You are on page 1of 14

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT BÁO CÁO

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VÀ XÂY
DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
2011 – 2020
----------------------

Tháng 8 năm 2002, ngành tài nguyên và môi trường được hình thành trên cơ sở hợp nhất
các lĩnh vực chuyên ngành về đất đai, tài nguyên nước, địa chất - khoáng sản, môi
trường, khí tượng thủy văn và đo đạc - bản đồ. Đến đầu năm 2008, ngành đã được bổ
sung thêm lĩnh vực biển và hải đảo và trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật đa lĩnh vực
lớn của cả nước. Sự hợp nhất này dẫn đến một thực tế là ngành tài nguyên và môi trường
chưa có chiến lược phát triển thống nhất trong giai đoạn 2001 – 2010. Thay vào đó, Thủ
tướng Chính phủ đã phê duyệt một số chiến lược phát triển theo các lĩnh vực chuyên môn
như: Chiến lược Bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chiến
lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, Chiến lược phát triển ngành đo đạc và
bản đồ đến năm 2020 và một số chiến lược liên quan khác đang trong quá trình chuẩn bị.

Phần thứ nhất


TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

I. QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2001 - 2010
1. Diễn biến tài nguyên và môi trường giai đoạn 2001 – 2010
1.1. Tài nguyên đất, nước, khoáng sản và biển đảo
- Tài nguyên đất: Theo số liệu năm 2007, Việt Nam có 33.115.039,62 ha diện tích đất tự
nhiên, trong đó có 28.328.939,12 ha đất đã được sử dụng (chiếm 85,70%) và
4.732.786,09 ha đất chưa sử dụng (chiếm 13,30%). Đất nông nghiệp có 24.997.153 ha
(chiếm 75,48%), đất phi nông nghiệp có 3.385.786 ha (chiếm 10,22%).
Số liệu điều tra trong các năm 2005 – 2007 cho thấy đất sản xuất nông nghiệp tăng trong
khi diện tích đất trồng lúa giảm (45.977 ha); diện tích đất lâm nghiệp tăng trong khi diện
tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giảm (gần 500.000 ha); diện tích của hầu hết các loại
đất phi nông nghiệp tăng (đất ở, chuyên dùng, tôn giáo tín ngưỡng, v.v.) trong khi diện
tích đất sông, suối và mặt nước chưa sử dụng giảm (42.700 ha); diện tích các loại đất
chưa sử dụng (đất bằng, đồi núi, núi đá) giảm trong khi đất có mặt nước ven biển tăng.
- Tài nguyên nước: Tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm của nước ta vào khoảng
gần 850 km3, trong đó từ bên ngoài vào chiếm khoảng 60%. Xét về tổng lượng, Việt Nam
là quốc gia dồi dào về nguồn nước mặt. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này biến động mạnh
theo thời gian (giữa các năm và các mùa trong năm) và phân bố không đồng đều giữa các
vùng trên cả nước. Bên cạnh đó, nhiều nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm, suy thoái. Ở nhiều
vùng, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước cục bộ trước
mắt và toàn diện về lâu dài đang đặt công tác quản lý tài nguyên nước trước những thách
thức lớn và công tác bảo vệ, phát triển nguồn nước, khai thác, sử dụng bền vững có ý
nghĩa hết sức quan trọng đối với tương lai của đất nước.
- Tài nguyên khoáng sản: Các loại khoáng sản của Việt Nam rất đa dạng. Tuy nhiên, hầu
hết các mỏ có quy mô không lớn, phân bố rải rác, một số mỏ khó khai thác hoặc chất
lượng thấp. Một số loại khoáng sản có quy mô lớn, có thể khai thác lâu dài như than,
bauxit, đất hiếm, đá vôi, cát thuỷ tinh, đá xây dựng. Một số loại khoáng sản khác có tổng
tài nguyên không lớn, chỉ đủ khai thác sử dụng trong nước trong thời gian hạn chế như
than đá, quặng sắt, titan, crom, mangan, đồng, thiếc, chì, kẽm, wonfram, vàng, antimon,
felspat, kaolin, talc, fluorit, barit, graphit, dolomit, phosphorit, bentonit, diatomit, đá ốp
lát các loại. Một số loại khoáng sản mới ghi nhận được các dấu hiệu tồn tại như platin,
tântn, niobi, liti, volastonit, zeolit, keramzit, vecmicult, nephelin.
- Biển và hảo đảo: Đường bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, tài
nguyên biển phong phú và đa dạng. Biển đã và đang đóng góp một phần lớn cho nền kinh
tế quốc dân. Với hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, nhiều loại tài nguyên và lợi thế
tạo điều kiện để các ngành công nghiệp dầu khí, giao thông, du lịch, khai thác và nuôi
trồng thuỷ sản, v.v. phát triển. Vươn ra biển, lớn lên từ biển đang là chủ trương được
Đảng và nhà nước ta tập trung chỉ đạo thực hiện để nâng tầm đóng góp và vị thế của biển
trong nền kinh tế quốc dân.
1.2. Các vấn đề môi trường
- Các nguồn gây ô nhiễm: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng nghĩa với việc
tiếp tục phát triển mạnh các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu
công nghệ cao, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ v.v. Điều đó cũng có nghĩa là số
lượng các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường gia tăng mạnh trong thời gian
tới. Trong khi kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
chưa đạt được kết quả mong muốn, số lượng các cơ sở hiện đang gây ô nhiễm môi trường
không giảm được nhiều thì việc xuất hiện tiếp các nguồn gây ô nhiễm môi trường mới sẽ
tạo nên những sức ép rất lớn lên khả năng chịu tải ô nhiễm của môi trường. Bên cạnh đó,
phát triển giao thông, canh tác nông nghiệp, thiên tai, lũ lụt, các nguồn ô nhiễm từ bên
ngoài, đặc biệt là nhập khẩu chất thải dưới nhiều hình thức trong đó có việc lợi dụng nhập
khẩu phế liệu để đưa chất thải vào nước ta càng làm cho môi trường Việt Nam suy giảm
chất lượng nhanh, nhiều nơi đã ở mức báo động.
- Chất thải: Nước thải, khí thải và chất thải rắn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch
vụ và sinh hoạt của con người là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi
trường.
Hàng năm ước tính có khoảng 2 tỷ mét khối nước thải ra môi trường, trong đó nước thải
sinh hoạt chiếm hơn 60%, nước thải công nghiệp chiếm hơn 30%. Dự báo đến năm 2020,
hằng năm lượng nước thải ra môi trường hàng năm lến đến gần chục tỷ mét khối. Hầu hết
nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Hà Nội chỉ mới xử lý đạt
tiêu chuẩn môi trường khoảng hơn 5% nước thải sinh hoạt trong số 300.000 – 400.000
m3/ngày đêm. Tỷ lệ nước thải sản xuất được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường cung rất
thấp, không quá con số 20%.
Khí thải từ các nhà máy nhiệt điện, phương tiện giao thông đang là nguyên nhân chính
gây ô nhiễm môi trường không khí ở nhiều nơi, đặc biệt ở các đô thị. Ước tính hàng năm
các nguồn thải ở nước ta thải ra trên 360.000 tấn CO, trên 300.000 tấn Nox và hơn
400.000 tấn SO2. Điều đáng nói là ô nhiễm không khí thường ảnh hưởng trực tiếp đến
sức khoẻ con người, đặc biệt là khí thải từ các phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, ô
nhiễm bụi trong các đô thị cũng đáng lo ngại ở hầu hết các thành phố trên cả nước.
Chất thải rắn với khối lượng chủ yếu là rác thải sinh hoạt chưa được quản lý tốt đang là
yếu tố gây ô nhiễm môi trường ở nước ta. Với khối lượng khoảng 15 – 16 triệu tấn năm
và dự báo đến năm 2020 khoảng 45 – 50 triệu tấn/năm, xử lý chất thải rắn đang là vấn đề
lớn trong công tác quản lý môi trường. Nếu thực hiện tốt công tác giảm thiểu, tái sử dụng
và tái chế, khả năng có thể giảm được từ 5 – 6 triệu tấn/năm, tái chế, tái sử dụng được 20
– 25 triệu tấn/năm vào năm 2020. Như vậy, khối lượng rác thải cần phải chôn lấp vào
năm 2020 chỉ lớn hơn khối lượng rác thải phải chôn lấp hiện nay không nhiều nếu chúng
ta thực hiện tốt công tác giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải.
Chất thải nguy hại, rác thải từ các ngành y tế, điện tử, v.v. đang gia tăng mạnh về khối
lượng và mức độ nguy hại ở Việt Nam trong khi thiếu vắng công nghệ xử lý và năng lực
quản lý đang là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường hiện nay và những
năm tới. Hiện tại hàng năm lượng chất thải nguy hại phát sinh lên đến trên 400.000 tấn.
Dự báo đến năm 2020 khối lượng chất thải nguy hại phát sinh có thể lên đến 2 – 3 triệu
tấn/năm. Đây thực sự là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.
- Các khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái: Số liệu quan trắc, điều tra cho thấy nhiều
khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái nặng. Một số lưu vực sông lớn như Sài Gòn
– Đồng Nai, Nhuệ - Đáy, Cầu, v.v. nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng. Tàn dư của chiến
tranh hóa học trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trước đây, canh tác nông nghiệp thiếu
bền vững, rò rỉ từ các khu lưu giữ hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đang làm cho đất,
nguồn nước ngầm ở một số nơi bị nhiễm độc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người
dân, gây ra nhiều loại dịch bệnh phức tạp.
Ô nhiễm không khí ở một số đô thị vào các giờ cao điểm cũng đang là vấn đề môi trường
bức xúc hiện nay.
- Đa dạng sinh học: Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái tự
nhiên quan trọng, các loài hoang dã phong phú và đa dạng trong đó có nhiều loài hoang
dã đặc hữu, nhiều nguồn gen có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, dưới sức ép gia tăng dân
số và tăng trưởng kinh tế, đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy giảm với tốc độ rất
nhanh. Diện tích các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên không
được quản lý tốt trong khi diện tích bị chuyển đổi và thu hẹp, số lượng các loài hoang dã
bị đe dọa tuyệt chủng ngày càng tăng, nhiều nguồn gen bị thất thoát. Với việc xuất hiện
các loài ngoại lai xâm hại, nhập khẩu nhiều hàng hóa, sản phẩm có chứa sinh vật biến đổi
gen đang gây nên nguy cơ mất cân bằng sinh thái. Tất cả những vấn đề trên đang đặt ra
áp lực lớn lên công tác bảo vệ môi trường ở nước ta thời gian tới.
2. Quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường giai đoạn 2001 – 2010
2.1. Hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đang được thực hiện theo các quy định của Luật
Đất đai năm 2003, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường năm
2005 và Luật Đa dạng sinh học 2008 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật
khác. Với việc hình thành hệ thống pháp luật đồng bộ, một số lĩnh vực có những thuận
lợi cơ bản trong việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình
như đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường. Một số lĩnh vực như khí tượng
thủy văn, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo mới đang trong quá trình xây dựng luật về
lĩnh vực quản lý của mình.
Cùng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, công tác quản lý tài nguyên và bảo
vệ môi trường đang được định hướng bởi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Định
hướng chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam, Chiến lược Biển Việt Nam đến
năm 2020. Một số lĩnh vực của ngành đã có các chiến lược chuyên ngành như Chiến lược
Bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chiến lược quốc gia về
tài nguyên nước đến năm 2020, Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm
2020, v.v. Một số lĩnh vực khác cũng đang trong quá trình xây dựng chiến lược chuyên
ngành như Chiến lược về khí tượng thủy văn đến năm 2020, Chiến lược phát triển bền
vững biển đến năm 2020, v.v.
Các quy hoạch kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý tài nguyên và bảo vệ
môi trường cũng đang được xây dựng và hoàn thiện phục vụ công tác quản lý nhà nước
của toàn ngành, góp phần đưa công tác này đi vào chính quy, thống nhất.
2.2. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường
Đặc thù lớn nhất của công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là có sự tham gia
của nhiều ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương. Vì vậy, việc phân công, phân cấp có ý
nghĩa hết sức quan trọng. Nếu phân công, phân cấp tốt, hợp lý sẽ phát huy được sức
mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Ngược lại, sẽ gây những mâu
thuẫn, chồng chéo khó khăn trong cải cách thủ tục hành chính, phiền hà cho doanh
nghiệp, nhân dân. Vì vậy, phân công, phân cấp luôn là vấn đề được quan tâm trong quá
trình xây dựng luật, cơ cấu lại tổ chức các bộ, ngành và các cấp địa phương và đặc biệt
trong các đề án về cải cách thủ tục hành chính.
Hiện nay, các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo,
trách nhiệm quản lý nhà nước đang được phân công cho nhiều bộ, ngành và phân cấp cho
các địa phương đến cấp xã. Tuy nhiên, vai trò điều phối, thống nhất quản lý, tổng tư lệnh
của ngành tài nguyên và môi trường chưa rõ, đôi lúc còn mờ nhạt nên quản lý nhà nước
trên những lĩnh vực này bị cắt đoạn, thậm chí có cả hiện tượng cát cứ trong thực hiện
trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và một số luật khác quy định về quản lý tài nguyên
và bảo vệ môi trường đang tiếp cận xu hướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thống
nhất quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo
vệ môi trường thông qua việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản quy
phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và trực tiếp thực hiện các nhiệm
vụ quản lý tổng hợp, liên ngành, liên tỉnh v.v. Các bộ, ngành, các cấp địa phương thực
hiện việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo phân công, phân cấp nhưng phải
chịu sự điều phối, chỉ đạo chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là hướng
đi đúng, phát huy được vai trò của tư lệnh lĩnh vực và huy động được sự tham gia của các
cấp, các ngành trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Để thực hiện trách nhiệm quản lý về tài nguyên và môi trường một số bộ, ngành đã hình
thành đơn vị chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện quản lý tài nguyên và môi trường
của ngành mình. Tuy nhiên, các đơn vị này chủ yếu tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước về bảo vệ môi trường là chính. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
sở tài nguyên và môi trường hoặc sở tài nguyên, môi trường và nhà đất; ở các quận,
huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã có phòng tài nguyên và môi trường; ở các
phường, xã, thị trấn, thị tứ có cán bộ địa chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp
tương ứng về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn.
2.3. Hệ thống tổ chức của ngành tài nguyên và môi trường
Hệ thống tổ chức của ngành tài nguyên và môi trường bao gồm: Bộ Tài nguyên và Môi
trường, bộ, cơ quan ngang bộ về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong các
ngành, lĩnh vực cụ thể, các Sở Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Uỷ
ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và cán bộ địa chính-xây
dựng-môi trường thuộc các phường, xã, thị trấn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn phòng và các đơn vị tổng hợp (Vụ Kế hoạch, Vụ
Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác
quốc tế, Vụ thi đua – Khen thưởng, cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh và Thanh tra),
các tổng cục, cục (Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục môi trường, Tổng cục Biển và Hải
đảo, Cục quản lý tài nguyên nước, Cục Địa chất và khoáng sản, Cục Đo đạc và bản đồ,
Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Cục Công nghệ thông tin, các đơn vị sự
nghiệp (Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, Trung tâm quy hoạch và điều tra tài
nguyên nước, Trung tâm Viễn thám quốc gia, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và
môi trường, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường, Viện Khoa học địa chất
và khoáng sản, Viện Khoa học đo đạc và bản đồ), các trường cao đẳng trực thuộc, Báo
Tài nguyên và Môi trường và Tạp chí Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường trên địa bàn. Cơ cấu tổ chức của các sở thường có các đơn vị trực thuộc phụ trách
các lĩnh vực chuyên môn cụ thể, có nơi có sự kết hợp một số lĩnh vực trong cùng một đơn
vị. Phòng Tài nguyên và Môi trường ở các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh
là đơn vị chuyên môn, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý tài nguyên
và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Phòng Tài nguyên và Môi trường có các cán bộ
chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về các lĩnh vực quản lý của ngành. Cán bộ địa chính-xây
dựng-môi trường cấp xã giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong công tác quản
lý đất đai và môi trường trên địa bàn.
3. Kết quả hoạt động giai đoạn 2003 - 2010
3.1. Những kết quả nổi bật
a) Chung cho toàn ngành:
- Về nhận thức: Nhận thức về các giá trị của các nguồn tài nguyên thay đổi cơ bản theo
hướng coi tài nguyên là một loại hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Bảo vệ môi
trường được cân nhắc như một trong ba trụ cột của định hướng phát triển bền vững. Thế
mạnh của biển được nhìn nhận, chủ trương đưa Việt Nam trở thành một quốc gia “mạnh
về biển, giàu lên từ biển” được đề cập đến nhiều trên các diễn đàn, đối thoại chính sách
phát triển. Công tác dự báo khí tượng thủy văn ngày càng đóng vai trò thiết yếu, được dư
luận đặc biệt quan tâm. Biến đổi khí hậu được quan tâm, cân nhắc trong các chính sách
phát triển.
- Về xây dựng và hoàn thiện pháp luật: Hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo
vệ môi trường được hoàn thiện đồng bộ, ngày càng rõ ràng, cụ thể và sát với thực tế. Luật
Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng
sinh học đã và đang được sửa đổi, bổ sung. Một số luật khác như Luật Tài nguyên và Môi
trường biển, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đo đạc và Bản đồ v.v. đang trong quá trình
xây dựng mới. Việc sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản dưới luật về quản lý tài nguyên
và bảo vệ môi trường đã khắc phục dần các bất cập, làm rõ phạm vi, giới hạn, phân công,
phân cấp trách nhiệm quản lý, áp dụng các công cụ, biện pháp mới đặc biệt là các công
cụ kinh tế, khắc phục được các chồng chéo, lấp dần các khoảng trống pháp luật tồn tại
nhiều năm về quản lý tài nguyên và bảo môi trường. Đặc biệt, các quy phạm pháp luật
được sửa đổi, bổ sung hợp lý hơn, đồng bộ hơn với các quy phạm pháp luật trên các lĩnh
vực khác và khả thi hơn trên thực tế.
- Về tổ chức cán bộ: Hệ thống tổ chức về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được
xây dựng, kiện toàn đồng bộ cả ở Trung ương và ở các cấp địa phương trên phạm vi cả
nước. Năng lực nghiên cứu, quản lý, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của các cán bộ
trong toàn ngành có những bước tiến dài, theo kịp với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc
tế.
- Về cải cách hành chính: Công tác cải cách hành chính được chú trọng và đã có những
bước tiến tích cực. Văn phòng một cửa được hình thành trong các đơn vị liên quan của
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các sở tài nguyên và môi trường. Văn phòng đăng ký
quyền sử dụng đất cũng được thành lập ở nhiều địa phương. Một số giấy phép, thủ tục
hành chính trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được cắt giảm. Giao lưu trực
tuyến trên mạng được tổ chức thường xuyên. Các quy trình giải quyết công việc được
quy định rõ ràng và thực hiện hiệu quả. Kết quả tích cực của công tác cải cách hành chính
đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Về ứng dụng tiến bộ khoa học và tiếp thu tinh hoa của nhân loại: Tư tưởng chỉ đạo, các
nguyên tắc vận hành, nguyên lý cơ bản của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa, kinh nghiệm của các nước, tiến bộ khoa học và công nghệ được quán triệt, vận
dụng, lồng ghép vào quá trình hoạch định chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường. Vì vậy, ngành tài nguyên và môi trường phát triển đồng bộ, ngày càng đóng vai
trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đóng góp của ngành cho thu ngân sách
và tăng trưởng kinh tế tăng nhanh trong những năm gần đây. Ngành tài nguyên và môi
trường đang trong quá trình kinh tế hóa mạnh để nâng tầm đóng góp và vị thế của mình
trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Về hợp tác quốc tế: Công tác hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường diễn ra sôi
động và đã thu được nhiều kết quả tốt. Nhiều dự án hợp tác đa phương, song phương
được thực hiện. Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả và kịp thời của cộng đồng
quốc tế, huy động được lực lượng chuyên gia có trình độ chuyên môn cao cũng như học
hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường của các nước và các tổ chức quốc tế.
- Về phối hợp liên ngành và phát huy sức mạnh của toàn xã hội: Phối hợp liên ngành
trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có những bước tiến mới. Sự phối kết hợp
trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lập quy hoạch, tổ chức thực hiện
và giám sát, kiểm tra giữa ngành tài nguyên và môi trường với các ngành, lĩnh vực khác
đã tạo nên sự thống nhất, đồng thuận cao góp phần nấng cao hiệu quả của công tác quản
lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Xã hội hóa để huy động sức mạnh tổng thể của các thành phần kinh tế, toàn xã hội tham
gia vào quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng, thể chế hóa trong các
văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức và tổ chức
thực hiện. Nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo, các tổ chức phi
chính phủ, cộng đồng dân cư, tổ chức quốc tế đã tham gia có hiệu quả vào công tác hoạch
định chính sách và tổ chức thực hiện quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Về giải quyết các khiếu nại, tố cáo và các vướng mắc của doanh nghiệp và người
dân:Nhiều vấn đề bức xúc, khiếu kiện kéo dài liên quan đến quản lý tài nguyên và bảo vệ
môi trường được giải quyết dứt điểm hoặc đang dần được giải quyết, tạo được dư luận tốt
trong xã hội. Cải cách hành chính có những kết quả tốt, góp phần giảm chi phí, nâng cao
hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Nhiều mô hình
quản lý tốt, điển hình tiên tiến được phát hiện, nhân rộng và phát huy hiệu quả.
b) Đặc thù theo lĩnh vực chuyên ngành:
- Về quản lý đất đai: Điểm sáng trong công tác quản lý đất đai giai đoạn 2001 – 2010 là
đổi mới cơ chế quản lý với việc hình thành thống nhất các quyền sử dụng đất của các tổ
chức, cá nhân, hoàn thiện dần các thủ tục, hồ sơ địa chính, công tác lập quy hoạch, kế
hoạch, kinh tế đất đai đặc biệt là đổi mới cơ chế thu hồi đất, cho thuê đất v.v. tạo nên
những đột phá trong khai thác và sử dụng đất. Đóng góp cho thu ngân sách từ đất đai
tăng mạnh, đặc biệt sau khi Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 có hiệu lực.
- Về tài nguyên nước: Giai đoạn 2001 – 2010 đánh dấu bước tiến trong việc tổ chức xây
dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước, đánh giá được tiềm năng và thách thức
về nước gồm cả nước mặt và nước ngầm đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của các
ngành, lĩnh vực và vùng miền. Kinh tế tài nguyên nước cũng bắt đầu được nghiên cứu
vận dụng trong thực tiễn quản lý hướng tới coi tài nguyên nước là một loại hàng hóa đặc
biệt. Công tác quy hoạch bảo vệ, phát triển nguồn nước và khai thác, sử dụng tài nguyên
nước được chú trọng nhằm điều hòa, phân bổ nguồn nước hiệu quả nhất. Lĩnh vực tài
nguyên nước là một trong số các lĩnh vực đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt
Chiến lược quốc gia đến năm 2020.
- Về địa chất – khoáng sản: Giai đoạn 2001 – 2010 đã hoàn thành việc lập bản đồ địa
chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000, gần 50% diện tích đất liền được điều tra địa chất –
khoáng sản, 58 đô thị và 3 vùng kinh tế được điều tra địa chất phục vụ xây dựng quy
hoạch phát triển đô thị. Nhiều loại khoáng sản được điều tra tiềm năng và phát hiện được
nhiều vùng quặng có giá trị cao.
- Về môi trường: Điểm nổi bật của công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2001 – 2010 là
hình thành được đồng bộ hệ thống pháp luật, tổ chức, cơ chế nguồn lực cho bảo vệ môi
trường. Ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội được nâng lên một bước cơ bản. Các công
cụ phòng ngừa các nguồn tác động xấu đến môi trường đã được đưa vào áp dụng ổn định,
góp phần giảm tốc độ gia tăng tốc độ ô nhiễm. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm
trọng cũng được xử lý triệt để một bước. Nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ đổi mới công nghệ thân thiện hơn với môi trường, xây dựng,
lắp đặt các công trình, thiết bị bảo vệ môi trường. Công tác quản lý chất thải có những
tiến bộ nhất định, một số mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải
được được nhân rộng. Nhiều vấn đề môi trường bức xúc được quan tâm giải quyết.
- Về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu: Nét nổi bật trong công tác khí tượng thủy
văn và biến đổi khí hậu là việc đổi mới và nâng cấp hệ thống các trạm khí tượng, tăng
đầu tư. Áp dụng thành công dự báo thời tiết bằng phương pháp số, sử dụng các phương
tiện quan trắc hiện đại như ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết đã góp phần nâng cao chất
lượng, tính kịp thời và độ chính xác của các dự báo. Đã xây dựng và trình Thủ tướng
Chính phủ thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, đưa ra được các
kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam phục vụ công tác tích hợp vấn đề biến đổi khí
hậu trong các chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
- Về biển và hải đảo: Việc triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
và Đề án 47 về điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển đã đánh dấu bước tiến mới
trong công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Tổng cục Biển và Hải
đảo được thành lập trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường là bước mới
hướng ra biển và đi lên từ biển để biến nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên
từ biển. Luật Tài nguyên và Môi trường biển, Chiến lược phát triển bền vững biển đang
được gấp rút xây dựng là bước tiếp theo để hình thành khuôn khổ pháp lý về quản lý tổng
hợp, thống nhất và bền vững về biển đảo.
- Về đo đạc và bản đồ: Giai đoạn 2001 – 2010 đánh dấu bước tiến mới trong công tác đo
đạc và bản đồ với việc đo đạc và chỉnh lý toàn bộ mạng lưới độ, độ cao, thiên văn, trọng
lực trong đất liền và biển đảo, lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 phủ trùm toàn quốc và
xây dựng mạng toạ độ hạng III bằng công nghệ GPS trên phạm vi cả nước. Hoàn thành
việc bay chụp ảnh địa hình phục vụ phân định biên giới Tây Nam, cắm mốc biên giới
Việt – Trung, phân định biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia. Hoàn thành việc vẽ bản đồ
địa hình đáy biển tỷ lệ 1/50.000 vịnh Bắc Bộ, dự án danh mục địa danh hành chính. Luật
Đo đạc và Bản đồ cũng đang được khẩn trương xây dựng nhằm hình thành khung pháp lý
đồng bộ cho lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
3.2. Những hạn chế, tồn tại
Tuy đạt được nhiều thành tựu lớn, cơ bản, nhưng công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ
môi trường giai đoạn 2001 – 2010 còn nhiều tồn tại, bất cập cần được nhận dạng, phân
tích và tập trung khắc phục, giải quyết trong thời gian tới. Một số những tồn tại chung
cho toàn ngành có thể kể đến sau đây:
- Tư duy về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn mang nặng tính bao cấp, cơ chế
xin cho mà chưa kịp đổi mới kịp với tư duy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Tài nguyên và môi trường đang được xem là “của trời cho” và tư duy xem nhẹ giá
trị và nghĩa vụ đóng góp tài chính từ khai thác tài nguyên và môi trường còn khá phổ
biến. Vì vậy, đóng góp và vị thế của ngành tài nguyên và môi trường trong nền kinh tế
quốc dân chưa cao.
- Hệ thống pháp luật tuy có bước hoàn thiện nhưng còn nhiều bất cập, chưa đủ chi tiết, cụ
thể đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Các quy định còn chồng chéo, mâu
thuẫn, tính khả thi chưa cao. Trong thiết kế, xây dựng chưa có được tầm nhìn tổng thể,
dài hạn nên các quy định còn mang tính tình tiết, cắt đoạn và thường phải thay đổi nên
gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Việc phân định phạm vi, trách nhiệm giữa các lĩnh
vực, giữa các công đoạn trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn có nhiều
điểm không rõ ràng, gây khó khăn trong việc phối kết hợp, làm rõ trách nhiệm. Công tác
cải cách hành chính kém phát huy hiệu quả.
- Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước từ Trung ương đến các cấp địa phương tuy có những
bước được tăng cường nhưng nói chung còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang
thiết bị phục vụ công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn quá thiếu và kém
chất lượng. Còn thiếu đội ngũ cán bộ có chuyên môn hoặc kinh nghiệm phân tích, quản
lý kinh tế trong ngành tài nguyên và môi trường.
- Đầu tư phát triển, chi thường xuyên cho công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi còn dàn trải, thiếu định mức
kinh tế - kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao. Cơ chế tự thu, tự trang trải trong quản lý tài
nguyên và bảo vệ môi trường chưa được quan tâm phát triển.
- Công tác dự báo về tài nguyên và môi trường, hoạch định chiến lược dài hạn trong quản
lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn yếu, chưa được quan tâm đầu tư xứng đáng nên
tầm nhìn dài hạn, tính bao quát tổng thể trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
còn bị hạn chế.
- Xã hội hóa công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả
tốt, tuy nhiên, vẫn chưa được đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực, còn nhiều vướng mắc về
cơ chế cần phải tiếp tục tháo gỡ.
- Tính tổng hợp, sự thống nhất, mối liên kết giữa các lĩnh vực trong ngành và ngoài
ngành liên quan đến quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn yếu. Quản lý tài
nguyên và bảo vệ môi trường còn phân tán ở nhiều cơ quan, sự điều phối, khả năng kết
hợp, thống nhất quản lý còn hạn chế. Vì vậy, hiệu quả quản lý chưa cao.
- Quan liêu, bao cấp, thủ tục hành chính nặng nề, nhũng nhiễu, chưa được cải tiến nhiều.
Tình trạng đơn thư, khiếu nại còn nhiều, việc giải quyết đơn thư, khiếu nại hiệu quả còn
thấp.

Phần thứ 2
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG 2011 -
2020

I. BỐI CẢNH VÀ DỰ BÁO


Giai đoạn 2011 – 2020 bắt đầu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi dần, dịch
chuyển cơ cấu và có sự thay đổi về phương thức điều hành của nhà nước. Bất ổn chính
trị, xung đột sắc tộc, tôn giáo vẫn diễn ra gay gắt ở một số nơi. Dân số tăng nhanh và đói
nghèo vẫn hiện hữu. Hoang mạc hóa, suy thoái đất diễn biến nhanh hơn. Nhiều khu vực
trên thế giới khan hiếm nước sinh hoạt. Các nguồn tài nguyên không tái tạo được bị khai
thác cạn kiệt. Chất lượng môi trường suy giảm, nhiều nơi đối mặt với các vấn đề môi
trường gay gắt. Các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích, nhiều loài hoang dã bị tuyệt
chủng hoặc bị đe dọa tuyệt chung ở mức cao. Biển và đại dương ngày càng bị ô nhiễm,
nguồn lợi từ biển suy giảm mạnh. Biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng
lượng và an ninh sinh thái trở thành mối quan tâm lớn của toàn nhân loại.
Khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu có những ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên
và môi trường. Khai thác tài nguyên sẽ gia tăng để phục hồi kinh tế và sự quan tâm đến
bảo vệ môi trường có phần giảm do thiếu nguồn lực trong những năm đầu của giai đoạn
2011 – 2020. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ nhanh chóng qua đi thay vào đó là sử dụng tiết
kiệm, khôn khéo tài nguyên, chú trọng hơn đến bảo vệ môi trường và tích cực trong ứng
phó với biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững vẫn là xu hướng chủ đạo trên phạm vi toàn
thế giới. Quản lý tổng hợp, tiếp cận hệ sinh thái, sử dụng khôn khéo các nguồn tài nguyên
thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng các sản phẩm thay
thế và bảo vệ môi trường được nhiều nước chú trọng.
Ở trong nước, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn sau khi nước ta
vượt ra khỏi các tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Diện tích đất canh tác nông
nghiệp giảm nhanh do đô thị hóa và phát triển công nghiệp. Nguồn nước mặt, nước
ngầm, dầu khí, một số loại khoáng sản khác suy giảm mạnh do bị khai thác quá mức. Môi
trường nhiều nơi bị ô nhiễm, suy thoái nặng do gia tăng nhanh nguồn thải, khối lượng và
mức độ độc hại của chất thải. Biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng lên và gây nên
nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các
nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sẽ được quan tâm hơn. Thể chế quản lý tài
nguyên và bảo vệ môi trường sẽ được hoàn thiện và phát triển nhanh. Nhiều chế tài
mạnh, các cơ chế, công cụ kinh tế được đưa vào áp dụng mạnh mẽ hơn, trở thành các
công cụ đắc lực trong việc nâng cao hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước
về tài nguyên và môi trường. Nhìn chung, sự chuyển đổi cơ cấu và phát triển kinh tế giai
đoạn 2011 – 2020 sẽ diễn biến theo xu hướng bền vững hơn.
II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển bền vững là định hướng chủ đạo và yêu cầu xuyên suốt trong công tác
quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tài nguyên và môi trường là nền tảng của sự tồn tại và phát triển xã hội, vừa là “đầu vào”
và “đầu ra” của nền kinh tế. Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường là bộ
phận cấu thành không thể tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở
quan trọng bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Phát triển kinh tế phải kết hợp chặt
chẽ, hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường phải trở thành định hướng chủ
đạo và yêu cầu xuyên suốt trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
2. Con người là trung tâm, là động lực và là nhân tố quyết định của Chiến lược phát
triển ngành tài nguyên và môi trường
Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải hướng tới con người, vì lợi ích chung của
toàn xã hội. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tài nguyên và môi trường vừa có
chuyên môn, nghiệp vụ cao vừa có tinh thần, thái độ phục vụ tốt. Xây dựng nền hành
chính lành mạnh và hiệu quả phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
3. Đẩy mạnh kinh tế hoá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Đẩy mạnh kinh tế hóa theo hướng thúc đẩy việc vận dụng các nguyên lý kinh tế, áp dụng
các cơ chế, công cụ kinh tế mạnh mẽ trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo đó, xây dựng thể chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Tiếp cận tổng thể, tầm nhìn dài hạn và áp dụng các phương thức, mô hình, tiêu
chuẩn tiên tiến trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Có tầm nhìn tổng thể, toàn diện và dài hạn trong việc hoạch định chính sách về quản lý
tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu vận dụng, áp dụng phương thức quản lý
tổng hợp, tiếp cận sinh thái, các phương pháp, mô hình, tiêu chuẩn tiên tiên, đẩy mạnh
ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
III. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng thể chế và nguồn lực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trương ngang tầm với
chức năng, nhiệm vụ được giao; quản lý khôn khéo, sử dụng bền vững và hiệu quả các
nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá,
hiện đại hoá và giữ tài nguyên và môi trường cho các thế hệ mai sau.
2. Mục tiêu chủ yếu về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến năm 2020
1) Hình thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về tài nguyên và môi
trường phục vụ công tác dự báo, hoạch định chính sách phát triển và phục vụ cộng đồng.
2) Cơ bản hạch toán được các nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, nâng tỷ lệ đóng góp
không dưới 20% tổng thu ngân sách và không dưới 30% GDP.
3) Giảm số vụ khiếu kiện, khiếu nại, các vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường
xuống mức bằng 50% của năm 2010.
4) Bảo đảm các điều kiện cần thiết về tài nguyên và môi trường phục vụ chính sách an
ninh năng lượng, an ninh lương thực, an sinh xã hội và phát triển bền vững đất nước.
IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
1. Định hướng chung
Phát triển ngành tài nguyên và môi trường chính quy và hiện đại trên cơ sở xây dựng hệ
thống thể chế đồng bộ, hiệu quả và đẩy mạnh cải cách hành chính. Đưa công tác quản lý
tài nguyên và bảo vệ môi trường lên ngang tầm với các nước trong khu vực. Đảm bảo các
nguồn lực tự nhiên và bảo vệ môi trường phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan
trắc và dự báo về tài nguyên và môi trường. Hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch và
cơ chế chứng nhận quyền sử dụng, cấp phép khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nghiên cứu khắc phục các bất cập, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đưa vào áp dụng
trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường các phương thức, mô hình, công cụ quản
lý tiên tiến và hiện đại. Đẩy mạnh kinh tế hóa để nâng tầm đóng góp của ngành đối với
nguồn thu ngân sách và giá trị gia tăng của nền kinh tế.
2. Định hướng phát triển ngành trên các lĩnh vực
2.1. Đất đai
Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác giao đất, cho thuê đất,
thu hồi đất. Hiện đại hóa công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập hồ sơ
địa chính. Xây dựng hệ thống chính sách tài chính đất đai và giá cả minh bạch và hiệu
quả. Đảm bảo cân đối hài hòa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và bảo đảm an
ninh lương. Phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nghiên cứu việc giao, điều tiết đất nông nghiệp để khắc phục những bất cập trong sử
dụng đất hiện nay; vấn đề sở hữu đối với đất ở của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp với
tình hình mới; việc điều chỉnh hạn điền nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
trong tình hình mới; đổi mới, tổ chức lại việc sử dụng đất lâm trường, nông trường theo
hướng cho thuê, khoán đến hộ gia đình, cá nhân hoặc doanh nghiệp để phát huy hiệu quả
sử dụng đất ở các khu vực này.
2.2. Tài nguyên nước
Bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở quản
lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước, bảo đảm an ninh về nước cho phát triển kinh tế -
xã hội và thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng trong việc chia sẻ các nguồn nước
xuyên biên giới. Sử dụng tiết kiệm và tăng hiệu quả kinh tế trong sử dụng tài nguyên
nước. Coi nước là tài sản quan trọng quốc gia và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong
quản lý tài nguyên nước. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các nguồn nước.
2.3. Địa chất và khoáng sản
Khẳng định Việt Nam là nước giàu về tài nguyên khoáng sản và tập trung nguồn lực cho
công tác điều tra, thăm dò tài nguyên khoáng sản. Tổ chức công nghiệp khai thác, chế
biến khoáng sản quy mô lớn, phát triển mạnh các ngành khai thác, chế biến khoảng sản
bauxit, ti - tan, than, đất hiếm, urani. Tập trung hoá trách nhiệm quản lý khoáng sản bảo
đảm khai thác, sử dụng có chiến lược và hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo này và
đẩy mạnh công tác bảo vệ khoáng sản. Tổ chức đấu thầu các dự án khai thác khoáng sản
và đẩy mạnh kinh tế hoá khai thác khoáng sản.
2.4. Môi trường
Coi trọng yếu tố môi trường trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển ngành, lĩnh vực, vùng,
miền. Hạn chế phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi
trường. Đẩy mạnh phòng ngừa, không để phát sinh thêm các nguồn gây ô nhiễm môi
trường mới, đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các dự án
đầu tư xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới.
Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước trước
năm 2015. Đẩy mạnh giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhằm giảm tối đa lượng
chất thải phải xử lý, tiêu huỷ hoặc chôn lấp. Thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm, cải
thiện chất lượng môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái nặng. Chú trọng công
tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo đảm cân bằng sinh thái ở mức ổn định.
2.5. Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu
Xây dựng và phát triển ngành KTTV theo hướng hiện đại và đồng bộ để có đủ năng lực
dự báo KTTV phục vụ yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển
kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đưa trình độ khoa học công nghệ KTTV
nước ta đạt mức tiên tiến của khu vực Đông Nam Á.
Xây dựng các kịch bản có cơ sở khoa học và đáng tin cậy. Đảm bảo các chiến lược, quy
hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư tích hợp được các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
2.6. Đo đạc và bản đồ
Phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt nam trở thành một ngành điều tra cơ bản có trình
độ khoa học công nghệ hiện đại ngang tầm với khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến
trên thế giới phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát
triển kinh tế - xã hội.
2.7. Biển và hải đảo
Bảo đảm tài nguyên và môi trường biển được quản lý tổng hợp và thống nhất theo hướng
tăng cường và đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc để hiểu rõ hơn và chính xác
hơn về biển. Sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển để đến năm 2020,
phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững
chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng trong sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước.
V. CÁC ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC
1. Điều tra, quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường phục vụ công
tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cộng đồng.
2. Hình thành phương pháp, xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi
trường và cung cấp các dự báo về tài nguyên, môi trường, khí hậu phục vụ phát triển kinh
tế - xã hội.
3. Bảo đảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hiệu quả,
bảo vệ môi trường và thúc đẩy an sinh xã hội để phát triển bền vững đất nước.
VI. CÁC GIẢI PHÁP CHUNG
1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường theo hướng thống nhất,
đồng bộ, hợp lý và khả thi.
2. Đẩy mạnh kinh tế hoá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đẩy mạnh đóng
góp nhiều hơn cho các giá trị gia tăng của nền kinh tế và thu ngân sách nhà nước.
3. Cải cách hành chính mạnh mẽ để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý
nhà nước về tài nguyên và môi trường
4. Tăng cường phối hợp liên ngành và thúc đẩy xã hội hoá để phát huy sức mạnh của toàn
xã hội trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
5. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về tài
nguyên và môi trường.
6. Đa dạng hoá các nguồn đầu tư và tăng chi từ ngân sách cho ngành tài nguyên và môi
trường.
7. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý tài
nguyên và bảo vệ môi trường
8. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

VIỆN CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH


TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

You might also like