Rất đơn giản:
lập ra một danh mục gồm VN-Index và một tài sản nào khác, nếu tài sản đó có tương quan
âm (không cần tương quan âm tuyệt đối) với VN-Index thì càng tuyệt.

Vậy ta sẽ chọn tài sản nào đây: trái phiếu, nhà đất, vàng, đô la,… Tôi đã thử lùng sục để tìm số liệu
từng tháng của từng loại hình, chỉ đáng tiếc là không có nguồn nào đầy đủ cả. Do đó tôi thử tìm tài
sản khác.

Thật tình cờ, vừa rồi tôi có nói chuyện một đồng nghiệp. Tôi hỏi xem anh ta đã bắt đầu kế hoạch
đầu tư cổ phiếu của mình chưa. Anh ta nói rằng chưa, vì đang “nghiên cứu” tình hình Mỹ tấn công
Iran! Cũng như những người đang bận rộn dự đoán thời tiết ở ví dụ trên, anh đồng nghiệp của tôi
đang cố đoán xem Mỹ có tấn công hay không, khi nào tấn công, và nếu tấn công thì khi nào thị
trường chứng khoán Mỹ giảm, khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giảm ra sao… Anh ta
nghe đồn rằng nếu thị trường Mỹ hoặc thế giới sụp (hoặc đi xuống) thì thị trường Việt Nam cũng
sụp theo, vì từ trước đến này đều như vậy cả.
Khi mọi người bận rộn dự đoán thời tiết thì tôi quyết định chia đôi số tiền để đầu tư vào cả Hai Lúa
và Tư Râu. Và bây giờ, khi mọi người đang bận rộn dự đoán về cuộc chiến Mỹ-Iran, tôi thử phân
tích xem nếu tôi vừa đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam, vừa đầu tư cổ phiếu ở Mỹ từ tháng 8/2000 cho
đến hết tháng 3/2007 thì kết quả sẽ ra sao.

Trước hết, chúng ta cùng ôn lại xem có những biến cố quan trọng gì đã xảy ra ở Mỹ và Việt Nam
trong hơn 6 năm qua. Ở Việt Nam thì hẳn bạn còn nhớ. Trên thị trường chứng khoán, có 2 lần thị
trường suy giảm mạnh (tháng 7/2001, tháng 5/2006). Sàn giao dịch bị quá tải, phần mềm bị lỗi,
phần cứng không tương thích… Bên ngoài thị trường, dịch SARS xuất hiện, rồi kế đến là cúm gà
nhiều năm liền làm điêu đứng sản xuất, tăng giá thực phẩm, du lịch thất thu. Đó là chưa kể bao
nhiêu dịch nhỏ khác: lở mổm long móng ở heo, rầy nâu, sâu bệnh, tôm cá chết… Bao nhiêu vụ
tham nhũng đổ bể. Năm Cam bị bắt. Bùi Tiến Dũng cũng bị bắt. Việt Nam bị kiểm tra việc sử dụng
vốn vay trực tiếp. Đội tuyển bóng đá Việt Nam thua trong trận chung kết SEA Games ngay trên sân
nhà. Một số tuyển thủ bóng đá bán độ. Đồng chí Phan Văn Khải thôi giữ chức Thủ tướng Việt
Nam. Cơn sốt nhà đất lên đến đỉnh rồi xìu một cách đột ngột. Vàng tăng giá chóng mặt làm bao
nhiêu người mắc nợ mua nhà trả góp bằng vàng. Đồng Việt Nam bị mất giá. Ngành công nghiệp
phần mềm thiếu nhân lực trầm trọng. Các ngành kinh tế khác thiếu nhân lực trình độ cao trầm
trọng. Các khu công nghiệp thiếu công nhân trầm trọng. Rồi đến các ngân hàng và công ty chứng
khoán thiếu nhân lực trầm trọng. Các doanh nghiệp Việt Nam đối diện với nguy cơ thua ngay trên
sân nhà khi Việt Nam gia nhập WTO.

(Liệt kê và sưu tầm tất cả các yếu tố ảnh hưởng từ kinh


tế,chính xị,xã hội (giáo dục,y tế ….nói chung là tất)của
xã hội (việt nam và thế giới)lên các thị trường nói
chung, tạo excel để mô tả nếu một yếu tố xảy ra thì
tương quan sẽ như thế nào,cái nào bị ảnh hưởng,cái nào
lên,cái nào xuống. Từ đấy lập bảng đối chiếu,ghi dữ
kiện lại. Bất cứ khi nào điều gì xảy ra,update lại là sẽ
thấy biến động và tác động của nó ==> quyết định đầu
tư cái gì và không đầu tư cái gì)
Cùng thời gian đó, thị trường Mỹ chứng kiến sự sụp đổ của bong bóng dotcom. Cổ phiếu rớt giá kỷ
lục trong lịch sử. Bê bối tài chính khiến Emron và một số tập đoàn khác phá sản. Lần đầu tiên trong
lịch sử nước Mỹ bị tấn công: tòa nhà WTC bị khủng bố. Tình hình kinh tế sa sút. Đảng Dân chủ
thất bại 2 lần liên tiếp trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Mỹ và đồng minh tấn công
Afganistan. Mỹ tấn công Iraq. Mỹ sa lầy ở Iraq. George Bush tái đắc cử chức Tổng thống. Bin
Laden vẫn chưa bị bắt. Thâm hụt thương mại cao. Cơn sốt nhà đất bị xẹp. Các hãng xe hơi lớn nhất
của Mỹ lỗ chỏng gọng và bị các hãng xe hơn Nhật cho hửi khói ngay trên sân nhà. Bão Katrina tàn
phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Giá dầu tăng cao. Giá vàng
tăng cao. Đồng đô la mất giá.

Nghe qua thì có vẻ như hơn 6 năm vừa qua không phải là thời điểm tốt để đầu tư vào cổ phiếu ở
Việt Nam lẫn ở Mỹ? Nhà đầu tư nào thường được khen rằng có khả năng “nhạy cảm” tuyệt vời với
thị trường đều chẳng thấy lo ngại mỗi khi nghe được dù chỉ một thông tin đã liệt kê ở trên?
Bây giờ mời bạn xem số liệu thực tế. Tôi xin tóm tắt lợi nhuận trung bình hằng tháng và độ lệch
chuẩn của 3 danh mục: 1)mua 100% theo VN-Index; 2)mua 100% theo SP500; 3)mua 50% VN-
Index và 50% SP500.

(Để mua theo VN-Index thì tôi đã trình bày trong bài viết trước, đặc biệt là trong các phần
comment ở cuối bài. Còn để mua theo SP500, chỉ số gồm 500 công ty có giá trị cao nhất trên thị
trường Mỹ, thì đơn giản hơn nhiều. Ở Mỹ có rất nhiều index fund – quỹ chỉ số - dành cho mọi
người. Bạn chỉ cần số tiền ban đầu là 2500usd là có thể tham gia.)

Tôi lấy ví dụ thế này :

trong năm 2009 , kể từ thời điểm VNindex ở mốc 430 và bùng nổ lên 630 , tương đương với 46% , rất nhiều
mã đã có độ tăng trưởng vượt qua con số này, nhưng đồng thời cũng nhiều mã lại chỉ có độ tăng trưởng
khoảng ... 20% . Và khi VNindex giảm từ 630 về 430 thì những mã này lại giảm nhiều hơn 20%. Kết quả :
mặc dù vào đúng sóng, nhưng do không biết nhảy ra đúng lúc nên không những lời mà anh em còn lỗ.
Tôi đảm bảo mặc dù năm 2009 tăng nóng, nhưng rất nhiều bác trong F319 vẫn lỗ y như ... tôi. Tôi đã dại
đột đầu tư vào họ NH trong năm 2009 : STB , VCB và lỗ chỏng gọng.
Trong năm 2010 , nhiều bác dự cảm được 1 con sóng lớn , có thể VN sẽ up mạnh từ 480 lên 700 , nhưng
chắc chắn sẽ có nhiều người không lời được bao nhiêu, và có thể còn lỗ nếu sóng này điều chỉnh về 630
thôi.

Từ đó suy ra 1 chân lí : đoán trước được xu thế thị trường cũng không quan trọng bằng mua trúng được cổ
phiếu.
Nhưng việc mua trúng được cổ phiếu sẽ tăng nóng trong điều kiện thi trường đang lên là rất khó khăn, cần
phải có kinh nghiệm, biết phân tích tình hình kinh tế cũng như đồ thị, thậm chí có thông tin nội bộ ... quá khó
khăn cho những người mới tập chơi. Nhiều newbie sẽ sa vào mê hồn trận của tin đồn , kiểu gì cũng loạn
chưởng.

Nếu đòi hỏi một mức lợi nhuận vượt qua TT đem đến nhiều rủi ro, vậy tại sao chúng ta không tìm kiếm mức
lợi nhuận bằng thị trường thôi là được? Chỉ vì luôn tìm kiếm mức lợi nhuận 100% , 200% ... nên chúng ta
luôn chạy theo những cổ phiếu tăng nóng , kết quả là thưởng đi đổ vỏ cho người khác. Nếu chỉ tìm kiếm
mức lợi nhuận tương đương với mức lên của VNindex, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Bạn chỉ
việc lên một danh sách khoảng ... 20-30 cổ phiếu dẫn dắt thị trường , có mức vốn hoá lớn , thuộc nhiều
ngành nghề khác nhau, mỗi ngành chọn lấy 1 mã chủ đạo , kiểu như : SSI , STB , EIB , SJS , ABT , NTP ,
DRC... cho sàn HO và : ACB , SHB , KLS , VCG , S96 .. cho sàn HA. Giả sử bạn có 200 triệu , thay vì mua
2k SSI , 2k STB , bạn nên băm nhỏ ra và mua theo danh mục đó, mỗi thứ 100, 200 cổ phiếu. Tôi không rõ
các chi phí ở CTCK khác thế nào, nhưng CTCK tôi sử dụng chủ yếu là 2 phí chính : phí mỗi lần giao dịch
khoảng 0.3% và thuế là 0.1% . Các loại phí đều tính theo % nên mua 1 lệnh 200 triệu cũng y như mua 20
lệnh 10 triệu mà thôi.

Nếu có thể lập 1 danh mục đầu tư sát với chỉ số VNindex như vậy, khi TT up từ 480-700 , bạn có thể lời
được 46%. Trong trường hợp xấu TT điều chỉnh ngược về 630 bạn vẫn có thể lời : 31%. Điều tương tự cũng
xảy ra cho giai đoạn VN index từ 430-630-430-530-480 , bạn vẫn lời 11%.

Việc khó nhất ở đây chính là lập danh mục đầu tư làm sao phải có những cp cần thiết và việc phân chia tỉ lệ
đầu tư phải hợp lí để danh mục đầu tư biến động càng giống VNindex càng tốt. Danh mục và tỉ lệ ở trên tôi
đưa theo cảm tính chứ không có phân tích gì hết. Danh mục đầu tư cũng phải thường xuyên thay đổi để sát
hơn với VNindex.

Lợi nhuận trung bình Độ lệch chuẩn


100% VN-Index 3,72%/tháng 12,76%
100% SP 500 0,21%/tháng 4%
50% VN-Index và50%1,97%/tháng 7,08%
SP 500

Một số phân tích sơ bộ. Thứ nhất, quả thật cổ phiếu Mỹ (ở đây hiểu là chỉ số SP 500) không đem
lại nhiều lợi nhuận trong hơn 6 năm qua, chủ yếu là vì thời điểm tháng 8/2000 chính là đỉnh cao
của cơn sốt cổ phiếu dotcom. Sau hơn 6 năm thì cổ phiếu Mỹ mới khôi phục là như cũ. Người nào
dồn hết tiền vào chơi cổ phiếu bên Mỹ lúc 8/2000 thì đến bây giờ mới gần như hòa vốn. Tuy nhiên,
thực tế thì đa số mọi người lại lời nhờ mua cổ phiếu ở Mỹ trong thời gian đó. Vì sao vậy? Bởi vì
phần lớn người Mỹ đều đầu tư vào cổ phiếu theo phương pháp quân bình giá (cứ mỗi tháng dành ra
một ít tiền mua cổ phiếu, xem lạibài cũ), thông qua quỹ phúc lợi mà các công ty dành cho từng
nhân viên. Người lao động ở Việt Nam chưa có được điều này Nhưng tôi luôn ao ước rồi một
ngày nào đó ở Việt Nam sẽ có. Trong dịp khác tôi sẽ giới thiệu kỹ hơn về lợi ích của các quỹ phúc
lợi này.

Thứ hai, bạn hãy nhìn kỹ vào kết quả của danh mục vừa có VN-Index vừa có SP 500. Nhờ đa dạng
hóa đầu tư vào hai tài sản, chúng ta đã có thể giảm rủi ro đi gần được phân nửa. Dĩ nhiên, hậu quả
là lợi nhuận trung bình cũng giảm theo một nửa. Đây chính là kết quả khi áp dụng lý thuyết quản lý
danh mục trên thực tế. Bởi vì rất khó tìm được các tài sản tương quan âm với nhau (chứ đứng nói
đến tương quan âm tuyệt đối), nên bạn không thể trông đợi việc giảm đi mọi rủi ro khi đa dạng hóa
đầu tư.

Tuy nhiên, tôi tin rằng lợi nhuận 1,97%/tháng với độ lệch chuẩn 7,08% cũng đủ để thỏa mãn phần
lớn nhà đầu tư ở Việt Nam. Danh mục này vừa bảo đảm có được lợi nhuận cao, vừa không biến
động quá dữ dội (mà thật ra chữ “dữ dội” đang bị nhiều người thổi phồng quá đáng). Những người
bị “ám ảnh” bởi những biến cố liên quan đến thị trường Mỹ và Việt Nam hẳn sẽ thất vọng lắm khi
nhìn thấy kết quả ở bảng trên. Hơn 6 năm vừa qua không phải là thời điểm nên tránh xa cổ phiếu,
ngược lại là khác, họ sẽ kiếm được lợi nhuận cao đồng thời ít rủi ro hơn nếu biết đa dạng hóa danh
mục đầu tư vào cả hai thị trường.

Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy rằng không chỉ có 3 danh mục như trên để lựa chọn? Nếu bạn mua 75%
VN-Index và 25% SP 500 thì sao? Rồi còn danh mục 60% VN-Index và 40% SP 500. Vâng, có rất
nhiều cách để tạo nên danh mục từ hai tài sản này. Để biết lợi nhuận trung bình và độ lệch chuẩn
cho từng danh mục, bạn có thể xem ở đây.

Nhìn vào đồ thị dưới đây sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn lợi nhuận và rủi ro ứng với từng danh mục.
Giá trị ở trục ngang thể hiện rủi ro (độ lệch chuẩn), còn giá trị ở trục dọc thể hiện lợi nhuận trung
bình mỗi tháng.
Hình 1: Lợi nhuận và rủi ro của các danh mục gồm VN-Index và SP 500.

Chúng ta bắt đầu tư danh mục 100% VN-Index, được đại diện bởi đỉnh trên bên phải của đồ thị.
Danh mục này có lợi nhuận cũng như rủi ro cao nhất, nên rất phù hợp với ai có gan lớn để làm
giàu. Còn nếu bạn muốn rủi ro ít hơn, bạn có thể đi dọc theo đồ thị theo hướng từ trên xuống, từ
phải sang trái. Danh mục một nửa VN-Index và một nửa SP 500 xem ra phù hợp với phần lớn mọi
người, vì trông rất “cân bằng”.

Trong đoạn từ danh mục 100% VN-Index đến danh mục “cân bằng”, chỉ cần bạn chịu thiệt
một ít lợi nhuận, thì độ rủi ro có thể giảm đi một khoảng rất đáng kể. Tuy nhiên, từ chỗ danh
mục “cân bằng” trở đi, khi tiếp tục đi xuống dưới, về bên trái, thì độ rủi ro không giảm đi nhiều như
đoạn ban đầu nữa. Nhất là đoạn gần về đến danh mục 100% SP 500 thì rủi ro được loại trừ không
đáng kể.

Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đoạn từ danh mục 100% SP 500 đến danh mục (4% VN-Index + 96%
SP 500). Đoạn này hơi nhỏ, nhưng bạn xem kỹ hướng của nó xem: đi từ dưới lên trên, từ phải qua
trái. Điều đó có nghĩa là: lợi nhuận tăng lên đồng thời rủi ro lại giảm đi. Bạn có thể nhìn vào dữ
liệu bảng tính để thấy rõ hơn. Vì vậy, người nào nghĩ rằng muốn an toàn thì nên chơi 100% vào cổ
phiếu Mỹ là sai lầm. Người đó nên trộn thêm 4% VN-Index để có thêm lợi nhuận (tăng từ
0,21%/tháng lên 0,35%/tháng; một khoảng tăng rất đáng kể), trong khi rủi ro lại giảm đi chút đỉnh.

Thật là một quan điểm sai lầm của rất nhiều người khi nghĩ rằng vì trái phiếu (hay bất động sản) an
toàn hơn cổ phiếu, nên ai muốn ăn chắc mặc bền thì chỉ nên chơi trái phiếu, đừng nên chơi cổ
phiếu. Miễn là trái phiếu và cổ phiếu không tương quan dương tuyệt đối với nhau (gần như chắc
chắn là như vậy, vì thực tế thì cổ phiếu và trái phiếu không bao giờ lúc nào cũng cùng tăng cùng
giảm), muốn ít rủi ro thì bạn vẫn nên thêm một phần cổ phiếu vào danh mục đầu tư của mình. Làm
như vậy còn giúp cho bạn có thêm lợi nhuận đấy. Thật chẳng khác nào vừa có thể mời bạn nữ xinh
đẹp đi ăn phở, mà phở thì lại miễn phí.

Lần cuối cùng mà bạn nghe những chuyện buồn cười này là khi nào?
Riêng tôi thì tôi nghe rất thường xuyên, những chuyện buồn cười như sau khi người ta nói đến quản
lý tài sản hay quản lý danh mục đầu tư.

1) Đừng đặt hết trứng vào một rổ mà hãy đặt vào nhiều rổ khác nhau

Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Vấn đề không phải là một rổ, hai rổ, hay nhiều rổ. Vấn đề là bạn
phải hiểu rõ từng một cái rổ, nghĩa là hiểu rõ lợi nhuận và rủi ro gắn liền với mỗi cái rổ mà bạn
muốn đặt những quả trứng quý giá của mình vào.

Bạn gái của tôi là người luôn suy nghĩ sai lầm như vậy (cầu trời cho cô ấy đừng đọc đến phần
này!). Đối với bạn gái của tôi, đa dạng hóa có nghĩa là lấy tiền mặt của mình gửi ở nhiều ngân hàng
khác nhau. Thậm chí trong hội bạn của cô ấy còn có người nghĩ rằng đa dạng hóa có nghĩa là cất
tiền của mình ở nhiều nơi: gửi ba mẹ, cất trong tủ, đưa cho bạn trai,… Ý tưởng rất đơn giản: nếu có
mất thì sẽ không bị mất hết! Như vậy là giảm được rủi ro.

Không, rủi ro không phải là sợ mất hết số tiền. Rủi ro có nghĩa là sự biến động giữa kết quả thực
tế so với kết quả kỳ vọng. Và chỉ cần vài thao tác đơn giản, bạn có thể đa dạng hóa để lựa chọn rủi
ro phù hợp nhất với mình.

Nếu bạn chia số tiền của bạn ra làm mười phần và đem gửi ở mười ngân hàng uy tính nhất Việt
Nam hiện nay, thì bạn chẳng giảm được một tí rủi ro nào. Thứ nhất, rủi ro khi gửi tiền ở một ngân
hàng uy tín gần như bằng 0. Thứ hai, trong trường hợp xấu nhất, bạn vẫn được bảo hiểm trên số
tiền gửi của mình. Thậm chí nếu có lỡ xấu hơn nữa, thì nếu một ngân hàng bị sập, những ngân hàng
khác không khó tránh khỏi bị sứt mẻ.

“Đa dạng hóa” theo phong cách đó chẳng đem lại lợi ích gì mà chỉ làm phí tiền bạc (tiền xăng cộ,
chi phí chuyển tiền giữa các ngân hàng,…) và phí thời gian một cách vô ích.

Tương tự, phải nhìn xem những tài sản trong danh mục tương quan với nhau thế nào. Nếu
chúng có tương quan dương tuyệt đối thì đa dạng hóa là hoàn toàn vô nghĩa. Lấy 2 công ty sau
làm ví dụ: Công ty xi măng Bỉm Sơn và công ty bao bì Bỉm Sơn, trong đó ngành nghề kinh doanh
duy nhất của công ty bao bì Bỉm Sơn là làm bao bì cho công ty xi măng Bỉm Sơn. 100% khách
hàng của công ty bao bì Bỉm Sơn là công ty xi măng Bỉm Sơn. Khỏi cần tính toán phức tạp, bạn
cũng thừa hiểu dù bạn có phân bổ số tiền thế nào, thì việc mua cổ phiếu của cả hai công ty luôn là
một việc điên rồ.

2) Phải cơ cấu lại danh mục thường xuyên tùy theo diễn biến thị trường

Điều này thì tôi thường thấy ở các báo cáo thường niên của các quỹ đầu tư, dù quỹ lớn hoặc quý
nhỏ. Đại khái rằng ông chủ tịch sẽ nói rằng năm nay hứa hẹn nhiều diễn biến sôi động, nên đây là
thời điểm tốt để cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình. Thế cơ cấu nghĩa là gì? Theo như cách diễn
đạn của các vị chủ tịch thì cơ cấu có nghĩa là: sắp tới cổ phiếu sẽ tăng trưởng mạnh nên cần mua
thêm nhiều cổ phiếu (để tỉ lệ % cổ phiếu chiếm áp đảo trong danh mục), hoặc là sắp tới có nhiều
công ty lớn lên sàn nên cần thanh lý bớt một số loại cổ phiếu ít triển vọng để thay bằng những cổ
phiếu triển vọng,…

Quản lý danh mục, hay là cơ cấu lại danh mục không phải là bỏ thời gian để dự đoán xu thế giá cả
của từng loại tài sản trong danh mục. Nếu bạn có thể dự đoán được giá cả, bạn đã không cần đến
quản lý danh mục ngay từ đầu.

Quản lý danh mục bắt đầu trước tiên từ việc bạn phải hiểu rõ bản thân mình. Bạn trông đợi
lợi nhuận bao nhiêu và chịu đựng được rủi ro cỡ nào. Tuổi tác, thu nhập định kỳ, những
người phụ thuộc vào tiền bạc của bạn (con cái, cha mẹ già,…), kế hoạch tài chính tương lai
(du học, đám cưới, cất nhà,…) sẽ quyết định lợi nhuận và rủi ro của riêng bạn.

Sau đó, bạn sẽ thiết kế một danh mục dựa trên kỳ vọng lợi nhuận và rủi ro đó. Giả sử bạn
quyết định mình chỉ cần một danh mục duy nhất gồm 40% A, 30% B, và 30% C.

Giả sử 3 năm sau, A tăng trưởng ngoạn mục, B tăng chầm chậm, còn C lỗ. Khi đó tỉ lệ thực tế của
A,B,C trong danh mục khác đi, ví dụ lần lượt là 55:35:10 thay vì 40:30:30 như hồi đầu. Bạn sẽ làm
gì?

Dĩ nhiên là bạn sẽ phải cơ cấu lại danh mục. Nhưng cơ cấu thế nào? Rất đơn giản.

Trường hợp 1. Nếu những yếu tố cá nhân như tuổi tác, thu nhập,… của bạn không khác trước mấy,
tức là bạn vẫn cần đến tỉ lệ 40:30:30 như hồi đầu. Khi đó bạn sẽ bán bớt A và C, rồi lấy tiền dư để
mua thêm C sao cho chúng có tỉ lệ 40:30:30. Rồi bạn cứ tiếp tục quá trình cơ cấu như vậy. Theo
thời gian, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy rằng mình có nhiều tiền hơn, bởi vì bạn đã bán được những
tài sản khi chúng có giá cao để mua vào những tài sản khác khi giá chúng thấp. Việc đó được thực
hiện hoàn toàn tự động (thậm chí máy móc) để bảo đảm tỉ lệ 40:30:30.

Việc tự động cơ cấu như vậy còn giúp bạn về mặt tâm lý. Khi A tăng mạnh và C rớt thê thảm, tôi
dám cá rằng mọi người xung quanh bạn sẽ đều phát cuồng lên hết. Ai cũng muốn phải làm một cái
gì đó: mua cái gì đó, bán cái gì đó, học cái gì đó, xem cái gì đó,… Việc tìm cái gì đó để làm đúng
không còn quan trọng, mà chỉ cần bạn tìm ra được cái gì để không làm sai là được rồi. Bạn nên
làm: 1)tự động cơ cấu lại danh mục; hoặc 2) luyện yoga; cả hai việc sẽ giúp bạn có cái gì đó để
làm, vì vậy sẽ giúp bạn “giải tỏa” tâm lý trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng đó. Chúng cũng rất có lợi
về lâu dài.

Trường hợp 2. Nếu tình hình cuộc sống của bạn đã khác trước (ví dụ như các em nhỏ đã có công ăn
việc làm ổn định, hoặc bạn cưới được vợ là con gái của một trong những người giàu nhất trên thị
trường chứng khoán Việt Nam), bạn sẽ cần một danh mục mới. Chẳng hạn danh mục mới sẽ là
25% A, 25% B, 20% C, và 30% D. Khi đó bạn cứ làm tương tự, mua qua bán lại để có được cơ cấu
như mình mong muốn.

Ngoài ra, cơ cấu lại danh mục không có nghĩa là chuyển từ 40:30:30 sang 100:0:0 nếu bạn nghe
đồn rằng A sẽ tăng mạnh trong năm nay, hay chuyển sang 0:0:0 nếu bạn đoán rằng tình hình kinh tế
sẽ rất sa sút nên tốt nhất là giữ tiền trong túi cho chắc ăn. Bạn thấy rồi đấy, dù cho Mỹ có tấn công
Iraq và Afganistan, Việt Nam có bị cúm gà, vân vân và vân vân… bạn vẫn tốt hơn nên đầu tư vào
cổ phiếu ở Mỹ và Việt Nam, hơn là đem hết gửi tiết kiệm.

Tôi thường nghe những người môi giới hay những “chuyên gia” trong ngành tài chính-ngân hàng
khoe rằng có thể dự đoán giá cổ phiếu chính xác đến hơn 90%. Đến dạo gần đây thì ngay cả bà
hàng xóm chuyên chơi số đề cũng khẳng định bà có khả năng tương tự. Họ nói rằng họ có thể bán
hết cổ phiếu trước khi thị trường giảm 50%, và cũng biết đón đầu ngay trước khi cổ phiếu tăng
100%.

Theo quy luật phân phối chuẩn, có đến 95% khả năng lợi nhuận thực tế sẽ rơi vào khoảng 2 đơn vị
độ lệch chuẩn xung quanh giá trị kỳ vọng trung bình. Có nghĩa là đối với VN-Index, khả năng lợi
nhuận trong một tháng thấp hơn -21,8% (=3,72 – 2*12,76) hay cao hơn 29,24% (=3,72 + 2*12,76)
chỉ là 5%. Vâng, cách kiếm lời đồng thời trong cùng một lúc phải né lỗ của họ là tập trung vào 5%
ít ỏi đó. Xác suất đó kém hơn bất kỳ trò bài bạc nào: đổ súc sắc, lắc bầu cua, quay số, đánh bài tiến
lên, xí phé,… Nhưng tất cả họ đều cho rằng có khả năng thành công (ít nhất trên 90% số lần chơi).
Tôi không nói rằng không có ai làm được điều đó. Chắc chắn sẽ có người làm được, mặc dù tôi
không biết là do may mắn hay do thực tài. Nhưng tôi dám chắc chắn một điều, rằng không thể có
chuyện tất cả mọi người đều làm được điều đó, và liên tục làm được điều đó. Cũng giống như
chuyện kể của Axit Nexin, không thể có chuyện tất cả các ông bố đều đã từng đứng nhất trong cùng
một lớp. Chắc chắn rằng phần lớn ông bố đã không nói sự thật. Điều đó ngay cả con nít cũng nhận
ra.

Cơ cấu lại danh mục không phải là dựa theo dự đoán của tình hình thị trường. Cơ cấu lại danh
mục, nếu bạn thực sự cần phải làm vậy, trước hết và trên hết là vì lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro
của bạn.

3) Hãy mua cổ phiếu X, Y, và Z

Nếu đọc báo, xem ti vi, nhờ “chuyên viên” tư vấn, hoặc nghe lóm từ những câu chuyện về chứng
khoán, bạn sẽ có cảm tưởng rằng để đầu tư cổ phiếu thì việc quan trọng nhất là phải chọn lựa: chọn
lựa cổ phiếu tốt nhất, chọn lựa thời điểm mua bán thích hợp nhất,…

Hãy nghĩ danh mục đầu tư giống như ngôi nhà của bạn. Và nghĩ từng loại cổ phiếu giống như đồ
nội thất cho căn nhà đó.

Việc đầu tiên là xác định tổng thể ngôi nhà. Bạn muốn căn nhà mình thế nào? Điều đó phù thuộc
vào khả năng tài chính, lối sống, những người thân,… của bạn.

Sau đó, bạn sẽ đi tìm từng thứ đồ nội thất, sao cho khi đặt tất cả chúng vào ngôi nhà sẽ tạo nên một
kiến trúc hài hòa, đáp ứng được yêu cầu của bạn. Đừng mù quáng tin vào mấy người bán hàng, họ
sẽ dụ bạn rằng cứ mua đồ đẹp nhất, đồ sành điệu nhất, đồ mắc nhất là được. Cũng đừng a dua theo
những người xung quanh. Đồ nội thất đẹp đối với nhà anh hàng xóm không có nghĩa là sẽ đẹp và
phù hợp với nhà bạn.

Đến đây thì một số bạn đọc blog của tôi cũng hiểu, và hy vọng đừng giận tôi vì tôi luôn từ chối
những câu hỏi kiểu: mua cổ phiếu nào? X, Y, hay Z? Khi nào mua?… Làm sao mà tôi biết được,
nếu tôi không hiểu rõ về bạn?

Hãy xây dựng tài sản cho bạn ngay từ bây giờ

Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách Dạy con làm giàu, đã đúng khi cho rằng người giàu càng lúc
càng giàu hơn vì họ biết xây dựng tài sản. Tôi đã nghiên cứu những cuốn sách dạy làm giàu, sách
đầu tư, sách kinh doanh khác, và đều thấy đề cập đến điều này. Tôi cũng gặp nhiều người giàu có ở
Việt Nam và tìm hiểu xem nguyên nhân nào giúp cho họ trở nên giàu có. Tựu chung lại là thế này:
họ bắt đầu xây dựng tài sản cho mình từ rất sớm, họ đi từng bước chầm chập nhưng chắc chắn. Họ
thuộc nhiều thành phần khác nhau: doanh nghiệp, người lao động phổ thông, trí thức, người thu
nhập cao, người thu nhập thấp,… Nhưng phương pháp của họ thì không khác nhau mấy.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đọc trên báo, xem trên phim, hay nghe những người
xung quanh đồn. Họ nói rằng để làm giàu thì phải tranh thủ thật nhanh, chẳng hạn như dồn hết tiền
để làm một phi vụ lớn, nếu thắng thì sẽ phất lên mãi mãi. Họ còn nói rằng nếu cứ từ từ thì biết đến
bao giờ mới tạo đủ phần “cơ sở” (ở đây hiểu là tiền vốn ban đầu) để làm giàu.

Họ lấy ví dụ về anh A phất lên nhờ biết đầu cơ hàng hóa. Chị B giàu có nhờ biết tranh thủ tuồn
hàng từ biên giới về. Ông C xây nhà lầu nhờ kinh doanh hàng đa cấp. Bà D kiếm bội tiền trong một
năm nhờ mua bán đất đai. Vợ chồng anh chị A trở thành siêu tỉ phú chỉ trong một đêm nhờ cổ
phiếu.
Những người giàu có mà tôi biết không phải như vậy. Họ mất hàng chục năm để làm giàu. Họ bắt
đầu bằng công việc hay cơ hội kinh doanh mà họ hiểu rõ, yêu thích, và đặc biệt có khả năng trong
đó. Họ bắt đầu với một số vốn nhỏ, thậm chí họ phải vay mượn một phần từ bạn bè và người thân.
Ban đầu họ chỉ kiếm được những đồng lời ít ỏi, nhưng họ dùng tiền lời đó tái đầu tư để nâng cao
năng lực kinh doanh. Họ cứ tiếp tục vòng quay đó, cho đến một ngày kia, họ trở nên giàu có và
càng ngày càng vững chắc. Khi được hỏi, họ trả lời rằng không hề có thời điểm nào trong sự nghiệp
của họ để có thể gọi là một đêm hóa giàu có. Chẳng có thời điểm cụ thể nào là bước “tiến hóa”
mạnh mẽ cả. Họ nói đơn giản rằng cứ mỗi việc phía trước của họ tiếp thêm năng lực cho việc phía
sau, cứ từ từ và luôn luôn ổn định như vậy để có được sự tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc.

Nó giống như việc tôi học tiếng Anh. Khi nhìn lại, tôi chẳng hề nhận ra được đâu là thời điểm phân
chia rõ ràng giữa lúc tôi biết nói tiếng Anh và chưa biết nói tiếng Anh. Đơn giản là tôi cứ từ từ cố
gắng, bắt đầu từ con số không. 100 từ vựng đầu tiên rất khó khăn; nhưng sau khi đã có 1000 từ rồi,
việc học tiếp 100 từ lại dễ dàng vô cùng. Rồi đến một ngày kia, tôi chợt nhận ra rằng mình đã có
thể sử dụng tiếng Anh, không phải qua một đêm mà là qua một quá trình dài rèn luyện.

Những người giàu suy nghĩ khác những người bình thường. Họ bắt đầu từ rất sớm, trong khi người
bình thường liên tục trì hoãn. Người bình thường chờ đợi đến lúc có nhiều tiền mới tính đến
chuyện làm giàu. Người giàu bắt đầu làm giàu ngay từ sớm để có được nhiều tiền về sau này.
Người bình thường chờ đợi cho chiến tranh không xảy ra, dịch cúm chấm dứt, thị trường sôi động,
Thủ tướng từ nhiệm,… Người giàu chỉ tập trung nhìn vào những yếu tố quan trọng nhất, còn những
khó khăn nhất thời còn lại thì họ tin rằng theo quy luật trung bình, trong một thời gian dài, chúng sẽ
chẳng có ảnh hưởng đáng kể. Người bình thường lúc nào cũng mơ tưởng đến một giây phút trọng
đại kiểu như con cóc chợt biến thành hoàng tử, và lúc đó họ đột nhiên trở nên giàu có. Người giàu
thì tin rằng làm giàu là một quá trình phấn đấu lâu dài, và chẳng bao giờ trông đợi một giây
phút đột biến nào như vậy. Nếu con cóc có thể trở thành hoàng tử, thì những người giàu tin rằng
đó là một quá trình tiến hóa lâu dài, giống như loài vượn tiến hóa từ từ thành con người.

Không chỉ những người kinh doanh mới suy nghĩ như vậy. Người lao động bình thường cả đời vẫn
có cuộc sống giàu có (mà theo họ thì đó chỉ là cuộc sống sung túc, chứ không phải giàu có như
những người khác gán cho họ). Họ cứ đều đặn kiếm tiền, tiết kiệm, dùng tiền dư giả đầu tư vào tài
sản nhỏ, rồi họ có thêm nhiều tiền từ công việc và từ các tài sản nhỏ, họ lại tiết kiệm, rồi đầu tư vào
tài sản lớn hơn, rồi có nhiều tiền hơn,… Mọi việc cứ tiếp tục như vậy.

o0o

Nếu bạn đã bắt đầu đi làm, hay là đã có nguồn thu nhập cho riêng mình, hãy bắt đầu xây dựng tài
sản ngay từ bây giờ. Mỗi người sẽ có cách thiết kế danh mục riêng cho mình.

Chẳng hạn, một chàng trai mới đi làm được 1-2 năm có thể nghĩ đến cơ cấu danh mục như sau:

• Tiền mặt vừa đủ cho chi tiêu trong 6 đến 12 tháng, nếu có nhiều hơn thì cũng không nên
quá 10% trên tổng danh mục.
• Cổ phiếu 60-80%. Nếu tự tin thì anh ta có thể tự phân tích để mua từng loại cổ phiếu, còn
không thì cứ mua chứng chỉ VF1 hoặc PRUBF1. Ngoài ra, tôi tin rằng trong tương lai, nhà
đầu tư Việt Nam sẽ có rất nhiều lựa chọn để đầu tư cổ phiếu. Có thể một ngày không xa bạn
chỉ cần bỏ ra một số tiền tương đối cũng có thể mua theo index của Mỹ, của châu Âu, của
châu Á,…
• Trái phiếu 10-20%.
• Địa ốc. Điều này tùy thuộc vào việc chàng trai của chúng ta có sẵn nhà (do ba mẹ để lại)
hay phải mua nhà riêng. Nếu thực sự có khả năng, chàng trai nên tìm cách mua nhà, bằng
cách mượn tiền của gia đình, họ hàng (đây là lợi thế của người Việt mà người phương Tây
không có), thậm chí có thể mua trả góp cũng được. Với lại tôi cũng biết rằng sắp tới sẽ có
cổ phiếu hoặc chứng chỉ đầu tư địa ốc. Bạn cứ hình dung chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng là có
thể sở hữu một phần các khu đất đẹp nhất ở Sài Gòn và Hà Nội, có tuyệt không?
• Phần ít còn lại có thể vào vàng, đô la,… nếu bạn thực sự am hiểu về những thứ này.

Và trên thực tế, bạn không cần phải đợi đến lúc có thật nhiều tiền mới bắt đầu có thể “mua” các tài
sản này cho danh mục của mình. Hãy áp dụng cách đầu tư quân bình giá. Từ nguồn thu nhập hàng
tháng, bạn có thể từ từ xây dựng tài sản cho riêng mình, rồi sau một thời gian, bạn sẽ thấy mình
không còn nghèo khổ như trước nữa.

Những kế hoạch sắp tới

Tôi hy vọng qua bài viết này, cũng như những bài viết trước kia, bạn sẽ hiểu được rằng đầu tư cổ
phiếu nói riêng, và làm giàu cho bản thân nói chung, là không có gì quá phức tạp và bất khả thi.

Bạn cần có thật nhiều thông tin? Không, điều quan trọng là bạn cần có thông tin xác đáng và thực
sự biết sử dụng chúng.

Bạn cần có nhiều quan hệ? Cần có nhiều tin nội bộ? Tất cả các bài viết của tôi đều chứng minh điều
ngược lại. Bạn vẫn có thể kiếm lời rất nhiều mà không cần những thứ đó, và tôi đều có dẫn chứng
với đầy đủ số liệu hẳn hoi. Những thông tin ít ỏi mà tôi có được, thì thật ra bất kỳ ai cũng có thể tìm
thấy: trên web, trên sách vở.

Bạn cần nhiều phương pháp, mô hình, sơ đồ, phần mềm chuyên dụng phức tạp? Bạn chẳng cần
những thứ đó. Để tính được lợi nhuận trung bình, độ lệch chuẩn, tương quan, bạn có thể dùng
Microsoft Excel mà tính (bạn có thể tải tập tin bảng tính chứa các số liệu trong bài viết này ở đây.).
Hoặc thậm chí nếu suốt 15 năm qua bạn vẫn sử dụng một chiếc máy vi tính duy nhất và không là
quen với những phần mềm tân tiến nhất, bạn vẫn có thể thực hiện điều tương tự với Quattro Pro.
Đầu tư thành công không phải là nhờ phần mềm mới, đồ thị đẹp,… Đầu tư thành công là cần đến
khả năng hiểu đúng và đủ thứ mình cần.

Bài viết này chỉ là phần mở đâu cho một hành trình dài như đã nói ở phần mở đầu. Sắp tới, tôi và
một số đồng nghiệp sẽ giới thiệu đến các bạn một số “công cụ” giúp cho bạn biết cách xây dựng tài
sản và đầu tư thành công. Dĩ nhiên, chúng sẽ rất đơn giản và vô cùng lý thú. Bạn nhớ đón xem nhé.

Chú ý:

1. Bài viết sử dụng cách tính kết quả đầu tư dựa trên lợi nhuận trung bình tháng (monthly
average return). Thực tế thì để chính xác hơn thì người ta thường dùng annualize return
(tạm dịch: lợi nhuận gộp hằng năm). Annualize return phản ánh chính xác hơn, nhưng tôi
chọn lợi nhuận trung bình tháng vì: dữ liệu thực tế ở Việt Nam phù hợp với cách tính này
hơn, và phần lớn người Việt Nam không quen với annualize return.
2. Các số liệu và kết quả trong bài viết chỉ dựa trên số liệu thực tế của quá khứ. Điều đó
không có nghĩa là điều tương tự sẽ bảo đảm xảy ra trong tương lai. Người viết không chịu
bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến các kết quả mà người khác sử dụng từ bài viết này.
3. Tuy nhiên, kết quả thực tế CÓ khẳng định một điều: phần lớn những suy nghĩ thông thường
mà bạn nghe được về đầu tư và về chứng khoán là không chính xác. Bài viết này hy vọng
giới thiệu cho bạn một cách nhìn mới và xác đáng hơn.

You might also like